VI KHUẨN CÓ KHẢ NĂNG THU NHỎ CÁC KHỐI U Ở NGƯỜI VÀ CHÓ
Một ống tiêm chứa đầy vi khuẩn độc hại nghe có vẻ như là phương thuốc cuối cùng mà bệnh nhân ung thư cần đến. Nhưng một nghiên cứu mới ở chó với các khối u, và thậm chí ở một bệnh nhân ung thư, cho thấy rằng tiêm trực tiếp các loại vi khuẩn đặc biệt vào các khối u có thể làm cho các khối u này nhỏ lại hoặc thậm chí có thể tiêu diệt chúng. Các kết quả này giúp củng cố khả năng rằng sử dụng vi khuẩn để điều trị ung thư, một phương pháp tiếp cận đã không mang lại hiệu quả trong một số thử nghiệm lâm sàng, sẽ được thành công.
Các bác sĩ đầu tiên đã lưu ý rằng các trường hợp nhiễm vi khuẩn thỉnh thoảng đã làm thu nhỏ hoặc thậm chí tiêu diệt các khối u cách đây trên 200 năm. William Coley, bác sĩ giải phẫu tại thành phố New York, là người đầu tiên có ý tưởng này. Vào những năm 1890, ông bắt đầu tiêm vào người những bệnh nhân ung thư các loại vi khuẩn Streptococcus để tấn công các khối u trong cơ thể của họ. Sau cái chết của hai bệnh nhân do nhiễm trùng, ông chuyên sang sử dụng các vi khuẩn chết và đã điều trị cho hơn 1000 bệnh nhân với cái ông gọi là chất độc Coley (Coley toxin). Thỉnh thoảng bác sĩ Coley tiêm các vi khuẩn này vào các khối u, và thỉnh thoảng truyền vi khuẩn vào máu, kết quả là rất nhiều bệnh nhân của ông đã sống sót. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị chẳng hạn như phóng xạ, hóa trị, và phẫu thuật đã sớm đẩy phương pháp tiếp cận này vào sách cổ. Tuy nhiên, một cuộc tái phân tích một số ca bệnh của ông đã cho thấy tỷ lệ thành công của ông cũng tương đương với các trị liệu ung thư hiện đại.
Những cố gắng gần đây nhằm tái diễn phương pháp điều trị ung thư sử dụng vi khuẩn đã gặp phải những trở ngại. Ví dụ, một thử nghiệm lâm sàng, trong đó các bệnh nhân được truyền vào tĩnh mạch các liều vi khuẩn Salmonella đã được làm yếu tính độc, đã tìm thấy rằng phương điều trị này tỏ ra an toàn nhưng không tác động nhiều đến các khối u. Trong hơn một thập kỷ, nhà di truyền học ung thư (cancer geneticist) Bert Vogelstein tại trường Đại Học Johns Hopkins ở Baltimore, bang Maryland, và các đồng nghiệp đã điều tra một loại vi khuẩn khác, vi khuẩn Clostridium novyi sống trong đất, có họ hàng với loài vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm chứa butolin (botulism). Khí oxy rất khan hiếm bên trong các khối u, và các loại vi khuẩn này lại “yêu thích những khu vực thiếu oxy”, theo lời bác sĩ Saurabh Saha, nhà nghiên cứu ung thư tại công ty BioMed Valley Discoveries ở thành phố Kansas City, bang Missouri, và là đồng tác giả trong nghiên cứu mới này, mà đã được đăng trên trang mạng của tạp chí Science Translational Medicine. “Các vi khuẩn này phát triển và phân chia, rồi sau đó tiêu diệt các tế bào ung thư”, bác sĩ Saha nói. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng các vi khuẩn này tiết ra các men (enzyme) có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư, rồi sau đó tiêu thụ các mảnh vụn”.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng việc tiêm các bào tử(spore) của loại vi khuẩn này vào các khối u não của chuột đã làm tăng thời gian sống sót của các động vật này. Nhưng các phương pháp điều trị thành công ở các chú chuột trong phòng thí nghiệm lại thường không thành công ở người, vì thế các nhà nghiên cứu đã có ý định thử nghiệm các vi khuẩn ở các động vật có liên hệ gần với các bệnh nhân ung thư hơn. Và họ đã chọn chó. Giống như con người, chó có tính di truyền đa dạng hơn so với các chú chuột trong phòng thí nghiệm. Giống như các khối u ở người, các khối u ở chó phát triển một cách tự phát, và điều này trái ngược với các khối u ở chuột trong phòng thí nghiệm đã được các nhà nghiên cứu tạo ra.
Bác sĩ Saha và các đồng nghiệp đã tiêm các bào tử của vi khuẩn C. novyi vào các khối u của 16 chú chó nuôi, mà những người chủ của chúng không còn chọn lựa nào trong việc điều trị cho chúng. Trong 6 chú chó này, các khối u đã bị thu nhỏ hoặc biến mất, đồng thời các khối u cũng ngừng phát triển trong 5 chú chó khác. Một vài chú chó đã cần đến phẫu thuật để điều trị các vết thương khi các khối u bị phân rã.
Với sự hỗ trợ của các kết quả trong các nghiên cứu ở động vật, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu một thử nghiệm điều trị an toàn ở người. Người đầu tiên tiếp nhận vi khuẩn này là một phụ nữ có khối u ở bụng bị di căn đến một vài nơi trong cơ thể, bao gồm vai phải của bà. Mặc dù các nhà nghiên cứu chỉ tiêm vào chỗ di căn ở vai với liều chưa đến 1% liều lượng vi khuẩn được tiêm cho chó, nhưng khối u đã bắt đầu thu nhỏ lại. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này đã tạo ra một phản ứng phụ không bình thường. Khối u xâm nhập vào xương cánh tay (humerus: xương kéo dài từ vai đến khuỷu tay), và rõ ràng đã cung cấp sự hỗ trợ về thể lý. Việc tiêu diệt các tế bào ung thư đã dẫn đến tình trạng gãy xương, và tình trạng này đòi hỏi phẫu thuật để điều chỉnh. Cuối cùng, bệnh nhân này đã bị tử vong do các khối u di căn khác.
Các nhà nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng các vi khuẩn này không chỉ có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư, mà chúng còn kích thích các tế bào miễn dịch tấn công khối u ung thư. Đồng thời, bởi vì các vi sinh vật này chỉ sống sót trong môi trường hiếm oxy của một khối u, cho nên phương pháp điều trị này mang tính đặc trị, bác sĩ Saha nói. “Phương pháp này giúp phân biệt khối u ung thư và các tế bào bình thường”. Các nhà nghiên cứu dự định tiếp tục tiến hành thử nghiệm an toàn của họ và muốn xác định xem các dạng khối u nào sẽ đáp ứng lại trị liệu vi khuẩn, bác sĩ Saha nói.
Bác sĩ Saha và các đồng nghiệp đã thay đổi các vi khuẩn trong nghiên cứu của họ để trở nên ít nguy hiểm hơn cho người, và các vi sinh vật này sẽ chết đi khi tiếp xúc với oxy, do đó hạn chế khả năng lan đi của chúng. Tuy nhiên, một số chú chó và bệnh nhân trong thử nghiệm này đã tiếp nhận thuốc kháng sinh (trụ sinh), cũng như các bác sĩ và các nhân viên y tế khác cũng sử dụng các biện pháp chống lây nhiễm tiêu chuẩn, chẳng hạn như mặc quần áo bảo hộ và bao tay.
Nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng vì nó cung cấp “chứng cứ về khái niệm cho rằng phương pháp tiếp cận đặc biệt này có thể có tác dụng kháng khối u trong các khối u thật” thay vì chỉ trong các khối u được tạo ra trong các chú chuột ở phòng thí nghiệm, theo lời tiến sĩ Douglas Thamm, một nhà sinh học ung thư (cancer biologist) và là nhà nghiên cứu ung thư thú y (veterinary oncology) tại Trung Tâm Ung Thư Động Vật Flint (Flint Animal Cancer Center) của trường Đại Học Tiểu Bang Colorado (Colorado State University) ở thành phố Fort Collins. Các bác sĩ có thể cần phải phối hợp phương pháp điều trị này với các trị liệu khác, chẳng hạn như xạ trị, để quét sạch bất kỳ tế bào ung thư nào thoát được các vi khuẩn này, ông nói.
“Đây thật là một nghiên cứu rất thú vị và rất quan trọng”, theo lời của tiến sĩ Robert Hoffman, nhà sinh học ung thư của Anticancer Inc., một công ty công nghệ sinh học ở thành phố San Diego, California. Ông và các đồng nghiệp đã cho thấy rằng một chủng khác của vi khuẩn Salmonella, thay vì chủng loài được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng trước đây, có thể loại bỏ được nhiều dạng khối u khác nhau ở chuột, nhưng họ vẫn chưa thực hiện bất kỳ nghiên cứu nào ở người.
Một vấn đề lo ngại về phương pháp tiếp cận mới này là đa số các bệnh nhân ung thư hầu như không bị khối u ban đầu giết chết, nhưng bị các khối u di căn làm cho tử vong. Tiến sĩ Thamm và Hoffman lo lắng rằng việc tiêm trực tiếp vi khuẩn C. novyivào các khối u sẽ không đụng chạm đến các khối u di căn nguy hiểm này. “Nếu trị liệu vi khuẩn sắp tới được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả”, tiến sĩ Hoffman nói, “thì phương pháp này phải nhắm vào các khối u di căn”. (Trở về đầu trang)
ACETAMINOPHEN CÓ THỂ KHÔNG GIÚP ĐƯỢC NHIỀU CHO CƠN ĐAU LƯNG CẤP TÍNH
Khi cơn đau lưng (back pain) tấn công, tất cả những gì bạn mong muốn là được hết đau – càng nhanh càng tốt. Nhiều người tìm mua các loại thuốc giảm đau không cần toa bác sĩ (over-the-counter pain reliever) để giúp giảm bớt cơn đau và để họ có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Thuốc acetaminophen và các loại thuốc kháng viêm không steroid (non-steroidal anti-inflammatory drug – NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, naproxen, aspirin, là những chọn lựa phổ biến và hợp lý nhất.
Các nhà nghiên cứu người Úc đã tiến hành xem xét mức độ có lợi của thuốc acetaminophen dành cho những người bị đau lưng khi cơn đau xuất hiện đột ngột (được gọi là đau lưng cấp tính). Các nhà nghiên cứu muốn biết xem thuốc acetaminophen có cắt bớt thời gian đau lưng (từ lúc bắt đầu cho đến lúc hết đau) không – nghĩa là mức đau là 0 hoặc 1 (theo thang điểm từ 0 đến 10, với 10 là đau nhất) trong ít nhất 7 ngày.
Kết quả tìm thấy có chút gây ngạc nhiên.
Đối với những người sử dụng acetaminophen chỉ khi nào cơn đau lưng làm phiền đến họ, thì mất khoảng 17 ngày để hết đau lưng hoàn toàn. Đối với những người sử dụng loại thuốc này 3 lần mỗi ngày, thì mất khoảng 17 ngày để hết đau hoàn toàn. Và đối với những người sử dụng giả dược (placebo) – viên đường hoàn toàn không chứa thuốc – thì thời gian hồi phục là 16 ngày. Nói cách khác, trong nhóm các tình nguyện viên này thuốc acetaminophen không tạo ra được sự khác biệt gì về thời gian hồi phục. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy rằng tất cả ba nhóm đều có những trải nghiệm tương tự về mức độ nghiêm trọng của cơn đau, tình trạng mất khả năng hoạt động. Các kết quả này đã được đăng trên tạp chí The Lancet.
Có phải điều này muốn nói rằng bạn không cần phải sử dụng thuốc acetaminophen cho cơn đau lưng? Không hẳn là vậy. Acetaminophen có thể giúp ích cho một số người. Và các phương pháp thay thế khác có thể còn tệ hơn. Một số người nên tránh xa các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Các loại thuốc này có thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa của bạn và làm tăng nguy cơ xuất huyết trong số những người sử dụng thuốc để làm giảm đông máu. Các loại thuốc chống co thắt cơ (muscle relaxant) có khuynh hướng an thần.
Nhưng việc sử dụng acetaminophen không phải là không có những rủi ro và tác dụng phụ. Sử dụng quá nhiều acetaminophen có thể làm tổn thương nghiêm trọng đến gan, thỉnh thoảng dẫn đến gan hư tổn (liver failure) hoặc tử vong. Một cách lý tưởng, người thành niên khỏe mạnh trung bình không nên sử dụng quá 3000 mg acetaminophen mỗi ngày. Vì các sản phẩm phối hợp trị cảm lạnh, nhức đầu và mất ngủ đều có chứa acetaminophen, cho nên bạn phải nên đặc biệt chú ý.
Đau lưng là một vấn đề phức tạp. Đau lưng cấp tính (acute back pain) có thể là do bạn đã làm gì ở công sở hoặc lúc đi chơi. Đau lưng cũng có thể do một dây thần kinh bị chèn hoặc tình trạng thoái hóa chẳng hạn như viêm khớp. Đối với 1 phần 3 số người bị đau lưng dưới cấp tính (acute low back pain), sự khó chịu sẽ được cải thiện đáng kể trong khoảng 1 tuần.
Sau đây là một số mẹo vặt giúp vượt qua tình trạng tồi tệ nhất của cơn đau lưng mà không cần phải sử dụng thuốc:
- Sử dụng túi chườm nước đá (không phải túi chườm nóng) ngay sau khi bị thương tổn. Khoảng 48 giờ sau khi xuất hiện cơn đau lưng, sử dụng túi chườm nóng có thể hữu hiệu hơn. Độ ấm sẽ làm dịu và thư giãn các cơ bị nhức.
- Cố gắng đừng ngồi (nằm) một chỗ. Hoạt động một chút vẫn tốt hơn là nằm trên giường. Thật vậy, hãy tham khảo với bác sĩ của bạn về những bài tập thể dục thích hợp để bắt đầu sớm thay vì sau này. Trị liệu bằng thể dục có thể giúp chữa trị cơn đau lưng cấp tính và giúp ngăn ngừa tình trạng cơn đau lặp lại.
- Phương pháp nắn xương (chiropractic manipulation), châm cứu (acupuncture), xoa bóp(massage), hoặc yoga tạo được sự thuyên giảm cho một số người bị đau lưng cấp tính. Một số nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng các trị liệu thay thế và bổ sung này.
- Đa số cơn đau lưng đều không nguy hiểm, nhưng điều quan trọng là phải biết các trường hợp “có dấu hiệu cảnh báo” đòi hỏi điều trị khẩn cấp ngay tức khắc. “Phải đảm bảo đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có cơn đau lưng không giải thích được, đi kèm với sốt, xuống cân, hoặc các triệu chứng về thần kinh chẳng hạn như bị tê (mất cảm giác), đuối sức, hoặc không thể kiềm chế vấn đề đi tiêu đi tiểu”, theo lời của bác sĩ Robert Shmerling, bác sĩ lâm sàng trưởng khoa thấp khớp tại trung tâm Beth Israel Deaconess Medical Center và là giáo sư y khoa tại Đại Học Y Khoa Harvard. (Trở về đầu trang)
Probiotics (là các sinh vật, chẳng hạn như vi khuẩn và nấm men, được cho là có khả năng tăng cường sức khỏe), các vi khuẩn được tìm thấy trong sữa chua (yogurt) và các loại thực phẩm lên men (cultured food) khác, từ lâu đã được biết đến về khả năng làm giảm nỗi khổ về tiêu hóa. Các tiệm thuốc tây và siêu thị trưng bày hàng loạt các loại thực phẩm chức năng probiotic khác nhau, thường chứa Lactobacillus hoặc Bifidobacterium, 2 trong số các loại vi khuẩn được sử dụng phổ biến nhất.
Có lẽ chứng cứ rõ rệt nhất về probiotics là trong việc điều trị tiêu chảy do nhiễm virut hoặc do sử dụng thuốc kháng sinh (trụ sinh). Cả hai trường hợp này làm gián đoạn sự cân bằng tự nhiên về vi khuẩn trong hệ tiêu hóa của bạn, mà probiotics có thể giúp khôi phục lại. Nhưng vấn đề ngược lại – chứng táo bón – còn phổ biến hơn cả tình trạng tiêu chảy. Nó ảnh hưởng đến khoảng 14% số người thành niên và là nguyên nhân gây ra khoảng 3,2 triệu trường hợp đến khám bác sĩ ở Hoa Kỳ mỗi năm. Người dân Hoa Kỳ chi phí gần 750 triệu đô la mỗi năm để điều trị chứng táo bón.
Đa số các loại thuốc trị táo bón không cần toa bác sĩ, chẳng hạn như các loại thuốc nhuận tràng (laxative) và thuốc làm mềm phân (stool softener), hầu như không giúp ích được gì. Gần nửa số người sử dụng không hài lòng với các kết quả của các sản phẩm này, ví dụ như tính hiệu quả hoặc các vấn đề khác.
Vậy probiotics có tác dụng chống lại chứng táo bón không? Các nhà nghiên cứu tại trường Đại Học King (King’s College) ở Luân Đôn đã xem xét các tài liệu y khoa và tìm thấy 14 nghiên cứu đáp ứng tiêu chuẩn của họ về nghiên cứu có giá trị. Tất cả đều là các thử nghiệm lâm sàng chỉ định một cách ngẫu nhiên những người bị táo bón sử dụng probiotics hoặc giả dược (hoặc điều trị kiểm soát khác).
Bằng cách kết hợp lại các phát hiện của những cuộc thử nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng, tính trung bình, probiotics làm chậm lại “thời gian chuyển tiếp của ruột” khoảng 12,4 giờ, gia tăng số lần đi tiêu mỗi tuần khoảng 1,3 lần, và giúp làm mềm phân, do đó dễ dàng bài tiết ra ngoài. Các loại probiotics chứa nhóm vi khuẩn Bifodobacterium lactis xem ra là có hiệu quả nhất. Nghiên cứu này sẽ được công bố trên Tạp Chí Dinh Dưỡng Lâm Sàng Hoa Kỳ (The American Journal of Clinical Nutrition) vào tháng 11 tới.
Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ chứng cứ để đề xuất loại probiotic cụ thể nào cho những người bị chứng táo bón, theo lời bác sĩ Allan Walker, giám đốc Phân Khoa Dinh Dưỡng tại Đại Học Y Khoa Harvard, và là một chuyên gia nổi tiếng thế giới về lĩnh vực nghiên cứu probiotics. Mỗi nghiên cứu nhỏ trong bản báo cáo mới này có các thiết kế khác nhau và những kết quả thay đổi rất lớn, do đó rất khó để thu thập thông tin nhằm đưa ra một sự đề xuất cụ thể.
“Bản thân tôi cho rằng probiotics có thể rất có lợi trong tương lai như một cách thức đối phó với chứng táo bón và các vấn đề sức khỏe khác”, bác sĩ Allan Walker nói. Ông đồng ý với kết luận của cuộc nghiên cứu: Điều cần đến là một thử nghiệm gồm nhiều trung tâm với quy mô lớn, với các kết quả được tiêu chuẩn hóa để xác định loại probiotic nào và chủng nào mang lại hiệu quả nhất, liều lượng sử dụng, và thời gian sử dụng.
Cho đến khi điều đó xảy ra, việc thử nghiệm của chính bản thân bạn có lẽ là an toàn nhất. Probiotics dường như không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào và thường được xem là an toàn. Nhưng phải luôn nhớ rằng các loại thực phẩm chức năng như probiotics vẫn chưa được cơ quan FDA của Hoa Kỳ kiểm tra như các loại thuốc tây (tây dược) khác. Bạn có thể cần phải tham khảo với một chuyên gia y tế, chẳng hạn như một chuyên gia dinh dưỡng có giấy phép đăng ký hành nghề, và chuyên gia này rất quen thuộc với probiotics. Đồng thời, phải báo cáo cho bác sĩ gia đình của bạn biết rằng bạn đang sử dụng probiotics, hoặc làm những điều gì khác mà có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. (Trở về đầu trang)
ĐIỀU TRỊ BỆNH NHA CHU CÓ THỂ GIẢM BỚT GÁNH NẶNG CỦA BỆNH TIM, BỆNH TIỂU ĐƯỜNG, VÀ CÁC TÌNH TRẠNG KHÁC
Bệnh nha chu (gum disease – periodontal disease) – bắt đầu khi một màng mỏng chứa đầy vi khuẩn được gọi là cao răng (plaque) tích tụ quanh răng của bạn – liên quan mật thiết đến tình trạng sinh sớm (premature birth: sinh thiếu tháng), bệnh tim, bệnh tiểu đường (đái tháo đường), và các vấn đề sức khỏe mãn tính khác. Mới đây, một báo cáo trên Tạp Chí Y Học Phòng Tránh Hoa Kỳ (American Journal of Preventive Medicine) số ra tháng 8 phát hiện rằng việc điều trị bệnh nha chu có thể đưa đến kết quả sức khỏe tốt hơn – với bằng chứng là chi phí chăm sóc sức khỏe thấp hơn và ít trường hợp nhập viện hơn – trong số những người có các tình trạng sức khỏe phổ biến.
Nghiên cứu này xem xét các kỷ lục bảo hiểm sức khỏe và nha khoa của khoảng 339 000 người, tất cả những người đã từng bị bệnh nha chu và một trong năm tình trạng: bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2, bệnh tim mạch, bệnh mạch não (thường là đột quỵ), viêm thấp khớp (rheumatoid arthritis), hoặc mang thai. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng những người có 4 trong số 5 tình trạng này (tất cả ngoại trừ viêm thấp khớp) và đã được trị bệnh nha chu ít nhất một lần có chi phí y tế thấp hơn và ít nhập viện hơn trong vòng 4 năm sau khi điều trị khi được so sánh với những người không được điều trị.
Chi phí tiết kiệm này đặc biệt gây ấn tượng – thấp hơn với tỷ lệ 74% - trong số những phụ nữ mang thai. Kết quả này là do tránh được các chi phí liên quan đến tình trạng sinh sớm gắn liền với bệnh nha chu, và các biến chứng khác. Những người bị bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường (đái tháo đường), và đã được điều trị bệnh nha chu, có các chi phí chăm sóc sức khỏe thấp hơn khoảng 20% - 40%.
“Đây là một phát hiện có cơ sở vững chắc và là một chứng cứ mà chúng tôi đã và đang thuyết giảng”, theo lời bác sĩ nha chuyên khoa nha chu (periodontist) Alpdogan Kantarci của Viện Forsyth liên kết Harvard, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận chú trọng vào sức khỏe răng miệng. Chải (đánh) răng và xỉa răng mỗi ngày có thể ngăn ngừa và thậm chí giúp hồi phục bệnh nha chu giai đoạn sớm nhất, viêm nướu răng (gingivitis), bác sĩ nha khoa Kantarci cho biết.
Nếu không được điều trị, chứng viêm nướu răng có thể chuyển thành bệnh nha chu. Nướu răng kéo lên từ chân răng, tạo ra một túi nhỏ rồi dần dần sưng to lên. Cuối cùng, tình trạng nhiễm trùng và viêm nhiễm tấn công các mô có chức năng gắn liền răng với xương hàm, do đó có thể làm cho răng lỏng và rớt ra.
Bác sĩ nha khoa hoặc chuyên viên vệ sinh răng (hygienist) có thể điều trị bệnh nha chu bằng cách đánh sạch răng ở trên và dưới đường nướu răng, một tiến trình có tên là lấy cao răng (scaling) và chà chân răng (root planning). Họ sử dụng các thiết bị lấy cao răng bằng tay hoặc các thiết bị siêu âm để cạo sạch cao răng cứng. Đa số bệnh nhân chỉ cần được gây tê, chẳng hạn như tiêm một mũi Novocain.
Mối dây liên hệ phổ biến giữa bệnh nha chu và các tình trạng sức khỏe mãn tính là hiện tượng viêm – một đáp ứng tự nhiên của cơ thể đối với sự nhiễm trùng hoặc thương tổn. Sự tích tụ các chất gây viêm trong máu xem ra làm trầm trọng thêm bệnh tim, bệnh tiểu đường (đái tháo đường), và các chứng bệnh mãn tính khác. Loại bỏ được tình trạng nhiễm trùng nướu răng có thể hạn chế được đáp ứng gây hại đó ở khắp cơ thể.
Kết luận: Giống như các bác sĩ nha khoa thường dặn dò bạn, hãy chải (đánh) răng và xỉa răng mỗi ngày để giúp cho nướu răng không bị nhiễm trùng. Thường xuyên lưu ý đến những dấu hiệu này của bệnh nha chu – đặc biệt nếu bạn đang mang thai hoặc có tiền sử bị bệnh tim, đột quỵ, hoặc bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2 – và đến khám bác sĩ.
Các dấu hiệu của bệnh nha chu:
Bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây đều có thể là manh mối bạn bị bệnh nha chu:
- Nướu răng bị sưng, đỏ, hoặc chạm vào đau
- Nướu răng dễ bị chảy máu
- Có mủ ở kẽ răng và các nướu răng
- Hơi thở hôi
- Các chất bám cứng màu nâu tích tụ dọc theo đường nướu răng
- Răng bị lỏng hoặc bị hở
Healthy gums: Nướu răng khỏe mạnh
Firm gums: Nướu răng chắc
Perodontal ligament: Dây chằng nha chu
Alveolar bone: Xương ổ răng
Gingivitis: Viêm nướu răng
Inflamed gums: Nướu răng bị viêm
Pocket: Túi
Periodontitis: Viêm nha chu
Plaque and tartar: Cao răng và cao răng cứng
Loss of periodontal ligament and bone: Mất dây chằng và xương nha chu
Bệnh nha chu phát triển khi tình trạng viêm lan đến các mô chống đỡ răng. Các nướu răng khỏe mạnh (A) cứng chắc và ôm chặt lấy răng. Nếu không được làm sạch đúng cách, cao răng có thể tích tụ ở vùng mô nướu răng tiếp giáp với răng. Khi cao răng tích lũy, mô nướu răng kéo khỏi răng, tạo nên một túi nhỏ. Các nướu răng này bị viêm sưng, một tình trạng được gọi là viêm nướu răng (B). Tình trạng viêm nướu răng có thể trở xấu, gây ra một chứng bệnh nướu răng nghiêm trọng hơn có tên là viêm nha chu (periodontitis: viêm mô bao quanh răng) (C). Ở đây, túi nhỏ sẽ phình to khi nướu răng kéo ngược từ chân răng. Tình trạng bệnh lý này cũng sẽ phá hủy dây chằng và xương nha chu, lan đến chân răng. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, tổn thương dây chằng và xương nha chu có thể làm cho răng bị lỏng, và nó có thể rớt ra. (Trở về đầu trang)
HẠN CHẾ HOẶC CẤM THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ
Các hiệp hội về phổi khuyến cáo, các loại thuốc lá điện tử (electronic cigarettes) nên bị hạn chế hoặc thậm chí cấm, trong khi chờ đợi các dữ liệu an toàn hơn.
Hiệp Hội Ngực Hoa Kỳ (American Thoracic Society) và Hiệp Hội Các Bác Sĩ Ngực Hoa Kỳ (American College of Chest Physicians) đã phối hợp với các tổ chức đương nhiệm tại Diễn Đàn của Các Hiệp Hội Hô Hấp Quốc Tế (Forum of International Respiratory Societies) trong một tuyên bố xác định sự hoài nghi về các thiết bị bốc hơi chất nicotin chạy bằng pin.
“Như một sự khuyến cáo, các thiết bị điện tử cung cấp nicotine nên bị hạn chế hoặc cấm cho đến khi có nhiều thông tin hơn về tính an toàn của chúng”, tuyên bố này cho hay. “Nếu được cho phép sử dụng, chúng phải được quản lý chặt chẽ tương tự như thuốc tây hay các sản phẩm thuốc lá”.
Tuyên bố được đưa ra ngày hôm nay tại một cuộc họp của Diễn Đàn và Liên Minh Bệnh Không Lây (Noncommunicable Disease Alliance), diễn ra đồng thời với Nghị Trình Xem Xét Biện Pháp Phòng Ngừa và Quản Lý Các Bệnh Không Lây Cấp Độ Cao của Liên Hiệp Quốc (United Nations High-Level Review on the Prevention and Control of Noncommunicable Diseases) , và sẽ xuất hiện trên mạng trong Tạp Chí Hô Hấp và Chăm Sóc Y Tế Cấp Thiết Hoa Kỳ (American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine - ATS).
Nguyên nhân chính gây lo ngại là tính an toàn, theo lời của tác giả dẫn đầu, bác sĩ Dean Schraufnagel, của trường Đại Học Chicago(University of Chicago) và là nguyên chủ tịch của ATS.
“Nicotin chính là chất gây nghiện lâu dài, và đây lại là các thiết bị cung cấp nicotin”, ông nói trong một tuyên bố từ tổ chức của mình.
“Sức hấp dẫn của thuốc lá đối với sức khỏe toàn cầu và hành vi lịch sử của ngành công nghiệp thuốc lá, bao gồm sự lừa dối về các tác động đến sức khỏe của thuốc lá, cố ý tiếp thị cho trẻ em, và điều khiển nồng độ nicotine trong thuốc lá để duy trì sự nghiện ngập, buộc chúng ta phải tiến hành một cách thận trọng”.
Tuyên bố đưa ra luận điểm (position statement) này thừa nhận sự lập luận phổ biến cho rằng thuốc lá điện tử có thể ít có hại cho sức khỏe hơn so với thuốc lá truyền thống vì loại này thải ra nhựa thuốc lá (tar) và các chất gây ung thư (carcinogen) khi chúng được đốt cháy.
Tuy nhiên, “những lợi ích tiềm tàng của thuốc lá điện tử đối với một cá nhân hút thuốc nên được cân nhắc khi so sánh với những tác hại tiềm ẩn đối với cộng đồng dân cư về khả năng xã hội chấp nhận gia tăng của việc hút thuốc lá và việc sử dụng nicotin, yếu tố sau có khả năng gây nghiện ngập và những tác hại không tốt cho sức khỏe”, theo lời tuyên bố này.
Các nguy cơ về sức khỏe của thuốc lá điện tử vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ; nhưng ít ra, propylene glycol là một chất kích thích khi hít vào và chất nicotin có những tác động đáng kể đến hệ thống tim mạch, kiểm soát thần kinh, phổi, và có thể gây viêm loét dạ dày (peptic ulcer) cũng như ung thư ruột.
Những kết quả nghiên cứu về tác động của thuốc lá điện tử đối với việc cai nghiện thuốc lá đã không nhất quán trong việc tìm thấy những chứng cứ có lợi, theo lập luận của tuyên bố này.
“Chính phủ của nhiều nước đã chọn lựa hạn chế việc bán các dụng cụ cung cấp nicotin, hoặc cấm bán các dụng cụ này một cách triệt để”, tuyên bố này chỉ ra.
Chính phủ Anh Quốc sẽ kiểm soát các thiết bị này dưới hình thức các loại thuốc tây bắt đầu vào năm 2016, trong khi đó các nước như Brazil, Na Uy, Singapore, and Indonesia đã cấm triệt để các thiết bị này.
Châu Âu đã quyết định kiểm soát các dụng cụ này giống như các loại thuốc lá truyền thống; cơ quan FDA Hoa Kỳ đã đề nghị kiểm soát ít khắt khe hơn đối với thuốc lá điện tử, với các hạn chế về tuổi tác và tiếp thị.
Theo hiệp hội về hô hấp đề xuất, nếu không có quy định cấm và chế độ kiểm soát như thuốc tây, thì biện pháp tốt nhất kế tiếp là phải quản lý toàn bộ các sản phẩm thuốc lá.
Điều đó phải bao gồm:
- Lệnh cấm tất cả các loại quảng cáo, khuyến mãi, và tài trợ
- Cấm trưng bày ở các cửa hàng bán lẻ
- Cấm bán cho các trẻ dưới 18 hoặc 21 (tùy theo tiểu bang)
- Kiểm soát các hoạt động buôn bán trên internet
- Đánh thuế ở mức tương tự như các loại thuốc lá dạng đốt.
- Cấm buôn bán và tạo mùi mà có thể thu hút trẻ em.
- Yêu cầu bao bì và nhãn sản phẩm bao gồm một danh sách liệt kê các thành phần và số lượng nicotin.
- Dán các nhãn cảnh báo phù hợp, tương tự như các nhãn cảnh báo được áp dụng cho các sản phẩm thuốc lá.
- Cấm sử dụng chúng ở những nơi công cộng, những nơi làm việc, hay trên các phương tiện giao thông công cộng.
Các nhà sản xuất cũng nên “tuân thủ các biện pháp an toàn được thiết lập cho người tiêu dùng, bao gồm danh sách các thành phần và sản xuất các sản phẩm phù hợp với các nồng độ thống nhất và xác định liều nicotine tối đa”, cùng với các loại bao bì trẻ em không thể mở ra và các thiết bị an toàn phòng tránh ngộ độc không cố ý, tuyên bố này đề xuất. (Trở về đầu trang)
DẦU CÁ CÓ THÊ BẢO VỆ CHỐNG LẠI TỔN THƯƠNG NÃO LIÊN QUAN ĐẾN RƯỢU BIA
Một hợp chất omega-3 được tìm thấy trong dầu cá có thể giúp hạ thấp nguy cơ tổn thương não do tiêu thụ rượu bia lâu ngày, một nghiên cứu mới cho biết.
Một nghiên cứu các mẫu nuôi cấy não chuột được tiếp xúc với nồng độ rượu bia tương đương với 4 lần mức giới hạn lái xe hợp pháp (legal driving limit) cho thấy rằng những động vật cũng được tiếp xúc với hợp chất omega-3 axit docosahexanenoic (DHA) có nguy cơ bị “chết tế bào thần kinh” và viêm thần kinh(neuroinflammation) thấp hơn so với những động vật không tiếp xúc với DHA là 90%.
“Chúng tôi muốn thử và tìm ra các cơ chế tìm ẩn gây tổn thương não xảy ra ở nhóm chuột uống nhiều rượu và xem rằng liệu nó có liên quan đến quá trình viêm thần kinh không”, nhà điều tra hàng đầu, tiến sĩ Michael A. Collins, giáo sư Khoa Dược Học Phân Tử và Trị Liệu(Department of Molecular Pharmacology and Therapeutics) tại Trường Y Khoa Stritch của Đại Học Loyola, Chicago, Illinois, nói với Medscape Medical News.
“Phóng thích quá nhiều axit arachidonic sẽ gây ra áp lực oxy hóa (oxidative stress) mà chúng tôi gọi là các quá trình viêm thần kinh. Vì hàm lượng DHA sẽ bị tiêu hủy khi tiêu thụ quá nhiều rượu bia, cho nên chúng tôi xem xét việc tái bổ sung hợp chất này và cho rằng điều đó có thể mang tính bảo vệ”, tiến sĩ Collins nói thêm.
Ức Chế Quá Trình Gây Chết Tế Bào
Vào tháng 9 năm 2013, tiến sĩ Collins trình bày các kết quả ban đầu của nghiên cứu này tại Hội Nghị của Hiệp Hội Châu Âu cho Nghiên Cứu Y Sinh về Rượu Bia ở Vacsava, Ba Lan.
“Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng các axit béo omega-3, đặc biệt là DHA…sẽ ức chế hoặc ngăn chặn tình trạng thoái hóa tế bào thần kinh do tiêu thụ quá nhiều rượu bia”, ông nói.
“Và trên cơ bản, đó là điều chúng tôi đã tìm thấy”.
Ông nói thêm rằng nghiên cứu ở động vật này không tập trung chuyên sâu vào chứng mất trí (dementia). Tuy nhiên, “vì quá trình thoái hóa não làm cơ sở cho chứng mất trí kéo dài hoặc vĩnh viễn, cho nên các kết quả này được ngoại suy đến những gì có thể xảy ra ở con người”.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá các mẫu não từ những chú chuột đực trưởng thành được tiếp xúc liên tục trong vài ngày với ethanol (C2H5OH). Một nửa số mẫu não sau đó lại được tiếp xúc với hợp chất omega-3 DHA, còn một nửa kia không được tiếp xúc với hợp chất này.
Các kết quả cho thấy nồng độ men phospholipase A2 tăng cao hơn do tiếp xúc với quá nhiều rượu bia, dẫn đến tình trạng viêm thần kinh gia tăng, hoặc protein aquaporin-4 (AQP4), và tình trạng phù não (brain edema) gia tăng.
Khi được so sánh với những chú chuột không được tiếp xúc với rượu bia, thì những chú chuộc đã được tiếp xúc có nồng độ cPLA2 và phospho-CPLA2 trong cấu trúc chân hải mã (hippocampus), vỏ não trong rãnh mũi (entorhinal cortex), và hành thùy khứu (olfactory bulb) cao hơn đáng kể (tất cả, xác suất < 0,05). Các chú chuột này cũng có hàm lượng sPLA2 tăng đáng kể trong tất cả 3 khu vực này (xác suất < 0,05 cho hai khu vực trước, và xác suất < 0,01 cho khu vực sau).
Cần Thêm Nghiên Cứu
Tất cả 3 khu vực não này cũng cho thấy hàm lượng AQP4 và ADP-ribose polymerase-1 tăng cao đáng kể (tất cả, xác suất < 0,05).
“Protein Aquaporin-4 là một phân tử lớn. Nó là một kênh nước”, tiến sĩ Collins nói. “Và PARP là hạt nhân của tất cả các tế bào não. Nó là một men sửa chữa, nhưng tăng hoạt động của men này trong não có thể thực sự làm cho các tế bào thần kinh bị chết đi”.
Cũng có một sự gia tăng đáng kể về hàm lượng các protein được cộng vào nhóm 4-hydroxynonenal (4HNE)” trong cấu trúc chân hải mã và vỏ não trong rãnh mũi ở các chú chuột được tiếp xúc với nhiều rượu bia so với các chú chuột không được tiếp xúc (xác xuất < 0,01).
Tuy nhiên, sự bổ sung hợp chất DHA vào các mẫu não đã giúp giảm bớt sự tăng cao áp lực oxy hóa và giảm bớt hàm lượng PLA2, AQPA, và PARP1. Hợp chất này cũng được tìm thấy có khả năng làm giảm tổn thương thần kinh do tiêu thụ quá nhiều rượu bia.
“Đây là một nghiên cứu ở động vật, nhưng nó rất thú vị”, tiến sĩ Collins nói. “Tôi có thể nói điểm quan trọng nhất ở đây là tình trạng viêm thần kinh liên quan đến áp lực oxy hóa được xem có mối liên kết với trường hợp tế bào thần kinh chết do uống nhiều rượu bia. Và axit béo omega-3 có khả năng ức chế và ngăn chặn các vấn đề này”.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng cần phải có thêm nghiên cứu, và các nhà điều tra hy vọng sớm bắt đầu kiểm tra xem liệu hợp chất DHA có thể bảo vệ chống lại tình trạng thoái hóa thần kinh liên quan đến rượu bia ở các chú chuột (đực và cái) chưa bị ảnh hưởng không.
Còn hiện tại, tiến sĩ Collins nói thêm rằng những người uống nhiều rượu bia nên cắt giảm bớt số lượng tiêu thụ của họ - hoặc xem xét từ bỏ hoàn toàn – vì nghiên cứu này không nói rằng bạn có thể uống vài viên thuốc rồi lại tiếp tục lạm dụng rượu bia. (Trở về đầu trang)
THỨC KHUYA CÓ THỂ CÓ HẠI ĐẾN KHẢ NĂNG SINH SẢN CỦA BẠN
Theo một nghiên cứu mới cho biết, phụ nữ muốn có thai hay sắp sửa có em bé nên tránh ánh đèn ban đêm.
Bóng tối là yếu tố quan trọng cho sức khỏe sinh sản tối ưu ở phụ nữ, và cho việc bảo vệ bào thai đang phát triển, theo lời nhà nghiên cứu Russel J. Reiter, một giáo sư sinh học tế bào (cellular biology) tại Trung Tâm Khoa Học Sức Khỏe Đại Học Texas (University of Texas Health Science Center) ở thành phố San Antonio.
Trong một công trình xem xét lại các nghiên cứu được đăng ngày 1 tháng 7 trên tạp chí Khả Năng Sinh Sản và Vô Sinh (Fertility and Sterility), tiến sĩ Reiter và các đồng nghiệp đã đánh giá nghiên cứu được công bố trước đây, và tóm lược vai trò của nồng độ melatonin và chu kỳ sinh học về sinh sản thành công ở phụ nữ.
Bằng chứng cho thấy rằng “Mỗi khi bạn bật đèn vào buổi tối, điều này có tác dụng làm giảm bớt sự sản sinh melatonin”, tiến sĩ Reiter nói.
Melatonin, một loại hooc môn được tiết ra bởi tuyến yên(pineal gland) trong não để đáp ứng lại bóng tối, có vai trò quan trọng khi các phụ nữ đang cố gắng muốn mang thai, vì nó bảo vệ trứng của họ khỏi các tổn thương do oxy hóa, tiến sĩ Reiter nói. Melatonin có các đặc tính chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ trứng không bị tổn thương do gốc tự do, đặc biệt là khi người phụ nữ rụng trứng, các kết quả tiết lộ.
“Nếu phụ nữ đang cố gắng để có thai, thì họ nên duy trì ít nhất tám giờ đồng hồ trong bóng tối vào ban đêm”, ông khuyên. “Chu kỳ sáng-tối phải duy trì đều đặn mỗi ngày; nếu không, đồng hồ sinh học của người phụ nữ sẽ bị xáo trộn”.
Ô nhiễm ánh sáng
Tám giờ trong bóng tối mỗi đêm cũng là điều tối ưu trong thời gian mang thai, và một cách lý tưởng, không nên phá vỡ bóng tối ban đêm bằng ánh đèn, đặc biệt là trong ba tháng cuối của thai kỳ, tiến sĩ Reiter nói.
Bật đèn vào ban đêm ức chế quá trình sản sinh melatonin ở phụ nữ, và điều này có nghĩa là não của thai nhi có thể không nhận được số lượng melatonin thích hợp để điều chỉnh chức năng của đồng hồ sinh học của mình, ông nói.
Các nghiên cứu ở động vật đã cho thấy rằng những sự nhiễu loạn môi trường ánh sáng và bóng tối của động vật mẹ có thể liên quan đến các vấn đề về hành vi ở thú sơ sinh. Điều này đã khiến một số nhà nghiên cứu suy đoán rằng những gián đoạn tương tự về các chu kỳ ánh sáng và bóng tối khi một người phụ nữ đang mang thai có thể liên quan đến sự gia tăng rối loạn tăng động thiếu tập trung (attention-deficit/hyperactivity disorder - ADHD) hay rối loạn tự kỷ ở trẻ nhỏ.
“Chúng ta đã tiến hóa trong 4 triệu năm với chu kỳ sáng tối(light-dark cycle) giúp điều chỉnh các chu kỳ sinh học", tiến sĩ Reiter nói. “Chúng ta gây gián đoạn chu kỳ sáng tối với sự phát triển của ánh sáng nhân tạo, và điều đó đã làm gián đoạn đồng hồ sinh học vào ban đêm và ức chế hàm lượng melatonin được sản xuất."
“Có một cái giá sinh học phải trả cho sự nhiễu loạn ánh sáng”, tiến sĩ Reiter nói.
Những việc phụ nữ có thể làm
Vậy, những người phụ nữ nếu muốn có con hay đang mang thai nên làm gì để tránh những sự nhiễu loạn đến chu kỳ sáng-tối?
Bóng tối là yếu tố cần thiết để cho đồng hồ sinh học hoạt động đều đặn và để sản sinh một liều lượng melatonin thích hợp, tiến sĩ Reiter nói. Tuy nhiên, ông lưu ý, “ở trong bóng tối không có nghĩa là ngủ”. Ngủ được là tốt, tiến sĩ Reiter nói, nhưng chính bóng tối là yếu tố cần thiết để não sản sinh melatonin.
Ông đề nghị phải đảm bảo phòng ngủ đủ tối, không có ánh sáng bên ngoài lọt vào qua cửa sổ, hoặc từ ánh sáng truyền hình hoặc ánh sáng chói của các thiết bị điện tử. Những người muốn có đèn ngủ nên chọn ánh đèn màu đỏ hoặc vàng, thay vì ánh sáng trắng hoặc xanh dương, vì hai màu ánh đèn này có thể ảnh hưởng đến các chu kỳ sinh học. Và những người không thể ngủ nên tránh bật đèn. (Trở về đầu trang)
THỰC PHẨM HỮU CƠ CÓ THỂ LÀNH MẠNH HƠN
Nông sản hữu cơ và các loại ngũ cốc chứa nhiều chất chống oxy hóa bảo vệ hơn, ít cặn thuốc trừ sâu (pesticide residue) hơn, và hàm lượng kim loại cadimin(cadmium) độc hại cũng thấp hơn so với loại thực phẩm được trồng theo các phương thức truyền thống, một nghiên cứu mới cho biết.
Người ta vẫn chưa rõ điều này có ý nghĩa gì đối với sức khỏe của bạn. Và nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng cuộc phân tích này bị thiếu xót một vài điểm quan trọng.
Nhưng một đồng tác giả nghiên cứu cho biết nghiên cứu này nêu ra một thông điệp rõ ràng.
“Các loại thực phẩm thực vật hữu cơ cung cấp một số lợi thế dinh dưỡng đáng kể, đồng thời cũng giảm bớt các nguy cơ liên quan đến các trường hợp tiếp xúc với cadimin và các loại thuốc trừ sâu trong thực phẩm”, đồng tác giả nghiên cứu Charles Benbrook, giáo sư nghiên cứu ở Trung Tâm Hỗ Trợ Nông Nghiệp và Tài Nguyên Thiên Nhiên (Center for Sustaining Agriculture and Natural Resources) tại trường Đại Học Tiểu Bang Washington (Washington State University) nói.
Giáo sư Benbrook cho biết nghiên cứu mới này cung cấp con số chính xác hơn về các chất dinh dưỡng cụ thể và đưa ra bằng chứng đáng tin cậy hơn về hàm lượng cadimin trong thực phẩm không hữu cơ (non-organic food) so với các báo cáo trước đây.
Nghiên cứu này không có khả năng giải quyết sự tranh cãi kéo dài về việc liệu thực phẩm hữu cơ có xứng đáng đắt hơn các thực phẩm truyền thống không – trong một số trường hợp đắt gấp 2 lần giá thực phẩm được trồng theo phương thức truyền thống.
Năm 2012, Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) tuyên bố có rất ít bằng chứng ủng hộ ý kiến cho rằng thực phẩm hữu cơ tỏ ra lành mạnh hơn theo thời gian. Trường Đại học Stanford (Stanford University) cũng công bố một nghiên cứu trong năm đó và cũng có những kết luận tương tự.
Trong nghiên cứu mới, được công bố ngày 14 tháng 7 trên Tạp Chí Dinh Dưỡng Anh Quốc (British Journal of Nutrition), các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 343 nghiên cứu đánh giá. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng hàm lượng chất chống oxy hóa ở nông sản hữu cơ tính trung bình cao hơn hàm lượng chất chống oxy hóa ở các nông sản truyền thống là 17%. Và hàm lượng một số chất chống oxy hóa chẳng hạn như flavanones, flavonols và anthocyanins thì cao hơn một cách đáng kể.
Các nhà khoa học tin rằng các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể không bị tổn thương do hút thuốc lá, áp lực, các loại thực phẩm chế biến sẵn và nhiều yếu tố gây hại khác, nhưng có một cuộc tranh luận về vấn đề liệu các chất chống oxy hóa có lợi không khi chúng đến từ thực phẩm.
Tại sao các loại thực phẩm hữu cơ (organic food) chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn so với các loại thực phẩm không hữu cơ?
“Chúng được bón phân hoàn toàn khác, và theo những phương thức giúp cải thiện nâng cao một số chất dinh dưỡng”, giáo sư Benbrook nói. Ngoài ra, các loại thực phẩm được trồng theo phương thức hữu cơ sản sinh các chất chống oxy hóa để đáp ứng lại áp lực chẳng hạn như sâu bệnh, ông ấy nói.
Trong khi đó, các nghiên cứu đã tìm thấy hàm lượng cặn thuốc trừ sâu ở thực phẩm không hữu cơ cao gấp bốn lần, và hàm lượng cadimin cao gấp hai lần.
“Không có sự xem duyệt nào khác có đủ các nghiên cứu so sánh phân tích chất cadimin để đi đến kết luận đó,” giáo sư Benbrook nói. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng ông không biết có khoảng bao nhiêu người Mỹ được xem là tiêu thụ quá nhiều chất cadimin, một kim loại có tính độc thường được tìm thấy ở các khu chế xuất công nghiệp.
Samir Samman, người đứng đầu khoa dinh dưỡng con người tại trường Đại Học Otago (University of Otago) ở Tân Tây Lan(New Zealand), khen ngợi nghiên cứu này như “một sự bổ sung quan trọng vào kiến thức của chúng ta trong lĩnh vực này”. Giáo sư Samman cho biết nghiên cứu này đặc biệt bổ sung thêm các chi tiết về các chất chống oxy hóa trong các loại thực phẩm hữu cơ.
Nhưng có một số nhà nghiên cứu thực phẩm chỉ trích nghiên cứu này và các kết luận của nó.
“Câu hỏi quan trọng là chúng ta tiếp xúc với số lượng bao nhiêu chất cadimin, không phải là có sự khác biệt nào giữa các loại thực phẩm hữu cơ và truyền thống”, theo lời tiến sĩ Carl Winter, phó bộ môn khoa học thực phẩm và công nghệ tại trường Đại Học California, Davis (University of California, Davis).
Tuyên bố cho rằng các loại thực phẩm hữu cơ chứa hàm lượng thuốc trừ sâu thấp hơn thật không có gì là ngạc nhiên vì nó được trồng mà không sử dụng các loại thuốc trừ sâu theo lối truyền thống, các chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, tiến sĩ Winter nói rằng thuốc trừ sâu ở những thực phẩm không hữu cơ có khuynh hướng ở mức thấp hơn nhiều so với liều lượng thuốc trừ sâu gây ra những vấn đề ở các động vật trong phòng thí nghiệm.
“Hiện vẫn có một cái đệm sức khỏe rất lớn thậm chí nếu một người chỉ ăn những thực phẩm thông thường”, ông ấy nói.
Richard Mithen, người đứng đầu chương trình thực phẩm và sức khỏe tại Viện Nghiên Cứu Thực Phẩm (Institute of Food Research) ở Anh Quốc, lưu ý rằng sự phân tích này không cho thấy những khác biệt được quan sát giữa các loại thực phẩm hữu cơ và không hữu cơ có bất kỳ tác động nào đối với sức khỏe.
“Giá cả các loại rau củ hữu cơ cao hơn, và mức tiêu thụ có thể giảm, sẽ dễ dàng bù lại bất kỳ mức gia tăng nhỏ bé nào trong các thành phần dinh dưỡng, cho dù chúng có thực sự xảy ra, điều mà tôi nghi ngờ”, ông đã tuyên bố như vậy.
“Để cải thiện sức khỏe cộng đồng chúng ta cần phải khuyến khích mọi người ăn nhiều trái cây (hoa quả) và rau quả, bất kể phương thức gieo trồng nào”, ông đã phát biểu trong một bài tuyên bố. (Trở về đầu trang)
9 VẤN ĐỀ BẤT THƯỜNG Ở ÂM ĐẠO
Hãy đối mặt với nó - có nhiều vấn đề có thể xảy ra bên dưới đai bụng. Từ những mùi khó chịu và ngứa ngáy đến các cục u và hiện tượng chảy máu, đôi khi xem ra bạn phải cần đến một cẩm nang. Do đó chúng tôi đã tham khảo với các chuyên gia về 9 vấn đề phổ biến thường thấy ở âm đạo và cách để đối phó với chúng một cách nhanh chóng nhất!
Bạn Lưu Ý Thấy Một Cục U Kỳ Lạ
Thử hỏi ai mà không lo sợ sau khi nhìn thấy một khối u hay một đốm gì đó ở các vùng kín? Trường hợp này có thể nói lên nhiều điều, nhưng có khả năng là không nghiêm trọng, theo lời bác sĩ sản/phụ khoa Alyssa Dweck, đồng tác giả của cuốn V is for Vagina. Nó có thể là bất cứ vấn đề gì từ một cọng tóc mọc ngược vào thịt đến u nang bã nhờn (sebaceous cyst: một thương tổn dưới da), bác sĩ Dweck nói. Ngâm nước ấm là một biện pháp phòng vệ hiệu quả đầu tiên, tuy nhiên bạn có thể thoa (bôi) một ít kem hydrocortisone mua không cần theo toa bác sĩ nếu bạn cảm thấy có dấu hiệu viêm, bà ta nói. Nếu thương tổn vẫn kéo dài hoặc gây đau, hãy kiểm tra với bác sĩ liệu đó có phải là một dấu hiệu bị nhiễm trùng không.
Có Một Mùi Khó Chịu
Nếu có mùi hôi phát ra ở gần khu vực bộ phận sinh dục (bikini line), thì chắc chắn bạn biết là có vấn đề không ổn. Vấn đề là, mùi hôi đó có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức. Nếu đó là tình trạng chảy dịch gây ra mùi hôi, thì nó có thể là một tình trạng nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn âm đạo (bacterial vaginosis) hoặc bệnh nhiễm trùng trichomonad (trichomoniasis), bác sĩ sản/phụ khoa Mary Jane Minkin nói. Trong trường hợp đó, bạn có thể cần đến điều trị kháng sinh. Một thủ phạm phổ biến của các mùi hôi có thể là miếng băng vệ sinh bị bỏ quên hoặc bao cao su bị mắc kẹt, bác sĩ Dweck nói. Đúng vậy, nó thường xảy ra hơn bạn nghĩ, và mũi của bạn chắc chắn sẽ đánh hơi được. Và đừng lo lắng, bác sĩ của bạn có thể loại trừ được mùi hôi đó cho bạn.
Bạn Bị Ra Máu, và Đó Không Phải Là Kinh Nguyệt
Nếu bạn phát hiện một cách ngẫu nhiên, thì đó có thể là hiện tượng mất cân bằng hooc môn do quên uống thuốc tránh thai, tuy nhiên thường xuyên phát hiện bị ra máu thì bạn phải đi khám bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu bị nhiễm trùng, mang thai, hay một bứu thịt ở cổ tử cung. Nếu hiện tượng ra máu xảy ra sau khi quan hệ tình dục hoặc đi kèm với chảy dịch (mủ), thì đó có thể là bệnh lây truyền qua đường sinh dục (sexually transmitted disease) do đó bạn cần đến bác sĩ để kiểm tra bệnh lậu (gonorrhea) và vi sinh vật Chlamydia, bác sĩ Dweck nói. Đương nhiên, nếu như hiện tượng ra máu chỉ xảy ra một lần sau khi quan hệ tình dục mạnh, thì dĩ nhiên không có gì phải lo lắng, bà ấy nói.
Bạn Bị Ngứa
Cảm thấy như có kiến trong quần? Tình trạng ngứa tái diễn, đặc biệt đi kèm với chảy dịch (mủ), có thể là dấu hiệu bị nhiễm nấm men (yeast infection) hoặc nhiễm khuẩn âm đạo (bacterial vaginosis), bác sĩ Minkin nói. Nhưng nếu bạn đã cố gắng điều trị mà vẫn không hết ngứa, thì đó có thể là một phản ứng da đơn giản đối với một chất gì đó chẳng hạn như xà phòng, nước rửa phụ khoa, hay thậm chí là xà phòng giặt quần áo. Bác sĩ Minkin lưu ý rằng bà thường tiếp nhận một số lượng rất đông các trường hợp đến khám bệnh liên quan đến ngứa trong dịp Giáng Sinh, khi đó mọi người thử các loại muối tắm và xà phòng đủ kiểu từ các quà tặng trong dịp lễ.
Bạn Bị Chảy Dịch Không Bình Thường
Như bạn có thể có khả năng đoán được ngay bây giờ, một sự chảy dịch bất thường có thể đi kèm với hàng tấn vấn đề khác nhau. Nhưng đừng hốt hoảng khi tình trạng này xảy ra mỗi tháng; “Đa số phụ nữ đều có một chu kỳ kinh nguyệt sinh lý căn bản và dường như nó đã như vậy”, bác sĩ Dweck nói. Nhưng nếu bạn chú ý thấy có sự thay đổi về màu sắc, độ đặc, hay mùi, thì bạn phải cho bác sĩ biết về hiện tượng này.
Bị Đau Khi Đi Tiểu hoặc Khi Quan Hệ Tình Dục
Đau âm đạo(vaginal pain) hay đau âm hộ (vulva pain) có thể là một dấu hiệu bị nhiễm trùng hay bệnh lây truyền qua đường sinh dục, bác sĩ Dweck nói, do đó bạn nên kiểm tra với bác sĩ nếu cảm giác này kéo dài hơn một hoặc hai ngày. Nếu cơn đau chỉ xảy ra một hoặc hai lần sau khi quan hệ tình dục, thì đó có thể là do âm đạo bị khô – hãy thử dùng thuốc bôi trơn và xem có sự khác biệt hay không.
Bạn Cảm Thấy Hơi Bị Tê Ở Dưới Đó
Tình trạng này thường không xảy ra… Nhưng bác sĩ Dweck nói rằng bà thường xuyên thấy tình trạng này ở những bệnh nhân đạp xe đạp nhiều hoặc tham gia các lớp đạp xe trong phòng thường xuyên. Nếu đó là trường hợp của bạn, thì nên trang bị một yên xe có đệm ngồi thoải mái.
Bạn Bị Khô Âm Đạo
Khô âm đạo có thể dường như là vấn đề chỉ thấy xuất hiện những phụ nữ lớn tuổi, nhưng tình trạng này không phân biệt tuổi tác như bạn thường nghĩ. Thực ra tình trạng khô âm đạo có thể gia tăng sau khi bạn mang thai hay khi bạn dùng các loại thuốc chẳng hạn như thuốc kháng histamine (antihistamine) hoặc thuốc chống trầm cảm (antidepressant), bác sĩ Minkin nói. Nếu bạn cảm thấy bị khô hơn sa mạc Sahara, hãy thử một loại thuốc bôi trơn không cần toa bác sĩ hoặc đến gặp bác sĩ nếu loại thuốc này vẫn chưa giúp được bạn.
Bạn Cảm Thấy Bị Đau Thốn (Sâu Bên Trong)
Hiện tượng đau sâu bên trong âm đạo, đặc biệt trong lúc quan hệ tình dục, có thể là một dấu hiệu bị lạc nội mạc tử cung (endometriosis) hoặc u nang buồng trứng (ovarian cyst). Bác sĩ của bạn có thể tiến hành khám phụ khoa (pelvic exam: khám vùng chậu) hoặc siêu âm (ultrasound) để tìm ra nguyên nhân. (Trở về đầu trang)
Sẩy thai(miscarriage) và sinh thai chết (stillbirth) có thể là một dấu hiệu cho thấy các phụ nữ có nhiều nguy cơ phát triển bệnh tim trong tương lai, một nghiên cứu quan sát cho biết.
Những phụ nữ có tiền sử sinh thai chết tăng 27% nguy cơ phát triển bệnh tim mạch vành (coronary heart disease) khi được so sánh với những phụ nữ không sinh thai chết (tỷ lệ đa biến được điều chỉnh 1,27; khoảng tin cậy 95%: 1,07 – 1,51), tiến sĩ khoa học (ScD) Donna R. Parker thuộc bệnh viện Memorial Hospital of Rhode Island ở Pawtucket và các đồng nghiệp đã tìm thấy.
Nguy cơ đó có tỷ lệ tăng đáng kể 18% đến 19% trong số những phụ nữ có một hoặc hai lần sinh thai chết trước đây khi được so sánh với những phụ nữ không sinh thai chết trong một phân tích về nghiên cứu lặp lại quan sát(observational cohort) của chương trình Women's Health Initiative (WHI) xuất hiện trên tạp chí Annals of Family Medicine số ra tháng 7/8.
Họ nhấn mạnh rằng, “các phụ nữ với tiền sử sinh thai chết một hoặc hai lần hay sẩy thai một hoặc hai lần xem ra có nguy cơ gia tăng bị bệnh tim mạch trong tương lai và nên được cân nhắc là các ứng viên để được quan sát và được can thiệp sớm hơn”.
Các hướng dẫn của Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ (American Heart Association) đã bao gồm các biến chứng mang thai như một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch ở các phụ nữ vì có nhiều bằng chứng cho thấy sự liên kết này, nhưng các hướng dẫn này không đề cấp đến các gợi ý về bệnh tim mạch của vấn đề hư thai, nhóm này chỉ ra.
Các bác sĩ bây giờ nên bao gồm vấn đề sinh thai chết hoặc sẩy thai vào danh sách các mục để đặt câu hỏi cho kiểm tra sàng lọc bệnh tim mạch, theo đề xuất của bác sĩ Roxana Mehran thuộc trường Y Khoa Mount Sinai ở thành phố New York, bà không tham gia vào cuộc nghiên cứu này.
“Điều này hết sức quan trọng vì mức độ thịnh hành của tình trạng hư thai đang gia tăng khi tuổi trung bình của phụ nữ mang thai càng tăng lên”, theo lời bác sĩ Roxana Mehran.
Bác sĩ Mehran đồng ý rằng các phụ nữ có tiền sử bị hư thai có lẽ nên được kiểm tra sàng lọc sớm.
Tuy nhiên, thông tin này, giống như thông tin về các biến chứng mang thai khác, thường thất lạc vào thời điểm các phụ nữ đến khám bác sĩ khoa tim hoặc được kiểm tra sàng lọc cho việc ngăn ngừa bệnh tim, bà lưu ý.
Cơ chế cho thấy sự tương quan vẫn chưa rõ ràng, nhưng “xem ra có một mối liên hệ giữa hội chứng chuyển hóa (metabolic syndrome), đậu thai ngoài tử cung (abnormal implantation), và suy giảm chức năng màng trong mạch (endothelial dysfunction)”, tiến sĩ Parker và các đồng nghiệp lưu ý.
“Một cách cụ thể là, các chuyên gia cho rằng tình trạng suy giảm chức năng màng trong mạch do các tiến trình viêm hệ thống gây ra có thể có liên quan. Vì thế, bệnh tim mạch có thể góp phần vào sự đậu thai không bình thường trong thời gian mang thai (dẫn đến hư thai) và nguy cơ gia tăng bị bệnh tim mạch.
Cần thêm nghiên cứu để hiểu rõ hơn sinh lý bệnh học(pathophysiology) đằng sau mối liên hệ này, nhóm này đề nghị.
Kiểm tra phân tích của họ bao gồm 77 701 phụ nữ hậu mãn kinh, tuổi từ 50 – 79, trong nghiên cứu của chương trình WHI (không bao gồm phần thử nghiệm lâm sàng), những phụ nữ này không mắc bệnh tim mạch vào lúc bắt đầu nghiên cứu và đã được báo cáo đã mang thai vào thời kỳ sinh nở trong quá khứ.
Trong số các phụ nữ này, 30,3% tự báo cáo đã từng sẩy thai, 2,2% báo cáo đã từng sinh thai chết, và 2,2% báo cáo bị cả hai trường hợp.
Trong thời gian (trung bình 7,7 năm) theo dõi tỷ lệ xuất hiện các trường hợp bệnh mới, các mối liên hệ với tình trạng đột quỵ do thiếu máu cục bộ (ischemic stroke) thì hầu như không đáng kể.
Mối liên hệ tiềm tàng duy nhất với tình trạng đột quỵ do thiếu máu cục bộ là trường hợp có tiền sử sinh thai chết, với tỷ lệ được điều chỉnh theo độ tuổi là 1,29 (khoảng tin cậy 95%: 0,89 – 1,43).
Tuy nhiên, các mối liên hệ giữa bệnh tim và hư thai hoàn toàn độc lập với chứng tăng huyết áp, chỉ số trọng lượng cơ thể, tỷ lệ chu vi thắt lưng-hông, và số lượng bạch cầu.
Bác sĩ Mehran cảnh báo về những hạn chế của nghiên cứu xem xét các yếu tố nguy cơ trong quá khứ và những sai lầm không được đo lường có thể xảy ra, nhưng vẫn cho rằng các phát hiện này là quan trọng. (Trở về đầu trang)
Nguồn(Sources):