CHỨNG KHÓ THỞ
Chứng khó thở (breathlessness hoặc shortness of breath), mô tả sự khó khăn và mệt mỏi trong lúc thở. Thuật ngữ y khoa của chứng khó thở là dyspnea. Mỗi người diễn tả cảm giác khó thở theo nhiều cách khác nhau. Khó thở có thể gây khó chịu và thỉnh thoảng gây lo sợ, nhưng bị khó thở không gây tổn thương đến phổi của bạn. Hãy nói cho bác sĩ biết về tình trạng khó thở của bạn để họ có thể chẩn đoán tìm ra nguyên nhân và giúp bạn đề ra phương pháp điều trị thích hợp.
NGUYÊN NHÂN
Tình trạng khó thở có thể do nhiều vấn đề gây ra, bao gồm:
- Bệnh phổi
- Bệnh tim
- Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp)
- Tình trạng sức khỏe kém (quá cân)
- Các rối loạn của hệ thần kinh
Tình trạng khó thở có thể xuất hiện đột ngột, không có lý do rõ ràng, hoặc nó có thể xảy ra khi thực hiện các hoạt động như dọn giường hoặc nâng (nhấc) các vật nặng. Một số người với các rối loạn hô hấp có thể cảm thấy khó thở khi tiến hành những hoạt động bình thường như rời khỏi ghế hoặc đi qua một phòng khác.
Các bệnh nhiễm trùng gần đây, chẳng hạn như viêm phế quản (bronchitis) hoặc viêm phổi(pneumonia), nhiễm trùng mãn tính, chẳng hạn như bệnh lao (tuberculosis) hoặc viêm phế quản mãn tính. Tình trạng khó thở có thể đi kèm với đờm (đàm) bị đổi màu và/hoặc bị sốt.
Bệnh suyễn, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, và khí thũng (emphysema): Các đường dẫn khí (airway) bị thu hẹp làm tăng lực cản tiến trình thở ra từ phổi, dẫn đến tình trạng không khí bị kẹt lại trong phổi. Tình trạng khó thở có thể đi kèm với thở khò khè. Đối với bệnh suyễn, bệnh nhân thường có tiền sử bị dị ứng, trong khi đó đối với bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính hoặc khí thũng, bệnh nhân thường có tiền sử hút thuốc lá.
Ung thư phổi và các khối u khác: Khó thở thường đi kèm với hiện tượng giảm khẩu vị và xuống cân ngoài ý muốn. Bệnh nhân thường có tiền sử nghiện thuốc lá.
Hình thành sẹo và tổn thương mô phổi do các độc tố (chẳng hạn như viêm phổi do hít chất mi-ăng – asbestosis) hoặc do các bệnh hệ thống (chẳng hạn như viêm thấp khớp). Thường có tiền sử bị các chứng bệnh hệ thống này hoặc những sự tiếp xúc với các độc chất ở nơi làm việc.
Huyết khối trong hệ tuần hoàn phổi (pulmonary embolus: tắc nghẽn động mạch phổi): Khó thở thường xảy ra đột ngột và gắn liền với hiện tượng thở nhanh đồng thời có thể đi kèm với đau ngực. Những người bị huyết khối ở chân hoặc khung chậu (chứng huyết khối tĩnh mạch sâu), các tình trạng bệnh lý gây suy nhược, mất khả năng vận động, hoặc khuynh hướng di truyền hình thành huyết khối có thể dẫn đến tình trạng khó thở này.
Các bệnh về túi phổi: Nếu màng phổi dày lên, hình thành sẹo, tích tụ dịch hoặc máu bởi vì bị nhiễm trùng (pleurisy: viêm màng phổi), ung thư, hoặc độc tố, hoặc nếu chứa đầy khí (chứng tràn khí ngực – pneumothorax) bởi vì bị chấn thương, thì nó sẽ cản trở phổi thổi phồng lên, dẫn đến khó thở.
Các chứng bệnh ở cơ hoành và/hoặc thành ngực: Cơ hoành là cơ quan giúp phổi nở phồng. Nó có thể bị liệt sau khi giải phẫu ngực. Béo phì và các trường hợp biến dạng cột sống hoặc thành ngực cũng có thể gây khó thở.
Suy tim: Tình trạng khó thở trong trường hợp suy tim là do tim bị suy giảm khả năng bơm máu, làm tăng huyết áp ở các mạch xung quanh phổi. Các triệu chứng thường thấy trong trường hợp suy tim là khó thở khi nằm xuống (đây là một triệu chứng chuyên biệt của chứng suy tim), nhu cầu nâng cao đầu bằng nhiều gối, thức giấc vào ban đêm do khó thở, ho vào ban đêm hoặc khi nằm xuống, khó thở khi hoạt động, sưng mắt cá chân hoặc sưng cẳng chân, mệt mỏi một cách khác thường khi hoạt động, và tăng cân do chất lỏng (fluid weight gain).
Nguyên nhân gây suy tim thường làm tổn thương cơ tim. Ở đa số bệnh nhân, tình trạng này thường do một cơn nhồi máu cơ tim gây ra (bệnh động mạch vành). Ở một số bệnh nhân, tình trạng này do hở van tim hoặc hẹp van tim gây ra (trong trường hợp này, bác sĩ sẽ báo cáo nghe tiếng thổi tim), các độc chất làm suy yếu cơ tim (chẳng hạn như rượu bia hoặc côcain (cocaine), nhiễm virut, các yếu tố di truyền, hoặc các yếu tố chưa xác định được.
Thiếu máu, số lượng hồng cầu thấp: Bởi vì các hồng cầu mang theo oxy, khi số lượng hồng cầu xuống quá thấp, thì hàm lượng oxy không đáp ứng được nhu cầu của cơ thể, sẽ dẫn đến tình trạng khó thở.
Các tình trạng bệnh gia tăng chuyển hóa chẳng hạn như tăng năng tuyến giáp, sốc (huyết áp xuống quá thấp), nhiễm trùng nghiêm trọng (sepsis), hoặc bị sốt. Cơ thể sẽ cố gắng đáp ứng các nhu cầu sử dụng oxy bằng cách thở mạnh và nhanh.
Rối loạn về thận hoặc gan mãn tính: Bởi vì số lượng chất lỏng gia tăng trong phổi và cơ thể cũng như quá trình trao đổi oxy ở phổi bị suy giảm, cho nên các bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng khó thở trong các giai đoạn nghiêm trọng của cả hai chứng bệnh này.
Tăng áp suất não do chấn thương, các khối u, đột quỵ (tai biến mạch máu não), hoặc xuất huyết gây ra. Nếu khu vực não có chức năng kiểm soát hô hấp bị ảnh hưởng, thì các tình trạng bệnh hiếm này có thể gây khó thở. Các triệu chứng thần kinh khác thường xảy ra trước khi bị khó thở.
Các rối loạn về cơ và dây thần kinh ảnh hưởng đến khả năng phối hợp và mở rộng ngực cũng như ảnh hưởng đến khả năng chuyển động của cơ hoành có thể gây ra tình trạng khó thở.
Rối loạn lo âu: Chứng lo âu thỉnh thoảng đi kèm với hiện tượng thở mạnh và nhanh (hyperventilation). Tình trạng khó thở thường biến mất sau khi cơn lo âu chấm dứt.
ĐIỀU TRỊ
Tình trạng khó thở thường có thể được kiểm soát bằng thuốc, các phương pháp hít thở, thể dục, và thỉnh thoảng bổ sung oxy. Bước đầu tiên trong việc kiểm soát khó thở là tìm ra nguyên nhân gây nên vấn đề này. Sau khi bác sĩ kiểm tra đánh giá tình trạng khó thở của bạn, xác định nguyên nhân tiềm ẩn và đề xuất chiến lược điều trị phù hợp nhất, thì bạn có thể trở thành đối tác với khả năng tự chăm sóc bằng các bước đơn giản sau đây:
Bước 1:
Sử dụng thuốc như được chỉ định. Nhiều chứng bệnh về phổi không thể kiểm soát nếu không sử dụng thuốc. Điều đó có nghĩa là bạn phải sử dụng thuốc trợ thở đúng như bác sĩ kê toa. Một số loại thuốc phải được sử dụng mỗi ngày cho dù bạn cảm thấy cần thiết hay không cần thiết. Bạn sẽ phải học cách sử dụng các loại thuốc hít (inhaler) để hấp thu được phần lớn liều lượng của mỗi lần xịt. Oxy bổ sung cũng là một loại thuốc và có thể giúp ích cho tình trạng khó thở nếu mức oxy của bạn xuống thấp (nhưng loại thuốc này sẽ không giúp ích cho bạn nếu mức oxy của bạn ở mức bình thường).
Bước 2:
Học các phương pháp hít thở. Có những phương pháp hít thở đặc biệt mà bạn có thể sử dụng tùy thuộc vào nguyên nhân ra tình trạng khó thở của bạn. Ví dụ, nếu bạn mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (chronic obstructive pulmonary disease – COPD), bạn có thể được hướng dẫn phương pháp thở mím môi(pursed-lip breathing: hít vào bằng mũi đếm đến 2, cảm thấy bụng nở to ra khi hít vào, mím môi giống như bạn sắp sửa huýt sáo hoặc thổi đèn cầy, thở ra chậm bằng miệng đếm đến 4 hoặc hơn, thở ra một cách bình thường, đừng thở mạnh ra, đừng nín thở khi thực hiện phương pháp thở mím môi, lặp lại các bước này cho đến khi hơi thở của bạn chậm lại) khi bạn bị khó thở. Bài tập này sẽ giúp bạn hít thở sâu hơn và dễ chịu hơn. Nếu bạn mắc phải một dạng rối loạn hô hấp khác, phương pháp này cũng có thể giúp ích cho bạn.
Bước 3:
Tăng cường khả năng chịu đựng (thể lực). Bạn có thể đã bỏ cuộc hoặc tránh làm nhiều hoạt động vì bị khó thở. Tuy nhiên, nếu bạn không tập thể dục, các cơ sẽ trở nên yếu nhược và kém hiệu quả trong việc sử dụng oxy được truyền đến các cơ này và các khu vực khác trên cơ thể. Tình trạng sức khỏe yếu kém này có thể làm cho cơn khó thở trầm trọng hơn, do đó, điều quan trọng là phải tập thể dục ở mức độ thích hợp.
Bước 4:
Điều chỉnh bản thân. Bởi vì bạn bị khó thở, cho nên bạn có thể có khuynh hướng vội vã hoàn tất các hoạt động và những việc lặt vặt. Vội vã hoàn tất các hoạt động có thể làm cho tình trạng khó thở trở nên trầm trọng hơn. Điều chỉnh bản thân bằng cách tiến hành các hoạt động theo từng giai đoạn. Nếu bạn cảm thấy “sung sức nhất” vào buổi sáng, thì hãy làm những việc nặng nhất chẳng hạn như tắm hoặc ra khỏi nhà (mua sắm, thăm viếng,...) vào buổi sáng. Nếu bạn bị khó thở khi ăn, hãy chuẩn bị những món ăn dễ nhai. Nín thở trong lúc nhai thực phẩm sẽ làm cho tình trạng khó thở trở xấu.
Bước 5:
Cố gắng đừng nín thở. Nín thở có thể trở thành một thói quen mà bạn thường làm nhưng không để ý đến, đặc biệt khi thực hiện những hoạt động như nâng (nhấc) vật gì đó hoặc thậm chí khi đi bộ. Thay vì nín thở, bạn nên cố gắng thở ra khi bạn làm phần nặng nhất của bất kỳ hoạt động gì, chẳng hạn như nâng (nhấc). Ngoài ra, hãy cố gắng thở ra 2 đến 3 lần dài hơi hơn là khi hít vào, nhưng đừng bao giờ thở mạnh ra. Hãy để cho không khí từ từ ra khỏi buồng phổi bạn. Khi bạn đi bộ, cố gắng hít vào khi bước 1 bước và thở ra khi bước 2 đến 3 bước. Bạn có thể đi bộ chậm hơn, nhưng bạn có thể đi xa hơn bởi vì bạn ít bị khó thở hơn.
Bước 6:
Ngồi trước quạt máy. Bạn có thể cảm thấy khi ngồi hoặc đứng trước quạt máy sẽ làm dịu cơn khó thở. Hãy điều chỉnh vị trí của quạt máy để nó thổi ngang mặt của bạn. Sử dụng quạt sau khi bạn làm những việc dùng sức hoặc vào những thời điểm khác khi tình trạng khó thở của bạn không trở nên khá hơn trong thời gian nhanh nhất như bạn mong muốn.
Bước 7:
Hỏi bác sĩ về các loại thuốc khác. Hãy hỏi bác sĩ xem có loại thuốc nào khác, ngoài các loại thuốc trợ thở, mà có thể giúp làm dịu tình trạng khó thở của bạn không. Thỉnh thoảng một loại thuốc được dùng để điều trị chứng lo âu hoặc giảm đau có thể giúp làm dịu cơn khó thở. Những người bị bệnh phổi hoặc bệnh tim nghiêm trọng và tiếp tục bị khó thở nặng, cho dù đang được điều trị bằng các loại thuốc tiêu chuẩn, có thể được cho sử dụng mocfin (morphine) liều thấp. Loại thuốc này có thể rất có lợi cho một số người (nhưng không phải tất cả mọi người) khó kiểm soát tình trạng khó thở bằng các bước 1 đến 5.
PHƯƠNG PHÁP TẬP THỂ DỤC
Thể dục xem ra là biện pháp cuối cùng bạn nghĩ đến có thể giúp cho tình trạng khó thở của bạn. Thật vậy, bạn có thể cho tình trạng khó thở trở xấu nếu bạn không vận động. Bạn có thể học cách tập thể dục an toàn trong một chương trình hồi phục hô hấp có tổ chức hoặc một chương trình đi bộ tự định hướng. Nếu bạn tham gia vào một chương trình đi bộ tự định hướng, thì bạn nên làm theo những bước sau đây sau khi bác sĩ của bạn bật đèn xanh cho bạn:
- Đi bộ tổng cộng khoảng 10 phút (bạn muốn ngừng lại nghỉ ngơi bao nhiêu lần tùy ý) 5 ngày mỗi tuần.
- Trong vòng 2 tuần, bạn sẽ lưu ý thấy rằng bạn càng ngừng lại nghỉ ngơi ít hơn trong trong 10 phút đó.
- Sau đó, gia tăng thời gian đi bộ lên 15 phút, với mục tiêu tập thể dục 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần. Có thể phải cần đến vài tháng mới đạt được mục tiêu này.
Bác sĩ có thể giới thiệu bạn tham gia một chương trình phục hồi hô hấp trong khu vực bạn đang sinh sống. Các chương trình này bao gồm các buổi học phối hợp với các bài tập thể dục được theo dõi và giám sát, đặc biệt được thiết kế cho những người bị bệnh phổi. Các chương trình này được các nhân viên chăm sóc sức khỏe được đào tào chuyên nghiệp quản lý, những nhân viên này hiểu rõ tình trạng khó thở của bạn và hiểu rõ rằng rất khó để bạn có thể thực hiện các hoạt động hằng ngày. Đội ngũ này sẽ giúp bạn tạo sức cơ và thể lực trong khoảng vài tuần. Họ không chỉ sẽ cộng tác với bạn để tăng cường sức mạnh ở các cánh tay và chân, mà họ còn sẽ giúp bạn đạt được các chỉ tiêu đi bộ, leo cầu thang và thực hiện các hoạt động mỗi ngày. Họ còn thảo luận cách sử dụng các loại thuốc hít hiệu quả nhất, hướng dẫn cho bạn các phương pháp bảo toàn năng lượng và cách điều chỉnh tốc độ của bản thân, làm việc với bạn để hướng dẫn bạn cách đối phó với áp lực bị bệnh phổi, bao gồm những gì phải làm nếu tình trạng khó thở trở xấu.
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
Thỉnh thoảng, những người có các vấn đề về thở có thể bị một cơn khó thở xuất hiện một cách đột ngột (được gọi là “breathing event”). Bác sĩ sẽ làm việc với bạn để thảo ra một loạt các bước mà bạn có thể thực hiện, được biết đến là Kế Hoạch Hành Động (Action Plan), nhằm hướng dẫn bạn vượt qua một cơn khó thở. Kế Hoạch Hành Động sẽ chỉ dẫn cho bạn khi nào sử dụng phương pháp thở mím môi hoặc sử dụng thuốc hít (albuterol), và những gì cần hỏi bản thân về tình trạng của mình, ví dụ như, bạn có đang bị khạt ra đờm (đàm) hoặc đờm bị đổi màu nhiều hơn so với bình thường không, và bạn có ngưng ho ra đờm một cách đột ngột không, hoặc bạn có đang bị sốt không. Kế Hoạch Hành Động cũng sẽ hướng dẫn bạn khi nào cần điện thoại cho bác sĩ và khi nào cần đi cấp cứu ở bệnh viện.
NHỮNG ĐIỀU CẦN NÓI VỚI BÁC SĨ VỀ TÌNH TRẠNG KHÓ THỞ CỦA BẠN
Cung cấp các chi tiết về tình trạng khó thở của bạn cho bác sĩ là điều hết sức quan trọng để bác sĩ hiểu được vấn đề gì đang xảy ra với bạn và nó ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của bạn. Hãy nói cho bác sĩ của bạn biết: khi nào cơn khó thở bắt đầu (ví dụ, xuất hiện đột ngột cách đây 2 ngày); điều gì làm cho cơn khó thở khá hơn (ví dụ, sử dụng thuốc hít albuterol) hoặc trở nên trầm trọng (ví dụ như tắm hoặc đi ngang qua phòng ngủ); và đối với những ai thường bị khạt ra đờm/dịch nhầy, thì số lượng đờm/dịch nhày đã thay đổi thế nào (bạn khạt ra nhiều hơn hay ít hơn bình thường; màu sắc hoặc độ đậm đặc có thay đổi không) từ khi tình trạng khó thở gia tăng.
ĐIỀU CẦN LÀM NẾU TÌNH TRẠNG KHÓ THỞ THAY ĐỔI
Hãy liên lạc với bác sĩ nếu bạn:
- đột nhiên bị khó thở nghiêm trọng và không thuyên giảm
- bị đau ngực hoặc ép ngực với tình trạng khó thở
- không cảm thấy thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc hít
- bị sốt hoặc đờm (đàm) thay đổi số lượng, màu sắc, hoặc độ đậm đặc
- cảm thấy tình trạng khó thở không thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi khoảng 30 phút
Nguồn(Sources):