QUẢN LÝ CÁC TÁC DỤNG PHỤ DO ĐIỀU TRỊ
Phản ứng của cơ thể đối với hóa trị, xạ trị, hoặc các điều trị mục tiêu phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như thời gian điều trị, liều lượng được chỉ định, và tiền sử bệnh của một người. Đa số các tác dụng phụ diễn ra ngắn hạn, nhưng một số tác dụng phụ có thể kéo dài suốt quá trình điều trị và thậm chí kéo dài sau quá trình điều trị. Mặc dù các tác dụng phụ có thể gây khó chịu hoặc đau nhức, nhưng hiện nay các bác sĩ có nhiều cách để giảm bớt và thậm chí ngăn ngừa các tác dụng phụ do điều trị.
Sau đây là các tác dụng phụ mà bạn có thể gặp phải:
Huyết khối
Những người bị ung thư có nguy cơ hình thành các cục máu đông vì nhiều lý do, nhưng có thể tiến hành các bước để ngăn chặn và điều trị các cục máu đông.
Các vấn đề về xương
Ung thư có thể ảnh hưởng đến xương theo nhiều cách khác nhau. Một số bệnh ung thư, chẳng hạn như chứng đa u tủy (multiple myeloma), bắt đầu ở xương. Các dạng ung thư khác, chẳng hạn như ung thư vú, tuyến tiền liệt, phổi và thận, có thể di căn, hoặc lây lan đến xương. Dạng bệnh ung thư bắt đầu ở xương hoặc lây lan đến xương có thể dẫn đến tình trạng đau xương và có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng, bao gồm làm cho xương bị suy yếu, gãy (nứt) và tăng hàm lương canxi trong máu, từ đó có thể càng làm tổn thương xương. Một số phương pháp điều trị ung thư cũng có thể ảnh hưởng đến xương của bạn. Ví dụ, một số phương pháp điều trị được dùng cho ung thư vú (breast cancer) và ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer) có thể dẫn đến tình trạng loãng xương (osteoporosis: chứng rỗ xương), do đó cũng làm tăng nguy cơ gãy (nứt) xương.
Chẩn Đoán và Điều Trị Các Vấn Đề về Xương
Thông thường, bước đầu tiên trong việc điều trị các biến chứng xương là kiểm soát tình trạng đau xương (bone pain). Thuốc giảm đau(analgesic) là trị liệu rất hiệu quả. Các thuốc này bao gồm cả các loại thuốc không cần toa bác sĩ (over-the-counter medication) và các loại thuốc cần toa bác sĩ (prescription medication). Các loại thuốc không cần toa bác sĩ bao gồm acetaminophen (ví dụ: Tylenol), aspirin, và các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) chẳng hạn như naproxen (ví dụ: Aleve). Các loại thuốc cần toa bác sĩ bao gồm các loại opioid, chẳng hạn như oxycodone, hydromorphone và morphine. Loại thuốc, liều lượng và thời biểu sử dụng thích hợp sẽ giúp giảm đau mà không gây thêm các vấn đề khác.
Cùng với việc kiểm soát tình trạng đau nhức của bạn, bác sĩ sẽ tiến hành các kiểm tra để tìm ra các nguyên nhân gây đau và rà soát xem có bị gãy (nứt) xương hoặc nguy cơ bị gãy (nứt) xương không. Các kiểm tra này có thể bao gồm chụp lướt xương hoặc chụp PET để tìm ra mức độ bệnh ung thư có thể đang ảnh hưởng đến xương. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp X-quang các xương “chịu sức nặng” của bạn, chẳng hạn như các xương chân. Nếu các kiểm tra này cho thấy rằng bạn có nguy cơ bị gãy (nứt) xương, thì biện pháp tốt nhất là điều trị xương trước khi xảy ra tình trạng gãy (nứt) thực sự.
Bác sĩ cũng có thể kiểm tra để xem bạn có bị tăng hàm lượng canxi trong máu không, tình trạng này có tên là tăng canxi huyết (hypercalcemia). Trường hợp này có thể xảy ra khi bệnh ung thương gây thương tổn cho xương, gây phóng thích canxi từ xương vào máu. Các triệu chứng tăng hàm lượng canxi có thể bao gồm buồn nôn, nôn mửa, buồn ngủ, cảm thấy khát nước dữ dội và đi tiểu thường xuyên.
Phương pháp điều trị tăng canxi huyết bao gồm tăng tiêu thụ chất lỏng bằng cách uống nhiều nước hoặc đưa chất lỏng vào cơ thể qua tĩnh mạch để điều trị hoặc ngăn ngừa hiện tượng mất nước (dehydration). Các loại thuốc có tác dụng làm giảm hàm lượng canxi một cách trực tiếp cũng có thể được sử dụng.
Điều quan trọng là bạn phải thông báo cho bác sĩ ngay tức khắc nếu bạn bị đau lưng nghiêm trọng hoặc cơn đau lưng phát triển hoặc thay đổi nhanh chóng. Điều này có thể có nghĩa là khối u xương di căn ở cột sống đang chèn ép dây cột sống. Nếu trường hợp này xảy ra, thì cần phải được cấp cứu ngay. Dạng đau này có thể phát triển trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày và thường xảy ra ở giữa lưng. Nó có thể đi kèm với cảm giác đuối sức. Cách điều trị cho tình trạng này có thể bao gồm các loại thuốc steroid, phóng xạ (radiation) hoặc phẫu thuật.
Các Loại Thuốc Hỗ Trợ Sức Khỏe Xương
Bên cạnh các trị liệu cụ thể như đã được đề cập ở trên, bác sĩ cũng có thể kê toa các loại thuốc đặc biệt nhằm giúp cải thiện sức khỏe xương cho bạn. Các loại thuốc này giúp giảm bớt nguy cơ gãy (nứt) xương và giảm bớt nhu cầu phóng xạ hoặc phẫu thuật:
- Các loại thuốc ức chế RANKL (RANK ligand inhibitor)
- Các loại Bisphosphonate
- Các loại SERM (Selective estrogen receptor modulator)
Các loại thuốc ức chế RANKL. Đây là một nhóm thuốc mới, hoạt động không giống như các loại thuốc khác được dùng cho các biến chứng xương. Các loại thuốc này được thiết kế để ngăn chặn một yếu tố trong quá trình phát triển của xương có tên là RANK ligand. RANK ligand kích thích các tế bào phân hủy xương. Bằng cách ngăn chặn yếu tố RANK ligand, các loại thuốc ức chế RANKL có thể làm tăng mật độ và độ cứng của xương.
Denosumab (Prolia) là một loại thuốc ức chế protein RANKL đang được lưu hành để điều trị chứng loãng xương ở các phụ nữ hậu mãn kinh với nguy cơ cao bị gãy (nứt) xương. Cơ quan FDA Hoa Kỳ đã chấp thuận cho sử dụng denosumab (dưới nhãn hiệu Xgeva) để giúp ngăn ngừa các sự kiện liên quan đến khung xương (skeletal-related event – SRE) ở các bệnh nhân có các khối u rắn đồng thời đã lan đến xương và làm tổn thương xương. (Denosumab không được chấp thuận sử dụng trong việc ngăn ngừa các biến chứng xương ở những bệnh nhân bị chứng đa u tủy (multiple myeloma). Các sự kiện liên quan đến xương bao gồm các trường hợp gãy (nứt) xương do ung thư, đau xương (bone pain) đòi hỏi chiếu xạ, gãy xương (broken bone) đòi hỏi phẫu thuật hiệu chỉnh và áp lực lên dây cột sống. Denosumab cũng có thể giúp ngăn ngừa sự tăng trưởng của khối u xương trong các trường hợp ung thư chẳng hạn như ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt, hai dạng này có thể lan đến xương.
Các loại bisphosphonate kết bám vào bề mặt xương và làm chậm tiến trình phân hủy xương do các tế bào hủy xương (osteoclast) gây ra. Các loại thuốc bisphosphonate bao gồm alendronate (ví dụ: Fosamax), ibandronate (Boniva), pamidronate (ví dụ: Aredia), risedronate (ví dụ: Actonel), và zoledronic acid (Zometa). Các loại thuốc này tiêu diệt các tế bào hủy xương hoặc các tế bào phá hủy xương đồng thời giúp tạo xương, kết quả là mật độ xương gia tăng.
Các loại bisphosphonate đã được chứng minh có khả năng làm giảm tình trạng loãng xương ở các phụ nữ hậu mãn kinh bị ung thư vú đang tiếp nhận trị liệu hooc môn và ở các phụ nữ tiền mãn kinh với tình trạng mãn kinh do hóa trị gây ra. Tương tự, các loại thuốc bisphosphonate giảm được tình trạng loãng xương ở nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt đang tiếp nhận trị liệu hooc môn. Zoledronic acid cũng được dùng để điều trị tình trạng đau xương và các biến chứng xương ở những người có các dạng bệnh ung thư khác đã lan đến xương.
SERM. Một nhóm thuốc khác được dùng để ngăn ngừa và điều trị các biến chứng xương là thuốc điều biến thụ thể estrogen chọn lọc (selective estrogen receptor modulator – SERM). Người ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ cách thức hoạt động của nhóm thuốc này giúp làm tăng mật độ xương, nhưng chúng được xem có khả năng làm chậm tiến trình phân hủy và loại bỏ xương cũ. Các loại SERM được dùng cho những người bị ung thư là raloxifene (Evista), tamoxifen (ví dụ: Nolvadex), và toremifene (Fareston).
Bởi vì ung thư có thể ảnh hưởng đến xương theo nhiều cách, cho nên việc chăm sóc xương là một phần rất quan trọng trong toàn bộ vấn đề chăm sóc bệnh của bạn. Có những kiểm tra mà bác sĩ có thể sử dụng nhằm theo dõi sức khỏe xương của bạn trong lúc bạn được điều trị. Cũng có những cách giúp bạn tăng cường sức khỏe xương thông qua vấn đề dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục.
Các Kiểm Tra cho Sức Khỏe Xương
Các bác sĩ sử dụng một loạt các phương pháp để theo dõi sức khỏe xương của bạn trong lúc bạn được điều trị. Các kiểm tra sau đây có thể nói cho bạn và bác sĩ biết mật độ xương của bạn, nguy cơ bạn có thể bị gãy (nứt) xương và tình trạng xương của bạn biến đổi do ung thư hoặc do các loại thuốc bạn đang sử dụng:
Chụp lướt DEXA. Kiểm tra này đo mật độ xương. Nó sẽ cho thấy mật độ xương của bạn có bình thường không hoặc bạn có bị loãng xương nhẹ (osteopenia) hoặc loãng xương nghiêm trọng (osteoporosis: giảm mật độ xương và làm xương dễ bị gãy) không. Sử dụng thông tin này, bác sĩ có thể thành lập một kế hoạch duy trì hoặc gia tăng mật độ xương cho bạn.
Chỉ số FRAX (FRAX index). Bác sĩ có thể sử dụng kiểm tra này, cùng với những phương pháp đo mật độ xương, để đánh giá nguy cơ bạn bị gãy (nứt) xương. Chỉ số này có thể được sử dụng để tiên đoán nguy cơ gãy (nứt) xương sử dụng các kết quả chụp lướt DEXA cũng như các thông tin dựa trên sắc tộc, độ tuổi, giới tính, cân nặng, và tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị gãy (nứt) xương. Những yếu tố khác bao gồm: hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng thuốc steroid, hoặc bị loãng xương do một tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như thiếu canxi trong chế độ ăn uống hoặc bị viêm thấp khớp.
Các kiểm tra khác. Bác sĩ có thể tiến hành các kiểm tra để đo hàm lượng vitamin D và canxi trong máu của bạn. Cả hai khoáng chất này là những yếu tố cần thiết giúp duy trì sức khỏe của xương. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra các chất đánh dấu sinh học (biomarker), các chất này chỉ ra mức độ và khả năng xương được hình thành hay bị phân hủy. Các chất đánh dấu sinh học này được đo lường trong máu và nước tiểu.
Vai Trò của Dinh Dưỡng
Có nhiều cách giúp bạn tăng cường sức khỏe xương thông qua dinh dưỡng tốt và tập thể dục. Một điều bạn có thể làm để duy trì hoặc cải thiện sức khỏe xương là đảm bảo rằng bạn tiêu thụ đầy đủ chất dinh dưỡng, bao gồm hấp thụ đủ calorie, canxi và vitamin D. Nếu cơ thể không tiếp nhận đủ calorie từ thực phẩm, nó sẽ “lấy trộm” calorie từ chính cơ thể bạn, bao gồm các chất dinh dưỡng từ xương. Tương tự, nếu cơ thể không có đủ canxi cho mọi nhu cầu của nó thông qua thực phẩm hoặc các thực phẩm chức năng chứa canxi, thì nó sẽ lấy canxi từ xương, do đó làm cho xương bị suy yếu.
Bạn cần khoảng 1000 đến 1200 mg canxi mỗi ngày để giúp giữ cho xương khỏe mạnh. Một ly sữa cung cấp khoảng 250 mg canxi. Điều này có nghĩa là bạn cần uống khoảng 4 ly sữa mỗi ngày để có đủ hàm lượng canxi. Canxi cũng hiện diện trong các nguồn thực phẩm khác, nhưng để đạt được hàm lượng cần thiết, nhiều người phải sử dụng các loại thực phẩm bổ xung canxi.
Thực phẩm bổ sung canxi được bán dưới hai dạng: canxi cacbonat (calcium carbonate) và canxi xitrat (calcium citrate). Canxi cacbonat (calcium carbonate) sẽ không được hấp thụ tốt trừ khi dạ dày có tính axit. Ví dụ, nếu bạn cần phải sử dụng một loại thuốc giúp trung hòa axit (antacid), thì dạng canxi này sẽ không được cơ thể hấp thụ. Canxi xitrat (calcium citrate) là dạng canxi được ưa chuộng, vì nó dễ hấp thụ (và cũng ngăn ngừa khả năng hình thành sỏi thận)
Để hấp thụ canxi, cơ thể còn cần đến vitamin D. Cơ thể chúng ta tạo ra vitamin D khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhưng đa số chúng ta không tiếp nhận đủ ánh nắng mặt trời để duy trì đủ hàm lượng vitamin D. Mặc dù nó được chứa trong một vài nguồn tự nhiên, chẳng hạn như dầu gan cá tuyết (cod liver oil) và cá nhiều mỡ, nhưng nhiều người phải sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin D để đạt được nhu cầu tiêu thụ mỗi ngày. Các đề xuất chính thức về vitamin D là tiêu thụ từ 400 đến 600 IU (IU: đơn vị quốc tế) mỗi ngày, nhưng nhiều bác sĩ cho rằng liều lượng này quá thấp. Do đó, tốt nhất nên tiêu thụ khoảng 1000 đến 2000 IU vitamin D mỗi ngày.
Suy giảm chức năng nhận thức hậu hóa trị
Nhiều vấn đề xảy ra với trí nhớ và khả năng tập trung, cùng với một cảm giác mất khả năng hoạt động cũng như suy giảm chức năng nhận thức như bình thường, được bệnh nhân gọi một cách thông thường là não hóa trị(chemobrain), hoặc các bác sĩ và các nhà nghiên cứu gọi là suy giảm chức năng nhận thức hậu hóa trị (post-chemotherapy cognitive impairment).
Các Triệu Chứng Não Hóa Trị
Nếu bạn gặp phải những vấn đề như thế này, thì có thể bạn đang bị tình trạng não hóa trị, và bạn không phải là người duy nhất:
- Mất trí nhớ
- Khó tập trung
- Khó tìm thấy câu từ thích hợp
- Khó học một kỹ năng mới
- Khó quản lý các sinh hoạt hằng ngày
Nhiều người thường lưu ý thấy các vấn đề này trong thời gian hóa trị. Trong vòng một năm sau khi điều trị, nhiều người nhận thấy những vấn đề này được cải thiện đáng kể hoặc không còn tồn tại. Tuy nhiên, đối với một số người, hiện tượng não hóa trị có thể tiếp tục kéo dài nhiều năm sau khi hoàn tất trị liệu.
Các Nguyên Nhân Gây Ra Não Hóa Trị
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ các nguyên nhân thực sự gây ra các vấn đề này, nhưng hiện nay họ đang nghiên cứu để tìm ra các phương hướng điều trị và ngăn ngừa nó. Các nguyên nhân gây ra hiện tượng não hóa trị kéo dài (hơn một năm sau khi điều trị) vẫn chưa được sáng tỏ. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể điều trị mà chúng có thể gây ra các vấn đề tương tự và mang tính tạm thời ở những người đang tiến hành hóa trị. Các yếu tố này bao gồm:
- Các số đo huyết cầu thấp
- Stress
- Trầm cảm
- Lo âu
- Mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ
- Thuốc điều trị các tác dụng phụ
- Thay đổi hooc môn do một số phương pháp điều trị ung thư
Hãy nói cho bác sĩ biết nếu bạn có vấn đề với trí nhớ hoặc lưu ý thấy bất kỳ triệu chứng nào khác của hiện tượng não hóa trị. Bác sĩ có thể giúp loại trừ một số yếu tố mà chúng có thể gây ra các vấn đề về nhận thức. Ví dụ, thuốc trị buồn nôn có thể làm cho bạn giảm tỉnh táo và ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ một cách rõ rệt. Một sự thay đổi nhỏ trong trị liệu của bạn có thể làm cho bạn cảm thấy có một sự khác biệt thực sự.
Khi Nào Cần Tư Vấn Với Bác Sĩ Tâm Lý Học Thần Kinh
Các chuyên gia tâm lý học thần kinh (neuropsychologist) là những nhà tâm lý học được đào tạo chuyên nghiệp để giúp cho những người gặp vấn đề trong các lĩnh vực chẳng hạn như tập trung, học kỹ năng mới, tổ chức và ghi nhớ. Các bác sĩ này sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá toàn diện và xác định xem có những vấn đề nào (có thể điều trị) xuất hiện không, chẳng hạn như trầm cảm, lo âu, sử dụng thuốc và mệt mỏi. Họ cũng xác định những lĩnh vực bạn cần giúp đỡ, cũng như những lĩnh vực thuộc sở trường của bạn.
Sau khi kiểm tra đánh giá hoàn tất, các chuyên gia tâm lý học thần kinh có thể đề xuất phương pháp khôi phục chức năng nhận thức(cognitive remediation hoặc cognitive rehabilitation). Tiến trình này bao gồm việc bệnh nhân hợp tác với một chuyên gia về những lĩnh vực có vấn đề và đề ra một kế hoạch giúp cải thiện chức năng hoạt động của bạn, nhờ đó bạn có thể quản lý tốt hơn những sinh hoạt trong đời sống hằng ngày của mình. Phương pháp khôi phục này cũng bao gồm những cách thức giúp bạn nói ra những lĩnh vực mà bạn quan tâm.
Cách Tìm Kiếm Bác Sĩ Tâm Lý Học Thần Kinh
Các tổ chức chuyên ngành có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ tâm lý học thần kinh có khả năng. Bạn cũng có thể yêu cầu bác sĩ của bạn giới thiệu để tham khảo. Sau khi bạn tìm được bác sĩ tâm lý học thần kinh, hãy hợp tác với họ để xác định xem bảo hiểm của bạn có chi trả cho kiểm tra đánh giá và tiến trình khôi phục chức năng nhận thức không. Một số chương trình Medicare và Medicaid cũng như các công ty bảo hiểm tư nhân chi trả cho các dịch vụ này, nhưng phạm vi chi trả thay đổi, do đó điều quan trọng là biết được thông tin này trước khi quyết định tiến hành một kế hoạch điều trị.
Vai Trò của Các Nhân Viên Xã Hội về Ung Thư
Nói chuyện với một nhân viên xã hội am hiểu các vấn đề về ung thư có thể rất hữu ích. Các nhân viên xã hội về ung thư được đào tạo để giúp các cá nhân đối phó với tác động về cảm xúc của những vấn đề loại này. Đội ngũ chăm sóc ung thư bao gồm các nhân viên xã hội về ung thư được đào tạo chuyên nghiệp có thể làm việc với bạn để phát triển một kế hoạch liên quan đến các vấn đề khó khăn này, bao gồm khả năng giới thiệu đến những nguồn tham khảo quan trọng.
Các vấn đề về răng miệng
Các tác dụng phụ do điều trị ung thư có thể bao gồm sâu răng (tooth decay) và các vấn đề về miệng khác, bao gồm khô miệng và lở miệng (mouth sore). Điều quan trọng là phải trình bày những mối lo ngại của bạn với bác sĩ y khoa và bác sĩ nha khoa, đặc biệt trước khi điều trị, cũng như trong thời gian điều trị hoặc sau khi điều trị.
Tiêu chảy
Được định nghĩa là 2 hoặc nhiều lần đi tiêu phân lỏng mỗi ngày, tiêu chảy có thể do một số dạng xạ trị và hóa trị ở một số khu vực cơ thể gây ra. Có nhiều thứ bạn có thể làm để giúp kiểm soát tình trạng tiêu chảy.
Thay Đổi Chế Độ Ăn Uống
Nhiều loại thực phẩm có thể nuôi dưỡng cơ thể bạn mà không góp phần gây tiêu chảy.
Sau đây là một số đề xuất trong việc tiến hành các chọn lựa lành mạnh:
Chọn | Thay Vì |
Các thực phẩm giàu protein chẳng hạn như trứng (được nấu chín), thịt nạc, cá, thịt gia cầm, bơ đậu phộng hoặc các loại đậu.* | Các thực phẩm được sấy (phơi) khô hoặc các thực phẩm giàu chất béo (chẳng hạn như xúc xích, thịt lưng lợn muối xông khói, gà tẩm bột chiên, hải sản khô hoặc bánh pizza)
|
Sữa giảm mập hoặc ít béo, sữa chua hoặc phó mát (sử dụng các sản phẩm sữa không chứa lactose nếu bạn không dung nạp được lactose)
| Sữa hoặc phó mát chứa trên 9 g mỡ/28 g
|
Rau củ được nấu chín* chẳng hạn như cà rốt, đậu xanh hoặc nấm
| Rau củ tươi sống, đặc biệt các loại có vỏ dày, có hạt hoặc có thớ |
Trái cây (hoa quả) tươi không vỏ hoặc thực phẩm đóng lon
| Trái cây (hoa quả) được sấy khô |
Các món tráng miệng ít béo và ít lactose, chẳng hạn như các loại kem trái cây. | Kem giàu chất béo hoặc kẹo, kẹo cao su, hoặc kẹo cao su bạc hà chứa sorbitol, mannitol hoặc xylitol
|
Lưu ý: Các loại thực phẩm được đánh dấu bằng (*) chứa dồi dào chất xơ hòa tan (soluble fiber), chất này hình thành phân nhưng cũng có thể làm tăng số lượng phân. Hãy chọn tiêu thụ chất xơ khi bạn muốn đi tiêu dễ.
|
Mệt Mỏi
Mệt mỏi là tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất của bệnh ung thư và phương pháp điều trị. Phải báo cáo tình trạng mệt mỏi cho đội ngũ chăm sóc sức khỏe của bạn để họ có thể chuẩn bị sẵn sàng cho việc chăm sóc và điều trị tình trạng này.
Cảm thấy mệt mỏi – thực sự mệt mỏi – có thể gắn liền với một số yếu tố:
- Điều trị ung thư
- Bản thân bệnh ung thư
- Các phương diện cảm xúc khi đối phó với ung thư và tình trạng đau do ung thư
- Thiếu máu (hàm lượng hồng cầu thấp, đây là các tế bào chứa sắt có chức năng mang oxy cần thiết từ phổi đến các cơ và các mô khác trong cơ thể)
Nếu bạn cảm thấy bị mệt mỏi, thì bạn nên biết rằng đây là một triệu chứng mà có thể cần đến khám bác sĩ. Nếu bác sĩ không đặt câu hỏi về vấn đề mệt mỏi, thì bạn phải nhớ đề cập đến tình trạng này. Đó là cách tốt nhất để tìm kiếm và điều trị nguyên nhân.
Điều Trị Tình Trạng Mệt Mỏi
Để xác định xem có một nguyên nhân thể chất tiềm ẩn nào không, bác sĩ có thể yêu cần tiến hành xét nghiệm máu để xem xét số lượng hồng cầu của bạn có ở dưới mức bình thường không. Nếu bạn bị thiếu máu, thì bác sĩ sẽ đề xuất những chọn lựa điều trị thích hợp cho bạn. Chỉ nên sử dụng các loại thuốc được bác sĩ chỉ định. Đừng tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị thiếu máu mua không cần toa bác sĩ. Các loại thuốc này vẫn chưa được chứng minh là có hiệu quả.
Rụng Tóc
Rụng tóc do hóa trị xảy ra bởi vì các nang tóc bị trị liệu hóa học làm suy yếu, làm cho tóc bị rụng nhanh hơn bình thường.
Không phải tất cả các loại thuốc chống ung thư đều gây rụng tóc; bác sĩ hoặc y tá có thể cho bạn biết liệu bạn có bị ảnh hưởng không. Rụng tóc thường là một trong những phương diện gây chán nản của phương pháp điều trị ung thư. Vấn đề rụng tóc có thể ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, có nhiều cách để đương đầu với phản ứng phụ này.
Trải nghiệm của mỗi người đều khác nhau, do đó điều quan trọng là nói chuyện với bác sĩ hoặc y tác của bạn về quá trình điều trị ảnh hưởng thế nào đến vấn đề rụng tóc. Tùy thuộc vào phương pháp điều trị, hiện tượng rụng tóc có thể bắt đầu bất cứ lúc nào từ 7 đến 21 ngày sau buổi hóa trị đầu tiên. Tóc thường bắt đầu mọc lại sau khi bạn hoàn tất điều trị. Tóc có thể có kết cấu và màu sắc khác, nhưng những sự thay đổi này chỉ là tạm thời.
Đối Phó với Tình Trạng Rụng Tóc
Nhiều người bị rụng tóc sau khi điều trị ung thư chọn sử dụng một số hình thức che đầu, có thể là khăn, nón, hoặc tóc giả (wig). Một số chương trình bảo hiểm chi trả một phần chi phí của các loại che đầu này.
Nếu bạn chọn giải pháp đội tóc giả, thì nên cân nhắc mua trước khi toàn bộ tóc của bạn bị rụng. Nhờ đó bạn có thể chọn được loại tóc giả phù hợp với màu tóc thật của mình. Mua tóc giả trước còn giúp bạn cảm thấy đã chuẩn bị đầy đủ. Bạn có thể nhờ tiệm hớt tóc thiết kế kiểu tóc giả để phù hợp với bạn. Có một số tiệm hớt tóc chuyên thiết kế kiểu tóc cho những người bị rụng tóc do hóa trị.
Phù bạch huyết
Những người mắc bệnh ung thư và đã tiến hành cắt bỏ hạch bạch huyết và/hoặc xạ trị sẽ có nguy cơ phát triển tình trạng phù bạch huyết(lymphedema), một tình trạng sưng gây đau, xảy ra khi bạch huyết của cơ thể không thể tuần hoàn bình thường và thay vào đó tích lũy ở các mô mềm. Nó thường xảy ra ở một cánh tay hoặc chân. Mặc dù đây là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, nhưng phù bạch huyết có thể được quản lý một cách thành công, bao gồm thay đổi một số lối sống, bảo vệ các chi bị ảnh hưởng không bị thương tổn, và biết rằng bạn có thể giúp kiểm soát tình trạng phù bạch huyết.
Sau đây là một số điểm cần xem xét khi nói chuyện với bác sĩ về chứng phù bạch huyết, cũng như một số bước bạn có thể thực hiện để quản lý các triệu chứng:
Thu thập các dữ kiện. Có được các thông tin chính xác và hoàn chỉnh về chứng phù bạch huyết từ bác sĩ hoặc y tá (điều dưỡng) có thể giúp bạn cảm thấy chuẩn bị sẵn sàng để quản lý tình trạng bệnh lý này.
Điều trị các triệu chứng của bạn càng sớm càng tốt. Bên cạnh tình trạng sưng ở chi bị ảnh hưởng, các hiện tượng thường thấy nhất là đau nhức, xơ cứng da, và mất khả năng vận động. Chứng phù bạch huyết phải được báo cáo. Nếu không chữa trị, tình trạng này có thể trở xấu và có thể gây tổn thương vĩnh viễn.
Cân nhắc phương pháp xoa bóp “MLD”. Phương pháp điều trị phổ biến nhất là một phương pháp xoa bóp đặc biệt có tên là dẫn lưu bạch huyết bằng tay (manual lymph drainage – MLD). Phương pháp xoa bóp này giúp dẫn lưu chất lỏng ra khỏi nơi nó cư ngụ. Sau đó, chi bị ảnh hưởng được bó lại bằng băng cá nhân có độ kéo giãn thấp mà được chêm bằng xốp (foam).
Học các bài tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa sưng. Đội ngũ chăm sóc sức khỏe có thể giới thiệu cho bạn một chương trình tập thể dục đặc biệt, được hướng dẫn và theo dõi bởi một chuyên gia vật lý trị liệu được đào tạo chuyên nghiệp.
Mang vớ (tất) bó (compression sleeve). Phương pháp này có thể giúp dẫn lưu bạch huyết. Điều quan trọng phải nhớ là mặc đồ bó khi đi máy bay, cho dù chỉ là một chuyến bay ngắn.
Mang găng tay. Luôn mang găng tay khi làm vườn hoặc lấy thức ăn từ lò nướng ra.
Luôn luôn trị các vết trầy, các vết cắt, và các vết do côn trùng cắn bằng cách rửa sạch khu vực đó và bôi (thoa) kem kháng sinh. Nếu bạn lưu ý bị sưng hoặc mẫn đỏ, thì hãy đi khám bác sĩ ngay. Hãy mang dụng cụ cắt móng tay/chân theo khi bạn đi làm móng, và yêu cầu họ đừng cắt da móng tay (cuticle).
Hãy tử tế với cơ thể bạn. Mang các gói hàng, hành lý, hoặc túi đeo vai nặng sẽ đặt áp lực lên chi bị ảnh hưởng và có thể làm cho chi đó bị sưng và đau thêm.
Phù bạch huyết có thể được quản lý một cách thành công, bằng cách thay đổi lối sống, bảo vệ chi bị ảnh hưởng không bị thương tổn, và biết được những gì bạn có thể giúp kiểm soát chứng phù bạch huyết của mình.
Lở (loét) miệng
“Viêm niêm mạc miệng – oral mucositis” ám chỉ đến những trường hợp lở (loét) miệng bằng cách kích thích niêm mạc – mô mềm bao bọc lưỡi và bên trong miệng, và có thể là một tác dụng phụ nghiêm trọng của phương pháp hóa trị.
Các trường hợp xạ trị ung thư ở đầu và cổ cũng như một số dạng hóa trị có thể gây lở (loét) bên trong miệng và màng nhầy ở cổ và đường tiêu hóa. Các trường hợp lở (loét) này, gọi là viêm niêm mạc, có thể là một vấn đề nghiêm trọng bởi vì chúng có thể gây đau và nhiễm trùng, gây khó khăn cho việc ăn, uống và nuốt.
Sau khi kết thúc điều trị, các vết lở (loét) miệng thực sự biến mất trong vài tuần. Nhưng trước khi các vết này xuất hiện hoặc trong lúc chúng đang hiện diện, điều quan trọng là bạn phải hợp tác với đội ngũ chăm sóc sức khỏe để quản lý tác dụng phụ này trong khi điều trị ung thư.
Bảo vệ sức khỏe răng miệng
Một trong những việc quan trọng bạn có thể làm để quản lý tình trạng viêm niêm mạc là chăm sóc tốt cho miệng của mình, có nghĩa là luôn giữ cho miệng được sạch sẽ. Sau đây là một số hướng dẫn:
- Hãy đến khám bác sĩ nha khoa trước khi điều trị. Bác sĩ nha khoa có thể đảm bảo rằng miệng của bạn được vệ sinh ở mức tối ưu trước khi bạn bắt đầu tiến hành điều trị và có thể cung cấp những thông tin quan trọng cho đội ngũ chăm sóc sức khỏe của bạn.
- Hãy chọn bàn chải đánh răng có sợi mềm (soft-bristle brush).
- Nếu kem đánh răng làm cho miệng của bạn bị khó chịu, hãy sử dụng hỗn hợp gồm nửa muỗng cà phê muối và 4 cup (946 ml) nước.
- Xúc miệng cũng có thể giúp ích. Hãy sử dụng dung dịch bao gồm 4 cup (946 ml) nước, nửa muỗng cà phê muối và nửa muỗng cà phê baking soda (natri hidrocacbonat).
- Uống nhiều nước.
Buồn nôn và nôn mửa
Trong khi có nhiều người được điều trị ung thư bị buồn nôn và nôn mửa, thì có những loại thuốc có thể giúp kiểm soát các tác dụng phụ này.
Khi trị liệu hóa học đi vào cơ thể, các cảm biến trong hệ tiêu hóa và não xác định sự hiện diện này như một chất lạ. Trong một loạt các tín hiệu phức tạp ở não và miệng, dạ dày, ruột non và máu, thuốc hóa trị kích thích “trung tâm nôn mửa” ở não. Một số chất hóa học, bao gồm các chất có tên là serotonin và chất P, được phóng thích, kích thích gây buồn nôn và phản xạ nôn mửa. Đây là nỗ lực của cơ thể nhằm loại bỏ hợp chất lạ.
Có một số người bị buồn nôn và nôn mửa do hóa trị gây ra trong vòng vài giờ đầu sau khi tiếp nhận hóa trị. Các bác sĩ gọi phản ứng này là “tình trạng buồn nôn và nôn mửa cấp tính - acute nausea and vomiting”. Các bệnh nhân khác không cảm thấy các triệu chứng trong ngày hóa trị nhưng có thể phát sinh buồn nôn và nôn mửa trong vài ngày sau đó. Tình trạng này được gọi là “buồn nôn và nôn mửa trì hoãn - delayed nausea and vomiting”.
Bạn không nên cho rằng buồn nôn và nôn mửa xảy ra một hoặc hai ngày sau khi điều trị không liên quan đến hóa trị. Điều quan trọng là phải nói cho bác sĩ hoặc y tá (điều dưỡng) biết khi nào bạn gặp phải các triệu chứng này, cho dù nó xảy ra vào lúc nào.
Bởi vì một số người tiếp nhận hóa trị sẽ có cảm giác bị đau ốm, cho nên họ bắt đầu gặp phải các triệu chứng ngay cả trước khi tiến trình điều trị của họ bắt đầu. Tình trạng này được gọi là “buồn nôn và nôn mửa trước kỳ hạn - anticipatory nausea and vomiting”. Thỉnh thoảng, cảnh quang, âm thanh, và mùi của phòng điều trị có thể kích thích gây nên phản ứng này.
Điều Trị Buồn Nôn và Nôn Mửa
Các hãng sản xuất thuốc đã và đang phát triển các loại thuốc chống buồn nôn trong 40 năm qua. Bác sĩ của bạn sẽ quyết định kê toa các loại thuốc nào dựa trên loại hóa trị bạn đang tiếp nhận cũng như mức độ buồn nôn và nôn mửa có thể xảy ra. Thỉnh thoảng, các bệnh nhân tiếp nhận các loại thuốc chống buồn nôn (anti-nausea drug) qua tĩnh mạch. Các loại thuốc chống buồn nôn khác cũng được sản xuất dưới dạng viên hoặc dạng lỏng để uống bằng miệng, dưới dạng miếng dán ở da hoặc dưới dạng viên nhét hậu môn(suppository).
Sau khi hóa trị, bạn cũng có thể được cho sử dụng các loại thuốc chống buồn nôn sử dụng ở nhà. Điều quan trọng là phải hiểu cách sử dụng các loại thuốc này. Để ngăn ngừa tình trạng buồn nôn và nôn mửa do hóa trị, một số loại thuốc được thiết kế để được sử dụng trong vài ngày, cho dù bạn có cảm thấy buồn nôn hay không. Các loại thuốc khác chỉ được sử dụng khi cảm thấy buồn nôn. Nếu bạn có những câu hỏi về vấn đề khi nào bạn nên sử dụng thuốc chống buồn nôn, thì phải luôn điện thoại để hỏi bác sĩ hoặc y tá của mình.
Điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ thứ tự sử dụng các loại thuốc của mình – cả hóa trị (qua tĩnh mạch hoặc uống bằng miệng) và các loại thuốc chống buồn nôn – cũng như thời điểm bạn sử dụng các loại thuốc này.
Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc theo hướng dẫn mà bạn tiếp tục bị buồn nôn và nôn mửa do hóa trị, thì hãy liên lạc với bác sĩ của bạn ngay tức khắc. Điều quan trọng là phải uống đủ chất lỏng để muối, hoặc các chất điện phân được cân bằng và các tế bào có thể hoạt động đúng chức năng.
Thông thường, các loại thuốc chống buồn nôn được phân loại như sau:
Corticosteroid. Liên quan đến hooc môn cortisol tự nhiên, các loại thuốc corticosteroid được sử dụng rộng rãi để giúp ngăn ngừa tình trạng buồn nôn và nôn mửa do hóa trị. Các loại thuốc này đã được sử dụng thành công trong nhiều năm, đặc biệt để ngăn ngừa tình trạng buồn nôn và nôn mửa trì hoãn. Các loại thuốc corticosteroid, chẳng hạn như dexamethasone, có thể được sử dụng dưới nhiều dạng và thường được kết hợp với các loại thuốc chống buồn nôn khác để có được tính hiệu quả cao nhất.
Các thuốc chặn serotonin (serotonin antagonist). Nhóm thuốc này ngăn chặn các hợp chất tự nhiên gửi các tín hiệu đến não gây nôn mửa. Palonosetron (Aloxi) tiếp tục hoạt động trong nhiều ngày sau một mũi tiêm. Thuốc này có thể ngăn ngừa cả hai hiện tượng buồn nôn và nôn mửa cấp tính cũng như trì hoãn. Các loại thuốc chặn serotonin khác được lưu hành tại Hoa Kỳ bao gồm ondansetron(Zofran and others), granisetron và dolasetron (Anzemet), có thể được sử dụng dưới dạng viên hoặc tiêm. Ondansetron và granisetron đều được sản xuất dưới dạng thuốc nước, và ondansetron cũng được sản xuất dưới dạng viên nén hòa tan trong miệng. Các dạng thuốc này đặc biệt có lợi cho những người gặp khó khăn trong việc nuốt thuốc khi họ cảm thấy buồn nôn.
Thuốc chặn dopamine (dopamine antagonist). Metoclopramide(Reglan và các nhãn hiệu khác) và prochlorperazine là hai loại thuốc được sử dụng phổ biến trong nhóm thuốc này. Hai thuốc này thường được chỉ định điều trị cho tình trạng buồn nôn và nôn mửa “xuyên thủng” – đó là, các triệu chứng không thể kiểm soát bằng các loại thuốc khác.
Thuốc ức chế NK-1. Đây là nhóm thuốc thế hệ mới giúp ngăn ngừa tình trạng buồn nôn và nôn mửa do hóa trị. Aprepitant(Emend và các nhãn hiệu khác) được cho sử dụng khi bệnh nhân tiếp nhận hóa trị mà có nhiều khả năng gây buồn nôn và nôn mửa cấp tính hoặc trì hoãn. Được sản xuất dưới dạng viên nang, aprepitant được cho sử dụng trước một buổi hóa trị và 2 ngày sau đó. Một loại thuốc có liên hệ, fosaprepitant dimeglumine (Emend dùng cho tiêm), được truyền qua tĩnh mạch và chuyển hóa thành aprepitant trong cơ thể.
Cannabinoid. Các loại thuốc này chứa một dạng tinh khiết thành phần hoạt tính được tìm thấy trong cần sa (marijuana). Trong nhiều năm, các bác sĩ đã chỉ định các viên nén dronabinol (Marinol và các nhãn hiệu khác) như một loại thuốc chống nôn mửa. Vào năm 2006, cơ quan FDA Hoa Kỳ đã chấp thuận cho sử dụng các viên nang nabilone (Cesamet), thuốc này có thể kiểm soát tình trạng buồn nôn và nôn mửa do hóa trị ở các bệnh nhân ung thư mà các loại thuốc chống buồn nôn khác không giúp ích cho họ. Giống như cần sa (marijuana), dronabinol và nabilone có thể gây buồn ngủ và thay đổi tâm trạng.
Điều trị chứng say tàu xe. Giống như nhóm cannabinoid, các loại thuốc này giúp giảm bất kỳ tình trạng buồn nôn hoặc nôn mửa nào kéo dài hơn một vài ngày sau khi hóa trị. Scopolamine (Transderm Scop) được sản xuất dưới dạng miếng dán da đặt sau tai. Mặc dù mục đích ban đầu là không sử dụng scopolamine cho những người đang tiếp nhận hóa trị, nhưng nó có thể được sử dụng để điều trị tình trạng buồn nôn và nôn mửa do hóa trị.
Thuốc chống lo âu. Các loại thuốc chẳng hạn như lorazepam(Ativan và các nhãn hiệu khác) được sử dụng để tạo tác dụng an thần cho các bệnh nhân đồng thời giúp ngăn chặn tình trạng buồn nôn và nôn mửa. Các loại thuốc an thần (sedative) có thể được truyền qua tĩnh mạch và được sử dụng dưới dạng viên. Để tránh tình trạng phụ thuộc vào các loại thuốc này, bạn phải hợp tác với bác sĩ để đề ra một lịch trình sử dụng thuốc cẩn thận.
Thuốc chặn axit dạ dày. Có tên gọi là thuốc ức chế bơm proton (proton pump inhibitor) và thuốc chặn H2 (histamine H2-receptor antagonist hoặc H2-blocker), các loại thuốc này ngăn chặn quá trình hình thành axit dạ dày. Tác dụng ngăn chặn này giúp giảm bớt tình trạng khó tiêu (indigestion) và ợ chua (heartburn), mà thỉnh thoảng có thể dẫn đến buồn nôn và nôn mửa. Các loại thuốc này có thể mua không cần toa bác sĩ, và thường được bán dưới dạng thuốc đồng chủng(generic drug) rẻ tiền hơn. Bạn nên tham khảo với bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc mua không cần toa. Các ví dụ về loại thuốc này bao gồm omeprazole (Prilosec và các nhãn hiệu khác), lansoprazole (Prevacid và các nhãn hiệu khác), pantoprazole (Protonix và các nhãn hiệu khác), cimetidine (Tagamet và các nhãn hiệu khác), famotidine (Pepcid và các nhãn hiệu khác) và ranitidine (Zantac và các nhãn hiệu khác).
Bệnh thần kinh
Một số người tiếp nhận hóa trị gặp phải tình trạng mất cảm giác hoặc ngứa ran ở các bàn tay và bàn chân, vấn đề này các bác sĩ gọi là bệnh thần kinh ngoại vi (peripheral neuropathy). Các triệu chứng liên quan đến bệnh thần kinh và các dạng tổn thương dây thần kinh có thể bao gồm:
- Gặp khó khăn trong việc nhặt (lượm) các vật lên hoặc trong việc cài (gài) nút quần áo
- Gặp khó khăn về thăng bằng
- Gặp khó khăn trong lúc đi bộ
- Rụng tóc
Các triệu chứng này có thể phát triển theo thời gian. Một số người không lưu ý các triệu chứng này cho đến khi họ đã tiếp nhận hóa trị vài lần.
Quản lý tổn thương thần kinh
Điều quan trọng là phải nói cho bác sĩ của bạn biết càng sớm càng tốt nếu bạn gặp phải các tác dụng phụ này. Bác sĩ của bạn có thể điều chỉnh một số thuốc bạn đang sử dụng hoặc trị liệu hóa học và có thể muốn xem nếu có một lý do nào khác gây ra vấn đề mà có thể điều trị.
Thông thường, tổn thương thần kinh chỉ mang tính tạm thời; tình trạng này sẽ trở nên tốt hơn, nhưng nó có thể cần đến thời gian. Nếu bạn bị bệnh thần kinh, phải hết sức thận trọng khi xử lý những vật nóng, nhọn hoặc nguy hiểm. Bạn nên sử dụng thanh vịn (nắm) ở cầu thang và trong bồn tắm.
Đau nhức
Nếu bạn bị đau nhức do ung thư hoặc do điều trị ung thư, bạn nên biết rằng quản lý tình trạng đau nhức này là một phần quan trọng trong toàn bộ chương trình chăm sóc và phải báo cáo cho bác sĩ của bạn. Các bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia điều trị đau nhức.
Đau nhức là một triệu chứng mà nó có thể, và phải được kiểm soát.
Tình trạng đau nhức ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn: khả năng ngủ ngon, các hoạt động hằng ngày, thói quen ăn, thậm chí cách nhìn và mức độ tương tác với những người khác. Nhưng đội ngũ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể giúp kiểm soát tình trạng đau nhức do ung thư. Bạn là chuyên gia về mức độ nghiêm trọng của các cơn đau nhức bạn gặp phải và tác động của nó lên đời sống hằng ngày của bạn. Bác sĩ và y tá (điều dưỡng) có vai trò giúp bạn tìm ra nguyên nhân gây ra cơn đau nhức và cách điều trị nó.
Sau đây là một số điều để thảo luận với các thành viên trong nhóm chăm sóc sức khỏe cho bạn cũng như một số câu hỏi họ có thể hỏi bạn:
Thời điểm và vị trí bị đau nhức. Bạn có thể bị đau nhức ở vài nơi trên cơ thể. Bác sĩ của bạn cần phải hiểu được nguyên nhân gây đau ở mỗi nơi. Có vấn đề gì dẫn đến cơn đau nhức không?
Cảm giác đau như thế nào. Ví dụ, đau âm ĩ, đau buốt, đau rát, đau thắt, hoặc đau nhói?
Cường độ đau nhức của bạn. Các thang chia mức độ đo cơn đau có thể giúp bạn đánh giá mức độ đau nhức của mình:
- Thang chia mức độ đơn giản nhất đi từ 0 đến 10, với 0 = không đau và 10 = đau nhất.
- Thang điểm bằng miệng sử dụng nhẹ, vừa và nghiêm trọng để mô tả mức độ đau nhức.
- Một loạt các gương mặt giống phim hoạt hình cho thấy các mức độ khó chịu khác nhau từ 0 đến 10.
- Thỉnh thoảng thang chia mức độ giống nhiệt kế được sử dụng.
Bất cứ vấn đề gì làm cho cơn đau trở xấu. Ví dụ, đứng hoặc ngồi có làm đau nhức thêm không? Tình trạng đau có trở xấu vào ban đêm và bớt đau hơn vào ban ngày không?
Bất cứ vấn đề gì giúp làm dịu cơn đau. Bạn có cảm thấy bớt đau hơn khi bạn chườm đá lạnh hoặc nhiệt vào khu vực bị đau hoặc khi bạn nằm xuống hoặc đi lòng vòng không?
Mức độ thuyên giảm do sử dụng thuốc hoặc các phương pháp khác. Thuốc giảm đau có làm cho bạn bớt đau không? Thuốc giảm đau có hết tác dụng trước khi sử dụng liều kế tiếp không? Bạn có gặp phải tác dụng phụ gây khó chịu nào không? Thời gian giảm đau của bạn kéo dài trong bao lâu?
Bạn có gặp phải bất kỳ cơn đau bất ngờ nào, cho dù tình trạng đau thường được kiểm soát tốt. Bạn gặp phải bao nhiêu cơn đau bất ngờ? Thời điểm chúng xảy ra? Các cơn đau này kéo dài bao lâu? Điều gì làm cho các cơn đau này dịu xuống?
Tình trạng đau nhức ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của bạn thế nào. Tình trạng đau có ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc khả năng ăn uống của bạn không? Bạn có thể sinh hoạt mỗi ngày mà không bị cơn đau làm gián đoạn không?
Nếu bạn ghi lại nhật ký các cơn đau nhức của bạn, thì bạn không còn phụ thuộc vào trí nhớ của mình. Hãy nhớ rằng các thông tin cụ thể sẽ giúp đội ngũ chăm sóc y tế cung cấp phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn. Ghi lại các thông tin này sẽ giúp cho bạn dễ dàng thảo luận với bác sĩ hoặc y tá (điều dưỡng) về bất kỳ mối lo ngại nào của bạn.
Cho dù cơn đau mãn tính luôn được kiểm soát tốt nhờ sử dụng các loại thuốc opioid, nhưng cơn đau bất ngờ vẫn có thể xảy ra. Các đợt bùng phát cơn đau bất ngờ có thể xảy ra rất nhanh, trong vòng 3 – 5 phút, hoặc xảy ra từ từ. Cảm giác khó chịu có thể kéo dài trong vài phút hoặc vài giờ.
Đa số bệnh nhân đánh giá cơn đau bất ngờ từ vừa đến nghiêm trọng (4 hoặc cao hơn trong thang điểm từ 0 đến 10). Dạng đau này có thể xảy ra vài lần mỗi ngày. Những người bị từ 4 đợt phát đau bất ngờ mỗi ngày có thể cần được điều chỉnh liều sử dụng thuốc opioid tác dụng dài hạn.
Có nhiều dạng đau bất ngờ khác nhau:
Đau phụ thuộc (incident pain) do một hoạt động nào đó gây ra. Ví dụ, một người bị một vấn đề ở hông có thể cảm thấy thoải mái khi ngồi xuống, nhưng khi họ đứng lên thì hiện tượng đau xuất hiện.
Đau tự phát (spontaneous pain) xảy ra không có nguyên nhân rõ rệt. Dạng đau này có thể xảy ra rất đột ngột, cho dù một người không làm bất cứ việc gì.
Mất tác dụng hết liều lượng (end-of-dose failure) xảy ra khi một loại thuốc tác dụng dài hạn hết tác dụng trước khi sử dụng liều tiếp theo. Ví dụ, một bệnh nhân uống thuốc có tác dụng trong vòng 12 giờ vào lúc 8 giờ sáng, nhưng mỗi buổi chiều vào lúc 4 giờ, cơn đau có khuynh hướng bắt đầu xuất hiện. Điều này cho thấy rằng loại thuốc này chỉ giúp giảm đau trong vòng 8 giờ thay vì 12 giờ. Để tránh tình trạng này, bác sĩ của bạn có thể đề xuất thay đổi liều lượng hoặc thời gian sử dụng giữa các liều.
Bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc opioid có tác dụng ngắn hạn hoặc “trung hạn” cho cơn đau bất ngờ. Chọn lựa này thường phụ thuộc vào loại thuốc opioid có tác dụng dài hạn được sử dụng để quản lý cơn đau mãn tính. Các loại thuốc tác dụng ngắn hạn này có thể cần đến 45 phút để có tác dụng giảm đau. Vì vấn đề này, cho nên thời gian tốt nhất để sử dụng các loại thuốc giúp giảm đau bất ngờ này là:
- Trước khi bất kỳ hoạt động nào thường dẫn đến cơn đau;
- Bất cứ khi nào một hoạt động dẫn đến cơn đau;
- Khi cơn đau xảy ra giữa các liều sử dụng thuốc opioid có tác dụng dài hạn, các loại thuốc này được sử dụng để giảm cơn đau kéo dài từ 12 giờ trở lên mỗi ngày.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu một loạt các sản phẩm giảm đau bất ngờ, và các sản phẩm này sẽ xuất hiện trên thị trường trong một tương lai gần. Trong số này bao gồm các loại thuốc có thể được sản xuất dưới dạng thuốc xịt mũi hoặc thuốc hít.
Mặc dù thuốc opioid có thể gây ra một số tác dụng phụ, nhưng các tác dụng phụ này có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc và các biện pháp khác. Sau đây là một số điều cần lưu ý khi sử dụng các loại thuốc giảm đau opioid:
Táo bón là một trong những tác dụng phụ gây khó chịu phổ biến nhất của các loại thuốc opioid. Đây thường là lý do mà các bệnh nhân giảm bớt hoặc ngưng sử dụng thuốc giảm đau. Thường được định nghĩa là dưới 3 lần đi tiêu (bowel movement) một tuần, táo bón có thể dẫn đến tình trạng đau ở vùng bụng hoặc đau lưng, khó chịu ở hậu môn, buồn nôn, nôn mửa và giảm khẩu vị. Táo bón nghiêm trọng thậm chí có thể gây rối loạn tinh thần và khó đi tiểu.
Để tránh bị táo bón trong lúc đang sử dụng các loại thuốc opioid, điều quan trọng là phải uống nhiều nước, và tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất xơ chẳng hạn như các loại đậu (bean), các loại rau xanh, trái cây (hoa quả) tươi và cám(bran). Nếu bạn đang gặp phải tình trạng táo bón, bác sĩ của bạn cũng có thể đề xuất sử dụng các loại thuốc nhuận tràng (laxative). (Các loại thuốc làm mềm phân cũng có thể giúp ích cho bạn, nhưng các loại thuốc này vẫn không đủ để giúp bạn đi tiêu mỗi ngày).
Các tiệm thuốc tây có bán nhiều loại thuốc nhuận tràng không cần toa bác sĩ, chẳng hạn như các sản phẩm từ cây keo lá nhọn (senna) và Sữa Magie Cacbonat (Milk of Magnesia). Khi sử dụng thuốc nhuận tràng như Metamucil, bạn phải nhớ uống nhiều nước. Nếu không uống đủ nước, các loại thuốc nhuận tràng này có thể làm cho bạn càng bị táo bón. Một loại thuốc nhuận tràng dạng bột không cần toa bác sĩ có tên là MiraLAX có thể giúp ích mà không cần phải uống nhiều nước.
Một loại thuốc khác theo toa bác sĩ cũng rất hiệu quả là lactulose, tên đồng chủng (generic name) cho một sản phẩm với nhiều nhãn hiệu khác nhau. Loại thuốc nước này thường được uống mỗi ngày 3 lần.
Thuốc Methylnaltrexone (Relistor) đã được cơ quan FDA Hoa Kỳ chấp thuận cho sử dụng ở một số bệnh nhân bị bệnh nặng và táo bón nghiêm trọng và các bệnh nhân này đang sử dụng thuốc opioid cho điều trị giảm đau. Được sử dụng dưới dạng tiêm, Methylnaltrexone có tác dụng giảm tác dụng gây táo bón của các loại thuốc opioid và không ảnh hưởng đến tác dụng giảm đau.
Nếu bạn bị tình trạng táo bón, hãy nói chuyện với các chuyên gia y tế. Đừng tự ý sử dụng các loại thuốc không cần toa bác sĩ nếu chưa tham khảo với một thành viên trong nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn.
Buồn ngủ nhiều vào ban ngày và/hoặc cảm giác lờ đờ cũng có thể xảy ra khi bắt đầu điều trị bằng một loại opioid mới hoặc gia tăng liều lượng. Thông thường, hiện tượng buồn ngủ sẽ biến mất trong vòng vài ngày. Nếu hiện tượng này kéo dài, nó có thể liên quan đến một nguyên nhân khác. Các loại thuốc, chẳng hạn như các loại thuốc chống lo âu và thuốc kháng histamine (antihistamine), có thể gây buồn ngủ. Hoặc, nó có thể do một vấn đề nghiêm trọng hơn ở thận hoặc gan hoặc bị nhiễm trùng. Thỉnh thoảng, hiện tượng buồn ngủ hoặc mệt mỏi là một dấu hiệu cho thấy bệnh ung thư đang tiến triển. Nếu bạn thường xuyên bị buồn ngủ vào ban ngày, thì hãy cho bác sĩ biết để tìm ra cách giảm bớt cơn buồn ngủ.
Buồn nôn có thể xảy ra khi sử dụng một loại thuốc opioid lần đầu tiên. Thông thường, tình trạng buồn nồn sẽ biến mất trong vài ngày. Nếu bạn bị buồn nôn, có nhiều loại thuốc mà bác sĩ của bạn có thể kê toa. Điều quan trọng là phải hợp tác với họ để có thể tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng buồn nôn của bạn.
Ngứa ở mặt, da đầu, đầu và cổ là một tác dụng phụ ít phổ biến của các loại thuốc opioid. Cảm giác ngứa không phải là ban đỏ hoặc dị ứng, và thường sẽ biến mất rất nhanh. Nhưng nếu bạn bị ngứa và nó kéo dài lâu hơn vài ngày, thì có thể bạn cần phải chuyển sang sử dụng một loại thuốc opioid khác.
Đừng bao giờ tự ý mua thuốc không cần toa bác sĩ để điều trị các tác dụng phụ này. Nếu một triệu chứng mới xuất hiện hoặc một triệu chứng đang tồn tại trở xấu, thì bạn hãy báo cáo cho bác sĩ biết ngay.
Phát Ban
Một dạng điều trị mục tiêu có tác dụng chặn các thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (epidermal growth factor receptor – EGFR) thường làm cho bệnh nhân phát ban và xuất hiện các rối loạn ở da gây khó chịu.
Các rối loạn ở da như phát ban, ngứa và khô da là những tác dụng phụ phổ biến trong quá trình điều trị ung thư. Các tác dụng phụ này có thể gây đau nhức hoặc ảnh hưởng đến diện mạo của bạn. Nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn là một nguồn thông tin quan trọng về cách thức chăm sóc da cho bạn trong lúc điều trị. Ngoài ra, còn có những việc đơn giản và thiết thực mà bạn có thể làm để kiểm soát các rối loạn.
Sau đây là một số hướng dẫn giúp kiểm soát các rối loạn ở da do điều trị ung thư gây ra:
Hãy nhẹ nhàng với da của bạn. Hãy sử dụng các sản phẩm rửa da dành cho da mẫn cảm. Các sản phẩm này thường không có mùi thơm và không có chứa chất cồn. Ngoài ra còn có các sản phẩm chăm sóc da đặc biệt được sản xuất cho những người tiếp nhận điều trị ung thư. Hãy cẩn thận đừng gãi, hoặc chà sát da của bạn – ví dụ, vỗ nhẹ vào da của bạn sau khi tắm. Hãy mặc những loại vải mềm và không gây ngứa. Tránh chườm (đắp) các túi nóng hoặc lạnh lên các khu vực da được điều trị trừ khi bác sĩ của bạn cho phép. Hãy uống nhiều nước để giữ độ ẩm cho da.
Giữ độ ẩm cho da. Để làm cho da bớt khô, tắm bằng nước ấm thay vì nước nóng. Hạn chế chỉ tắm mỗi ngày một lần. Sau khi tắm, bôi (thoa) dưỡng thể tạo ẩm lên da của bạn khi da còn ướt. Hãy tìm kiếm loại “noncomedogenic” làm ẩm da mà không bít kín các lỗ chân lông của bạn. Hãy sử dụng chất tạo độ ẩm cho da ít nhất mỗi ngày 2 lần.
Chống nắng cho da. Một số loại thuốc được dùng trong điều trị ung thư có thể làm cho da của bạn mẫn cảm với ánh nắng mặt trời hơn. Hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên sử dụng kem chống nắng mỗi ngày không. Hãy bảo vệ da khi bạn đi ra ngoài, hãy đội nón có vành rộng, áo tay dài và quần dài.
Chăm sóc tình trạng phát ban ở da. Bạn có thể bị phát ban giống mụn trứng cá trên mặt, da đầu, ngực hoặc những nơi khác trên cơ thể. Bác sĩ có thể kê toa một loại kem để bôi lên chỗ phát ban. Phải nhớ sử dụng kem đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với tình trạng phát ban nghiêm trọng hoặc kéo dài, bác sĩ có thể kê toa một loại kháng sinh hoặc thuốc trị mụn trứng cá. Hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng một loại thuốc giảm đau(pain reliever) nếu chỗ phát ban gây đau nhức, hoặc thuốc kháng histamin nếu nó gây ngứa.
Chăm sóc móng tay và móng chân của bạn. Thỉnh thoảng, móng tay/chân xuất hiện các vấn đề trong lúc điều trị ung thư và có thể tiếp tục kéo dài sau khi bạn hoàn tất điều trị. Vùng da ở xung quanh các móng tay hoặc móng chân có thể bị khô, giòn hoặc nứt, và một số móng có thể mọc vào trong (ingrown). Cố gắng đừng cắn móng, và tránh sử dụng móng giả hoặc các miếng dán móng. Hãy tham khảo với bác sĩ trước khi làm móng tay (manicure). Bạn nhớ đeo găng tay khi rửa chén hoặc làm việc nhà và làm vườn. Hãy bôi (thoa) kem dưỡng da thường xuyên ở bàn tay và bàn chân. Vào ban đêm, cố găng bôi một lớp vazơlin (petroleum jelly) lên bàn tay và bàn chân, sau đó đeo găng tay và vớ bằng sợi bông vải (cotton) vào. Hãy tránh mang giày chật.
Cố gắng tránh bị các vết thương do đè nén (pressure sore hoặc bedsore). Nếu bạn nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế quá lâu, thì bạn có thể có nguy cơ bị thương tổn ở da do đè nén. Hãy tránh nằm hoặc ngồi ở một tư thế quá lâu. Hãy chuyển trọng lượng hoặc thay đổi tư thế thường xuyên. Hãy cố gắng vận động càng nhiều càng tốt – đi bộ, hoặc nếu bạn không thể đi bộ, di chuyển các cánh tay và chân lên, xuống, ra sau, và ra trước.
Hãy báo cho bác sĩ hoặc y tá (điều dưỡng) biết ngay tức khắc nếu bạn cảm thấy đau hoặc rát trong lúc hóa trị. Thỉnh thoảng, các loại thuốc được tiêm vào tĩnh mạch có thể rò rĩ ra ngoài và gây tổn thương da. Nếu bạn cảm thấy đau hoặc rát trong thời gian điều trị qua tĩnh mạch (intravenous treatment), thì phải nói cho bác sĩ hoặc y tá (điều dưỡng) ngay tức khắc. Có khả năng họ sẽ cho ngừng việc điều trị, rồi rửa sạch khu vực bị ảnh hưởng. Bạn phải nhớ làm theo các chỉ dẫn của bác sĩ hoặc y tá (điều dưỡng) về cách chăm sóc vết thương khi bạn ở nhà.
Nói chuyện với bác sĩ về các lo ngại ở da của bạn. Nếu bạn lưu ý thấy bất kỳ sự thay đổi nào ở da, thì phải nhớ báo cho bác sĩ của bạn biết. Với một số phương pháp điều trị ung thư mới, một chỗ phát ban hoặc tác dụng phụ ở da khác có thể là một dấu hiệu cho thấy phương pháp điều trị tỏ ra hiệu quả. Trong bất kỳ trường hợp nào, bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị tình trạng bệnh lý ở da và giảm đau hoặc khó chịu.
Xuống cân hoặc tăng cân
Điều trị ung thư thường có thể dẫn đến hiện tượng xuống cân, nhưng những người bị ung thư cũng có thể tăng cân do hóa trị, do các loại thuốc steroid, và do trị liệu hooc môn.
Nguồn bổ sung: