ĐIỀU TRỊ
Điều trị chóng mặt, mất thăng bằng, và choáng váng do rối loạn chức năng tiền đình
Hình thức điều trị được chỉ định cho các rối loạn tiền đình phụ thuộc vào các triệu chứng, bệnh sử và tình trạng sức khỏe chung, kết quả kiểm tra tổng quát do bác sĩ y khoa thực hiện, và các kết quả kiểm tra chẩn đoán. Bên cạnh việc được điều trị cho bất kỳ chứng bệnh tiềm ẩn nào mà nó có thể góp phần gây rối loạn tiền đình, phương pháp điều trị còn có thể bao gồm:
Trị Liệu Phục Hồi Tiền Đình
Trị liệu phục hồi tiền đình (vestibular rehabilitation therapy – VRT) là một chương trình tập thể dục được thiết kế để gia tăng sự bù trừ của hệ thần kinh trung ương cho các khiếm khuyết ở tai trong. Trị liệu VRT có thể giúp ích cho nhiều dạng rối loạn tiền đình, bao gồm chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (benign paroxysmal positional vertigo - BPPV) và giảm chức năng tiền đình hai bên (bilateral vestibular hypofunction) hoặc một bên (giảm chức năng tai trong ở một bên hoặc hai bên) liên quan đến bệnh Ménière, viêm mê đạo tai(labyrinthitis), và viêm thần kinh tiền đình (vestibular neuritis). Ngay cả những cá nhân bị các rối loạn tai trong dài hạn không thuyên giảm và họ đã được điều trị y tế trong một khoảng thời gian nhưng không thành công hoặc thành công không đáng kể cũng có thể có lợi khi được điều trị bằng phương pháp VTR. Trị liệu này cũng có thể giúp ích cho những người bị mất chức năng tiền đình đột ngột hoặc cấp tính sau khi phẫu thuật cho các vấn đề về tiền đình.
Lý Do Cần Đến Trị Liệu VRT
Khi các cơ quan tiền đình (vestibular organ) bị tổn thương do bệnh tật hoặc do thương tổn, não bộ không còn phụ thuộc vào các cơ quan này để có được những thông tin chính xác về sự thăng bằng và chuyển động, thường dẫn đến choáng váng, chóng mặt, các rối loạn về thăng bằng, và các triệu chứng khác. Nhiều người có thể tự hồi phục sau vài tuần hoạt động bình thường bởi vì não bộ đã thích ứng với một tiến trình gọi là tiến trình bù trừ tiền đình (vestibular compensation).
Tuy nhiên, nếu tiến trình bù trừ tiền đình không thành công, khả năng duy trì dáng đứng và phối hợp thăng bằng của một người có thể trở nên phụ thuộc một cách thái quá vào những thông tin nhập vào từ mắt, các cơ và các khớp (proprioception). Ngoài ra, cá nhân này có thể phát triển những kiểu chuyển động đầu và cơ thể hoàn toàn mới để cố gắng tránh choáng váng và buồn nôn. Ví dụ, một người bị rối loạn tiền đình có thể làm theo một cách lắc hông cường điệu như một phương pháp giữ thăng bằng, xoay toàn bộ cơ thể thay vì chỉ xoay đầu khi nhìn vào một vật gì đó, hoặc luôn luôn nhìn xuống sàn để tránh bị xoắn người. Điều đáng tiếc là, các chiến lược này có thể càng làm cho tiến trình bù trừ tiền đình khó khăn hơn, các triệu chứng trở xấu và thường gây nhức đầu, căng cơ, và mệt mỏi.
Mục tiêu của trị liệu VRT là huấn luyện lại não bộ để nó có thể nhận biết và xử lý các tín hiệu từ hệ thống tiền đình khi phối hợp với thị giác và khả năng nhận cảm trong cơ thể. Quá trình này thường bao gồm khả năng khử mẫn cảm hệ thống thăng bằng đối với những chuyển động kích thích tạo ra các triệu chứng.
Nội dung trị liệu VRT
Đầu tiên, chuyên gia trị liệu vật lý (physical therapist – PT) hoặc chuyên gia trị liệu cơ năng (occupational therapist – OT) sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá toàn diện, bắt đầu với bệnh sử và bao gồm việc quan sát cũng như xem xét dáng đứng, sự thăng bằng và dáng đi, và các chiến lược bù trừ. Sự xem xét đánh giá này cũng bao gồm các kiểm tra sự phối hợp giữa đầu và mắt (eye-head coordination test) giúp đánh giá mức độ theo dõi một vật đang di chuyển của hai mắt khi đầu chuyển động hoặc đứng yên. Các kiểm tra đánh giá khác cũng có thể được sử dụng, chẳng hạn như một bản câu hỏi đo lường tần suất, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, và các thay đổi về lối sống đi kèm.
Sử dụng các kết quả đánh giá, chuyên gia điều trị sẽ phát triển một kế hoạch cho từng cá nhân bao gồm các bài tập cho đầu, cơ thể, và mắt một cách cụ thể, các bài tập này được thực hiện trong các buổi điều trị cũng như được thực hiện tại nhà. Các bài tập này được thiết kế để huấn luyện lại não bộ để nhận biết và xử lý các tín hiệu từ hệ thống tiền đình, phối hợp chúng với các thông tin từ thị giác và khả năng nhận cảm trong cơ thể. Quá trình này thường bao gồm khả năng khử mẫn cảm hệ thống tiền đình đối với các chuyển động kích thích tạo ra các triệu chứng, gia tăng các hoạt động và bài tập thể dục tại nhà để tăng cường sức cơ.
Tùy thuộc vào khả năng chẩn đoán và sự hợp tác với bác sĩ, việc điều trị trong phòng khám với chuyên gia điều trị cũng có thể bao gồm một dạng trị liệu VRT đặc biệt được gọi là tiến trình tái điều chỉnh vị trí sỏi tai (canalith repositioning procedure), thường được gọi là Epley maneuver.
Các tác hại và tác dụng của trị liệu VRT
Một số bài tập và các hoạt động thoạt đầu có thể làm tăng các triệu chứng khi cơ thể và não bộ cố gắng phân biệt các kiểu chuyển động mới. Vì thế, thỉnh thoảng có người ngưng trị liệu VRT, vì cho rằng trị liệu này càng làm cho rối loạn tiền đình của họ trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, khả năng duy trì thăng bằng cải thiện theo thời gian nếu các bài tập được thực hiện đúng quy cách và không bỏ cuộc. Căng cơ, nhức đầu, và mệt mỏi sẽ giảm bớt, các triệu chứng chóng mặt, choáng váng, và buồn nôn sẽ giảm dần hoặc biến mất. Thông thường, trị liệu VRT tỏ ra rất thành công và không cần đến các phương pháp điều trị khác.
Tiến trình mất bù
Sau khi não đã học cách bù trừ cho tình trạng suy giảm chức năng tiền đình, thì các tình trạng như cảm lạnh hoặc cảm cúm, tiểu phẫu(minor surgery), hoặc thậm chí bất cứ tình trạng nào làm gián đoạn hoạt động bình thường trong vài ngày cũng có thể làm cho não “quên” đi những gì nó đã học, và như thế các triệu chứng lại tái phát. Tiến trình này gọi là mất bù trừ (decompensation). Đa số bệnh nhân có thể hồi phục nhanh chóng từ tiến trình mất bù bằng cách quay trở lại với chương trình tập tại nhà được chuẩn bị trong buổi trị liệu VRT đầu tiên. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, thì điều quan trọng là phải được chuyên gia y tế chẩn đoán và điều trị, bởi vì vấn đề này cho thấy rằng chức năng tiền đình lại bị tổn thương thêm.
Trị liệu VRT và phẫu thuật
VRT là một phần quan trọng của phương pháp điều trị khi mà phẫu thuật được yêu cầu để điều trị rối loạn tiền đình. Chuyên gia trị liệu có thể tiến hành kiểm tra đánh giá chức năng tiền đình tiền phẫu thuật, thăm khám mỗi ngày trong thời gian nằm viện để giúp cho tình trạng tăng tạm thời các triệu chứng mà chúng thường đi kèm với phẫu thuật, và hướng dẫn một loạt các bài tập đơn giản để thực hiện tại nhà sau khi được xuất viện. Thông thường, các chuyên gia trị liệu sẽ tiến hành điều trị thêm sau khi bệnh nhân đã hồi phục sau phẫu thuật.
Tiến Trình Thay Thế Sỏi Tai (cho trường hợp BPPV)
Điều Trị BPPV
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (benign paroxysmal positional vertigo – BPPV) xảy ra là do sỏi tai bị dời chỗ, đây là những tinh thể cacbonat canxi nhỏ, các tinh thể này thường bám vào màng sỏi thính giác ở thông nang (utricle) của tai trong(inner ear). Khi bị chấn thương, nhiễm trùng, hoặc thậm chí lão hóa, sỏi tai có thể tách khỏi thông nang và tập trung bên trong các ống bán nguyệt (semicircular canal). Những chuyển động ở đầu làm thay đổi vị trí các viên sỏi bị tách ra và kích thích các sợi thần kinh nhạy cảm gửi đi các tín hiệu giả (false signal) đến não, gây ra choáng váng và các triệu chứng khác. Mục tiêu của tiến trình tái điều chỉnh vị trí sỏi tai, một hình thức trị liệu hồi phục tiền đình, là di chuyển các sỏi tai bị dời chỗ nhằm ngăn chặn các tín hiệu giả này và làm giảm bớt các triệu chứng có thể gây ra.
Bác sĩ John M. Epley đầu tiên mô tả tiến trình CRP vào năm 1992. Tiến trình gốc và nhiều tiến trình biến thể khác hiện đang được sử dụng thỉnh thoảng được gọi là tiến trình Epley (Epley maneuver hoặc maneuvers).
Thông qua một loạt những thay đổi về vị trí của đầu, tiến trình CRP di chuyển các sỏi tai từ ống tai đến thông tai. Sau khi đến thông tai, các sỏi tai có thể tái kết bám vào màng sỏi thính giác, hòa tan, và bị phân hủy, hoặc di chuyển đến một nơi nào đó mà chúng không thể gây ra các triệu chứng.
Các tiến trình này bao gồm một loạt các cử động ở đầu và thân được hướng dẫn theo kiểu hình đặc biệt, được tiến hành bởi một chuyên gia y tế, chuyên gia này sẽ quan sát cẩn thận những chuyển động ở mắt với từng sự thay đổi về tư thế. Trị liệu CRP có thể được tiến hành ở phòng khám bác sĩ đi kèm với việc sử dụng thuốc diazepam để giúp ngăn chặn hiện tượng buồn nôn xảy ra trong suốt quá trình, tiến trình này cần khoảng 15 phút để hoàn tất. Những hướng dẫn phòng ngừa được đưa ra ngay sau khi thực hiện tiến trình này nhằm đảm bảo rằng sỏi tai không có cơ hội quay trở về vị trí gây bệnh trước đây ở một trong những ống bán nguyệt.
Trị liệu CRP tỏ ra rất hiệu quả, với tỷ lệ chữa khỏi vào khoảng 80%. Tỷ lệ tái phát tình trạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) sau khi tiến hành trị liệu là tương đối thấp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể cần thêm các phương pháp điều trị khác.
Có hai tiến trình chính: CRP (the Epley maneuver) và Semont-Liberatory maneuver. Việc chọn lựa tiến trình phụ thuộc vào các kết quả của kiểm tra Dix-Hallpike (Dix-Hallpike test: cho biết ống nào có liên quan) và sỏi tai có ở trong ống bán nguyệt (canalithiasis) hay bám vào mỏm hình chén (cupula) của ống bán nguyệt (cupulolithiasis) hay không.
Trị liệu CRP được cho rằng có hiệu quả trong trường hợp sỏi tai xuất hiện trong ống bán nguyệt (canalithiasis) bởi vì nó có thể giúp dịch chuyển các sỏi tai trôi nổi tự do từ khu vực nhạy cảm (ống bán nguyệt) vào một nơi mà nó sẽ không gây chóng mặt. Trị liệu này có thể được sử dụng để điều trị tình trạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) của ống bán nguyệt sau (posterior semicircular canal) hoặc ống bán nguyệt trước (anterior semicircular canal). Đa số bệnh nhân thực hiện tiến trình này để điều trị tình trạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính ống bán nguyệt sau (posterior canal BPPV).
Các tiến trình này chỉ được thực hiện bởi một chuyên gia y tế đã được đào tạo chuyên nghiệp, chuyên gia này có thể bảo vệ thương tổn có thể xảy ra ở cổ và lưng cũng như xác định xem một số tình trạng sức khỏe (chẳng hạn như lỗ rò ngoại dịch [perilymph fistula], võng mạc bị bong tróc, thiếu máu mạch não [vertebrovascular insufficiency], trào ngược thực quản [esophageal reflux], và các chứng bệnh khác) có thể loại bệnh nhân ra khỏi danh sách ứng viên cho tiến trình này hay không. Các biến chứng tiềm tàng từ tiến trình này bao gồm khả năng bị tổn thương cổ/lưng hoặc các mảnh vụn sỏi đi vào một ống khác.
Dựa trên lý thuyết sỏi tai mỏm hình chén (cupulolithiasis theory) của tình trạng BPPV, các bài tập Brandt-Daroff được các bác sĩ T Brandt và R.B. Daroff đưa vào thực hành vào năm 1980. Họ đề xuất một bộ bài tập cho tình trạng BPPV được thực hiện nhiều lần trong một khoảng thời gian kéo dài cho đến 2 ngày sau khi các cơn bùng phát chóng mặt tư thế kết thúc. Mục đích của các bài tập này là để cho các sỏi tai ở mỏm hình chén trong ống bán nguyệt sau long ra và bị phân tán. Một số đề xuất rằng các bài tập này còn có thể có hiệu quả thông qua việc làm cho trở thành thói quen, qua đó sự kích thích não được lặp lại làm giảm khả năng đáp ứng của não với sự kích thích đó.
Tiến trình này bao gồm việc ngồi ở cạnh giường, chuyển sang tư thế nằm nghiêng một bên cho đến khi hiện tượng chóng mặt chấm dứt, quay trở lại vị trí ngồi trong một khoảng thời gian cố định, sau đó chuyển sang tư thế nằm nghiêng ở phía bên kia, và cứ lặp lại như thế. Các bài tập này được lặp lại nhiều lần trong ngày cho đến 2 ngày sau khi hiện tượng chóng mặt chấm dứt.
Đối với trị liệu CRP được mô tả ở trên cho trường hợp sỏi tai hiện diện trong ống bán nguyệt, chuyên gia y tế được đào tạo chuyên biệt sẽ xác định xem các bài tập này có thích hợp cho từng cá nhân không, và giúp đảm bảo rằng các bài tập này phải được thực hiện đúng quy cách và mang lại hiệu quả.
Những Cân Nhắc về Chế Độ Ăn
Chế Độ Ăn Có Thực Sự Quan Trọng Không?
Nhiều người mắc bệnh Ménière (Ménière’s disease), tăng thủy lực nội dịch thứ phát (secondary endolymphatic hydrops), và chứng chóng mặt liên quan đến đau nửa đầu (migraine-associated vertigo – MAV) nhận thấy rằng một số thay đổi về chế độ ăn tỏ ra có lợi cho việc quản lý rối loạn của họ. Việc tránh tiêu thụ các chất không có tính dinh dưỡng, chẳng hạn như nicotin và một số loại thuốc, cũng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
Cân Bằng Dịch Tai Trong
Các cấu trúc thính giác và thăng bằng chứa dịch của tai trong thường hoạt động độc lập với hệ thống dịch/huyết của cơ thể. Chất dịch (được gọi là nội dịch [endolymph]), có vai trò tạo sự ẩm ướt cho các tế bào nhận cảm của tai trong, giúp duy trì thể tích không đổi và chứa nồng độ ổn định các chất như Natri, Kali, Clorua, và các chất điện phân khác.
Khi bị thương tổn hoặc bệnh tật, thể tích và thành phần nội dịch có thể dao động với những thay đổi của dịch/huyết của cơ thể. Sự dao động này được xem là nguyên nhân gây ra các triệu chứng tăng thủy lực nội dịch (endolymphatic hydrops) hay còn gọi là bệnh Ménière (Ménière’s disease) – áp lực hoặc cảm giác đầy tai, ù tai (tinnitus), mất khả năng nghe, choáng váng, và mất thăng bằng. Do đó, đối với những người mắc bệnh Ménière (tăng thủy lực nội dịch nguyên phát) hoặc tăng thủy lực nội dịch thứ phát, (mà có thể tiếp tục gây tổn thương tai trong) thì việc duy trì sự ổn định trong hệ thống dịch/huyết của cơ thể là yếu tố hết sức quan trọng.
Các Chiến Lược Ăn Uống
Quản lý chế độ ăn uống để giúp kiểm soát sự cân bằng dịch cơ thể bao gồm việc thay đổi số lượng một số chất được tiêu thụ và giảm bớt những thay đổi bất thường về các số lượng đó. Các chiến lược này bao gồm:
- Tránh các chất kích hoạt tình trạng đau nửa đầu bao gồm các loại thực phẩm chứa axit amin tyramine. Các loại thực phẩm này bao gồm rượu đỏ (red wine: rượu vang), gan gà(chicken liver), thịt hun khói (smoked meat), sữa chua (yogurt), sôcôla, chuối, các loại trái cây họ cam quít (citrus fruit), trái sung (fig), phô mai chín (ví dụ: phô mai cheddar hoặc Brie), và các loại quả hạch (nut).
- Phân bố thực phẩm và tiêu thụ chất lỏng đều đặn trong ngày và mỗi ngày.
- Tránh các loại thực phẩm và thức uống có hàm lượng đường và muối cao. Các loại thực phẩm chứa những loại đường phức (ví dụ, các loại đường được tìm thấy trong những loại rau đậu [legume] và ngũ cốc nguyên hạt [whole grain]) là những chọn lựa thích hợp hơn so với các loại thực phẩm có nồng độ đường đơn (simple sugar, ví dụ đường cát và mật ong) cao. Tiêu thụ natri (sodium) cũng ảnh hưởng đến dịch cơ thể và quá trình điều tiết. Bác sĩ của mỗi cá nhân sẽ là người quyết định tốt nhất về mức tiêu thụ natri hợp lý.
- Uống đủ lượng chất lỏng mỗi ngày. Nếu có thể, dự đoán số lượng nước mất đi do tập thể dục hoặc do nhiệt gây ra, do đó cần tiêu thụ thêm chất lỏng trước khi và trong lúc tập thể dục cũng như trong điều kiện khí hậu ấm nóng.
- Tránh các loại thực phẩm và thức uống chứa caffeine. Caffeine là một chất gây kích thích và có thể làm cho tiếng ù tai lớn hơn. Các đặc tính lợi tiểu (diuretic) của chất này cũng gây mất nước qua đường tiểu.
- Hạn chế hoặc loại bỏ việc tiêu thụ rượu bia. Rượu bia có thể ảnh hưởng trực tiếp và có hại đến tai trong bằng cách thay đổi thể tích và thành phần chất lỏng ở tai trong.
Các Chất Không Có Tính Dinh Dưỡng
Bên cạnh những điều chỉnh về chế độ ăn, hãy chú ý đến những chất khác mà chúng có thể ảnh hưởng không tốt đến tai trong và có thể làm tăng các triệu chứng của rối loạn tiền đình. Ví dụ:
- Thuốc trung hòa axit (antacid) có thể chứa một số lượng lớn natri (sodium).
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, có thể giữ lại nước hoặc gây mất cân bằng các chất điện phân.
- Nicotin (được tìm thấy trong các sản phẩm thuốc lá và một số sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá) có thể làm tăng các triệu chứng, bởi vì nicotin làm giảm nguồn cung cấp máu đến tai trong bằng cách thu hẹp các mạch máu; nicotin còn làm tăng huyết áp ngắn hạn.
Đa số các hướng dẫn này thường được đề xuất cho những người mắc bệnh Ménière, tăng thủy lực nội dịch, hoặc bị đau nửa đầu tiền đình(vestibular migraine). Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể kết hợp một số nguyên lý này vào kế hoạch điều trị cho từng cá nhân.
Bài Tập Tại Nhà
Chương trình VRT tại nhà
Trong thời gian trị liệu phục hồi tiền đình (vestibular rehabilitation therapy – VRT), các bài tập tại nhà là một phần quan trọng của điều trị. Chuyên gia trị liệu vật lý hoặc chuyên gia trị liệu cơ năng sẽ thiết kế chương trình điều trị cho từng cá nhân với các bài tập thích hợp được thực hiện với nhịp độ được chỉ định.
Tăng cường sự thăng bằng và thể chất
Sự thành công của chương trình tái huấn luyện khả năng duy trì thăng bằng tùy thuộc một phần vào tình trạng thể chất tốt. Các chương trình tập luyện thể chất giúp gia tăng năng lượng và thể chất. Các nhà trị liệu có thể đề xuất các bài tập aerobic nhẹ hoặc một chương trình đi bộ để cải thiện tình trạng thể chất toàn diện. Các hoạt động, chẳng hạn như tập dưỡng sinh (Tai Chi) hỗ trợ cho những cải thiện về tình trạng thể chất chung và tăng cường khả năng duy trì thăng bằng.
Hệ thống game Wii cũng đã được các chuyên gia trị liệu vật lý và trị liệu cơ năng sử dụng để hỗ trợ các chương trình tập luyện thăng bằng tại nhà, nhưng bởi vì công nghệ này còn quá mới do đó có rất ít chứng cứ lâm sàng cho thấy tính hiệu quả của nó.
Các bài tập thể dục nào tôi có thể thực hiện khi tôi không thể tiếp cận với trị liệu vật lý?
Mặc dù VEDA không đề xuất thực hiện các bài tập tiền đình ở nhà nếu không được chẩn đoán và không có một kế hoạch điều trị cá nhân từ các chuyên gia điều trị tiền đình, nhưng nếu bác sĩ của bạn cho bạn biết rằng hiện tượng chóng mặt của bạn có liên quan đến rối loạn tiền đình và các bài tập có thể thích hợp cho bạn, thì hãy tự hỏi vấn đề gì làm cho bạn bị choáng váng. Tình trạng chóng mặt của bạn có liên quan đến một cử động đầu cụ thể nào không? Có thể khi bạn quay đầu hai bên để nhìn thì bạn cảm thấy choáng váng.
Sau khi đã xác định được các chuyển động của cơ thể gây choáng váng, bạn có thể bắt đầu một chương trình tập luyện để lặp lại những chuyển động đó nhằm giúp bạn đạt được khả năng bù trừ tiền đình (vestibular compensation). Điều quan trọng là lặp lại các cử động này 5 lần trong mỗi buổi tập và thực hiện 2 buổi tập mỗi ngày. Nếu bạn thấy có một vài cử động khác nhau làm cho bạn bị choáng váng, hãy chọn 2 cử động để tập cùng lúc. Một khi bạn không còn cảm thấy bị choáng váng khi làm các cử động này, thì tập thêm 2 cử động nữa. Đừng cố gắng tập từ 3 cử động trở lên cùng lúc.
Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào sau đây, thì hãy ngưng các bài tập và điện thoại cho bác sĩ:
- Thay đổi đột ngột hoặc bất thường về thính giác
- Cảm thấy áp lực hoặc cảm giác bị nghẽn tai đến mức khó chịu hoặc bị đau nhức (nhiều người cảm thấy áp lực tai tăng nhẹ nhưng không bị đau nhức)
- Bắt đầu bị ù 2 tai hoặc mức độ ù tai thay đổi đột ngột
- Chảy nước ở tai
- Đau nhức và khó chịu ở cổ và lưng liên quan đến việc thực hiện các bài tập.
Nếu bạn bị choáng váng và không có gì làm cho bạn khá hơn hoặc trở xấu hơn, thì sẽ rất khó tìm được một chương trình tập cụ thể để giúp cho các triệu chứng của bạn. Nếu được bác sĩ chấp thuận, hãy thử chương trình tập luyện thể chất và tăng cường khả năng duy trì thăng bằng ở mức độ nhẹ. Bạn càng vận động nhiều, thì các triệu chứng của bạn càng được cải thiện.