CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY CHOÁNG VÁNG
Choáng váng, chóng mặt và mất thăng bằng là các triệu chứng phổ biến được những người thành niên báo cáo trong khi đi khám bác sĩ. Tất cả các triệu chứng này có thể bắt nguồn từ một rối loạn tiền đình ngoại vi (các cơ quan kiểm soát thăng bằng của tai trong [inner ear] bị suy giảm chức năng hoạt động) hoặc rối loạn tiền đình trung ương (một hoặc nhiều bộ phận của hệ thần kinh trung ương giúp xử lý các thông tin về thăng bằng và định hướng trong không gian bị suy giảm chức năng hoạt động). Mặc dù 3 triệu chứng này có thể được kết nối bởi một nguyên nhân chung, nhưng chúng có các ý nghĩa khác nhau, và việc mô tả chúng một cách chính xác có thể nói lên sự khác biệt giữa việc chẩn đoán thành công và việc chẩn đoán sai lệch. Choáng váng là một cảm giác đầu bị quay cuồng, muốn xỉu, hoặc không đứng vững. Khác với tình trạng choáng váng, chóng mặt có yếu tố quay vòng, và cảm thấy bản thân hoặc những vật xung quanh chuyển động. Mất thăng bằng chỉ đơn thuần là không đứng vững, mất cân bằng, mất đi sự thăng bằng và thường đi kèm với tình trạng mất định hướng trong không gian (spatial disorientation).
Hầu như mọi người đều gặp phải hiện tượng mất định hướng trong không gian trong vòng vài giây ở một thời điểm nào đó. Ví dụ, khi một người xem phim 3-D ở rạp chiếu phim, và trong khoảnh khắc người này nhận thấy bị ảo giác về chuyển động hoặc rơi tự do khi các hình ảnh vụt qua. Tuy nhiên, những cơn chóng mặt thường xảy ra – cho dù kéo dài vài giây hoặc vài ngày – cũng là một dấu hiệu quan trọng của rối loạn suy giảm chức năng tiền đình, đặc biệt khi có liên quan đến các thay đổi về vị trí của đầu. Ngược lại, choáng váng có thể là một dấu hiệu quan trọng cho thấy bị rối loạn tiền đình bên cạnh một chuỗi các rối loạn về tim mạch, thần kinh, chuyển hóa, thị giác, và tâm lý. Cũng có khả năng là bệnh nhân có thể có những vấn đề phối hợp, chẳng hạn như rối loạn tiền đình thoái hóa cùng với tình trạng suy giảm thị lực như đục thủy tinh thể (cataract) hoặc một rối loạn thần kinh như đột quỵ (tai biến mạch máu não).
Bởi vì có nhiều nguyên nhân có thể gây ra choáng váng, cho nên việc chẩn đoán chính xác có thể sẽ mất nhiều thời gian và gây chán nản.
Hiện Tượng Choáng Váng Có Thể Do Các Rối Loạn Tiền Đình Gây Ra
Cơ thể giữ thăng bằng nhờ các thông tin cảm giác từ 3 hệ thống:
- Thị giác
- Các bộ phận nhận cảm xúc giác ở bàn chân, phần thân, và cột sống
- Hệ thống tiền đình (tai trong)
Các thông tin cảm giác nhập vào từ 3 hệ thống này phối hợp với nhau và được thân não xử lý. Để đáp ứng lại, các tín hiệu phản hồi được gửi đến mắt để giúp duy trì thị lực ổn định và gửi đến các cơ để giúp duy trì tư thế và giữ thăng bằng.
Hệ thống tiền đình khỏe mạnh cung cấp phần lớn các thông tin đáng tin cậy về khả năng định hướng trong không gian. Các tín hiệu tổng hợp từ thị giác hoặc xúc giác thường có thể được cảm nhận. Khi ngồi trong một chiếc xe hơi ở đoạn chờ xe lửa, việc nhìn thấy một chiếc xe lửa chạy qua có thể tạo ra một cảm giác bị cuốn đi hoặc di chuyển, và tấm thảm lót sàn xe dưới chân có thể tạo ra một cảm giác trôi nổi bồng bềnh. Tuy nhiên, việc cân bằng những rối loạn của hệ thống tiền đình lại càng gây trở ngại thêm.
Giống như vị chánh án tại tòa phải xem xét các chứng cứ của hai bên nguyên cáo và bị cáo, hệ thống tiền đình có vai trò như người quyết định bên thắng cuộc (tie-breaker) giữa các dạng thông tin cảm giác đối nghịch nhau. Khi hệ thống tiền đình bị suy giảm chức năng hoạt động, thì nó không còn khả năng giúp giải quyết vào những thời điểm xuất hiện các thông tin cảm giác đối nghịch nhau, dẫn đến các triệu chứng như choáng váng, chóng mặt, và mất thăng bằng.
Các Rối Loạn Tiền Đình Cụ Thể
Chấn thương đầu, lão hóa, và nhiễm virut là các nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giảm chức năng tiền đình. Các chứng bệnh khác, cũng như các yếu tố môi trường và di truyền, cũng có thể gây ra hoặc góp phần gây ra các rối loạn tiền đình. Các nguyên nhân gây choáng váng liên quan đến tình trạng suy giảm chức năng của hệ thống tiền đình được liệt kê dưới đây:
1.U dây thần kinh thính giác (acoustic neuroma) là một khối u lành tính phát triển ở dây thần kinh ốc tai-tiền đình.
2. Bệnh tai trong tự miễn dịch (autoimmune inner ear disease) xảy ra khi khả năng phòng thủ của hệ miễn dịch hoạt động không bình thường, gây hại cho các tế bào của cơ thể, mà các tế bào này ảnh hưởng đến tai. Các khả năng chẩn đoán bệnh cụ thể bao gồm hội chứng Cogan (Cogan syndrome), viêm u hạt Wegener (Wegener’s granulomatosis), bệnh luput hệ thống (systemic lupus), hội chứng Sjogren, và viêm thấp khớp (rheumatoid arthritis), cũng như các chứng bệnh khác.
3. Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (benign paroxysmal positional vertigo – BPPV) là một tình trạng do thạch nhĩ (otoconia) rời ra tích lũy bên trong một phần của tai trong. Bên cạnh chấn thương đầu, rối loạn BPPV có thể xảy ra do hiện tượng thoái hóa của các tế bào lông ở tai trong (inner ear) trong quá trình lão hóa tự nhiên.
4. Choáng váng do đau cổ (cervicogenic dizziness) là một hội chứng lâm sàng gây mất thăng bằng và mất định hướng ở các bệnh nhân bị các vấn đề ở cổ, bao gồm chấn thương cổ, viêm khớp cổ, và các rối loạn khác.
5. U cholesterol (cholesteatoma) là một u nang xuất hiện ở tai giữa sau màng nhĩ.
6. Phì đại cống tiền đình (enlarged vestibular aqueduct) chứa ống dẫn nội dịch tai trong (endolymphatic duct), ống nội dịch này được nối với túi nội dịch. Chức năng hoạt động của ống dẫn và túi này bị ảnh hưởng khi ống dẫn tiền đình trở nên phình to hơn bình thường.
7. Viêm cấu trúc xoắn tai trong (labyrinthitis) và viêm dây thần kinh tiền đình (vestibular neuritis) là những tình trạng viêm do nhiễm virut, mà các rối loạn này có thể gây tổn thương đến khả năng nghe và chức năng tiền đình (viêm cấu trúc xoắn ở tai trong) hoặc chỉ tổn thương đến chức năng tiền đình (viêm dây thần kinh tiền đình).
- Ảo giác chuyển động (Mal de débarquement) là một cảm giác đung đưa hoặc chuyển động kéo dài sau khi đi tàu du lịch hoặc các hình thức du lịch khác.
- Bệnh Ménière (Ménière’s disease), hoặc phù tích nội dịch nguyên phát (primary endolymphatic hydrops), bao gồm các bất thường về số lượng, thành phần, hoặc áp suất của nội dịch ở tai trong. Đây là một chứng bệnh có mức độ gia tăng.
- Các thay đổi về áp suất ở tai giữa, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc dị ứng, có thể do tình trạng sưng ở ống Eustachian hoặc do sự hiện diện của dịch trong tai giữa gây ra.
- Chóng mặt có liên quan đến đau nửa đầu (migraine associated vertigo – MAV) thường có đặc điểm đau đầu với các triệu chứng liên quan đến rối loạn tiền đình chẳng hạn như choáng váng, say tàu xe, chóng mặt tự phát, mẫn cảm với ánh sáng và âm thanh, ù tai, mất thăng bằng, và mất định hướng trong không gian.
- Nhiễm trùng tai giữa (otitis media) là một tình trạng nhiễm khuẩn ở tai giữa, và viêm màng não (meningitis) là một tình trạng nhiễm khuẩn ở màng não mà có thể lây lan đến tai trong.
- Chứng xơ cứng tai (otosclerosis) là tình trạng xương phát triển không bình thường ở tai giữa, tình trạng này làm cho các cấu trúc bên trong tai giữa và tai trong họat động không đúng chức năng.
- Nhiễm độc tai (ototoxicity) do tiếp xúc với một số loại thuốc hoặc chất hóa học (ví dụ, các loại thuốc kháng thể nhóm aminoglycoside truyền qua tĩnh mạch) gây tổn thương đến các tế bào thần kinh lông tai trong hoặc dây thần kinh ốc tai tiền đình.
- Lỗ rò ngoại dịch (perilymph fistula), do chấn thương gây ra, là tình trạng cửa sổ tròn bị rách hoặc bị sai hỏng, cửa sổ này là những màng mỏng nhỏ cách ly tai giữa với tai trong chứa đầy dịch.
- Nứt ống trên (superior canal dehiscence) là một lỗ hở ở xương nằm chồng lên ống bán nguyệt trên cùng (uppermost semicircular canal) bên trong tai trong.
- Phù tích nội dịch thứ phát (secondary endolymphatic hydrops) bao gồm các bất thường về số lượng, thành phần, hoặc áp suất của nội dịch tai trong.
- Đè mạch của dây thần kinh tiền đình (vascular compression of the vestibular nerve) là sự kích thích khu vực tiền đình của dây thần kinh ốc tai tiền đình bởi 1 mạch máu.
Các Nguyên Nhân Gây Choáng Váng Không Liên Quan Đến Hệ Thống Tiền Đình
Hiện tượng choáng váng có thể liên quan đến một loạt các vấn đề và thường gắn liền với các rối loạn tuần hoàn bắt nguồn từ các chứng bệnh về tim mạch. Các nguyên nhân gây choáng váng không liên quan đến hệ thống tiền đình được liệt kê dưới đây:
- Một chỗ phình mạch (aneurysm) là một điểm yếu ở thành động mạch, nở phồng ra và cho phép máu rò rỉ vào các thành mạch. Phình mạch là một sự kiện bệnh lý nguy hiểm mà nó có thể gây choáng váng nghiêm trọng và gây khó khăn trong việc đi bộ.
- Loạn nhịp tim (arrhythmia) có thể làm cho lưu lượng máu chảy đến não bị giảm xuống, làm cho bệnh nhân bị xỉu (ngất) hoặc có cảm giác muốn xỉu.
- Xơ vữa động mạch (atherosclerosis) là tình trạng xơ cứng hoặc thu hẹp đường kính của các động mạch. Ở những người lớn tuổi bị cao huyết áp, thỉnh thoảng có các mảng vữa tích tụ bên trong các động mạch. Hiện tượng này làm cho phần bên trong của các động mạch bị thu hẹp lại, do đó ngăn cản dòng chảy của máu. Di truyền có thể là một yếu tố góp phần gây ra tình trạng bệnh lý này.
- Phản xạ xoang cảnh (carotid sinus reflex) hoạt động rất nhanh nhạy ở những người trẻ tuổi, nhưng đối với những người cao tuổi, phản xạ này thỉnh thoảng trở nên chậm hơn rất nhiều, đặc biệt đối với những người có các vấn đề về tuần hoàn máu. Xoang cảnh (carotid sinus) rất nhạy cảm với những hạ giảm về huyết áp ở động mạch cảnh. Khi huyết áp giảm xuống, phản xạ này làm cho các mạch máu ở các chi dưới bị thu hẹp lại đồng thời mở rộng các mạch máu ở đầu để duy trì huyết áp bình thường ở đầu, nhằm cung cấp đầy đủ máu cho não.
- Tình trạng van tim bị sai hỏng (defective heart valve) thường liên quan đến van động mạch chủ, mà khi ngưng hoạt động (thu hẹp động mạch chủ) sẽ làm cho lưu lượng máu bình thường không thể chảy đến não.
- Tình trạng mất nước (dehydration) có thể tạo ra cảm giác quay cuồng hoặc té ngã do tác động lên nhiều hệ thống.
- Những người bị viêm khớp thoái hóa (degenerative arthritis) cột sống nghiêm trọng có thể phát sinh các gai xương, các gai xương này có thể đè lên các động mạch đốt sống, vì thế ảnh hưởng đến nguồn cung cấp máu cho não.
- Tình trạng nghẽn mạch có thể xảy ra khi một vật gây nghẽn mạch (embolus), hoặc huyết khối, hình thành xung quanh một van tim mà van tim này bị sai hỏng, hoặc huyết khối được phóng thích vào các động mạch dẫn đến não, gây ra đột quỵ (tai biến mạch máu não). Các tác động của một cơn đột quỵ có thể bao gồm hiện tượng choáng váng tạm thời. Tuy nhiên, nếu vật gây nghẽn mạch di chuyển đến hệ thống tiền đình, thì nó có thể gây choáng váng nghiêm trọng.
- Một cơn nhồi máu cơ tim hiếm khi gây ra choáng váng; khi xảy ra hiện tượng choáng váng, thì tình trạng thiếu máu ở não chính là nguyên nhân.
- Tăng hô hấp (hyperventilation) là tình trạng khi lượng CO2 bị thải ra nhiều hơn bình thường. Khi hiện tượng này xảy ra, mức CO2trong máu giảm xuống và ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các tế bào não, gây ra choáng váng tạm thời.
- Một số loại thuốc, bao gồm một số loại thuốc bác sĩ kê toa và không cần toa bác sĩ, có thể gây choáng váng tạm thời.
- Các rối loạn của hệ thần kinh chẳng hạn như các chứng bệnh thần kinh ngoại vi (peripheral neuropathy: suy giảm chức năng thần kinh ở chân hoặc bàn chân) và đa xơ cứng (multiple sclerosis) có thể gây ra tình trạng mất thăng bằng.
- Hạ huyết áp tư thế (orthostatic hypotension) thường phổ biến ở người cao tuổi, đặc biệt ở những người có các vấn đề về tuần hoàn máu và bệnh tiểu đường (đái tháo đường). Khi một người có huyết áp thấp và có hiện tượng máu tích tụ ở phần dưới của cơ thể trong lúc ngồi hoặc nằm, thì hành động đứng lên nhanh có thể gây choáng váng và xỉu. Thông thường, các phản xạ của cơ thể sẽ điều chỉnh để phù hợp với những thay đổi về tư thế như vậy. Tuy nhiên, khi các rối loạn về tuần hoàn máu làm sai hỏng các cơ chế thích nghi này, thì hiện tượng xỉu sẽ xảy ra.
- Viêm xương khớp (osteoarthritis) là một chứng bệnh về khớp, chứng bệnh này có thể làm thu hẹp miệng các đốt sống ở cổ, đây là nơi các mạch máu chạy qua. Tình trạng tắc nghẽn các động mạch đốt sống sẽ làm cho nguồn cung cấp máu đến đáy hoặc thân não bị thiếu hụt – thân não là khu vực kiểm soát các thông tin về sự thăng bằng của cơ thể. Do đó gây ra các triệu chứng bị choáng váng và quay cuồng. Tình trạng này được đặt tên là thiếu hụt nền đốt sống (vertebral basilar insufficiency). Nếu tình trạng thu hẹp động mạch này xảy ra từng bước theo thời gian, thì các động mạch khác có thể bị phình to và đảm nhiệm thêm chức năng của các mạch máu bị ảnh hưởng. Hiện tượng bệnh lý này, được gọi là sự phát triển của một nguồn cung cấp máu phụ (development of a collateral blood supply), không thể xảy ra nếu tình trạng thu hẹp động mạch xảy ra một cách đột ngột (ví dụ, một vật nghẽn mạch chặn đứng hoàn toàn nguồn cung cấp máu). Trong các trường hợp này, bệnh nhân có thể bị tử vong do đột quỵ (tai biến mạch máu não).
- Stress, sự căng thẳng, hoặc mệt mỏi có thể làm cho thân não (brainstem) hoạt động kém hiệu quả hơn, dẫn đến tình trạng mất kiểm soát một số phản xạ tự động về sự thăng bằng. Điều này sẽ làm tăng hoạt động của vỏ não (cerebral cortex) nhằm giúp duy trì sự thăng bằng qua việc kiểm soát các chuyển động cơ tự động. Hiện tượng quay cuồng và mất thăng bằng có thể xảy ra.
- Các rối loạn lo âu (anxiety disorder). Một số rối loạn lo âu, chẳng hạn như những cơn hốt hoảng và nỗi sợ rời xa gia đình hoặc sự sợ hãi ở những khoảng không rộng lớn (agoraphobia), có thể gây choáng váng. Thỉnh thoảng một nguyên nhân duy nhất – chẳng hạn như một dạng rối loạn tiền đình – có thể tạo ra các triệu chứng, nhưng sự lo âu có thể gây choáng váng kéo dài thậm chí cho đến sau khi vấn đề ở tai trong đã được giải quyết.
- Một khối u có thể ảnh hưởng đến thân não, tiểu não(cerebellum: trung tâm phối hợp của não), hoặc một phần của võ não có chức năng kiểm soát các chuyển động cơ tự động.
- Hội chứng phế vị huyết quản (vasovagal syndrome) là một phản ứng của hệ thần kinh, làm cho cơ ở các mạch máu ngoại vi bị mất độ rắn chắc một cách đột ngột.
- Các rối loạn về thị giác có thể xảy ra khi một người điều chỉnh để có thể nhìn thấy kính hai tròng(bifocals) hoặc một loại kính cận (viễn) khác, hoặc phải điều chỉnh cho phù hợp với thị lực bị giảm do bị bệnh đục thủy tinh thể (cataracts: bệnh đục nhân mắt).
- Thiếu chất sắt (anemia: chứng thiếu máu). Các dấu hiệu và các triệu chứng khác mà chúng có thể xảy ra cùng với tình trạng choáng váng nếu bạn bị chứng thiếu máu bao gồm mệt mỏi, đuối sức và da tái nhợt.
- Hạ huyết đường (hypoglycemia). Tình trạng bệnh lý này thường xảy ra ở những người bị bệnh tiểu đường đang sử dụng insulin. Hiện tượng choáng váng có thể đi kèm với đổ mồ hôi và rối loạn tinh thần.
Choáng Váng Do Các Rối Loạn Đa Giác Quan
Duy trì sự thăng bằng và ổn định có thể rất khó khăn khi xuất hiện nhiều vấn đề về sức khỏe. Một rối loạn tiền đình nhẹ có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi đi kèm với một vấn đề về thị lực. Khả năng điều chỉnh cho phù hợp với rối loạn tiền đình càng tăng lên khi bệnh nhân có thêm một rối loạn về nhận cảm định hướng trong không gian của cơ thể (proprioception) do bệnh tật hoặc thương tổn, và do đó có thể dẫn đến tình trạng bị choáng váng nghiêm trọng.
Nguồn bổ sung: