Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

BỆNH SÁN LÁ PHỔI.

(PARAGONIMIASIS).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

CHỨNG BỆNH CHÂN MADURA

(MADURA FOOT).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

MỘT BỘ PHẬN NGỰC GIẢ BIẾN MẤT TRONG KHI TẬP MÔN THỂ DỤC PILATES.

(DISAPPEARANCE OF A BREAST PROSTHESIS DURING PILATES).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK).

MỘT VIÊN ĐẠN NẰM TRONG ĐẦU.

(A HEAD SHOT).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

TÌNH TRẠNG MÙ SAU KHI TIÊM MỠ

(BLINDNESS AFTER FAT INJECTION)

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

BỆNH GÚT CÓ SỎI.

(TOPHACEOUS GOUT).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

BỆNH PHÌNH TRƯỚNG XƯƠNG KHỚP

(HYPERTROPHIC PULMONARY OSTEOARTHROPATHY) .

Nguồn (Source): www.nejm.org

Friday, September 11, 2015

TIN TỨC Y HỌC - Do LQT Biên Dịch





KIM LOẠI VÀ SỨC KHỎE TÂM THẦN

Tình trạng thiếu hụt kẽm có thể đóng một vai trò trong việc gây ra chứng trầm cảm, và một phương thức mới gia tăng lithium có thể đưa ra những hứa hẹn cho chứng rối loạn lưỡng cực.


Tác Động Của Các Nguyên Tố lên Sức Khỏe Tâm Thần

Kẽm, đồng, sắt – các kim loại này và nhiều nguyên tố khác đóng một vai trò quan trọng về mặt sức khỏe và bệnh tật.  Bên cạnh các tác dụng độc hại nổi tiếng của chì, thật khó có thể xác định được những tác động rõ rệt của các kim loại này bởi vì chúng tương tác với nhau và với nhiều loại phân tử được tìm thấy trong cơ thể chúng ta.  Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã dẫn đến một số hiểu biết quan trọng mà có thể đưa ra các phương pháp điều trị mới cho các căn bệnh tâm thần.

Gắn Liền Kẽm với Chứng Trầm Cảm

Trầm cảm là một căn bệnh phức tạp khi điều trị bởi vì nhiều bệnh nhân không đáp ứng lại các loại thuốc chống trầm cảm.  Một loạt các chứng cứ cho thấy rằng tình trạng thiếu hụt kẽm có thể là một yếu tố gây nên chứng trầm cảm trong một số trường hợp – và các thực phẩm bổ sung chứa kẽm có thể là một liệu pháp hiệu quả cho những người có hàm lượng kẽm thấp.

Một phân tích tổng hợp được đăng trên tạp chí Biological Psychiatry vào tháng 12 năm 2013 đã phân tích 17 nghiên cứu và đã tìm thấy rằng những người bị trầm cảm có xu hướng có hàm lượng kẽm thấp hơn so với đa số người bình thường là 14%, và sự thiếu hụt này càng cao hơn trong số những người bị trầm cảm nghiêm trọng.  Trong não, kẽm tập trung ở các tế bào thần kinh sử dụng glutamate như một chất dẫn truyền thần kinh (glutamatergic neuron), giúp gia tăng hoạt động não và đóng một vai trò trong quá trình sửa đổi liên tục các lộ trình thần kinh và khớp thần kinh (neuroplasticity), theo lời giải thích của một đồng tác giả bài phân tích, Krista L. Lanctot, một giáo sư giảng dạy tâm thần học và dược lý học tại trường Đại Học Toronto (University of Toronto), Canada.  “Các tế bào thần kinh này đi vào mạng lưới thần kinh nhận thức và tâm trạng”, bà nói.

Các kết quả mới đây càng cho thấy mối liên hệ nhân quả.  Tháng Chín năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại trường Đại Học Newcastle (University of Newcastle) ở Úc đã báo cáo các phát hiện của những nghiên cứu dọc (longitudinal study: một phương pháp nghiên cứu quan sát, trong đó các dữ liệu của cùng các đối tượng được thu thập lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian.  Các dự án nghiên cứu dọc có thể kéo dài nhiều năm hoặc nhiều thập niên) mà trong đó cho thấy một mối liên hệ nghịch đảo giữa nguy cơ trầm cảm và việc tiêu thụ chất kẽm trong chế độ ăn. Sau khi điều chỉnh các yếu tố gây sai sót tiềm tàng, họ đã tìm thấy rằng cơ hội phát triển chứng trầm cảm trong số những nam giới và phụ nữ tiêu thụ số lượng kẽm cao nhất có tỷ lệ thấp hơn so với những người tiêu thụ kẽm thấp nhất khoảng 30 – 50%.  Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng các thực phẩm bổ sung kẽm có thể làm tăng tác dụng của các loại thuốc chứng trầm cảm, nhưng nghiên cứu được đăng trên tạp chí Khoa Học Thần Kinh Dinh Dưỡng (Nutritional Neuroscience) số ra tháng Năm là nghiên cứu đầu tiên điều tra những tác dụng của kẽm lên các triệu chứng trầm cảm.  Trong thử nghiệm kiểm soát giả dược, ngẫu nhiên, che mắt kép, các nhà nghiên cứu đã phân chia những người tham gia thành hai nhóm: mỗi ngày trong vòng 12 tuần, nhóm thứ nhất tiếp nhận 30 mg kẽm; nhóm thứ hai tiếp nhận giả dược.  Vào cuối thời điểm nghiên cứu, nhóm tiếp nhận kẽm đã cho thấy sự sụt giảm đáng kể về điểm số trong bản kiểm kê nghiêm ngặt các triệu chứng trầm cảm.

“Phương pháp điều trị trầm cảm trong tương lai sẽ là sunfat kẽm (zinc sulfate)”, theo lời của Atish Prakash, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ(postdoctoral fellow) ở khoa dược tại trường Đại Học Công Nghệ MARA (MARA University of Technology) ở Malaysia, đồng thời là đồng tác giả một cuộc điều tra các nghiên cứu về vai trò của kẽm trong các rối loạn ở não, được đăng trên tạp chí Dược Lý Học Lâm Sàng và Cơ Sở (Fundamental and Clinical Pharmacology).  Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo mọi người không nên tự động sử dụng các thực phẩm bổ sung kẽm – khi hàm lượng tăng quá cao, kẽm có thể gây ra các biến chứng khác.  Hợp tác với bác sĩ là điều rất cần thiết, và trong đa số các trường hợp, có một chế độ ăn uống lành mạnh có lẽ là một cách tốt hơn để đảm bảo có được hàm lượng kẽm lý tưởng thay vì sử dụng thực phẩm bổ sung.  Tuy nhiên, đối với những người bị trầm cảm đồng thời có nhiều nguy cơ bị thiếu hụt kẽm, bao gồm những người không ăn thịt (vegetarian), những người nghiện rượu bia, bị bệnh tiểu đường hoặc có các rối loạn về đường tiêu hóa, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, thì kẽm có thể là loại được bác sĩ chỉ định.

Cải Thiện Việc Điều Trị Bằng Lithium

Lithium đã và đang là một liệu pháp chữa trị cho các bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực trong nhiều thập niên qua.  Mặc dù nó được xem là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho căn bệnh này, nhưng cơ chế hoạt động, lý do nó không mang lại hiệu quả cho ít nhất một nửa số bệnh nhân tiếp nhận nó, vẫn còn là một bí ẩn rất lớn.  Các phát hiện từ các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng cơ chế hoạt động của các hooc môn có thể là một yếu tố.

Trong một nghiên cứu được đăng trên Tạp Chí Khoa Học Thần Kinh Phân Tử (Journal of Molecular Neuroscience) số ra tháng Bảy, các nhà khoa học đã mở rộng phạm vi nghiên cứu trước đây, điều tra về vai trò của yếu tố tăng trưởng giống insulin (insulin-like growth factor – IGF1) trong trường hợp mẫn cảm với insulin.  Một bài viết năm 2013 của một số tác giả của nghiên cứu mới này đã phát hiện ra rằng hàm lượng hooc môn trong các tế bào máu của các bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực đáp ứng với trị liệu lithium có mức cao hơn so với những người không đáp ứng với trị liệu này.  Trong nghiên cứu hiện tại, các nhà khoa học đã kiểm tra các tác động của việc đưa yếu tố IGF1 vào các tế bào máu của cùng các bệnh nhân đó.

Việc bổ sung hooc môn này chỉ làm tăng tính mẫn cảm lithium ở các tế bào của những người không đáp ứng trị liệu, điều này “cho thấy rằng IGF1 thực sự là một yếu tố giúp xác định khả năng đáp ứng lâm sàng (clinical response) hoặc đề kháng lithium”, theo lời đồng tác giả nghiên cứu Elena Milanesi, một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Trường Y Khoa Sackler (Sackler Faculty of Medicine) thuộc Đại Học Tel Aviv (Tel Aviv University) ở Do Thái (Israel).  Cần thêm nghiên cứu để nhận thức rõ về các khả năng điều trị, bao gồm việc bổ sung hooc môn này hoặc một loại thuốc có tác dụng tương tự ở các bệnh nhân đề kháng lithium.  IGF1 tổng hợp (synthetic human IGF1) đã được cơ quan FDA Hoa Kỳ chấp thuận cho sử dụng ở người trong các dạng rối loạn khác, nghiên cứu sinh Milanesi nói, vì thế cô hy vọng các thử nghiệm lâm sàng có thể được tiến một cách nhanh chóng.

Các Kim Loại Khác và Sức Khỏe Tâm Thần

Sắt.  Tình trạng thiếu hụt sắt sẽ ngăn cản quá trình dẫn truyền thần kinh và chuyển hóa tế bào, và các kết quả nghiên cứu đã liên kết sắt với những rối loạn nhận thức ở trẻ em và người thành niên.

Magie (magnesium).  Tiêu thụ ít magie được xem có liên quan đến chứng lo âu (anxiety) và trầm cảm trong các nghiên cứu ở người cũng như chuột.  Một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Acta Neuropsychiatrica cho thấy mối liên hệ này với môi giới là các vi sinh vật ruột bị biến đổi, các vi sinh vật này trước đây được xem có liên quan đến chứng trầm cảm.  Trong nghiên cứu này, các chú chuột được nuôi bằng một chế độ ăn thiếu magie đã cho thấy có hành vi trầm cảm và những biến đổi trong cộng đồng vi sinh vật ruột gia tăng, và điều này tuyệt đối liên quan đến tình trạng viêm thần kinh ở vùng hồi hải mã (hippocampus).

Mangan (manganese).  Trong nghiên cứu được báo cáo trên Tạp Chí Bệnh Alzheimer (Journal of Alzheimer’s Disease), các nhà khoa học từ Trung Quốc và Nhật Bản đã điều tra vai trò của mangan – một chất độc được biết gây hại thần kinh với hàm lượng cao – trong tiến trình suy giảm nhận thức.  Trong số 40 người cao tuổi, các nhà khoa học đã tìm thấy rằng hàm lượng mangan có mối liên hệ mật thiết với các điểm đánh giá chức năng nhận thức và mất trí nhớ, và tìm thấy rằng hàm lượng các mớ protein đặc thù của bệnh Alzheimer gia tăng khi hàm lượng mangan tăng lên.  Tình trạng tăng mangan quá mức thường do ô nhiễm không khí hoặc do thuốc trừ sâu, nhưng tiêu thụ quá ít chất sắt có thể làm tăng khả năng hấp thụ mangan – do đó chế độ ăn lành mạnh là hết sức quan trọng ở đây.

Đề phòng Các Thực Phẩm Bổ Sung

Nếu bác sĩ đề xuất bạn sử dụng một loại thực phẩm chức năng, thì chắc chắn bạn nên tuân theo.  Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tư vấn với bác sĩ gia đình trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ một loại thực phẩm bổ sung nào, đặc biệt loại có chứa các nguyên tố được nhắc đến trong bài viết này.  Nhiều loại trong số này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu sử dụng với liều lượng cao hoặc thấp, và người tiêu thụ rất dễ sử dụng quá liều lượng một cách vô tình.  Ngoài ra, rất khó để biết được một người có thực sự cần sử dụng thực phẩm bổ sung hay không – ví dụ, người ta khó có thể đo được hàm lượng kẽm một cách chính xác trong máu hoặc nước tiểu.  Các nhà nghiên cứu sử dụng một loạt các phương pháp đo và chất chỉ thị phức tạp để xác định hàm lượng kẽm trong cơ thể bệnh nhân – các phương pháp đo này khó có thể thực hiện được tại một văn phòng bác sĩ bình thường.

Hơn nữa, đa số các nhà nghiên cứu và bác sĩ tin rằng cải thiện chế độ ăn của một người còn tốt hơn việc đạt được hàm lượng lý tưởng của các nguyên tố này.  Tiêu thụ các loại thực phẩm như thịt, rau củ, trái cây (hoa quả), các loại quả hạch, và các loại hạt tươi sẽ cung cấp phần lớn các chất dinh dưỡng cần thiết.  Việc tránh các loại thực phẩm được chế biến sẵn được bổ sung đường và chất béo cũng rất quan trọng, bởi vì các loại thực phẩm này có thể cản trở khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng của cơ thể. (Trở về đầu trang)




NGHIÊN CỨU CUNG CẤP CHI TIẾT QUÁ TRÌNH BỆNH PARKINSON

Các Ý Chính

-      Các nhà nghiên cứu đã cung cấp chi tiết cách thức các tế bào đào thải các ty thể (mitochondria), một quá trình mà nó có thể dẫn đến các bệnh thoái hóa thần kinh và các bệnh khác nếu quá trình này gặp vấn đề bất thường.
-      Các kết quả cho thấy một lộ trình mới để nhắm đến để điều trị các rối loạn liên quan đến quá trình đào thải ty thể bị sai sót, bao gồm một số dạng bệnh Parkinson và bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (amyotrophic lateral sclerosis - ALS).

Có khoảng 50 000 người Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson mỗi năm.  Nguyên nhân gây ra bệnh này là do các tế bào thần kinh (neuron) trong não có chức năng kiểm soát vận động bị chết đi.  Mặc dù đa số các trường hợp bệnh Parkinson không có nguyên nhân rõ rệt, nhưng các nhà nghiên cứu đã liên đới một số trường hợp với các gen viết mã cho các protein parkin và PINK1.


Parkin và PINK1 làm việc với nhau trong các tế bào để loại bỏ các cấu trúc tạo năng lượng có tên là ty thể khi chúng bị tổn hại.  Các nghiên cứu đã chứng minh rằng các đột biến ảnh hưởng đến protein PINK1 hoặc protein parkin sẽ ngăn cản tiến trình này, có tên là tiêu ty thể (mitophagy).  Khi các tế bào thần kinh không thể thực hiện quá trình tiêu ty thể, thì chúng sẽ chết đi.  Các nghiên cứu gần đây đã liên đới các sai sót trong quá trình tiêu ty thể với một số dạng bệnh Parkinson cũng như các bệnh khác, bao gồm bệnh xơ cứng cột bên teo cơ.

Các cơ quan chuyên biệt (organelle) bị tổn thương được đánh dấu để tiêu hủy bằng các chuỗi protein nhỏ có tên là ubiquitin.  Trong quá trình tiêu ty thể, protein PINK1 và parkin hợp tác với nhau để kết bám các chuỗi ubiquitin vào các ty thể bị tổn thương.  Protein PINK1 tích lũy trên bề mặt của các ty thể bị tổn thương, đánh dấu ubiquitin và parkin bằng các nhãn hóa học được gọi là các nhóm photphat có chức năng kích hoạt protein parkin.  Parkin tạo ra các chuỗi ubiquitin trên bề mặt các ty thể.  Một nhóm các nhà khoa học do tiến sĩ Richard Youle của Viện Nghiên Cứu Rối Loạn Thần Kinh và Đột Quỵ Quốc Gia Hoa Kỳ (NINDS) dẫn đầu đã và đang điều tra cách thức hoạt động của quá trình này.  Các phát hiện mới đây của nhóm nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Nature số ra ngày 20 tháng 8 năm 2015.

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra các tế bào thiếu protein parkin và 5 protein có tên là thụ thể tự tiêu (autophagy receptor), các protein này bám vào chuỗi ubiquitin để giúp các tế bào loại bỏ các chất liệu bị tổn thương.  Các tế bào này đã không thể đào thải các ty thể bị tổn thương.  Khi các nhà nghiên cứu khôi phục chức năng của các thụ thể tự tiêu optineurin hoặc NDP52, thì các tế bào này khôi phục lại chức năng đó.  Việc khôi phục các thụ thể tự tiêu khác không mang lại tác dụng hoặc mang lại rất ít.  Điều này cho thấy rằng optineurin và NDP52 đóng những vai trò quan trọng trong quá trình tiêu ty thể.

Việc tiến hành thêm các thí nghiệm đã cho thấy rằng PINK1 tuyển mộ optineurin và NDP52 bởi ubiquitin photphoryl hóa.  Mặc dù các tế bào chứa optineurin hoặc NDP52 có thể tiến hành tiêu ty thể không cần đến parkin, nhưng protein parkin có thể giúp gia tăng đáng kể quá trình này.  Các tế bào hoàn toàn không thể thực hiện quá trình tiêu ty thể nếu không có PINK1.

Protein parkin từng được xem là một yếu tố quan trọng đối với quá trình tiêu ty thể, nhưng các phát hiện này ngụ ý rằng PINK1 mới thực sự là yếu tố quan trọng của hệ thống này.  Protein parkin đóng vai trò khuếch đại bằng cách kết bám càng nhiều ubiquitin vào các ty thể bị tổn hại để cho protein PINK1 thực hiện phản ứng photphoryl hóa.

“Một số công ty đang nỗ lực phát triển các loại thuốc để kích hoạt lộ trình này”, tiến sĩ Youle nói.  “Một vài công ty trong số này đang cố gắng tìm ra các loại thuốc có khả năng kích hoạt protein parkin, nhưng các phát hiện này có thể đề xuất một chiến lược khác.  Vấn đề kích hoạt protein parkin có thể không còn quan trọng; và việc kích hoạt protein PINK1 có thể trở nên quan trọng hơn”.

Các thí nghiệm này chỉ được tiến hành ở các tế bào bị cách ly, do đó quá trình này có hoạt động tương tự bên trong cơ thể hay không vẫn cần phải được chứng thực.  Các nghiên cứu trong tương lai cũng cần phải kiểm tra cách thức ubiquitin được photphoryl hóa tương tác với optineurin, NDP52, và các protein khác để thúc đẩy quá trình tiêu ty thể. (Trở về đầu trang)




CHẤT BÉO CHUYỂN HÓA CÓ HẠI CHO TIM

Chất béo chuyển hóa (trans fat), nhưng không phải chất béo bão hòa (saturated fat), được xem có liên quan đến nguy cơ cao gây tử vong và bệnh tim mạch trong một phân tích tổng hợp (meta-analysis).

Theo ngôn ngữ hóa học, chất béo chuyển hóa (trans fat) là một phân tử chất béo chứa 1 hoặc nhiều liên kết đôi (double bond) theo cấu trúc hình học được gọi là trans.  Trong cấu hình trans, 2 chuỗi cacbon (carbon) nằm ở hai bên đối diện của liên kết đôi, trong khi đó, trong cấu hình cis, hai chuỗi cacbon nằm ở cùng bên của liên kết đôi.  Phân tử trans có hình dạng thẳng hơn.  Phân tử cis thì bị gấp khúc.


Chất béo chuyển hóa được nhiều bác sĩ cho là loại chất béo có hại nhất cho người tiêu dùng.  Không giống các loại chất béo khác, chất béo chuyển hóa – còn được gọi là axit béo chuyển hóa (trans-fatty acid) – làm tăng cholesterol “xấu” LDL và làm giảm cholesterol “tốt” HDL.

Tăng cholesterol LDL đi kèm với giảm cholesterol HDL là tình trạng làm cho bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim, căn bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới và phụ nữ.  Sau đây là một số thông tin về chất béo chuyển hóa và cách phòng tránh.

Một số sản phẩm từ thịt và sữa chứa một số lượng nhỏ chất béo chuyển hóa tự nhiên.  Nhưng đa số chất béo chuyển hóa được hình thành thông qua một quy trình công nghệ bổ sung hyđrô (hydrogen) vào dầu thực vật, vì thế làm cho loại dầu này biến thành dạng rắn ở nhiệt độ phòng.

Loại dầu ăn hyđrô hóa bán phần (partially hydrogenated oil) ít có khả năng bị hỏng (hư), do đó thức ăn chế biến với loại dầu này sẽ bảo quản được lâu hơn.  Một số nhà hàng sử dụng loại dầu thực vật hyđrô hóa trong các món chiên nhúng (deep fryer), bởi vì họ cần phải thường xuyên thay dầu chiên nếu sử dụng các loại dầu ăn khác.

Chất béo chuyển hóa trong thực phẩm của bạn

Dạng chất béo chuyển hóa được sản xuất, còn được gọi là dầu ăn hyđrô hóa bán phần, được tìm thấy trong nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm:

-      Các loại bánh nướng.  Đa số các loại bánh ngọt (cake), bánh quy (cookies), vỏ bánh pate (pie crust) và bánh quy giòn (cracker) chứa một loại bơ (shortening), thường được làm từ dầu thực vật bổ sung hyđrô bán phần.  Loại kem phủ trên mặt bánh (frosting hoặc icing) được chế biến sẵn cũng là một nguồn chứa chất béo chuyển hóa (trans fat).
-      Các loại thức ăn nhanh (snack). Các lát khoai tây chiên (potato chip), lát bắp chiên (corn chip) và tortilla chip thường chứa chất béo chuyển hóa.  Mặc dù bắp rang nở (popcorn) có thể là một loại thức ăn nhanh lành mạnh, nhưng nhiều loại bắp rang nở được đóng gói sẵn hoặc dùng lò vi sóng (microwave oven) sử dụng chất béo chuyển hóa để nấu hoặc tạo hương vị cho bắp.
-      Thức ăn chiên.  Các loại thực phẩm được chiên nhúng – khoai tây chiên (french fries), bánh rán hình bánh xe (doughnut), và gà rán(fried chicken) – có thể chứa chất béo chuyển hóa từ loại dầu ăn được dùng trong quá trình nấu.
-      Bột nhào được bảo quản trong tủ lạnh.  Các sản phẩm như bánh quy đóng lon và bánh cuộn quế (cinnamon roll) thường chứa chất béo chuyển hóa (trans fat), cũng như bánh pizza đông lạnh.
-      Sản phẩm thế kem (creamer) và bơ thực vật (margarine).  Các sản phẩm thế kem dùng cho cà phê và các loại bơ thực vật cũng có thể chứa các loại dầu thực vật hyđrô hóa bán phần.

Các dữ liệu được thu thập từ các nghiên cứu bao gồm hàng trăm ngàn cá nhân đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ nhiều chất béo chuyển hóa (trans fat) nhất đã phải đối diện với nguy cơ cao hơn bị tử vong từ mọi nguyên nhân (rủi ro tương đối [relative risk]: 1,34, khoảng tin cậy 95% [95% confident interval]: 1,16 – 1,56; xác suất p <0,001), tử vong do bệnh tim mạch vành (rủi ro tương đối: 1,28, khoảng tin cậy 95%: 1,09 – 1,50; xác suất =0,003), và bệnh tim mạch vành (1,21, khoảng tin cậy 95%: 1,10 – 1,33; xác suất <0,001), khi được so sánh với những người tiêu thụ ít chất béo chuyển hóa.

Không có mối liên hệ tương tự với nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ (1,07, khoảng tin cậy 95%: 0,95 – 1,27; xác suất = 0,21).

Chất béo bão hòa (saturated fat) không có liên quan đến nguy cơ cao bị tử vong từ mọi nguyên nhân (all-cause mortality), tử vong do tim mạch, đột quỵ do thiếu máu cục bộ, hoặc bệnh tiểu đường, theo lời của các tác giả nghiên cứu, với sự dẫn đầu của tiến sĩ Russell de Souza, chuyên gia dịch tễ học dinh dưỡng tại trường Đại Học McMaster (McMaster University) ở Canada.  Không có chứng cứ thuyết phục cho thấy thiếu vắng mối liên hệ giữa chất béo bão hòa và một số kết quả được tìm thấy trong cuộc nghiên cứu, và các dữ liệu về các chất béo bão hòa vẫn còn hạn chế, nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí The BMJ

“Bạn không thể cứ lặp lại các nghiên cứu này rồi mong đợi có được các kết quả khác nhau”, theo lời tiến sĩ Richard Feinman tại SUNY Downstate Medical Center ở New York.

Các chuyên gia ở Hoa Kỳ từ lâu đã đề xuất cắt giảm các chất béo bão hòa, nhưng trong những năm gần đây người ta đã nhìn thấy một sự thay đổi khi nhận ra rằng vẫn còn thiếu các chứng cứ dùng cho các đề xuất.  Một bài bình luận trên tạp chí BMJ chỉ rõ rằng, “Đây là lúc dẹp bỏ giai thoại về vai trò của chất béo bão hòa đối với bệnh tim và rút lại những tác hại của những đề xuất ăn uống đã góp phần gây nên bệnh béo phì”.

Theo bác sĩ George Bray, một thành viên của Ủy Ban Y Học Béo Phì Hoa Kỳ (American Board of Obesity Medicine), nghiên cứu mới đây không cho thấy các chất béo bão hòa gây ra bất kỳ tác hại nào.  “Kết quả này sẽ gây ngạc nhiên cho một số người vì các đề xuất giảm chất béo bão hòa vẫn còn được lưu hành rộng rãi, nhưng xem ra có rất ít cơ sở cho điều đó – ít ra nghiên cứu này không tìm ra bất kỳ mối nguy hại nào”, ông đã viết trong một email.

Tiến sĩ De Souza và các đồng nghiệp đã tìm kiếm từ 1 đến 6 nghiên cứu cho mỗi mối tương quan giữa chất béo chuyển hóa và mỗi kết quả sức khỏe mà họ xem xét; tính tổng cộng có tất cả 20 nghiên cứu được xem xét.  Để hợp lệ, các nghiên cứu phải có tính chất quan sát và báo cáo việc đo lường mối liên hệ giữa các chất béo chuyển hóa hoặc chất béo bão hòa và các kết quả tim mạch cụ thể.  Các nghiên cứu tiền sử bệnh (retrospective study) phải bao gồm tỷ số xác suất (odds ratio) đi kèm.  Các nhà khoa học đã đánh giá các nghiên cứu về chất béo chuyển hóa dựa trên mức độ tin cậy khi họ đo lường sự tiếp xúc với chất béo chuyển hóa.

Họ đã tìm thấy rằng những cá nhân ở trong các điểm phân vị cao nhất (thông thường trong một nghiên cứu, 1 điểm phân vị là một giá trị thống kê đại diện cho 20% hoặc 25% số lượng cá nhân, vật thể, hoặc hạng mục tổng cộng.  Điểm phân vị đầu tiên đại diện cho điểm phân vị thấp nhất [1-20% hoặc 1-25% tùy theo thiết kế của cuộc nghiên cứu], điểm phân vị thứ hai đại diện cho điểm phân vị thấp thứ nhì [21-40% hoặc 26-50%], và vân vân) tiêu thụ các chất béo chuyển hóa được sản xuất theo quy trình công nghiệp có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn so với những người ở các điểm phân vị thấp nhất.  Tuy nhiên, người ta vẫn chưa tìm thấy sự tương quan trong việc tiêu thụ các chất béo chuyển hóa bắt nguồn từ động vật.  Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu khác, theo lời của các tác giả.

Đã có 12 nghiên cứu đoàn hệ (cohort study) cho mỗi mối tương quan giữa việc tiêu thụ chất béo bão hòa và tỷ lệ tử vong từ mọi nguyên nhân, tỷ lệ tử vong do tim mạch, bệnh tim mạch vành tổng cộng, đột quỵ do thiếu máu cục bộ, và bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2.  Các nhà nghiên cứu đã xem xét 41 nghiên cứu về chất béo bão hòa nói chung.  Họ đã không tìm thấy mối tương quan nào liên kết các chất béo bão hòa với nguy cơ cao của các kết quả bệnh lý này, nhưng chứng cứ chống lại mối liên hệ giữa chất béo bão hòa và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch vành vẫn chưa có tính thuyết phục (rủi ro tương đối: 1,15; khoảng tin cậy 95%: 0,97; xác suất = 0,10), các tác giả bình luận.

Tiến sĩ de Souza và các đồng nghiệp kết luận, “Mức độ chắc chắn về các mối tương quan giữa các chất béo bão hòa và tất cả các kết quả bệnh lý là ‘rất thấp’”.

Chuyên gia dinh dưỡng Connie Diekman tại trường Đại Học Washington ở thành phố St. Louis, đã viết trong một email cho rằng cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để hiểu được mức độ ảnh hưởng của việc tiêu thụ chất béo lên sức khỏe khi được tiêu thụ trong toàn bộ chế độ ăn.

“Tiếp tục chú ý vào từng cá thể axit béo sẽ không đưa ra được những cách thức giúp mọi người ăn uống lành mạnh”, bà viết.  “Vai trò của chế độ dinh dưỡng và sức khỏe có tính tổng thể, chứ không tập trung vào từng phần cá thể”.

Bà nói thêm rằng một phần quan trọng của việc thảo luận xung quanh các chất béo là các thực phẩm mà bệnh nhân tiêu thụ thay thế cho chúng.  “Các chất dinh dưỡng thay thế giúp giảm tiêu thụ chất béo bão hòa là chìa khóa làm giảm nguy cơ bệnh và rõ ràng các chất carbohydrate đơn giản (simple carbohydrate) không phải là chọn lựa thích hợp”

Chuyên gia dinh dưỡng Keith Ayoob tại trường Đại Học Y Khoa Albert Einstein (Albert Einstein College of Medicine) tại New York cũng có cảm nhận tương tự.  “Nó tùy thuộc vào thực phẩm tiêu thụ thay thế cho chất béo”, ông đã viết trong một email.  Ông bổ sung thêm rằng trong cương vị của một chuyên gia dinh dưỡng có đăng ký giấy phép hành nghề, ông cảm thấy rằng thỉnh thoảng lĩnh vực của ông bị khiển trách vì đã đưa ra những đề xuất dinh dưỡng không lành mạnh khi họ yêu cầu bệnh nhân cắt giảm một số chất béo bão hòa.  “Chúng tôi không bao giờ yêu cầu thay thế chúng bằng bánh mì trắng và mứt”, ông nói.

Điều quan trọng là nên cân nhắc rằng việc tiêu thụ chất béo chuyển hóa chỉ là một phần của một bức tranh lớn hơn về những thứ có thể làm tăng nguy cơ, theo lời bác sĩ Tom Rifai tại bệnh viện St. Joseph Mercy Oakland Hosptial ở bang Michigan.  Ông nói thêm rằng nghiên cứu này có những hạn chế đáng kể và chỉ chứng thực những gì đã được biết đến.  “Tôi cảm thấy rất ấn tượng với nhận thức của các tác giả về sự yếu kém trong phần thiết kế phân tích và những sai sót trong báo cáo của họ”, ông đã viết trong một email.

Những hạn chế về phân tích tổng hợp này bao gồm khả năng các nghiên cứu liên quan có đủ khác biệt để đưa ra các kết quả có tính thuyết phục.  Đã xuất hiện tính không đồng nhất rất lớn trong các nghiên cứu được điều tra và một số lượng nhỏ các nhóm đoàn hệ cho một số mối tương quan.  Ngoài ra, các nghiên cứu được đánh giá chỉ có tính quan sát và không thể cung cấp chứng cứ nhân quả (causal evidence).

Các tác giả nói thêm rằng có một vài câu hỏi vẫn chưa được trả lời, bao gồm các loại chất béo bão hòa khác nhau có các tác động khác nhau lên sức khỏe con người không. (Trở về đầu trang)




HỒI SỨC TIM PHỔI TRONG KHI BỊ NGỪNG TIM

Ngừng tim(cardiac arrest) là một trường hợp cấp cứu nghiêm trọng nhất.  Tim ngừng gửi máu đến cơ thể và não, có thể bởi vì nó đập quá nhanh hoặc quá loạn, hoặc có thể bởi vì nó ngừng đập hoàn toàn.  Các tế bào não thiếu oxy sẽ chết đi.  Tử vong có thể xảy ra trong vòng vài phút – trừ khi một người nào đó (người qua đường hoặc người ngoài cuộc) có thể tiến hành hồi sức tim phổi(cardiopulmonary resuscitation - CPR) cho bệnh nhân.


Thuật ngữ “nhồi máu cơ tim – heart attack” thường bị sử dụng lầm lẫn để mô tả trường hợp ngừng tim.  Mặc dù một cơn nhồi máu cơ tim có thể gây ngừng tim và đột tử (sudden death), nhưng các thuật ngữ này không có cùng ý nghĩa.  Các trường hợp bị nhồi máu cơ tim là do một vấn đề tắc nghẽn làm cho máu ngừng chảy đến tim.  Một cơn nhồi máu cơ tim (myocardial infarction hoặc heart attack) ám chỉ đến tình trạng mô cơ tim bị chết do thiếu nguồn cung cấp máu, không nhất thiết dẫn đến tình trạng nạn nhân bị tử vong.

Tiến hành hồi sức tim phổi giúp giữ cho máu tuần hoàn cho đến khi nhân viên cấp cứu chuyên môn được trang bị đầy đủ đến nơi xảy ra tình huống để hồi sức tim trở lại nhịp đập bình thường.

“Não là cơ quan nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy nhất trong cơ thể”, theo lời của bác sĩ Robert Graham, một học giả về chính sách y tế tại trường Đại Học George Washington (George Washington University) và là chủ tịch của một ủy ban tại Viện Y Học Quốc Gia Hoa Kỳ (National Academy of Medicine: trước đây có tên là Institute of Medicine), mà mới đây ông đã đưa ra một báo cáo mới về những phương pháp cải thiện tỷ lệ sống sót trong trường hợp bị ngừng tim.  “Nếu bạn có thể tiếp tục làm cho máu chảy đến não trong vòng 5, 7, hoặc 10 phút cho đến khi các nhân viên cấp cứu đến hiện trường, thì bạn đã giúp cho nạn nhân có được cơ hội tốt nhất để hồi phục”.

Chứng cứ mới cho thấy tỷ lệ sống sót cao hơn với hồi sức tim phổi

Trong Tạp Chí Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ (Journal of the American Medical Association – JAMA) số ra tuần này, 2 nhóm các nhà nghiên cứu đã cung cấp chứng cứ mang tính thuyết phục về nguyên lý “thời gian bằng não – time equals brain”, và về những nỗ lực cải thiện đáp ứng lại các cơn ngừng tim có thể mang lại kết quả tốt. 

Trong kịch bản lý tưởng, một người qua đường:

-      Chứng kiến một nạn nhân bị ngừng tim
-      Gọi 911 (hoặc số điện thoại cấp cứu địa phương)
-      Bắt đầu tiến hành hồi sức tim phổi ngay tức khắc, và tiếp tục hồi sức cho nạn nhân cho đến khi một người đi đường khác hoặc nhân viên cấp cứu y tế có thể sử dụng máy khử rung tự động ngoài lồng ngực (automated external defibrillator – AED) để tạo sốc điện cho tim trở lại nhịp đập bình thường

AED là một thiết bị xách tay và có chức năng cung cấp một sốc điện ngắn cho tim để giúp tim đập trở lại bình thường.  Các thiết bị này ngày càng được tìm thấy ở những nơi công cộng, chẳng hạn như các trung tâm mua sắm.  Điều đáng buồn là, các thiết bị này vẫn nằm yên trong tủ đựng ngay cả khi có những trường hợp cấp cứu thực sự.

Một nhóm nghiên cứu đánh giá sự ảnh hưởng của một sáng kiến ở bang North Carolina nhằm đào tạo cộng đồng dân cư về cách hồi sức tim phổi (CPR) và sử dụng máy khử rung tự động ngoài lồng ngực (AED).  Như một phần của cuộc vận động, các nhân viên cấp cứu cũng tiếp nhận huấn luyện cách nhận biết cơn ngừng tim và cách đáp ứng một cách hợp lý.

Nghiên cứu của nhóm này bao gồm khoảng 5000 trường hợp bị ngừng tim đã xảy ra trong những năm từ 2010 đến 2013 ở tiểu bang North Carolina.  Phần trăm những người tiếp nhận chăm sóc ngừng tim lý tưởng tăng từ 14% đến 23% trong suốt thời gian đó.  Đồng thời, tỷ lệ sống sót không bị tổn thương não đã tăng lên từ 7,1% đến 9,7%.

Nhóm nghiên cứu khác khai thác cơ sở dữ liệu của các trường hợp bị ngừng tim ngoài bệnh viện (out of hospital), các trường hợp này xảy ra ở Nhật Bản vào những năm từ 2005 đến 2012.  Trong suốt thời gian đó, phần trăm những người bị ngừng tim được người đi đường giúp hồi sức tim phổi đã tăng lên từ 39% đến 51%.  Đồng thời, tỷ lệ sống sót không bị tổn thương não đã tăng lên từ 4,1% đến 8,4%.

Bạn có thể không hiểu được những con số này, nhưng thông điệp chung được đưa ra là có được nhiều người trên đường phố có khả năng nhận biết và đáp ứng nhanh đối với một trường hợp bị ngừng tim thì có thể cứu được những bộ não – do đó, cứu được mạng sống của nhiều người.

Cần có thêm nhiều người biết về hồi sức tim phổi (CPR)

Có rất nhiều cơ hội để cải thiện.  Trong số 400 000 người Mỹ bị ngừng tim trong hoàn cảnh không ở trong bệnh viện hằng năm, chỉ có 6% số này qua khỏi cơn nguy kịch này.  Tỷ lệ khá thấp này có thể liên quan đến vấn đề là chỉ có 3% dân số Hoa Kỳ tiếp nhận huấn luyện hồi sức tim phổi mỗi năm.

Báo cáo của Viện Y Học Quốc Gia Hoa Kỳ cho thấy rằng một số cộng đồng dân cư đã có tỷ lệ sống sót sau cơn ngừng tim gia tăng một cách đáng kể.  Ví dụ như, thành phố Seattle đã cải thiện khả năng đáp ứng lại trường hợp bị ngừng tim trên hai mặt trận – con số người đi đường được huấn luyện và tính hiệu quả của các nhân viên cấp cứu y tế.  Thật vậy, tỷ lệ sống sót ở Seattle đã vượt quá 60% cho các trường hợp bị ngừng tim ngoài bệnh viện khi được người đi đường chứng kiến.  Hãy so sánh tỷ lệ này với nhiều khu vực đô thị khác có tỷ lệ sống sót chưa đến 10%.

“Điều này phản ánh khả năng lãnh đạo và có được những người hiểu được tính chất quan trọng của vấn đề này và họ đã thực hiện điều đó trong suốt 20 năm”, bác sĩ Graham nói.  “Bạn có một đội ngũ đông đảo các cá nhân được huấn luyện để nhận biết trường hợp bị ngừng tim và có tư duy để đáp ứng”.  Các cộng đồng như thành phố Seattle “có thể đóng vai trò chuẩn mực để nói với chúng ta rằng điều này có thể thực hiện được.  Vấn đề này có thể khắc phục được”, bác sĩ Graham nói thêm.

Báo cáo của Viện Y Học Quốc Gia Hoa Kỳ đưa ra những đề xuất về cách tiến hành.  Hai đề xuất quan trọng là xây dựng một nơi đăng ký ngừng tim quốc gia và phát triển các chương trình trong học đường và các cộng đồng dân cư để huấn luyện hồi sức tim phổi và cách sử dụng máy khử rung tự động ngoài lồng ngực (AED).

Nó nằm trong khả năng của bạn

Nếu bạn sẵn sàng muốn giúp ai đó bị một cơn ngừng tim, thì khẩu lệnh là “cách nhận biết” và “cách đáp ứng”.

Cách Nhận Biết.  Nhiều người không biết được sự khác biệt giữa ngừng tim và một cơn nhồi máu cơ tim hoặc ngất xỉu.  Nạn nhân bị ngừng tim sẽ ngưng thở, không có nhịp mạch, và không có phản ứng.  Nạn nhân bị một cơn nhồi máu cơ tin thường tỉnh táo và vẫn còn thở, có nhịp mạch, và có thể trả lời các câu hỏi của bạn.

Cách Đáp Ứng.  Sau đây là những điều bạn nên làm nếu bạn chứng kiến ai đó bị ngừng tim:

1. Gọi số 911 (hoặc số cấp cứu địa phương) ngay lập tức, hoặc nhờ ai đó biết hồi sức tim phổi giúp cho nạn nhân.  Cuộc gọi đó có nghĩa là các nhân viên cấp cứu y tế được điều động đến hiện trường nơi bạn chứng kiến.

2. Tiến hành đè ép lồng ngực (chest compression) bằng tay:

-      Đặt một bàn tay lên bàn tay kia, rồi đặt cả hai bàn tay lên xương ức (breastbone: xương ngực), ở giữa lồng ngực của nạn nhân.
-      Đè xuống đủ mạnh để cho lồng ngực lún xuống khoảng một inch (2,54 cm).
-      Thả lỏng, và lặp lại.  Thực hiện động tác này khoảng 100 lần trong 1 phút. 

3. Tiếp tục hồi sức tim phổi cho đến khi có người đem máy khử rung tự động ngoài lồng ngực (AED) đến – có thể là một người đi đường lấy thiết bị này từ một tòa nhà hoặc từ một khu vực kinh doanh lân cận, hoặc có thể là một nhân viên cấp cứu y tế.

Hô hấp bằng miệng là không cần thiết nếu bạn đang thực hiện hồi sức tim phổi cho nạn nhân.  Đó là bởi vì máu của nạn nhân có đủ oxy dự trữ để cho nạn nhân có thể kéo dài khả năng sống sót trong một thời gian.

Tiếp Nhận Huấn Luyện

Có nhiều tổ chức bảo trợ các chương trình huấn luyện hồi sức tim phổi và sử dụng máy khử rung tự động ngoài lồng ngực (AED).  Hai tổ chức nổi tiếng bảo trợ cho các chương trình này là Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ (American Heart Association) và Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ (American Red Cross).  Một số khóa học yêu cầu người được huấn luyện phải đến lớp; một số khóa học khác có thể học trực tuyến (online).  Nhiều tổ chức y tế công cộng tại địa phương cũng có tổ chức chương trình huấn luyện hồi sức tim phổi, bao gồm các lớp dành cho bạn bè và người thân của những cá nhân có nguy cơ bị ngừng tim.

Sự đầu tư về thời gian và công sức để học cách hồi sức tim phổi tuy không lớn, nhưng kết quả mang lại – cứu sống được nhiều người – thật ý nghĩa và vô hạn. (Trở về đầu trang)




NHỊN ĐI TIÊU QUÁ LÂU THỰC SỰ CÓ THỂ GÂY CHẾT NGƯỜI

Trong cuộc sống, mọi người đều phải đi tiêu (đi cầu).  Thật vậy, thường xuyên đi tiêu là một điều kiện cần thiết để có được sức khỏe tốt.  Hãy tưởng tượng những vấn đề có thể xảy ra nếu bạn không đi tiêu trong nhiều tháng.  Kịch bản đó kết thúc một cách thương tâm đối với trường hợp của Emily Titterington, một cô gái 16 tuổi ở Cornwall, Anh Quốc, cô đã qua đời vào ngày 8 tháng 2 năm 2013, sau khi không đi tiêu (đi cầu) trong vòng 8 tuần.  Emily, bị chứng tự kỷ nhẹ và phải đối diện với vấn đề đi tiêu suốt cuộc đời của cô, được báo cáo bị tình trạng sợ hãi khi đi tiêu một cách nghiêm trọng, điều này làm cho cô nhịn đi tiêu cho đến khi nó trở nên tình huống gây chết người.  Theo điều tra y tế về cái chết của Emily, thì cô đã bị một cơn nhồi máu cơ tim chí tử do ruột bị phình to, và bị dời chỗ, tạo áp lực lên một số cơ quan trong cơ thể.


Emily đã bị tình trạng “phình to ruột già nghiêm trọng”, theo lời chuyên gia bệnh học (pathologist) Amanda Jeffery trong tờ The Independent.  Theo nhân viên cấp cứu y tế (paramedic) Lee Tayler, đã kiểm tra cho Emily hai lần vào đêm cô qua đời, lưu ý rằng “bụng của cô ta phình to một cách nghiêm trọng.  Các xương sườn dưới của cô bị đẩy qua khỏi xương mu”.  Điều đáng buồn là, Emily đáng lý ra không gặp phải tình cảnh này.  “Cái chết của cô đáng lý ra có thể tránh khỏi nếu được điều trị tức thời”, bác sĩ gia đình của cô, Alistair James, nói với tờ The Independent.  Ông đã kê toa các loại thuốc nhuận tràng (laxative), nhưng Emily đã từ chối không chịu điều trị, vì sợ các kiểm tra y tế.

Táo bón có thường dẫn đến tử vong không?

“Tôi chưa bao giờ nghe nói về trường hợp này trước đây”, theo lời bác sĩ Frank R. Malkin, chuyên gia về đường ruột và dạ dày tại Hiệp Hội Y Tế Charles River (Charles River Medical Associates) ở Natick, bang Massachusetts.  “Đây là điều rất thường xảy ra khi nhìn thấy những người trẻ ở độ tuổi thiếu niên hoặc ở độ tuổi 20 đến khám và nói rằng hai tuần rồi họ vẫn chưa đi tiêu (đi cầu), nhưng họ có thể sử dụng các loại thuốc làm mềm phân (stool softener) hoặc các viên cung cấp chất sợi (fiber pill), hoặc chúng tôi tìm kiếm những phương thức trị liệu khác nếu cần thiết.  Không đi tiêu trong 8 tuần, sau đó bị tử vong vì điều này, thì thật là không bình thường”.  Nhưng khi nói đến tình trạng nhịn đi tiêu quá lâu, thì hầu như không bao giờ xảy ra ở người thành niên”.

“Vấn đề này rất thường xảy ra ở trẻ em”, theo lời của tiến sĩ Carin Cunningham, chuyên gia tâm lý học trẻ em tại Bệnh Viện Trẻ Em Seattle (Seattle Children’s Hospital), bà nói rằng bà chưa bao giờ nhìn thấy trường hợp tử vong do táo bón trong thời gian bà đảm trách về những vấn đề tiêu hóa nhưng có thể hiểu được cơ chế hoạt động của vấn đề này.  “Thường sẽ xuất hiện một phản ứng đau khi bị táo bón nghiêm trọng.  Một đứa trẻ sẽ sợ đi tiêu (đi cầu), cho nên thay vì mở ra các cơ thắt hậu môn bên ngoài, thì nó sẽ co rút các cơ thắt này lại.  Điều này trở thành thói quen.

“Thỉnh thoảng, nhà vệ sinh trở nên gắn liền với việc đi tiêu (đi cầu), vì thế xuất hiện tình trạng sợ nhà vệ sinh (toilet phobia).  Nhiều đứa trẻ mắc chứng sợ nhà vệ sinh vẫn phải đi tiêu, nhưng trong một số trường hợp, kết tràng bị sưng phồng và cơ thể phải chứa đựng tất cả số lượng phân được giữ lại”.  Khi bạn thêm vào chứng tự kỷ nhẹ, mà căn bệnh này có thể nâng ngưỡng đau của một người lên và làm cho người đó giảm ý thức về những gì đang xảy ra bên trong cơ thể của họ, thì đây là một công thức có nguy cơ gây tai họa.

Bạn có cần phải lo lắng không

Có điều may mắn là, có rất ít khả năng bạn phải đối phó với trường hợp táo bón kiểu này sau khi bạn trưởng thành.  Trường hợp này thường xảy ra ở trẻ em ở độ tuổi khoảng từ 2 – 5 tuổi”, tiến sĩ Cunningham nói.  “Vào độ tuổi 16, chưa đến 1% số trẻ vị thành niên gặp phải tình trạng này bởi vì các em biết rằng chúng cần phải đi tiêu thường xuyên và sẽ nhận ra được những vấn đề trục trặc trong cơ thể.  “Mặc dù xác suất  xảy ra trường hợp nhịn đi tiêu (đi cầu) giảm dần khi bạn trưởng thành, nhưng bạn cũng nên cố gắng thường xuyên đi tiêu, đặc biệt nếu như lịch trình mới của bạn bị thay đổi.  “Mọi người đều khác nhau”, theo lời bác sĩ Malkin.  “Có người đi tiêu mỗi ngày một lần, có người đi 2 hoặc 3 lần mỗi ngày, nhưng cũng có người cứ khoảng 3 hoặc 4 ngày mới đi một lần.  Nếu thói quen đi tiêu bình thường của bạn thay đổi, thì đây là lúc bạn nên đi khám bác sĩ.  Các bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp đơn giản giúp bạn điều trị tình trạng táo bón (chẳng hạn như giảm stress, tập thể dục, uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ, và sử dụng thuốc nhuận tràng) hoặc đưa ra những đề xuất để giúp bạn đi tiêu (đi cầu) dễ dàng hơn. (Trở về đầu trang)




12 ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CÁC LOẠI THUỐC GIẢM ĐAU PHỔ BIẾN

Trước đây, việc làm giảm đau là một vấn đề khá đơn giản: uống 2 viên aspirin và điện thoại cho bác sĩ vào buổi sáng.  Ngày nay, có rất nhiều loại thuốc giảm đau để bạn có thể lựa chọn (xem phần “Sơ lược các loại thuốc giảm đau”).

Vỏ cây liễu (Willow bark) là một trong những loại chất giúp giảm đau đầu tiên.  Các chất chiết xuất hoặc các loại trà từ vỏ cây liễu đã được sử dụng để trị sốt và đau nhức trong hơn 2000 năm qua.  Điều đáng tiếc là, thành phần hoạt tính, axit salicyclic (salicyclic acid), gây khó chịu cho dạ dày.  Vào năm 1897, một nhà hóa học người Đức làm việc cho công ty Bayer đã tìm ra một phương thức biến đổi axit salicyclic để nó ít gây khó chịu cho dạ dày hơn.  Hợp chất ông tạo ra, axit acetylsalicyclic, được đặt tên là Aspirin.  Loại thuốc này luôn được xem là một loại thuốc giảm đau không cần toa bác sĩ đứng đầu cho đến khi acetaminophen được phát triển vào năm 1956 và ibuprofen được phát triển vào năm 1962.  Kể từ đó đến nay, có hơn 12 loại thuốc khác đã xuất hiện trên thị trường.


Hai loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất là acetaminophen và thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), bao gồm aspirin và thuốc ức chế COX-2 (COX-2 inhibitor).  Nhiều loại được bán không cần toa bác sĩ (over the counter), còn một số khác được bán theo toa bác sĩ.

Sự khác biệt

NSAID giúp giảm đau, hạ sốt, và giảm viêm.  Các loại thuốc này có thể rất có lợi trong trường hợp đau nhức do các chứng bệnh liên quan đến viêm, chẳng hạn như viêm khớp.  Acetaminophen giúp giảm đau và sốt, nhưng không ảnh hưởng đến tình trạng viêm.

NSAID đổi mới cách điều trị đau

Giống như tất cả mọi loại thuốc, nhóm NSAID cũng có một số mặt hạn chế.  Sử dụng thường xuyên một loại thuốc kháng viêm không steroid được xem gắn liền với nguy cơ gia tăng phát triển bệnh tim.  Tất cả các loại thuốc kháng viêm không steroid, bao gồm các loại thuốc ức chế COX-2 thế hệ mới, có thể làm hại đến dạ dày, gây viêm loét hoặc xuất huyết đường ruột và dạ dày.  Những vấn đề này có khuynh hướng xảy ra sau khi sử dụng dài hạn hoặc sử dụng quá nhiều.  Tuy nhiên, bạn không cần phải lo lắng nếu thỉnh thoảng sử dụng thuốc kháng viêm không steroid cho một cơn nhức đầu hoặc đau nhức cơ.

Tác dụng của NSAID và Acetaminophen

Acetaminophen không phải là một loại thuốc kháng viêm, và có tác dụng giảm đau theo một phương thức hoàn toàn khác với NSAID.  Acetaminophen ít ảnh hưởng đến dạ dày hơn so với NSAID, nhưng lại có những vấn đề khác.

Acetaminophen có thể gây tổn thương cho gan.  Bốn ngàn mg mỗi ngày – khoảng 12 viên acetaminophen có độ mạnh bình thường – được xem là giới hạn an toàn, nhưng liều lượng này có thể là quá nhiều đối với một số người.  Liều lượng lớn là nguy cơ chính, nhưng có những báo cáo nói rằng bệnh nhân phát triển các vấn đề về gan sau khi sử dụng acetaminophen với liều lượng nhỏ hoặc vừa đủ trong một thời gian dài.  Uống rượu bia trong lúc sử dụng acetaminophen cũng có thể gây tổn thương cho gan.

Acetaminophen là một thành phần trong nhiều loại thuốc trị cảm và nhức đầu không cần toa bác sĩ.  Một số người có thể lạm dụng thuốc này mà họ không biết vì các nguồn ẩn dấu này.

Thuốc ức chế COX-2

Một nhóm các loại thuốc kháng viêm không steroid thế hệ mới, có tên là thuốc ức chế COX-2, được phát triển vào những năm 1990.  Các loại thuốc này từng được kỳ vọng mang lại hiệu quả cao hơn so với các loại thuốc kháng viêm không steroid thông thường: một thế hệ thuốc kháng viêm mới có tác dụng giảm đau nhưng không gây tổn thương đến đường tiêu hóa.  Mặc dù các loại thuốc này ít gây hại cho hệ thống ruột và dạ dày, nhưng xem ra chúng lại không thực sự thân thiện với tim.  Thế hệ thuốc ức chế COX-2 đầu tiên, rofecoxib (Vioxx), đã được thu hồi khỏi thị trường vào năm 2004 sau khi bị xem có liên quan đến nguy cơ gia tăng nhồi máu cơ tim(heart attack).  Valdecoxib (Bextra) biến mất khỏi thị trường sau đó vài tháng.  Thế hệ thuốc ức chế COX-2 thứ ba, celecoxib (Celebrex) vẫn còn được lưu hành trên thị trường.  Với liều lượng 200 mg/ngày hoặc thấp hơn, thuốc này hầu như không gây ra bất kỳ nguy cơ nhồi máu cơ tim nào cao hơn so với các loại thuốc kháng viêm không steroid khác. 

Hãy sử dụng thuốc gốc

Các loại thuốc gốc (generic drug) giảm đau không cần toa bác sĩ có giá thị trường thấp hơn so với các biệt dược, và hiệu quả của chúng cũng không kém.

Thuốc kháng viêm không steroid an toàn nhất cho tim

Trong số các loại thuốc kháng viêm không steroid không phải aspirin (non-aspirin NSAID), naproxen tỏ ra là loại thuốc an toàn nhất cho tim.

Thuốc giúp giảm cơn đau dạ dày liên quan đến NSAID

Nếu bạn cần phải sử dụng một viên thuốc kháng viêm không steroid mỗi ngày vì bị viêm khớp hoặc bị một tình trạng bệnh lý mãn tính khác, và thuốc này gây khó chịu cho dạ dày của bạn hoặc bạn có nhiều nguy cơ bị các biến chứng ở đường ruột và dạ dày, thì thuốc ức chế bơm proton (proton pump inhibitor) có thể trung hòa tác dụng phụ này.  Các loại thuốc ức chế bơm proton bao gồm esomeprazole (Nexium), lansoprazole (Prevacid), omeprazole (Prilosec), pantoprazole (Protonix), hoặc rabeprazole (Aciphex).

Sử dụng aspirin mỗi ngày trước khi sử dụng một loại NSAID

Nếu bác sĩ đề xuất bạn sử dụng aspirin liều thấp(low-dose aspirin) mỗi ngày cho bệnh tim của bạn, đồng thời bạn cũng sử dụng một loại kháng viêm không steroid để điều trị đau hoặc viêm, thì vấn đề thời điểm sử dụng là rất quan trọng.  Các loại thuốc kháng viêm không steroid ngăn chặn khả năng làm cho các tiểu huyết cầu (blood platelet) bớt “dính” của thuốc aspirin.  Điều này giúp ngăn ngừa các huyết khối hình thành trong máu, mà có thể gây ra các cơn nhồi máu cơ tim và đột quỵ.  Một trong các chiến lược đó là sử dụng aspirin đầu tiên vào buổi sáng, sau đó chờ khoảng 30 phút rồi mới sử dụng một loại kháng viêm không steroid (NSAID).  Nếu bạn sử dụng thuốc NSAID trước, thì hãy chờ khoảng 8 giờ rồi mới sử dụng aspirin. 

Chú ý đến huyết áp gia tăng 

Tất cả các loại thuốc kháng viêm không steroid, bao gồm các loại thuốc COX-2, đều có khuynh hướng làm tăng huyết áp.  Hiệu ứng này tỏ ra mạnh nhất và xảy ra thường xuyên hơn ở những người bị cao huyết áp và đang sử dụng thuốc để kiểm soát tình trạng này, nhưng có chứng cứ cho rằng những người có huyết áp bình thường cũng bị ảnh hưởng.  Acetaminophen, khi sử dụng liều cao và ở các phụ nữ, cũng được chứng minh có khả năng gây tăng huyết áp nhẹ.

Đừng ngưng sử dụng thuốc đột ngột

Nếu bạn sử dụng thường xuyên một loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), thì đừng nên ngưng sử dụng nó một cách đột ngột.  Điều này sẽ làm cho các huyết khối có nhiều cơ hội hình thành, do đó làm tăng nguy cơ bị một cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ (tai biến mạch máu não).

Chú ý đến các vấn đề về thận

Các loại thuốc kháng viêm không steroid, bao gồm các loại thuốc COX-2, có thể ảnh hưởng đến thận, và trong các trường hợp nghiêm trọng, có thể gây suy thận (kidney failure).  Các dấu hiệu bị bệnh thận bao gồm buồn nôn hoặc nôn mửa không thể giải thích, mất khẩu vị, mệt mỏi và đuối sức, thay đổi số lượng nước tiểu, hiện tượng ngứa kéo dài, và các triệu chứng không rõ nguyên nhân.

Yếu tố di truyền

Có rất nhiều sự biến thiên trong cách phản ứng lại thuốc giảm đau ở từng người.  Do đó, cần phải thử nghiệm nhiều lần để tìm ra loại thuốc thích hợp nhất cho bạn.


Sơ lược các loại thuốc giảm đau không cần toa bác sĩ

Tên gốc
(Generic name)

Biệt dược
(Brand name)

Bình luận
(Comment)
acetaminophen
Anacin, Pain-Eze, Tylenol, và 40 loại khác ; (và trong hơn 150 sản phẩm phối hợp khác)

Không phải một loại thuốc kháng viêm không steroid; không gây ra các vấn đề ở dạ dày như thuốc kháng viêm không steroid; thành phần phổ biến trong các loại thuốc nhức đầu và trị cảm lạnh; sử dụng liều lượng cao có thể gây tổn thương gan.


Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)

aspirin
Anacin, Bayer Aspirin, Bufferin, nhiều tên khác ; cũng tìm thấy trong nhiều sản phẩm phối hợp
Về cơ bản là một loại NSAID, nhưng các đặc tính kháng đông làm cho nó trở nên khác biệt; sự phát triển của các sản phẩm thay thế và nguy cơ cao gây xuất huyết đường ruột và dạ dày làm cho nó ít được ưa chuộng sử dụng như một loại thuốc giảm đau.

ibuprofen

Advil, Motrin, Nuprin

Được ưa chuộng vì tác dụng thuốc nhanh, không ở lại trong cơ thể quá lâu, do đó theo mỗi liều lượng, thuốc này ít có nguy cơ gây ra các vấn đề về dạ dày và thận.

naproxen
Aleve, Naprosyn

Tác dụng kéo dài lâu hơn ibuprofen; có thể có ít tác dụng phụ về tim mạch hơn so với các loại NSAID khác. 



Sơ lược các loại thuốc kháng viêm không steroid theo toa bác sĩ

Tên gốc
(Generic name)

Biệt dược
(Brand name)

Có thuốc gốc (Generic drug)?

celecoxib
Celebrex
Không
diclofenac
Arthrotex, Cataflam, Voltaren, others

diflunisal
Không
etodolac
Không
fenoprofen
Nalfon
flurbiprofen
Ansaid, Ocufen

indomethacin
Indocin, Tivorbex

ketoprofen
Không
meclofenamate
Không
meloxicam
Mobic
nabumetone
Không
oxaprozin
Daypro
piroxicam
Feldene
salsalate
Disalcid
sulindac
Clinoril
tolmetin
Không




12 LÝ DO BẠN BỊ ĐAU BỤNG 

Có thể bạn sẽ ôm bụng vì đau sau khi uống một ly sôcôla xay.  Hoặc bạn có cảm giác như là bạn đã nuốt cả một quả bóng bowling – để rồi nhận ra bạn vẫn chưa đi tiêu trong 3 ngày.

Các vấn đề ở bụng có thể xảy ra dưới nhiều dạng, và không có trường hợp nào cảm thấy dễ chịu cả.  Sau đây là 12 lý do phổ biến giải thích tại sao bạn có thể bị đau bụng, và điều bạn cần làm để giảm bớt cơn đau.


Cúm Dạ Dày

Thuật ngữ chuyên môn là viêm dạ dày ruột (gastroenteritis) – cho dù bạn cứ 5 phút phải chạy vào nhà vệ sinh một lần, nhưng có lẽ bạn sẽ không cần biết tình trạng này được gọi là gì.  Tình trạng nhiễm virut này thường lây truyền khi một người bệnh chuẩn bị thức ăn cho bạn mà họ không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh.

Bạn sẽ cảm thấy: Vọp bẻ và đau ở bụng, đi kèm với đau cơ và một cơn nhức đầu.  Cơn đau thường đi kèm với buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, hoặc sốt cấp thấp.

Bạn nên làm gì: Nghỉ ngơi, uống nhiều nước, và tiêu thụ những loại thực phẩm nhẹ, chẳng hạn như chuối hoặc bánh mì nướng (toast) nếu bạn muốn ăn.  Hãy điện thoại cho bác sĩ nếu bạn bị nôn mửa trong vòng 24 giờ, có máu khi nôn mửa hoặc tiêu chảy, hoặc bị sốt trên 40 độ C (104 độ F), đây có thể là các dấu hiệu của một tình trạng nhiễm khuẩn.

Không Thể Dung Nạp Lactose

Nếu ăn kem làm cho bạn bị đau bụng, thì bạn có thể bị tình trạng không thể dung nạp lactose (lactose intolerance), hoặc không có khả năng tiêu hóa đường lactose trong sữa.  Nhưng bạn không phải là người duy nhất bị tình trạng này: Có khoảng 65% dân số thế giới mất dần khả năng tiêu hóa lactose sau tuổi sơ sinh.  Nhiều người thường phát triển các triệu chứng khi họ đến tuổi thành niên.

Bạn sẽ cảm thấy: Vọp bẻ ở bụng – cộng với nhu cầu đi vệ sinh khẩn cấp – khoảng 30 phút đến 2 giờ sau khi tiêu thụ các sản phẩm từ sữa.  Tình trạng này còn đi kèm với tiêu chảy, đánh hơi (đánh rắm), và đầy hơi (bloating).

Bạn cần làm gì: Tránh tiêu thụ các thực phẩm từ sữa có thể kích thích gây ra các triệu chứng, theo đề xuất của bác sĩ Maged Rizk, một bác sĩ chuyên khoa ruột và dạ dày (gastroenterologist) tại bệnh viện Cleveland (Cleveland Clinic).  Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ của mình về việc kiểm tra mức độ lactose bạn có thể dung nạp. 

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tự kiểm tra để xem bạn có thể dung nạp số lượng nhỏ sữa tươi không – đặc biệt loại sữa ít béo (low fat) hoặc không béo (nonfat) – hoặc các sản phẩm từ sữa chứa ít lactose hơn, chẳng hạn như sữa chua (yogurt) hoặc một số loại phó mát cứng (hard cheese).  Nhiều người bị tình trạng không thể dung nạp lactose có thể tiêu thụ các loại thực phẩm này.

Sỏi Mật

Sỏi mật là những viên nhỏ và cứng, tích tụ từ dịch tiêu hóa và hình thành trong túi mật của bạn.  Sỏi mật xảy ra phổ biến - ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới – và có thể phát sinh do tiêu thụ quá nhiều chất béo hoặc cholesterol.

Bạn sẽ cảm thấy: Khó chịu hoặc đau ở vùng bụng trên bên phải và lan tỏa ra sau lưng hoặc lên vai.  Cơn đau có thể đánh thức bạn vào ban đêm.  Bạn cũng có thể cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa.

Bạn nên làm gì: “Nếu đó chỉ là một cảm giác khó chịu nhẹ và thoáng qua, bạn không cần phải điện thoại cho bác sĩ”, theo lời bác sĩ y khoa Frank Malkin, một bác sĩ chuyên khoa ruột và dạ dày tại Hiệp Hội Y Khoa Charles River ở bang Massachusetts.  Nhưng nếu bạn bắt đầu lưu ý thấy một kiểu đau kéo dài vài tuần, hoặc nếu bạn bị đau dữ dội hoặc nôn mửa, thì bạn phải điện thoại cho bác sĩ.  Bạn có thể cần được phẫu thuật để cắt bỏ túi mật.

Táo Bón

Đi tiêu ít hơn bình thường, hoặc không thể đi tiêu?  Xin chúc mừng bạn! Bạn đã bị táo bón, và tình trạng này có thể xảy ra khi bạn ăn quá ít chất xơ, ngồi nhiều, hoặc gặp phải những thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày, chẳng hạn như đi du lịch đến một nơi nào đó.  Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc trung hòa axit (antacid) hoặc thuốc chống trầm cảm (antidepressant), cũng có thể là các tác nhân gây ra táo bón.

Bạn sẽ cảm thấy: Nhu cầu đi tiêu khẩn cấp, nhưng kết quả không như mong muốn.  (Hoặc chỉ có một ít phân khô cứng).  Bạn có thể cảm thấy bị đau âm ỉ ở vùng bụng dưới, cùng với hiện tượng đầy hơi.

Bạn nên làm gì: Tăng dần số lượng chất xơ tiêu thụ bằng cách bổ sung ngũ cốc nguyên hạt (whole grain), các loại đậu, trái cây (hoa quả), và rau củ vào chế độ ăn của mình.  Hướng tới đạt được mục tiêu là 25 đến 30 g mỗi ngày.  Nếu như thế vẫn không giúp được gì – hoặc nếu bạn cảm thấy bị đau dữ dội, phân có máu, vọp bẻ ở bụng, hoặc xuống cân, thì bạn nên đi khám bác sĩ, bác sĩ Malkin nói.  Các triệu chứng này có thể chỉ ra rằng các vấn đề ở bụng là một dấu hiệu của một chứng bệnh nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như rối loạn viêm đường ruột (inflammatory bowel disorder - IBD).

Loét

Tình trạng loét xảy ra ở niêm mạc thực quản, dạ dày, hoặc ruột.  Stress có thể làm cho các chỗ bị loét trở nên trầm trọng hơn, nhưng stress có thể không là nguyên nhân gây loét đường tiêu hóa.  Thay vào đó, các trường hợp loét có thể phát sinh khi bạn sử dụng thường xuyên các loại thuốc giảm đau không cần toa bác sĩ như ibuprofen hoặc aspirin, hoặc do các bệnh nhiễm khuẩn gây ra, bác sĩ Malkin nói.

Bạn sẽ cảm thấy: Đau rát ở vùng rốn.  Bạn cũng có thể cảm thấy đau nhiều hơn sau khi ăn hoặc cảm thấy no nhanh, cũng như cảm thấy bị trào ngược axit (axit reflux), xuống cân đột ngột, hoặc phân có máu.

Bạn nên làm gì: Có thể chỉ cần điều trị tại nhà cho các trường hợp loét nhẹ.  Giảm hàm lượng axit trong dạ dày bằng cách TRÁNH tiêu thụ cà phê, rượu bia, và các loại thực phẩm cay; NGƯNG sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau không cần toa bác sĩ nào; và bắt đầu sử dụng một loại thuốc trung hòa axit không cần toa bác sĩ.  Hãy điện thoại cho bác sĩ nếu bạn không cảm thấy khá hơn sau vài ngày, hoặc nếu phân của bạn có máu.  Điều này có thể chỉ ra rằng chỗ loét của bạn đang chảy máu.

Bệnh Celiac

Hiện nay, các loại thực phẩm không chứa chất gluten đã xuất hiện khắp mọi nơi.  Nhưng chỉ có 1% dân số Hoa Kỳ thực sự mắc bệnh celiac (celiac disease) – một phản ứng tự miễn dịch gây viêm đối với một số loại protein trong các loại ngũ cốc – cần phải tuân theo chế độ ăn đó.

Bạn sẽ cảm thấy: Khoảng 1 phần 3 số người thành niên bị bệnh celiac gặp phải tình trạng đau vùng bụng, đầy hơi, hoặc tiêu chảy sau khi ăn những loại thực phẩm chứa lúa mì (wheat), lúa mạch (barley), hoặc lúa mạch đen (rye).  Điều gây ngạc nhiên là, các triệu chứng không liên quan đến tiêu hóa, chẳng hạn như mệt mỏi, trầm cảm, đau xương hoặc khớp, ngứa ran hoặc tê, và những đợt phát ban không thể giải thích thường xảy ra phổ biến hơn so với hiện tượng khó chịu vùng bụng ở nhiều người thành niên mắc bệnh celiac.

Bạn nên làm gì: Hãy nói chuyện với bác sĩ về những chọn lựa xét nghiệm cho bệnh celiac, như xét nghiệm máu.  Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh này, thì bạn sẽ cần phải tránh tiêu thụ các loại thực phẩm chứa chất gluten, như bánh mì, để cảm thấy khá hơn và để tránh tổn thương ruột.

Hội Chứng Kích Thích Đường Ruột

Hội chứng kích thích đường ruột (irritable bowel syndrome – IBS) bao gồm tình trạng đau bụng mãn tính và những thay đổi trong vấn đề đi tiêu mà không có sự giải thích nào khác, bác sĩ Rizk nói.  Hội chứng này có thể bị kích thích bởi những bất thường trong các cơ ở đường ruột và dạ dày, hoặc bởi những rối loạn trong quá trình trao đổi tín hiệu giữa não và các dây thần kinh ở ruột, làm cho cơ thể của bạn phản ứng quá mức đối với những quá trình tiêu hóa bình thường.

Bạn sẽ cảm thấy: Vọp bẻ ở bụng, đánh hơi (đánh rắm), và đầy hơi.  Có một số người mắc bệnh IBS bị tiêu chảy, trong khi đó có một số người bị táo bón.  Có những bệnh nhân không may mắn sẽ gặp phải cả hai hiện tượng, tiêu chảy và táo bón.

Bạn nên làm gì: Hãy đi khám bác sĩ.  “Bạn muốn loại trừ những trường hợp không dung nạp thực phẩm như bệnh celiac, cũng như các tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn như rối loại viêm đường ruột hoặc ung thư”, bác sĩ Rizk nói.  Bác sĩ có thể giúp bạn phát triển một kế hoạch quản lý các triệu chứng của mình, chẳng hạn như chỉ ra những loại thực phẩm gây ra vấn đề, tiêu thụ đúng số lượng chất xơ, hoặc sử dụng các loại thuốc chống vọp bẻ cơ, các loại thuốc này giúp cho các cơ ở ruột và dạ dày của bạn được thư giãn.

Viêm Tuyến Tụy

Tiêu thụ quá nhiều rượu bia và sỏi mật là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng viêm tuyến tụy – tuyến này cư trú ở vùng bụng trên, có chức năng giúp tiêu hóa và kiểm soát đường huyết (blood sugar) – theo lời bác sĩ y khoa William Katkov, chuyên gia đường ruột và dạ dày tại Trung Tâm Sức Khỏe Providence St. John ở thành phố Santa Monica, California.

Bạn sẽ cảm thấy: Đau vùng bụng trên và lan tỏa ra phía lưng.  Cơn đau có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng, và trở xấu sau khi ăn.  Khu vực này cũng có thể cảm thấy đau khi chạm vào.  Bạn cũng có thể cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa.

Bạn nên làm gì: Thỉnh thoảng, các trường hợp viêm tuyến tụy nhẹ có thể tự khỏi bệnh.  Nhưng nếu cơn đau tỏ ra nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn vài giờ, thì bạn phải điện thoại cho bác sĩ.  Vì viêm tuyến tụy trở nên nghiêm trọng khi bạn ăn loại thực phẩm cứng, do đó bạn có thể cần được nhập viện và truyền nước biển cho đến khi tình trạng viêm giảm xuống.

Bệnh Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản

Thường được gọi là trào ngược axit, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (gastroesophogeal reflux disease – GERD) xảy ra khi axit từ dạ dày liên tục trào ngược lên thực quản.  Căn bệnh này có thể bị gây ra bởi áp suất gia tăng ở bụng do quá cân, hoặc do các loại thuốc như thuốc giảm đau hoặc thuốc chống trầm cảm.

Bạn sẽ cảm thấy: Điển hình là, một cảm giác đau rát phía sau xương ngực (breastbone).  “Nhưng bạn cũng có thể mắc bệnh GERD mà không có cảm giác đau rát này”, bác sĩ Katkov nói.  Hãy tiếp tục theo dõi các triệu chứng như buồn nôn, hơi thở hôi, nuốt bị đau, khàn giọng, hoặc các triệu chứng giống bệnh suyễn.

Bạn nên làm gì: Giảm cân nếu cần thiết, và tránh xa các loại thực phẩm kích thích tình trạng ợ chua – điển hình là các loại thực phẩm cay, chứa nhiều chất béo, hoặc chiên xào.  Nếu biện pháp này không giúp ích, bạn có thể thử một loại thuốc trung hòa axit không cần toa bác sĩ.

Nhưng nếu như bạn nhận thấy rằng bạn vẫn còn phụ thuộc vào các loại thuốc này sau một tháng, thì bạn nên nói chuyện với bác sĩ để thảo luận các chọn lựa điều trị khác với mục đích kiểm soát được tình trạng trào ngược axit của bạn, chẳng hạn như sử dụng các loại thuốc chặn axit cần toa bác sĩ hoặc tiến hành phẫu thuật.  “Theo thời gian, tình trạng trào ngược axit có thể gây ra những thay đổi trong mô thực quản mà có thể dẫn đến bệnh ung thư thực quản”, bác sĩ Katkov nói.

Viêm Túi Thừa

Xảy ra phổ biến ở những người trên 40 tuổi, viêm túi thừa(diverticulitis: viêm chi nang) xảy ra khi các túi nhỏ hình thành ở niêm mạc kết tràng trở nên nhiễm trùng và viêm.  Cao tuổi, bị béo phì, và chế độ ăn ít chất xơ giàu chất béo sẽ làm tăng nguy cơ viêm túi thừa.

Bạn sẽ cảm thấy: Một cơn đau nhói ở vùng bụng dưới bên trái.  Nó thường đi kèm với buồn nôn, nôn mửa, sốt, và táo bón.  Đó là bởi vì hiện tượng viêm ở khu vực đó làm cho bạn khó đi tiêu, bác sĩ Rizk nói.

Bạn nên làm gì: Hãy điện thoại cho bác sĩ, bác sĩ có thể chẩn đoán cho bạn sau khi tiến hành chụp X-quang, chụp CT, hoặc siêu âm.  Đối với trường hợp viêm túi thừa nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng thuốc kháng sinh và yêu cầu nghỉ ngơi nhiều.  Đối với trường hợp nghiêm trọng hoặc các triệu chứng tái phát, thì bạn có thể cần được giải phẫu.

Viêm Ruột Thừa

Viêm ruột thừa (appendicitis) xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng làm cho ruột thừa của bạn – một túi có hình ngón tay gần kết tràng – trở nên viêm.

Bạn sẽ cảm thấy: Đau âm ỉ xuất hiện đột ngột và cảm giác đau khi chạm vào ở vùng bụng dưới bên phải mà cơn đau này càng lúc càng trở nên dữ dội.  Cơn đau có thể trở xấu khi bạn đi bộ, ho, hoặc thực hiện các chuyển động rung lắc, bác sĩ Katkov nói.  Bạn cũng có thể bị buồn nôn, nôn mửa, sốt, hoặc đầy hơi.

Bạn nên làm gì: Đi ngay đến khoa cấp cứu.  Nếu bạn bị viêm ruột thừa, thì bạn sẽ được giải phẫu để cắt bỏ ruột thừa.  Nếu không, ruột thừa có thể bị rách và gây nhiễm trùng cho toàn bộ khu vực bụng.

Ung Thư Dạ Dày

Ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma), hình thành ở niêm mạc dạ dày, là một dạng ung thư dạ dày phổ biến nhất.  Đây là một nguyên nhân khá hiếm cho trường hợp bị đau bụng, và thường xảy ra ở những người trên 65 tuổi.

Bạn sẽ cảm thấy: Bạn có thể gặp phải các triệu chứng giống như tình trạng loét, đau bụng hoặc đầy hơi, buồn nôn, cảm thấy no hoặc mất khẩu vị.  “Cơn đau tùy thuộc vào vị trí của khối u”, bác sĩ Rizk nói.  Hãy tiếp tục theo dõi các triệu chứng như buồn nôn, phân có máu, mệt mỏi, và xuống cân.

Bạn nên làm gì: Nếu các triệu chứng của bạn kéo dài hơn 2 tuần, thì bạn nên đi khám bác sĩ để kiểm tra, chẳng hạn như tiến hành nội soi(endoscopy).  Phương pháp điều trị có thể thay đổi tùy theo dạng bệnh ung thư và giai đoạn bệnh, bác sĩ Rizk nói. (Trở về đầu trang)





RNA THÔNG TIN VÀ UNG THƯ BUỒNG TRỨNG


Ung thư buồng trứng, một trong số các bệnh ung thư khó chẩn đoán và điều trị nhất, đặc biệt nguy hiểm vì lý do đó, nhưng các nhà nghiên cứu của trường Đại Học Y Khoa San Diego California (UC San Diego School of Medicine) và Trung Tâm Ung Thư Moores(Moores Cancer Center) đã tìm thấy các chất đánh dấu sinh học (biomarker) mà họ tin có thể được sử dụng để tìm ra căn bệnh này ở giai đoạn đầu.


Các nhà nghiên cứu đã xác định sáu chất đồng phân RNA thông tin (messenger RNA isoform: các mảnh chất di truyền có các chuỗi axit amin và mã tương tự nhưng không giống hệt nhau cho các protein có chức năng tương tự) được các tế bào ung thư buồng trứng sản sinh – nhưng không phải do các tế bào bình thường sản sinh.  Sự hiện diện của các chất đồng phân này có thể cho thấy dấu hiệu bị ung thư buồng trứng giai đoạn đầu, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

Và một vài chất đồng phân RNA thông tin (mRNA) viết mã cho các protein đặc biệt mà các protein này có thể là mục tiêu của các phương pháp chữa bệnh mới.

“Chúng tôi lấy cảm hứng từ nhiều nghiên cứu hướng đến việc sử dụng ADN (DNA) để phát hiện ung thư”, theo lời của tác giả dẫn đầu cuộc nghiên cứu Christian Barrett, chuyên gia về thông tin sinh học và là một nhà khoa học dự án (project scientist) tại Viện Y Học Bộ Gen của trường Y Khoa UC San Diego.

“Nhưng chúng tôi tự hỏi nếu thay vào đó chúng tôi có thể phát triển một phương pháp xét nghiệm phát hiện ung thư buồng trứng dựa trên RNA thông tin liên quan đến khối u (tumor-specific mRNA) mà đã lan đi từ các tế bào ung thư đến cổ tử cung và có thể được thu thập trong một xét nghiệm Pap”, tiến sĩ Barrett nói trong một công bố báo chí vào ngày 25 tháng 5 năm 2015.

ADN (DNA), một dạng nguyên thủy của sự sống, chứa đựng rất nhiều thông tin mà không chỉ là các gen viết mã cho các protein.  Ngược lại, các RNA thông tin (mRNA), là những bản sao bổ sung (complementary copy) của các gen này.  Các RNA thông tin chứa các hướng dẫn cho từng protein được sản sinh từ các tế bào “từ hạt nhân đến bào tương, ở đây cơ cấu tế bào có thể đọc được công thức và tạo ra các protein tương ứng”, theo công bố báo chí này.

Theo các tác giả của nghiên cứu này, lợi thế của việc sử dụng RNA thông tin ung thư cho công tác chẩn đoán thay vì sử dụng ADN (DNA) chỉ “đơn thuần là những con số” – một tế bào ung thư có thể chỉ có một hoặc vài bản sao ADN (DNA) đột biến, nhưng các đột biến RNA thông tin có thể xảy ra từ hàng trăm đến hàng ngàn bản sao trong mỗi tế bào.

Nhóm nghiên cứu đã phát triển một phương pháp giải thuật(algorithm) nhằm khảo sát 2 cơ sở dữ liệu gen quy mô lớn, The Cancer Genome Atlas (TCGA) và Genotype-Tissue Expression (GTEx), cả hai cơ sở dữ liệu này được hỗ trợ bởi Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health – NIH).

TCGA là một danh mục về RNA và ADN (DNA) từ 500 khối u bao gồm nhiều dạng ung thư, và GTEx là một cơ sở dữ liệu về RNA và ADN (DNA) từ các mô bình thường.  Các nhà nghiên cứu đã có thể phân tích các chuỗi RNA thông tin (mRNA) từ 296 trường hợp ung thư buồng trứng và 1839 các mẫu mô bình thường.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 6 phân tử đồng phân RNA thông tin có tính đặc hiệu của khối u cần thiết cho một chẩn đoán phát hiện sớm bệnh ung thư buồng trứng.

“Các kết quả thử nghiệm của chúng tôi được thực hiện trong phòng thí nghiệm và được tiến hành trên các tế bào ung thư buồng trứng từ các mẫu mô”, theo lời tiến sĩ Cheryl Saenz đồng tác giả nghiên cứu, và là giáo sư lâm sàng khoa y học sinh sản (reproductive medicine), ông chuyên về điều trị ung thư phụ khoa (gynecologic cancer).  “Các thử nghiệm lâm sàng cần phải được tiến hành ở các phụ nữ mà chúng ta biết họ bị ung thư để chứng thực sự hiện diện của các chất sinh học đánh dấu này, cũng như ghi lại sự vắng mặt của các chất đánh dấu này ở những phụ nữ không bị ung thư buồng trứng.

Các tác giả thừa nhận những hạn chế trong phương pháp tiếp cận của họ, bao gồm “các hạn chế về kỹ thuật trong việc phát hiện các chất đồng phân RNA thông tin, sự thiếu hụt các mẫu buồng trứng bình thường và ống dẫn trứng kiểm soát (fallopian tube control sample) và cơ hội các tế bào khối u lan đến cổ tử cung có thể không hoạt động (một cách di truyền) tương tự như khối u nguyên phát”.

Tuy nhiên, các kết quả chứa đầy hứa hẹn đến nỗi các nhà nghiên cứu đề xuất mở rộng tiến trình xác định các chất đồng phân RNA thông tin liên quan đến khối u sang các dạng khối u khác. (Trở về đầu trang)




MỒ HÔI CỦA BẠN TIẾT LỘ ĐIỀU GÌ

Không một phụ nữ nào cảm thấy hài lòng khi gương mặt của họ quá ẩm ướt và không thể trang điểm được vào buổi sáng mùa hè, hoặc khi mà hầu như mọi chiếc áo trắng của bạn bị đổi màu vĩnh viễn, nhưng mồ hôi thực sự là hệ thống làm mát cơ thể khá thông minh.  Khi nhiệt độ cơ thể của bạn tăng lên, hệ thần kinh của bạn sẽ bật đèn xanh cho các tuyến mồ hôi, và nước ẩm sẽ rịn ra trên da, sau đó nhanh chóng bốc hơi, giúp làm mát cơ thể bạn.  


Tuy nhiên, chúng ta thường xuyên gặp khó khăn với mồ hôi của mình: cố gắng làm cho nó bớt hôi, cố gắng không để chảy mồ hôi trong một cuộc họp quan trọng, rồi cố gắng đổ thật nhiều mồ hôi tại phòng tập thể dục.  Nhưng nếu bạn dừng lại và chú ý một chút, thì tất cả những trường hợp chảy mồ hôi có thể dạy cho bạn biết rất nhiều về cơ thể và sức khỏe của mình.  Sau đây là một số điều mồ hôi muốn tiết lộ cho bạn biết.

Bạn đang mang thai…hoặc bước vào thời kỳ mãn kinh

Bất kỳ vấn đề gì liên quan đến hệ thống nội tiết của bạn (tập hợp các tuyến sản sinh hooc môn của cơ thể) đều có thể làm cho bạn cảm thấy ướt đẫm mồ hôi hơn bình thường.  Dĩ nhiên, phải nhắc đến cảm giác nóng đột ngột (hot flash) đáng sợ, mà có khoảng 85% số phụ nữ gặp phải trong những năm mãn kinh, nhưng vấn đề mang thai cũng có thể là nguyên nhân.  Chính là bởi vì những thay đổi về hooc môn dường như làm xáo trộn “bộ ổn nhiệt” của não, làm cho bạn nghĩ rằng bạn đang bị nóng bức – sau đó kích hoạt đáp ứng chảy mồ hôi giúp làm mát cơ thể một cách tự nhiên – ngay cả khi bạn đang đứng trước máy điều hòa.

Bạn đang bị stress

Nếu bạn cứ liên tục ngửi thấy và tự hỏi: “Có phải là mùi của tôi không?”, thì hãy giành vài giây để nghĩ xem điều gì đã xảy ra trong đầu của bạn gần đây.  Nếu bạn bị stress hoặc lo âu, thì mồ hôi của bạn chính là nguyên nhân.  Mồ hôi do cơ thể chúng ta sản sinh khi chúng ta cảm thấy nóng được tạo ra bởi các tuyến mồ hôi nội tiết (eccrine gland) trên khắp cơ thể và chứa phần lớn là nước và muối.  Nhưng khi chúng ta bị stress, mồ hôi được sản sinh bởi các tuyến tiết mùi (apocrine gland), các tuyến này chỉ được tìm thấy ở một số khu vực chẳng hạn như nách.  Loại mồ hôi này chứa chất béo và protein pha trộn với vi khuẩn trên da của chúng ta, tạo ra mùi hôi trong quá trình tiết ra.  Trường hợp tương tự cũng xảy ra nếu chúng ta cảm thấy lo âu hoặc sợ hãi.

Bạn đang cảm thấy vui sướng

…hoặc đang sợ hãi.  Điều khá kỳ lạ là, những người xung quanh bạn có thể hiểu được cảm xúc của bạn bằng cách ngửi mùi mồ hôi của bạn.  Trong một nghiên cứu, 36 phụ nữ ngửi mùi mồ hôi của 12 người đàn ông đã được xem những video làm cho họ sợ hoặc làm cho họ vui thích.  Khi một người phụ nữ ngửi mồ hôi của một người đàn ông đã được xem phim kinh dị, thì nét mặt của cô có vẻ như đang sợ hãi.  Khi cô ngửi mồ hôi của một người đàn ông có cảm xúc vui sướng, thì nét mặt của cô lại có vẻ như đang cười.  Do đó, bạn nên mỉm cười trong lúc đang tập thể dục.

Bạn có nguy cơ bị sốc nhiệt

Mọi thứ đều bình thường khi bạn đi bộ vào mùa hè, thì bỗng nhiên bạn nhận thấy mình không còn chảy mồ hôi nữa và bắt đầu cảm thấy chóng mặt.  Giảm tiết mồ hôi(anhidrosis), hoặc mất khả năng chảy mồ hôi như bình thường, có thể rất nguy hiểm, vì nó ngăn cản quá trình làm mát tự nhiên của cơ thể.  Nếu bạn tiếp tục đi và không bổ sung nước cho cơ thể, thì bạn sẽ có nguy cơ bị các chứng bệnh về nhiệt chẳng hạn như kiệt sức do nhiệt (heat exhaustion) hoặc say nhiệt (heatstroke).  Hãy đi vào những nơi có bóng cây hoặc có máy lạnh và tìm nước mát để uống (không chứa caffeine hoặc cồn).  Nếu bạn không cảm thấy khá hơn, thì phải đi cấp cứu ngay.

Tuy nhiên, tình trạng giảm tiết mồ hôi kéo dài lâu hơn có thể là do tổn thương thần kinh, sử dụng một số loại thuốc, hoặc một tình trạng bệnh lý di truyền, mà nó có thể làm tăng nguy cơ mắc phải các chứng bệnh do nhiệt và các vấn đề về tim, theo lời bác sĩ David M. Pariser, nguyên chủ tịch Hiệp Hội Da Liễu Hoa Kỳ (American Academy of Dermatology).  Nhưng trường hợp này hiếm khi xảy ra, ông nói; bởi vì bạn không cảm thấy lạnh và ẩm ướt, không có nghĩa là bạn không thực sự chảy mồ hôi.  Đa số chúng ta sản sinh khoảng 1,5 oz (44 ml) mồ hôi mỗi ngày, chưa tính đến số lượng mồ hôi bạn tiết ra trong lúc tập thể dục.  Nếu bạn lưu ý thấy bạn thực sự bị giảm tiết mồ hôi, thì phải nhớ thông báo cho bác sĩ của bạn biết.

Mức đường huyết của bạn xuống thấp

Thông thường, hàm lượng đường trong máu của bạn nằm trong khoảng từ 70 đến 100 mg/dL, nếu được đo trong lúc nhịn ăn.  Nếu nó giảm xuống dưới mức 70, cho dù là do bệnh tiểu đường hoặc do tập thể dục căng thẳng, thì bạn có thể sẽ bắt đầu cảm thấy các tác động của nó.  Một trong số các triệu chứng có thể là chảy mồ hôi quá nhiều, hoặc da bị lạnh và ẩm ướt, đặc biệt ở phần lưng và sau gáy.  (Đồng thời cũng để ý đến nhịp tim đập nhanh, rung người, buồn nôn nhẹ, chóng mặt, và nhìn bị nhòe).  Điều may mắn là, trong trường hợp mức đường huyết giảm nhẹ, bạn có thể đưa mức đường huyết trở lại bình thường bằng cách ăn hoặc uống một thứ gì đó.  Nhưng nếu mức đường huyết tiếp tục giảm xuống, bạn có thể sẽ bắt đầu lưu ý thấy những triệu chứng nghiêm trọng hơn và có thể bạn cần phải đi khám bác sĩ.

Bạn đang tiêu thụ các loại thực phẩm không phù hợp

Nếu cơ thể bạn có mùi tanh cá, thì bạn có thể bị một rối loạn di truyền hiếm thấy có tên là hội chứng mùi cá (trimethylaminuria hoặc fish odor syndrome), điều này có nghĩa là cơ thể của bạn không thể phân hủy hợp chất hóa học trimethylamine, được sản sinh trong quá trình tiêu hóa các loại thực phẩm như trứng, các loại rau đậu (legume), và cá.  Thay vào đó, cơ thể bạn sẽ bài tiết chất trimethylamine thừa qua mồ hôi, nước tiểu, và hơi thở - thường tạo ra mùi giống như cá thối, trứng thối, hoặc rác, theo Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health).  Nếu bạn nghĩ rằng bạn có khả năng bị hội chứng này, hãy thảo luận với bác sĩ của bạn để đưa ra một kế hoạch điều trị tốt nhất, kế hoạch này thường bao gồm việc tránh tiêu thụ các loại thực phẩm này, và có thể sử dụng một số loại thực phẩm chức năng.

Bạn có thể cần phải uống nhiều loại thức uống

Có bao giờ mồ hôi chảy vào mắt bạn, làm cho bạn bị cay mắt?  Mồ hôi khô có để lại một vệt trắng trên má của bạn không?  Nếu có, thì có lẽ bạn là người có mồ hôi muối, thường thấy ở những người uống nhiều nước trong ngày và có chế độ ăn với lượng muối khá thấp.  Có lẽ bạn nên tìm mua một loại thức uống thể thao (sports drink) hoặc một viên tăng cường chất điện phân (electrolyte tablet), loại viên này có thể hòa tan trong nước.

Bạn có thể bị chứng tăng tiết mồ hôi

Nếu bác sĩ không thể tìm ra sự giải thích nào cho tình trạng chảy mồ hôi nhiều của bạn, thì bạn có thể mắc phải một rối loạn được gọi là tăng tiết mồ hôi ổ nguyên phát (primary focal hyperhidrosis), khi bản thân chứng chảy mồ hôi nhiều là một tình trạng bệnh lý.  Nếu bạn là người đam mê chạy xe đạp trong phòng (spinning enthusiast), thì có lẽ bạn không bị chứng tăng tiết mồ hôi cho dù bạn có thể chảy cả biển mồ hôi trên đường chạy.  Tăng tiết mồ hôi ổ nguyên phát thường có đặc điểm là chảy mồ hôi nhiều mà điều này có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của bạn.  “Trên nguyên tắc thì cơ thể bạn sẽ đổ mồ hôi khi bạn cảm thấy nóng, hoặc tập thể dục, hoặc bị stress”, theo lời của bác sĩ Pariser, thư ký và là thành viên sáng lập của Hiệp Hội Tăng Tiết Mồ Hôi Quốc Tế (International Hyperhidrosis Society).  Những người bị chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát thường chảy mồ hôi vào những lúc đáng lý ra họ không bị”.  Ngay cả trong một căn phòng mát mẻ, và ngồi bất động, thì một người bị chứng tăng tiết mồ hôi cũng có thể bị chảy mồ hôi ở bàn tay, ông nói.

Các chuyên gia vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ nguyên nhân tại sao tình trạng này xảy ra, nhưng họ đều biết rằng chứng tăng tiết mồ hôi có di truyền trong gia đình, đồng thời là kết quả của sự kích thích quá nhiều các dây thần kinh kích hoạt các tuyến mồ hôi.  “Nút bật của tuyến mồ hôi đã bị kẹt”, bác sĩ Pariser nói.  Tùy thuộc vào khu vực chảy mồ hôi, phương pháp điều trị chứng tăng tiết mồ hôi sẽ thay đổi khác nhau, nhưng có thể bao gồm thuốc chống chảy mồ hôi tác dụng mạnh được kê toa (ngay cả trên hai bàn tay và bàn chân), tiêm Botox, và giải phẫu.

Bạn có thể bị u lym phô

Tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis) cũng có thể là một phản ứng phụ của một số tình trạng sức khỏe – bao gồm bệnh gút (gout), tăng năng tuyến giáp (hyperthyroidism), và bệnh Parkinson (Parkinson’s disease) – và thậm chí của một số loại thuốc.  Điều đặc biệt lo ngại, đó là, nó có thể là một triệu chứng của u lym phô (lymphoma), hoặc ung thư tế bào bạch huyết, các tế bào này đóng một vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch.  Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ lý do tại sao u lym phô lại gây ra hiện tượng chảy mồ hôi nhiều; có thể là một vấn đề gì đó về bản thân u lym phô hoặc cách thức cơ thể phản ứng lại nó, bác sĩ Pariser nói.  Có thể đó là sự đáp ứng lại một triệu chứng khác, chẳng hạn như tình trạng sốt – khi cơ thể cố gắng hạ nhiệt.  (Sốt và chảy mồ hôi được xem là các triệu chứng “B” và được xem liên quan đến trường hợp u lym phô nghiêm trọng hơn).  Hoặc nó có thể bị gây ra bởi các hooc môn và các protein được các tế bào ung thư tạo ra, theo Hiệp Hội U Lym Phô Anh Quốc (UK Lymphoma Association). (Trở về đầu trang)




TẠI SAO TÔI TRỞ NÊN THẤP HƠN KHI CÓ TUỔI

Quay trở lại thời gian khi bạn còn là một đứa bé sơ sinh, cứ cách vài tháng bác sĩ có lẽ lại đặt bạn xuống để đo chiều cao của bạn.

Rồi đến một ngày: bạn hiên ngang bước vào phòng khám bác sĩ bằng chính đôi chân của mình, và thay vì nằm xuống để được đo chiều cao, bạn lại đứng thẳng.  Và có khả năng rằng khi bác sĩ viết xuống chiều cao của bạn, thì dường như nó cho thấy rằng bạn đã bị thấp hơn so với lần thăm khám trước.


Đương nhiên, sự thật là cơ thể bạn thực sự không bị rút ngắn.  Khi bạn được đo chiều cao ở tư thế đứng, trọng lực (lực hút trái đất) sẽ nén cột sống của bạn lại.  Trong lần thăm khám theo dõi, bạn sẽ nhanh chóng bù lại được những thước tấc đã mất, các mốc chiều cao của bạn tăng lên trên biểu đồ của bác sĩ tương tự như các mốc chiều cao của bạn ở tường nhà.

Vài thập niên sau, điều tương tự cũng sẽ xảy ra với bạn như bây giờ, với hai sự khác biệt nhỏ: chiều cao của bạn thực sự bị rút ngắn.  Và bạn sẽ không thể lấy lại được chiều cao đó.

Bắt đầu ở độ tuổi khoảng 40, mọi người có xu hướng giảm chiều cao khoảng 0,4 inch (khoảng 1 cm) cứ mỗi 10 năm, theo lời của bác sĩ David B. Reuben, trưởng khoa lão (geriatrics) ở Đại Học Y Khoa David Geffen (David Geffen School of Medicine) tại trường U.C.L.A.  Một số trường hợp bị giảm chiều cao là một phần của quá trình lão hóa, và một số khác là do bệnh tật.  Người bạn trọng lực của chúng ta, nguyên nhân gây giảm chiều cao ở lần đo trong tư thế đứng đầu tiên, cũng đóng một vai trò.  “Đó là định luật Newton”, bác sĩ Reuben nói.

Khi chúng ta có tuổi, các đĩa đệm giữa các đốt sống, thỉnh thoảng được gọi là các đệm giống gel (gel-like cushion), bị khô và trở nên mỏng dần, kết quả là cột sống bị nén lại.  Chứng loãng xương (osteoporosis) cũng có thể đóng góp một phần.  Những người bị tình trạng này có thể bị các vết gãy (nứt) nhỏ do đè nén ở cột sống, và họ thường không biết.  “Cách tốt nhất để nghĩ đến trường hợp này là khi bạn đạp lên một lon nước ngọt thì lon nước ngọt này sẽ bị đè bẹp”, bác sĩ Reuben nói.

Các vết gãy (nứt) có thể dẫn đến tình trạng uốn cong cột sống quá mức, và tình trạng này thường thấy ở nhiều người khi họ có tuổi.  Khi nó đạt đến mức nghiêm trọng, thì tình trạng này được gọi là tăng tật gù (hyperkyphosis, thỉnh thoảng được gọi là dowager’s hump).  Tuy nhiên, tăng tật gù có thể xảy ra ngay cả khi không có các hiện tượng gãy (nứt), thường là do cơ bị mất độ rắn chắc, đặc biệt ở các nhóm cơ quan trọng như ở vùng bùng.  Thậm chí hiện tượng vòm bàn chân bị bẹt (trở nên phẳng) theo thời gian cũng góp phần làm giảm chiều cao.

Không có gì có thể thay đổi tình trạng giảm chiều cao này, nhưng những người tập thể dục, tạo sự rắn chắc cho các cơ, có thể giữ lại hoặc tạo chiều cao thông qua tư thế đứng thẳng hơn.  Và một số nghiên cứu, mặc dù còn nhiều tranh cãi, đã đưa ra chứng cứ đầy hứa hẹn rằng tập yoga có thể giúp đảo ngược hiện tượng cong cột sống.  Nếu bắt đầu tập vào những năm còn trẻ, yoga có thể giúp ngăn ngừa tình trạng này hoàn toàn, tuy nhiên cần thêm nhiều nghiên cứu đã thành lập chứng cứ này.

Tiêu thụ đầy đủ canxi và vitamin D có thể giúp ích cho bạn, bác sĩ Reuben nói.  Ngoài ra, còn có các loại thuốc được sử dụng để ngăn ngừa các trường hợp gãy (nứt) xương do chứng loãng xương gây ra.

Đương nhiên, nếu tập gập bụng (sit-up) hoặc tư thế chó úp mặt (downward dog) không phải là phương pháp tập của bạn, thì có hai phương pháp đơn giản để cảm thấy cao hơn.  Hãy kiểm tra chiều cao của bạn vào buổi sáng, đó là lúc bạn cao nhất.  Hoặc yêu cầu bác sĩ đo chiều cao của bạn khi bạn nằm xuống. (Trở về đầu trang)


Nguồn(Sources):