ĐIỀU TRỊ
Các thực phẩm chức năng chứa chất sắt uống bằng miệng là cách thức tốt nhất để khôi phục hàm lượng chất sắt cho những người bị thiếu hụt chất sắt, nhưng chỉ nên sử dụng các thực phẩm chức năng này khi các biện pháp ăn uống không thành công. Tuy nhiên, các thực phẩm chức năng chứa chất sắt không thể chữa khỏi chứng thiếu máu mà không phải do tình trạng thiếu hụt chất sắt gây ra.
Phương pháp trị liệu thay thế chất sắt có thể gây ra các vấn đề về đường ruột và bao tử, thỉnh thoảng xuất hiện các trường hợp nghiêm trọng. Chất sắt dư thừa cũng có thể góp phần gây ra bệnh tim, bệnh tiểu đường, và một số bệnh ung thư. Các bác sĩ thường chống lại việc sử dụng các thực phẩm chức năng chứa chất sắt ở những người có chế độ ăn uống lành mạnh và không có các dấu hiệu bị chứng thiếu máu do thiếu chất sắt.
Phương Pháp Điều Trị Chứng Thiếu Máu của Chứng Bệnh Mãn Tính. Thông thường, phương pháp điều trị tốt nhất cho chứng thiếu máu của bệnh mãn tính là điều trị chứng bệnh mãn tính đó. Trong một số trường hợp, tình trạng thiếu hụt chất sắt thường đi theo chứng bệnh này, do đó cần đến trị liệu thay thế chất sắt. Erythropoietin (một kích thích tố được hình thành chủ yếu trong thận và có tác dụng kích thích sự hình thành hồng cầu), thường được sử dụng chung với chất sắt truyền vào tĩnh mạch cho một số bệnh nhân.
Các Thực Phẩm Chức Năng Uống Bằng Miệng
Các Dạng Thực Phẩm Chức Năng. Có hai dạng thực phẩm chức năng chứa chất sắt: ferrous và ferric. Dạng ferrous được hấp thụ tốt hơn và là dạng viên nén chức chất sắt được ưa thích. Chất sắt ở dạng ferrous thường được bán với 3 loại: ferrous fumarate, ferrous sulfate, và ferrous gluconate.
Nhãn chỉ dẫn của một loại thực phẩm chức năng chứa chất sắt thường bao gồm thông tin về kích cỡ của viên nén (thường là 325 mg) và số lượng sắt nguyên tố (elemental iron) chứa trong viên nén (số lượng chất sắt có sẵn để cơ thể hấp thụ). Khi chọn một loại thực phẩm chức năng chứa chất sắt, điều quan trọng là nhìn vào số lượng sắt nguyên tố.
Một viên nén thực phẩm chức năng 325 mg chứa chất sắt có số lượng như sau, tùy thuộc vào loại chất sắt:
- Ferrous fumarate. 108 mg sắt nguyên tố
- Ferrous gluconate. 35 mg sắt nguyên tố
Liều Lượng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng thiếu máu, cũng như độ tuổi và cân nặng, bác sĩ của bạn sẽ đề xuất một liều lượng từ 60 – 200 mg sắt nguyên tố mỗi ngày. Điều này có nghĩa là, uống một viên nén chất sắt 2 – 3 lần mỗi ngày. Phải đảm bảo rằng bác sĩ của bạn giải thích cho biết bạn mỗi ngày bạn nên uống bao nhiêu viên, và khi nào bạn nên uống. Không bao giờ uống liều lượng thuốc chất sắt gấp đôi.
Các Tác Dụng Phụ và Tính An Toàn. Các tác dụng phụ phổ biến của những loại thực phẩm chức năng chứa chất sắt bao gồm:
- Táo bón và tiêu chảy thường rất phổ biến. Các tình trạng này hiếm khi nghiêm trọng, cho dù các viên nén chất sắt có thể làm cho các chứng bệnh về đường tiêu hóa đang tồn tại trở nên trầm trọng hơn, chẳng hạn như loét bao tử và viêm loét đại tràng.
- Buồn nôn và nôn mửa có thể xảy ra khi dùng liều lượng cao, nhưng có thể được kiểm soát bằng cách sử dụng liều lượng thấp hơn. Chuyển sang sử dụng ferrous gluconate có thể có lợi cho một số bệnh nhân bị các chứng bệnh về đường tiêu hóa.
- Tình trạng phân có màu đen là bình thường khi uống các viên nén chất sắt. Thật vậy, nếu phân không chuyển sang màu đen, thì các viên nén có thể không có hiệu quả. Vấn đề này có khuynh hướng trở nên phổ biến hơn khi dùng các viên nén được bọc đường hoặc có tác dụng dài hạn.
- Nếu phân có màu hắt ín nhìn giống như màu đen, phân có sọc đỏ, hoặc nếu bị vọp bẻ, đau nhói, hoặc bị đau ở bao tử, thì tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa có thể gây ra trường hợp thiếu hụt chất sắt, và bệnh nhân nên điện thoại ngay cho bác sĩ.
- Tình trạng ngộ độc chất sắt cấp tính hiếm khi xảy ra ở những người thành niên, nhưng có thể gây chết người ở trẻ em nếu dùng liều lượng như người thành niên. Không nên cho các trẻ em đến gần các loại thực phẩm chức năng chứa chất sắt. Nếu con trẻ của bạn nuốt phải một viên thuốc chứa chất sắt, hãy liên lạc ngay với trung tâm kiểm soát chất độc.
Các Hướng Dẫn Khác về Tính An Toàn và Hiệu Quả. Các hướng dẫn khác cho việc sử dụng chất sắt là những bước sau đây:
- Để hấp thụ được nhiều nhất, chất sắt nên được uống giữa các bữa ăn. Tuy nhiên, chất sắt có thể gây khó chịu cho bao tử và đường ruột. Có thể uống liều lượng thấp thuốc ferrous sulfate trong bữa ăn mà vẫn hấp thụ được và sẽ có ít tác dụng phụ hơn.
- Uống 8 ounce (0,24 lit) chất lỏng với một viên thuốc chứa chất sắt. Uống nước cam với thuốc chứa chất sắt có thể giúp gia tăng khả năng hấp thụ chất sắt. (Một số bác sĩ cũng khuyến khích uống vitamin C với thuốc chứa chất sắt).
- Nếu xảy ra vấn đề táo bón, hãy uống thuốc làm loãng phân chẳng hạn như docusate sodium (Colace). - Một số loại thuốc, bao gồm các loại kháng axit, có thể làm giảm bớt khả năng hấp thụ chất sắt. Các viên nén chất sắt có thể làm giảm tính hiệu quả của các loại thuốc khác, bao gồm các loại thuốc kháng sinh tetracycline, penicillamine, và ciprofloxacin cũng như các loại thuốc trị bệnh Parkinson như methyldopa, levodopa, và carbidopa. Thời gian uống các loại thuốc này và các loại thực phẩm chức năng chứa chất sắt nên cách nhau ít nhất 2 giờ. - Tránh uống sữa, caffeine, các thuốc kháng axit (antacid), hoặc các loại thực phẩm chức năng canxi cùng lúc với thuốc chứa chất sắt vì chúng có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất sắt.
- Nên bảo quản thuốc ở nơi mát mẻ. (Các ngăn thuốc trong phòng tắm có thể có nhiệt độ quá ấm và ẩm ướt, như thế có thể làm rã thuốc).
Khả năng hồi phục hoàn toàn cần thời gian từ 6 – 8 tuần. Khả năng hồi phục sẽ cần nhiều thời gian hơn ở những người bị nội xuất huyết mà không được kiểm soát. Trị liệu thay thế chất sắt (iron replacement therapy) phải được tiếp tục trong vòng 6 tháng, cho dù chứng thiếu máu đã bắt đầu hồi phục. Việc điều trị phải được tiếp tục vô hạn định đối với những người bị xuất huyết mãn tính; trong những trường hợp như thế, hàm lượng chất sắt nên được theo dõi chặt chẽ.
Chất Sắt Truyền Tĩnh Mạch hoặc Tiêm Qua Da
Trong một số trường hợp, chất sắt được tiêm vào cơ hoặc truyền vào tĩnh mạch. Điểm thuận lợi khi chất sắt được truyền tĩnh mạch là ít gây ra tình trạng khó chịu đường tiêu hóa. Nó có thể được sử dụng dưới dạng iron dextran (Dexferrum, InFed), sodium ferric gluconate complex trong đườngsucrose (Ferrlecit), hoặc iron sucrose (Venofer). Ferrlecit hoặc Venofer đang chứng tỏ có hiệu quả tương tự và an toàn hơn iron dextran.
Các ứng viên. Các dạng tiêm qua da và truyền tĩnh mạch chỉ nên được dùng cho các bệnh nhân bị thiếu chất sắt sau đây:
- Những người bị chứng thiếu máu do thiếu chất sắt mà việc điều trị bằng thuốc uống bằng miệng không thành công.
- Các bệnh nhân bị các rối loạn về xuất huyết, trong đó số lượng máu bị thiếu hụt tiếp tục vượt quá tỉ lệ chất sắt được hấp thụ qua đường miệng.
- Trong các trường hợp khẩn cấp, khi đó các bệnh nhân cần đến hồng cầu nhưng việc truyền máu không thích hợp hoặc không có sẵn.
- Ở những người bị các rối loạn nghiêm trọng về đường ruột và bao tử, chẳng hạn như bệnh viêm ruột, những người này không thể uống các loại thuốc có chứa chất sắt bằng miệng.
- Những người đang được lọc máu đồng thời sử dụng các loại thực phẩm chức năng chứa erythropoietin. Thuốc sodium ferric gluconate complex trong đường sucrose (Ferrlecit) hoặc iron sucrose (Venofer) đặc biệt được chấp thuận là phương pháp trị liệu đầu tiên cho các bệnh nhân này.
Một số bệnh nhân, cho dù họ đáp ứng các tiêu chuẩn này, cũng không thể là các ứng viên thích hợp hoặc nên được quan sát chặt chẽ để theo dõi các biến chứng. Bao gồm:
- Các bệnh nhân với bất cứ chứng bệnh tự miễn dịch tiềm ẩn nào.
- Các bệnh nhân bị thiếu dinh dưỡng, đồng thời bị nhiễm trùng.
- Các bệnh nhân có nguy cơ bị quá tải chất sắt.
Các Tác Dụng Phụ. Một số các tác dụng phụ diễn biến khác nhau tùy theo cách sử dụng chất sắt, bao gồm:
- Phương pháp tiêm vào cơ bao gồm tình trạng đau nhức ở khu vực được tiêm.
- Phương pháp truyền tĩnh mạch có thể gây đau nhức ở tĩnh mạch, bị nổi đỏ, và cảm thấy có mùi vị kim loại, tất cả các tác dụng phụ này chỉ có tính chất tạm thời.
Đối với cả hai phương pháp, các tác dụng phụ và các biến chứng nghiêm trọng có thể bao gồm:
- Máu kết khối
- Sốt
- Đau khớp
- Đau đầu
- Nổi vết ngứa
- Phản ứng chậm với các cơn đau nhức cơ và khớp, nhức đầu, và cảm giác khó chịu xảy ra 1 – 2 ngày sau khi truyền vào tĩnh mạch (phổ biến nhất với iron dextran) trong khoảng 10% số bệnh nhân. Các triệu chứng này có phản ứng thuận lợi khá nhanh với các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen, đối với đa số bệnh nhân. - Tình trạng ngộ độc chất sắt. Các triệu chứng bao gồm buồn nôn, chóng mặt, và huyết áp xuống thấp đột ngột. Thuốc sodium ferric gluconate trong đường sucrose (Ferrlecit) hoặc iron sucrose (Venofer) tạo ra ít nguy cơ bị ngộ độc hơn là thuốc iron dextran.
- Các phản ứng dị ứng. Các phản ứng dị ứng xảy ra khi truyền chất sắt qua tĩnh mạch có thể rất nghiêm trọng, và trong các trường hợp hiếm, có thể gây tử vong. Thuốc iron dextran có khả năng gây ra nhiều nguy cơ hơn sodium ferric gluconate complex trong đường sucrose hoặc iron sucrose, mặc dù rằng các phản ứng dị ứng có thể cũng xảy ra đối với 2 dạng chất sắt này.
Chất sắt được uống bằng miệng và tiêm qua da không nên được thực hiện cùng lúc. Trị liệu truyền tĩnh mạch chất sắt có thể thích hợp cho một số phụ nữ mang thai đáp ứng những đòi hỏi này, tùy thuộc vào thời kỳ mang thai và các yếu tố khác.
Các Tiến Trình Truyền Máu
Các tiến trình truyền máu được sử dụng để thay thế số lượng máu mất đi do bị thương và do một số tiến trình phẫu thuật. Các tiến trình truyền máu cũng thường được dùng để điều trị các bệnh nhân bị chứng thiếu máu nghiêm trọng như chứng thiếu máu Địa Trung Hải, bệnh tế bào hình liềm, hội chứng loạn sản tủy xương (myelodysplastic syndromes), và các dạng thiếu máu khác. Một số bệnh nhân cần được truyền máu thường xuyên. Tình trạng quá tải chất sắt có thể là một tác dụng phụ của việc truyền máu thường xuyên. Nếu không được chữa trị, tình trạng quá tải này có thể dẫn đến tổn thương gan và tim.
Trị liệu liên kết chất sắt (iron chelation therapy) được sử dụng để loại bỏ chất sắt dư thừa do các tiến trình truyền máu tạo ra. Các bệnh nhân sẽ được cho uống một loại thuốc có tác dụng liên kết với chất sắt trong máu. Lượng chất sắt dư thừa sau đó được thận lọc bỏ khỏi cơ thể. Trong nhiều năm, deferoxamine (Desferal) là loại thuốc duy nhất được sử dụng trong trị liệu liên kết. Loại thuốc này thường được truyền vào tĩnh mạch, sử dụng một loại bơm truyền (infusion pump). Quá trình truyền tĩnh mạch có thể kéo dài từ 8 – 12 giờ, và có thể cần đến 5 – 7 ngày một tuần cho đến khi hàm lượng chất sắt trở lại mức bình thường.
Một loại thuốc mới, deferasirox (Exjade), được chấp thuận vào năm 2005, sử dụng cho trẻ em và người thành niên với liều lượng mỗi ngày một lần để điều trị tình trạng quá tải chất sắt do các tiến trình truyền máu tạo ra. Thuốc này không đòi hỏi phải tiêm qua da. Bệnh nhân hòa thuốc viên này với chất lỏng rồi uống. Tuy nhiên, thuốc deferoxamine có thể gây loét và xuất huyết đường tiêu hóa, do đó các bệnh nhân nên được quan sát chặt chẽ. Thuốc deferoxamine có thể tương tác với một số loại thuốc, chẳng hạn như các loại thuốc kháng viêm không steroid, các loại thuốc corticosteroid, bisphosphonate, và các loại thuốc kháng đông (anticoagulant).
Các Loại Thuốc Kích Thích Sản Sinh Hồng Cầu
Erythropoietin là một loại kích thích tố tác động lên tủy xương giúp gia tăng quá trình sản sinh hồng cầu. Nó được xử lý theo công nghệ gien và sinh học (genetically engineered) dưới dạng erythropoietin người tái tổ hợp (recombinant human erythropoietin - rHuEPO) và epoetin alfa (Epogen, Procrit, and Eprex). Protein do quá trình sản sinh hồng cầu mới kích thích (novel erythropoiesis stimulating protein - NESP), còn được gọi là darbepoetin alfa (Aranesp), tồn tại trong máu lâu hơn epoetin alfa và ít bị tiêm thuốc hơn. Các loại thuốc này còn được gọi là “thuốc kích thích sản sinh hồng cầu”.
Hàm lượng kích thích tố erythropoietin bị hạ giảm trong trường hợp bị chứng thiếu máu của bệnh mãn tính. Việc tiêm erythropoietin tổng hợp có thể giúp gia tăng số lượng hồng cầu để tránh tiếp nhận các tiến trình truyền máu. Erythropoietin được dùng để điều trị chứng thiếu máu. Nó sẽ không giúp cải thiện các triệu chứng, sự mệt mỏi, hoặc chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân bị ung thư hoặc nhiễm virut HIV. Thuốc này có thể tạo ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm máu kết khối, và chỉ được chấp thuận để điều trị cho các bệnh nhân với chứng thiếu máu có liên quan đến các tình trạng sau:
- Ung thư. Đối với một số bệnh nhân được chọn lựa, erythropoietin được dùng để điều trị chứng thiếu máu liên quan đến hóa trị.
- Thận hư mãn tính. Erythropoietin là một phương pháp điều trị quan trọng cho chứng thiếu máu đối với các bệnh nhân bị thận hư mãn tính, bao gồm những người đang sử dụng phương pháp thẩm tách máu.
- HIV/AIDS. Erythropoietin giúp điều trị chứng thiếu máu do trị liệu bằng thuốc zidovudine (AZT) gây ra.
Vào năm 2007, Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược PhẩmHoa Kỳ (Food and Drug Administration - FDA) đã tiến hành các thay đổi thông tin quan trọng trong việc chỉ định sử dụng các loại thuốc kích thích sản sinh hồng cầu. Các nhãn hướng dẫn mới mô tả chi tiết các nguy cơ mà các loại thuốc Aranesp, Epogen, và Procrit có thể gây ra cho các bệnh nhân bị ung thư và bệnh thận mãn tính. Cơ quan FDA cũng đưa ra các đề xuất về liều lượng riêng biệt cho từng trường hợp này.
Các Loại Thuốc Kích Thích Sản Sinh Hồng Cầu và Bệnh Ung Thư. Erythropoietin chỉ nên được sử dụng để điều trị chứng thiếu máu do hóa trị - không được dùng điều trị cho chứng thiếu máu do các nguyên nhân khác ở các bệnh nhân bị ung thư. Điều trị bằng erythropoietin sẽ không giúp kéo dài sự sống. Thật vậy, các loại thuốc này có thể rút ngắn tuổi thọ và làm cho các khối u phát triển nhanh hơn. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để xem thuốc kích thích sản sinh hồng cầu có thích hợp cho bạn không.
Các nguy cơ về tuổi thọ và sự tăng trưởng của khối u thể hiện rõ nét ở các bệnh nhân bị ung thư ngực thời kỳ cuối, ung thư đầu và cổ, ung thư bạch cầu, hoặc ung thư các mô ở phổi (non-small cell lung cancer) khi thử dùng liều lượng các loại thuốc này để đạt được hàm lượng hemoglobin ở mức 12 g/dL hoặc cao hơn. Tuy nhiên, có thể có các nguy cơ tương tự đối với các bệnh nhân được cho sử dụng liều lượng các loại thuốc này để đạt mức thấp hơn 12 g/dL. (Hiệp Hội Hoa Kỳ về Ung Bướu Học và Hiệp Hội Hoa Kỳ về Huyết Học khuyến khích bắt đầu sử dụng erythropoietin khi hàm lượng hemoglobin của bệnh nhân giảm xuống mức thấp hơn 10 g/dL). Bác sĩ nên sử dụng liều lượng thấp nhất mang lại hiệu quả, và phương pháp điều trị bằng erythropoietin nên được ngưng lại ngay sau khi quá trình hóa trị được hoàn tất.
Các Loại Thuốc Kích Thích Sản Sinh Hồng Cầu và Chứng Thận Hư Mãn Tính. Đối với các bệnh nhân với chứng thận hư mãn tính, cơ quan FDA đề xuất rằng, các loại thuốc kích thích sản sinh hồng cầu được sử dụng để duy trì hàm lượng hemoglobin ở mức giữa 10 – 12 g/dL. (Mức chính xác trong khoảng giá trị này thay đổi tùy theo từng cá nhân). Khi sử dụng các loại thuốc này để đạt mức hemoglobin cao hơn (13,5 – 14 g/dL) so với mức hemoglobin thấp hơn (10 – 11,3 g/dL), bệnh nhân sẽ có nhiều nguy cơ bị tử vong và bị các tình trạng tim mạch nghiêm trọng, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, đột quỵ (tai biến mạch máu não), và suy tim.
Các Triệu Chứng Cảnh Báo. Hãy liên lạc với bác sĩ nếu bạn gặp phải bất cứ các triệu chứng nào dưới đây trong khi được điều trị bằng thuốc kích thích sản sinh hồng cầu:
- Đau nhức hoặc bị sưng ở chân
- Triệu chứng khó thở càng trở nên nghiêm trọng
- Huyết áp gia tăng (phải nhớ theo dõi thường xuyên huyết áp của bạn)
- Chóng mặt hoặc bất tỉnh
- Hết sức mệt mỏi
- Máu kết khối trong các cổng truy nhập mạch thẩm tách máu (hemodialysis vascular access port)
Trị Liệu Thay Thế Vitamin cho Chứng Thiếu Máu Hồng Cầu Khổng Lồ
Chứng thiếu máu hồng cầu khổng lồ được đánh dấu bởi các hồng cầu có kích thước lớn một cách không bình thường. (Chứng thiếu máu ác tính là một dạng của chứng thiếu máu hồng cầu khổng lồ). Chứng bệnh này là do tình trạng suy giảm khả năng hấp thụ hoặc không tiêu thụ đầy đủ số lượng vitamin B12 và axit folic gây ra. Phương pháp điều trị thường bao gồm việc sử dụng thực phẩm chức năng chứa axit folic uống bằng miệng mỗi ngày trong vòng vài tháng, cũng như gia tăng việc tiêu thụ các thực phẩm giàu axit folic và vitamin B12. Việc sử dụng các viên nén vitamin B12 hoặc thuốc xịt mũi cũng có thể được khuyến khích. Một số bệnh nhân có thể cần đến các phương pháp truyền (tiêm) vitamin B12 mỗi tháng, mà có thể là thuốc cyanocobalamin hoặc hydroxocobalamin.
XEM PHẦN TIẾP THEO