Thursday, August 23, 2012

KHÓ ĐẶT NIỀM TIN VÀO NGƯỜI KHÁC? BẠN HÃY THỬ PHƯƠNG PHÁP THIỀN (DO YOU STRUGGLE TRUSTING OTHERS? TRY MEDITATION) - Do LQT Biên Dịch



Khi sống đến một độ tuổi nào đó, thì đa số chúng ta sẽ có kinh nghiệm kiểm tra khả năng tin tưởng của bản thân: Người chúng ta yêu có thể sẽ làm tổn thương chúng ta, chúng ta có thể bị bỏ rơi, hoặc thậm chí cái chết đột ngột của ai đó cũng có thể làm cho chúng ta cảm thấy bị phản bội.  Tôi có thể đưa ra thêm vô số các ví dụ để minh họa cho những lần chúng ta tự đặt câu hỏi về khả năng tin tưởng của bản thân.  Cho dù nguyên nhân gây ra các vấn đề về niềm tin là thế nào chăng nữa, thì gốc rễ của sự đau khổ vẫn chính là tính cố chấp.  Trong bài viết này, tôi sẽ giải thích ý nghĩa của sự cố chấp, và bằng cách nào chúng ta có thể vượt qua được nó.


Đừng Đối Chọi với Cuộc Sống, Hãy Xuôi Theo Nó

Trong nhiều khía cạnh, cuộc sống giống như một dòng sông.  Mỗi người chúng ta đang trôi theo dòng chảy của cuộc đời, và chúng ta tận hưởng hầu như mọi khoảnh khắc của nó.  Nhưng thay vì trôi theo dòng sông cuộc đời, giả sử rằng chúng ta lạc vào một nơi nào đó trong cuộc lữ hành này, rồi dừng lại, và không muốn đi tiếp?  Chúng ta sẽ thấy bản thân đang chống chọi với dòng chảy của dòng sông cuộc đời, và cố gắng vật lộn để không bị chìm xuống.  Nói một cách khác, chúng ta thường phải chịu đau khổ.  Vì thế, bằng cách xuôi theo dòng đời, thay vì chống chọi lại nó, chúng ta sẽ cảm thấy ít đau khổ hơn.  Đây là một trong những bài học quan trọng nhất mà phương pháp thiền (suy niệm) hướng dẫn chúng ta.

Trong lúc chúng ta nhắm mắt lại và thở đều đặn, có thể sau khi cầu nguyện hoặc niệm kinh, các ý nghĩ sẽ đến và đi.  Thỉnh thoảng, chúng ta hoàn toàn chú tâm vào các suy nghĩ của bản thân, mặc dù có những lúc chúng ta chỉ chú ý đến chúng trong vòng một giây.  Trong cả hai trường hợp, chúng ta phải tiếp tục trở lại tập trung chú ý vào hơi thở.  Theo thời gian, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, trong giây phút hiện tại, mọi thứ đều ổn thỏa.


Nhưng bất cứ khi nào chúng ta cố bám lấy một cái gì đó – một vật, một con người, hoặc một ý nghĩ – thì chúng ta có thể sẽ đòi hỏi thêm hoặc sợ hãi về điều đó (một vật, con người, hoặc ý nghĩ).  Lòng ham muốn hoặc sự sợ hãi, bản thân chúng, sẽ làm cho chúng ta phải chịu đau khổ.  Ví dụ, bạn đang giành thời gian cho người bạn yêu.  Bạn sẽ tận hưởng từng giây từng phút bên người mình yêu, điều này khiến cho bạn nghĩ rằng “Tôi không muốn mất đi những giây phút này”, hoặc “Có cách nào để tôi có thể kéo dài những giây phút này không?”

Phương pháp thiền (suy niệm) giúp chúng ta sống trọn vẹn cho giây phút hiện tại.  Bằng cách này, chúng ta biết cách trân trọng những người đang hiện diện trong cuộc sống hiện tại của chúng ta, cho dù chúng ta biết rằng khoảng khắc này sẽ qua đi.  Vì chúng ta nhận thấy rằng cuộc sống sẽ không ngừng trôi đi, cho nên chúng ta sẽ biết trân trọng những người xung quanh một cách sâu sắc và trọn vẹn hơn.  Nhưng giả sử như có ai đó mà chúng ta quan tâm đến lại làm tổn thương chúng ta thì sao?


Có lẽ khi những người khác có thái độ không tốt đối với chúng ta, điều này có thể sẽ làm chúng ta rất khó chịu.  Có một điều tốt là sau khi cảm giác đau khổ xảy đến, học cách vượt qua nó có nghĩa là chúng ta không để cho cảm giác đau khổ hành hạ bản thân thêm nữa.  Nhưng nếu chúng ta chọn vẫn cố chấp với những gì đã xảy ra, thì chúng ta sẽ càng đau khổ hơn, và chúng ta sẽ đánh mất niềm tin vào người khác, bởi vì chúng ta lo sợ sẽ phải trải qua những giây phút đau khổ như thế một lần nữa.

Thiền (Suy Niệm) Dạy Cho Chúng Ta Về Tính Vô Thường

Khi chúng ta tập thiền thường xuyên, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy những thay đổi thường xuyên trong ý nghĩ của chúng ta: trong một khoảnh khắc chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ, nhưng khoảnh khắc kế tiếp chúng ta lại cảm thấy buồn tẻ.  Chúng ta đều biết rằng cuộc sống có những lúc thăng trầm, có nghĩa là, đôi khi người khác yêu thương chúng ta, và đôi khi họ gây hại đến chúng ta.  Chúng ta nhận thấy rằng những gì chúng ta đang trải nghiệm trong thời khắc này, cho dù tốt hay xấu, rồi cũng sẽ thay đổi.  Kết quả là, chúng ta sẽ trở nên bớt lo sợ hơn về những gì xảy đến với chúng ta, bởi vì cuối cùng, những gì đang xảy ra trong hiện tại sẽ thay đổi.  Chúng ta hãy đón nhận cuộc sống với một tâm hồn cởi mở, không cố chấp với bất cứ điều gì.

Ví dụ, ai đó có thể làm tổn thương chúng ta.  Thay vì cứ bám lấy những kỷ niệm đau buồn đó, chúng ta cố gắng rút ra bài học từ những gì đã xảy ra.  Với tâm hồn cởi mở, chúng ta sẽ trở nên sáng suốt hơn.  Chúng ta có thể tự đặt câu hỏi, chẳng hạn như: “Có dấu hiệu cảnh báo nào cho thấy người này có thể làm tổn thương tôi không?”  Có lẽ chúng ta sẽ nhận thấy rằng, chúng ta đã tiến khá nhanh trong mối quan hệ này.  Bằng cách làm cho mối quan hệ tiến triển chậm lại, chúng ta có thể giảm bớt được mức độ bị người đó làm tổn thương. 

Nhờ vào sự sáng suốt, chúng ta có thể học được từ các trải nghiệm trong quá khứ và đứng dậy được từ đó.  Kết quả là, chúng ta có thể bước tới, ít lo sợ hơn và sẵn sàng đón nhận những gì cuộc sống mang đến cho chúng ta.  Chúng ta không bị khuất phục trước những sợ hãi.  Thay vào đó, chúng ta sẽ mạnh dạn bước tới phía trước.  Chúng ta sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đón nhận một người mới vào cuộc sống của chúng ta.

Nhưng phương pháp thiền (suy niệm) không phải là một loại vắcxin chống lại những người đang làm tổn thương chúng ta.  Các kinh nghiệm đau buồn luôn là một phần của cuộc sống.  Phương pháp thiền giúp chúng ta tự chăm sóc bản thân.  Khi chúng ta thực sự thương yêu bản thân, cho dù chúng ta là ai, thì chúng ta sẽ có thể yêu thương những người khác một cách sâu sắc thay vì cần đến họ để làm chỗ dựa cho giá trị của bản thân.

Phương pháp thiền giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta có mọi thứ bên trong để tạo ra hạnh phúc.  Khi chúng ta trở nên lắng dịu tâm hồn và sống cho hiện tại, thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng tất cả mọi thứ đều tốt đẹp.  Chúng ta học cách bớt giữ lại những nỗi lo sợ và ham muốn.  Vì thế, khi chúng ta gặp gỡ những người khác trong lúc không ngồi thiền (suy niệm), chúng ta sẽ trân trọng sự hiện diện của họ, biết rõ rằng họ có thể ở lại trong đời sống của chúng ta một thời gian dài hoặc chỉ là tạm thời.

Giống như một dòng sông, cuộc sống luôn thay đổi.  Phương pháp thiền giúp chúng ta sẵn sàng đón nhận những gì xảy đến trong cuộc sống.  Khi chúng ta mới quen ai đó, và những hình ảnh đau buồn trong quá khứ tái hiện, chúng ta sẽ lại phải chứng kiến những hình ảnh đó, chấp nhận chúng, nhưng sau đó chúng ta quay trở lại với cuộc sống hiện tại.  Chúng ta học cách để tin rằng, mọi thứ có thể không nhất thiết lúc nào cũng tốt đẹp, nhưng chúng ta tự tin rằng, chúng ta sẽ luôn đứng vững cho dù có xảy ra điều gì đi chăng nữa.  Phương pháp thiền dạy chúng ta nên xuôi theo cuộc sống, tận hưởng nó, và sống cho hiện tại, từng hơi thở một.


Nguồn (Source):






0 comments:

Post a Comment