THIẾU NGỦ VÀO THỜI THƠ ẤU VÀ CÁC TÁC HẠI SAU NÀY
Một nghiên cứu được dẫn đầu bởi một bác sĩ khoa nhi tại Bệnh Viện Đa Khoa Massachusetts (Massachusetts General Hospital) Hoa Kỳ tìm thấy rằng trẻ em ở độ tuổi từ 3 đến 7 nếu không ngủ đủ giấc sẽ có nhiều khả năng xuất hiện những vấn đề về tập trung, kiểm soát cảm xúc và các mối quan hệ với bạn bè vào giai đoạn từ 9 – 11 tuổi. Được báo cáo trên trang tạp chí điện tử Academic Pediatrics, nghiên cứu này đã tìm thấy những sự khác biệt đáng kể trong những câu trả lời của các phụ huynh và các thầy cô giáo cho các khảo sát liên quan đến chức năng điều hành (executive function) – bao gồm khả năng tập trung, trí nhớ ngắn hạn (working memory), kỹ năng lý luận và giải quyết vấn đề - và các vấn đề về hành vi ở những trẻ 7 tuổi phụ thuộc vào số giờ ngủ mà chúng thường tiếp nhận vào những năm thơ ấu.
“Chúng tôi đã tìm thấy rằng những trẻ thiếu ngủ trong giai đoạn từ 3 – 4 tuổi và từ 5 - 6 tuổi sẽ có nguy cơ cao bị suy giảm chức năng hành vi thần kinh (neurobehavioral function) vào thời điểm khoảng 7 tuổi”, theo lời của bác sĩ y khoa Elsie Taveras, trưởng Khoa Nhi Tổng Quát tại Bệnh Viện Đa Khoa Massachusetts cho Trẻ Em (Mass General Hospital for Children), và là người dẫn đầu cuộc nghiên cứu này. “Mối tương quan giữa thiếu ngủ và chức năng thần kinh hành vi kém vẫn tiếp tục ngay cả sau khi đã điều chỉnh một số yếu tố mà chúng có thể ảnh hưởng đến mối tương quan này”.
Giống như trong các nghiên cứu trước đây của nhóm này với mục đích kiểm tra vai trò của giấc ngủ trong một số lĩnh vực sức khỏe của trẻ em, nghiên cứu hiện tại đã phân tích các dữ liệu từ Dự Án Viva (Project Viva), một cuộc điều tra dài hạn về các tác động lên sức khỏe của một vài yếu tố trong thời gian mang thai và sau khi sinh. Các thông tin được sử dụng trong nghiên cứu này được thu thập trong các cuộc phỏng vấn những bà mẹ khi con trẻ của họ được khoảng 6 tháng, 3 tuổi và 7 tuổi, và được thu thập từ những bản câu hỏi thăm dò được hoàn tất khi các trẻ lên 1, 2, 4, 5 và 6 tuổi. Ngoài ra, các bà mẹ và thầy cô được gửi đến những dụng cụ khảo sát để đánh giá chức năng điều hành và các vấn đề về hành vi của mỗi đứa trẻ - bao gồm các triệu chứng về cảm xúc và các vấn đề về hạnh kiểm hoặc các mối quan hệ bạn bè, khi các trẻ được 7 tuổi.
Trong số 1046 trẻ ghi danh vào dự án Viva, nhóm nghiên cứu đã xác định những trẻ không tiếp nhận số giờ ngủ được đề xuất ở những nhóm tuổi cụ thể – 12 giờ (tiếng đồng hồ) hoặc lâu hơn ở độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi, 11 giờ hoặc lâu hơn ở độ tuổi từ 3-4 tuổi, và 10 giờ hoặc lâu hơn ở độ tuổi từ 5-7 tuổi. Những trẻ sống ở những gia đình có thu nhập thấp và có mẹ có trình độ học vấn thấp có nhiều khả năng ngủ ít hơn 9 giờ (tiếng đồng hồ) ở độ tuổi từ 5 – 7 tuổi. Các yếu tố khác liên quan đến thiếu ngủ bao gồm xem truyền hình nhiều, chỉ số trọng lượng cơ thể (body mass index - BMI) cao, và là người người Mỹ gốc Châu Phi.
Các báo cáo, từ các bà mẹ và các thầy cô liên quan đến chức năng thần kinh hành vi của các trẻ được ghi danh, đã tiết lộ các mối liên hệ giữa chức năng thần kinh hành vi kém và thiếu ngủ, trong đó các thầy cô báo cáo những vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Mặc dù không có sự liên đới được quan sát thấy giữa tình trạng thiếu ngủ trong thời kỳ sơ sinh – từ 6 tháng đến 2 tuổi – và hiện tượng suy giảm chức năng thần kinh hành vi vào độ tuổi từ 9 – 11 (mid-childhood), nhưng bác sĩ Taveras lưu ý rằng mức ngủ trong thời kỳ sơ sinh thường tiên đoán mức ngủ ở các độ tuổi sau này, điều này chứng minh cho tính chất quan trọng của việc đề xướng chất lượng và số lượng ngủ ở các trẻ nhỏ.
“Các nghiên cứu trước đây đã kiểm tra vai trò của vấn đề thiếu ngủ đối với những vấn đề sức khỏe mãn tính – bao gồm bệnh béo phì - ở cả các bà mẹ và các trẻ”, theo giải thích của bác sĩ Taveras, giáo sư Khoa Nhi tại trường Đại Học Y Khoa Havard. “Các kết quả của nghiên cứu mới này chỉ ra rằng một cách trong đó tình trạng thiếu ngủ có thể dẫn đến những hậu quả bệnh mãn tính là những tác động của nó lên sự ức chế, tính hấp tấp và các hành vi khác mà chúng có thể làm cho người thiếu ngủ tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu calorie. Việc nghiên cứu các tác hại lâu dài của tình trạng thiếu ngủ lên sức khỏe và sự phát triển khi các trẻ bước vào giai đoạn vị thành niên sẽ là một vấn đề quan trọng.
XÁC ĐỊNH CÁC RỐI LOẠN KỸ NĂNG HỌC
Đọc, viết, và toán là những yếu tố nền tảng của việc học. Nắm vững các môn này trong những năm đầu đến trường có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm học đường, công sở, và thậm chí sức khỏe toàn diện. Mắc phải những lỗi lầm và thậm chí gặp khó khăn đôi chút khi học những thứ mới mẻ là điều bình thường. Nhưng các vấn đề cứ bị lặp lại và kéo dài có thể là một dấu hiệu của chứng rối loạn kỹ năng học (learning disability).
Các trường hợp bị rối loạn kỹ năng học không liên quan đến mức độ thông minh của một đứa trẻ. Những rối loạn này là do các khác biệt trong não được hình thành bẩm sinh hoặc sau đó không lâu gây ra. Những sự khác biệt này ảnh hưởng đến cách thức não xử lý các thông tin và có thể tạo ra những vấn đề về kỹ năng đọc, viết, và làm toán.
“Điển hình là, trong vài năm đầu học tiểu học, một số trẻ, mặc dù được hướng dẫn đầy đủ, nhưng vẫn gặp khó khăn trong học tập và không thể nắm vững các kỹ năng đọc và viết một cách hiệu quả như các bạn học khác”, theo lời của bác sĩ y khoa Benedetto Vitiello, một chuyên gia sức khỏe tâm thần trẻ em tại Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH). “Vì thế vấn đề này thường được xem là một rối loạn về kỹ năng học”.
Thông thường, rối loạn kỹ năng học được phát hiện và được báo cáo càng sớm, thì khả năng thành công tại học đường và sau này trong cuộc sống càng cao. “Kiểm tra sàng lọc ban đầu, sau đó tiếp tục theo dõi biểu hiện học tập của trẻ em là yếu tố quan trọng để có thể kịp thời cho biết khi nào các trẻ gặp khó khăn trong học tập”, theo lời giải thích của bác sĩ Brett Miller, một chuyên gia về rối loạn kỹ năng đọc và viết tại Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ. “Nếu bạn không tích cực tìm kiếm nó, thì bạn có thể mất cơ hội can thiệp sớm hơn”.
Mỗi trường hợp rối loạn kỹ năng học có những dấu hiệu riêng. Một đứa trẻ bị rối loạn kỹ năng đọc có thể đánh vần kém và gặp trở ngại trong việc đọc nhanh hoặc trong việc nhận ra những từ thông thường. Một đứa trẻ bị rối loạn kỹ năng viết có thể viết rất chậm, có chữ viết xấu, hoặc gặp trở ngại trong việc diễn tả những ý tưởng trong cách hành văn. Rối loạn kỹ năng làm toán có thể làm cho đứa trẻ khó hiểu được những kiến thức toán cơ bản (chẳng hạn như tính nhân), đổi tiền, hoặc những bài toán đố.
Các rối loạn kỹ năng học có thể ảnh hưởng đến những vấn đề bên ngoài học đường. Nếu không được đề cập đến, thì chúng còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Một dạng rối loạn kỹ năng học có thể làm cho người bị ảnh hưởng khó hiểu được những thông tin sức khỏe được viết ra, những chỉ dẫn của bác sĩ, hoặc gặp khó khăn trong việc sử dụng đúng liều lượng thuốc vào đúng thời điểm. Các rối loạn kỹ năng học cũng có thể dẫn đến việc hiểu biết kém về lợi ích của những hành vi khỏe mạnh, chẳng như tập thể dục, và các nguy cơ sức khỏe, chẳng hạn như bệnh béo phì. Thiếu những kiến thức này có thể dẫn đến những hành vi không lành mạnh và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Không phải tất cả những người gặp trở ngại trong việc học đều bị rối loạn kỹ năng học. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng học của một người. Một số học sinh có thể học hiểu chậm hơn và cần thực hành nhiều hơn so với những bạn cùng lớp. Thị lực hoặc thính lực kém có thể làm cho một đứa trẻ bỏ sót những gì đã được dạy. Thiếu dinh dưỡng hoặc tiếp xúc với các chất độc hại thời thơ ấu cũng có thể góp phần gây nên những trở ngại trong việc học.
Nếu một đứa trẻ có thành tích không tốt tại học đường, thì cha mẹ hoặc thầy/cô giáo có thể yêu cầu kiểm tra đánh giá đứa trẻ để phát hiện chứng rối loạn kỹ năng học. Đạo Luật Cải Thiện Giáo Dục Những Cá Nhân bị Khuyết Tật của Hoa Kỳ (The U.S. Individuals with Disabilities Education Improvement Act) quy định rằng các trường công lập cung cấp chương trình giáo dục đặc biệt miễn phí cho các trẻ em, bao gồm các trẻ em bị các rối loạn kỹ năng học riêng biệt, mà những trẻ này cần đến những dịch vụ này. Để hội đủ điều kiện cho những dịch vụ này, một đứa trẻ phải được kiểm tra đánh giá bởi trường học và phải đáp ứng những yêu cầu của tiểu bang và liên bang. Việc kiểm tra đánh giá có thể bao gồm kiểm tra sức khỏe, thảo luận về tiền sử bệnh của gia đình, và kiểm tra thành tích học cũng như trí thông minh.
Nhiều người bị rối loạn kỹ năng học có thể phát triển những phương án để đối phó với tình trạng của họ. Thầy/cô giáo hoặc những chuyên gia giáo dục khác có thể giúp các trẻ học những kỹ năng dựa trên sức học của các cháu để cân bằng những khuyết điểm của mình. Các nhà giáo dục có thể cung cấp những phương pháp dạy đặc biệt, tạo những thay đổi trong lớp học, hoặc sử dụng các công nghệ hiện đại có thể giúp cho những nhu cầu học tập của các trẻ.
Trẻ bị rối loạn kỹ năng học cũng có thể gặp vấn đề với lòng tự trọng thấp, thiếu tự tin, và thất vọng. Trong trường hợp bị rối loạn khả năng học toán, những sự lo lắng về môn toán có thể góp phần làm cho các kỹ năng làm toán trở nên yếu kém hơn. Chuyên gia tư vấn có thể giúp trẻ sử dụng những kỹ năng đối phó và xây dựng những thái độ lành mạnh về khả năng học của chúng.
“Nếu có những phương pháp can thiệp thích hợp, thì những thách thức này có thể được giảm thiểu”, theo lời giải thích của bác sĩ Kathy Mann Koepke, một chuyên gia về rối loạn kỹ năng học toán tại Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ. “Các bậc phụ huynh và thầy/cô giáo phải lưu ý rằng những lời nói và hành vi của họ xung quanh việc học và làm toán sẽ được các trẻ ngấm ngầm học theo và có thể làm giảm hoặc làm tăng tâm trạng lo lắng về môn toán”.
“Chúng ta thường cho rằng các tình trạng này xảy ra một cách độc lập, nhưng có một số người bị nhiều rối loạn xuất hiện cùng lúc”, bác sĩ Miller nói. Thỉnh thoảng, trẻ em bị các rối loạn kỹ năng học cũng mắc phải một rối loạn kỹ năng học khác hoặc các bệnh lý khác, chẳng hạn như rối loạn tăng động thiếu tập trung (attention deficit hyperactivity disorder - ADHD).
“Rối loạn ADHD có thể bị lầm lẫn với rối loạn kỹ năng học”, bác sĩ Vitiello nói. Rối loạn tăng động thiếu tập trung (ADHD) làm cho trẻ khó tập trung chú ý, sắp xếp thông tin, và hoàn thành các nhiệm vụ. Điều này có thể ảnh hưởng đến vấn đề học tập, đời sống trong gia đình và các mối quan hệ bạn bè. Nhưng rối loạn ADHD không được xem là rối loạn kỹ năng học. Tình trạng này đòi hỏi những phương pháp trị liệu riêng, có thể bao gồm trị liệu hành vi (behavior therapy) và sử dụng thuốc.
“Cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị, đặc biệt là các trẻ ở độ tuổi học tiểu học”, bác sĩ Vitiello nói. Sử dụng thuốc và các phương pháp can thiệp hành vi (behavioral intervention) thường được tiến hành tại nhà. Thầy/cô giáo thường có thể tư vấn cho phụ huynh về cách thức giúp các trẻ tại nhà, chẳng hạn như lên thời khóa biểu hợp lý cho những hoạt động liên quan đến việc học. Cha mẹ cũng có thể giúp ích bằng cách giảm thiểu những trò giải trí và khuyến khích các trẻ thực hiện các nhiệm vụ, chẳng hạn như làm bài tập về nhà. Sự can thiệp hiệu quả đòi hỏi tính nhất quán (consistency) và sự điều phối giữa học đường và gia đình.
Nhiều yếu tố phức tạp có thể góp phần gây ra những rối loạn kỹ năng học. Các rối loạn kỹ năng học có khuynh hướng di truyền. Gia đình và cuộc sống hằng ngày cũng có một tác động rất lớn đến khả năng học của đứa trẻ bắt đầu từ độ tuổi rất sớm. Cha mẹ có thể giúp con trẻ của họ phát triển những kỹ năng và trau dồi kiến thức trong những năm đầu của cuộc sống, nhờ đó có thể hỗ trợ cho việc học sau này.
“Tiếp cận sớm với một môi trường học tập phong phú là yếu tố quan trọng cho sự phát triển về trí não”, bác sĩ Mann Koepke nói. Hãy cho con trẻ của bạn tham gia vào các loại hình học tập khác nhau từ lúc bắt đầu. Ngay cả trước khi các trẻ có thể nói, thì chúng đã biết học hỏi khám phá rồi. “Cho dù đó chỉ là lắng nghe và quan sát khi bạn nói về những gì bạn làm trong sinh hoạt hằng ngày”, bà nói.
Chỉ ra và nói với con trẻ về các tên, màu sắc, hình thể, kích cỡ, và số lượng các vật thể trong môi trường xung quanh chúng. Hãy cố gắng sử dụng những từ so sánh chắng hạn như “nhiều hơn” hoặc “ít hơn”. Điều này sẽ giúp hướng dẫn cho con trẻ của bạn về những mối liên hệ giữa các sự vật, mà điều đó rất quan trọng cho việc học những khái niệm toán học, bác sĩ Mann Koepke nói. Thậm chí những điều cơ bản, chẳng hạn như ngủ đủ giấc và ăn uống lành mạnh, cũng có thể giúp cho sự phát triển trí não và khả năng học của các trẻ.
Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) đang tiếp tục đầu tư vào những trung tâm nghiên cứu những rối loạn về kỹ năng học và các phương pháp điều trị chúng, với sự chú ý đặc biệt đến các nhóm học kém và có nguy cơ cao.
Mặc dù chưa có cách “chữa khỏi”, nhưng các phương pháp can thiệp sớm có thể cung cấp những công cụ học và phương án cần thiết để giúp giảm bớt các tác động của những rối loạn kỹ năng học. Với sự hỗ trợ từ những người bảo mẫu, các nhà giáo dục, và các chuyên gia y tế, thì những người bị các rối loạn kỹ năng học có thể thành công tại học đường, công sở, và trong đời sống cá nhân của họ.
7 LÝ DO CÓ THỂ LÀM CHO BẠN BỊ NỔI BAN ĐỎ (MỀ ĐAY)
Những chấm đỏ có hình thù kỳ quặc có thể biến mất hoặc tái xuất hiện rất nhanh. Hóa ra, các chấm nhỏ tạm thời gây khó chịu này lại rất là phổ biến – chúng ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số, theo lời của bác sĩ Whitney Bowe, một bác sĩ chuyên khoa da liễu (dermatologist) tại New York, Hoa Kỳ. Do đó, sẽ có nhiều cơ hội bạn có thể gặp phải tình trạng phát ban xảy ra trong suốt thời gian sống của mình.
Mặc dù thỉnh thoảng nguyên nhân gây ra có thể dễ nhận thấy (nếu bạn bị dị ứng với đậu phộng và vô tình bạn ăn phải nó, thì da của bạn sẽ nổi ban đỏ ngay tức khắc), nhưng thông thường thì thật khó để tìm ra lý do chính xác tại sao bạn bị phát ban. Điều đáng mừng là, chúng thường không kéo dài quá 24 giờ và dễ dàng chữa trị bằng các loại thuốc kháng histamin, theo Hiệp Hội Dị Ứng, Bệnh Xuyễn, và Miễn Dịch Học Hoa Kỳ (American College of Allergy, Asthma, and Immunology).
Sau đây là một số lý do tại sao bạn có thể nhận thấy cơ thể mình bị bao phủ bởi những chấm đỏ:
1. Bạn Sử Dụng Một Số Loại Thuốc
Các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID: chẳng hạn như aspirin và ibuprofen), các loại opioid (chẳng hạn như morphine và oxycodone), và các loại thuốc kháng sinh (chẳng hạn như penicillin), tất cả các loại thuốc này có thể làm cho bạn bị nổi ban đỏ, theo lời của bác sĩ Bruce Brod, giáo sư lâm sàng khoa da liễu tại trường Y Khoa Perleman thuộc Đại Học Pennsylvania. Theo Học Viện Dị Ứng, Bệnh Xuyễn, và Miễn Dịch Học Hoa Kỳ(American Academy of Allergy, Asthma, and Immunology), các ban đỏ thường sẽ xuất hiện trong vòng một giờ sau khi sử dụng thuốc.
2. Bạn Bị Stress
Một lý do khác để bạn hít thở sâu: Xúc động mạnh có thể gây phát ban. Đó là vì stress làm cho hệ miễn dịch bị suy yếu, làm cho bạn dễ mắc phải những rối loạn ở da. Thông thường, phát ban do stress chỉ xảy ra ngắn hạn (nghĩa là chỉ kéo dài chưa đến một ngày), bác sĩ Brod nói.
3. Bạn Bị Chảy Mồ Hôi Nhiều
Theo Tổ Chức Dị Ứng Thế Giới (World Allergy Organization), các trường hợp phát ban do nhiệt gây ra (có thể do tập thể dục, tắm nước nóng, chảy mồ hôi, và lo âu), thường bắt đầu ở cổ và ngực trên rồi lan đến mặt, lưng, và các chi. Nếu điều này xảy đến với bạn thường xuyên, thì bác sĩ Bowe đề xuất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn, họ có thể cho bạn sử dụng thuốc kháng histamin.
4. Bạn Tiếp Xúc với một Chất Gây Dị Ứng trong Môi Trường
Các yếu tố môi trường mà có thể gây phát ban bao gồm ánh nắng mặt trời, sức nóng, cảm lạnh, cỏ, phấn hoa, và ve bụi nhà (dust mite: mạt bụi nhà), theo lời của bác sĩ Lauren Ploch, một bác sĩ chuyên khoa da liễu ở thành phố Augusta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ.
5. Bạn Mặc Quần Áo Quá Chật
“Một số người sẽ bị phát ban ở những khu vực da bị đè nén, chẳng hạn như ở lòng bàn chân và bên dưới quần lót hoặc quần áo quá chật”, bác sĩ Brod nói. Ông đề xuất bạn nên hạn chế gãi – và mặc những loại quần áo rộng.
6. Bạn Bị một Chứng Bệnh Tự Miễn Dịch
Nếu bạn vẫn bị nổi ban đỏ sau một thời gian dài (một tháng hoặc hơn), thì nguyên nhân gây ra có thể là một chứng bệnh tự miễn dịch. “Luput hoặc bệnh tuyến giáp có thể gây phát ban”, bác sĩ Ploch nói, ông bổ sung rằng bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 1, hội chứng Sjogren, và bệnh Celiac cũng có thể là nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, việc cho rằng bệnh tự miễn dịch gây phát ban thường là một quá trình đào thải, bà nói, do đó điều quan trọng là phải kiểm tra với bác sĩ của bạn.
7. Bạn Ăn hoặc Uống Những Thứ Khác Thường
Rượu bia và một số loại thực phẩm có thể gây phát ban. “Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều phản ứng dị ứng do thực phẩm và những chất phụ gia trong thực phẩm (food additive), do đó mọi thứ trở nên khó hiểu bởi vì không nhất thiết là do thực phẩm”, bác sĩ Ploch nói. Các thủ phạm thường thấy bao gồm động vật biển có vỏ (shellfish), trứng, và các loại quả hạch, nhưng bác sĩ Ploch lưu ý các loại phẩm màu azo (azo food dye) trong kẹo (màu đỏ, vàng, và cam) và các chất sunfit (sulfite) trong rượu và thịt nguội (deli meat) cũng có thể gây phát ban. Nếu bạn bị phát ban, thì điều quan trọng là cẩn thận ghi lại những gì bạn đã ăn để bạn có thể tránh tiêu thụ những thực phẩm gây phát ban trong tương lai, bác sĩ Ploch nói.
RÁY TAI CÓ MÙI HÔI KỲ LẠ NÓI GÌ VỀ BẠN
Bạn có thể biết được nhiều về điều gì đang xảy ra bên trong cơ thể của bạn bằng cách chú ý đến những thứ nó sản sinh... miễn là bạn không cảm thấy gớm.
Màu sắc và độ đặc của nước tiểu, phân, nước bọt(saliva), và nước mũi (snot) có thể báo hiệu những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn – hoặc tái khẳng định bạn hoàn toàn khỏe mạnh. Và điều tương tự cũng áp dụng cho những gì rỉ ra từ tai bạn.
Ráy tai(earwax hoặc cerumen) giúp ngăn cản những chất dơ bẩn và vi khuẩn đi vào quá sâu bên trong ống tai (ear canal) của bạn, nhưng nó còn có thể nói cho bạn biết một số điều gây kinh ngạc về sức khỏe của bạn.
Ráy tai có nước, và có màu xanh dương
Nếu bạn đang chảy mồ hôi, thì chất có nước tiết ra từ tai có thể là do mồ hôi của bạn chảy vào tai và trộn lẫn với ráy tai, theo lời bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng (otolaryngologist) Brett Comer, phó giáo sư tại trường Đại Học Kentucky (University of Kentucky), Hoa Kỳ.
Nhưng nếu bạn không chảy mồ hôi, và ráy tai ướt có màu xanh lá cây hoặc vàng đậm, thì điều đó có thể báo hiệu bạn bị nhiễm trùng tai, ông nói.
Ráy tai ướt hoặc khô
Đối với mọi người chúng ta, có thể là một trong hai. Và loại ráy tai của bạn có thể cung cấp những manh mối về nguồn gốc di truyền của bạn. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Di Truyền Học Tự Nhiên (Nature Genetics) tìm thấy đa số những người gốc Châu Á có ráy tai khô, trong khi đó những người gốc Châu Phi hoặc Châu Âu thì có ráy tai ướt.
Các tác giả nghiên cứu nói đây là một sự thích ứng di truyền đối với những miền khí hậu trong đó tổ tiên của chúng ta đã tiến hóa.
Ráy tai có mùi khó chịu
Bạn có thể bị nhiễm trùng hoặc bị tổn thương tai giữa. Điều này có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng, mà các bác sĩ gọi là “viêm tai giữa mãn tính – chronic otitis media”.
Một trong số các triệu chứng: “Bạn có thể bị chảy dịch tai có mùi hôi”, bác sĩ Comer nói. Nếu tai giữa của bạn bị rối loạn, bạn cũng có thể cảm thấy bị vấn đề về thăng bằng, tiếng kêu trong tai, hoặc cảm giác tai bạn bị đầy hoặc bị nghẽn. Hãy đi khám bác sĩ.
Bạn lưu ý khi nó rỉ ra
Các trường hợp nhiễm trùng hoặc rách bên trong màng nhĩ(eardrum) có thể dẫn đến hiện tượng mọc da bất thường được gọi là “u sừng – cholesteatoma”, bác sĩ Comer giải thích. “Đây là một cấu trúc giống nang, dẫn đến các cặn bẩn trong tai tích lũy làm nghẽn ống tai”.
Thay vì chất tiết ra không thể nhận thấy mà bạn đã quen thuộc, ráy tai có thể xuất hiện dưới dạng nước hoặc dạng cục. Áp lực và hiện tượng đau trong tai bạn cũng là các triệu chứng của u sừng cholesteatoma”.
4 BƯỚC ĐỂ LẤY RÁY TAI
Ráy tai bảo vệ màng nhĩ của bạn khỏi bụi và chất bẩn. Bình thường, ráy tai hoàn thành nhiệm vụ rất tốt, di chuyển an toàn đến tai ngoài khi nó khô lại, và được thay thế bởi ráy tai mới hình thành ở ống tai. Thỉnh thoảng, ráy tai hình thành một nút cứng gần màng nhĩ, và phải được bác sĩ lấy ra, bác sĩ David Edelstein nói. Sau đây là cách để ngăn ngừa ráy tai phát triển và cách lấy ráy tai ra.
Đừng Đưa Gì Vào Tai Bạn
Câu nói quen thuộc, “Đừng bao giờ đưa bất cứ thứ gì nhỏ hơn khuỷu tay vào tai của bạn”, là một câu mà các bác sĩ tai đã thề hứa. Đừng bao giờ đưa bất kỳ thứ gì nhọn – như đinh ghim, đầu viết chì, hoặc cái kẹp giấy – vào tai của bạn, bởi vì chúng có thể làm rách màng nhĩ. Cũng đừng sử dụng tăm bông (cotton swab) hoặc ngón tay, bác sĩ George W. Facer nói. Có thể bạn nghĩ rằng bạn đang làm sạch tai và lấy được ráy tai, nhưng thực ra bạn đang chèn ráy tai vào sâu hơn và biến nó thành cái nắp bít kín màng nhĩ.
Nhỏ Vào Tai Một Dung Dịch Làm Mềm Ráy Tai
Một vài giọt dung dịch mà có lẽ bạn đã có sẵn ở nhà có thể làm mềm ráy tai. Hãy thử dùng nước oxy già (hydrogen peroxide), dầu khoáng (mineral oil), hoặc glycerin, đây là những chất rửa tai với giá phải chăng, bác sĩ Facer nói. Hoặc mua một loại nước rửa không cần toa bác sĩ, chẳng hạn như các loại dung dịch nhỏ tai Debrox Ear Drop hoặc Murine Ear Drop, bác sĩ Edelstein đề xuất. Nhỏ một hoặc hai giọt của một trong hai dung dịch này vào mỗi bên tai. Để cho dung dịch trào ra khỏi tai bạn. Phần dung dịch còn lại bên trong tai bạn sẽ xủi bọt và làm mềm ráy tai. Hãy nhỏ tai trong khoảng 2 – 3 ngày. Sau khi ráy tai đã mềm, bạn có thể chuẩn bị để rửa tai. Đổ đầy nước ấm (khoảng 37o C) vào một cái tô/bát. Sau đó bơm đầy nước vào bóng tiêm phun cao su (rubber bulb syringe), để một cái thau/chậu ở dưới đầu bạn, rồi phun nhẹ nước vào ống tai của bạn. Sau đó nghiêng đầu sang một bên rồi để nước chảy xuống thau/chậu.
Sấy Khô Tai Bạn
Đừng chà khô tai bạn, các bác sĩ dặn dò. Thay vào đó, thổi khô tai bạn bằng máy sấy tóc hoặc nhỏ một ít cồn vào mỗi bên tai để hoàn tất tiến trình làm khô. Hãy làm việc này sau khi bạn đã rửa tai để làm sạch ráy tai, như đã đề cập ở trên, cũng như sau khi bạn tắm xong.
Hãy Để Tự Nhiên Làm Công Việc Của Nó
Rửa tai mỗi tháng một lần là quá nhiều đối với mọi người, bác sĩ Edelstein nói. Nếu nhiều hơn thế thì bạn đang rửa sạch lớp ráy tai bảo vệ mà đáng lý ra nó phải nằm ở đó.
Bạn nghĩ rằng mình không có ráy tai
Nếu ráy tai của bạn đột nhiên biến mất, chẳng hạn như bạn không còn sản sinh ra nó nữa, thì có một cơ hội rất nhỏ bạn mắc phải một tình trạng bệnh lý hiếm và không rõ nguyên nhân có tên là “keratosis obturans – tích tụ keratin ở ống tai”, bác sĩ Comer nói.
“Thay vì tự đi ra từ từ, ráy tai tích lũy bên trong tai cho đến khi tai bạn có cái “nút” rất cứng này”, ông giải thích. Chỉ trong trường hợp bạn bị tình trạng này, thì bạn mới có khả năng gặp phải các triệu chứng như đau nhức hoặc bị đầy tai, ông nói thêm.
Ráy tai có dạng vảy
Bạn không phải bị bệnh. Bạn chỉ là đang già đi. “Khi người ta trở nên có tuổi, ráy tai có xu hướng trở thành dạng vảy thay vì có dạng bơ đậu phộng”, bác sĩ Comer nói.
Đừng lo lắng. “Thông thường, khi chúng ta trở nên có tuổi, thì các tuyến có xu hướng bị khô đi”, ông giải thích.
PHẢI CHĂNG CON NGƯỜI CHỈ SỬ DỤNG 10 PHẦN TRĂM NÃO CỦA HỌ
Bộ não của con người rất phức tạp. Cùng với việc tiến hành hàng triệu hoạt động mỗi ngày, nó còn biên soạn các bản hòa tấu, đưa ra những chính sách và nghĩ ra các đáp án cho những phương trình. Đây là nguồn tạo ra cảm giác, hành vi và những trải nghiệm của con người cũng như kho lưu trữ ký ức và tự ý thức. Vì thế, không có gì phải ngạc nhiên rằng bản thân bộ não vẫn là một điều bí ẩn.
Đóng góp vào điều bí ẩn đó là sự tranh cãi cho rằng con người chỉ sử dụng 10 phần trăm bộ não của họ. Nếu một người bình thường có thể kết nối với 90 phần trăm còn lại, thì họ cũng có thể trở thành một nhà bác học và nhớ được số π đến 20 ngàn chữ số thập phân hoặc thậm chí có những công năng đặc biệt có thể di chuyển đồ vật mà không cần tiếp xúc trực tiếp.
Tuổi thọ của huyền thoại này, bác sĩ Gordon nói, bắt nguồn từ quan niệm của con người về bộ não của họ: họ xem những thiếu sót của bản thân như những bằng chứng về sự tồn tại của phần chất xám chưa được sử dụng. Đây là một giả thuyết sai lầm. Tuy nhiên, cần phải hiểu một cách đúng đắn rằng vào những thời điểm nào đó trong cuộc đời, chẳng hạn khi chúng ta đang nghỉ ngơi đồng thời cũng nghĩ về điều gì đó, thì chúng ta có thể chỉ sử dụng 10 phần trăm bộ não của chúng ta.
“Nhưng trên thực tế, chúng ta sử dụng hầu như tất cả các phần của não, và toàn bộ các vùng não hoạt động hầu như liên tục”, bác sĩ Gordon nói thêm. “Chúng ta hãy nói thế này: não chiếm 3 phần trăm cân nặng của cơ thể và sử dụng 20 phần trăm năng lượng của cơ thể”.
Bộ não của con người có cân nặng trung bình khoảng 3 lbs (khoảng 1,4 kg) và bao gồm phần não trước (cerebrum) đồ sộ, đây là phần não lớn nhất và thực hiện tất cả những chức năng nhận thức cao hơn; tiểu não (cerebellum), kiểm soát các chức năng vận động (motor function), chẳng hạn như phối hợp chuyển động và thăng bằng; và phần thân não (brain stem), kiểm soát các chức năng tự động chẳng hạn như hít thở. Phần lớn năng lượng mà não tiêu thụ được dùng cho quá trình phóng điện của hàng triệu tế bào thần kinh truyền thông tin cho nhau. Các nhà khoa học cho rằng quá trình phóng điện và kết nối của các tế bào thần kinh này tạo ra tất cả các chức năng não phức tạp. Phần năng lượng còn lại của não được dùng để kiểm soát các hoạt động khác – bao gồm các hoạt động không chủ động, chẳng hạn như nhịp tim đập, và những hoạt động chủ động, chẳng hạn như lái xe.
Mặc dù vào một thời điểm nào đó tất cả các vùng não không cùng phóng điện là điều có thật, nhưng các nhà nghiên cứu về não bằng cách sử dụng các phương pháp tạo hình đã chứng minh rằng, giống như các tổ chức cơ của cơ thể, đa số các vùng não hoạt động liên tục trong suốt 24 giờ. “Chứng cứ cho thấy rằng trong một ngày bạn sử dụng 100% não bộ”, theo lời John Henley, một bác sĩ chuyên khoa thần kinh tại Chẩn Y Viện Mayo (Mayo Clinic) ở Rochester, bang Minnesota, Hoa Kỳ. Ngay cả trong lúc ngủ, các khu vực như vỏ não trước (frontal cortex), khu vực này kiểm soát những chức năng như suy nghĩ ở mức cao hơn và tự ý thức (self-awareness), hoặc các khu vực nhận cảm xúc giác (somatosensory area), giúp con người cảm nhận môi trường xung quanh, cũng hoạt động, bác sĩ Henley giải thích.
Lấy ví dụ về hành động đổ cà phê vào ly vào buổi sáng: Khi đi đến bình cà phê, với tay lấy nó, đổ cà phê vào ly, thậm chí chừa chỗ cho sữa hoặc kem, thì các thùy chẩm (occipital lobe) và thùy đỉnh (parietal lobe), các vỏ não kiểm soát vận động cảm giác (sensory motor) và cảm giác vận động (motor sensory), hạch nền (basal ganglia), tiểu não và thùy trán (frontal lobe) tất cả đều hoạt động. Một quá trình phóng điện của hoạt động thần kinh xảy ra trên hầu như toàn bộ các khu vực não chỉ trong thời gian vài giây.
“Điều này không nói rằng nếu não bị hủy hoại thì bạn sẽ không thể thực hiện những công việc hằng ngày”, bác sĩ Henely nói tiếp. “Có những người bị tổn thương não hoặc có những phần não bị cắt bỏ vẫn sống tương đối bình thường, đó là bởi vì bộ não có cách để bù lại và đảm bảo rằng những phần còn lại của não sẽ tiếp quản hoạt động này”.
Có thể vẽ chi tiết các khu vực và các chức năng não khác nhau là một yếu tố cần thiết (part and parcel) trong việc hiểu được các tác dụng phụ tiềm tàng nếu một khu vực não nào đó bắt đầu bị trục trặc. Các chuyên gia biết rằng các tế bào thần kinh thực hiện các chức năng giống nhau sẽ có khuynh hướng tập họp lại với nhau. Ví dụ, các tế bào thần kinh có chức năng kiểm soát chuyển động của ngón tay cái (thumb) được sắp xếp gần với những tế bào thần kinh kiểm soát chuyển động của ngón tay trỏ (forefinger). Do đó, khi tiến hành phẫu thuật não, các bác sĩ giải phẫu thần kinh (neurosurgeon) luôn hết sức thận trọng để tránh các bó thần kinh liên quan đến thị giác, thính giác và chuyển động, giúp não giữ lại càng nhiều chức năng của nó càng tốt.
Điều mà các chuyên gia không hiểu được là bằng cách nào các đám tế bào thần kinh từ những khu vực não khác nhau cộng tác để hình thành ý thức. Cho đến nay, vẫn chưa có chứng cứ cho thấy rằng có một khu vực kiểm soát ý thức, điều này làm cho các chuyên gia tin rằng đó là một nỗ lực chung của tập thể các tế bào thần kinh. Một điều bí ẩn khác ẩn náu bên trong các vỏ não có nếp nhăn của chúng ta là, trong số tất cả các tế bào não, chỉ có 10% là các tế bào thần kinh; 90% còn lại là các tế bào thần kinh đệm (glial cell), giúp bảo vệ và hỗ trợ các tế bào thần kinh, nhưng chức năng của chúng vẫn chưa được hiểu rõ. Cuối cùng, không phải là chúng ta chỉ sử dụng 10% não của mình, nhưng chúng ta chỉ hiểu được 10% cách chúng hoạt động.
CƠ CHẾ VIÊM THẤP KHỚP CÓ THỂ THAY ĐỔI THEO TỪNG KHỚP
Các Ý Chính
- Một phân tích về những thay đổi ngoài di truyền lên các hợp chất hóa học của bộ gen (epigenomic analysis) về chứng viêm thấp khớp(rheumatoid arthiritis: viêm khớp dạng thấp) ở đầu gối và các khớp hông đã tiết lộ những kiểu đặc thù cho thấy các cơ chế bệnh có thể khác nhau ở mỗi khớp.
- Những phát hiện này có thể mở ra cánh cửa cho việc phát triển những phương pháp trị liệu hiệu quả hơn cho từng cá nhân bị viêm thấp khớp (viêm khớp dạng thấp).
Viêm thấp khớp (viêm khớp dạng thấp) là một chứng bệnh tự miễn dịch, trong đó hệ miễn dịch tấn công lầm chính cơ thể mình, chẳng hạn như màng lót các khớp. Điều này có thể gây đau nhức, sưng, đơ cứng, và mất chức năng hoạt động ở các khớp trên khắp cơ thể. Vì những lý do nào đó, các khớp khác nhau bị ảnh hưởng một cách khác biệt ở những người bị viêm thấp khớp (viêm khớp dạng thấp).
Người ta vẫn chưa hiểu rõ các nguyên nhân gây viêm thấp khớp (viêm khớp dạng thấp). Một vài gen gắn liền với hệ miễn dịch được xem có liên quan đến nguy cơ phát sinh chứng viêm thấp khớp (viêm khớp dạng thấp). Các yếu tố môi trường – chẳng hạn như hút thuốc lá, chế độ ăn uống, và stress – cũng có thể góp phần kích thích gây ra căn bệnh này. Hiểu rõ hơn về các cơ chế phân tử hoạt động ở căn bệnh này có thể dẫn đến những phương pháp tiếp cận hiệu quả hơn cho việc điều trị.
Một nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Gary S. Firestein và tiến sĩ Wei Wang tại trường Đại Học California San Diego, Hoa Kỳ, dẫn đầu, đang nghiên cứu các tế bào hoạt dịch dạng nguyên bào sợi (fibroblast-like synoviocyte – FLS), một dạng tế bào lót các khớp góp phần vào quá trình hủy hoại khớp ở trường hợp bệnh viêm thấp khớp (viêm khớp dạng thấp). Trong nghiên cứu trước đây, nhóm nghiên cứu này đã thu thập được những kiến thức về cách hoạt động của các tế bào này nhờ sử dụng các yếu tố làm thay đổi cách thức các gen đọc, hoặc thể hiện, mà không làm thay đổi chuỗi ADN (DNA) (epigenetics). Họ đã xác định các kiểu metyl hóa ADN (DNA) - một phương pháp thay đổi yếu tố di truyền ảnh hưởng đến cách thể hiện gen (gene expression) - ở tế bào hoạt dịch dạng nguyên bào sợi mà nó cho thấy sự khác biệt giữa bệnh viêm thấp khớp (viêm khớp dạng thấp) và viêm xương khớp (osteoarthritis).
Trong nghiên cứu mới của họ, nhóm này đã tiến hành nghiên cứu tế bào hoạt dịch dạng nguyên bào sợi (FLS) lấy được từ các cuộc giải phẫu thay khớp hoàn toàn ở 30 người bị viêm thấp khớp và 16 người bị viêm xương khớp. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Nature Communicationssố ra ngày 10 tháng Sáu năm 2016.
Các nhà khoa học đã sử dụng những phương pháp phân tích bằng máy vi tính để phân nhóm các mẫu tùy theo hàng ngàn khác biệt về quá trình metyl hóa mà họ tìm thấy trên bộ gen. Giống như kỳ vọng, kiểu metyl hóa tế bào hoạt dịch dạng nguyên bào sợi (FLS) trong trường hợp viêm thấp khớp (viêm khớp dạng thấp) khác với kiểu metyl hóa tế bào FLS trong trường hợp viêm xương khớp.
Tiếp theo các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các chuỗi phản ứng sinh học bị ảnh hưởng đồng thời xác định một số các tế bào FLS mà chúng được metyl hóa một cách khác nhau trong trường hợp viêm thấp khớp đầu gối và viêm thấp khớp hông. Kết quả phân tích sự thể hiện gen đã xác nhận rằng các vị trí khớp khác nhau có các gen và các chuỗi phản ứng sinh học khác nhau. Nhiều chuỗi phản ứng trong số này có liên quan đến chức năng miễn dịch và quá trình viêm.
Sau đó nhóm nghiên cứu đã kiểm tra các loại thuốc được phát triển để điều trị bệnh viêm thấp khớp (viêm khớp dạng thấp). Họ đã so sánh các mục tiêu của thuốc nhắm đến các chuỗi phản ứng sinh học dành riêng cho khớp mà họ đã khám phá ra. Phân tích này cho thấy rằng một số loại thuốc tiềm năng có thể được đánh giá khác đi nếu như các chuỗi phản ứng sinh học này được xem xét. Phương pháp phân tích này có thể tạo ra nền tảng cho việc phát triển những phương pháp tiếp cận y học chính xác để điều trị bệnh viêm thấp khớp (viêm khớp dạng thấp).
“Chúng tôi đã cho thấy rằng các dấu hiệu ngoài di truyền(epigenetic mark) thay đổi theo từng khớp trong trường hợp bệnh viêm thấp khớp”, tiến sĩ Firestein nói. “Điều còn quan trọng hơn, đó là, những sự khác biệt này bao gồm các gen quan trọng và các chuỗi phản ứng sinh học mà chúng được ngăn chặn bởi những phương pháp điều trị viêm thấp khớp (viêm khớp dạng thấp) mới. Điều này có thể giúp giải thích lý do tại sao có một số khớp được cải thiện trong khi những khớp khác không có dấu hiệu được cải thiện, cho dù chúng được trị liệu với cùng loại thuốc”.
CÁC CƠN NHỒI MÁU CƠ TIM ÂM THẦM
Không phải tất cả các cơn nhồi máu cơ tim đều tạo ra hiện tượng đau ngực hoặc các triệu chứng phổ biến khác. Tuy nhiên, cái gọi là nhồi máu cơ tim âm thầm (silent heart attack) cũng có thể gây chết người. Nghiên cứu mới, được đăng trên tạp chí Tuần Hoàn (Circulation), đã nghiên cứu tác động của những sự kiện tim âm thầm nhưng không kém phần nghiêm trọng này.
Các triệu chứng điển hình của một cơn nhồi máu cơ tim bao gồm cảm giác bị đè nén, đau, và ép ngực.
Bệnh nhân cũng bị đau ở cánh tay, vai, cổ, lưng, răng, hoặc quai hàm. Đau bụng, khó thở, chóng mặt, chảy mồ hôi, buồn nôn và lo âu cũng thường xảy ra.
Đây có thể được xem là những triệu chứng kinh điển, nhưng các cơn nhồi máu cơ tim không luôn luôn xuất hiện theo cách này.
Trên thực tế, khoảng một nửa các cơn nhồi máu cơ tim không xuất hiện phần lớn các triệu chứng đó. Tuy nhiên, máu chảy đến cơ tim vẫn bị giảm xuống hoặc bị cắt đứt hoàn toàn; hiện tượng này được gọi là thiếu máu cục bộ (ischemia).
Sự Nguy Hiểm của Các Cơn Nhồi Máu Cơ Tim Âm Thầm
Vì sự vắng mặt của các triệu chứng, cho nên các cơn nhồi máu cơ tim âm thầm hiếm khi được phát hiện vào thời điểm nó xảy ra. Thông thường các dấu hiệu cho biết tình trạng bệnh nhân sẽ được bác sĩ lưu ý sau khi xem điện tâm đồ của bệnh nhân.
Mặc dù các cơn nhồi máu cơ tim này không xuất hiện các triệu chứng, nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng không gây tổn hại. Các nhà nghiên cứu từ Trung Tâm Y Tế Wake Forest Baptist (Wake Forest Baptist Medical Center), ở Winston-Salem, tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ, được dẫn đầu bởi bác sĩ Elsayed Z. Soliman, đã quyết định điều tra hậu quả của các sự kiện này một cách chi tiết hơn. Tính phổ biến và mức độ nguy hiểm của các cơn nhồi máu cơ tim là như thế nào?
“Hậu quả của một cơn nhồi máu cơ tim âm thầm cũng tồi tệ như một cơn nhồi máu cơ tim bình thường được nhận biết khi nó xảy ra. Chính vì bệnh nhân không biết họ đã bị một cơn nhồi máu cơ tim âm thầm, cho nên có thể họ không tiếp nhận sự điều trị cần thiết để ngăn ngừa một cơn nhồi máu cơ tim khác”, bác sĩ Soliman nói.
Nhóm nghiên cứu đã kết hợp các dữ liệu của khoảng 9498 người ở độ tuổi trung niên, những người này đã tham gia vào nghiên cứu Nguy Cơ Xơ Vữa Động Mạch trong Cộng Đồng (Atherosclerosis Risk in Communities - ARIC study) . Nghiên cứu này bắt đầu tuyển chọn tình nguyện viên vào năm 1987.
Họ đã ghi danh những cá nhân khỏe mạnh, không bị bệnh tim, đến từ tiểu bang Minnesota, Maryland, Mississippi, và North Carolina. Mục tiêu ban đầu của nghiên cứu ARIC này là điều tra các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim và các tác động lên sức khỏe của chứng xơ vữa động mạch.
Đối với nghiên cứu hiện tại, nhóm này đã theo dõi con số những trường hợp nhồi máu cơ tim và các hệ quả của chúng trong tương lai. Họ cũng tìm kiếm sự khác biệt giữa người Mỹ gốc Châu Phi và người Mỹ gốc Châu Âu, giữa nam và nữ.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét đánh giá dữ liệu của từng cá nhân trong khoảng 9 năm. Trong suốt thời gian đó, 386 cá nhân đã bị một cơn nhồi máu cơ tim với các triệu chứng điển hình, và 317 cá nhân có các cơn nhồi máu cơ tim âm thầm.
Sau đó, mỗi cá nhân tham gia nghiên cứu đã được theo dõi trong hơn 20 năm, để quan sát bệnh liên quan đến tim, tử vong do nhồi máu cơ tim, và các kết quả về sức khỏe ...
Các Số Liệu Phía Sau Các Cơn Nhồi Máu Cơ Tim
Bác sĩ Soliman và nhóm nghiên cứu của ông đã tìm thấy rằng các cơn nhồi máu cơ tim âm thầm chiếm khoảng 45% trong tổng số các cơn nhồi máu cơ tim. Họ đã khám phá ra rằng các cơn nhồi máu cơ tim âm thầm làm tăng gấp ba cơ hội tử vong do bệnh tim trong tương lai. Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng các cơn nhồi máu cơ tim âm thầm thường xảy ra ở nam giới hơn, tuy nhiên chúng lại thường gây tử vong ở phụ nữ hơn.
Điều đáng lo ngại là, các cơn nhồi máu cơ tim âm thầm được xem có thể làm tăng cơ hội tử vong từ mọi nguyên nhân khoảng 34%.
Ngoài ra, những người Mỹ gốc Châu Phi xem ra hồi phục kém hơn sau một cơn nhồi máu cơ tim âm thầm so với những người Mỹ gốc Châu Âu. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng kết quả này có thể không đáng tin cậy bởi vì có rất ít người Mỹ gốc Châu Phi tham gia vào cuộc nghiên cứu.
Các kết quả đã được điều chỉnh cho phù hợp với những tham số tạo sự sai biệt tiềm tàng, chẳng hạn như hút thuốc lá, bệnh tiểu đường (đái tháo đường), cân nặng, mức cholesterol, cao huyết áp, thu nhập, và trình độ giáo dục.
Bác sĩ Soliman hy vọng rằng chứng cứ mới này, cho thấy mức độ phổ biến và nghiêm trọng của các cơn nhồi máu cơ tim âm thầm, có thể thúc đẩy những thay đổi trong các nguyên tắc hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe. Các phát hiện họ tìm thấy đã chứng minh rằng những cá nhân bị các cơn nhồi máu cơ tim cần đến mức độ chăm sóc và hỗ trợ tương tự.
“Các bác sĩ cần giúp những bệnh nhân đã từng bị một cơn nhồi máu cơ tim âm thầm bỏ hút thuốc lá, giảm cân, kiểm soát cholesterol và huyết áp, và tập thể dục nhiều hơn”, bác sĩ Soliman nói.
Khi cộng đồng y tế và cộng đồng chung ngày càng trở nên nhận thức hơn về mối đe dọa âm thầm này, thì bác sĩ Soliman hy vọng rằng các cơn nhồi máu cơ tim âm thầm sẽ được điều trị một cách cẩn thận và nghiêm túc như các cơn nhồi máu cơ tim thông thường khác.
THỂ DỤC CÓ THỂ TĂNG CƯỜNG TRÍ NHỚ VÀ KỸ NĂNG SUY NGHĨ