Friday, October 19, 2012

VITAMIN A (RETINOL) - Do LQT Biên Dịch


KIẾN THỨC TỔNG QUÁT

Vitamin A là một loại vitamin hòa tan trong chất béo (fat-soluble vitamin), đến từ 2 nguồn: các chất retinoid được hình thành sẵn và các chất tiền vitamin carotenoid.  Các chất retinoid, chẳng hạn như axit retinal và axit retinoic, được tìm thấy trong gan, thận, trứng của động vật, và các sản phẩm được chế biến từ sữa (dairy produce).  Các chất carotenoid, chẳng hạn như beta-carotene (có nhiều đặc tính hóa học của vitamin A nhất), được tìm thấy trong các loại rau quả có màu đậm hoặc màu vàng, và trong cà rốt.


Sources of vitamin A and beta-carotene: Các nguồn cung cấp vitamin A và beta-carotene là:

-       Vitamin A comes from animal sources such as eggs, meat and dairy products: Vitamin A được tìm thấy trong các nguồn thực phẩm như trứng, thịt, và các sản phẩm được chế biến từ sữa.
-       Beta-carotene, a precursor of vitamin A, comes from green, leafy vegetables and intensely colored fruits and vegetables: Beta-carotene, một tiền chất vitamin A, được tìm thấy trong các loại rau quả có lá, các loại trái cây (hoa quả) và rau quả có màu đậm.

Giống như đa số các loại vitamin khác, vitamin A có thể được tiêu thụ với liều lượng được khuyến khích cùng với một chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm các loại thực phẩm được tăng cường.

Các chất retinoid tự nhiên được tìm thấy trong tất cả các sinh vật đang sinh sống, có thể dưới dạng vitamin A được hình thành trước (preformed vitamin A) hoặc dưới dạng các chất carotenoid, và rất cần thiết cho các quá trình sinh học, chẳng hạn như thị lực và sự tăng trưởng của tế bào.  Chức năng sinh học chính của vitamin A được thể hiện trong chu trình thị giác (visual cycle: là một quá trình sinh học có chức năng biến đổi photon thành tín hiệu điện trong võng mạc).  Có nghiên cứu cũng cho thấy rằng vitamin A có thể hạ giảm tỉ lệ tử vong do bệnh sởi (measles), ngăn ngừa một số loại ung thư, hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển, và cải thiện chức năng miễn dịch.

Hàm lượng dinh dưỡng hàng ngày được đề xuất cho vitamin A uống bằng miệng đã được thiết lập bởi Học Viện Y Khoa của Viện Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ (U.S. Institute for Medicine of the National Academy of Sciences) để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vitamin A.  Được sử dụng với các liều lượng được đề xuất, vitamin A thường được xem là không có tính độc.  Sử dụng quá liều có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính.

Tình trạng thiếu hụt vitamin A rất hiếm khi xảy ra ở các nước công nghiệp, nhưng vẫn còn là một mối lo ngại ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở các khu vực thịnh hành tình trạng thiếu dinh dưỡng.  Thiếu hụt vitamin A quá lâu có thể dẫn đến chứng khô mắt (dry eye), và cuối cùng đưa đến tình trạng bị mù về đêm (night blindness: mất khả năng nhìn rõ vào ban đêm hoặc trong hoàn cảnh thiếu ánh sáng) hoặc bị mù hoàn toàn, cũng như có thể gây ra các rối loạn về da, các bệnh nhiễm trùng (chẳng hạn như bệnh sởi), tiêu chảy (diarrhea), và các rối loạn về hô hấp.

CÁC TÊN GỌI KHÁC

3,7-Dimethyl-9-(2,6,6,trimethyl-1-cyclohexen-1-yl)-2,4,6,8-natetraen-1-ol, 3-dehydroretinol, Accutane®, acitretin, adapalene, all- trans retinoic acid, Altinac®, Amnesteem®, antixerophthalmic vitamin, Aquasol A®, Avita®, axerophtholum, beta-carotene, beta-carotene oleovitamin A, bexarotene, Differin®, etretinate, isotretinoin, Palmitate-A®, Renova®, Retin-A®, Retin-A Micro®, retinaldehyde (RAL), retinyl acetate, retinyl N-formyl aspartamate, retinyl palmitate, retinoic acid, retinol, Solatene®, Soriatane®, SourceCF®, Targretin®, tazarotene, Tazorac®, Tegison®, topical retinoids, tretinoin, Vesabiod®, Vesanoid®, Vitamax®, vitamin A USP, vitamin A1, vitaminum A.


CHỨNG CỨ

Các tác dụng này đã được thử nghiệm ở người hoặc động vật. Sự an toàn và tính hiệu quả không phải lúc nào cũng được xác thực. Một số các chứng bệnh dưới đây có thể mang tính nghiêm trọng, và phải được một chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề kiểm tra chẩn đoán.

Viêm nang lông (mụn trứng cá)(đã có chứng cứ khoa học có tính thuyết phục hỗ trợ cho tác dụng này)

Các loại thuốc retinol bôi (thoa) trên da được xem là những loại thuốc tốt nhất để điều trị chứng viêm nang lông (acne: mụn trứng cá).  Tretinoin(Avita®, Renova®, Retin-A®, Retin-A Micro®) và các chất dẫn xuất của vitamin A, các loại thuốc retinoid, và các thuốc uống bằng miệng theo toa bác sĩ, chẳng hạn như isotretinoin(Accutane®), đều được bán trên thị trường để điều trị cho chứng bệnh này.  Isotretinoin có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như phỏng (bỏng) da, nổi đỏ trên da, ngứa, và chỉ nên được sử dụng cho chứng viêm nang lông có khả năng đề kháng nghiêm trọng.  Adapalene(Differin®), một dạng dẫn xuất của axit naphthoic và retinoid, cũng tỏ ra rất hiệu quả và được báo cáo có một vài tác dụng phụ.  Một loại thuốc retinoid khác, tazarotene (Tazorac®), cho thấy có hiệu quả vượt trội thuốc tretinoin và adapalene.  Nói chung, các loại thực phẩm chức năng chứa retinoid (bao gồm thuốc Tretinoin) không được cho các phụ nữ mang thai, có ý định mang thai, hoặc có cơ hội mang thai sử dụng, vì có nguy cơ trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.  Các loại thuốc này phải được bác sĩ có giấy phép hành nghề kê toa.  Bệnh nhân không nên sử dụng các loại thuốc retinoid cùng lúc với nhau, vì có nguy cơ gia tăng độc tính.

Bệnh tăng bạch cầu tiền tủy bào cấp tính (điều trị, all-trans axit retinoic) (đã có chứng cứ khoa học có tính thuyết phục hỗ trợ cho tác dụng này)

Thuốc all-trans retinoic acid (ATRA, Vesanoid®) theo toa bác sĩ là một chất dẫn xuất từ vitamin A, là một phương pháp trị liệu cho bệnh tăng bạch cầu tiền tủy bào cấp tính (acute promyelocytic leukemia), giúp cải thiện tỉ lệ sống sót trung bình của chứng bệnh này.  Việc điều trị phải được bác sĩ giám sát.  Bệnh nhân không nên sử dụng các loại thực phẩm chức năng chứa vitamin A cùng lúc với thuốc ATRA, vì có nguy cơ gia tăng độc tính.

Chứng Thiếu Máu (đã có chứng cứ khoa học có tính thuyết phục hỗ trợ cho tác dụng này)

Tình trạng thiếu hụt vitamin A được chứng minh có nguy cơ làm suy giảm sự huy động chất sắt trong cơ thể, làm suy yếu quá trình sản sinh hồng huyết cầu (erythropoiesis), và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.  Thực phẩm chức năng vitamin A được chứng minh có tác dụng gia tăng hàm lượng hemoglobin và nồng độ sắt trong máu, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ mang thai.  Loại thực phẩm chức năng này cũng được chứng minh có tác dụng làm gia tăng tính hiệu quả trong việc bổ sung chất sắt ở các bệnh nhân bị thiếu hụt vitamin A và bị chứng thiếu máu do thiếu chất sắt (iron deficiency anemia).


Bệnh Sốt Rét (thuốc hỗ trợ)(đã có chứng cứ khoa học có tính thuyết phục hỗ trợ cho tác dụng này)

Nghiên cứu (có các dữ liệu hạn chế) cho thấy rằng vitamin A có thể giúp giảm sốt, các triệu chứng, và giảm số lượng ký sinh trùng trong máu ở các bệnh nhân bị bệnh sốt rét (malaria hoặc plasmodium falciparum infection).  Tuy nhiên, không có đủ chứng cứ cho thấy vitamin A có hiệu quả tương tự hoặc vượt trội các loại thuốc thường được dùng để ngăn ngừa và điều trị bệnh sốt rét.  Các bệnh nhân bị sốt rét hoặc những người sống và du lịch ở các khu vực có dịch bệnh sốt rét nên trao đổi với bác sĩ về các biện pháp phòng tránh thích hợp.

Bệnh Sởi (thuốc hỗ trợ) (đã có chứng cứ khoa học có tính thuyết phục hỗ trợ cho tác dụng này)

Vitamin A nên cho các trẻ em được chẩn đoán bị bệnh sởi (measles) ở các khu vực địa lý thiếu vitamin A sử dụng.  Bệnh sởi là một dạng bệnh do virut gây ra, mà có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như tiêu chảy, viêm phổi, và viêm mô não.  Bổ sung vitamin A ở các trẻ em bị bệnh sởi đã được chứng minh là có hiệu quả, bằng cách giảm bớt thời gian bệnh và tầm ảnh hưởng của bệnh.  Các tác dụng phụ như tiêu chảy, viêm phổi, và tử vong sẽ được giảm bớt khi sử dụng vitamin A.  Việc quản lý bệnh sởi phải được bác sĩ y khoa giám sát chặt chẽ.

Giảm Tỉ Lệ Tử Vong (ở trẻ em; tất cả nguyên nhân) (đã có chứng cứ khoa học có tính thuyết phục hỗ trợ cho tác dụng này)

Vitamin A rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển lành mạnh, do đó phải đảm bảo duy trì hàm lượng dinh dưỡng được đề xuất, đặc biệt ở trẻ em.  Các nguyên nhân chính gây thiếu hụt vitamin A ở trẻ em là do người mẹ bị thiếu hụt vitamin A (do đó, làm cho sữa mẹ thiếu vitamin A), không tiêu thụ đầy đủ số lượng vitamin A do ngưng bú sữa mẹ, và do các chứng bệnh thường thấy.  Các chuyên gia đã xác nhận rằng ở các nước đang phát triển, chế độ ăn uống nói riêng không đủ cung cấp số lượng vitamin A cần thiết ở trẻ em.  Vitamin A có khả năng giảm bớt tỉ lệ tử vong ở trẻ em.

Viêm võng mạc đổi sắc tố (retinitis pigmentosa) (đã có chứng cứ khoa học có tính thuyết phục hỗ trợ cho tác dụng này)

Viêm võng mạc đổi sắc tố là một rối loạn do di truyền, ảnh hưởng đến thị lực ban đêm (night vision).  Các triệu chứng ban đầu bao gồm mù ban đêm (night blindness) và mất dần thị lực theo thời gian.  Theo các phát hiện mới đây, vitamin A dưới dạng palmitate (retinol palmitate hoặc retinyl palmitate) được khuyến khích cho các bệnh nhân bị viêm võng mạc đổi sắc tố sử dụng.

Tổn thương da do ánh nắng mặt trời(đã có chứng cứ khoa học có tính thuyết phục hỗ trợ cho tác dụng này)

Một số nghiên cứu cho thấy rằng thuốc tretinoin dạng bôi (thoa) có thể cải thiện được vẻ bên ngoài và tình trạng nguyên vẹn của da bị ánh nắng làm tổn thương.  Các tác dụng phụ bao gồm đau nhức ở da và bị nổi đỏ.

Thiếu hụt vitamin A (đã có chứng cứ khoa học có tính thuyết phục hỗ trợ cho tác dụng này)

Tình trạng thiếu hụt vitamin A thường hiếm khi xảy ra ở các nước công nghiệp hóa.  Ở các nước đang phát triển, chế độ ăn uống nói riêng có thể chưa đủ để duy trì hàm lượng vitamin A cần thiết, đặc biệt là ở trẻ em.  Bổ sung vitamin A có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng thiếu hụt vitamin A.

Khô Mắt (đã có chứng cứ khoa học có tính thuyết phục hỗ trợ cho tác dụng này)

Thiếu hụt vitamin A lâu ngày có thể dẫn đến tình trạng bị khô mắt(xerophthalmia).  Chứng bệnh này rất phổ biết ở các vùng nông thôn kém phát triển, chẳng hạn như ở Ấn Độ và Đông Nam Á.  Vitamin A uống bằng miệng là một chọn lựa điều trị cho chứng khô mắt do tình trạng thiếu hụt vitamin A lâu ngày gây ra, và bệnh nhân phải sử dụng thuốc này ngay sau khi chứng rối loạn này xuất hiện.  Đốm Bitot, sự tích lũy các mảnh keratin ở màng kết (conjunctiva: màng nhầy lót bên trong mí mắt), là một dấu hiệu của chứng khô mắt và, cũng có thể được điều trị bằng phương pháp bổ sung vitamin A.

Phẫu thuật cắt giác mạc khúc xạ ánh sáng (trị liệu bổ sung) (đã có chứng cứ khoa học khá rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Phẫu thuật cắt giác mạc khúc xạ ánh sáng (photorefractive keratectomy) là một tiến trình phẫu thuật mắt được thực hiện để điều chỉnh tật cận thị.  Bổ sung liều lượng cao vitamin A phối hợp với vitamin E được đề xuất để giúp cải thiện quá trình làm lành mắt sau khi phẫu thuật và cải thiện độ rõ nét của thị lực, mặc dù cần phải có thêm chứng cứ trước khi đưa ra kết luận rõ ràng.

HIV (điều trị hỗ trợ) (đã có chứng cứ khoa học khá rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Vai trò của vitamin A trong việc ngăn ngừa, lây truyền, hoặc điều trị HIV vẫn còn nhiều tranh cãi và chưa được thành lập.  Chưa có kết luận rõ ràng về tác dụng này dựa trên các nghiên cứu khoa học hiện nay.

Bệnh bạch tạng miệng (đã có chứng cứ khoa học khá rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Vitamin A có thể cải thiện lâm sàn bệnh bạch tạng miệng (oral leukoplakia: có những vết trắng hoặc đốm trắng trong khoang miệng), tuy nhiên tình trạng tái phát cũng thường xảy ra.  Cần có thêm các nghiên cứu trong lĩnh vực này.
  

oral leukoplakia: bệnh bạch tạng miệng












Chứng thoái hóa điểm vàng ở mắt do lão hóa(chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Mặc dù tác dụng này chưa được nghiên cứu kỹ ở người, nhưng việc sử dụng vitamin A và sắc tố vàng carotenoid có thể hữu dụng trong việc ngăn ngừa chứng thoái hóa điểm vàng ở mắt do lão hóa (age-related macular degeneration).  Cần có thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Bệnh suyễn (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Tiêu thụ vitamin A có thể làm giảm nguy cơ bệnh suyễn và mức độ nghiêm trọng của bệnh này.  Chưa có kết luận rõ ràng về tác dụng này dựa trên các nghiên cứu khoa học hiện nay.

Cho con bú (đau núm vú) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Dầu cao vitamin A và D có thể có lợi trong việc điều trị núm vú bị đau hoặc bị rạn (nứt), xảy ra trong thời gian cho con bú.  Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay vẫn chưa xác thực vitamin A hoặc bất cứ loại thuốc bôi (thoa) nào có thể giúp giảm đau ở núm vú trong khi cho con bú.

Viêm tiểu phế quản (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Vitamin A được cho là rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch.  Chưa có kết luận rõ ràng về tác dụng của vitamin A đối với chứng viêm tiểu phế quản (bronchiolitis) dựa trên các nghiên cứu khoa học hiện nay.

Chứng Loạn Sản Mô Phổi ở Trẻ Sinh Thiếu Tháng (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Các kết quả nghiên cứu vẫn chưa rõ ràng về các tác dụng của vitamin A đối với chứng loạn sản mô phổi ở trẻ sinh thiếu tháng (bronchopulmonary dysplasia in premature infant), đây là một chứng bệnh phổi mãn tính ở trẻ sơ sinh.  Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.



Các Tác Dụng Phụ của Trị Liệu Hóa Học (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Ảnh hưởng của việc bổ sung vitamin A lên các tác dụng phụ của trị liệu hóa học (chemotherapy), bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, hoặc giộp miệng, vẫn chưa có kết quả rõ ràng.  Ngoài ra, người ta vẫn chưa biết rõ vitamin A có tương tác với các chất được sử dụng trong trị liệu hóa học không.  Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Ung Thư Ruột Già (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Alpha-carotene và vitamin A có thể giúp phòng chống tình trạng tái phát của bệnh ung thư ruột già (colorectal cancer) ở những người không hút thuốc và những người không uống rượu bia.  Cần có thêm các nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận rõ ràng về tác dụng này.

Bệnh xơ nang (cystic fibrosis) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Còn thiếu các nghiên cứu ở người về tác dụng của vitamin A đối với bệnh xơ nang(cystic fibrosis: là một chứng bệnh di truyền về các tuyến bài tiết trong cơ thể con người, bao gồm các tuyến tiết ra niêm dịch và mồ hôi, ảnh hưởng đến gan, tuyến tụy, ruột, các xoang, và bộ phận sinh dục), do đó cần thêm các nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Ung thư thực quản (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Tiêu thụ nhiều chất beta-carotene và vitamin A có thể giúp giảm bớt nguy cơ bị ung thư thực quản (esophageal adenocarcinoma).  Chưa có đủ chứng cứ để đưa ra kết luận vào thời điểm này.

Bệnh gan (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Chưa có đủ chứng cứ để hỗ trợ hoặc bác bỏ các lợi ích hoặc các tác dụng phụ của các thực phẩm chức năng chống lão hóa (bao gồm vitamin A) ở các bệnh nhân bị bệnh gan.

Ung thư phổi (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Vitamin A đã được nghiên cứu như một phương pháp điều trị tiềm năng cho bệnh ung thư phổi, nhưng không có chứng cứ cho thấy các lợi ích này.  Bằng chứng hiện có cho thấy rằng sử dụng liều lượng cao vitamin A và chất beta-carotene thực sự có thể làm tăng nguy cơ bị các tác dụng phụ, đặc biệt ở những người uống rượu bia và hút thuốc.

Sẩy thai (ngăn ngừa) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Tình trạng thiếu dinh dưỡng có thể làm tăng nguy cơ bị sẩy thai.  Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều vitamin A được báo cáo là có khả năng làm tăng nguy cơ trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh.  Do đó, bổ sung vitamin A quá số lượng dinh dưỡng được đề xuất sẽ không được khuyến khích cho phụ nữ đang mang thai.

Giảm tỉ lệ tử vong (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Tiêu thụ đầy đủ vitamin A (có thể bằng chế độ ăn uống hoặc thực phẩm chức năng) xem ra đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tỉ lệ bệnh và tỉ lệ tử vong.  Cần thêm các nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Giảm tỉ lệ tử vong (ở người mẹ; bổ sung cho người mẹ sau khi sinh) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Bổ sung vitamin A cho người mẹ sau khi sinh sẽ cung cấp một số lượng hạn chế các lợi ích cho sức khỏe của người mẹ.  Chưa có kết luận rõ ràng về tác dụng này dựa trên nghiên cứu khoa học hiện có. 

Giảm tỉ lệ tử vong (ở người mẹ; bổ sung trong thời gian mang thai) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Bổ sung vitamin A trong thời gian mang thai và thời gian có sữa cho con bú xem ra không thể giảm bớt tỉ lệ bệnh và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.  Tuy nhiên, sự bổ sung này có thể giúp giảm bớt tỉ lệ bệnh ở người mẹ.  Chưa có kết luận rõ ràng về tác dụng này dựa vào nghiên cứu khoa học hiện có.

Nhiễm ký sinh trùng (tái nhiễm trùng Ascaris) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Sau khi khử trùng (deworm), bổ sung vitamin A cho trẻ em có thể giảm bớt nguy cơ bị tái nhiễm ký sinh trùng Ascaris.  Các lợi ích này có thể có ít tác dụng đối với các trẻ em bị chậm phát triển (stunted growth).

Ung thư tuyến tiền liệt (ngăn ngừa) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Người ta vẫn chưa rõ vitamin A trong chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer: ung thư nhiếp hộ tuyến) không.  Chưa đủ các nghiên cứu về phương pháp can thiệp ngăn ngừa.  Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Ung thư da (skin cancer) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Người ta vẫn chưa rõ tác dụng của vitamin A hoặc beta-carotene, uống bằng miệng hoặc bôi trên da, đối với việc ngăn ngừa hoặc điều trị các trường hợp ung thư da hoặc các vết nhăn trên da.

Bệnh lao (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Chưa có đủ chứng cứ để đánh giá tác dụng của vitamin A đối với bệnh lao(tuberculosis).  Cần thêm các nghiên cứu trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.

Nhiễm vi khuẩn (nhiễm Norovirus) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Việc bổ sung vitamin A được đề xuất để giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm virut Norovirus ở trẻ em và giúp thuyên giảm các triệu chứng liên quan đến tình trạng nhiễm virut Norovirus.

Giảm cân (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Vitamin A và canxi được đề xuất sử dụng mỗi ngày để giảm cân (weight loss).  Trong một nghiên cứu, các phụ nữ trẻ báo cáo đã giảm trung bình 2 lbs (gần 1 kg) sau khi sử dụng thực phẩm chức năng vitamin A và canxi.

Chữa lành vết thương (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Trong các nghiên cứu sơ bộ, thuốc retinol palmitate có tác dụng làm giảm đáng kể các triệu chứng ở trực tràng của bệnh trực tràng phóng xạ (radiation proctopathy: một biến chứng phổ biến sau khi trị liệu phóng xạ cho các khối u ác tính ở vùng khung chậu), có lẽ nhờ vào tác dụng chữa lành vết thương.  Cần thêm nhiều nghiên cứu để xác thực các kết quả này.

Viêm khớp (có chứng cứ khoa học chống lại tác dụng này)

Chứng cứ hiện có không xác thực tính hiệu quả của vitamin A (hoặc các sản phẩm phối hợp chứa vitamin A) cho việc điều trị các dạng viêm khớp.  Cần thêm nhiều nghiên cứu để xác thực các kết quả này.

Kích thích tăng trưởng ở trẻ em (có chứng cứ khoa học chống lại tác dụng này)

Vitamin A rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh, và phải đảm bảo tuân theo số lượng dinh dưỡng được đề xuất (recommended dietary allowances – RDA), đặc biệt ở trẻ em.  Nhìn chung, chứng cứ hiện có không chứng minh được các thay đổi đáng kể về sự tăng trưởng ở trẻ em về chiều cao và cân nặng khi sử dụng vitamin A.

HIV (lây truyền từ mẹ sang con) (có chứng cứ khoa học chống lại tác dụng này)

Tất cả chứng cứ không hỗ trợ cho việc bổ sung vitamin A ở các phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV với tác dụng làm giảm sự lây truyền virut HIV từ người mẹ sang thai nhi.

Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh (bổ sung cho người mẹ sau khi sinh) (có chứng cứ khoa học chống lại tác dụng này)

Nhìn chung, các nghiên cứu không cho thấy tác dụng của việc bổ sung vitamin A sau khi sinh đối với tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh (bổ sung cho người mẹ trong thời gian mang thai) (có chứng cứ khoa học chống lại tác dụng này)

Nhìn chung, các nghiên cứu không cho thấy tác dụng của việc bổ sung vitamin A trong thời gian mang thai đối với tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh trong thời gian đang sinh đẻ và trong thời gian 1 tháng sau khi sinh.

Nhiễm trùng đường hô hấp (có chứng cứ khoa học chống lại tác dụng này)

Tất cả chứng cứ chưa đủ chứng minh tác dụng hạ giảm tỉ lệ mắc bệnh viêm phổi hoặc tỉ lệ tử vong ở trẻ em không bị bệnh sởi.

Ung thư (đường ruột; ngăn ngừa) (có chứng cứ khoa học rõ ràng chống lại tác dụng này)

Tất cả chứng cứ không chỉ chứng minh rằng vitamin A không có tác dụng hạ giảm tỉ lệ ung thư bao tử hoặc các vết thương bao tử tiền ung thư, mà còn cho thấy việc bổ sung vitamin A có liên quan đến tỉ lệ tử vong gia tăng.


CÁC TÁC DỤNG DỰA TRÊN TRUYỀN THỐNG HOẶC LÝ THUYẾT

Những cách sử dụng sau đây dựa trên các lý thuyết khoa học hoặc truyền thống.  Chúng thường chưa được kiểm tra hoàn toàn ở người, tính an toàn và hiệu quả không phải lúc nào cũng được chứng thực. Một vài chứng bệnh này có khả năng diễn biến nghiêm trọng, do đó cần phải được chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề kiểm tra và đánh giá.

Lão hóa, bệnh SIDA (AIDS, bổ sung), viêm mũi do dị ứng (allergic rhinitis), chứng tự kỷ (autism: một chứng rối loạn trong thời kỳ phát triển của trẻ em, xuất hiện ở các trẻ khoảng 3 tuổi, được chẩn đoán bị suy giảm khả năng hình thành các mối quan hệ xã hội bình thường, bằng sự suy giảm khả năng giao tiếp với những người khác), bị phỏng (bỏng), ung thư (điều trị), chứng nhiễm nấm candida (candidiasis), bệnh đục thủy tinh thể (cataract: cườm), ung thư cổ tử cung (cervical cancer), nhạy cảm với chất hóa học (phòng chống chất ô nhiễm), các bệnh mãn tính (ngăn ngừa), viêm kết mạc mắt (conjunctivitis), bệnh Crohn, điếc, thiếu dinh dưỡng (protein), bệnh tiểu đường (bệnh đái tháo đường), chứng tiêu chảy (diarrhea), tiêu chảy ra máu có mủ (dysentery, shingllosis), bị đau tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt (dysmenorrheal), bệnh chàm (eczema), chứng động kinh (epilepsy), bệnh xơ nang ngực (fibrocystic breast disease), loét niêm mạc bao tử (gastric ulcer), bệnh tăng nhãn áp (glaucoma), dị ứng phấn hoa (hay fever), nhức đầu (mãn tính), bệnh tim, ung thư gan (hepatocellular carcinoma, có tác dụng ngăn ngừa ung thư), giộp miệng (cold sore), tăng năng tuyến giáp (hyperthyroidism), tăng cường miễn dịch (immune enhancement), gia tăng số lượng tinh trùng, nhiễm trùng (thông thường, mũi), sỏi thận (kidney stones), bệnh phát ban địa y (lichen planus pigmentosus: là một rối loạn sắc tố mãn tính, xuất hiện các vết ban màu nâu đậm, khuếch tán ở các khu vực tiếp xúc với ánh nắng, chẳng hạn như mặt, cổ, và các khu vực da có nếp uốn khúc), nhiều kinh nguyệt (menorrhagia), các rối loạn chuyển hóa (hội chứng Hurler), ung thư miệng, các chứng bệnh thoái hóa thần kinh, bổ sung dinh dưỡng, ung thư tuyến tụy (pancreatic cancer), viêm tuyến tụy (pancreatitis), bệnh nha chu (periodontal disease), bệnh vẩy cám đỏ (pityriasis rubra pilaris), hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome - PMS), bệnh vẩy nến (psoriasis), các rối loạn về hô hấp, u nang bã nhờn (sebaceous cyst), nhiễm trùng xoang mũi, viêm xoang mũi (sinusitis), các rối loạn về da (bệnh Darier, bệnh da cá: ichthyosis), ngủ (điều hòa giấc ngủ), các rối loạn về khứu giác, đột quỵ (tai biến mạch máu não), phỏng nắng (bỏng nắng), ù tai (tinnitus), các khối u (neoplasms), các tình trạng loét (loét bao tử ở những người nhập viện bị bệnh nặng), nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm âm đạo do teo mô hoặc thiếu chất nhờn (vaginal atrophy), nhiễm trùng âm đạo (vaginal infection), viêm âm đạo (vaginitis: đặc trưng bởi tình trạng ngứa và chảy mủ ở âm đạo), các bệnh về mạch máu (ngăn ngừa), tăng thị lực (cận thị, nhìn hình ảnh bị nhòe), mụn cóc (wart), nhiễm nấm âm đạo (yeast infection: do nấm Candida gây ra).

LIỀU LƯỢNG

Các liều lượng dưới đây dựa vào nghiên cứu khoa học, các ấn phẩm, cách sử dụng truyền thống, hoặc ý kiến của chuyên gia. Nhiều loại dược thảo và thực phẩm chức năng vẫn chưa được kiểm tra kỹ lưỡng, tính hiệu quả và an toàn có thể chưa được chứng thực. Các nhãn hiệu có thể được sản xuất khác nhau, với các thành phần có thể biến đổi, thậm chí trong cùng một nhãn hiệu. Các liều lượng dưới đây có thể không áp dụng cho tất cả mọi sản phẩm. Bạn nên đọc kỹ nhãn hướng dẫn trên sản phẩm và tham khảo liều lượng với chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề trước khi bắt đầu sử dụng.

Người Thành Niên (từ 18 tuổi trở lên)

Vitamin A được tìm thấy trong các sản phẩm được chế biến từ sữa (dairy product), cá, các loại trái cây (hoa quả) và rau quả có màu đậm.  Tiêu thụ 5 khẩu phần trái cây (hoa quả) và rau quả mỗi ngày sẽ cung cấp 5 – 6 mg chất tiền vitamin A carotenoid mỗi ngày, do đó cung cấp khoảng 50 – 65% số lượng vitamin A dinh dưỡng được đề xuất mỗi ngày.

Vitamin A được kèm theo trong đa số các loại đa vitamin (multivitamin), thường với liều lượng 5000 IU dưới dạng viên gelatin mềm, viên nang, viên nén, hoặc dạng lỏng.  Số lượng dinh dưỡng được đề xuất mỗi ngày (RDA) dành cho người thành niên ở Hoa Kỳ đã được Học Viện Y Khoa của Viện Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ (U.S. Institute of Medicine of the National Academy of Sciences) thiết lập.  Sau đây là các đề xuất được đưa ra: 900 microgram mỗi ngày (3000 IU) cho nam giới và 700 microgram mỗi ngày (2300 IU) cho phụ nữ.  Đối với các phụ nữ mang thai từ 19 tuổi trở lên, số lượng vitamin A được đề xuất là 770 microgram mỗi ngày (2600 IU).  Đối với các phụ nữ đang có sữa cho con bú từ 19 tuổi trở lên, số lượng vitamin A được đề xuất là 1300 microgram mỗi ngày (4300 IU).

Ghi chú: 3,33 IU vitamin A = 1 microgram (µg)

Đối với tình trạng thiếu hụt vitamin A không liên quan đến chứng khô mắt (xerophthalmia), số lượng sau đây đã được đề xuất sử dụng: 100 000 IU uống bằng miệng hoặc tiêm vào cơ mỗi ngày trong vòng 3 ngày, sau đó sử dụng 50 000 IU mỗi ngày trong vòng 2 tuần.  Một liều lượng duy trì đã được đề xuất là 10 000 – 20 000 IU mỗi ngày trong vòng 2 tháng.

Đối với chương trình can thiệp ngăn ngừa cho cộng đồng, liều lượng vitamin A được đề xuất là 200 000 IU uống bằng miệng mỗi tháng một lần, trong vòng 6 tháng.

Đối với bệnh tăng bạch cầu tiền tủy bào cấp tính (acute promyelocytic leukemia, điều trị), thuốc all-trans retinoic acid (Vesanoid® (tretinoin)) đã được chỉ định sử dụng như sau: 45 mg cho mỗi mét vuông diện tích bề mặt của cơ thể uống bằng miệng mỗi ngày, được chia làm 2 liều giống nhau cho đến khi căn bệnh được thuyên giảm hoàn toàn; nên ngưng sử dụng thuốc 30 ngày sau khi chứng bệnh được thuyên giảm hoàn toàn hoặc sau 90 ngày điều trị.

Đối với các trường hợp bị nhiễm HIV, vitamin A (sử dụng liều lượng 400 000 IU ở người thành niên và 50 000 IU ở trẻ sơ sinh) được sử dụng cho phụ nữ sau khi sinh (postpartum) và trẻ sơ sinh uống bằng miệng trong vòng 2 năm.

Để giảm tỉ lệ tử vong, sử dụng liều lượng từ 1333 – 200 000 IU uống bằng miệng mỗi ngày hoặc cách ngày, trong vòng 28 ngày đến 12 năm.

Đối với bệnh bạch tạng miệng (oral leukoplakia), sử dụng liều lượng 300 000 IU uống bằng miệng mỗi tuần trong vòng 12 tháng, hoặc liều lượng 200 000 IU uống bằng miệng mỗi tuần trong vòng 6 tháng, hoặc 1 – 2 mg thuốc 13-cis-retinoic acid cho mỗi kg trọng lượng cơ thể uống bằng miệng mỗi ngày trong vòng 3 tháng.  Thuốc bôi (thoa) 0,1% isotretinoin gel sử dụng mỗi ngày 3 lần trong vòng 4 tháng, hoặc sử dụng một dạng thuốc bôi (thoa) 20 mg acitretin mỗi ngày trong một viên thuốc hai lớp có tác dụng bám chặt vào niêm mạc (mucoadhesive tablet).

Đối với bệnh viêm võng mạc đổi sắc tố (retinitis pigmentosa), Viện Mắt Quốc Gia Hoa Kỳ (National Eye Institute - NEI) đề xuất rằng các bệnh nhân có các dạng bệnh điển hình sử dụng liều lượng 15 000 IU thuốc bổ sung vitamin A mỗi ngày dưới sự giám sát của chuyên gia chăm sóc y tế.

Đối với bệnh lao (tuberculosis), sử dụng liều lượng 5000 – 200 000 IU uống bằng miệng 3 lần trước khi uống thuốc trị bệnh lao.

Đối với tình trạng tổn thương da do tia cực tím, sử dụng thuốc bôi (thoa) all-trans retinoic acic (tretinoin, dạng axit của vitamin A), nồng độ 0,02% hoặc cao hơn, trong vòng 4 – 11 tháng.

Hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân sau khi trị liệu hóa học có thể bao gồm tiêm liều lượng 100 000 IU vitamin A mỗi tuần.  Bệnh nhân sử dụng vitamin A nên được giám sát cẩn thận để phòng tránh tình trạng độc hại gan.

Việc tiêm thuốc phải được một chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề thực hiện.


Trẻ Em (dưới 18 tuổi)

Số lượng dinh dưỡng được đề xuất (recommended dietary allowances – RDAs) được thành lập bởi Viện Y Học Hoa Kỳ của Hiệp Hội Khoa Học Quốc Gia (U.S. Institute of Medicine of the National Academy of Sciences).  Sau đây là các liều lượng được đề xuất: đối với trẻ em 1-3 tuổi, 300 microgram (1000 IU) mỗi ngày; đối với trẻ em 4-8 tuổi, 400 microgram (1300 IU) mỗi ngày; đối với trẻ em 9-13 tuổi, 600 microgram (2000 IU) mỗi ngày.  Đối với các phụ nữ mang thai từ 14 – 18 tuổi, 750 microgram (2500 IU) được đề xuất sử dụng mỗi ngày.  Đối với các phụ nữ đang có sữa cho con bú từ 14-18 tuổi, 1200 microgram (4000 IU) được đề xuất sử dụng mỗi ngày

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization– WHO) đã đưa ra các hướng dẫn về liều lượng vitamin A cho trẻ em từ 6-11 tháng tuổi là 100 000 IU.  Liều lượng này sẽ tăng lên 200 000 IU cứ mỗi 6 tháng từ 12-59 tháng tuổi.

Đối với chứng thiếu máu, sử dụng 3000 microgram vitamin A uống bằng miệng mỗi ngày trong vòng 2 tháng.

Đối với chứng loạn sản phế quản và phổi (bronchopulmonary dysplasia) ở các trẻ sinh thiếu tháng, sử dụng liều lượng 2000 IU cách ngày đến 4000 IU uống bằng miệng mỗi tuần 3 lần.

Đối với việc thúc đẩy sự tăng trưởng ở trẻ em, sử dụng liều lượng 60 mg vitamin A lên đến 6 tháng.

Đối với bệnh xơ nang tuyến tụy (cystic fibrosis), các hướng dẫn năm 2002 về bệnh này đề xuất bổ sung vitamin A cho tất cả trẻ em bị xơ nang và suy yếu tuyến tụy, cụ thể là sử dụng 3000 microgram đơn vị tương đương tác dụng retinol (retinol activity equivalent – RAEs: 1 microgram RAE = 1 microgram retinol) mỗi ngày cho các trẻ em trên 8 tuổi.

Đối với tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, liều lượng sau đây đã được sử dụng: 3 mg uống bằng miệng từ 18 đến 28 tuần mang thai; 7000 microgram uống bằng miệng mỗi tuần một lần trong thời gian mang thai; 5000 – 10 000 IU uống bằng miệng mỗi ngày từ 12 – 24 tuần mang thai; 200 000 IU mỗi tuần, hoặc 200 000 IU vào thời điểm sinh con; và 200 000 – 400 000 IU uống bằng miệng mỗi ngày sau khi sinh.  Sử dụng liều lượng 2 000 IU cứ mỗi 2 ngày trong vòng 28 ngày, tiêm vào cơ cho trẻ sơ sinh.  Ngoài ra, tiêm vào cơ 4000 IU cứ mỗi 2 ngày hoặc 3750 IU cứ mỗi 2 ngày trong vòng 16 ngày.  Sử dụng liều lượng từ 1500 - 5000 IU, uống bằng miệng hoặc tiêm vào cơ cho trẻ sơ sinh, cách ngày hoặc mỗi tuần 3 lần.  Sử dụng liều lượng 8333 IU mỗi tuần đến 200 000 IU uống bằng miệng cứ mỗi 6 tháng.

Đối với bệnh sốt rét (malaria), các trẻ em từ 6-60 tháng tuổi được cho sử dụng 1 viên nang vitamin A (hoặc nửa viên nang nếu dưới 12 tháng tuổi) 200 000 IU (trong 20 microlit dầu đậu phộng với 10 microgram vitamin E có chức năng là chất dùng bảo quản) cứ mỗi 3 tháng trong vòng 13 tháng.

Đối với bệnh sởi (measles), Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đề xuất liều lượng 200 000 IU uống bằng miệng mỗi ngày trong vòng 2 ngày cho các trẻ em bị bệnh sởi và sống trong các khu vực bị thiếu hụt vitamin A.  Đối với các trẻ sơ sinh bị bệnh sởi, tổ chức WHO đề xuất liều lượng 100 000 IU uống bằng miệng mỗi ngày trong vòng 2 ngày.

Đối với tỉ lệ tử vong ở trẻ em, sử dụng liều lượng 8333 IU mỗi tuần đến 200 000 IU uống bằng miệng cứ mỗi 6 tháng.  Sử dụng liều lượng 10 000 IU mỗi tuần trong vòng 40 tuần đến 206 000 IU cứ mỗi 4 tháng một lần, lên đến 6 liều.

Đối các trường hợp bị nhiễm HIV, một liều lượng cao vitamin A (400 000 IU ở người thành niên và 50 000 IU ở trẻ sơ sinh) đã được cho phụ nữ sau khi sinh và trẻ sơ sinh sử dụng trong vòng 2 năm.

Đối với chứng khô mắt (xerophthalmia), Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đề xuất liều lượng 200 000 IU uống bằng miệng mỗi ngày ngay sau khi được chẩn đoán, 200 000 IU vào ngày hôm sau, và sau đó 200 000 IU trước khi xuất viện, hoặc nếu tình trạng suy biến lâm sàn (clinical deterioration) xảy ra, hoặc 2-4 tuần sau đó.  Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi và các trẻ em rất nhỏ và rất nhẹ cân nên được sử dụng phân nửa liều lượng.


TÍNH AN TOÀN

Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) không kiểm soát nghiêm ngặt các loại thảo dược và thực phẩm chức năng. Không có sự đảm bảo tính an toàn, tinh khiết và độ mạnh của các sản phẩm, đồng thời các tác dụng có thể thay đổi. Bạn phải luôn đọc kỹ các nhãn ghi trên sản phẩm. Nếu bạn đang bị một chứng bệnh, hoặc đang dùng các loại thuốc (tây dược), thảo dược, hoặc các loại thực phẩm chức năng nào khác, bạn phải trao đổi với chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề trước khi bắt đầu một liệu pháp mới.  Hãy tham khảo ý kiến với chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề ngay nếu bạn gặp phải các tác dụng phụ.

Dị Ứng

Tránh sử dụng ở các cá nhân bị nhạy cảm một cách bất thường (hypersensitivity) hoặc bị dị ứng với vitamin A hoặc với bất cứ thành phần nào trong các dạng thuốc chứa vitamin A.

Các Tác Dụng Phụ và Cảnh Báo

Vitamin A được cho là an toàn khi được sử dụng theo số lượng dinh dưỡng được đề xuất(recommended dietary allowances – RDAs).  Những người thành niên nếu tiêu thụ các loại thực phẩm được tăng cường vitamin A, chẳng hạn như các sản phẩm được chế biến từ sữa có lượng chất béo thấp và nhiều loại trái cây (hoa quả) cũng như rau quả, thường không cần đến các loại thực phẩm chức năng hoặc đa vitamin chứa vitamin A.

Các tác dụng gây hại từ vitamin A có thể bao gồm lở loét miệng (mouth ulcers), nứt môi (cracked lips), các đợt bùng phát bệnh vẩy nến (psoriasis flare-ups), nứt móng tay, đau mắt (sore eyes), da nổi vảy, rụng tóc (hair loss), ngứa da (skin irritation), khô da (skin dryness), đau nhức, và nổi đỏ, cũng như tiêu chảy(diarrhea), khó tiêu (dyspepsia), chứng nhiễm mỡ (steatosis: mỡ tích tụ trong các tổ chức mô), xơ huyết quản trong mô (ở gan), viêm gan mãn tính, xơ gan (cirrhosis), chỏm đầu bị phồng lên tạm thời (bulging fontanel), ho, sốt, nhiễm trùng đường hô hấp, gia tăng nguy cơ bị ung thư phổi, lây truyền virut HIV (qua việc qua con bú sữa mẹ), và tỉ lệ tử vong.

Nhiễm độc vitamin A (hypervitaminosis A) thường hiếm khi xảy ra trong cộng đồng dân cư nói chung.  Nhiễm độc vitamin A có thể xảy ra khi sử dụng quá liều vitamin A trong một thời gian ngắn hoặc dài hạn.  Do đó, tình trạng nhiễm độc có thể kéo dài trong một thời gian ngắn hoặc dài hạn.  Các triệu chứng của tình trạng nhiễm độc ngắn hạn bao gồm buồn nôn, nhức đầu, mệt mỏi, mất khẩu vị, chóng mặt, khô da, lột da (desquamation), và phù não(cerebral edema).  Các triệu chứng của tình trạng nhiễm độc mãn tính bao gồm da bị khô, ngứa và bị nứt, lột da, khô môi, nhức đầu, mất khẩu vị, thay đổi trạng thái tâm thần, phù não, đau nhức xương và khớp, loãng xương, và nứt (gãy) xương hông (hip fracture).  Tình trạng nhiễm độc nghiêm trọng có thể gây tổn thương mắt, gia tăng hàm lượng canxi, hủy hoại gan.  Ở trẻ em, các dấu hiệu bị nhiễm độc bao gồm khó chịu, buồn ngủ, chóng mặt, mê sảng, hôn mê, nôn mửa, tiêu chảy, gia tăng áp suất trong hộp sọ với chỏm đầu bị phồng lên ở trẻ sơ sinh, nhức đầu, sưng đĩa thị giác (optic disk), lồi mắt, rối loạn thị giác, nổi đỏ ở da và bị lột da.

Những người bị bệnh gan và uống nhiều rượu bia có thể có nguy cơ bị nhiễm độc gan từ các loại thực phẩm chức năng chứa vitamin A.  Tình trạng nhiễm độc vitamin A có thể gây ra chứng ứ mật nội gan(intrahepatic cholestasis), là một tình trạng trong đó mật không thể đi từ gan vào ruột.  Điều trị bằng thuốc ursodeoxycholic acid có khả năng cải thiện đáng kể các triệu chứng của tình trạng ứ mật.

Phải hết sức thận trọng khi cho trẻ em và trẻ sơ sinh sử dụng, vì việc sử dụng quá liều lượng vitamin A đã được chứng minh là có nhiều nguy cơ gây nhiễm trùng đường hô hấp ở các trẻ em chưa đến tuổi học mẫu giáo (preschool-aged children) và các trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi.

Hãy sử dụng một cách thận trọng khi phối hợp với các loại thuốc cô lập axit mật (bile acid sequestrant: có tác dụng hạ cholesterol và chất béo), các loại thuốc tránh thai uống bằng miệng (oral contraceptives), dầu khoáng (mineral oil), neomycin, hoặc orlistat, vì có thể dẫn đến tình trạng giảm hấp thụ vitamin A.

Hãy thận trọng khi sử dụng vitamin A chung với rượu bia hoặc các loại thuốc chống ung thư, vì có thể làm tăng nguy cơ bị các tác dụng phụ.

Vitamin A có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết.  Tránh sử dụng ở các bệnh nhân bị các rối loạn về xuất huyết, hoặc các bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc mà có thể làm tăng nguy cơ bị xuất huyết.

Tránh sử dụng phối hợp với các loại thuốc kháng sinh (trụ sinh) tetracycline, các loại thuốc gây độc hại gan, hoặc các loại thuốc retinoid (ngăn chặn sự tăng trưởng của các tế bào ung thư), vì có nhiều nguy cơ bị các tác dụng phụ độc hại.

Tránh sử dụng ở các bệnh nhân bị các hội chứng giảm chức năng hấp thụ chất béo (fat malabsorption syndromes), các bệnh nhiễm trùng đường ruột, thiếu dinh dưỡng protein nghiêm trọng (severe protein energy malnutrition), bệnh gan, tăng lipoprotein huyết loại V (type V hyperlipoproteinemia).

Những người hút thuốc đồng thời uống rượu bia và tiêu thụ beta-carotene có thể có nhiều nguy cơ bị ung thư phổi hoặc mắc bệnh tim mạch (cardiovascular disease).  Nên tránh sử dụng liều lượng cao vitamin A và beta-carotene ở các bệnh nhân có nhiều nguy cơ bị ung thư phổi.

Mang Thai và Cho Con Bú

Vitamin A chỉ nên được sử dụng theo số lượng dinh dưỡng được đề xuất (RDAs), bởi vì khi sử dụng quá nhiều cũng như bị thiếu hụt vitamin A đã được chứng minh có liên quan đến các trường hợp dị tật ở trẻ sơ sinh.  Sử dụng quá liều vitamin A được chứng minh có liên quan đến tình trạng biến dạng hệ thần kinh trung ương.

Vitamin A được bài tiết vào sữa mẹ.  Các lợi ích và các tác hại đối với trẻ đang bú sữa vẫn chưa được xác định rõ ràng.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Thông tin này được dựa trên một tài liệu chuyên khảo đã được chỉnh sửa và đã được xem xét lại bởi các cộng tác viên của Natural Standard Research Collaboration (www.naturalstandard.com)

CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO ĐƯỢC CHỌN LỌC

Becker P, Maurer B, Schirmacher P, et al. Vitamin A-induced cholestatic hepatitis: a case report. Z Gastroenterol 2007 Oct;45(10):1063-6.
Bjelakovic G, Nikolova D, Simonetti RG, et al. Antioxidant supplements for preventing gastrointestinal cancers. Cochrane Database Syst Rev 2008 Jul 16;(3):CD004183.
Block KI, Koch AC, Mead MN, et al. Impact of antioxidant supplementation on chemotherapeutic toxicity: a systematic review of the evidence from randomized controlled trials. Int J Cancer 2008 Sep 15;123(6):1227-39.
Cooney TM, Johnson CS, Elner VM. Keratomalacia caused by psychiatric-induced dietary restrictions. Cornea 2007 Sep;26(8):995-7.
Cox SE, Arthur P, Kirkwood BR, et al. Vitamin A supplementation increases ratios of proinflammatory to anti-inflammatory cytokine responses in pregnancy and lactation. Clin Exp Immunol 2006 Jun;144(3):392-400.
Darboe MK, Thurnham DI, Morgan G, et al. Effectiveness of an early supplementation scheme of high-dose vitamin A versus standard WHO protocol in Gambian mothers and infants: a randomised controlled trial. Lancet 2007 Jun 23;369(9579):2088-96.
Diness BR, Fisker AB, Roth A, et al. Effect of high-dose vitamin A supplementation on the immune response to Bacille Calmette-Guerin vaccine. Am J Clin Nutr 2007 Oct;86(4):1152-9.
Kafi R, Kwak HS, Schumacher WE, et al. Improvement of naturally aged skin with vitamin A (retinol). Arch Dermatol 2007 May;143(5):606-12.
Klemm RD, Labrique AB, Christian P, et al. Newborn vitamin A supplementation reduced infant mortality in rural Bangladesh. Pediatrics 2008 Jul;122(1):e242-50.
Long KZ, Rosado JL, DuPont HL, et al. Supplementation with vitamin A reduces watery diarrhoea and respiratory infections in Mexican children. Br J Nutr 2007 Feb;97(2):337-43.
Newton S, Owusu-Agyei S, Ampofo W, et al. Vitamin A supplementation enhances infants' immune responses to hepatitis B vaccine but does not affect responses to Haemophilus influenzae type b vaccine. J Nutr 2007 May;137(5):1272-7.
Payne LG, Koski KG, Ortega-Barria E, et al. Benefit of vitamin A supplementation on ascaris reinfection is less evident in stunted children. J Nutr 2007 Jun;137(6):1455-9.
Saltzman MD, King EC. Central physeal arrests as a manifestation of hypervitaminosis A. J Pediatr Orthop 2007 Apr-May;27(3):351-3.
Swami HM, Thakur JS, Bhatia SP. Impact of mass supplementation of vitamin A. Indian J Pediatr. 2007 May;74(5):443-7.
Tielsch JM, Rahmathullah L, Katz J, et al. Maternal night blindness during pregnancy is associated with low birthweight, morbidity, and poor growth in South India J Nutr 2008 Apr;138(4):787-92.


Source(Nguồn):















0 comments:

Post a Comment