Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

BỆNH SÁN LÁ PHỔI.

(PARAGONIMIASIS).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

CHỨNG BỆNH CHÂN MADURA

(MADURA FOOT).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

MỘT BỘ PHẬN NGỰC GIẢ BIẾN MẤT TRONG KHI TẬP MÔN THỂ DỤC PILATES.

(DISAPPEARANCE OF A BREAST PROSTHESIS DURING PILATES).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK).

MỘT VIÊN ĐẠN NẰM TRONG ĐẦU.

(A HEAD SHOT).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

TÌNH TRẠNG MÙ SAU KHI TIÊM MỠ

(BLINDNESS AFTER FAT INJECTION)

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

BỆNH GÚT CÓ SỎI.

(TOPHACEOUS GOUT).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

BỆNH PHÌNH TRƯỚNG XƯƠNG KHỚP

(HYPERTROPHIC PULMONARY OSTEOARTHROPATHY) .

Nguồn (Source): www.nejm.org

Wednesday, December 7, 2016

TIN TỨC DƯỢC HỌC - Do LQT Biên Dịch



Nhiều loại thuốc được sử dụng cho các trường hợp chỉ định khác nhau, và một số chỉ định sử dụng có thể cần được xem xét khi đánh giá có các tương tác thuốc. Thỉnh thoảng, nhiều cách sử dụng khác nhau cho một loại thuốc có nghĩa là sử dụng các liều khác nhau hoặc các thời gian trị liệu khác nhau.  










TIN TỨC DƯỢC HỌC - Do LQT Biên Dịch


CÁC KẾT QUẢ KHÁC NHAU PHỤ THUỘC VÀO SỰ CHỈ ĐỊNH

Nhiều loại thuốc được sử dụng cho các trường hợp chỉ định khác nhau, và một số chỉ định sử dụng có thể cần được xem xét khi đánh giá có các tương tác thuốc. Thỉnh thoảng, nhiều cách sử dụng khác nhau cho một loại thuốc có nghĩa là sử dụng các liều khác nhau hoặc các thời gian trị liệu khác nhau. Ví dụ, sử dụng một ít liều lượng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) cho tình trạng chấn thương nhẹ do thể thao sẽ ít có khả năng ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng của bệnh nhân với các loại thuốc chống tăng huyết áp, trong khi đó việc sử dụng dài hạn thuốc kháng viêm không steroid liều cao cho bệnh viêm xương khớp(osteoarthritis) có thể dẫn đến sự tương tác có ý nghĩa lâm sàng quan trọng.


Đôi lúc, kết quả của một trường hợp tương tác thuốc phụ thuộc vào trường hợp chỉ định sử dụng một trong các loại thuốc này, nhưng kết quả này là do những yếu tố không liên quan đến các khác biệt về liều lượng sử dụng hoặc thời gian trị liệu tạo ra. Ví dụ, sự tương tác giữa epinephrine và các loại thuốc chặn beta (beta-adrenergic blocker) có những kết quả khác nhau liên quan đến liều lượng và không liên quan đến liều lượng phụ thuộc vào sự chỉ định sử dụng epinephrine.

CƠ CHẾ TƯƠNG TÁC

Thông thường, epinephrine kích thích các thụ thể beta-1 (làm tăng nhịp tim và sự co bóp), các thụ thể beta-2 (tạo sự giãn mạch), và các thụ thể alpha-1 (tạo sự co mạch). Kết quả thường thấy là tăng nhịp tim, với sự gia tăng nhẹ ở huyết áp trung bình bởi vì có cả hai hiện tượng giãn mạch beta-2 và co mạch alpha-1. Tuy nhiên, nếu một liều hệ thống (systemic dose) epinephrine được sử dụng sau một loại thuốc chặn beta tim không chọn lọc (noncardioselective beta-blocker), thì các hiệu ứng giãn mạch beta-2 bị chặn, do đó quá trình co mạch alpha-1 không bị ảnh hưởng, và kết quả là đáp ứng tăng huyết áp cấp tính xảy ra.

Đây là một tương tác thuốc đặc biệt được ghi nhận rộng rãi, và nó đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu bao gồm các đối tượng khỏe mạnh và các bệnh nhân. Trong một số trường hợp, phản xạ giảm nhịp tim(reflex bradycardia) để đáp ứng lại phản ứng tăng huyết áp trở nên nghiêm trọng và chứng loạn nhịp tim do đó cũng xảy ra. Tuy nhiên, các phản ứng tăng huyết áp đáp ứng lại epinephrine không xảy ra nếu bệnh nhân đang sử dụng một loại thuốc chặn beta tim chọn lọc (cardioselective beta-blocker). Các bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc chặn alpha/beta hỗn hợp, chẳng hạn như labetalol and carvedilol, xem ra cũng được bảo vệ phần nào, có lẽ bởi vì tác dụng chặn alpha làm giảm mức độ co mạch.

CÁC BỆNH NHÂN KHÔNG BỊ TĂNG MẪN CẢM

Ở bệnh nhân đang sử dụng một loại thuốc chặn beta không chọn lọc và được cho sử dụng epinephrine vì những lý do thay vì tăng mẫn cảm, thì việc chỉ định sử dụng là rất quan trọng bởi vì nó đóng vai trò chỉ định liều lượng epinephrine. Việc sử dụng epinephrine trong các tiến trình gây tê cho những cuộc kiểm tra nha khoa định kỳ hoặc các phẫu thuật da cục bộ, chẳng hạn như phẫu thuật Mohs(Mohs’ surgery), xem ra không tạo ra nguy cơ tăng huyết áp đáng kể. Tuy nhiên, sử dụng số lượng lớn chất gây tê, cộng với epinephrine trong giải phẫu thẩm mỹ ở mặt, đã dẫn đến các phản ứng tăng huyết áp, tương tự các trường hợp tiêm epinephrine dưới da để điều trị các bệnh nhân bị các phản ứng dị ứng (nhưng thực sự không phải ở bệnh nhân bị tăng mẫn cảm)

CÁC BỆNH NHÂN TĂNG MẪN CẢM

Ở các bệnh nhân sử dụng những loại thuốc chặn beta không chọn lọc và bị tăng mẫn cảm, chứng cứ có tính hạn chế không cho thấy rằng các bệnh nhân có nguy cơ bị phản ứng tăng mẫn cảm nếu được cho sử dụng các liều epinephrine hệ thống. Một số các báo cáo bệnh lý chi tiết cho thấy rằng các bệnh nhân sử dụng các loại thuốc chặn beta đồng thời phát triển tính quá mẫn có thể ít đáp ứng hơn, thay vì tăng mẫn cảm, với thuốc epinephrine. Các nghiên cứu lâm sàng để xem xét các bệnh nhân bị tăng mẫn cảm, đồng thời sử dụng các loại thuốc chặn beta, có kháng điều trị hay không đã có mâu thuẫn phần nào, nhưng nó vẫn có khả năng xảy ra. Có một yếu tố trùng hợp, đó là đa số các nghiên cứu đã không phân biệt giữa các loại thuốc chặn beta không chọn lọc (nonselective beta-blocker) và các loại thuốc chặn beta tim chọn lọc khi đánh giá xem các loại thuốc chặn beta có làm giảm đáp ứng với thuốc epinephrine trong trường hợp tăng mẫn cảm hay không.

CÁC ĐỀ XUẤT

Nên cân nhắc tránh sử dụng các loại thuốc chặn beta ở những bệnh nhân có thể có nguy cơ cao bị tăng mẫn cảm (ví dụ, những người mang theo epinephrine để tự tiêm). Nếu một loại thuốc chặn beta được chỉ định, thì các loại thuốc tim chọn lọc có thể được ưa chuộng hơn bởi vì chúng không gây ra phản ứng tăng huyết áp nếu cần sử dụng một liều epinephrine hệ thống.

Các chuyên gia về tăng mẫn cảm không khuyến khích tránh sử dụng epinephrine để điều trị tăng mẫn cảm ở những bệnh nhân đang sử dụng các thuốc chặn beta. Họ chỉ ra rằng các loại chặn beta có nhiều khả năng gây ra tình trạng không đáp ứng với epinephrine hơn là phản ứng tăng huyết áp cấp tính.

Ở những bệnh nhân đang sử dụng các loại chặn beta không chọn lọc và bị phản ứng dị ứng, nhưng không xảy ra tình trạng tăng mẫn cảm, nhận ra rằng một liều epinephrine hệ thống có khả năng dẫn đến đáp ứng tăng mẫn cảm ngay tức khắc. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân có thể không bị một cơn tăng huyết áp cấp tính và không có các di chứng, vì thế lợi ích và nguy cơ của việc sử dụng epinephrine phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Một lần nữa, mối lo ngại về tình trạng tăng huyết áp cấp tính được nêu ra nếu bệnh nhân đang sử dụng một loại thuốc chặn beta tim chọn lọc.




NGUY CƠ TĂNG NỒNG ĐỘ LOPERAMIDE TRONG HUYẾT TƯƠNG

Trong nhiều năm, loperamide (Imodium A-D) đã được bán không cần toa bác sĩ để điều trị chứng tiêu chảy. Loại thuốc này có một vài tác dụng dược lý, bao gồm liên kết với các thụ thể mu-opioid. Hoạt động chủ vận thụ thể opioid là nguyên nhân gây ra phản ứng táo bón, tiêu hóa chậm.

Loperamide đã được chứng minh là đặc biệt an toàn khi sử dụng với các liều lượng được chỉ định. Gần đây, có lẽ do những nỗ lực giảm bớt tiếp xúc với các loại thuốc opiate, cho nên loperamide đã bị những người nghiện thuốc chứa thuốc phiện lạm dụng để ngăn ngừa các triệu chứng ngưng sử dụng thuốc. Vấn đề này đã thúc đẩy cơ quan FDA Hoa Kỳ đưa ra những cảnh báo liên quan đến tính chất an toàn của thuốc loperamide, đặc biệt ở nồng độ huyết tương cao.


Loperamide là một loại opioid độc đáo, trong đó nó chỉ thường cho thấy các hoạt động thần kinh ngoại vi, làm chậm tiêu hóa và không bị tác động bởi hệ thần kinh trung ương, mà vẫn thường thấy ở các loại thuốc opiate khác. Đáp ứng chọn lọc này là do 2 đặc tính của thuốc loperamide. Đặc tính thứ nhất, nó có tỷ lệ được hấp thụ (bioavailability: sinh khả dụng) rất thấp: theo báo cáo là khoảng 0,3%. Do đó, khi bệnh nhân tiếp nhận một liều 2 mg, thì chỉ có 0,006 mg loperamide đến được với hệ tuần hoàn hệ thống (systemic circulation: đưa máu chứa oxy từ tim đến cơ thể, và dẫn máu thiếu oxy trở về tim). Tương tự như nhiều loại thuốc có tỷ lệ được hấp thụ thấp, loperamide được chuyển hóa chủ yếu bởi men CYP3A4, với một số đóng góp từ men CYP2C8. Nồng độ huyết tương được báo cáo sau khi sử dụng các liều loperamide thông thường có phạm vi trong khoảng từ 0,2 ng/mL đến 1,2 ng/mL. Sự tiếp xúc của hệ thần kinh trung ương với loperamide được hạn chế nhờ sự chảy thoát P-glycoprotein ở hàng rào lọc máu não (blood-brain barrier: cơ chế lọc máu nhằm bảo vệ các mô thần kinh khỏi những tạp chất và độc chất trong thành phần máu, các chất này trong dịch của hệ thần kinh trung ương có thể tạo nên các hoạt động não không kiểm soát được).

NGUY CƠ CỦA VIỆC LẠM DỤNG THUỐC LOPERAMIDE

Các bệnh nhân tự điều trị tiêu chảy và những người lạm dụng thuốc loperamide báo cáo sử dụng liều lượng mỗi ngày là từ 25 mg đến 200 mg. Ở những liều lượng này, nồng độ loperamide trong huyết tương có thể vượt quá 100 ng/mL. Bên cạnh tác dụng giảm tiêu hóa, các liều lượng lớn này có thể gây buồn ngủ, bí tiểu (urinary retention), thở chậm (respiratory depression), loạn nhịp tim (cardiac arrhythmias), và tử vong. Với nồng độ ở huyết tương quá cao, loperamide kéo dài phức hợp sóng QRS (QRS complex) và làm chậm quá trình tái phân cực tâm thất. Điều này có thể dẫn đến loạn nhịp tâm thất (ventricular arrhythmias), mà có thể gây tử vong. Cơ chế về các hiệu ứng tim này được xem là sự phối hợp tắc nghẽn các kênh natri (sodium), kali (potassium), và canxi (calcium) ở cơ tim.

KHẢ NĂNG TƯƠNG TÁC THUỐC CÓ THỂ XẢY RA

Các dữ liệu về tương tác thuốc loperamide khá là hạn chế. Các loại thuốc ức chế men CYP3A4 và CYP2C8 đã được báo cáo có tác dụng làm tăng nồng độ loperamide trong huyết tương khoảng 2 đến 4 lần, theo thứ tự, và khoảng trên 12 lần khi cả hai men này bị ức chế cùng lúc. Các loại thuốc ức chế P-glycoprotein cũng làm tăng nồng độ loperamide trong huyết tương (2 đến 3 lần) và có thể làm tăng nồng độ loperamide trong hệ thần kinh trung ương khi được sử dụng để ức chế tính hiệu quả của sự chảy thoát hàng rào lọc máu não. Mặc dù các bệnh nhân sử dụng các liều loperamide được chấp thuận để điều trị một đợt tiêu chảy ngắn hạn không có khả năng gặp phải các phản ứng gây hại từ các tương tác này, nhưng những bệnh nhân nào sử dụng quá liều sẽ có nguy cơ cao hơn gặp phải các tác dụng gây hại.

Hãy lưu ý rằng nồng độ huyết tương do sử dụng hơi quá liều sẽ bị khuếch đại lên khi sử dụng cùng lúc các loại thuốc ức chế CYP3A4 (ví dụ: aprepitant, atazanavir, boceprevir, cobicistat, clarithromycin, cyclosporine, erythromycin, itraconazole, ketoconazole, voriconazole, posaconazole, nefazodone, nelfinavir, verapamil, cimetidine) và các loại ức chế CYP2C8 (ví dụ: gemfibrozil, clopidogrel, nước bưởi, amitriptyline, trimethoprim). Sử dụng thêm một loại thuốc ức chế P-glycoprotein (ví dụ: clarithromycin, erythromycin, ketoconazole, verapamil, quinidine, ritonavir, ranolazine, posaconazole, cyclosporine) có thể càng làm tăng khả năng được hấp thụ của thuốc loperamide và tăng khả năng xâm nhập hệ thần kinh trung ương (CNS). Thuốc amiodarone và lapatinib đã được báo cáo có tác dụng ức chế hoạt động của men CYP2C8, CYP3A4, và P-glycoprotein. Do nguy cơ xuất hiện các kết quả gây hại nghiêm trọng, cho nên điều quan trọng là phải tránh sử dụng loperamide ở các bệnh nhân đang dùng thuốc amiodarone hoặc lapatinib, hoặc sử dụng phối hợp các loại thuốc có tác dụng ức chế nhiều lộ trình đào thải loperamide.

KẾT LUẬN

Các bệnh nhân đang sử dụng thuốc loperamide phải được tư vấn để tránh sử dụng quá liều được chỉ định. Nếu các liều loperamide thông thường tỏ ra không hiệu quả trong việc điều trị chứng tiêu chảy, thì các bệnh nhân được yêu cầu đến khám bác sĩ gia đình của họ. Khi tư vấn cho các bệnh nhân về việc sử dụng thuốc loperamide một cách hợp lý, các dược sĩ phải hỏi các bệnh nhân về những loại thuốc khác mà họ đang sử dụng.



CÁC TƯƠNG TÁC THUỐC ĐƯỢC BỔ SUNG VÀO CÁC TIÊU CHUẨN BEERS

Vào năm 1991, “Các Tiêu Chuẩn BeersBeers Criteria” đầu tiên được xuất bản để cảnh giác các bác sĩ lâm sàng về các loại thuốc có khả năng không thích hợp cho sử dụng ở những người cao tuổi. Các thông tin cập nhật vào danh sách này đã xuất hiện theo định kỳ, và gần đây nhất (tháng 11 năm 2015) lần đầu tiên các tương tác thuốc (drug – drug interaction - DDI) đã được đưa vào danh sách. Hội đồng chuyên gia bao gồm chủ yếu là các dược sĩ, bác sĩ, và y tá (điều dưỡng), và họ đã sử dụng một phương pháp Delphi được bổ sung để biên soạn tiêu chuẩn này.


Các Tiêu Chuẩn Để Bao Gồm Các Tương Tác Thuốc

Các thành viên của hội đồng này đã làm rõ rằng danh sách tương tác thuốc không nhằm mục đích bao gồm tất cả, và các cá nhân không nên cho rằng đây là danh sách tương tác thuốc duy nhất xứng đáng để xem xét ở những người cao tuổi. Hội đồng này đã chọn các tương tác thuốc mà họ cảm thấy đặc biệt có vấn đề ở những người cao tuổi, liên quan đến nguy cơ xảy ra các hậu quả có hại. Hội đồng này không đưa vào danh sách những loại kháng nhiễm hoặc đưa ra phương pháp trị liệu thuốc ở những cá nhân đang tiếp nhận chăm sóc giảm nhẹ(palliative care) và chăm sóc giai đoạn cuối (hospice care).

Các Tương Tác Thuốc Được Đưa Vào Danh Sách

Các tương tác thuốc mà hội đồng này đã bổ sung vào Các Tiêu Chuẩn Beers rơi vào một số hạng mục, nhưng hạng mục phổ biến nhất là nguy cơ gia tăng bị té ngã do sử dụng phối hợp 2 hoặc nhiều loại thuốc điều trị hệ thần kinh trung ương (ví dụ, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống rối loạn tâm thần [antipsychotic], nhóm benzodiazepine, thuốc ngủ [hypnotic], thuốc giảm đau gây ngủ [opioid analgesic])

Điều đáng tiếc là, mặc dù rằng các hiệu ứng phản ứng thuốc được bổ sung này là khá phổ biến và có thể dự đoán, nhưng các tương tác này vẫn thường bị xem nhẹ ở những người cao tuổi. Ngoài ra, danh sách này bao gồm các tương tác sau đây:

-      Ngộ độc lithium từ nhóm thuốc ức chế men chuyển hóa angiotensin (ACE inhibitor) hoặc nhóm thuốc lợi tiểu vòng (loop diuretic)
-      Tăng kali(hyperkalemia) do sử dụng các thuốc ức chế ACE với thuốc amiloride hoặc triamterene
-      Suy giảm nhận thức do sử dụng nhiều thuốc chặn acetylcholine (anticholinergic
-      Loét dạ dày (peptic ulcer) và xuất huyết đường ruột và dạ dày do sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) cộng với nhóm thuốc corticosteroid hệ thống.
-      Són tiểu(urinary incontinence: són đái) ở những phụ nữ cao tuổi do sử dụng các loại thuốc chặn alpha-1 ngoại vi (peripheral alpha-1 blocker) cộng với các thuốc lợi tiểu vòng
-      Ngộ độc theophylline (1,3-dimethylxanthins) do sử dụng thuốc cimetidine
-      Tăng nguy cơ xuất huyết do sử dụng warfarin khi được phối hợp với thuốc amiodarone hoặc các thuốc kháng viêm không steroid.

Đánh Giá

Hội đồng các chuyên gia xem ra đã đạt được mục tiêu trong việc chuẩn bị một danh sách các tương tác thuốc mà chúng có thể đặc biệt nguy hiểm đối với người cao tuổi. Cũng không khó cho các dược sĩ nhớ thuộc lòng các tương tác này nếu như chỉ có 13 tương tác thuốc trong danh sách. Khi được cảnh báo bởi những tương tác thuốc này bằng một hệ thống sàng lọc được điều khiển bằng máy tính, thì các dược sĩ có thể đặc biệt lưu ý đến việc cảnh báo cho những người cao tuổi. Nói chung, các chuyên gia y tế nên tránh cho những người cao tuổi gặp phải các tương tác thuốc trong danh sách này khi có thể; do đó, vai trò của dược sĩ có thể sẽ giúp ích rất nhiều.

Điều quan trọng là phải nhớ rằng danh sách này là không hoàn chỉnh. Nguy cơ xuất huyết đường ruột và dạ dày do sử dụng thuốc kháng viêm không steroid có thể tăng khi sử dụng các loại thuốc không thuộc nhóm corticosteroid (ví dụ: spironolactone). Nguy cơ ngộ độc lithium có thể tăng lên do sử dụng các loại thuốc không thuộc nhóm ức chế ACE hoặc nhóm lợi tiểu vòng (ví dụ: các thuốc chặn thụ thể angiotensin, thuốc kháng viêm không steroid). Nhiều loại thuốc, không phải cimetidine, sẽ ức chế gen CYP1A2 và có thể gây ngộ độc theophylline. Ngoài ra, nhiều loại thuốc, không phải amiodarone và kháng viêm không steroid, có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở các bệnh nhân đang sử dụng thuốc warfarin, thường thông qua sự ức chế gen CYP2C9 hoặc bởi các hiệu ứng ức chế lên chức năng của tiểu cầu. Hơn nữa, nhiều tương tác thuốc quan trọng khác đã không được đưa vào danh sách, mà hội đồng chuyên gia đã chỉ ra. Việc loại trừ các loại thuốc kháng nhiễm có lẽ là điều khôn ngoan, nhưng nhiều loại thuốc kháng nhiễm có các đặc tính mà chúng có thể dẫn đến những tương tác thuốc quan trọng về mặt lâm sàng.

Cần lưu ý rằng các tương tác thuốc mới trong Các Tiêu Chuẩn Beer không nhằm mục đích áp dụng cho những bệnh nhân đang tiếp nhận chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc giai đoạn cuối. Những bệnh nhân này có thể rất cần phương pháp trị liệu bằng những sự phối hợp khác nhau của các loại thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương (CNS-active drug) mà chúng có thể không có lợi cho những người cao tuổi khác.

Đối với đa số các tương tác thuốc trong 13 tương tác thuốc trong danh sách này, hội đồng chuyên gia đã đề xuất rằng nên tránh sử dụng chúng nếu có thể, nhưng đối với một trong số các tương tác (theophylline cộng với cimetidine), thì hội đồng chỉ có một đề xuất là “Hãy tránh sử dụng”. Điều này là hợp lý, bởi vì các thuốc chặn H2 (histamine2-receptor antagonists hoặc H2-blocker) khác tác động không đáng kể đến theophylline và không có lý do gì để sử dụng cimetidine.

Kết Luận

Các Tiêu Chuẩn Beers Cập Nhật năm 2015 của Hiệp Hội Lão Khoa Hoa Kỳ (The American Geriatrics Society - AGS) lần đầu tiên đã đưa vào danh sách các tương tác thuốc. Hội đồng này đã lên danh sách 13 tương tác thuốc mà chúng có thể đặc biệt nguy hiểm cho những người cao tuổi. Các dược sĩ nên đặc biệt chú ý đến các tương tác thuốc này ở tất cả các bệnh nhân, nhưng đặc biệt là ở những người cao tuổi.



FLUOROQUINOLONE VÀ STEROID VÀ TỔN THƯƠNG GÂN

Tổn thương gân (tendinopathy) đã được xác nhận là một tác dụng phụ không phổ biến, gây tàn tật tiềm tàng của nhóm kháng sinh fluoroquinolone. Nhóm fluoroquinolone cho thấy khả năng xâm nhập mô tuyệt vời, với nồng độ thuốc trong mô vượt quá nồng độ thuốc trong huyết tương. Các tế bào cơ có nồng độ fluoroquinolone khá cao, và các gân tiếp nhận một số trong nguồn cung cấp máu từ chỗ nối cơ gân (myotendinous junction), điều này có thể làm cho các tế bào gân (tenocyte) có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi nồng độ thuốc gia tăng. Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng tổn thương gân bao gồm đau nhức, phù, cảm giác ấm, và giảm tính linh động của khớp. Người ta vẫn chưa xác định được cơ chế gây độc hại gân do nhóm kháng sinh fluoroquinolone gây ra. Một số thay đổi bệnh học đã được lưu ý, bao gồm sự ức chế quá trình tổng hợp collagen và proteoglycan, tăng áp lực oxy hóa nội bào (intracellular oxidative stress), sưng và giãn ty lạp thể tế bào và hệ thống nội màng tương bào (endoplasmic reticulum), giảm tăng trưởng tế bào gân, và hoại bào (cell necrosis).

Các Yếu Tố Nguy Cơ

Những bệnh nhân bị tổn thương gân thường xuất hiện các triệu chứng từ 9 – 17 ngày sau khi bắt đầu sử dụng nhóm fluoroquinolone, với khoảng 50% số bệnh nhân có các triệu chứng trong vòng 6 ngày. Gân gót (Achilles tendon) chiếm khoảng 90% các khu vực bị ảnh hưởng. Nguy cơ bị tổn thương gân do fluoroquinolone có thể tăng lên bởi căn bệnh đồng phát và bị ảnh hưởng thuốc. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị tổn thương gân bao gồm suy giảm chức năng thận (renal dysfunction), ghép thận (renal transplant), bệnh thấp khớp (rheumatic disease), bệnh gút (gout), trên 60 tuổi, nam giới, và sử dụng liều cao nhóm kháng sinh fluoroquinolone.

Một số nghiên cứu đã kiểm tra sự góp phần của việc sử dụng thuốc steroid cùng lúc vào nguy cơ tổn thương gân và đứt gân liên quan đến fluoroquinolone. Các kết quả của những nghiên cứu này được tóm lược trong bảng bên dưới. Thật rõ ràng rằng nguy cơ tổn thương gân gót tăng lên theo tuổi tác và gia tăng đáng kể với việc sử dụng steroid cùng lúc. Đây có lẽ là kết quả của sự tương tác thuốc dược lực học (pharmacodynamic drug interaction), bởi vì bản thân các loại thuốc steroid được báo cáo là có thể làm tăng nguy cơ đứt gân gót gấp đôi. Trong một báo cáo, 50% số bệnh nhân bị đứt gân do fluoroquinolone đồng thời cũng sử dụng các loại thuốc steroid.


TỶ SỐ TƯƠNG QUAN ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH GIỮA TỔN THƯƠNG GÂN GÓT VÀ FLUOROQUINOLONE
Nghiên Cứu
Nhóm Tuổi Bệnh Nhân
Tỷ Số Tương Quan FQ
Tỷ Số Tương Quan FQ + Steroid
Wise và đồng nghiệp
> 60 tuổi
≥ 60 tuổi
1,6
8,3
9,1
Corrao và đồng nghiệp
Tất cả
4,1
43,2
van der Linden và đồng nghiệp
Tất cả
60-79 tuổi
≥ 80 tuổi
4,3
6,4
20,4
17,5
FQ: Fluoroquinolone

Như đã đề cập ở trên, tổn thương gân do sử dụng fluoroquinolone phụ thuộc vào liều lượng và thường xảy ra ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận. Bởi vì fluoroquinolone được thận đào thảI, cho nên những bệnh nhân bị suy thận sẽ bị ảnh hưởng bởi nồng độ fluoroquinolone gia tăng nếu liều lượng không được giảm bớt một cách hợp lý. Tình trạng suy giảm chức năng thận theo tuổi tác có thể phần nào là nguyên nhân tạo ra nguy cơ bị chấn thương gân do fluoroquinilone ở những người cao tuổi.

Kết Luận

Sự tương tác tiềm tàng giữa nhóm fluoroquinolone và nhóm steroid có thể không xảy ra, nhưng nguy cơ bị tổn thương gân trong thời gian sử dụng thuốc cùng lúc tỏ ra lớn hơn rất nhiều so với việc sử dụng riêng từng nhóm thuốc. Đứt gân gót thường dẫn đến tình trạng tàn tật nghiêm trọng, đặc biệt ở những người cao tuổi. Tất cả những bệnh nhân tiếp nhận trị liệu steroid hệ thống đồng thời được chỉ định sử dụng fluoroquinolone phải được quan sát cẩn thận để tìm kiếm những dấu hiệu bị tổn thương gân. Ngưng sử dụng thuốc và giảm thiểu vận động được đề xuất cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Điều quan trọng là nên tránh sử dụng phối hợp nhóm steroid và fluoroquinolone ở những bệnh nhân cao tuổi, đặc biệt những người bị suy giảm chức năng thận hoặc có các yếu tố nguy cơ phổ biến khác.



TƯƠNG TÁC THUỐC GIỮA WARFARIN VÀ NHÓM SULFONYLUREA

Nghiên cứu mới đây đã lưu ý đến các sự kiện giảm đường huyết(hypoglycemia) ở các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) đang sử dụng glipizide(Glucotrol) hoặc glimepiride (Amaryl), thuộc nhóm thuốc sulfonylurea, cùng lúc với warfarin.  Nghiên cứu này đã kiểm tra những trường hợp cấp cứu và nhập viện vì bị hạ đường huyết ở các bệnh nhân trên 65 tuổi trong chương trình y tế Medicare đang sử dụng các loại thuốc sulfonylurea này.  Trong số trên 450 000 bệnh nhân, và các bệnh nhân này được chỉ định sử dụng ít nhất một loại thuốc sulfonylurea, có khoảng 71000 cũng được chỉ định sử sụng warfarin.


Những sự tiếp xúc của bệnh nhân được phân tích dựa theo số người bị ảnh hưởng trong một quý (person-quarter).  Các bệnh nhân bị giảm đường huyết chỉ sử dụng một loại sulfonylurea đã được so sánh với các bệnh nhân phát sinh tình trạng giảm đường huyết đồng thời cũng đang sử dụng warfarin trong một quý (3 tháng). Một số các phân tích lần thứ hai đã được thực hiện để cố gắng tìm ra lời giải thích cho những khác biệt giữa các bệnh nhân sử dụng warfarin và những bệnh nhân không sử dụng warfarin.  Các khác biệt như, sự xuất hiện cùng lúc của cơn nhồi máu cơ tim cấp tính, rung tâm nhĩ (atrial fibrillation), bệnh thận (renal disease), suy tim tắc nghẽn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cao huyết áp, và các đợt giảm đường huyết thường phổ biến hơn ở các bệnh nhân sử dụng warfarin.  Những khác biệt này có thể đóng vai trò như những yếu tố gây lầm lẫn tiềm tàng, dẫn đến mối tương quan rõ rệt nhưng trên thực tế mối tương quan này không tồn tại hoặc đang che giấu một mối tương quan thực sự.

Các Kết Quả

Trường hợp nhập viện hoặc cấp cứu y tế vì bị giảm đường huyết xảy ra thường xuyên hơn trong những quý khi mà warfarin được cho sử dụng cùng lúc (tỷ lệ liên kết [odds ratio] được điều chỉnh: 1,22).  Nguy cơ tuyệt đối bị giảm đường huyết là không lớn, tăng từ 0,9 đến 1,9 đợt trong mỗi 10 000 bệnh nhân/quý đối với những bệnh nhân chỉ sử dụng sulfonylurea và những những bệnh nhân sử dụng sulfonylurea cùng lúc với warfarin, theo thứ tự trước sau.  Người ta quan sát thấy rằng mối liên kết với tình trạng giảm đường huyết trở nên rõ rệt hơn trong những quý đầu khi một bệnh nhân được tiếp xúc với cả hai loại thuốc sulfonylurea và warfarin so với những quý sau đó (tỷ lệ liên kết được điều chỉnh: 2.47 so với 0,88, theo thứ tự trước sau).

Cơ Chế

Các tác giả đã đề xuất 2 cơ chế có khả năng cho sự tương tác này.  Cơ chế đầu tiên bao gồm sự thay chỗ sulfonylurea của warfarin để kết bám vào protein.  Cơ chế thứ hai là warfarin ức chế quá trình chuyển hóa sulfonylurea được CYP2C9 xúc tác.  Sự thay thế vị trí kết bám với protein(protein-binding displacement) có thể xảy ra bởi vì cả hai loại thuốc sulfonylurea và warfarin đều kết bám với protein albulmin huyết tương (plasma albumin) và mỗi loại thuốc được lưu ý có tỷ lệ kết bám là 99%.  Các thuốc này có thể cạnh tranh để kết bám vào protein albumin huyết tương.  Bởi vì chỉ có một loại thuốc không kết bám là hoạt tính, cho nên bất kỳ sự suy giảm kết bám nào cũng có thể làm tăng dược tính.  Ngoài ra, loại thuốc vừa rời khỏi vị trí kết bám sẽ được chuyển hóa và làm tăng tỷ lệ đào thải thuốc (drug clearance) toàn bộ ra khỏi cơ thể.  Điều này sẽ làm cho nồng độ của thuốc không kết bám trở về nồng độ trước khi bị thay thế vị trí kết bám.  Bất kỳ thay đổi nào, do sự thay thế vị trí kết bám protein gây ra, trong tác dụng thuốc cũng sẽ dừng lại nhanh chóng khi nồng độ thuốc không kết bám (unbound concentration) trở về giá trị trước khi được thay thế vị trí kết bám.

Nếu giả thuyết này đúng khi cho rằng warfarin và sulfonylurea đang cạnh trạnh cho vị trí kết bám, thì thứ tự sử dụng thuốc có thể là một yếu tố quan trọng xác định kết quả có thể xảy ra.  Bởi vì các bệnh nhân trong cuộc nghiên cứu đang sử dụng sulfonylurea thì warfarin được bổ sung vào, cho nên kết quả được mong đợi là sự thay thế sulfonylurea đang kết bám và tỷ lệ kết bám của warfarin thấp hơn.  Như đã đề cập ở trên, lần đầu tiên sử dụng warfarin là lần duy nhất tình trạng giảm đường huyết có mối liên hệ đáng kể với warfarin.  Các liều sử dụng glimepiride đã không ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc warfarin trong cơ thể hoặc sự kết bám protein.

Warfarin và sulfonylurea là những cơ chất (substrate) của men CYP2C9.  Do đó, khả năng ức chế cạnh tranh chuyển hóa có thể xảy ra.  Tuy nhiên, sau một tuần theo dõi việc sử dụng warfarin, các chuyên gia đã không thấy có sự thay đổi trong hoạt động của thuốc tolbutamide (một cơ chất của men CYP2C9).  Nếu warfarin đang ức chế quá trình chuyển hóa sulfonylurea, thì sự tương tác được kỳ vọng sẽ tiếp tục xảy ra chỉ cần khi nào cả hai loại thuốc này được cho sử dụng.  Romley và các tác giả đã báo cáo không có sự tương tác tiếp diễn.

Kết Luận

Các kết quả của nghiên cứu này không thành lập được một mối liên hệ nhân quả giữa tình trạng giảm đường huyết và việc sử dụng sulfonylurea, ngoại trừ rằng có khả năng có sự liên đới.  Do tính chất của kế hoạch nghiên cứu, cho nên không thể xác định được mối liên hệ về thời gian rõ rệt nào khác ngoài việc cho sử dụng thuốc cùng lúc trong một quý (3 tháng).  Nghiên cứu về sự tương tác tiềm tàng này thường cần phải kiểm soát cẩn thận nhiều yếu tố (ví dụ, các loại thuốc và các chứng bệnh làm thay đổi hoạt động của men CYP2C9, những thay đổi về chế độ ăn uống ở các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường khi bắt đầu sử dụng warfarin, khoảng thời gian và mức độ của các đợt giảm đường huyết, liều lượng sulfonylurea và warfarin).  Vì tính chất phổ biến của các loại thuốc này, cho nên điều quan trọng là phải xác định được nguy cơ thực sự giữa tình trạng giảm đường huyết và việc sử dụng các loại thuốc này.  Trong lúc chờ đợi những dữ liệu xác thực, những bệnh nhân đang sử dụng glipizide hoặc glimepiride phải được theo dõi về sự thay đổi mức đường huyết nếu warfarin được bổ sung vào hoặc bị loại ra khỏi chế độ thuốc của họ.



CÁC THUỐC ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG HẤP THỤ LEVOTHYROXINE

Một nghiên cứu mới đây đã kiểm tra đánh giá hooc môn TSH (thyroid-stimulating hormone) và liều lượng sử dụng levothyroxine trong số 5426 bệnh nhân ngoài giờ (outpatient), những bệnh nhân này đã được kê đơn sử dụng levothyroxine, cùng với các loại thuốc có thể làm suy giảm khả năng hấp thụ levothyroxine (đó là, các thuốc trung hòa axit, chất sắt, sucralfate, cholestyramine, orlistat, sevelamer, và các loại thuốc ức chế bơm proton) hoặc các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa levothyroxine (carbamazepine, phenobarbital, phenytoin).  Như kỳ vọng, mức hooc môn TSH tăng đáng kể sau khi các loại thuốc gây tương tác được cho sử dụng, và kết quả là liều lượng levothyroxine cũng tăng lên.  Các kết quả này phù hợp với những sự tương tác thuốc có tác dụng làm giảm nồng độ levothyroxine trong máu, dẫn đến một lượng gia tăng bù của hooc môn TSH và nhu cầu gia tăng liều lượng levothyroxine.  Nghiên cứu này có điểm thuận lợi là đã thu thập số lượng dữ liệu lớn, và điều đó chắc chắn cho thấy rằng những loại thuốc gây tương tác này có thể có một hiệu ứng lâm sàng quan trọng đối với các nồng độ levothyroxine trong máu.  Tuy nhiên, sự tác động của từng loại thuốc lên levothyroxine không thể xác định được bởi vì có quá nhiều loại thuốc khác nhau được nghiên cứu và các kết quả được gộp lại với nhau.


Các Loại Thuốc Làm Suy Giảm Khả Năng Hấp Thụ Levothyroxine

Một số loại thuốc được chứng minh có tác dụng làm suy giảm khả năng hấp thụ levothyroxine; những loại thuốc này bao gồm calcium carbonate, các loại thuốc trung hòa axit chứa nhôm, sucralfate, các thực phẩm chức năng chứa chất sắt, cholestyramine, sevelamer, và có thể là, ciprofloxacin, raloxifene, và orlistat.  Mức độ thực sự của tất cả các tương tác thuốc có xu hướng thay đổi đáng kể theo từng cá nhân, và điều tương tự cũng được kỳ vọng xảy ra với các tương tác này.  Trong một nghiên cứu về tác động của trị liệu calcium carbonatedài hạn ở 20 bệnh nhân bị giảm năng tuyến giáp được ổn định nhờ sử dụng levothyroxine, mức hooc môn TSH tăng lên ở 13 bệnh nhân (4 bệnh nhân, vượt trên phạm vi bình thường), không thay đổi ở 4 bệnh nhân, và giảm xuống ở 3 bệnh nhân.  Điều này có nhiều khả năng thay đổi hơn so với một số tương tác hấp thụ thuốc khác, trong đó sự liên kết đủ vững chắc để làm giảm đi đáng kể tính năng hấp thụ của loại thuốc bị ảnh hưởng ở mỗi bệnh nhân (ví dụ: ciprofloxacin với aluminum hydroxide).

Một yếu tố mà nó có khả năng góp phần vào tính biến đổi của các tương tác với thuốc levothyroxine đó là một số cá nhân bị phụ thuộc hoàn toàn vào levothyroxine từ nguồn bên ngoài (ví dụ: theo sau thủ thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp) trong khi những cá nhân khác có các mức hoạt động còn lại của tuyến giáp thay đổi khác nhau.  Những người với một ít chức năng tuyến giáp cũng có thể có những mức độ kích thích phản hồi khác nhau về quá trình phóng thích tuyến giáp nội sinh thông qua hooc môn TRH (thyrotropin-releasing hormone) và hooc môn TSH.

Các loại thuốc ức chế bơm proton (proton pump inhibitor – PPI) cũng được báo cáo có nhiều khả năng làm giảm tính hấp thụ levothyroxine thông qua sự gia tăng nồng độ pH ở dạ dày, vì thế làm giảm độ hòa tan các viên levothyroxine.  Số lượng lớn chứng cứ cho thấy rằng các loại thuốc ức chế bơm proton có khả năng làm giảm tính năng hấp thụ levothyroxine, mặc dù có một nghiên cứu nhỏ đã không tìm thấy sự tương tác nào giữa levothyroxine và omeprazole.  Trong cuộc nghiên cứu các bệnh nhân ngoài giờ ở phần giới thiệu, gần 70% các loại thuốc gây tương tác là nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI).  Có một nghiên cứu đã tìm thấy rằng thay thế các viên levothyroxine bằng một dung dịch uống bằng miệng đã cải thiện được tính năng hấp thụ levothyroxine với sự hiện diện của các loại thuốc PPI.

Kết luận

Một số loại thuốc có thể ức chế quá trình hấp thụ levothyroxine, có lẽ bằng cách liên kết với levothyroxine trong ruột.  Hiếm khi cần thiết phải tránh các loại thuốc liên kết (binding agent) ở những bệnh nhân đang sử dụng thuốc levothyroxine, vì thế nếu như bệnh nhân cần tiếp nhận thuốc liên kết, thì những sự phòng ngừa sau đây có thể giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các kết quả gây hại (lưu ý: hai điểm đầu tiên không áp dụng cho các loại thuốc ức chế bơm proton bởi vì có lẽ chúng không liên kết với levothyroxine):

-      Cho sử dụng levothyroxine ít nhất 2 giờ trước hoặc 4 giờ sau khi sử dụng thuốc liên kết.
-      Giữ ổn định khoảng thời gian sử dụng giữa levothyroxine và thuốc liên kết.
-      Giám sát mức hooc môn TSH và theo dõi chứng cứ lâm sàng về hiệu quả thuốc levothyroxine bị giảm xuống
-      Nếu ngưng sử dụng hoặc thay đổi liều lượng thuốc liên kết, hoặc nếu thay đổi khoảng thời gian sử dụng giữa levothyroxine và thuốc liên kết, thì hãy giám sát mức hooc môn TSH, và theo dõi đáp ứng thuốc levothyroxine bị thay đổi.



CÁC TÁC HẠI CỦA THỰC PHẨM CHỨC NĂNG CÓ THỂ ĐƯA BẠN ĐẾN KHOA CẤP CỨU

Đối với nhiều người, một lối sống khỏe mạnh không chỉ là có chế độ ăn cân bằng và tập thể dục đầy đủ - vitamin, thực phẩm chức năng, và sản phẩm bổ sung dinh dưỡng (complementary nutritional product) cũng là một phần của kế hoạch này.  Nhưng mặc dù có nhiều công bố về các lợi ích tiềm năng, nhưng lại có rất ít sự lưu ý đến những tác hại tiềm tàng của các loại thực phẩm chức năng này.


Thật vậy, sử dụng các sản phẩm này có thể đưa bạn đến khoa cấp cứu.

Một nghiên được đăng trên tạp chí The New England Journal of Medicine số ra ngày 15 tháng 10 năm 2015 đã tìm thấy rằng các tác hại của các loại thực phẩm chức năng là nguyên nhân gây ra khoảng 23 000 ca cấp cứu mỗi năm.  Con số thống kê này là quá nhiều đối với các loại thực phẩm chức năng được xem là có lợi cho sức khỏe của bạn.

Trong cuộc nghiên cứu 10 năm này, các nhà khoa học đã xem xét các dữ liệu được theo dõi từ 63 khoa cấp cứu bệnh viện để đánh giá con số các ca cấp cứu hằng năm liên quan đến các tác hại của các loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng.  Các tác giả định nghĩa “các thực phẩm chức năng” là các sản phẩm dược thảo và các sản phẩm bổ sung, vitamin hoặc các chất dinh dưỡng vi lượng axit amin.  Các bệnh nhân đến khoa cấp cứu vì những triệu chứng liên quan đến việc sử dụng thực phẩm chức năng có độ tuổi trung bình là 32, trong đó phụ nữ chiếm hơn một nửa.  Khoảng trên 10% số bệnh nhân này đến khoa cấp cứu đã được nhập viện, đặc biệt trong số những người trên 65 tuổi.

Các sản phẩm giảm cân là nguyên nhân gây ra 1 phần 4 số ca cấp cứu (do một sản phẩm gây ra) và phần lớn ảnh hưởng đến phụ nữ, trong khi đó, nam giới thường gặp phải các tác hại do các sản phẩm được quảng cáo về chức năng gia tăng khả năng tình dục và tạo hình thể.  Các sản phẩm tăng lực (energy-boosting product) gây ra 10% các ca cấp cứu trong số này.

Không chỉ có những người thành niên trẻ tuổi bị ảnh hưởng.  Nhiều trẻ em dưới 4 tuổi cũng gặp phải các phản ứng dị ứng hoặc các triệu chứng về tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa, đau bụng) do không được giám sát, vô tình tiêu thụ các loại vitamin.  Các bệnh nhân trên 65 tuổi có nhiều khả năng bị khó nuốt sau khi sử dụng vitamin hoặc các chất dinh dưỡng vi lượng trong các viên thuốc có kích cỡ lớn.

Mặc dù các phát hiện của nghiên cứu này là những đánh giá hằng năm dựa trên các ca cấp cứu ở một số nhỏ các bệnh viện, nhưng chúng phản ánh việc gia tăng sử dụng các loại thực phẩm chức năng và các chất dinh dưỡng vi lượng.  Các sản phẩm này được bán rộng rãi mà không cần toa bác sĩ và được quảng cáo như những liệu pháp thay thế hoặc bổ sung cho các loại thuốc tây có tính trị liệu được bác sĩ kê đơn.  Kết quả là, các thực phẩm chức năng hoặc dược thảo được tiếp nhận rộng rãi như những sản phẩm tự nhiên và an toàn.  Các con số thống kê gần đây nhất chỉ ra rằng có trên 55 000 sản phẩm như thế được bán tại Hoa Kỳ.

Những điều bạn cần biết trước khi sử dụng một loại thực phẩm chức năng

Mặc dù Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) có trách nhiệm giám sát các loại thực phẩm chức năng, nhưng vẫn chưa có tiến trình kiểm tra an toàn hoặc đòi hỏi sự chấp thuận nào của FDA trước khi một loại thực phẩm chức năng mới được đưa ra thị trường.  Ngoài ra, không có các đòi hỏi bắt buộc các thực phẩm chức năng liệt kê các tác hại tiềm tàng trên bao bì, cũng như không đòi hỏi các tiêu chuẩn về kích cỡ tối đa của viên thực phẩm chức năng (một nguy cơ rõ rệt đối với những người cao tuổi).

Các chuyên gia y tế cũng có thể không để ý đến việc hỏi các bệnh nhân có sử dụng các loại thực phẩm chức năng bán không cần toa bác sĩ hoặc các loại thực phẩm chức năng tự nhiên hay không.  Không có các thông tin đó, các chuyên gia y tế có thể không nhận ra rằng các triệu chứng và dấu hiệu mà các bệnh nhân của họ gặp phải có thể liên quan đến các sản phẩm này.

Dĩ nhiên, một số loại thực phẩm chức năng có thể có lợi cho sức khỏe.  Đó là bởi vì các sản phẩm này chứa các thành phần hoạt tính – các phân tử tương tác ở các thụ thể trong cơ thể chúng ta và gây ra các thay đổi về chức năng sinh lý.  Tuy nhiên, chính vì các loại thực phẩm chức năng này chứa các thành phần hoạt tính, do đó chúng cũng có thể gây ra các tác dụng phụ ngoài mong muốn, chẳng hạn như tăng huyết áp, tăng hoặc loạn nhịp tim, nhức đầu, choáng váng, hoặc các triệu chứng về tiêu hóa.

Đâu là phương pháp tiếp cận an toàn đối với việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng này?  Việc duy trì sức khỏe tốt đòi hỏi một phương pháp tiếp cận tự chăm sóc theo nhiều mặt.  Ý thức và nắm bắt các thông tin về thực phẩm chức năng – nó được quảng cáo như một loại thực phẩm chức năng tự nhiên, dược thảo, hoặc không có tính thuốc – là một phần của kế hoạch tự chăm sóc đó.

Nếu bạn đang sử dụng các loại vitamin, thực phẩm chức năng, hoặc các sản phẩm dược thảo, thì phải nhớ luôn luôn đọc các nhãn an toàn của sản phẩm đi kèm với bao bì sản phẩm.  Yêu cầu dược sĩ, bác sĩ, hoặc y tá (điều dưỡng) xem lại tất cả những loại bạn đang sử dụng để đảm bảo rằng các thực phẩm chức năng không gây ra các tác hại, được sử dụng riêng lẻ hoặc phối hợp với các loại thuốc được bác sĩ kê toa hoặc các loại không cần toa bác sĩ.  Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng gây lo ngại sau khi bạn sử dụng một loại thực phẩm chức năng, thì phải ngưng sử dụng nó ngay và gọi cho bác sĩ.


10 sản phẩm dược thảo và thực phẩm chức năng đứng đầu có liên quan đến các ca cấp cứu


-       Giảm cân
-       Tăng lực
-       Tăng cường khả năng tình dục
-       Sức khỏe tim
-       Giúp ngủ ngon
-       Nhuận trường
-       Tạo hình thể
-       Miễn dịch hoặc nhiễm trùng
-       Giảm đau hoặc viêm khớp
-       Bài độc hoặc thanh lọc


4 loại vitamin và khoáng chất đứng đầu có liên quan đến các ca cấp cứu


-       Đa vitamin, hoặc vitamin không có chức năng cụ thể
-       Sắt
-       Canxi
-       Kali




VỊ KIM LOẠI DO THUỐC

Các bệnh nhân có thể báo cáo những thay đổi về vị giác, một tình trạng có tên là chứng loạn vị giác (dysgeusia), biến đổi từ hiện tượng mất vị giác hoàn toàn đến tình trạng vị giác bị thay đổi.  Trong số các bệnh nhân tiếp nhận hóa trị, có khoảng 38% đến 84% báo cáo vị giác bị thay đổi, và các kết quả của một nghiên cứu khác cho thấy rằng khoảng 11% số bệnh nhân cao tuổi sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau gặp phải những vấn đề về vị giác.  Nếu sự thay đổi về vị giác xảy ra gần thời điểm bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới, thì chứng loạn vị giác do thuốc bị nghi ngờ.


Cơ chế gây ra vị kim loại của các loại thuốc:

-      Những thay đổi (đặc biệt bị giảm) trong việc sản sinh nước bọt
-      Phóng thích tác nhân vào nước bọt hoặc thẩm thấu từ huyết tương vào khoang miệng
-      Ức chế quá trình phân bào có sợi (mitosis), đặc biệt trong thời gian hóa trị
-      Tổn thương các dây thần kinh sọ (ví dụ: phá hủy bao myelin của các sợi thần kinh)
-      Hoại mô(tissue necrosis) hoặc nhiễm trùng
-      Nghẽn xoang (sinus blockage) hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên
-      Thay đổi các lộ trình hướng tâm từ hệ thần kinh trung ương

Các bệnh nhân có thể cảm thấy vị giác bị thay đổi, đặc biệt gây khó chịu: vị kim loại.  Vị kim loại bắt nguồn từ các nguyên nhân sau đây:

-      Mang thai (và đi kèm những thay đổi về hooc môn)
-      Khứu giác bị suy giảm
-      Nhiễm trùng đường hô hấp trên
-      Các chứng bệnh tiềm ẩn (ví dụ: bệnh tiểu đường, thiếu máu ác tính, hội chứng Sjögren, thiếu chất kẽm, và bệnh Crohn)
-      Thương tổn (ví dụ: phỏng [bỏng], các vết rách, phẫu thuật [đặc biệt ở đầu và cổ], xạ trị)
-      Sử dụng thuốc – có trên 300 loại thuốc liên quan đến vị kim loại)

Mùi, Vị, Kết Cấu, Nhiệt Độ

Nghiên cứu về vị giác là một công tác khó khăn bởi vì vị thường đi kèm với mùi và những thay đổi về kết cấu của thức ăn cũng như nhiệt độ.  Hầu như không thể xác định được bệnh nhân có bị giảm nhạy cảm (một vấn đề về định lượng) hoặc rối loạn nhận thức (một vấn đề về chất lượng) hay không.  Mặc dù có rất ít nghiên cứu về việc xác định lý do tại sao các trường hợp rối loạn vị giác cụ thể xảy ra, nhưng nghiên cứu cũng đưa ra được một số giải thích.  Một số loại thuốc phổ biến là những nguyên nhân thường thấy.

Khi chứng loạn vị giác xảy ra, các bệnh nhân có thể thay đổi các thói quen ăn uống của họ nhằm khôi phục vị giác trở lại bình thường hoặc họ có thể ngưng sử dụng thuốc mà họ tin rằng đó là nguyên nhân gây ra vấn đề này mà không thông báo cho chuyên gia y tế biết.  Những biến đổi về vị giác có thể làm thay đổi đời sống của bệnh nhân, gây ra các hậu quả không tốt về sức khỏe, chẳng hạn như chán ăn (anorexia), thiếu dinh dưỡng (malnutrition), ghét thực phẩm (food aversion), và/hoặc giảm hoặc tăng cân ngoài ý muốn.


Các Loại Thuốc và Các Tác Nhân Sinh Học Liên Quan Đến Vị Kim Loại

Tên hoặc Nhóm Thuốc

Các Ghi Chú về Chứng Loạn Vị Giác
Thuốc ức chế Acetylcholinesterase
Chứa nhóm sulfhydryl được xem gây ra vị kim loại
Thuốc gây mê
Tác dụng phụ hiếm sau khi gây mê; thường có tính tạm thời (1-2 tuần), nhưng có thể kéo dài nhiều tháng; thường xảy ra sau khi gây tê trong các tiến trình nha khoa
Nhóm kháng sinh
Tác dụng phụ phổ biến, đặc biệt khi sử dụng clindamycin, metronidazole, và fluoroquinolones; có thể liên quan đến liều lượng khi sử dụng clindamycin
Nhóm chống tác động acetylcholine (Anticholinergics)
Thường gây khô miệng, mà bệnh nhân thường cho rằng có vị kim loại
Nhóm chống tăng năng tuyến giáp (Antithyroid agents)
Propylthiouracil và methimazole chứa một nhóm sulfhydryl được xem gây ra vị kim loại
Adenosine
Xảy ra trong khoảng chưa đến 1% người sử dụng
Nhóm ức chế men chuyển hóa angiotensin (ACE inhibitors)
Captopril gây ra chứng loạn vị giác trong số 2% đến 4% người sử dụng
Calcitriol
Các dấu hiệu sớm của chứng tăng canxi huyết do vitamin D; có thể liên quan đến liều lượng.
Clindamycin
Đặc biệt phổ biến với trị liệu truyền tĩnh mạch liều lượng cao
Ethionamide
Liều lượng trên 1g (giảm liều lượng, nếu có thể); giảm tỷ lệ xảy ra khi sử dụng với thực phẩm
Flecainide
Tần suất thấp, thường bị khô miệng
Gallium nitrate
Nếu được hấp thụ trên 750 mg/m2, xảy ra 1 giờ sau khi sử dụng
Lithium
Xảy ra bởi vì nó ức chế norepinephrine
Lorcainide
Tỷ lệ xảy ra 1% đến 10%
Metformin
Gây rối loạn vị giác trong số 3% người sử dụng; tuy nhiên, có xu hướng thuyên giảm sau một vài tháng sử dụng
Methocarbamol
Thường được báo cáo gây ra vị khó chịu ở miệng
Nhóm hóa trị ung thư (Oncology chemotherapeutics)
Chứng loạn vị giác liên quan đến viêm niêm mạc, xạ trị, phẫu thuật, trị liệu thuốc
Phenytoin
Tỷ lệ xảy ra chính xác không rõ
Technetium TC 99M tetrofosmin
Chưa đến 1% tỷ lệ xảy ra

Quản Lý

Phương pháp tiếp cận tốt nhất để điều trị tình trạng có vị kim loại là ngăn ngừa hoặc chữa trị chứng rối loạn tiềm ẩn.  Bởi vì thiếu hụt kẽm là một nguyên nhân phổ biến nhưng thường bị bỏ qua, hãy khuyến khích bệnh nhân và các chuyên gia y tế đánh giá hàm lượng kẽm.  Cảnh báo bệnh nhân trước về các loại thuốc có thể gây ra chứng loạn vị giác là rất hữu ích,  cũng như đảm bảo với các bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc điều trị ngắn hạn (ví dụ như nhóm kháng sinh) rằng tác dụng gây hại này sẽ biến mất sau khi họ ngưng sử dụng thuốc đó.  Nếu trị liệu bằng thuốc có khả năng là dài hạn hoặc vấn đề xem ra có liên quan đến liều lượng cao, thì việc giảm liều lượng có thể là một chọn lựa thích hợp.

Ngoài ra, cũng nên chuẩn bị sẵn một danh sách các liệu pháp can thiệp đơn giản, chi phí thấp mà các bệnh nhân có thể tiến hành điều trị chứng loạn vị giác, trong đó có vệ sinh miệng (oral hygiene).  Đề xuất bệnh nhân thường xuyên chải răng và xỉa răng bằng chỉ(flossing) để làm sạch các vữa khoáng chất; điều này có thể đặc biệt có lợi cho các bệnh nhân bị tăng vị giác hoặc tăng sản nướu răng do phynytoin (phenytoin-induced gingival hyperplasia).  Cảnh báo bệnh nhân không nên ăn ngay sau khi chải răng (đánh răng), vì chất tẩy của kem đánh răng có thể làm thay đổi vị của thức ăn.  Đề xuất rằng bệnh nhân nên nói cho bác sĩ nha khoa của họ biết về chứng rối loạn vị giác vào lần thăm khám kế tiếp, vì tình trạng này có thể liên quan đến các tiến trình trám răng hoặc gắn răng giả.  Một liệu pháp đặc biệt hữu hiệu cho các bệnh nhân bị khô miệng do rối loạn vị giác là kẹo cao su hoặc kẹo cứng không đường có vị bạc hà.  Các loại kẹo này thúc đẩy quá trình sản sinh nước bọt, giúp làm tan mùi vị.

Tiếp theo là thảo luận về việc chuẩn bị thức ăn.  Đề xuất thêm các hương vị có tính axit (cà chua, chanh hoặc cam) hoặc các loại gia vị và thảo mộc có chất gây cay.  Thực phẩm lạnh hoặc đông lạnh có xu hướng có vị ngon hơn thực phẩm ấm nóng và cũng có thể giúp cải thiện vị kim loại.  Một số bệnh nhân nếm được vị kim loại của các loại dao nĩa, do đó đề xuất các bệnh nhân này sử dụng dao nĩa nhựa và nồi nấu bằng thủy tinh.  Chuyển sang sử dụng các chất liệu nấu ăn thay thế giúp ngăn ngừa tình trạng mất ion sắt.  Điều này đặc biệt có lợi nếu bệnh nhân bị tăng vị giác.  Các bệnh nhân bị rối loạn vị giác do thuốc có thể xúc miệng bằng muối và baking soda hoặc chải răng bằng baking soda.  Các bệnh nhân nên pha một muỗng cà phê (teaspoon) muối và nửa muỗng cà phê baking soda trong một cup (236 ml) nước ấm rồi xúc miệng (nhưng không được nuốt).

Kết Luận

Con người sử dụng vị giác để đánh giá thực phẩm, chọn lựa thực phẩm hợp khẩu vị, và xác định thực phẩm hư thối.  Vị giác là một giác quan rất quan trọng, mặc dù một số bác sĩ lâm sàng có thể cho rằng vị giác ít quan trọng, đặc biệt ở các bệnh nhân bị các chứng bệnh nghiêm trọng.  Chứng loạn vị giác, đặc biệt hiện tượng có vị kim loại, có thể làm cho các bệnh nhân tự điều trị theo những phương cách có hại cho sức khỏe của họ (ví dụ như tăng tiêu thụ muối hoặc đường).  Do đó, nếu không thể xác định nguyên nhân gây ra chứng loạn vị giác, thì được đề xuất tham khảo với trung tâm điều trị vị và mùi đa lĩnh vực.


Nguồn(Sources):