KHÔI PHỤC CHỨC NĂNG
Đa số người qua được cơn đột quỵ sẽ bị một số tình trạng tàn tật. Nhưng nhiều người có thể cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe trong quá trình hồi phục. Theo Hiệp Hội Đột Quỵ Quốc Gia Hoa Kỳ (National Stroke Association):
- 10% những người qua được cơn đột quỵ sẽ hồi phục gần như hoàn toàn
- 25% số bệnh nhân hồi phục với tình trạng tàn tật nhẹ
- 40% gặp phải tình trạng tàn tật vừa phải đến nghiêm trọng, đòi hỏi được chăm sóc đặc biệt
- 10% cần được chăm sóc ở trung tâm chăm sóc cho người tàn tật
Để có được cơ hội cải thiện và phục hồi chức năng, điều quan trong là quá trình phục hồi phải bắt đầu ngay sau khi cơn đột quỵ xảy ra. Trị liệu phục hồi chức năng được bắt đầu ở bệnh viện ngay sau khi sức khỏe bệnh nhân được ổn định. Các bài tập cải thiện chuyển động của khớp (range of motion exercise) ban đầu sẽ bao gồm một y tá (điều dưỡng) hoặc một chuyên viên vật lý trị liệu di chuyển tay/chân bị ảnh hưởng của bệnh nhân (bài tập thụ động) và giúp bệnh nhân tập di chuyển tay/chân (bài tập chủ động). Bệnh nhân được khuyến khích ngồi xuống, đứng lên và đi một cách chậm rãi, sau đó thực hiện các hình thức sinh hoạt hàng ngày (tắm, mặc quần áo, sử dụng nhà vệ sinh).
Một số bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh nhất và phục hồi chức năng trong vài ngày đầu, trong khi đó, các bệnh nhân khác sẽ tiếp tục cho thấy sự cải thiện trong vòng 6 tháng đầu hoặc lâu hơn. Quá trình hồi phục là một quá trình tiến triển từ từ, và với sự giúp đỡ của đội ngũ nhân viên trị liệu kinh nghiệm và gia đình, bệnh nhân sẽ có thể tiếp tục cải thiện tình trạng sức khỏe.
Các Dịch Vụ Phục Hồi Chức Năng
Sau khi bệnh nhân được xuất viện, chương trình phục hồi chức năng vẫn tiếp tục tại nhà hoặc theo một chương trình phục hồi không cần ở lại bệnh viện (outpatient program). Một số bệnh nhân có thể được chuyển đến một bệnh viện phục hồi chức năng trước khi về nhà. Các bệnh nhân khác có thể cần được chăm sóc ở trung tâm phục hồi chức năng dài hạn hoặc có kinh nghiệm. Ngoài bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ thần kinh, đội ngũ y tế giúp bệnh nhân phục hồi chức năng có thể bao gồm:
- Các chuyên viên vật lý trị liệu tập trung vào việc phục hồi chức năng hoạt động và giúp các bệnh nhân cải thiện sức khỏe, sự thăng bằng, và khả năng phối hợp hoạt động của các bộ phận cơ thể (coordination)
- Các chuyên gia trị liệu phục hồi sức lao động (occupational therapist) giúp các bệnh nhân khôi phục khả năng thực hiện các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày
- Các chuyên gia trị liệu khả năng ngôn ngữ (speech-language therapist) giúp cải thiện các kỹ năng về ngôn ngữ
- Các chuyên gia tâm lý (psychologist) giúp cải thiện trạng thái tinh thần và cảm xúc của bệnh nhân
- Các nhân viên xã hội (social worker) giúp bệnh nhân và gia đình thu xếp tài chánh và phối hợp các dịch vụ tại nhà.
Các Tác Động của Đột Quỵ
Một cơn đột quỵ có thể gây ra nhiều trường hợp tàn tật khác nhau. Hình thức tàn tật phụ thuộc vào khu vực não bị hủy hoại. Theo Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ (U.S. National Institute of Health), có 5 dạng tàn tật chính là:
- Bệnh Bại Liệt hoặc Các Rối Loạn Kiểm Soát Cử Động (Motor Control). Bệnh bại liệt có xu hướng xảy ra ở phần cơ thể không cùng bên với khu vực não bị hủy hoại. Nếu một người bị hủy hoại não bên trái, thì phần cơ thể bên phải sẽ bị ảnh hưởng, và ngược lại. Bệnh bại liệt bán thân được gọi là hemiplegia, và suy nhược bán thân được gọi là hemiparesis. Bệnh bại liệt bán thân hoặc suy nhược bán thân có thể ảnh hưởng đến khả năng đi lại hoặc nắm giữ đồ vật của bệnh nhân. Tình trạng mất kiểm soát cơ bắp cũng có thể gây ra các rối loạn về chức năng nuốt (dysphagia) hoặc khả năng nói (dysarthria). Các bệnh nhân cũng có thể gặp khó khăn về khả năng phối hợp hoạt động của các bộ phận cơ thể và sự thăng bằng (ataxia).
- Các Rối Loạn Về Cảm Giác Bao Gồm Đau Nhức. Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận xúc giác, sự đau nhức, nhiệt độ, hoặc vị trí. Sự đau nhức, tình trạng tê, và cảm giác ngứa ran hoặc kim châm có thể xảy ra ở tay/chân bị liệt hoặc bị suy nhược (paresthesia). Thỉnh thoảng bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nhận ra tay hoặc chân bị ảnh hưởng. Những người qua được cơn đột quỵ sẽ bị đau nhức mãn tính, thường là do một khớp bị mất khả năng hoạt động hoặc bị “đông cứng”. Tình trạng đơ cứng cơ hoặc co cứng thường xảy ra. Các rối loạn về cảm giác cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng đi tiểu hoặc kiểm soát nhu cầu đi tiêu (đi cầu).
- Các Rối Loạn Sử Dụng Hoặc Hiểu Được Ngôn Ngữ (Aphasia). Ít nhất 25% các bệnh nhân qua được cơn đột quỵ sẽ bị rối loạn về ngôn ngữ, ảnh hưởng đến khả năng nói, viết, và hiểu được ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ viết. Tình trạng này được gọi là aphasia. Thỉnh thoảng, bệnh nhân nhận biết được chữ đó nhưng gặp khó khăn phát âm nó.
- Các Loạn về Tư Duy và Bộ Nhớ. Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến thời gian duy trì sự tập trung và bộ nhớ ngắn hạn. Điều này có thể làm mất khả năng đưa ra kế hoạch, học biết một công việc mới, làm theo các chỉ dẫn, hoặc thấu hiểu được ý nghĩa. Một số bệnh nhân qua được cơn đột quỵ bị mất khả năng nhận ra hoặc hiểu được tình trạng suy nhược thể chất của họ hoặc bị mất cảm giác ở phần cơ thể bị đột quỵ gây suy nhược.
- Các Rối Loạn Về Xúc Cảm. Một số thay đổi về xúc cảm và tính cách sau cơn đột quỵ là do các ảnh hưởng của tình trạng hủy hoại não gây ra. Chứng trầm cảm lâm sàn là rất phổ biến, và đó không chỉ là một phản ứng tâm lý đối với cơn đột quỵ mà còn là một triệu chứng của các thay đổi về thể chất trong não. Các bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát các cảm xúc hoặc có thể thể hiện các phản ứng cảm xúc không hợp lý (khóc, hoặc cười vu vơ).
Các Chương Trình Khôi Phục Chức Năng
Vì đột quỵ sẽ ảnh hưởng đến các khu vực khác nhau của não, do đó các phương pháp tiếp cận nhằm quản lý quá trình khôi phục chức năng thay đổi tùy theo từng bệnh nhân:
- Chương trình thể dục. Các hướng dẫn mới đây từ Cơ Quan Chủ Quản Hội Cựu Chiến Binh (Veteran’s Administration) đề xuất rằng các bệnh nhân nên đi lại càng sớm càng tốt để ngăn ngừa chứng nghẽn tĩnh mạch dưới (deep vein thrombosis). Các bệnh nhân nên cố gắng đi bộ ít nhất 50 feet (khoảng 15 m) mỗi ngày. Các dụng cụ và khung hỗ trợ thỉnh thoảng được sử dụng để giúp chống đỡ cho chân. Các bài tập đi bộ trên máy có thể rất hữu ích cho các bệnh nhân với tình trạng mất chức năng hoạt động từ vừa phải đến nghiêm trọng. Các bài tập nên phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và có thể bao gồm các bài tập aerobic, thể lực, dẻo dai và các bài tập về cơ thần kinh (phối hợp các cơ phận và thăng bằng).
- Tái Luyện Tập Cơ. Các bài tập kéo giãn và các bài tập cải thiện chuyển động của khớp (range-of-motion exercise) được sử dụng để giúp điều trị các cơ bị co cứng. Các bài tập này cũng có thể giúp các bệnh nhân phục hồi chức năng của cánh tay đã bị liệt. Nhiều phương pháp đã được phát triển và nghiên cứu. - Trị Liệu Ngôn Ngữ Nói và Ngôn Ngữ Ra Dấu. Tăng cường trị liệu ngôn ngữ nói sau cơn đột quỵ sẽ rất quan trọng cho quá trình hồi phục. Một số bác sĩ đề xuất 9 giờ trị liệu mỗi tuần trong vòng 3 tháng. Kỹ năng ngôn ngữ cải thiện nhiều nhất khi gia đình và bạn bè giúp tăng cường các bài tập trị liệu ngôn ngữ.
- Luyện Tập Khả Năng Nuốt. Quá trình luyện tập bệnh nhân và những người chăm sóc cho bệnh nhân liên quan đến các phương pháp luyện tập khả năng nuốt, cũng như các thực phẩm và thức uống an toàn và không an toàn, sẽ rất cần thiết cho việc ngăn ngừa tình trạng vô tình nuốt thức ăn vào đường hô hấp).
- Luyện tập khả năng tập trung. Các rối loạn về khả năng tập trung rất phổ biến sau cơn đột quỵ. Phương pháp tái luyện tập trực tiếp hướng dẫn các bệnh nhân thực hiện các kỹ năng đặc biệt với các bài tập lập lại để phản ứng lại một số kích thích. (Ví dụ, bệnh nhân được yêu cầu ấn vào thiết bị điện tử tạo âm thanh mỗi khi họ nghe một con số nào đó). Một hình thức khác của phương pháp này hướng dẫn bệnh nhân luyện tập lại các kỹ năng trong cuộc sống, chẳng hạn như lái xe, giao tiếp, và các kỹ năng khác được thực hiện mỗi ngày.
- Luyện tập khả năng lao động. Phương pháp trị liệu này rất quan trọng, giúp cải thiện các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày và hội nhập xã hội.
Trị Liệu Bằng Thuốc Cho Tiến Trình Khôi Phục Chức Năng
Sử dụng thuốc thỉnh thoảng có thể giúp thuyên giảm các tác động đặc biệt của đột quỵ
- Heparin, một loại thuốc làm loãng máu, được dùng để ngăn ngừa sự hình thành huyết khối trong các tĩnh mạch ở chân (thrombosis). - Một số bệnh nhân gặp phải tình trạng nấc cục liên tục, mà có thể trở nên rất nghiêm trọng. Chlorpromazine và baclofen nằm trong số các loại thuốc được sử dụng cho trường hợp này. - Các loại thuốc chống trầm cảm (antidepressant) có thể được chỉ định để điều trị cho chứng trầm cảm.
Quản Lý Các Hệ Quả về Xúc Cảm
Đột quỵ gây khó khăn về mặt cảm xúc cho cả bệnh nhân và gia đình. Cảm xúc và phản ứng của người chăm sóc đối với bệnh nhân là rất quan trọng. Tình trạng của bệnh nhân sẽ trở xấu khi người chăm sóc bị ức chế tinh thần, bảo vệ quá mức cần thiết, hoặc không có kiến thức về đột quỵ. Họ sẽ hồi phục tốt nhất khi người chăm sóc và gia đình tỏ ra khuyến khích và hỗ trợ cho bệnh nhân. Mọi người sẽ có lợi khi bệnh nhân có thể hoạt động một cách độc lập với khả năng tốt nhất của họ.