Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

BỆNH SÁN LÁ PHỔI.

(PARAGONIMIASIS).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

CHỨNG BỆNH CHÂN MADURA

(MADURA FOOT).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

MỘT BỘ PHẬN NGỰC GIẢ BIẾN MẤT TRONG KHI TẬP MÔN THỂ DỤC PILATES.

(DISAPPEARANCE OF A BREAST PROSTHESIS DURING PILATES).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK).

MỘT VIÊN ĐẠN NẰM TRONG ĐẦU.

(A HEAD SHOT).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

TÌNH TRẠNG MÙ SAU KHI TIÊM MỠ

(BLINDNESS AFTER FAT INJECTION)

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

BỆNH GÚT CÓ SỎI.

(TOPHACEOUS GOUT).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

BỆNH PHÌNH TRƯỚNG XƯƠNG KHỚP

(HYPERTROPHIC PULMONARY OSTEOARTHROPATHY) .

Nguồn (Source): www.nejm.org

Saturday, August 30, 2014

TIN TỨC Y HỌC - Do LQT Biên Dịch



Một nghiên cứu mới ở chó với các khối u, và thậm chí ở một bệnh nhân ung thư, cho thấy rằng tiêm trực tiếp các loại vi khuẩn đặc biệt vào các khối u có thể làm cho các khối u này nhỏ lại hoặc thậm chí có thể tiêu diệt chúng.                   








Saturday, August 23, 2014

BỆNH VIRUT EBOLA (EBOLA VIRUS DISEASE) - Do LQT Biên Dịch

I.             SỰ LÂY TRUYỀN
IV.         CHẨN ĐOÁN
V.          ĐIỀU TRỊ
VI.         NGĂN NGỪA

KIẾN THỨC TỔNG QUÁT

Các Dữ Liệu Quan Trọng

-      Bệnh virut Ebola (Ebola virus disease – EVD), trước đây được gọi là sốt xuất huyết Ebola (Ebola hemorrhagic fever), là một chứng bệnh nghiêm trọng, thường gây tử vong ở người.
-      Các đợt bùng phát bệnh virut Ebola có tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
-      Các đợt bùng phát bệnh virut Ebola xảy ra chủ yếu ở các ngôi làng hẻo lánh ở Trung và Tây Phi, gần các khu vực rừng nhiệt đới.
-      Virut này bị lây nhiễm cho người từ các động vật hoang dã và lan truyền trong cộng đồng dân cư thông qua con đường lây truyền từ người sang người.
-      Các loài dơi ăn trái cây (fruit bat) thuộc họ Pteropodidae được xem là ổ bệnh của virut Ebola.
-      Những bệnh nhân nhiễm bệnh nghiêm trọng cần được chăm sóc hỗ trợ đặc biệt.  Chưa có phương pháp điều trị cụ thể được cấp phép hoặc vắc xin hiện hành nào được sử dụng cho người hoặc động vật.

Virut Ebola là một loại virut nguy hiểm gây ra các triệu chứng đáng sợ, nổi bật nhất là sốt cao và nội xuất huyết nghiêm trọng.  Virut Ebola giết chết lên đến 90% số người bị nhiễm.  Đây là một trong những loại virut có khả năng gây ra bệnh sốt xuất huyết.


Nhiễm virut Ebola ở người là do tình cờ - con người không “mang” virut này.  Con đường trong đó virut này xuất hiện đầu tiên ở một người vào lúc bắt đầu cơn bùng phát vẫn chưa được xác định.  Tuy nhiên, người ta đưa ra giả thuyết rằng bệnh nhân đầu tiên (index case) bị nhiễm thông qua việc tiếp xúc với một động vật bị nhiễm.

Virut Ebola là một trong ít nhất 30 loại virut được biết đến có khả năng gây ra hội chứng sốt xuất huyết virut (viral hemorrhagic fever syndrome).  Mặc dù các tác nhân gây ra hội chứng sốt xuất huyết virut bao gồm một nhóm các virut đa dạng về mặt địa lý, nhưng tất cả virut được nhận dạng cho đến nay là các loại virut RNA với một vỏ bọc lipit, tất cả được xem là tác nhân gây bệnh nhiễm trùng từ động vật sang người (zoonoses), tất cả làm tổn thương vi mạch (dẫn đến hiện tượng gia tăng thẩm thấu mạch), và tất cả là thành viên của một trong bốn họ:

-      Arenaviridae
-      Bunyaviridae
-      Flaviviridae
-      Filoviridae

Mặc dù một số virut sốt xuất huyết thường bị lây truyền bởi ve bọ hoặc muỗi, nhưng tất cả ngoài một loài (sốt xuất huyết dengue) có khả năng bị lây truyền bởi không khí, và do đó làm cho các virut này trở thành các tác nhân khủng bố sinh học tiềm tàng.

Họ Filoviridae nằm trong bậc (order) Mononegavirales và chứa bộ gen lớn nhất trong bậc này.  Họ này bao gồm 2 giống (genus): Ebolavirus (chứa 5 loài) và marburgvirus (chứa một loài).

Ở các bệnh nhân bị nhiễm virut Ebola, việc tiếp xúc với virut này có thể là nguyên phát (hiện diện ở khu vực có dịch Ebolavirus địa phương) hoặc thứ phát (lây truyền từ người sang người hoặc từ vượn sang người).  Các kết quả kiểm tra tổng quát phụ thuộc vào giai đoạn bệnh tại thời điểm các triệu chứng xuất hiện.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng các bệnh nhân tử vong do nhiễm virut Ebola không phát sinh đáp ứng miễn dịch thể dịch.  Tuy nhiên, ở những người sống sót kháng thể trung hòa có thể được phát hiện.  Có khả năng là một đáp ứng miễn dịch thể dịch trên diện rộng có thể làm cho bệnh nhân bị nhiễm Ebola gia tăng khả năng sống sót.

Hiện tại, chưa có trị liệu cụ thể nào chứng minh có hiệu quả trong việc điều trị bệnh sốt xuất huyết Ebola, và chưa có loại vắcxin virut Ebola nào được lưu hành.  Việc hỗ trợ y tế là hết sức quan trọng.  Việc chăm sóc phải được tiến hành bằng phương pháp cách ly rào chắn (barrier isolation) nghiêm ngặt.  Vì nguồn phát sinh virut Ebola không được rõ ràng, cho nên vấn đề giáo dục và phòng tránh các trường hợp nguyên phát gặp nhiều khó khăn.  Việc giáo dục các cộng đồng có nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt các nhân viên chăm sóc y tế, có thể giúp giảm đáng kể con số các trường hợp nhiễm bệnh từ người sang người.

Đợt bùng phát virut Ebola đã khiến Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) ban hành tình trạng cảnh báo cấp 2 (level 2 advisory) cho vấn đề đi du lịch sang Sierra Leone, Guinea, và Liberia, đề nghị các du khách đang có ý định đi đến những khu vực địa lý này nên tăng cường phòng ngừa, bao gồm việc tránh tiếp xúc với máu và các dịch trong cơ thể của những người bị nhiễm.

Virut Ebola xuất hiện đầu tiên vào năm 1976 trong 2 đợt bùng phát cùng lúc ở Nzara, Sudan, và Yambuku, Cộng Hòa Công Gô. Đợt bùng phát sau xuất hiện ở một ngôi làng nằm gần Sông Ebola, từ đó căn bệnh này được đặt tên như vậy.

Giống Ebolavirus là một trong 3 thành viên của họ Filoviridae (filovirus), cùng với giống Marburgvirus và giống Cuevavirus.  Giống Ebolavirusbao gồm 5 loài đặc thù:

-      Bundibugyo ebolavirus (BDBV)
-      Zaire ebolavirus (EBOV)
-      Reston ebolavirus (RESTV)
-      Sudan ebolavirus (SUDV)
-      Taï Forest ebolavirus (TAFV).

BDBV, EBOV, và SUDV được xem có liên quan đến các đợt bùng phát bệnh virut Ebola quy mô lớn ở Châu Phi, trong khi đó RESTV và TAFV không có liên quan.  Loài RESTV, từng được tìm thấy ở Phi Luật Tân (Philippines) và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, có thể nhiễm cho người, nhưng cho đến nay chưa có trường hợp bệnh hoặc tử vong ở người do nhiễm loài này được báo cáo.

Bệnh virut Ebola là một trong vô số các bệnh Sốt Xuất Huyết Virut.  Đây là một chứng bệnh nghiêm trọng, thường gây tử vong ở người và các loài vượn (chẳng hạn như khỉ, khỉ đột, và con tinh tinh). (Trở về đầu trang)


SỰ LÂY TRUYỀN

Virut Ebola bị lây nhiễm khi tiếp xúc với máu, phân, hoặc dịch trong cơ thể của người bị nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp với virut này, chẳng hạn như trong phòng xét nghiệm.  Mọi người đều có thể bị nhiễm virut Ebola nếu tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chất tiết ra từ cá nhân bị nhiễm bệnh.  Đây là lý do tại sao virut này thường bị lây lan trong các gia đình và bạn bè của những người bị nhiễm: trong quá trình nuôi bệnh, nắm (giữ), hoặc chăm sóc cho họ, các thành viên trong gia đình và bạn bè thường tiếp xúc trực tiếp các chất tiết ra từ cơ thể.  Nhiều người cũng có thể bị nhiễm virut Ebola khi tiếp xúc với các vật chẳng hạn như kim tiêm bị ô nhiễm các chất tiết ra từ người bị nhiễm.

Thời gian ủ bệnh (incubation period) – khoảng thời gian từ khi tiếp xúc với virut cho đến lúc xuất hiện các triệu chứng – là khoảng từ 2 đến 21 ngày. 

Virut Ebola xuất hiện trong cộng đồng con người thông qua sự tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết ra, các cơ quan hoặc các dịch cơ thể của những động vật bị nhiễm.  Ở Châu Phi, tình trạng nhiễm trùng được dẫn chứng bằng tư liệu thông qua tiếp xúc trực tiếp các loài tinh tinh (chimpanzee), khỉ đột (gorillas), dơi ăn trái cây, khỉ, linh dương rừng (forest antelope) và các loài nhím bị bệnh hoặc chết hoặc ở trong rừng nhiệt đới.

Sau đó virut Ebola lây lan trong cộng đồng dân cư do truyền từ người sang người, với sự nhiễm trùng do tiếp xúc trực tiếp (qua da bị rách hoặc màng nhầy) với máu, các chất bài tiết, cơ quan hoặc các dịch cơ thể khác của những người bị nhiễm, và tiếp xúc gián tiếp với các môi trường bị ô nhiễm với những chất dịch đó.  Các nghi thức chôn cất trong đó những người than khóc tiếp xúc với thi hài của người chết cũng có thể góp phần gây truyền nhiễm virut Ebola.  Những bệnh nhân hồi phục khỏi căn bệnh này vẫn có thể lây truyền virut qua tinh dịch của họ lên đến 7 tuần sau khi hồi phục.

Những nhân viên chăm sóc sức khỏe thường bị lây nhiễm trong khi điều trị các bệnh nhân bị nghi ngờ hoặc được chứng thực bị bệnh virut Ebola.  Tình trạng lây nhiễm này xảy ra thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân khi các biện pháp phòng ngừa kiểm soát nhiễm trùng không được chấp hành một cách nghiêm túc.

Vì các chuyên gia vẫn chưa chứng minh được ổ bệnh tự nhiên của các loài ebolavirus, cho nên cách thức virut này đầu tiên xuất hiện ở người vào lúc bắt đầu đợt bùng phát vẫn còn là một ẩn số quan trọng.  Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm bệnh thông qua sự tiếp xúc với một động vật bị nhiễm virut này.

Khi tình trạng nhiễm trùng thực sự xảy ra ở con người, virut này có thể bị lây truyền cho những người khác theo nhiều con đường, bao gồm:

-      tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chất bài tiết của cá nhân bị nhiễm
-      chạm vào các vật (chẳng hạn như kim tiêm) đã bị ô nhiễm với các chất bài tiết bị nhiễm

Các virut gây bệnh virut Ebola thường được lan truyền trong gia đình và bạn bè vì họ tiếp xúc trực tiếp với các chất bài tiết truyền nhiễm khi chăm sóc cho những người bị mắc bệnh.

Trong thời gian xảy ra những đợt bùng phát bệnh virut Ebola, căn bệnh này có thể lây lan rất nhanh trong các môi trường chăm sóc sức khỏe (chẳng hạn như chẩn y viện hoặc bệnh viện).  Tiếp xúc với các loại ebolavirus có thể xảy ra trong các môi trường chăm sóc sức khỏe, ở đó đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe không mang các thiết bị bảo vệ thích đáng, chẳng hạn như khẩu trang (mask), áo choàng, và bao tay.

Vệ sinh và loại bỏ các thiết bị một cách hợp lý, chẳng hạn như kim tiêm và ống chích, cũng là vấn đề rất quan trọng.  Nếu các thiết bị không được vứt bỏ, thì chúng phải được khử trùng trước khi được sử dụng trở lại.  Nếu không khử trùng đầy đủ các thiết bị, virut có thể tiếp tục lây lan và bùng phát mạnh hơn.

Những trường hợp nhiễm filovirus bắt nguồn ở Châu Phi có đặc điểm là lây truyền từ một nguồn không rõ ràng (có lẽ là các loài dơi) sang người hoặc các động vật linh trưởng (primate), được cho là thông qua tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch trong cơ thể chẳng hạn như nước bọt hoặc máu hoặc các mô bị nhiễm.  Chứng cứ ở các động vật linh trưởng cho thấy rằng Sudan ebolavirusZaire ebolavirus có thể bị lây truyền do tiếp xúc với các màng nhầy (mucous membrane), màng kết, các bề mặt ở họng và đường tiêu hóa; qua các vết rách nhỏ ở da; và ít nhất theo thử nghiệm, qua không khí.

Các loài chó được chứng minh có thể mắc phải tình trạng nhiễm virut Ebola không triệu chứng, có lẽ do tiếp xúc với giọt nước tiểu, phân, hoặc máu chứa đầy virut của những ổ bệnh không rõ ràng.  Trong số ý nghĩa về dịch tễ học là sự quan sát cho thấy tỷ lệ các trường hợp nhiễm bệnh ở các loài chó đã gia tăng theo phương trình tuyến tính khi thu thập mẫu các khu vực được tiếp cận của các trường hợp bệnh ở người, có thể lên đến 31,8%.  Do đó, sự gia tăng tỷ lệ nhiễm bệnh ở chó có thể là một dấu chỉ cho thấy sự gia tăng về khả năng lưu hành của virut Ebola trong các tác nhân gây bệnh bên trong các khu vực địa lý cụ thể.

Trường hợp nhiễm các chủng virut bắt nguồn từ Châu Phi thường xảy ra ở những người chăm sóc bệnh (gia đình hoặc y tế) và trong các thành viên gia đình, những người này đã tẩm liệm những người thân bị chết.  Các giai đoạn sau của bệnh virut Ebola có liên quan với sự hiện diện của một số lượng lớn các phần tử virut (virion) trong các dịch cơ thể, mô, và đặc biệt ở da.  Những cá nhân tiếp xúc với các bệnh nhân bị nhiễm virut Ebola nếu không được bảo vệ che chắn hợp lý sẽ có nhiều nguy cơ bị nhiễm.

Một báo cáo từ nước Cộng Hòa Công Gô đã xác định RNA của virut Ebola trong 100% các chất tiết ra ở miệng từ các bệnh nhân có RNA virut trong huyết thanh của họ.  Cả huyết thanh và các chất tiết ra từ miệng đều được kiểm tra với xét nghiệm RT-PCR (reverse-transcriptase polymerase chain reaction).  Do đó, các chất tiết ra từ miệng có thể có khả năng truyền virut Ebola.

Đợt bùng phát đầu tiên được ghi nhận xảy ra vào năm 1976 ở Yambuku, Cộng Hòa Công Gô, ở đây đã có 316 bệnh nhân bị nhiễm.  Trong đợt bùng phát ở đô thị được ghi nhận cho đến nay (Cộng Hòa Công Gô, 1995; 318 trường hợp), sự nhập viện của bệnh nhân đã làm tăng nghiêm trọng tần suất lây truyền.  Không bảo vệ che chắn thích đáng và việc sử dụng cũng như tái sử dụng thiết bị y tế bị nhiễm, đặc biệt kim tiêm và ống chích, sẽ dẫn đến tình trạng lây lan nhiễm trùng ở bệnh viện.  Chỉ sau khi được bảo vệ che chắn đầy đủ và thay đổi trong các nghi thức chôn cất được thực hiện đầy đủ thì đợt bùng phát mới được ngăn chặn.

Trong số những nhân viên tiếp xúc với khỉ hoặc heo bị nhiễm Reston ebolavirus, một vài trường hợp nhiễm bệnh được ghi lại ở những người không có các triệu chứng lâm sàng.  Do đó, RESTV xem ra ít có khả năng gây bệnh ở người hơn so với các loài Ebola khác.

Không giống như virut Ebola bắt nguồn từ Châu Á (Reston ebolavirus, dò theo nguồn cung cấp các động vật linh trưởng ở Phi Luật Tân), các loài bắt nguồn từ Châu Phi dường như lây lan thường xuyên hơn khi tiếp xúc trực tiếp theo đường hô hấp.  Tuy nhiên, loài Reston đã được chứng minh có khả năng lây lan trong số các động vật linh trưởng và có lẽ từ các động vật linh trưởng sang người theo đường hô hấp.  Điều may mắn là, mặc dù loài Reston đã được ghi nhận có khả năng nhiễm cho người, nhưng xem ra loài này không phát sinh bệnh ở người.

Tuy nhiên, chứng cứ hiện tại duy nhất đến từ những người đàn ông khỏe mạnh.  Còn quá sớm để ngoại suy các tác động đến sức khỏe của virut này đối với các nhóm dân cư, chẳng hạn như những người bị suy giảm miễn dịch, những người có các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, phụ nữ mang thai và trẻ em.  Cần thêm nhiều nghiên cứu về RESTV trước khi rút ra các kết luận sau cùng về khả năng gây bệnh (pathogenicity) và tính lây nhiễm của virut này ở con người. (Trở về đầu trang)

SINH LÝ BỆNH HỌC VÀ CÁC NGUYÊN NHÂN

Siêu Cấu Trúc và Sinh Bệnh Học (Pathogenesis)

Các thành viên của họ Filoviridae được biết đến là loài Ebolavirus (virut Ebola) và Marburgvirus (virut Marburg).  Theo nguyên tắc phân loại virut 2012 của Ủy Ban Quốc Tế về Phân Loại Virut (2012 virus taxonomy of the International Committee on Taxonomy of Viruses), Ebolavirus được chia ra thành 5 loài riêng biệt sau đây:

-      Sudan Ebolavirus
-      Zaire ebolavirus
-      Tai Forest ebolavirus (trước đây và có lẽ vẫn còn thường được gọi là Ivory Coast ebolavirus hoặc Côte d’lvoire ebolavirus)
-      Reston ebolavirus
-      Bundibugyo ebolavirus

Các filovirus chẳng hạn như virut Ebola có chung một hình dạng sợi đặc thù, với đường kính không thay đổi vào khoảng 80 nm nhưng có chiều dài thay đổi rất khác nhau.  Các sợi nhỏ có thể có hình dạng thẳng, nhưng chúng thường cuộn lại với nhau.

Virut Ebola có một bộ gen RNA chuỗi âm không phân đoạn bao gồm 7 gen chức năng và kiểm soát (structural genes and regulatory genes).  Bộ gen của virut Ebola viết mã cho bốn protein cấu trúc của phần tử virut (VP30, VP35, nucleoprotein, và một polymerase protein [L]) và 3 protein liên quan đến màng (VP40, glycoprotein [GP], và VP24).  Gen GP nằm ở vị trí thứ tư tính từ đầu 3’ của 7 gen được sắp xếp theo đường thẳng.

Sau khi bị nhiễm virut, con người và các động vật linh trưởng sẽ gặp phải tình trạng phân chia rất nhanh của virut mà, trong các trường hợp gây chết người, bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch không hiệu quả.  Mặc dù phải chờ thêm những cuộc điều tra đang được tiến hành để hiểu rõ hoàn toàn về bệnh virut Ebola, nhưng một phần về khả năng phát sinh bệnh của virut này đã được làm sáng tỏ.

Đa số các protein của loài filovirus được mã hóa trong các khung đọc (reading frame) đơn lẻ; gen GP bề mặt được mã hóa trong 2 khung (khung đọc mở [ORF] I và khung đọc mở II).  Khung đọc mở ORF I (đầu amin) của gen này mã hóa cho một glycoprotein (sGP) bài tiết không cấu trúc, hòa tan, kích cỡ nhỏ (50 – 70 kd, kd: kilodalton), được sản sinh với số lượng lớn trong thời gian đầu trong quá trình nhiễm virut Ebola.

Protein sGP liên kết với bạch cầu trung tính CD16b, một thụ thể III Fc gamma trên bạch cầu trung tính (neutrophil-specific Fc g receptor III), và ngăn chặn sự kích hoạt bạch cầu trung tính lúc ban đầu.  Protein sGP cũng có thể là nguyên nhân gây ra chứng giảm lympho bào (lymphopenia) nghiêm trọng và đây là đặc điểm của tình trạng nhiễm Ebola.  Do đó, protein sGP được xem có vai trò quan trọng trong khả năng virut Ebola ngăn ngừa một đáp ứng miễn dịch hiệu quả ban đầu của chủ thể.  Một giả thuyết cho rằng chính vì virut Marburg thiếu khả năng sản sinh protein sGP cho nên có thể giải thích lý do tại sao loài này ít có khả năng gây bệnh hơn so với virut Ebola bắt nguồn từ Châu Phi.

Tiến sĩ Leroy cùng đồng nghiệp đã báo cáo các quan sát của họ về 24 trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân (xuất hiện triệu chứng) bị nhiễm với Ebola.  Mười một trong số 24 trường hợp tiếp xúc đã phát triển chứng cứ bị nhiễm không triệu chứng liên quan đến quá trình sao chép của virut (viral replication).  Quá trình sao chép bản sao của virut đã được chứng minh bằng khả năng khuếch đại RNA chuỗi dương của virut Ebola (positive –stranded Ebola virus RNA) từ máu của các trường hợp tiếp xúc không xuất hiện triệu chứng.

Một nghiên cứu chi tiết của những trường hợp bị nhiễm nhưng không xuất hiện triệu chứng này đã tiết lộ rằng họ có một đáp ứng miễn dịch mãnh liệt xuất hiện sớm (4 – 6 ngày sau khi bị nhiễm) với sự sản sinh interleukin (IL)–1β, IL-6, và yếu tố tiêu diệt khối u (tumor necrosis factor – TNF), dẫn đến tính năng miễn dịch tế bào (cell-mediated immunity) và miễn dịch thể dịch (humoral-mediated immunity) gia tăng.  Ở các bệnh nhân sau đó bị tử vong, người ta không phát hiện thấy các chất cytokine trợ viêm thậm chí sau 2 – 3 ngày bị nhiễm không triệu chứng.

Một loại protein thứ hai, kích cỡ lớn hơn phần nào (120 – 150 kd), glycoprotein liên màng, được sáp nhập vào phần tử virut Ebola và bám vào các tế bào màng trong nhưng không bám vào các bạch cầu trung tính.  Virut Ebola được biết có khả năng xâm nhập, sao chép, và tiêu diệt các tế bào màng trong.  Hiện tượng phá hủy các bề mặt của màng trong có liên quan đến tình trạng đông máu nội mạch lan rộng (disseminated intravascular coagulation), và vấn đề này có thể góp phần tạo ra tình trạng xuất huyết, là đặc điểm của nhiều, nhưng không phải tất cả, trường hợp nhiễm virut Ebola.

Nhiễm trùng lâm sàng ở người và các động vật linh trưởng có liên quan đến sự sao chép virut lan rộng và diễn ra nhanh trong tất cả các mô.  Quá trình sao chép virut được đi kèm với hiện tượng hoại tử ổ nghiêm trọng và lan rộng.  Tình trạng hoại tử nghiêm trọng nhất xảy ra ở gan, và vấn đề này liên quan đến sự hình thành các tế bào hội viên hội đồng(Councilman-like bodies) tương tự như được nhìn thấy ở bệnh sốt vàng da (yellow fever).  Trong các trường hợp nhiễm trùng gây chết người, các mô và máu của chủ thể chứa số lượng lớn các phần tử virut Ebola, và do đó các mô cũng như các chất dịch trong cơ thể có mức độ lây nhiễm cao.

Năm loài Ebolavirus được đặt tên sử dụng các vị trí chúng gây bệnh cho người hoặc động vật đã được ghi lại.  Hai loài virut ở Châu Phi, Sudan ebolavirusZaire ebolavirus, được xem là tác nhân gây ra đa số các trường hợp tử vong đã được báo cáo.  Bệnh lâm sàng (clinical disease) do virut Ebola bắt nguồn từ Châu Phi diễn biến nghiêm trọng và, ngoại trừ một bệnh nhân sống sót sau khi bị nhiễm trùng với loài virut thứ 3 ở Châu Phi, Ivory Coast ebolavirus, có liên quan đến tỷ lệ tử vong từ 65% (Sudan, 1979) đến 89% (Cộng Hòa Công Gô, tháng 12 năm 2002 đến tháng 4 năm 2003).

Loài Ebolavirus thứ 4, Reston ebolavirus, đầu tiên được cách ly vào năm 1989 ở các loài khỉ được nhập từ một nhà xuất khẩu người Phi Luật Tân (Philippine).  Một trường hợp bị cách ly tương tự được nhập từ nhà xuất khẩu Phi Luật Tân này đã được phát hiện vào năm 1992 ở Siena, Ý.  Cho đến nay, loài này vẫn chưa được ghi nhận gây bệnh ở người.

Loài Ebolavirus thứ 5, cũng thuộc dòng Châu Phi, là Bundibugyo ebolavirus, đã gây ra đợt bùng phát ở Unganda vào năm 2007-2008, với tỷ lệ tử vong là 25%.

Giữa những năm 1994 và 1997, một chủng virut Ebola ổn định đã gây ra 3 đợt bùng phát sốt xuất huyết liên tiếp ở Gabon (tỷ lệ tử vong, 60 – 74%).  Vì chủng Gabon gần như tương đồng về nucleoprotein và các khu vực gen GP với Zaire ebolavirus, cho nên nó không được xem là một loài riêng biệt.

Một ổ filovirus có khả năng đã được xác định.  Vào năm 1996, các thành viên của Viện Virut Học Quốc Gia Nam Phi đã đến Kikwit, Cộng Hòa Công Gô, và đã nghiên cứu đánh giá sự truyền nhiễm của virut Ebola ở 24 loài thực vật và 19 loài động vật có xương sống và không xương sống.  Các loài dơi ăn sâu bọ (insectivorous bat) và dơi ăn trái cây (fruit bat) được tìm thấy có khả năng hỗ trợ quá trình sao chép của virut Ebola mà không gây chết.  Hơn nữa, nồng độ Ebola trong máu của các loài dơi ăn trái cây đã đạt đến mức 106fluorescent focus-forming units/mL, và phân của chúng chứa virut Ebola có thể phát triển trong các điều kiện thích hợp. (Trở về đầu trang)

CÁC DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG

Có 2 dạng tiếp xúc được xác định:

-      Tiếp xúc trực tiếp (primary exposure) – Dạng này thường là do đi du lịch đến hoặc làm việc ở nơi có dịch Ebola địa phương.
-      Tiếp xúc gián tiếp (secondary exposure) – Dạng này nói đến sự tiếp xúc giữa người với người (ví dụ, những người chăm sóc y tế, những người chăm sóc trong gia đình, hoặc những cá nhân an táng bệnh nhân bị chết), tiếp xúc giữa người với động vật linh trưởng (ví dụ, những nhân viên chăm sóc cho các động vật linh trưởng), hoặc những người mua và làm thịt rừng (bush meat) cho người tiêu thụ.

Các kết quả kiểm tra tổng quát tùy thuộc vào giai đoạn bệnh ở thời điểm xuất hiện các triệu chứng.  Đối với tình trạng nhiễm Ebolavirus bắt nguồn từ Châu Phi, tình trạng ủ bệnh thường kéo dài từ 3 – 8 ngày trong các trường hợp tiếp xúc trực tiếp và kéo dài lâu hơn trong các trường hợp tiếp xúc gián tiếp.

Các phát hiện ban đầu có thể bao gồm:

-      Sốt
-      Viêm họng (pharyngitis)
-      Các dấu hiệu và các triệu chứng nghiêm trọng xuất hiện trên các hệ thống khác nhau của cơ thể
-      Phát ban đỏ sần (maculopapular rash: được nhìn thấy nhiều nhất ở các bệnh nhân da trắng)
-      Đỏ màng kết hai bên (bilateral conjunctival injection: đỏ hai mắt)

Các phát hiện sau đó có thể bao gồm:

-      Nét mặt không biểu cảm
-      Chảy máu ở những nơi truyền vào tĩnh mạch và các màng nhầy
-      Viêm cơ tim (myocarditis) và phù phổi (pulmonary edema: tích lũy dịch trong các túi khí của phổi)
-      Ở các bệnh nhân bị bệnh ở giai đoạn cuối, bị tăng hô hấp (tachypnea), hạ huyết áp (hypotension), khó tiểu (anuria), và hôn mê

Những người sống sót sau khi nhiễm bệnh virut Ebola đã phát triển các biểu hiện sau:

-      Đau cơ (myalgias)
-      Đau khớp đổi chỗ hoặc không cân xứng
-      Nhức đầu
-      Mệt mỏi
-      Thèm ăn (bulimia)
-      Mất kinh (amenorrhea)
-      Mất thính lực (hearing loss)
-      Ù tai (tinnitus)
-      Viêm tinh hoàn một bên (unilateral orchitis)
-      Viêm mủ tuyến mang tai (suppurative parotitis)

Các triệu chứng ban đầu thường là sốt cao, nhức đầu, đau cơ, đau bao tử, và tiêu chảy.  Cũng có thể có triệu chứng bị đau họng, nấc cục (hiccups), đỏ và ngứa mắt.  Các triệu chứng này có xu hướng được theo sau bởi tình trạng nôn mửa và phát ban ở khắp cơ thể cũng như các vấn đề chảy máu như chảy máu mũi (epistaxis), khạc ra máu từ phổi (hemoptysis) và nôn mửa từ dạ dày (hematemesis), và xuất huyết màng kết (conjunctival hemorrhages).  Sưng bộ phận sinh dục (labia: môi âm hộ và scrotum: bìu dái).  Cảm giác đau gia tăng ở da. Vòm miệng bị đỏ. Sau cùng là đau ngực, bị sốc, và tử vong.

Một loại protein ở bề mặt của virut này đã được khám phá rằng nó đóng vai trò gây ra tình trạng nội xuất huyết nghiêm trọng (đặc điểm gây chết người của căn bệnh này).  Loại protein này tấn công và tiêu diệt các tế bào màng trong của mạch máu, làm cho mạch máu bị thủng và chảy máu.

Chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào cho căn bệnh này.  Hiện tại, các bệnh nhân được tiếp nhận trị liệu hỗ trợ (supportive therapy).  Trị liệu này bao gồm cân bằng các chất dịch và các chất điện phân trong cơ thể bệnh nhân, duy trì mức oxy và huyết áp, và điều trị cho bất kỳ tình trạng nhiễm trùng gây biến chứng nào của các bệnh nhân.  Tình trạng tử vong có thể xảy ra trong vòng 10 ngày sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.

Các triệu chứng có thể xuất hiện trong khoảng từ 2 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với loài ebolavirus mặc dù phạm vi 8 – 10 ngày thường xảy ra nhất.

Có một số người bị bệnh virut Ebola đã có thể hồi phục, trong khi đó, những người khác không thể.  Các chuyên gia vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ lý do tại sao.  Tuy nhiên, các chuyên gia biết rằng các bệnh nhân bị tử vong thường không phát triển một đáp ứng miễn dịch hiệu quả chống lại virut này vào thời điểm bị tử vong. (Trở về đầu trang)

CHẨN ĐOÁN

Các kiểm tra chẩn đoán có thể giúp ích, bao gồm:

-      Các xét nghiệm máu cơ bản – Đếm máu toàn bộ (Complete blood count – CBC) với xét nghiệm riêng biệt (differential), bilirubin, men gan (liver enzymes), xét nghiệm nitơ huyết từ phân (blood urea nitrogen – BUN), xét nghiệm creatinine, độ pH.
-      Các xét nghiệm cách ly virut – Mẫu mô nuôi cấy (chỉ được tiến hành ở một trong vài phòng thí nghiệm có độ cách ly cao trên thế giới), xét nghiệm RT-PCR (reverse-transcription polymerase chain reaction).
-      Xét nghiệm huyết thanh (serologic testing) – xét nghiệm ELISA (enzyme-linked immunosorbent assay) để phát hiện các kháng nguyên hoặc các kháng thể immunoglobulin M (IgM) và immunoglobulin G (IgG).
-      Các xét nghiệm khác – Xét nghiệm hóa miễn dịch da người chết (postmortem skin), hiển vi học điện tử (electron microscopy).

Các Xét Nghiệm Máu Cơ Bản

Giai đoạn đầu của tình trạng nhiễm trùng có đặc điểm là giảm lượng tiểu cầu (thrombocytopenia), giảm lượng bạch cầu (leucopenia), và giảm lượng lympho bào (lymphopenia) đáng lưu ý.  Chứng tăng bạch cầu trung tính (neutrophilia) sẽ phát triển sau vài ngày, cũng như sự gia tăng men aspartate aminotransferase và alanine aminotransferase.  Mức sắc tố bilirubin có thể bình thường hoặc tăng nhẹ.

Khi bắt đầu xuất hiện tình trạng khó tiểu (anuria), mức nitơ trong máu từ phân và creatinine trong huyết thanh tăng lên.  Các bệnh nhân bị bệnh nặng và không thể qua khỏi có thể phát triển một tình trạng gọi là tăng axit chuyển hóa (metabolic acidosis) mà nó có thể cho thấy rằng các bệnh này thường bị thở nhanh (tachypnea), đây có thể là một phản xạ của cơ thể giúp tăng thông khí.

Các Xét Nghiệm Cách Ly Virut

Kết quả chẩn đoán cuối cùng dựa trên sự cách ly virut bằng các phương pháp lấy mẫu mô nuôi cấy hoặc xét nghiệm RT-PCR.  Tuy nhiên, việc cách ly virut Ebola trong mẫu mô là một tiến trình có mức độ rủi ro cao mà chỉ có thể thực hiện một cách an toàn ở một vài phòng thí nghiệm có độ cách ly cao trên thế giới.

Xét Nghiệm Huyết Thanh Phát Hiện Kháng Nguyên và Kháng Thể

Xét nghiệm kháng thể huỳnh quang gián tiếp (indirect fluorescence antibody test – IFAT) có liên quan đến các kết quả giả dương tính (false-positive result).  Các quan ngại về tính nhạy bén và lợi ích của xét nghiệm này đã dẫn đến sự ra đời của các xét nghiệm huyết thanh chứng thực.  Ở các bệnh nhân bị nhiễm, những người sống sót đủ thời gian để phát triển một đáp ứng miễn dịch, thì các xét nghiệm ELISA xác định kháng thể IgM và IgG có thể tỏ ra có lợi cho việc chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng virut Ebola.  Cả hai xét nghiệm ELISA này đã được chứng minh có tính nhạy cảm và chuyên biệt.

Xét nghiệm ELISA tìm kiếm IgM sử dụng các kháng nguyên của chủng Zaire ebolavirus được nuôi cấy trong các tế bào Vero E6 để phát hiện các kháng thể IgM cho chủng này.  Các kết quả trở nên dương tính ở các động vật linh trưởng dùng trong thử nghiệm trong vòng 6 ngày sau khi nhiễm virut nhưng không còn dương tính lâu hơn.  Các đặc điểm này chỉ ra rằng xét nghiệm IgM có thể được sử dụng để ghi nhận tình trạng nhiễm Ebola cấp tính.

Xét nghiệm ELISA tìm kiếm IgG sử dụng các kháng nguyên virut được chiết xuất từ chất tẩy để phát hiện các kháng thể IgG kháng Ebola.   Phương pháp này có tính chuyên biệt hơn so với xét nghiệm IFAT, và nó duy trì dương tính trong một thời gian dài.  Do đó, xét nghiệm này tỏ ra vượt trội trong việc kiểm tra các kháng thể trong huyết thanh (seroprevalence investigation).

Xét nghiệm ELISA phát hiện kháng nguyên có sẵn để sử dụng với khả năng xác định các kháng nguyên của virut Ebola.

Các Xét Nghiệm Khác

Các nguy cơ trong quá trình cách ly virut đã dẫn đến sự phát triển của nhiều phương pháp trị liệu thích hợp cho các phòng thí nghiệm với các hệ thống cách ly hạn chế.  Các xét nghiệm được sử dụng để chứng thực tình trạng nhiễm virut Ebola bao gồm một xét nghiệm hóa mô miễn dịch (immunohistochemical test: tiến trình phát hiện các kháng nguyên trong các tế bào của một khu vực mô bằng cách sử dụng nguyên lý kết bám kháng thể vào kháng nguyên) được tiến hành trên da chết (được xử lý bằng formalin) lấy từ các bệnh nhân đã chết do nhiễm bệnh virut Ebola.  Xét nghiệm này có tính an toàn, nhạy, và chuyên biệt, và nó có thể được sử dụng để chẩn đoán và quan sát.

Phương pháp hiển vi học điện tử đã được sử dụng để xác định các filovirus ở mô nhưng có những giới hạn nhất định như một phương pháp chẩn đoán ở những khu vực xảy ra đợt bùng phát ở người.  Phương pháp này không có sẵn để sử dụng ở những nơi virut Ebola chỉ gây ra dịch địa phương.

Các Phát Hiện Mô Học

Mặc dù có thể liên quan đến nhiều khu vực mô, nhưng virut Ebola lại ưa chuộng các tế bào màng trong (endothelial cell), các tế bào gan (hepatocyte), và các thực bào đơn nhân (mononuclear phagocyte) hơn.  Quá trình sao chép của virut có liên quan đến tình trạng hoại tử ổ lan rộng(extensive focal necrosis) và xảy ra nghiêm trọng nhất ở gan, lá lách, các hạch bạch huyết, thận, phổi, và các tuyến sinh dục (gonad).

Ở gan, các khối cầu nhỏ ưa eosin (eosinophilic globule) phát sinh từ tình trạng hoại tử ổ ở các tế bào gan (Councilman-like bodies), tương tự như những khối cầu được nhìn thấy ở trường hợp bệnh sốt vàng da, xuất hiện khắp nơi.  Tuy nhiên, tình trạng hoại tử ổ liên quan đến sự sao chép của virut Ebola sẽ tạo ra một đáp ứng viêm có hiệu quả tối thiểu.  Ở giai đoạn sau của căn bệnh, màng nhầy ở ruột có thể tách ra khỏi lớp mô liên kết mỏng lamina propria và tróc ra.

Các chứng bệnh khác, phải được loại trừ trước khi đưa ra chẩn đoán bị bệnh virut Ebola, bao gồm: sốt rét (malaria), bệnh thương hàn (typhoid fever), bệnh Shigella, bệnh dịch tả (cholera), bệnh Leptospira (leptospirosis), bệnh dịch, bệnh Rickettsia (rickettsiosis), sốt hồi quy (relapsing fever: tình trạng nhiễm vi khuẩn đặc thù bởi các đợt sốt, nhức đầu, đau nhức cơ khớp, và buồn nôn tái phát), viêm màng não (meningitis), viêm gan (hepatitis) và các chứng sốt xuất huyết do virut khác.

Các trường hợp nhiễm virut Ebola có thể được chẩn đoán một cách rõ ràng trong phòng thí nghiệm thông các một số dạng xét nghiệm:

-      Xét nghiệm ELISA
-      Các xét nghiệm phát hiện kháng nguyên
-      Xét nghiệm trung hòa huyết thanh (serum neutralization test)
-      Xét nghiệm RT-PCR
-      Hiển vi học điện tử
-      Cách ly virut bằng mẫu nuôi cấy tế bào.

Các mẫu thử từ các bệnh nhân là một nguy cơ nhiễm bệnh hết sức nguy hiểm; việc xét nghiệm phải được tiến hành dưới điều kiện cách ly sinh học tối đa.

Việc chẩn đoán bệnh virut Ebola ở những cá nhân chỉ mới bị nhiễm trong một vài ngày là rất khó khăn, vì các triệu chứng ban đầu, chẳng hạn như đỏ mắt và phát ban ở da, không phải là các triệu chứng riêng biệt của tình trạng nhiễm ebolavirus, mà thường được nhìn thấy ở các bệnh nhân bị các chứng bệnh phổ biến.

Tuy nhiên, nếu một người có các triệu chứng ban đầu của bệnh virut Ebola và có lý do tin rằng đây có thể là bệnh virut Ebola, thì bệnh nhân phải được cách ly và phải báo cáo cho các quan chức y tế công cộng.  Các mẫu thử từ bệnh nhân này có thể sau đó sẽ được thu thập và xét nghiệm để chứng thực bị nhiễm bệnh.

Các xét nghiệm được sử dụng trong chẩn đoán bao gồm:


Thời Điểm Nhiễm Virut


Các Xét Nghiệm
Trong vòng vài ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng
-      ELISA
-      IgM ELISA
-      PCR
-      Cách ly virut

Giai đoạn sau của căn bệnh hoặc sau khi hồi phục

Xét nghiệm kháng thể IgM và IgG
Nghiên cứu xem xét các bệnh nhân bị tử vong
-      Xét nghiệm hóa mô miễn dịch
-      PCR
-      Cách ly virut (Trở về đầu trang)


ĐIỀU TRỊ

Các bệnh nhân bị bệnh nghiêm trọng cần được chăm sóc hỗ trợ đặc biệt.  Các bệnh nhân thường bị mất nước và cần được bổ sung các dung dịch chứa các chất điện phân qua đường miệng hoặc truyền vào tĩnh mạch.

Phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh virut Ebola vẫn còn giới hạn ở trị liệu hỗ trợ, đó là:

-      cân bằng các chất lỏng và các chất điện phân trong cơ thể bệnh nhân
-      duy trì tình trạng oxy và huyết áp
-      điều trị các tình trạng nhiễm trùng gây biến chứng

Một cách chi tiết, các nguyên tắc chăm sóc tiêu chuẩn bao gồm:

-      Trị liệu hỗ trợ tập trung vào dung tích nội mạch(intravascular volume: thể tích máu trong hệ tuần hoàn của bệnh nhân), các chất điện phân, dinh dưỡng, và chăm sóc xoa dịu (comfort care) sẽ giúp ích cho bệnh nhân
-      Phương pháp điều trị này phải được thực hiện trong sự cách ly nghiêm ngặt; tất cả dịch của cơ thể chứa các phần tử virut truyền nhiễm và phải được xử lý hết sức cẩn thận
-      Hiện tại chưa có phương pháp trị liệu nào cho thấy tính hiệu quả trong việc điều trị bệnh virut Ebola
-      Trên thị trường hiện chưa có vắc xin nào cho bệnh virut Ebola.  Tuy nhiên, các kháng thể có khả năng trung hòa đã và đang được nghiên cứu và có thể có lợi cho việc phát triển vắcxin hoặc đóng vai trò như các loại thuốc phòng ngừa thụ động.

Hiện tại, chưa có loại thuốc đặc biệt nào chống lại virut Ebola.  Các loại thuốc đã được nghiên cứu cho việc điều trị hoặc phòng chống bệnh virut Ebola bao gồm:

-      Ribavirin (không có tác dụng chống lại Ebolavirustrong phòng thí nghiệm và không có khả năng bảo vệ các động vật linh trưởng bị nhiễm Ebolavirus)
-      Các loại thuốc ức chế phân tử giống nucleoside (nucleoside analogue inhibitor) của men S-adenosylhomocysteine hydrolase (SAH)
-      Interferon beta
-      Các protein miễn dịch globulin từ ngựa và dê
-      Các hợp chất globulin miễn dịch ở người đang hồi phục (Human-derived convalescent immune globulin preparations)
-      Interferon alfa-2 người tái tổ hợp (recombinant human interferon alfa-2)
-      Kháng thể đơn dòng tái tổ hợp ở người chống lại glycoprotein bao bọc virut Ebola.
-      Các loại vắc xin DNA thể hiện kiểu gen glycoprotein (GP) hoặc protein nucleocapsid của virut Ebola
-      Protein C được kích hoạt
-      Thuốc ức chế yếu tố VIIa/yếu tố mô tái tổ hợp (recombinant inhibitor of factor VIIa/tissue factor)

Ở các bệnh nhân có thể bình phục, quá trình hồi phục thường đòi hỏi nhiều tháng, và có thể gặp phải những sự trì hoãn trước khi có thể thực hiện các hoạt động bình thường trở lại.  Tăng cân và lấy lại sức sẽ diễn tiến chậm.  Virut Ebola tiếp tục hiện diện trong cơ thể trong nhiều tuần sau khi hồi phục.

Xem Xét Các Phương Pháp Tiếp Cận

Hỗ trợ y tế tiêu chuẩn là yếu tố quan trọng và phải bao gồm việc thay thế các yếu tố đông máu (coagulation factor) và heparin nếu hiện tượng đông nội mạch lan rộng (disseminated intravascular coagulation) phát sinh.  Phương pháp chăm sóc này phải được thực hiện với sự cách ly nghiêm ngặt.  Tất cả dịch cơ thể (máu, nước bọt, nước tiểu, và phân) có chứa các phần tử virut truyền nhiễm và phải được xử lý hết sức cẩn thận.

Hiện tại, chưa có trị liệu đặc biệt nào được chứng minh có hiệu quả trong việc điều trị bệnh virut Ebola.  Phương pháp phẫu thuật can thiệp thường được tiến hành sau khi được chẩn đoán sai lầm trong đó các dấu hiệu ở vùng bụng liên quan đến Ebola bị lầm lẫn với trường hợp giải phẫu bụng khẩn cấp.  Sự lầm lẫn như thế có thể làm cho bệnh nhân bị tử vong và làm cho các thành viên trong nhóm phẫu thuật bị nhiễm máu của bệnh nhân.

Hiện chưa có loại vắcxin Ebola nào được lưu hành.  Tuy nhiên, một loại kháng thể người đơn dòng tái tổ hợp được sử dụng chống lại glycoprotein vỏ bọc của virut Ebola đã được chứng minh có tác dụng trung hòa.  Kháng thể trung hòa virut Ebola này có thể giúp ích cho việc phát triển vắcxin hoặc được sử dụng như một loại thuốc phòng ngừa thụ động.  Các nghiên cứu về vắcxin vẫn đang được tiến hành.

Chăm Sóc Hỗ Trợ

Chăm sóc hỗ trợ tập trung vào dung tích nội mạch, các chất điện phân, dinh dưỡng, và chăm sóc xoa dịu sẽ giúp ích cho bệnh nhân.  Việc bổ sung đầy đủ dung tích nội mạch là một trong các biện pháp hỗ trợ quan trọng nhất.

Những người sống sót có thể sản sinh các phần tử virut có khả năng truyền nhiễm trong một thời gian dài.  Do đó, biện pháp cách ly ngăn cản trong một phòng riêng cách xa khu vực đông người phải được duy trì trong suốt thời gian bệnh.  Nước tiểu, phân, đờm (đàm), và máu của bệnh nhân cùng với bất kỳ vật gì tiếp xúc với bệnh nhân hoặc tiếp xúc với các chất dịch từ cơ thể bệnh nhân (chẳng hạn như các dụng cụ trong phòng xét nghiệm), phải được khử trùng với dung dịch NaClO (sodium hypochlorite) 0,5%.  Những bệnh nhân bị tử vong do bệnh virut Ebola phải được chôn cất ngay lập tức và hạn chế tối thiểu việc tiếp xúc với xác bệnh nhân.

Trị Liệu Dược Lý

Các loại thuốc ức chế các phân tử giống nucleoside(nucleoside analogue inhibitor) của men S-adenosylhomocysteine hydrolase (SAH) đã được chứng minh có khả năng ức chế quá trình sao chép của chủng Zaire ebolavirus ở các loại chuột BALB/c trưởng thành bị nhiễm virut Ebola.  Khả năng ức chế của SAH gián tiếp ức chế các phản ứng chuyển methyl (transmethylation reaction) cần thiết cho quá trình sao chép của virut.  Sự đáp ứng của việc điều trị phụ thuộc vào liều lượng.  Khi các liều lượng khoảng 0,7 mg/kg hoặc cao hơn cứ mỗi 8 giờ được bắt đầu vào ngày 0 hoặc ngày thứ nhất sau khi bị nhiễm, thì tỷ lệ tử vong có thể hoàn toàn được ngăn chặn.  Thậm chí khi loại thuốc này được cho sử dụng vào ngày thứ 2, thì tỷ lệ sống sót cũng lên đến 90%.

Tiến sĩ Smith và đồng nghiệp đã tìm thấy rằng ở các loài khỉ nâu bị nhiễm virut Ebola ở mức độ gây tử vong, việc điều trị sớm bằng thuốc interferon beta sau khi tiếp xúc sẽ giúp gia tăng thời gian sống sót, mặc dù loại thuốc này không giảm được tỷ lệ tử vong một cách đáng kể.  Các phát hiện này chỉ ra rằng trị liệu sớm bằng thuốc interferon beta sau khi tiếp xúc với virut có thể là một yếu tố bổ sung đầy hứa hẹn cho việc điều trị bệnh virut Ebola.

Tính năng miễn dịch thụ động (passive immunity) đã được thử nghiệm bằng cách sử dụng các protein globulin tăng miễn dịch từ ngựa và các hợp chất globulin miễn dịch ở người đang hồi phục.  Ở các loài khỉ ăn cua (cynomolgus macaque) bị nhiễm Ebolavirus, việc sử dụng interferon alfa-2b tái tổ hợp ở người phối hợp với IgG ngựa tăng miễn dịch đã trì hoãn được nhưng không ngăn chặn được tình trạng tử vong.

IgG ở ngựa chứa nồng độ cao các kháng thể có khả năng trung hòa virut Ebola đã bảo vệ được chuột lang (guinea pig) và khỉ đầu chó (baboon) nhưng không có hiệu quả trong việc bảo vệ các loài khỉ nâu (rhesus monkey) bị nhiễm virut.

Trong đợt bùng phát năm 1995 ở Kikwit, Cộng Hòa Dân Chủ Công Gô, huyết tương ở người đang hồi phục được sử dụng để điều trị cho 8 bệnh nhân được chứng thực bị bệnh Ebola, và chỉ có một bệnh nhân qua đời.  Các nghiên cứu tiếp theo không thể chứng minh được lợi ích về khả năng sống sót khi sử dụng các sản phẩm huyết tương của người đang hồi phục.  Khả năng sống sót của các bệnh nhân này cho thấy rằng tính năng miễn dịch thụ động có thể chỉ có lợi cho một số bệnh nhân.

Bốn nhân viên phòng xét nghiệm ở Nga, có thể đã tiếp xúc với virut Ebola, đã được điều trị bằng liệu pháp phối hợp immunoglobulin kháng Ebola từ dê (goat-derived anti-Ebola immunoglobulin) và interferon alfa-2 người tái tổ hợp (recombinant human interferon alfa-2).  Một trong số bệnh nhân này đã tiếp xúc với mức rủi ro cao và đã phát triển chứng cứ lâm sàng bị nhiễm virut Ebola.  Tất cả 4 bệnh nhân này đã hồi phục.

Kháng thể đơn dòng người tái tổ hợp (recombinant human monoclonal antibody) được sử dụng để chống lại glycoprotein vỏ bọc (envelope glycoprotein – GP) của virut Ebola đã được chứng minh có tác dụng trung hòa.  Kháng thể trung hòa virut Ebola này có thể có lợi cho việc phát triển vắcxin hoặc một loại thuốc phòng ngừa thụ động.

Các loại vắc xin DNA, thể hiện kiểu gen glycoprotein vỏ bọc hoặc protein nucleocapsid (NP) của virut Ebola, đã được chứng minh có thể tạo ra tính năng bảo vệ ở chuột trưởng thành khi bị tiếp xúc với virut.  Các loại vắcxin này được cho sử dụng bằng cách bọc các hột vàng với DNA thể hiện kiểu gen GP hoặc NP, và được truyền bằng cách bắn các phần tử ở da sử dụng một loại súng có tên là PowderJet-XR.  Cả hai loại vắcxin đã tạo ra các đáp ứng kháng thể vừa phải được phát hiện bởi xét nghiệm ELISA và tạo ra tính năng miễn dịch tế bào T độc hại tế bào (cytotoxic T-cell immunity).

Các liệu pháp thử nghiệm khác sử dụng các loại thuốc có sẵn, mặc dù không được cơ quan FDA Hoa Kỳ chấp thuận cho việc điều trị bệnh virut Ebola, có thể được xem xét.  Các loại thuốc có thể làm giảm tỷ lệ tử vong mà không ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sao chép virut bao gồm protein C được kích hoạt (activated protein C) và một loại protein kháng đông giun tròn tái tổ hợp (recombinant nematode anticoagulant protein - NAP) có tác dụng ức chế phức chất yếu tố VII-yếu tố mô (factor VII-tissue factor complex) bị kích hoạt.  Protein NAP đã giảm bớt bệnh đông máu gắn liền với tình trạng hủy fibrin (fibrinolysis) và sự bồi tích fibrin được giảm xuống với kết quả là mức độ nghiêm trọng của hội chứng đáp ứng viêm hệ thống giảm xuống.

Ở một mẫu khỉ nâu của bệnh virut Ebola, với tỷ lệ tử vong đạt đến 100%, tiến sĩ Geisbert và đồng nghiệp đã sử dụng protein kháng đông giun tròn tái tổ hợp, một chất ức chế hiệu quả quá trình đông máu do yếu tố mô khởi xướng (TF-initiated coagulation).  Một phần ba số khỉ này được cho sử dụng protein kháng đông giun tròn đã sống sót với liều virut Ebola gây tử vong, trong khi đó, 16 trong số 17 (94%) các động vật không sử dụng protein này (control animal) đã bị chết.  Phương pháp tiếp cận này nhắm tới bệnh xuất huyết thay vì bản thân virut Ebola. 

Chế Độ Ăn Uống Và Sinh Hoạt

Vấn đề dinh dưỡng trở nên phức tạp vì bệnh nhân bị buồn nôn, nôn mửa, và tiêu chảy.

Quá trình hồi phục thường đòi hỏi nhiều tháng, và có thể kéo dài trước khi có thể quay trở lại các sinh hoạt bình thường.  Tăng cân và lấy lại sức sẽ diễn tiến chậm.  Virut Ebola tiếp tục hiện diện trong cơ thể trong nhiều tuần sau khi bệnh lâm sàng đã thuyên giảm.  Tinh dịch của bệnh nhân nam đang hồi phục được chứng minh có chứa virut truyền nhiễm, và Ebola đã bị lây truyền thông qua quan hệ tình dục với bệnh nhân nam đang hồi phục.  Bất kỳ cá nhân nào tiếp xúc với các bệnh nhân bị nhiễm phải được quan sát chặt chẽ để tìm ra các dấu hiệu ban đầu mắc bệnh virut Ebola.

Điều trị kịp thời bệnh virut Ebola là hết sức quan trọng nhưng tạo ra nhiều thách thức vì chứng bệnh này rất khó chẩn đoán lâm sàng ở các giai đoạn đầu bị nhiễm.  Vì các triệu chứng ban đầu chẳng hạn như nhức đầu và sốt không phải là nét đặc thù của các trường hợp nhiễm virut Ebola, do đó các trường hợp bệnh nhiễm virut Ebola ban đầu có thể bị chẩn đoán sai lầm.

Tuy nhiên, nếu một người có các triệu chứng ban đầu của bệnh virut Ebola và có lý do tin rằng bệnh virut Ebola cần được xem xét, thì bệnh nhân này phải được cách ly và báo cáo cho các quan chức y tế công cộng.  Trị liệu hỗ trợ có thể tiếp tục với việc trang bị quần áo bảo vệ hợp lý cho đến khi các mẫu thử từ bệnh nhân này được xét nghiệm để chứng thực bị nhiễm virut.

Các phương pháp điều trị thử nghiệm đã và đang được tiến hành và đã được chứng minh có hiệu quả ở các mẫu động vật nhưng vẫn chưa được sử dụng ở người. (Trở về đầu trang)

NGĂN NGỪA

Việc ngăn ngừa sự lan truyền của bệnh virut Ebola bao gồm các biện pháp phòng ngừa cách ly bệnh virut Ebola thiết thực, hoặc các phương pháp điều dưỡng ngăn cách.  Các phương pháp này bao gồm sự trang bị các thiết bị bảo hộ chẳng hạn như mặt nạ, găng tay, quần áo và kính bảo hộ; việc sử dụng các biện pháp kiểm soát truyền nhiễm, bao gồm khử trùng dụng cụ đầy đủ; và cách ly các bệnh nhân bị bệnh Ebola không để tiếp xúc với những người không được trang bị thiết bị bảo hộ.  Mục đích của tất cả những phương pháp này là nhằm tránh bất kỳ sự tiếp xúc nào với máu hoặc các chất tiết ra từ bệnh nhân.  Nếu một bệnh nhân nhiễm bệnh virut Ebola bị tử vong, điều quan trọng là phải tránh tiếp xúc trực tiếp với xác của bệnh nhân này.

Kiểm Soát Chủng Reston Ebolavirus ở Các Thú Nuôi

Hiện chưa có vắcxin phòng ngừa chủng RESTV.  Thường xuyên vệ sinh và khử trùng các trại nuối heo (lợn) hoặc khỉ (bằng dung dịch NaClO hoặc các chất tẩy khác) để khử hoạt tính của virut này.

Nếu bị nghi ngờ có một đợt bùng phát, thì khu vực này phải được cách ly kiểm dịch ngay tức khắc.  Phân loại các động vật bị nhiễm, với sự giám sát chặt chẽ việc chôn hoặc hỏa táng các xác động vật, có thể cần thiết để làm giảm nguy cơ lây truyền từ người sang người.  Việc hạn chế hoặc cấm vận chuyển các động vật từ các trang trại bị nhiễm virut đến các khu vực khác có thể giảm bớt nguy cơ lan truyền căn bệnh này.

Vì các đợt bùng phát chủng RESTV ở heo (lợn) và khỉ xảy ra trước khi xuất hiện các trường hợp nhiễm bệnh ở người, cho nên việc thiết lập một hệ thống tích cực giám sát sức khỏe động vật để phát hiện ca lây nhiễm mới là hết sức cần thiết trong việc cảnh báo sớm cho các cơ quan chức năng về sức khỏe công cộng cho người và động vật.

Giảm Bớt Nguy Cơ Nhiễm Virut Ebola ở Người

Khi chưa có phương pháp điều trị hiệu quả và vắcxin sử dụng cho người, thì việc nâng cao cảnh giác về các yếu tố nguy cơ gây bệnh virut Ebola và các biện pháp bảo vệ mà các cá nhân có thể thi hành là cách duy nhất giúp giảm bớt tình trạng nhiễm bệnh và tử vong ở người.

Ở Châu Phi, trong thời gian diễn ra các đợt bùng phát bệnh virut Ebola, các thông điệp sức khỏe công cộng mang tính giáo dục giúp giảm bớt nguy cơ phải tập trung vào một số yếu tố:

-      Giảm bớt nguy cơ lây truyền từ thú rừng sang người bằng cách tránh tiếp xúc với các loài dơi ăn trái cây (fruit bat) hoặc các loài khỉ/vượn bị nhiễm virut cũng như tránh tiêu thụ thịt rừng sống.  Phải sử dụng bao tay và các thiết bị bảo hộ thích hợp để cầm (ôm, xử lý, giết thịt) động vật.  Các sản phẩm từ động vật (máu và thịt) phải được nấu kỹ trước khi tiêu thụ.
-      Giảm bớt nguy cơ lây truyền từ người sang người trong cộng đồng phát sinh từ việc tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với các bệnh nhân bị nhiễm, đặc biệt là tiếp xúc với các chất dịch trong cơ thể của các bệnh nhân này.  Phải tránh tiếp xúc trực tiếp về cơ thể với các bệnh nhân bị nhiễm virut Ebola.  Phải mang bao tay và các thiết bị bảo hộ cá nhân thích hợp trong lúc chăm sóc tại nhà cho các bệnh nhân bị nhiễm bệnh.  Phải rửa tay thường xuyên sau khi đi thăm bệnh nhân ở bệnh viện, cũng như sau khi chăm sóc bệnh nhân tại nhà. 
-      Những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi virut Ebola phải thông báo cho dân cư về bản chất của căn bệnh này và các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát, bao gồm việc chôn cất người chết.  Những người bị tử vong do virut Ebola phải được chôn cất một cách an toàn ngay tức khắc.

Các trại nuôi heo (lợn) ở Châu Phi có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc làm tăng khả năng nhiễm bệnh vì sự hiện diện của các loài dơi ăn trái cây ở các trại nuôi này.  Các biện pháp an toàn sinh học thích hợp phải được thực hiện để hạn chế sự lây truyền.  Đối với chủng RESTV, các thông điệp về sức khỏe công cộng mang tính giáo dục phải tập trung vào việc giảm bớt nguy cơ lây truyền từ heo (lợn) sang người do tiến trình nuôi và giết thịt động vật không an toàn, và việc tiêu thụ không an toàn máu tươi, sữa tươi hoặc thịt sống.  Phải mang bao tay và các thiết bị bảo hộ thích hợp khi xử lý các động vật bị bệnh hoặc thịt của chúng cũng như khi giết thịt các động vật.  Ở những khu vực được báo cáo xuất hiện chủng virut RESTV ở heo (lợn), thì các sản phẩm động vật (máu, thịt và sữa) phải được nấu kỹ trước khi ăn.

Kiểm Soát Tình Trạng Nhiễm Trùng ở Các Môi Trường Chăm Sóc Y Tế

Sự lây truyền virut Ebola từ người sang người liên quan chủ yếu đến sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với máu và các dịch cơ thể.  Các nhân viên y tế đã được báo cáo bị lây nhiễm khi các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng hợp lý không được thực hiện.

Thật không dễ phát hiện sớm các bệnh nhân nhiễm bệnh virut Ebola vì các triệu chứng ban đầu có thể không đặc thù.  Vì lý do này, điều quan trọng là các nhân viên y tế phải thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn đối với tất cả bệnh nhân – cho dù kết quả chẩn đoán thế nào – trong các tiến trình làm việc mọi nơi mọi lúc.  Các biện pháp này bao gồm vệ sinh tay cơ bản, vệ sinh hô hấp, sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân (do nguy cơ bị bắn tung tóe hoặc tiếp xúc với các chất bị nhiễm), thực hành tiêm (truyền) thuốc an toàn và chôn cất an toàn.

Các nhân viên y tế chăm sóc cho các bệnh nhân bị nghi ngờ hoặc được chứng thực bị nhiễm virut Ebola phải áp dụng, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn, các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng khác để tránh bất kỳ sự tiếp xúc nào với máu và các dịch cơ thể của bệnh nhân cũng như tiếp xúc trực tiếp (không được trang bị thiết bị bảo hộ) với môi trường có khả năng bị ô nhiễm.  Khi tiếp xúc gần (trong vòng 1 mét) với bệnh nhân bị bệnh virut Ebola, các nhân viên y tế phải mang thiết bị bảo vệ mặt (thiết bị che mặt hoặc khẩu trang và kính bảo hộ), áo choàng sạch, tay dài và vô trùng, cũng như bao tay (bao tay vô trùng cho một số tiến trình).

Các nhân viên phòng xét nghiệm cũng có nguy cơ bị lây nhiễm.  Các mẫu thử được lấy từ các ca nhiễm virut Ebola ở người và động vật cho việc chẩn đoán phải được đội ngũ được đào tạo chuyên nghiệp xử lý và phải được tiến hành trong các phòng xét nghiệm được trang bị đầy đủ.

Việc ngăn ngừa bệnh virut Ebola gặp phải nhiều thách thức.  Vì các chuyên gia vẫn chưa biết chính xác phương thức nhiễm bệnh virut Ebola ở người, do đó chỉ có một vài biện pháp phòng chống tiêu chuẩn được thành lập.

Khi các trường hợp nhiễm bệnh thực sự xảy ra, thì nguy cơ lây truyền trong các môi trường y tế sẽ tăng lên.  Do đó, các nhân viên chăm sóc sức khỏe phải có khả năng nhận biết ca bị nhiễm bệnh virut Ebola và sẵn sàng vận dụng các biện pháp phòng ngừa cách ly bệnh virut Ebola hiệu quả hoặc các phương pháp điều dưỡng ngăn cách.  Các nhân viên y tế này còn phải có khả năng yêu cầu các xét nghiệm chẩn đoán hoặc chuẩn bị các mẫu thử để chuyển đi và xét nghiệm ở nơi khác.

Các phương pháp điều dưỡng ngăn cách bao gồm:

-      Mang thiết bị bảo hộ (khẩu trang, bao tay, áo choàng, và kính bảo hộ)
-      Áp dụng các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng (chẳng hạn như khử trùng đầy đủ các dụng cụ y tế và thường xuyên sử dụng thuốc khử trùng).
-      Cách ly các bệnh nhân nhiễm bệnh virut Ebola để tránh tiếp xúc với những người không được trang bị phương tiện bảo hộ.

Mục tiêu của tất cả các phương pháp này là nhằm tránh tiếp xúc với máu hoặc các chất tiết ra từ bệnh nhân bị nhiễm.  Nếu một bệnh nhân nhiễm bệnh virut Ebola bị tử vong, điều quan trọng là phải tránh tiếp xúc trực tiếp với xác của bệnh nhân này.

Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC), phối hợp với Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), đã soạn thảo một cẩm nang hướng dẫn nhằm giúp ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan của bệnh virut Ebola.  Cẩm nang nàymô tả:

-      Cách nhận biết các trường hợp bị sốt xuất huyết do virut (chẳng hạn như bệnh virut Ebola)
-      Cách ngăn ngừa tình trạng lây truyền thêm ở các môi trường chăm sóc sức khỏe bằng cách sử dụng các chất liệu có sẵn ở địa phương và các nguồn tài chính tối thiểu.
-      Virut Ebola có thể lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch cơ thể của bệnh nhân bị nhiễm.  Sự lây truyền chủng Reston ebolavirus qua không khí được báo cáo đã xảy ra ở các động vật linh trưởng; do đó, mặc dù đa số trường hợp nhiễm bệnh ở người xảy ra sau khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc máu và các dịch cơ thể của họ, nhưng không thể loại trừ khả năng lây truyền virut Ebola qua không khí.
-      Kiểm soát nhiễm trùng bên trong và bên ngoài các môi trường chăm sóc y tế phụ thuộc vào biện pháp bảo hộ ngăn cách sử dụng hai lớp bao tay, áo choàng không thấm dịch, mặt nạ với kính bảo hộ, và che chắn phần cẳng chân và ngón chân.

Vắcxin

-      Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu vắcxin cho bệnh virut Ebola ở các động vật linh trưởng (primate).  Tiến sĩ Sullivan và các đồng nghiệp đã báo cáo về sự phối hợp vắcxinDNA không chứa protein histone (naked DNA vaccine) có khả năng mã hóa các protein của virut Ebola sau đó được tiêm chủng tăng cường với một loại virut không vỏ bọc tái tổ hợp thể hiện kiểu gen GP (recombinant adenoviral vector expressing Ebola GP).
-      Trong nghiên cứu này, các loài khỉ ăn cua được tiêm 3 liều vắcxin DNA, 4 tuần một liều.  Sau 12 tuần, các loài khỉ này lại được tiêm chủng với vắcxin virut không vỏ bọc tái tổ hợp.  Sau thêm 12 tuần, nhóm khỉ không được tiêm chủng và được tiêm chủng được tiêm một liều virut Ebola gây tử vong.  Tất cả các chú khỉ không được tiêm chủng đã bị chết, trong khi đó không có chú khỉ được tiêm chủng nào bị chết.
-      Nghiên cứu này chỉ ra rằng các động vật linh trưởng có thể được tiêm chủng phòng chống virut Ebola và có thể phát sinh đáp ứng miễn dịch tế bào (được cho là do vắc xin DNA) và đáp ứng miễn dịch thể dịch (được cho là do vắcxin virut tái tổ hợp).
-      Các nỗ lực khác nhằm thiết kế các loại vắcxin mang lại hiệu quả ở các động vật linh trưởng đã sử dụng các sách lược đem đến thành công ở chuột và chuột lang.  Tiến sĩ Geisbert và đồng nghiệp đã nghiên cứu một loạt các vắcxin chứa các phần tử đoạn RNA sao chép (RNA replicon particle) từ một chủng virut Venezuela gây viêm não ở ngựa đã được làm giảm tính độc thể hiện kiểu gen GP và NP của virut Ebola, một loại virut đậu mùa tái tổ hợp thể hiện gen GP của virut Ebola, các hạt mỡ chứa lipit A và virut Ebola khử hoạt tính, và một hợp chất chứa toàn bộ phần tử virut Ebola khử hoạt tính đậm đặc.
-      Mặc dù các vắc xin này đã bảo vệ được loài chuột phòng chống virut Ebola, nhưng không bảo vệ được các loài khỉ ăn cua hoặc khỉ nâu chống lại tình trạng nhiễm virut này. (Trở về đầu trang)


Nguồn(Sources):