9 ĐIỀU MÀ BẠN CHƯA BIẾT VỀ TINH TRÙNG
Chúng ta đã từng nghe những giai thoại về tinh trùng – ăn trái thơm (dứa) để cải thiện mùi vị, ngâm trong bồn nước nóng, và các quý bà bị dị ứng. Nhưng sự thật là thế nào? Chúng tôi đã tham khảo với các chuyên gia và đã có được những thông tin sau đây:
Nhanh và Mãnh Liệt, Ngay từ lúc Bắt Đầu
Vào giây phút xuất tinh đầu tiên, tinh trùng có nồng độ cao nhất, theo lời của bác sĩ chuyên khoa niệu (urologist) Harry Fisch, giáo sư lâm sàng về y học sinh sản (reproductive medicine) tại trường Đại Học Y Khoa Weill thuộc Đại Học Cornell (Weill Medical College of Cornell University).
Tinh Trùng Lưu Lại Lâu Hơn Bạn Nghĩ
Tinh trùng thường lưu lại trong cơ thể của bạn khoảng 48 giờ sau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, “nó có thể ở lại trong cơ thể khoảng 5 ngày cho đến một tuần”, tùy thuộc vào mức độ “thân thiện” của niêm dịch cổ tử cung (cervical mucus) trong cơ thể bạn, theo lời bác sĩ Fisch. Điều thú vị là, niêm dịch cổ tử cung bảo vệ và giúp tinh trùng lưu lại lâu hơn trong cơ thể gần thời điểm rụng trứng (ovulation), là lúc bạn có khả năng sinh sản cao nhất.
Quan Hệ Tình Dục Hoặc Thủ Dâm Nhiều Lần Sẽ Không Làm Giảm Số Lượng Tinh Trùng của một Người Đàn Ông
Đừng lo lắng, người đàn ông sẽ có đủ nguồn tinh trùng mà anh ấy sẽ sử dụng, theo lời bác sĩ chuyên khoa nội tiết sinh sản (reproductive endocrinologist) Carie Wambach tại Trung Tâm Sinh Sản Nam Cali (Southern California Reproductive Center) ở Los Angeles. Điều này có nghĩa là, thường xuyên xuất tinh có thể làm giảm dung tích, nhưng nếu người đàn ông có số lượng tinh trùng (sperm count) bình thường, thì vấn đề xuất tinh thường xuyên sẽ không ảnh hưởng lớn đến số lượng tinh trùng, bà nói.
Nhiệt Độ CÓ THỂ Làm Giảm Số Lượng Tinh Trùng
Tất nhiên, tinh dịch (semen) dao động theo mùa. “Số lượng tinh trùng có khuynh hướng xuống thấp nhất vào những tháng mùa hè và lên cao nhất vào những tháng mùa đông”, bác sĩ Fisch nói, bởi vì tiếp xúc với nhiệt sẽ làm giảm số lượng tinh trùng. Vấn đề tăng nhiệt quá mức (overheating) có thể bao gồm việc đặt máy tính xách tay đang nóng trên đùi hoặc thư giãn trong bồn nước nóng (hot tub). “Nếu ngâm trong bồn nước nóng có nhiệt độ từ 104 oF (40 oC) trở lên, thì số lượng tinh trùng có thể giảm xuống đột ngột”, bác sĩ Fisch cảnh báo. Thật vậy, sự sụt giảm này có thể kéo dài nhiều tháng sau khi tiếp xúc quá nhiều với nhiệt độ cao. “Tôi nói với các bệnh nhân của tôi rằng, nếu bạn muốn có con, thì đừng ngâm mình trong bồn nước nóng. Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng bạn có thể an toàn tránh thai sau khi ngâm mình trong bồn nước nóng. Hành động này không phải là phương pháp tránh thai, bác sĩ Fisch nói.
Ăn Dứa (Thơm) Hoặc Uống Nước Dứa (Thơm) Chưa Được Chứng Thực Có Khả Năng Cải Thiện Mùi Vị Tinh Trùng
Một cách đáng tiếc là, các nhà khoa học vẫn chưa kiểm tra điều này. Tinh dịch thực sự chứa đường fructose (một loại đường tự nhiên), tạo ra vị hơi ngọt cho tinh dịch, nhưng vẫn chưa bao giờ có một nghiên cứu thực sự về mối tương quan giữa thực phẩm một người đàn ông ăn và mùi vị tinh trùng của họ, bác sĩ Fisch nói. Tuy nhiên, giai thoại này có hàng tấn chứng cứ có tính truyền miệng, do đó nếu người đàn ông chung chăn gối của bạn cảm thấy thích, thì bạn cứ tự nhiên mà mua dứa (thơm) về cho người ấy ăn.
Tinh Trùng Đực (Male Sperm) và Tinh Trùng Cái (Female Sperm) Được Tạo Ra Bằng Nhau
Tinh trùng có thể có nhiễm sắc thể X hoặc nhiễm sắc thể Y, nhưng cơ hội tạo ra chúng hoàn toàn ngang nhau, bác sĩ Fisch nói. Ý tưởng cho rằng loại tinh trùng này khỏe hoặc bơi nhanh hơn loại tinh trùng kia chỉ là chuyện hoang đường.
Rất Hiếm Khi Bị Dị Ứng Với Tinh Trùng
Chúng ta đã được nghe rằng phụ nữ có thể bị dị ứng với tinh trùng, gây viêm hoặc nổi đỏ, nhưng cả hai bác sĩ Fisch và Wambach đều nói rằng rất hiếm khi xảy ra tình trạng dị ứng với tinh trùng. “Trước tiên, tôi sẽ nhìn vào những yếu tố khác, chẳng hạn như nhiễm trùng âm đạo”, bác sĩ Fisch nói. Cũng có một nghiên cứu về một trường hợp dị ứng truyền qua đường sinh dục đối với các loại đậu Braxin (Brazil nut), trong trường hợp này, một người phụ nữ xuất hiện phản ứng dị ứng với tinh trùng của người chung chăn gối sau khi người đàn ông này ăn đậu Braxin. Tuy nhiên, một lần nữa, các trường hợp tương tự như vậy là vô cùng hiếm thấy. Trong trường hợp không bình thường mà bạn được chẩn đoán bị dị ứng, thì biện pháp mang bao cao su có thể ngăn ngừa được tình trạng ngứa và khó chịu.
Tinh Trùng Có Một Hành Trình Khá Bận Rộn Trước Đoạn Cuối Huy Hoàng
Mất khoảng 2 tháng rưỡi để chuẩn bị tất cả tinh trùng trước khi được đẩy ra khỏi cơ thể trong đợt xuất tinh bình thường. Đầu tiên, nó được hình thành trong các tinh hoàn(testicle), rồi di chuyển lên mào tinh hoàn (epididymis). Sau đó, tinh trùng được phát triển đầy đủ sẽ di chuyển qua ống dẫn tinh (vas deferens) và đu đưa qua các túi tinh (seminal vesicle), ở đó nó hòa lẫn với một chất dịch để hình thành tinh dịch. Sau cùng, tuyến tiền liệt thêm vào một ít dịch cuối cùng trước khi xuất tinh (ejaculation).
Sức Khỏe của Người Đàn Ông Ảnh Hưởng Đến Tinh Trùng
“Tinh trùng có thể khỏe mạnh hơn ở những người đàn ông dưới 40”, bác sĩ Wambach nói. “Và chúng chắc chắn sẽ khỏe mạnh hơn ở những người đàn ông né tránh được các yếu tố như hút thuốc lá, chế độ ăn giàu chất béo, và các chất độc hại môi trường”. Do đó, nếu bạn đang muốn bắt đầu sinh con hoặc sinh thêm con, thì xin hãy nhớ những điều này. (Trở về đầu trang)
THỜI ĐIỂM ĐỂ CHỦNG NGỪA CÚM: BẠN CÓ CẦN LIỀU CAO HƠN KHÔNG?
Cúm không chỉ đơn thuần là bị sốt và sổ mũi mà chúng đeo bám bạn trong vòng vài ngày. Ở những người lớn tuổi, bệnh cảm cúm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phế quản (bronchitis) và viêm phổi (pneumonia), đồng thời nó có thể làm cho các tình trạng bệnh lý khác trở xấu chẳng hạn như bệnh tim, bệnh suyễn, và bệnh tiểu đường (đái tháo đường). Thật vậy, đa số các trường hợp nhập viện liên quan đến bệnh cảm cúm và hầu như tất cả trường hợp tử vong do căn bệnh này xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên.
“Cường độ đáp ứng miễn dịch có khuynh hướng giảm dần khi bạn càng lớn tuổi. Do đó, khi con người càng lớn tuổi, thì họ càng dễ bị bệnh nặng từ các chứng bệnh như bệnh cảm cúm”, theo giải thích của bác sĩ Elisa Choi, bà là bác sĩ nội khoa và bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm tại Trung Tâm Y Tế Tiên Phong Harvard (Harvard Vanguard Medical Center). Cách tốt nhất để bạn phòng chống bệnh cảm cúm là tiêm chủng, nhưng bởi vì hệ miễn dịch của bạn có khuynh hướng suy giảm một cách tự nhiên theo thời gian, cho nên bạn có thể sẽ sản sinh ít kháng thể kháng cúm hơn so với trước đây khi đáp ứng lại vắcxin cúm, và kết quả là bạn ít được bảo vệ hơn.
Loại vắcxin nào thích hợp cho bạn?
Kể từ năm 2009, một loại vắcxin cúm liều lượng cao có tên là Fluzone High-Dose đã được sử dụng cho những người từ 65 tuổi trở lên. Giống như loại vắcxin cúm liều lượng bình thường, Fluzone High-Dose chứa 3 chủng cúm mà các chuyên gia tin sẽ thịnh hành nhất trong mùa cúm sắp tới. Nhưng loại vắcxin này cũng chứa gấp 4 lần số lượng bình thường các kháng nguyên kích thích miễn dịch phòng chống virut này.
Như thế bạn có nên tiêm chủng loại vắcxin liều cao này nếu bạn trên 65 tuổi không? “Tôi cho rằng đây là một vấn đề còn nhiều tranh cãi”, bác sĩ Choi nói. Mặc dù có một vài nghiên cứu đã tìm thấy loại vắcxin liều cao này kích thích đáp ứng miễn dịch mạnh hơn khi tiến hành trong phòng thí nghiệm, nhưng các chuyên gia vẫn chưa rõ kết quả này có tạo được khả năng phòng chống bệnh cúm tốt hơn trong đời sống thực tế không.
Loại vắcxin liều cao này cũng gây ra một số tác dụng phụ cần được xem xét: đau nhức hơn, nổi đỏ, và sưng ở vùng da được tiêm, cũng như các tác dụng phụ khác ở khắp cơ thể, chẳng hạn như đau nhức cơ, nhức đầu, và sốt. Phần lớn các hiệu ứng này tỏ ra nhẹ và ngắn hạn.
Hiện chưa có các đề xuất chính thức yêu cầu những người cao tuổi chuyển sang loại vắcxin cúm liều cao này. Bác sĩ Choi đề nghị tham khảo với bác sĩ của bạn để giúp bạn quyết định.
Cho dù không chủng ngừa loại vắcxin liều cao này, nhưng phải đảm bảo rằng bạn được chủng ngừa – thực hiện càng sớm càng tốt trong mùa cúm. Các đợt bùng phát cúm có thể bắt đầu vào tháng Mười, và cần đến 2 tuần sau khi tiêm chủng thì cơ thể mới sản sinh các kháng thể chống lại virut cúm. Nhiều người tạm hoãn việc chủng ngừa vì lo ngại rằng tính năng bảo vệ của vắcxin sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng bác sĩ Choi nói rằng mũi tiêm chủng này sẽ bảo vệ bạn trong suốt mùa cúm.
Các phương pháp khác bảo vệ bản thân
Hãy luôn nhớ rằng vắcxin cúm không nhất thiết sẽ có hiệu quả 100%. Bạn có thể phát triển bệnh cúm ngay cả sau khi bạn đã được chủng ngừa. Tuy nhiên, bạn cũng nên tiếp nhận chủng ngừa. “Ngay cả nếu như trong trường hợp bạn đã được tiêm chủng mà vẫn bị nhiễm bệnh cúm”, bác sĩ Choi nói, “thì vắcxin cúm vẫn có thể làm giảm bớt mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và giúp bạn tránh được các biến chứng nguy hiểm phát sinh từ bệnh cúm”.
Bạn có nên yêu cầu bác sĩ kê toa trước các loại thuốc chống cúm – như oseltamivir (Tamiflu) và zanamivir (Relenza) – để phòng trường hợp bạn bị nhiễm bệnh cúm không? Vấn đề này xem ra không cần thiết, theo bác sĩ Choi. Bệnh cúm có chung nhiều triệu chứng với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên (upper respiratory infection), do đó bạn có thể điều trị lầm một chứng bệnh nhiễm vi khuẩn bằng một loại thuốc kháng virut.
Hơn nữa, một phân tích nghiên cứu được đăng trên trang The Cochrane Collaboration vào tháng 4 năm 2014 lo ngại về tính hiệu quả của các loại thuốc này trong việc ngăn ngừa các biến chứng cúm, đồng thời nêu bật các tác dụng phụ tiềm tàng chẳng hạn như buồn nôn, nôn mửa, và nhức đầu.
“Phương án hành động an toàn nhất, đặc biệt trong thời kỳ cao điểm của mùa cúm, là bạn nên điện thoại cho bác sĩ ngay sau khi các triệu chứng xuất hiện”, bác sĩ Choi nói.
Cách ngăn ngừa virut cúm:
- Phương pháp phòng ngừa bệnh cúm tốt nhất là cách tấn công virut cúm hiệu quả. Bên cạnh việc tiếp nhận chủng ngừa:
- Bạn nên rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước ấm, hoặc sử dụng nước sát trùng chứa chất cồn.
- Bạn nên giữ khoảng cách với những người đang bị hắt hơi hoặc ho.
- Bạn nên lau sạch hoặc khử trùng các vật dụng – như điện thoại, nắm cửa, và bàn phím máy vi tính sử dụng chung với người khác – đặc biệt nếu như các vật dụng này bị người nhiễm bệnh chạm vào. (Trở về đầu trang)
MỐI LIÊN HỆ GIỮA NHÓM MÁU VÀ TRÍ NHỚ Ở NHỮNG NGƯỜI CAO TUỔI
Những người với nhóm máu AB có thể có nhiều khả năng phát triển tình trạng mất trí nhớ ở những năm cuối đời khi được so sánh với những người có các nhóm máu khác, theo một nghiên cứu được đăng ngày 10 tháng 9 năm 2014 trên tạp chí Thần Kinh Học (Neurology), một tạp chí y khoa của Học Viện Thần Kinh Học Hoa Kỳ (American Academy of Neurology).
AB là một nhóm máu ít phổ biến nhất, được tìm thấy ở khoảng 4% dân số Hoa Kỳ. Nghiên cứu này đã tìm thấy rằng những người với nhóm máu AB có 82% cơ hội phát triển các vấn đề suy nghĩ và trí nhớ, mà những vấn đề này có thể dẫn đến chứng mất trí (dementia), khi được so sánh với những người có các nhóm máu khác. Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng những người với nhóm máu O có nguy cơ bị bệnh tim và đột quỵ (tai biến mạch máu não) thấp hơn, đây là các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị mất trí nhớ và phát triển chứng mất trí.
Nghiên cứu này là một phần của một nghiên cứu có quy mô lớn hơn (Các Lý Do về Những Khác Biệt Chủng Tộc và Địa Lý trong trường hợp Đột Quỵ - the REasons for Geographic And Racial Differences in Stroke, hoặc REGARDS Study) với trên 30 000 người được theo dõi trong khoảng 3,4 năm. Trong số những người không bị các vấn đề về trí nhớ hoặc suy nghĩ vào lúc bắt đầu, nghiên cứu này đã xác định được 495 người tham gia phát triển các vấn đề về suy nghĩ và trí nhớ, hoặc suy giảm nhận thức (cognitive impairment), trong suốt thời gian nghiên cứu. Những người này đã được so sánh với 587 người không bị các vấn đề về nhận thức.
Những người với nhóm máu AB tạo nên 6% số người phát triển tình trạng suy giảm nhận thức trong số những người tham gia nghiên cứu, con số này cao hơn tỷ lệ 4% số người có nhóm máu AB được tìm thấy trong dân số Hoa Kỳ.
“Nghiên cứu của chúng tôi xem xét nhóm máu và nguy cơ bị suy giảm nhận thức, nhưng có một vài nghiên cứu đã cho thấy rằng các yếu tố như cao huyết áp, cao cholesterol và bệnh tiểu đường (đái tháo đường) có thể làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và phát triển chứng mất trí”, theo lời của tác giả nghiên cứu, bác sĩ Mary Cushman của trường Đại Học Y Khoa Vermont (University of Vermont College of Medicine) ở thành phố Burlington. “Nhóm máu cũng có mối liên hệ với các bệnh về mạch máu khác như đột quỵ, vì thế các phát hiện này nêu bật sự kết nối giữa các vấn đề về mạch máu và sức khỏe của não. Cần thêm nghiên cứu để chứng thực các kết quả này”.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét hàm lượng yếu tố VIII (factor VIII) trong máu, đây là một loại protein giúp cho quá trình đông máu. Tăng hàm lượng yếu tố VIII trong máu được xem có liên quan đến nguy cơ cao bị suy giảm nhận thức và phát triển chứng mất trí. Những người tham gia trong nghiên cứu này với hàm lượng cao yếu tố VIII có tỷ lệ phát triển các vấn đề suy nghĩ và trí nhớ cao hơn những người có hàm lượng thấp loại protein này là 24%. Những người với nhóm máu AB có hàm lượng yếu tố VIII cao hơn so với những người với các nhóm máu khác. (Trở về đầu trang)
CÁC HƯỚNG DẪN ĐỀ XUẤT KIỂM TRA GIẤC NGỦ CHO CHỨNG NGƯNG THỞ TRONG LÚC NGỦ DO TẮC NGHẼN
Tình trạng buồn ngủ ban ngày trở thành một hệ quả (được chấp nhận) của đời sống bận rộn hiện nay của chúng ta. Lịch trình của chúng ta bị quá tải, thức quá khuya, và thậm chí chúng ta ngủ chung với điện thoại thông minh (smartphone), để rồi vừa đi vừa ngáp đồng thời phải uống cà phê để giúp tỉnh ngủ vào buổi chiều. Nhưng nếu tình trạng buồn ngủ ban ngày của bạn không giảm bớt sau khi ngủ thêm giờ, thì lối sống của bạn có thể không phải là thủ phạm – nó có thể là do chứng ngưng thở trong lúc ngủ do tắc nghẽn (obstructive sleep apnea).
Chứng ngưng thở trong lúc ngủ do tắc nghẽn xảy ra khi các cơ ở sau cổ họng thư giãn quá độ khi bạn đang ngủ. Điều này làm cho các mô xung quanh cổ họng đóng lại và chặn đường dẫn khí. Bạn bị ngưng thở trong vài giây (tình trạng ngưng thở này được gọi là apnea). Não của bạn phải đánh thức bạn để thở hoặc thay đổi tư thế để khai thông đường dẫn khí. Thậm chí bạn không nhận thấy quá trình này khi nó xảy ra. Các đợt ngừng thở này có thể xảy ra nhiều lần trong một giờ, làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau. Còn tệ hại hơn nữa là, các đợt ngừng thở này sẽ làm tăng huyết áp và tăng nhịp tim, tạo áp lực lên hệ thống tim mạch, do đó làm tăng nguy cơ bị đột quỵ (stroke: tai biến mạch máu não).
Ở Hoa Kỳ, có khoảng 12 – 18 triệu người thành niên bị chứng ngưng thở trong lúc ngủ do tắc nghẽn – và tỷ lệ này đang gia tăng, theo báo cáo của Viện Tim, Phổi, và Huyết Học Quốc Gia Hoa Kỳ (National Heart, Lung, and Blood Institute). Lý do? Bởi vì ngày càng có nhiều người dân Hoa Kỳ bị quá cân hoặc béo phì. Có quá nhiều mỡ ở cổ có thể làm tăng tình trạng tắc nghẽn đường dẫn khí trong lúc ngủ.
Tình trạng buồn ngủ ban ngày là một dấu hiệu của chứng ngưng thở trong lúc ngủ do tắc nghẽn. Các dấu hiệu khác bao gồm:
- ngáy to, thường đi kèm với thở hổn hển
- người nằm chung giường quan sát thấy các đợt ngưng thở trong lúc ngủ
- thức giấc đột ngột đi kèm với hiện tượng khó thở
- thức giấc bị khô miệng hoặc đau họng
- nhức đầu vào buổi sáng
- thường bị thức giấc
Hiệp Hội Bác Sĩ Hoa Kỳ (American College of Physicians) đã công bố các hướng dẫn mới cho việc chẩn đoán chứng ngưng thở trong lúc ngủ do tắc nghẽn. Các hướng dẫn này yêu cầu các bác sĩ đề xuất các kiểm tra giấc ngủ (sleep test) qua đêm cho những người bị tình trạng buồn ngủ ban ngày.
Như thế có hơi nghiêm trọng không? “Tôi không nghĩ như vậy, miễn sao đó là tình trạng buồn ngủ thực sự và không có cảm giác mệt mỏi”, theo lời bác sĩ Andrew Wellman, giáo sư y khoa phụ tá tại trường Đại Học Y Khoa Harvard, giáo sư và là giám đốc Phòng Xét Nghiệm Rối Loạn Thở Trong Lúc Ngủ (Sleep Disordered Breathing Laboratory) tại bệnh viện Brigham and Women’s Hospital.
Tình trạng buồn ngủ có đặc điểm là mí mắt cảm thấy nặng nề vào ban ngày, và ngủ gật khi bạn đang muốn tỉnh thức. Vấn đề này có thể là do một số tình trạng gây ra: mệt mỏi do một chuyến bay dài (jet lag), hoặc làm việc thay đổi ca, hội chứng chân không yên (restless legs syndrome) và chứng ngưng thở trong lúc ngủ do tắc nghẽn. Để chứng minh rằng chứng ngưng thở trong lúc ngủ là nguyên nhân gây ra tình trạng buồn ngủ vào ban ngày, bệnh nhân cần được tiến hành kiểm tra giấc ngủ qua đêm. Đó là, bệnh nhân sẽ ngủ đêm trong một phòng thử nghiệm giấc ngủ (sleep lab) và cơ thể được kết nối với các thiết bị để đo nhịp tim, các trạng thái ngủ và thức, lưu thông khí, mức oxy, và các hoạt động khác. Kiểm tra này được gọi là đa ký giấc ngủ (polysomnography).
Nhiều người với các triệu chứng ngưng thở trong lúc ngủ có lẽ sẽ không đến phòng thử nghiệm giấc ngủ. Có thể họ không được bảo hiểm chi trả cho thử nghiệm này, hoặc họ có thể cảm thấy không có thời gian để kiểm tra qua đêm. Bác sĩ Wellman cho rằng một số người không muốn đối mặt với việc điều trị chứng ngưng thở trong lúc ngủ, phương pháp điều trị này thường bao gồm mang mặt nạ vào ban đêm và mặt nạ này sử dụng khí nén để khai thông đường dẫn khí. Phương pháp này được gọi là áp suất dương liên tục đường hô hấp (continuous positive airway pressure – CPAP).
Bệnh nhân có thể tiến hành kiểm tra giấc ngủ tại nhà bằng một thiết bị giám sát di động, và các hướng dẫn mới cho chứng ngưng thở trong lúc ngủ đề xuất phương thức này như một phương pháp kiểm tra thay thế cho một số người. Nhưng việc giám sát tại nhà có thể hơi phức tạp. Có nhiều loại thiết bị giám sát khác nhau, và tất cả các thiết bị này không đo cùng loại các hoạt động ngủ hoặc số lượng các hoạt động ngủ như trong các kiểm tra ở trung tâm điều trị giấc ngủ. “Các kiểm tra tại nhà không phải lúc nào cũng chính xác. Mặc dù các kiểm tra tại nhà có thể giúp ích cho việc chứng thực kết quả chẩn đoán chứng ngưng thở trong lúc ngủ do tắc nghẽn, nhưng các kiểm tra này đôi khi đưa ra các kết quả không chính xác, chẳng hạn như bạn bị rối loạn ngưng thở trong lúc ngủ nhưng kết quả kiểm tra tại nhà lại cho rằng bạn không bị chứng bệnh này”, bác sĩ Wellman nói.
Bạn phải quan tâm nhiều hơn đến chứng ngưng thở trong lúc ngủ, theo lời bác sĩ Wellman. Hãy tự hỏi xem bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ bị chứng ngưng thở trong lúc ngủ không:
- Cao huyết áp
- Đã từng bị đột quỵ (tai biến mạch máu não)
- Quá cân
- Vòng cổ lớn
- Amidan lớn
- Người thân bị chứng ngưng thở trong lúc ngủ do tắc nghẽn
- Hút thuốc lá
- Xung huyết mũi (nghẹt mũi)
Để kiểm tra xem bạn có bị chứng ngưng thở trong lúc ngủ không, hãy hỏi bạn ngủ chung xem bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây không: ngáy to và các đợt thở hổn hển hoặc ngưng thở trong lúc ngủ, hoặc các triệu chứng được liệt kê ở trên.
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này hoặc các yếu tố nguy cơ cùng với tình trạng buồn ngủ vào ban ngày, thì có khả năng là bạn đã bị chứng ngưng thở trong lúc ngủ do tắc nghẽn. Vì thế, bạn nên dành ra thời gian để đi khám bác sĩ. Nếu bạn làm theo lời khuyên này, thì việc điều trị có thể làm cho giấc ngủ của bạn, sức khỏe của bạn được cải thiện tốt hơn. (Trở về đầu trang)
MỌI THỨ BẠN CẦN BIẾT VỀ CAFFEIN
Bạn có thể là một trong số những người lạm dụng thuốc. Xét cho cùng, caffeine được xem là một loại thuốc tác động đến hệ thần kinh (psychoactive drug) được sử dụng rộng rãi nhất, và chúng ta đang tiêu thụ caffeine ở nhiều dạng hơn bao giờ hết. Các dữ liệu gần đây cho thấy rằng 80% người dân Hoa Kỳ tiêu thụ caffeine mỗi ngày – nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người cần phải ngưng thói quen này.
Bỗng nhiên, ly cà phê latte môca hạt dẻ, không béo, không váng sữa đó phần nào không còn sành điệu nữa. Bây giờ người nghiện caffeine có thêm những chọn lựa khác nữa.
Và họ không cần phải tìm kiếm ở đâu xa. Dĩ nhiên, đã có các nguồn cung cấp khác, chẳng hạn như các loại thức uống tăng lực – mà hiện nay là một ngành kinh doanh 10 tỷ đô la. Ngoài ra còn có các loại nước ép trái cây (hoa quả) chứa caffeine làm tăng khẩu vị, potato chip, bánh xếp carô (waffle), và kẹo cao su (chewing gum). Những người nội trợ có thể nướng bánh bằng loại bột mì có chứa caffeine, và những người quan tâm đến lượng calo tiêu thụ có thể nhấp nháp loại nước tăng nạp(supercharged water).
Và không muốn bị qua mặt, ngành công nghiệp cà phê đang gia tăng chất lượng sản phẩm : Năm ngoái, một công ty có tên Death Wish Coffee đã chào hàng một loại ly cà phê 12 oz (355 ml) chứa khoảng 650 mg caffeine (một ly cà phê trước đây chứa khoảng 100 mg caffeine). Hiện nay, các quán cà phê sành điệu thường tăng gấp đôi hàm lượng espresso trong các thức uống; thậm chí các ngành kinh doanh trà cũng bán các sản phẩm với hàm lượng “caffeine cao”.
Người dân Hoa Kỳ hiện tại đang trở nên nghiện caffeine hơn: với 80% dân số tiêu thụ caffeine mỗi ngày. Caffeine có thể khởi động cơ thể chúng ta vào buổi sáng, nhưng vào cuối ngày, nó sẽ đóng vai trò của một loại thuốc – một loại gây nghiện mạnh sản sinh một chứng bệnh mới: “rối loạn sử dụng caffeine”.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn còn bàn cãi về đề tài này. “Caffeine có thể mang đến lợi ích khi sử dụng ở một số lượng nào đó, cho một số người, trong một số điều kiện”, theo lời Lisa Lefferts, một nhà khoa học nghiên cứu lâu năm tại Trung Tâm Khoa Học vì Lợi Ích Công Cộng (Center for Science in the Public Interest). “Nếu không, nó có thể gây rủi ro”. Chẳng trách rằng chúng ta bị hoang mang.
Đằng Sau Ly Cà Phê
Một trong những loại thuốc cổ xưa nhất trong lịch sử loài người và hiện diện trong nhiều loài thực vật, caffeine có tác dụng chặn một chất hóa học gây ngủ có tên là adenosine. Trước đây, phần lớn người tiêu thụ caffeine thông qua cà phê, do đó nó dễ dàng nằm dưới mức đề xuất của cơ quan FDA là 400 mg/ngày (khoảng 4 ly cà phê trước đây).
Tuy nhiên, hiện nay mức đề xuất này khó mà kiểm soát được. Các nhà sản xuất không phải lúc nào cũng liệt kê hàm lượng caffeine trong các nhãn thực phẩm và thức uống. Cho dù đã nghiên cứu trong nhiều thập niên, nhưng không ai thực sự biết được các hậu quả kéo dài suốt đời của việc tiêu thụ quá nhiều caffeine ra sao. Việc nghiên cứu một loại thuốc mà đa số người đã sử dụng là một vấn đề thách thức lớn. Ngoài ra, bất kỳ phát hiện nào có lợi cho caffeine có thể không giải thích được lý do một số lượng lớn những người thành niên bị mất ngủ, theo chuyên gia y học giấc ngủ, tiến sĩ Timothy Roehrs, của Bệnh Viện Henry Ford (Henry Ford Hospital) ở thành phố Detroit, tiểu bang Michigan. (Chúng ta có thể làm việc tốt hơn nếu chúng ta chỉ cần nghỉ ngơi đầy đủ).
Các Lợi Ích Mơ Hồ
Caffeine tác động rất lớn lên sức khỏe cơ thể và sức chịu đựng, mà nếu cấm sử dụng trong các Thế Vận Hội sẽ loại được nhiều đối thủ, tiến sĩ John Ivy, chuyên gia sinh lý thể dục (exercise physiologist) tại trường Đại Học Texas (University of Texas) ở thành phố Austin, đưa ra giả thuyết. Caffeine cũng có thể có lợi cho những người tập thể dục không chuyên nghiệp, giúp họ đi nhanh hơn và xa hơn.
Tiêu thụ cà phê với số lượng lớn hoặc vừa phải cũng có thể, hoặc có lẽ, giúp bạn giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, các chứng bệnh viêm, bệnh Parkinson, và chứng mất trí. Nó có thể giúp cải thiện chức năng nhớ. Theo một nghiên cứu năm 2012, những người uống cà phê có phần sống lâu hơn những người không uống cà phê.
Tuy nhiên, có những bằng chứng khoa học cho thấy điều ngược lại. Ví dụ, một nghiên cứu vào tháng 10 năm 2013 đã kết luận rằng những người uống cà phê có thể có tuổi thọ ngắn hơn. Caffeine cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến một loạt các vấn đề, bao gồm xuống cân, suy giảm miễn dịch, và kém tập trung. Nghiên cứu mới đây đã tìm thấy rằng, mặc dù bản thân nó không có mùi vị, nhưng caffeine có tính năng làm cho người tiêu thụ có cảm giác đòi hỏi thêm, từ đó đưa họ đến với các loại nước ngọt và thức uống tăng lực.
Sau đó xuất hiện vấn đề nghiện và rối loạn sử dụng cà phê (caffeine-use disorder), trong đó nhiều người vẫn tốn tiền vào việc tiêu thụ loại chất này trong khi đang gặp phải những vấn đề sức khỏe (chẳng hạn như mang thai). Các nghiên cứu cho thấy rằng, có khoảng một nửa số người tiêu thụ caffeine thừa nhận họ gặp khó khăn trong việc cai nghiện, cho dù thỉnh thoảng xuất hiện những triệu chứng quá tải chẳng hạn như nhức đầu và mất ngủ (insomnia). Đó là vấn đề quan trọng vì, ở mức tối đa, chất này có thể ảnh hưởng đến nhịp tim của bạn; một báo cáo mới đây tìm thấy rằng các trường hợp đến khoa cấp cứu đã tăng vọt 36% chỉ trong vòng một năm từ 2010 đến 2011.
Biến Nó Thành Có Lợi Cho Bạn
Số lượng bao nhiêu là an toàn – thậm chí có ích? Một cách lý tưởng, bạn nên sử dụng chất này giống như cách bạn sử dụng các loại thuốc khác: khi nào bạn cần đến nhất, và ở số lượng vừa phải mỗi ngày, theo lời tiến sĩ Laura Juliano, giáo sư tâm lý học tại trường Đại Học Hoa Kỳ (American University).
Vì quá trình chuyển hóa caffeine thay đổi rất khác nhau ở mỗi người, cho nên tốt nhất nên tiêu thụ ở mức thấp hơn 400 mg mỗi ngày nếu có thể. Số lượng đó tương đương với 2 ly cà phê, mỗi ly 12 oz (355 ml), mặc dù tất cả những ly cà phê được pha chế với số lượng có phần hơi khác nhau. Bạn sẽ phải làm một chút nghiên cứu để xác định tỷ lệ caffeine cho riêng mình – ví dụ như, nếu bạn uống 1 ly cà phê, một miếng sôcôla (chocolate), và một thanh kẹo cao su, thì bạn có thể đã bị kích thích quá mức…hoặc có thể không.
Bạn cũng nên lưu ý đến sở thích của bản thân. Uống quá nhiều vào buổi sáng chỉ tạo ra nguy cơ làm cho bạn mệt mỏi sau giờ ăn trưa, mà sau đó sẽ làm cho bạn muốn tiêu thụ thêm chất caffeine, theo tiến sĩ Roehrs. (Đề nghị của chúng tôi là: Cố gắng chờ cho đến 10 giờ sáng mới uống cà phê).
Cũng giống như những vấn đề khác, lưu ý và mức độ vừa phải chính là chìa khóa. Hãy đọc nhãn sản phẩm. Nếu bạn cảm thấy bồn chồn hoặc tình trạng nghiện caffeine trở nên nghiêm trọng, thì đây là lúc bạn nên giảm bớt liều lượng caffeine.
Caffeine Trong Cơ Thể Bạn
Làm thế nào loại thuốc này có thể đưa bạn từ tình trạng mệt mỏi đến phấn khích…và trở lại tình trạng mệt mỏi.
- Sau khi caffeine đi vào máu, nó đi thẳng đến gan, và được phân thành các phân tử nhỏ li ti.
- Các phân tử này sau đó di chuyển qua các tĩnh mạch, liên kết với các tế bào, chiếm chỗ của chất hóa học gây ngủ adenosine.
- Với số lượng adenosine không đủ để ức chế nó, não bộ của bạn ở chế độ bị kích thích. Nói cách khác, bạn sẽ trở nên tỉnh táo hơn. Do đó, cơ thể bạn gia tăng quá trình sản sinh dopamine.
- Các mạch máu trong cơ thể bạn bắt đầu hành động: Khi chúng co thắt, nhịp tim sẽ đập nhanh hơn, bơm thêm oxy đến các cơ quan.
- Cơ thể bạn đạt đến mức caffeine tối đa 15 đến 45 phút sau khi tiêu thụ. Tuy nhiên, các hiệu ứng sẽ kéo dài lâu hơn nhiều. Tùy thuộc vào gen và các loại thuốc bạn đang sử dụng, bạn có thể duy trì tình trạng phấn khích trong vòng 5 đến 6 giờ.
- Nghe hay quá, đúng không? Trừ khi bạn tiêu thụ vượt mức cơ thể cho phép. Lượng caffeine dư thừa có thể vô hiệu hóa số lượng lớn adenosine, kích thích cao độ não của bạn.
- Ngay cả khi bạn không tiêu thụ quá mức, hãy lưu ý rằng: Các tế bào não phản ứng lại tình trạng chặn adenosine liên tục bằng cách sản sinh thêm nhiều adenosine, và sẽ làm cho bạn mệt mỏi nhiều hơn sau khi cơn phấn khích dịu xuống. (Trở về đầu trang)
7 CÁCH LÀM DỊU CHỨNG KHÓ TIÊU
Có thể bạn vừa mới ăn xong, hoặc hoàn tất bữa ăn cách đây 1 giờ - và dạ dày của bạn cảm thấy “không ổn”. Bạn cảm thấy đầy hơi và khó chịu. Hoặc có thể có cảm giác nóng rát. Có thể bạn cảm thấy buồn nôn, hoặc thậm chí nôn mửa. Bạn có thể nói bạn bị “khó tiêu – upset stomach hoặc indigestion”. Nếu không tìm thấy nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn, thì bác sĩ sẽ gọi đó là “chứng khó tiêu – dyspepsia” hoặc “tiêu hóa không tốt – bad digestion”.
Khó tiêu là hoàn toàn có thật. Thuật ngữ y khoa cho tình trạng đau dai dẳng hoặc khó chịu ở vùng bụng trên mà không tìm thấy nguyên nhân là chứng khó tiêu ảnh hưởng chức năng tâm sinh lý (functional dyspepsia: chứng khó tiêu chức năng). Vấn đề ăn uống thường kích thích tạo nên các triệu chứng của tình trạng khó tiêu chức năng. Thỉnh thoảng, sự khó chịu bắt đầu xuất hiện trong bữa ăn, và có khi xuất hiện sau đó nửa giờ. Tình trạng này có khuynh hướng xuất hiện và biến mất theo từng cơn bộc phát trong khoảng 3 tháng. Một trong những vấn đề gây bực mình về chứng khó tiêu chức năng đó là các biện pháp chẩn đoán thường không tìm ra nguyên nhân về thể chất hoặc nguyên nhân về cấu trúc gây ra tình trạng này.
Nếu bạn bị chứng khó tiêu chức năng, thì bạn hoàn toàn không cô độc. Có khoảng 25% dân số Hoa Kỳ bị ảnh hưởng, tỷ lệ nam giới và phụ nữ bị ảnh hưởng là tương đương. Tình trạng này là nguyên nhân gây ra số lượng lớn đáng kể các trường hợp đến khám bác sĩ; một phần là vì nhiều người lo lắng họ bị loét dạ dày. Đây là một mối lo hợp lý, với 10% dân số Hoa Kỳ phát triển tình trạng loét bao tử vào một thời điểm nào đó trong đời sống của họ. Mặc dù chúng ta cảm thấy thất vọng rằng người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây nên chứng khó tiêu chức năng, nhưng chúng ta lại càng thất vọng hơn khi biết rằng vẫn chưa có cách chữa khỏi mang lại kết quả chắn chắn.
Tuy nhiên, có những phương pháp đơn giản mà bạn có thể thử để giúp làm dịu chứng khó tiêu này.
1. Tránh các thực phẩm gây kích thích các triệu chứng của bạn.
2. Ăn ít và tránh ăn quá nhiều; cố gắng ăn ít hơn, ăn thành nhiều bữa đồng thời nhớ phải nhai thức ăn chậm hơn và nhai cho hết.
3. Tránh các hoạt động dẫn đến trường hợp nuốt quá nhiều không khí vào bụng, chẳng hạn như hút thuốc, ăn nhanh, nhai kẹo cao su, và uống các thức uống có ga.
4. Giảm stress. Thử các trị liệu giúp thư giãn, trị liệu hành vi nhận thức, hoặc tập thể dục. Tập thể dục thẩm mỹ aerobic 3 – 5 lần mỗi tuần có thể giúp ích cho bạn, nhưng tránh tập thể dục ngay sau khi ăn.
5. Nghỉ ngơi đầy đủ.
6. Đừng nằm xuống trong vòng 2 giờ sau khi ăn.
THÓI QUEN ĂN VÀ MỠ CƠ THỂ LIÊN QUAN ĐẾN NHỮNG KHÁC BIỆT VỀ HOẠT ĐỘNG HÓA HỌC Ở NÃO
Những người béo phì có thể dễ bị ảnh hưởng bởi những tín hiệu thực phẩm trong môi trường sống hơn so với những người gầy (ốm) do những khác biệt về hoạt động hóa học ở não, cơ chế hoạt động này làm cho việc ăn uống trở thành thói quen hơn là sự thỏa mãn, theo một nghiên cứu của Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health - NIH) được đăng trên tạp chí Tâm Thần Học Phân Tử(Molecular Psychiatry)
Các nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Lâm Sàng NIH (NIH Clinical Center) đã tìm thấy rằng, khi kiểm tra 43 người đàn ông và phụ nữ với số lượng mỡ cơ thể khác nhau, thì hoạt động của chất dopamine ở vùng não có chức năng hình thành thói quen của những người béo phì tỏ ra mạnh hơn so với những người gầy, và yếu hơn ở vùng não kiểm soát sự thỏa mãn. Những sự khác biệt đó có thể làm cho những người béo phì dễ bị ăn nhiều nhằm đáp ứng lại những kích thích về thực phẩm và đồng thời làm cho họ cảm thấy ít thỏa mãn với thực phẩm hơn. Một hợp chất truyền tín hiệu (chemical messenger) trong não, chất dopamine ảnh hưởng đến sự thỏa mãn, động cơ và sự hình thành thói quen.
“Mặc dù chúng ta không thể nói rằng béo phì là nguyên nhân hay là kết quả của khuynh hướng hoạt động này của chất dopamine, nhưng việc ăn uống theo những thói quen vô thức thay vì là những chọn lựa theo ý thức có thể làm cho người ta khó đạt được hoặc duy trì cân nặng khỏe mạnh, đặc biệt khi các tín hiệu thực phẩm tạo cảm giác ngon miệng thực sự xuất hiện khắp nơi”, theo lời tiến sĩ Kevin D. Hall, tác giả dẫn đầu và là nhà nghiên cứu lâu năm tại Viện Tiểu Đường và Tiêu Hóa và Bệnh Thận Quốc Gia Hoa Kỳ (National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases - NIDDK), một phần của viện NIH. “Điều này có nghĩa là những yếu tố kích thích chẳng hạn như mùi bắp rang (nổ) tại rạp chiếu phim hoặc một chương trình quảng cáo về một loại thực phẩm ưa thích có thể lôi kéo người béo phì nhiều hơn – do đó có phản ứng lớn hơn từ hoạt động hóa học ở não của họ - so với những người gầy (ốm) khi những người này được tiếp cận với những yếu tố kích thích tương tự”.
Những người tham gia nghiên cứu đã được yêu cầu làm theo cùng lịch trình ăn uống, ngủ và sinh hoạt. Khuynh hướng ăn nhiều nhằm đáp ứng lại những yếu tố kích thích trong môi trường sống được xác định từ một bản câu hỏi chi tiết. Tiến trình chụp lướt PET (positron emission tomography) đã đánh giá những vị trí ở não nơi mà chất dopamine có thể hoạt động.
Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC), trên 1 phần 3 người thành niên ở Hoa Kỳ bị béo phì. Các tình trạng bệnh lý liên quan đến béo phì bao gồm bệnh tim, bệnh tiểu đường loại 2 và một số dạng bệnh ung thư, đây là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong có thể tránh khỏi.
Cơ chế truyền tín hiệu của chất dopamine được xem đóng vai trò trung tâm trong việc sắp xếp hoặc kiểm soát các quá trình thỏa mãn, động cơ thúc đẩy và hình thành thói quen. Các khu vực có màu cam/vàng được mô tả trong hình chỉ ra vị trí hoạt động của chất dopamine trong não là hoàn toàn có liên quan đến chứng béo phì. Các khu vực này bao gồm thể vân lưng bên (dorsolateral striatum) gián tiếp tạo ra quá trình hình thành thói quen. Các khu vực màu xanh dương (blue region) cho thấy vị trí hoạt động của chất dopamine không liên quan đến chứng béo phì và bao gồm thể vân mặt bụng giữa (ventromedial striatum), một khu vực não kiểm soát sự thỏa mãn và động cơ.
“Các phát hiện này chỉ ra tính phức tạp của chứng béo phì và đóng góp vào sự hiểu biết của chúng ta về cách thức xử lý thông tin về thực phẩm của những người với các số lượng mỡ cơ thể khác nhau”, theo lời giám đốc viện NIDDK Hoa Kỳ, bác sĩ Griffin P. Rodgers. “Sự giải thích về những khác biệt trong hoạt động não và những hành vi liên quan có tiềm năng cung cấp thông tin về cách thiết kế cho những chương trình giảm cân hiệu quả”.
Nghiên cứu này không chỉ rõ nguyên nhân và kết quả của quá trình hình thành thói quen, sự thỏa mãn, hoạt động của chất dopamine, thói quen ăn uống và chứng béo phì. Nghiên cứu trong tương lai sẽ kiểm tra hoạt động của chất dopamine và thói quen ăn uống ở người theo thời gian khi họ thay đổi chế độ ăn uống, vận động thể chất, và cân nặng của họ. (Trở về đầu trang)
KALI LIÊN QUAN ĐẾN KHẢ NĂNG GIẢM NGUY CƠ ĐỘT QUỴ
Một quả chuối mỗi ngày, hoặc một ít rau bina (spinach) hoặc cải Thụy Sĩ (Swiss chard), có thể giúp cho bạn không cần phải đến gặp bác sĩ, nếu như mối tương quan này, được tìm thấy trong một nghiên cứu, được chứng minh là có mối liên hệ nhân quả.
Một cuộc phân tích các dữ liệu từ nghiên cứu của chương trình Sáng Kiến Sức Khỏe Phụ Nữ (Women's Health Initiative – WHI) đã tìm thấy một tương quan nghịch đảo giữa việc tiêu thụ kali (potassium) tự báo cáo và cơn đột quỵ ở các phụ nữ hậu mãn kinh.
Những phụ nữ (tuổi trung bình 63,6) tiêu thụ kali mỗi ngày với số lượng cao (trên 31936,6 mg) đã giảm được nguy cơ toàn diện bị tất cả các dạng đột quỵ với tỷ lệ 12% (tỷ số nguy hiểm: 0,88; khoảng tin cậy 95%: 0.79 – 0,98) và giảm được nguy cơ đột quỵ thiếu máu cục bộ (ischemic stroke) với tỷ lệ 16% (tỷ số nguy hiểm: 0,84; khoảng tin cậy 95%: 0,74 – 0,96) khi được so sánh với những phụ nữ tiêu thụ rất ít kali (dưới 1925,5 mg/ngày), tiến sĩ Sylvia Wassertheil-Smoller cùng các đồng nghiệp tại trường Đại Học Y Khoa Einstein(Einstein College of Medicine) ở Thành Phố New York đã báo cáo.
Ngoài ra, trong số những phụ nữ không bị tăng huyết áp, thì những người ở điểm tứ phân vị cao nhất (highest quartile: phần tư trên cùng của bảng phân vị) về số lượng tiêu thụ kali được báo cáo đã giảm được 27% nguy cơ đột quỵ thiếu máu cục bộ so với những người ở điểm tứ phân vị thấp nhất, các nhà nghiên cứu đã viết trong tạp chí Đột Quỵ (Stroke).
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng chỉ có khoảng 3% số phụ nữ trong kiểm tra phân tích này được báo cáo đã tiêu thụ 4700 mg kali hoặc hơn mỗi ngày – số lượng này được đề xuất cho đa số người thành niên trong các hướng dẫn dinh dưỡng từ Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ.
Những phụ nữ trong nghiên cứu nhóm của chương trình WHI (những phụ nữ này không bị tăng huyết áp) xem ra có lợi nhất do tiêu thụ số lượng cao chất kali trong chế độ ăn uống của họ.
“Những phụ nữ bị tăng huyết áp có nguy cơ tử vong thấp hơn khi tiêu thụ kali nhiều hơn nhưng không giảm được nguy cơ đột quỵ, điều này cho thấy rằng tiêu thụ kali nhiều có thể có lợi hơn trước khi chứng tăng huyết áp phát sinh”, các nhà nghiên cứu viết. “Do đó, các nhân viên y tế có thể nên nâng cao tầm quan trọng của chế độ ăn uống giàu kali, đặc biệt trong số những phụ nữ hậu mãn kinh”.
Chất Kali và Đột Quỵ: Mối Liên Hệ Không Chắc Chắn
Một vài nghiên cứu viễn cảnh (prospective study: theo dõi một nhóm những người có những đặc điểm giống nhau nhưng chỉ khác ở một số yếu tố trong nghiên cứu, để xác định xem các yếu tố này ảnh hưởng thế nào đến các tỷ lệ của một kết quả nào đó) khác đã kiểm tra tác động tiềm tàng của chất kali lên nguy cơ đột quỵ, với các kết quả có phần khác nhau.
Trong một nghiên cứu được báo cáo cách đây 3 thập niên, những phụ nữ tiêu thụ chưa đến 1911 mg kali mỗi ngày có tỷ lệ rủi ro khoảng 4,8 (xác suất = 0,01) khi được so sánh với những phụ nữ tiêu thụ trên 1911 mg kali. Một nghiên cứu khác được báo cáo vào năm 1999 đã tìm thấy rằng những phụ nữ nằm trong điểm ngũ phân vị cao nhất về số lượng kali tiêu thụ mỗi ngày (međian là 3555 mg) so với những phụ nữ trong điểm ngũ phân vị thấp nhất (međian là 2017 mg) có nguy cơ đột quỵ tương đối là 0,72 (khoảng tin cậy 95%: 0,51 – 1,01).
Và một kiểm tra phân tích năm 2011 xem xét Nghiên Cứu Nhóm Chụp X-quang Ngực ở Thụy Điển (Swedish Mammography Cohort) đã tìm thấy rằng những phụ nữ có tiền sử bị tăng huyết áp có nguy cơ tương đối là 0,64 cho tất cả dạng đột quỵ khi so sánh điểm ngũ phân vị cao nhất về tiêu thụ kali với điểm ngũ phân vị thấp nhất (trung bình 3834 mg mỗi ngày so với 2362 mg).
Một phân tích so sánh kết hợp kết quả (meta-analysis), bao gồm 22 thử nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên được báo cáo trong Tạp Chí Y Học Anh Quốc (British Medical Journal) năm 2013, đã tìm thấy việc tiêu thụ kali với số lượng cao có liên quan đến khả năng giảm nguy cơ đột quỵ là 24%, với chứng cứ có chất lượng trung bình.
“Mặc dù có những đóng góp hữu dụng này, nhưng người ta vẫn chưa rõ việc tiêu thụ kali với số lượng cao có liên quan đến khả năng giảm nguy cơ bị tất cả các dạng đột quỵ không và những phát hiện này có phù hợp với các cộng đồng cụ thể không”, tiến sĩ Wassertheil-Smoller và các đồng nghiệp đã viết.
Các Chi Tiết Của Cuộc Nghiên Cứu
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá các dữ liệu từ 90137 người tham gia nghiên cứu WHI ở độ tuổi từ 50 đến 79, những người này đã được theo dõi trung bình trong vòng 11 năm. Tất cả những phụ nữ tham gia nghiên cứu này đều không bị đột quỵ vào thời điểm đăng ký tham gia.
Số lượng tiêu thụ kali trong chế độ ăn được báo cáo trung bình là 2611 mg/ngày. Những phụ nữ da đen, những người đang hút thuốc lá, và những người không uống rượu bia được báo cáo có số lượng tiêu thụ kali từ chế độ ăn thấp hơn, và những phụ nữ, báo cáo tập thể dục mỗi tuần 2 lần hoặc nhiều hơn, có số lượng tiêu thụ kali từ chế độ ăn uống cao hơn so với những người không vận động hoặc ít vận động.
Tỷ lệ bị đột quỵ trên 1000 người là 3,1 cho tất cả các dạng đột quỵ, 2,24 cho dạng đột quỵ thiếu máu cục bộ; 0,5 cho dạng đột quỵ xuất huyết (hemorrhagic stroke); và 11,60 cho tỷ lệ tử vong từ mọi nguyên nhân.
Các nhà nghiên cứu viết, “Những người trong điểm tứ phân vị thấp nhất về số lượng kali tiêu thụ từ chế độ ăn uống theo ước tính (dưới 1925,5 mg kali) có tỷ lệ (đột quỵ) theo ước tính cao hơn so với những người trong các điểm tứ phân vị khác trong mọi kết quả. Có một xu hướng gia tăng đáng kể theo đường thẳng về tỷ lệ tử vong (xác suất = 0,0002), nhưng xu hướng này không đáng kể cho các kết quả khác”.
Khi các nhà nghiên cứu kiểm tra số lượng kali tiêu thụ sử dụng điểm tứ phân vị và nguy cơ đột quỵ, họ đã tìm thấy rằng tất cả các điểm tứ phân vị về số lượng kali tiêu thụ có nguy cơ thấp hơn đáng kể so với điểm tứ phân vị thấp nhất (dưới 1925,5 mg/ngày) cho tử lệ tử vong từ tất cả nguyên nhân, tất cả dạng đột quỵ, và đột quỵ thiếu máu cục bộ trong các mẫu đa biến số không được điều chỉnh.
Trong mẫu được điều chỉnh đầy đủ so sánh điểm tứ phân vị cao nhất với điểm tứ phân vị thấp nhất về số lượng kali tiêu thụ, tỷ số nguy hiểm là 0,90 (khoảng tin cậy 95%: 0,85 – 0,95) cho tỷ lệ tử vong từ mọi nguyên nhân; 0,88 (khoảng tin cậy 95%: 0,79 – 0,98) cho mọi dạng đột quỵ; và 0,84 (khoảng tin cậy 95%: 0,74 – 0,96) cho dạng đột quỵ thiếu máu cục bộ. Không tìm thấy mối liên hệ với dạng đột quỵ xuất huyết.
Ở những phụ nữ không bị cao huyết áp, có khả năng hạ giảm 27% nguy cơ đột quỵ thiếu máu cục bộ ở nhóm trong điểm tứ phân vị cao nhất khi được so sánh với nhóm trong điểm tứ phân vị thấp nhất trong mẫu được điều chỉnh đầy đủ (tỷ số nguy hiểm: 0,73; khoảng tin cậy 95%: 0,60 – 0,88), và một lần nữa, không tìm thấy mối tương quan với dạng đột quỵ xuất huyết. Tiêu thụ kali số lượng cao có liên quan đến tỷ lệ tử vong thấp từ mọi nguyên nhân ở những phụ nữ bị tăng huyết áp, nhưng không giảm bớt nguy cơ đột quỵ.
Phương pháp phân tích Cox (Cox analysis) tiết lộ rằng tiêu thụ kali số lượng cao cũng liên quan đến khả năng hạ giảm nguy cơ bị bệnh tiểu mạch (small-vessel disease) trong số những phụ nữ không bị tăng huyết áp. Khi được so sánh với điểm tứ phân vị thấp nhất, tỷ số nguy hiểm là 0,43 cho điểm tứ phân vị 2; 0,60 cho điểm tứ phân vị 3; và 0,67 cho điểm tứ phân vị cao nhất.
Sự đề xuất từ các kết quả này, cho rằng chất kali từ chế độ ăn uống có thể có lợi hơn trước khi phát triển chứng tăng huyết áp, xác nhận mẫu cấy tế bào và các nghiên cứu mẫu động vật, cho thấy rằng hàm lượng cao kali giúp cải thiện chức năng màng trong mạch và thúc đẩy quá trình phóng thích oxit nitric (NO) để cải thiện sự lưu thông mạch, các nhà nghiên cứu viết.
Mặc dù việc tiêu thụ kali số lượng cao được xem có liên quan đến huyết áp thấp trong các nghiên cứu khác, nhưng mối liên hệ giữa huyết áp tâm thu (systolic blood pressure) và số lượng kali tiêu thụ là không đáng kể trong nghiên cứu nhóm WHI (-0,008), cho thấy rằng “các tác dụng có lợi của việc tiêu thụ kali trong số những người không bị tăng huyết áp đã không được điều chỉnh bởi tác động của việc tiêu thụ này lên huyết áp”, các nhà nghiên cứu nói.
Một Lý Do Khác Để Ăn Trái Cây (Hoa Quả) và Rau Củ
Trái cây (hoa quả) và rau củ giàu chất kali bao gồm các loại rau xanh đậm, như rau bina và cải Thụy Sĩ, khoai tây ngọt hoặc khoai tây thường, bí vàng (winter squash), mơ khô (dried apricot), mận (prune), trái cây họ cam quít, dưa ruột vàng (cantaloupe), và chuối, theo lời của các tác giả.
“Các phát hiện của chúng tôi đưa ra cho các phụ nữ một lý do nữa để ăn trái cây (hoa quả) và rau củ”, tiến sĩ Wassertheil-Smoller lưu ý trong một công bố báo chí.
Thịt đỏ và thịt trắng, nhiều loại cá, và các loại đậu trắng cũng là các nguồn chứa dồi dào chất kali.
Các hạn chế của cuộc nghiên cứu bao gồm tính chất của quá trình quan sát của nghiên cứu, đó là loại trừ giả định về mối liên hệ nhân quả. Các ước tính về số lượng kali tiêu thụ cũng lấy từ các câu hỏi về thói quen tiêu thụ thực phẩm, do đó thường đánh giá không chính xác số lượng tiêu thụ thực sự, các nhà nghiên cứu lưu ý.
Nghiên cứu này cũng dựa vào số lượng kali tiêu thụ tiêu chuẩn để đánh giá các mối liên hệ với kết quả, đồng thời các nhà nghiên cứu đã không đánh giá các yếu tố dinh dưỡng quan trọng khác góp phần gây ra nguy cơ đột quỵ.
Các tác giả nghiên cứu đã viết rằng việc tiêu thụ natri tương ứng có thể là một đồng tham số trong việc quyết định bị tăng huyết áp và nguy cơ tim mạch, nhưng việc tiêu thụ natri đã không được đánh giá một cách đáng tin cậy trong câu hỏi về thói quen tiêu thụ thực phẩm của chương trình WHI.
Cho dù có những hạn chế, nhưng các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng tiêu thụ kali với số lượng cao có thể bảo vệ những phụ nữ hậu mãn kinh tránh khỏi cơn đột quỵ thiếu máu cục bộ, tử vong từ mọi nguyên nhân, và bệnh tiểu mạch, đặc biệt là nếu như họ không bị huyết áp cao.
“Vì số lượng kali tiêu thụ trong chế độ ăn uống ở Hoa Kỳ nằm dưới mức tiêu thụ được đề xuất, cho nên các phát hiện này tỏ ra quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp dinh dưỡng ngăn ngừa để hạ thấp nguy cơ đột quỵ”, các tác giả nghiên cứu viết. (Trở về đầu trang)
7 PHƯƠNG PHÁP TỰ NHIÊN GIÚP LÀM DỊU TÌNH TRẠNG VIÊM HỌNG
Khi bạn không biết cách làm thế nào để chấm dứt tình trạng ngứa họng, thì hãy thử những phương pháp chữa trị tại nhà dưới đây để làm dịu đi các triệu chứng bạn gặp phải.
Tình trạng ngứa và viêm họng thật là khó chịu, nhưng không đến nỗi nghiêm trọng để bạn đến khám bác sĩ. Dù sao thì đây cũng là điều đáng mừng vì bạn có thể tự chữa cơn đau họng tại nhà: Một nghiên cứu năm 2014 ở Anh Quốc đã tìm thấy rằng đa số các trường hợp đến khám bác sĩ vì bị đau họng đều không cần đến thuốc kháng sinh. Lý do? Nhiễm vi khuẩn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong các trường hợp nuốt bị ngứa rát. Dị ứng, không khí khô, và virut như cảm lạnh và cảm cúm, tất cả đều có thể là các tác nhân gây đau họng. Và mặc dù bạn phải luôn đến khám bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài, nhưng hãy thử làm dịu tình trạng đau họng bằng các phương pháp tự nhiên này tại nhà.
Nước Muối
Súc nước muối có lợi điểm là: Muối có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, mà đây là lý do tại sao muối được dùng như một chất bảo quản, theo lời của Marcia Degelman, tác giả cuốn Giải Thích Sức Khỏe (Explaining Health) và là chuyên gia trị liệu nắn bóp (massage therapist) tại Trung Tâm Osher về Y Học Hệ Thống ở trường Đai Học California San Francisco (University of California San Francisco’s Osher Center for Integrative Medicine). Các nghiên cứu cho thấy rằng súc nước muối có thể giúp giảm đau họng và tiêu diệt các vi sinh vật gây viêm họng. Thật vậy, một nghiên cứu được đăng trong Tạp Chí Y Học Ngăn Ngừa Hoa Kỳ (The American Journal of Preventive Medicine) đã tìm thấy rằng khoảng 40% những người bị đau ốm đồng thời súc nước muối mỗi ngày 3 lần cải thiện được tình trạng nhiễm đường hô hấp trên (upper respiratory tract: mũi hoặc lỗ mũi, khoang mũi, miệng, họng, và thanh quản). Bạn hãy thử công thức này: pha một muỗng muối nhỏ với nửa ly nước ấm, rồi súc nước muối trong khoảng 30 giây.
Mật Ong
Mật ong không chỉ chứa các vitamin có lợi cho sức khỏe, mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn và chống nhiễm trùng. Và mật hoa tự nhiên thực sự hiệu quả hơn so với xirô trị ho (cough syrup) vì mật ong tạo một lớp lót tốt hơn cho cổ họng, theo một nghiên cứu năm 2012 được đăng trên tạp chí Nhi Khoa (Pediatrics). Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng mật ong càng có màu đậm thì tính hiệu quả càng cao, nhờ vào hàm lượng cao các chất chống oxy hóa. Bạn hãy pha một ly trà nóng với một muỗng mật ong – và vắt khoảng nửa quả chanh vào. Chanh có tác dụng làm co rút các màng nhầy, vì thế công thức này tăng gấp đôi khả năng bảo vệ cổ họng của bạn.
Súp Mì Gà
Một nghiên cứu ở Nhật đã tìm thấy rằng súp gà chứa một loại axit amin giúp làm loãng đờm ở phổi, cho phép bạn ho tống ra những thứ có hại nhanh hơn và chữa trị một nguyên nhân lớn gây ra các trường hợp đau họng – hội chứng tích tụ đờm ở họng (postnasal drip). Ngoài ra, một nghiên cứu quan trọng từ Trung Tâm Y Tế Đại Học Nebraska (University of Nebraska Medical Center) đã chứng minh rằng nước súp gà nổi tiếng thực sự có thể giúp tiêu diệt virut bằng cách hoạt động như một chất kháng viêm. Tuy nhiên, hãy sử dụng loại súp gà rau quả. Tác giả nghiên cứu, bác sĩ Stephen Rennard, tin rằng chính sự phối hợp giữa rau quả, gà, và nước súp đã làm cho loại súp này trở nên hiệu quả.
Ngải Đắng và Hoa Cúc Tía
Lá ngải đắng (sage) được dùng như một phương thuốc trị khản giọng (hoarseness) hoặc ho, nhưng một nghiên cứu ở Thụy Sĩ đã tìm thấy rằng ngải đắng thậm chí càng hiệu quả hơn khi kết hợp với các loại dược thảo khác. Các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng những người sử dụng thuốc xịt cổ họng chứa ngải đắng và hoa cúc tía (Echinacea: hoa nhím biển) đã giảm được tình trạng ngứa họng với tỷ lệ ngang bằng với những người sử dụng các loại thuốc xịt họng chứa các thành phần hóa học.
Tỏi
Có thể bạn sẽ không muốn, nhưng ngậm một nhánh tỏi như một loại thuốc ngậm trị ho sẽ giúp ích cho cổ họng của bạn và tình trạng nhiễm trùng ở họng. “Tỏi chứa allicin, một chất kháng sinh mạnh, có khả năng tiêu diệt virut và vi khuẩn”, theo lời bà Degelman. Hãy ngậm một nhánh tỏi ngay sau khi bạn cảm thấy ngứa ở cổ họng để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng xảy ra, bà chỉ dẫn. Ngậm càng lâu càng tốt, lý tưởng nhất là khoảng từ 5 cho đến 10 phút.
Rễ Cam Thảo
Rễ cam thảo (licorice root) đã được dùng trong y học Đông Phương để trị viêm họng, loét, và nhiễm virut trong nhiều thế kỷ, và mang lại hiệu quả tốt nhất khi được pha với nước và dùng để súc miệng. Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Gây Mê & Giảm Đau (Anesthesia & Analgesia) đã tìm thấy rằng những bệnh nhân súc miệng bằng nước rễ cam thảo ít bị đau họng hậu phẫu hơn so với những người chỉ uống nước. Bạn có thể mua rễ cam thảo ở dạng bột hoặc chiết xuất, và có thể pha với nước rồi súc miệng.
Kẽm
Các ion kẽm là các chất kháng vi sinh vật (antimicrobial agent), vì thế chúng giúp phòng chống các trường hợp nhiễm trùng, theo giải thích của bà Degelman. Hơn nữa, một nghiên cứu năm 2011 ở Phần Lan đã tìm thấy rằng các viên ngậm chứa kẽm giúp cắt giảm thời gian bị cảm lạnh. Hãy chọn một loại viên ngậm chứa kẽm và vitamin C, vitamin C còn có tác dụng giúp hệ miễn dịch của bạn chống lại bệnh tật. (Trở về đầu trang)