CÁC THỰC PHẨM HÀNG ĐẦU GIÚP BẢO VỆ THỊ LỰC
Bạn sẽ phải tập trung vào các loại trái cây (hoa quả) và rau củ màu vàng và cam, cộng với lòng đỏ trứng (egg yolk) và cá nước ngọt giàu chất béo.
Khi đề cập đến việc bảo vệ thị lực của bạn, thì những gì bạn ăn có thể ảnh hưởng đến những gì bạn nhìn thấy. Một số loại vitamin và khoáng chất được tìm thấy trong thực phẩm có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa hai nguyên nhân phổ biến gây ra các rối loạn về thị lực: bệnh đục thủy tinh thể (cataracts: bệnh đục nhân mắt, cườm mắt) – các khu vực bị đục ở các thấu kính mắt – và thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (age-related macular degeneration – AMD) – một tình trạng gây mất thị lực ở điểm vàng, vùng mắt có chức năng kiểm soát thị lực trung tâm. “Mặc dù chưa có chứng cứ xác định rõ ràng, nhưng một số cuộc khảo sát cho thấy rằng thực hiện chế độ ăn uống giàu một số chất dinh dưỡng có thể giúp ích cho thị lực”, theo lời của bác sĩ Ivana Kim, phó giáo sư khoa mắt tại trường Đại Học Y Khoa Harvard (Harvard Medical School).
Các Chất Dinh Dưỡng Được Cân Nhắc
Một số chứng cứ cho thấy rằng các loại vitamin và khoáng chất chống oxy hóa trong chế độ ăn (A, C, E, và kẽm) có thể giúp ngăn ngừa sự tiến triển của tình trạng thoái hóa điểm vàng. “Võng mạc, đặc biệt là điểm vàng, được xem là một môi trường bị tổn thương oxy hóa cao, có nghĩa là khu vực này có rất nhiều gốc tự do (free radical) – các phân tử này gây tổn thương cho protein và ADN (DNA) bên trong các tế bào. Các chất chống oxy hóa chiến đấu chống lại các gốc tự do và được xem có khả năng giúp bảo vệ võng mạc tránh được sự tổn thương này”, bác sĩ Kim giải thích.
Lutein và zeaxanthin là các chất carotenoid được tìm thấy trong võng mạc, và việc tiêu thụ các hợp chất này trong chế độ ăn đã được chứng minh có các đặc tính chống oxy hóa và giúp cải thiện mật độ sắc tố trong điểm vàng. Sắc tố này có chức năng bảo vệ các tế bào trong khu vực điểm vàng bằng cách hấp thụ ánh sáng xanh lam (blue) và cực tím (ultraviolet) đồng thời làm mất tác dụng của các gốc tự do. Lutein và zeaxanthin thường được tìm thấy trong thực phẩm.
Tiêu thụ axit béo omega-3 DHA (docosahexaenoic acid) trong chế độ ăn có thể rất quan trọng cho sức khỏe của võng mạc. “DHA hiện diện với hàm lượng cao trong các khu vực ngoài cùng của các thụ thể ánh sáng (photoreceptor) ở võng mạc”, bác sĩ Kim nói. “Các axit béo omega-3 đã được chứng minh có những đặc tính kháng viêm, và có chứng cứ cho thấy rằng hiện tượng viêm đóng một vai trò trong trường hợp bị thoái hóa điểm vàng do tuổi tác”.
Tìm Kiếm Các Chất Dinh Dưỡng
Bạn sẽ tìm thấy letein và zeaxanthin trong đa số các loại trái cây (hoa quả) và rau củ, đặc biệt là các chủng loại màu vàng và cam cũng như các loại rau xanh. Lòng đỏ trứng là một nguồn chứa dồi dào các chất dinh dưỡng này. Các axit béo omega-3 được tìm thấy trong các loại cá nước ngọt, hạt lanh (flaxseed), và quả óc chó (walnut). Các nguồn chứa nhiều chất kẽm bao gồm thịt đỏ (red meat) và động vật dưới nước có vỏ (shellfish). Bạn sẽ tìm thấy các loại vitamin A, C, và E trong nhiều loại rau củ, trái cây (hoa quả), các quả hạch, và hạt.
Nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được số lượng chúng ta cần tiêu thụ các chất dinh dưỡng này để giúp ngăn ngừa các rối loại ở mắt, nhưng bác sĩ Kim đề xuất chế độ ăn sau đây có lợi cho sức khỏe mắt, với cá ít nhất là hai lần mỗi tuần và ít nhất 5 khẩu phần trái cây (hoa quả) và rau củ mỗi ngày.
Các nguồn thực phẩm tốt nhất cho mắt | |
Các chất dinh dưỡng | Thực phẩm |
Lutein, zeaxanthin | Bông cải xanh (broccoli), cải bruxen (Brussels sprouts), cải xanh (collard greens), bắp, trứng, cải xoăn (kale), quả xuân đào (nectarine), cam, đu đủ, rau xà lách (romaine lettuce), rau bina (spinach), bí (squash) |
Các axit béo Omega-3 | Hạt lanh (flaxseed), dầu hạt lanh (flaxseed oil), cá bơn (halibut), cá hồi (salmon), cá mòi (sardine), cá ngừ đại dương (tuna), quả óc chó (walnut) |
Vitamin A | Quả mơ (apricot), dưa ruột vàng (cantaloupe) tươi sống, cà rốt (carrot), xoài (mango), ớt đỏ, phó mát Ý (ricotta cheese) (ít béo), rau bina, khoai lang (sweet potato) |
Vitamin C | Bông cải xanh, cải bruxen, bưởi (grapefruit), quả kiwi, cam, ớt đỏ, dâu tây (strawberry) |
Vitamin E | Quả hạnh nhân (almond), bông cải xanh, bơ đậu phộng (peanut butter), rau bina, hạt hướng dương (sunflower seed), phôi lúa mì (wheat germ) |
Kẽm | Đậu hồi (chickpea), con hàu (oyster), sườn heo (pork chop), thịt đỏ, sữa chua (yogurt) |
GIẢM NGUY CƠ MẮC BỆNH TIỂU ĐƯỜNG – CHỈ MỘT LY NƯỚC NGỌT MỖI NGÀY
Chỉ uống một ly (237 ml) nước ngọt hoặc nước giải khát từ sữa (dairy beverage) mỗi ngày có thể giảm được đáng kể tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2, theo một nghiên cứu mới đây.
Nghiên cứu này, được đăng trên tạp chí Diabetologia, đã sử dụng các dữ liệu về chế độ ăn uống và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường của trên 25 000 phụ nữ và nam giới Anh Quốc tuổi từ 40 đến 79. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi số lượng tiêu thụ nước ngọt, trà và cà phê, nước trái cây (nước hoa quả) và các thức uống từ sữa được làm ngọt, chẳng hạn như sôcôla nóng (hot chocolate) và kem sữa khuấy (milkshake).
Hầu như mọi người đều có thói quen uống một loại thức uống được làm ngọt, thường là nước ngọt (soft drink) hoặc trà và cà phê được làm ngọt. Sau khi điều chỉnh chỉ số trọng lượng cơ thể (body mass index), số lượng calorie tiêu thụ và chế độ ăn uống, các yếu tố về hành vi và kinh tế xã hội, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng một ly nước ngọt hoặc thức uống từ sữa được làm ngọt sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khoảng 14 đến 27%.
Cứ mỗi 5% calorie (bao gồm các thức uống được làm ngọt) bổ sung vào số lượng calorie tổng cộng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên 18%. Uống trà hoặc cà phê được làm ngọt không thay đổi được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nhưng tiêu thụ các loại nước giải khát không đường sẽ giảm được nguy cơ. Sau khi điều chỉnh tất cả các biến số, nước trái cây (nước hoa quả) không ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
“Chúng ta đã nghe nói nhiều về các tác động không tốt đến sức khỏe của các loại thức uống này”, theo lời của tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Nita G. Forouhi của trường Đại Học Cambridge (University of Cambridge). “Chúng tôi thường đưa tin xấu, nhưng sau đây là một số giải pháp cho việc thay thế những thức uống có lợi cho sức khỏe: nước, trà và cà phê không đường”. (Trở về đầu trang)
TIÊU THỤ ĐỦ VITAMIN B12
Vitamin B12 rất quan trọng cho cơ thể để sản sinh các hồng cầu (red blood cell) khỏe mạnh. Vitamin này còn cần thiết cho chức năng thần kinh và quá trình tổng hợp ADN (DNA).
Tình trạng thiếu hụt B12 xảy ra khi hàm lượng B12 dự trữ trong cơ thể xuống thấp. Điều này có thể dẫn đến:
- Thiếu máu
- Mệt mỏi
- Yếu nhược
- Đau miệng và lưỡi
- Táo bón
- Giảm khẩu vị
- Xuống cân
- Tê và ngứa ran ở bàn tay và bàn chân
- Chóng mặt, choáng váng
- Trí nhớ kém và rối loạn tinh thần
Điều đáng buồn là, càng ngày càng có nhiều người xuất hiện nguy cơ bị thiếu hụt. Sau đây là lý do tại sao.
1. Tuổi Tác
Khi chúng ta càng có tuổi, dạ dày của chúng ta càng sản sinh ít dịch vị hơn. Tình trạng này gọi là viêm teo dạ dày (atrophic gastritis). Tình trạng này làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B12 của cơ thể, vitamin này kết bám vào protein trong các thực phẩm. Vitamin B12 tổng hợp (synthetic B12) – được tìm thấy trong các loại thực phẩm được tăng cường (fortified food) và các thực phẩm chức năng – không cần dịch vị của dạ dày để có thể được hấp thụ. Để tránh tình trạng thiếu hụt, Viện Y Học(Institute of Medicine) và Các Hướng Dẫn Về Chế Độ Ăn Uống (Dietary Guidelines) cho người Hoa Kỳ đề xuất rằng những người từ 50 tuổi trở lên nên ăn các loại thực phẩm được tăng cường B12 hoặc tiêu thụ một loại thực phẩm chức năng.
2. Một Số Loại Thuốc
Các loại thuốc trị chứng khó tiêu và trào ngược hoạt động bằng cách ngăn chặn dịch vị tiết ra. Các loại này bao gồm thuốc ức chế bơm proton (proton pump inhibitor – PPI), chẳng hạn như esomeprazole(Nexium), omeprazole(Prilosec) và lansoprazole(Prevacid), và các thuốc chặn thụ thể H2 (histamin-2 receptor agonist – H2RA), chẳng hạn như famotidine(Pepcid) và ranitidine(Zantac). Khi thiếu dịch vị, cơ thể không thể hấp thụ đủ vitamin B12.
Trong một nghiên cứu cụ thể, những người sử dụng các loại thuốc PPI trong hơn 2 năm có 65% khả năng bị thiếu hụt vitamin B12. Điều thú vị là, những người có nhiều cơ hội bị thiếu hụt nhất trong số này lại thuộc về những người dưới 30 tuổi.
Metformin, một loại thuốc trị chứng hạ đường trong máu được một số người mắc bệnh tiểu đường sử dụng, cũng có thể làm giảm khả năng hấp thụ B12 bằng cách thay đổi nhu động ruột (intestinal motility). Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên được kiểm soát, các bệnh nhân tiểu đường loại 2 đã sử dụng metformin trong 4,3 năm có hàm lượng B12 thấp hơn so với những người sử dụng giả dược là 19%. Kết quả này làm tăng nguy cơ thiếu hụt B12 lên 7,2%.
3. Các Rối Loạn Đường Ruột và Dạ Dày hoặc Phẫu Thuật Đường Ruột và Dạ Dày Trong Quá Khứ
Những người với một số tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như bệnh celiac và bệnh Crohn, có khả năng không thể hấp thụ đủ B12 từ thực phẩm.
Phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày cũng có thể dẫn đến tình trạng mất khả năng hấp thụ loại vitamin này.
4. Chế Độ Ăn Chay
Những người ăn chay (vegan: những người ăn chay nghiêm ngặt, không ăn thịt, cá, trứng hoặc các sản phẩm từ sữa) có thể phát sinh tình trạng thiếu hụt vitamin B12 bởi vì họ thiếu vitamin B12 trong chế độ ăn. Chưa có loại thực phẩm thực vật nào được biết đến là nguồn tự nhiên chứa vitamin B12. Điều may mắn là, tiêu thụ các thực phẩm được tăng cường, chẳng hạn như các loại ngũ cốc (cereal) cho bữa điểm tâm, sữa đậu nành (soy milk) và các thực phẩm thay thế thịt dành cho người ăn chay, có thể giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt tiềm tàng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng những người ăn chay đồng thời không sử dụng thực phẩm chức năng B12 thường bị thiếu hụt B12.
Số Lượng B12 Cần Thiết
Xét nghiệm máu có thể xác định được hàm lượng B12 trong cơ thể bạn. Tùy thuộc vào các phòng xét nghiệm, phạm vi B12 bình thường là khoảng từ 200 đến 900 pg/ml (picogram per milliliter). Đa số chuyên gia đồng ý rằng các số lượng dưới 200 pg/ml sẽ tạo nên tình trạng thiếu hụt B12. Các chuyên gia khác nói rằng hàm lượng B12 trong máu khoảng 350 pg/ml là tốt nhất.
Số lượng dinh dưỡng được đề xuất mỗi ngày (recommended dietary allowance – RDA) dành cho người thành niên là 2,4 mcg (microgram) mỗi ngày. (Những phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần nhiều hơn). Một số chuyên gia dinh dưỡng đặt câu hỏi rằng liệu số lượng này có đủ không, đặc biệt đối với những người cao tuổi. Cơ quan FDA Hoa Kỳ đưa ra Giá Trị Dinh Dưỡng Hằng Ngày (Daily Value – DV) cho vitamin B12 là 6 mcg. (Giá Trị Dinh Dưỡng Hằng Ngày được tìm thấy trên nhãn Thành Phần Dinh Dưỡng - Nutrition Facts ở một số loại thực phẩm). Những người có nguy cơ bị thiếu hụt có thể có lợi khi sử dụng với số lượng trên 2,4 mcg. Chưa có giới hạn tối đa chính thức nào về mức tiêu thụ B12, do đó hiện tượng ngộ độc hoặc quá liều không phải là một vấn đề gây lo ngại. Chỉ có những người mắc bệnh Leber (Leber’s disease), một tình trạng bệnh lý về mắt do di truyền, nên tránh sử dụng thực phẩm chức năng B12.
Các Nguồn B12 Tốt Nhất
Các thực phẩm được tăng cường B12 là một cách thích hợp để hấp thụ đầy đủ loại vitamin này, đặc biệt nếu như chế độ ăn của bạn chứa số lượng thấp các thực phẩm từ động vật, chẳng hạn như thịt, cá, thịt gia cầm, sữa, phó mát (cheese) và trứng. Một số thực phẩm là những nguồn B12 tốt hơn. Trong một nghiên cứu quy mô lớn dựa trên cộng đồng, sữa và cá là những nguồn B12 tốt hơn so với thịt và trứng. Các thực phẩm từ sữa (dairy food) đặc biệt là một nguồn sinh học có sẵn B12 khá cao. Vitamin B12 trong thịt có thể ít có sẵn về mặt sinh học do bị mất đi trong quá trình nấu và sự hiện diện của collagen, chất này không được tiêu hóa tốt khi lượng dịch vị tiết ra bị giảm.
Các thực phẩm chức năng có thể bù lại số lượng B12 thiếu hụt trong chế độ ăn. Thực phẩm chức năng được bán dưới nhiều dạng: viên nang, viên nén có thể tan dưới lưỡi (sublingual), các loại gel sử dụng qua đường mũi và dạng tiêm. Một viên thực phẩm chức năng đơn lẻ mỗi ngày (viên nang hoặc viên nén) thường cung cấp khoảng 25 mcg đến 1000 mcg. Một viên đa vitamin (multivitamin) dành cho người thành niên trên 50 tuổi thường cung cấp 25 mcg. Các thực phẩm chức năng B12 riêng biệt thường chứa liều lượng cao hơn, nhưng chỉ có một lượng nhỏ được hấp thụ.
Nguồn Thực Phẩm (Food Source) | Số Lượng (micrograms) |
Ngũ cốc điểm tâm (3/4 cup)* | 6.0 |
Sữa đậu nành (8 oz hoặc 237 ml) | 3.0 |
Cá hồi đại tây dương, sống tự nhiên, được nấu chín (3 ounces hoặc 85 g) | 2.6 |
Ngực gà tây, nướng (3 ounces hoặc 85 g) | 1.5 |
Sữa chua (Yogurt), không béo (nonfat) (1 cup) | 1.5 |
Thịt bò thăn (Beef tenderloin), nướng (3 ounces hoặc 85 g) | 1.3 |
Thực phẩm thay thế thịt (1 patty hoặc một lát nhỏ) | 1.2 |
Sữa, không béo (8 ounces hoặc 237 ml) | 1.0 |
Trứng, cỡ trung (medium) (1) | 0.4 |
Các hạng mục được viết đậm là các nguồn B12 tổng hợp. | |
*Các loại ngũ cốc được tăng cường cung cấp khoảng 25% đến 100% Giá Trị Dinh Dưỡng Hằng Ngày. |
Kết Luận
Theo đề xuất của các chuyên gia, bạn nên yêu cầu bác sĩ kiểm tra hàm lượng B12 trong cơ thể bạn. Nếu nó nằm trong giới hạn bình thường, thì hãy nhắm đến số lượng dinh dưỡng được đề xuất mỗi ngày, một cách lý tưởng là 6 mcg giá trị dinh dưỡng hằng ngày. Thông thường, việc bổ sung các loại thực phẩm chứa B12 trong chế độ ăn của bạn, cùng với một số thực phẩm được tăng cường B12, sẽ giúp đạt được các giá trị này. Nếu bạn nằm trong số các nhóm có nguy cơ thiếu hụt B12, thì hãy cân nhắc việc sử dụng một loại thực phẩm chức năng. (Trở về đầu trang)
Dean Fishman, một bác sĩ chuyên khoa nắn cơ khớp(chiropractor) ở Florida, khi đang kiểm tra hình chụp X-quang cổ của một bệnh nhân 17 tuổi vào năm 2009 thì ông lưu ý có gì đó không bình thường. Hình chụp cột sống của cô gái cho thấy độ cong ở cột sống cổ (cervical spine) bị đổi chiều – một tình trạng thoái hóa mà ông thường thấy ở những người trung niên đã giữ cổ ở tư thế không chuẩn trong nhiều năm.
“Đó là khi tôi nhìn từ trên xuống khi bệnh nhân đang ngồi”, bác sĩ Fishman nói. Cô gái ngồi sụp xuống trên ghế, đầu cúi xuống, đang nhắn tin một cách giận dữ trên điện thoại. Khi ông lưu ý với người mẹ của bệnh nhân rằng tư thế của cô gái có thể làm cho cô bị nhức đầu, thì ông nhận được điều mà ông mô tả là một “phản ứng đầy xúc động”. Xem ra cô gái đã dành phần lớn thời gian mỗi ngày trong tư thế này. Được rồi, bác sĩ Fishman nói, “Tôi biết rằng tôi đã phát hiện ra một điều gì đó”.
Ông đưa ra giả thuyết rằng cúi đầu quá lâu để nhìn vào thiết bị di động (mobile device) đã tạo nên tình trạng kéo căng quá mức ở cột sống cổ, gây tổn thương do lặp lại áp lực (repetitive stress injury), sau đó dẫn đến thoái hóa cột sống. Ông bắt đầu rà soát lại tất cả các hình chụp X-quang gần đây của những người trẻ tuổi – nhiều người trong số này đã đến khám vì bị đau ở cổ (neck pain) hoặc nhức đầu(headache) – và ông thấy điểm giống nhau: các dấu hiệu bị thoái hóa sớm (premature degeneration).
Bác sĩ Fishman đã đặt tên “cổ nhắn tin – text neck” để mô tả tình trạng này.
Bác sĩ Fishman nói, “Cái đầu ở vị trí bình thường có cân nặng khoảng 10 đến 12 lbs (4,5 – 5,4 kg), và giải thích rằng vị trí bình thường là tai nằm phía trên vai với xương bả vai được kéo ra phía sau. “Nếu bạn từ từ cúi đầu về phía trước, với trọng lực và khoảng cách tính từ vị trí bình thường, thì sức nặng bắt đầu gia tăng”.
Một nghiên cứu mới đây được đăng trên tạp chí Surgical Technology International đã định lượng vấn đề này: Khi đầu cúi về phía trước một góc 15 độ so với vị trí bình thường, thì các lực đè nặng lên cột sống cổ và chống đỡ hệ thống cơ (musculature) tăng lên 27 lbs (12,2 kg). Khi góc độ này gia tăng, thì các lực tăng lên 40 lbs (18 kg) ở góc 30 độ, 49 lbs (22 kg) ở góc 45 độ, và 60 lbs (27 kg) ở góc 60 độ.
“Khi bạn nghiêng đầu ra phía trước, bạn đang tạo gánh nặng cho mặt trước của các đĩa đệm”, theo lời bác sĩ Kenneth Hansraj, tác giả nghiên cứu và là trưởng khoa phẫu thuật cột sống tại trung tâm New York Spine Surgery & Rehabilitation Medicine. Mặc dù nghiên cứu này không tìm hiểu các hiệu ứng lâu dài của tư thế này, nhưng bác sĩ Hansraj nói rằng, sau khi quan sát khoảng 30 000 bệnh nhân giải phẫu cột sống, ông đã chứng kiến “cách thức cổ bị đổ sập xuống”.
Ông giải thích, “Khi bạn đặt gánh nặng lệch tâm lên cột sống, thì bạn sẽ bị gãy (nứt) các đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng chít hẹp (stenosis) hoặc tắc nghẽn cột sống”.
Ngoài ra, bác sĩ Fishman nói, tư thế cổ nhắn tin có thể dẫn đến tình trạng các dây thần kinh bị chèn ép (pinched nerve), viêm khớp, gai xương (bone spur) và biến dạng cơ (muscular deformation). “Đầu và xương bả vai đóng vai trò như một cái ván bấp bênh (seesaw). Khi đầu cúi ra phía trước, thì các xương bã vai sẽ bè ra…và các cơ từ từ thay đổi theo thời gian”.
Giống như tình trạng viêm mỏm cầu lồi bên (lateral epicondylitis còn gọi là elbow tennis) không chỉ xảy ra ở những người chơi quần vợt (tennis), tình trạng cổ nhắn tin không chỉ xảy ra độc quyền ở những người nhắn tin điện thoại quá nhiều. Bác sĩ hansraj nói rằng những người trong các ngành nghề có nguy cơ cao bao gồm bác sĩ nha khoa (dentist), kiến trúc sư (architect), và các thợ hàn (welder) mà các thợ hàn này phải đeo các nón bảo hộ khá nặng cho nên làm cho họ dễ bị ảnh hưởng. Ông nói thêm rằng nhiều hoạt động hằng ngày cần phải cúi đầu xuống, nhưng các hoạt động này khác với việc sử dụng các thiết bị di động về mức độ và khuynh hướng thích sử dụng.
“Rửa chén dĩa là một hoạt động không mấy ai thích, do đó bạn có khuynh hướng làm cho nhanh. Và khi bạn cúi đầu về phía trước, thì có thể nó tạo ra một góc 30 hoặc 40 độ so với tư thế bình thường”, ông nói. Mọi người có khuynh hướng thay đổi tư thế thường xuyên trong lúc đọc sách, và họ ngước nhìn lên thường xuyên trong lúc đang ẳm bồng trẻ sơ sinh. Nhưng các thiết bị di động thường được giữ trong tư thế đầu cúi xuống ở một góc 60 độ hoặc lớn hơn, và nhiều người, đặc biệt là các trẻ vị thành niên, lại sử dụng các thiết bị này quá nhiều. Nghiên cứu này báo cáo rằng nhiều người dành ra trung bình từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày trong tư thế đầu cúi xuống một góc 90 độ khi sử dụng các điện thoại thông minh (smart phone), tính tổng cộng khoảng từ 700 đến 1400 giờ mỗi năm.
Để điều chỉnh vấn đề này, Hansraj đưa ra một thông điệp rất đơn giản: “Luôn giữ đầu ở vị trí bình thường”. Khi nhắn tin hoặc khi đọc tin, mọi người nên nâng các thiết bị di động lên ngang với tầm mắt.
Bác sĩ Fishman cũng đề xuất rằng mọi người nên thường xuyên tạm dừng sử dụng thiết bị di động, cũng như thực hiện các bài tập thể dục giúp gia tăng sức mạnh cho các cơ sau cổ và giữa các xương bả vai để tăng cường sức chịu đựng trong khi giữ các thiết bị này ở vị trí thích hợp.
Ông nói thêm, “Tôi là một người ghiền sử dụng công nghệ hiện đại – và tôi luôn sử dụng các thiết bị này trong tư thế chuẩn”.
Các bài tập thể dục giúp giảm nhẹ gánh nặng của tình trạng “cổ nhắn tin”
Nếu bạn không để ý đến tư thế chuẩn của cơ thể, thì việc sử dụng các thiết bị di động trong một thời gian dài có thể gây tổn thương đến cột sống của bạn. Hành vi này có thể dẫn đến tình trạng kéo căng cơ, kéo thẳng độ cong bình thường của cột sống cổ, đè nén đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, chèn ép các dây thần kinh và viêm khớp. Sau đây là một số bài tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa và giảm nhẹ tình trạng “cổ nhắn tin”:
Kéo giãn cổ (Neck stretches). Sự gia tăng phạm vi hoạt động ở cổ giúp giữ cho cột sống cổ được linh hoạt và giúp duy trì độ cong bình thường của nó. Các bài tập kéo giãn nhẹ giúp giảm bớt sự kéo căng ở cổ cũng như giúp kéo dài các cơ ra vì các cơ này có thể bị co rút lại do duy trì tư thế không chuẩn trong một thời gian dài.
Đầu tiên, thả lỏng hai vai và gật đầu “có” và “không” thật chậm vài lần. Sau đó, đưa một cánh tay ra sau lưng, còn tay kia đặt lên đầu, rồi ấn nhẹ sang một bên cho đến khi bạn cảm thấy được kéo giãn đủ. Giữ tư thế này khoảng 20 giây. Tiếp theo, nâng cằm lên và giữ tư thế này khoảng 20 giây; đưa cằm xuống và giữ tư thế này khoảng 20 giây. Lặp lại động tác này với phía bên kia.
Mở ngực (Chest opener). Mở rộng các cơ ngực giúp giảm tác động của tư thế cúi xuống quá lâu.
Đứng ở ô cửa, đưa hai cánh tay lên tạo thành hình chữ T, hai cẳng tay (forearm) bám lên khung cửa hai bên, tạo nên một góc 90 độ với bắp tay. Tiếp theo, nghiêng người ra phía trước qua ô cửa, với xương ức (sternum) hướng ra trước cho đến khi bạn cảm thấy một sự kéo giãn nhẹ ở ngực. Giữ tư thế này trong 20 giây. Bây giờ, hãy di chuyển hai cánh tay lên khung cửa để tạo thành hình chữ V và lặp lại động tác kéo giãn ra phía trước, giữ tư thế này trong 20 giây.
Gia tăng sức cơ ở cổ, lưng trên, và vai. Cơ sau cổ và giữa các xương bả vai khỏe sẽ giúp duy trì tư thế chuẩn, ngăn chặn tình trạng kéo căng cơ và thoái hóa cột sống. Càng gia tăng sức cơ, bạn sẽ càng có thể cảm thấy thoải mái khi giữ thiết bị di động ở vị trí ngang với tầm mắt mà không cần phải cúi đầu và khom người xuống. Sau đây là hai bài tập thể dục giúp tăng cường sức cơ duy trì tư thế chuẩn:
Thiên thần treo tường (Wall angels). Nếu bạn đã từng làm các thiên thần tuyết, thì bạn có thể sử dụng động tác tương tự để gia tăng sức cơ ở vai trong khi đứng dựa vào tường. Đầu tiên, đứng trên hai gót, lưng và đầu dựa vào tường. Nâng hai cánh tay lên để tạo góc vuông với cơ thể, với hai cẳng tay hướng lên trên tạo thành một góc 90 độ với bắp tay. Đẩy xương vai ra phía sau và xuống dưới. Gấp hai cánh tay ở một góc 90 độ, di chuyển chậm hai cánh tay qua đầu mà không để chúng nhấc khỏi tường. Tiếp theo, từ từ di chuyển 2 cánh tay xuống cho đến khi 2 bắp tay chạm vào hai bên cơ thể. (Hai cẳng tay vẫn vuông góc với phần bắp tay, và các xương bả vai vẫn ở vị trí đẩy ra sau và xuống dưới). Lặp lại 12 lần.
Nhảy máy bay (sky diver). Nằm úp mặt trên một tấm đệm (mat) hoặc trên một bề mặt cứng và có cảm giác thoải mái, đưa thẳng hai tay qua đầu để tạo thành hình chữ Y. Cong phần lưng trên lên, giữ cho cằm hướng xuống để cổ của bạn thẳng hàng với cột sống. Giữ tư thế này trong 30 giây. Tiếp theo, vẫn nằm úp mặt, đưa tay ra hai bên để tạo thành hình chữ T. Xoay cánh tay để hai ngón cái chỉ lên trời. Một lần nữa, cong phần lưng trên lên, giữ cho cằm hướng xuống. Trong lúc đang cong phần lưng trên, nhún vai lại khi bạn từ từ nâng và hạ hai cánh tay 12 lần. (Trở về đầu trang)
CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU KHÁM PHÁ RA PHƯƠNG PHÁP TÁI MỌC TÓC
Thất vọng vì rụng tóc? Nghiên cứu mới cho thấy một giải pháp khác thường và có chút đau đớn cho tình trạng hói đầu: nhổ hết tóc còn lại trên đầu.
Trong một bài viết được đăng trên tạp chí Tế Bào (Cell) vào hôm thứ Năm, các nhà nghiên cứu nói rằng họ đã kích thích quá trình tái tạo lông ở chuột bằng cách nhỏ lông theo một mẫu hình chính xác và tập trung.
Không chỉ lông được nhổ đã mọc lại, mà các lông mới ở khu vực lân cận cũng nhú lên, các nhà nghiên cứu nói.
“Cuộc nghiên cứu này dẫn đến những mục tiêu mới đầy tiềm năng cho việc điều trị tình trạng rụng tóc (alopecia), theo lời của tác giả nghiên cứu Cheng-Ming Chuong, một nhà nghiên cứu tế bào gốc tại trường Đại Học Nam California (University of Southern California).
Tuy nhiên, hãy khoan nhổ tóc của bạn. Các nhà nghiên cứu nói rằng quá trình mọc tóc xảy ra chỉ khi nào nhiều tóc được nhổ ở một khu vực có đường kính nhỏ hơn đầu cục tẩy (gôm) ở cây viết chì.
“Bằng cách thay đổi khoảng không, sự sắp xếp, và hình dáng của các khu vực được nhổ tóc, chúng tôi bất ngờ phát hiện ra rằng nhổ 200 cọng tóc, với sự phân phối hợp lý có thể tái tạo 1200 cọng tóc”, tác giả viết.
Giáo sư Chương và các đồng nghiệp nói rằng quá trình mọc tóc bất ngờ này có lẽ là kết quả của “cảm giác nhóm – quorum sensing”, đây là quá trình nhờ đó các tế bào trao đổi tín hiệu hóa học với nhau, báo động tình trạng tổn thương và yêu cầu trợ giúp”.
Hiện tượng nhổ tóc “có thể chỉ là một trong số những ví dụ tiết lộ các hành vi tế bào tập trung trong khi đáp ứng lại các kích thích sinh lý hoặc bệnh lý”, các tác giả viết. “Chúng tôi tin rằng nguyên lý hành vi cảm giác nhóm có khả năng hiện diện trong quá trình tái tạo mô và các cơ quan khác”.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng cách phân tích di truyền và phân tử để xác định xem điều gì xảy ra khi lông chuột được nhổ đi.
Đầu tiên, các nang lông (follicle) phóng thích các protein gây viêm, còn gọi là cytokine, protein này báo hiệu cho hệ miễn dịch biết có một vết thương, các nhà nghiên cứu nói.
Hệ miễn dịch đáp ứng lại bằng cách gửi các đại thực bào (macrophage) đến khu vực xảy ra vấn đề. Các đại thực bào là các bạch cầu (white blood cell) có tác dụng nuốt vào và tiêu diệt các sinh vật gây bệnh (pathogen), nhưng chúng cũng phóng thích các protein cytokine, các protein này có thể kích thích tạo ra hàng loạt các đáp ứng ở các tế bào, chẳng hạn như làm cho các tế bào sinh sôi nẩy nở (proliferate).
Trong trường hợp này, các đại thực bào sẽ tiết ra các phân tử truyền tín hiệu có tên là TNFA (tumor necrosis factor alpha), mà ở mức độ nào đó, các phân tử này sẽ kích thích các nang lông (tóc), đã bị nhổ hoặc chưa bị nhổ, mọc lông (tóc).
Một đáp ứng tái tạo mạnh mẽ xem ra phụ thuộc vào mật độ của các phản ứng truyền tín hiệu này, các nhà nghiên cứu nói.
Ví dụ, khi các nhà nghiên cứu nhổ lông chuột theo mẫu hình trải rộng (không tập trung), ở một khu vực với đường kính lớn hơn 6 mm, thì xuất hiện hiện tượng tái tạo lông.
Nhưng khi một chùm lông dày đặc được nhổ trong một khu vực có đường kính từ 3 đến 5 mm, thì những cọng lông bị nhổ đã mọc lại đồng thời các lông mới ở lân cận cũng nhú lên.
“Hệ thống cảm giác nhóm chúng tôi mô tả ở đây cung cấp một phương cách cho các nang lông (tóc) bị tổn thương đánh giá một cách tập trung độ lớn và mức độ thương tổn mà da đã chịu đựng và đưa ra một quyết định (có hoặc không) liệu có nên tái tạo hay không tái tạo. (Trở về đầu trang)
HÚT THUỐC LÁ THỰC SỰ LÀM TEO NÃO
Chắc hẳn bạn đã từng bị một cơn vọp bẻ não (brain fart) vào ngày đầu tiên bạn quyết định hút thuốc lá. Hiện nay, nghiên cứu mới cho thấy rằng tiếp tục hút thuốc lá có thể sẽ làm teo não của bạn – hút thuốc lá thực sự làm cho các mô quan trọng ở não bị mỏng dần, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Tâm Thần Học Phân Tử (Molecular Psychiatry).
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng những người hút thuốc lá có vỏ não mỏng hơn – vỏ não là bộ phận quan trọng cho chức năng nhận thức – so với những người tránh được thói quen không tốt này. Ngoài ra, cứ mỗi năm hút thuốc lá, thì mức độ bào mỏng ở vùng não đó càng gia tăng.
Vỏ não là yếu tố rất quan trọng cho những vấn đề cần đến suy nghĩ chẳng hạn như những sự tính toán trong đầu. Nó cũng liên quan đến những chức năng quan trọng như tập trung chú ý, và lý luận khoảng không (spatial reasoning: khả năng sử dụng vị trí và định hướng bản thân trong các môi trường hằng ngày), theo lời của tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Sherif Karama của trường Đại Học McGill (McGill University).
Do đó, có vỏ não mỏng không phải là điềm báo tốt cho não của bạn – nó làm suy giảm khả năng nhận thức. Thật vậy, những người bị bệnh Alzheimer cũng gặp phải tình trạng bào mỏng vỏ não, cùng với những vấn đề nhận thức khác.
“Nếu vỏ não bị vỡ, thì não cũng bị vỡ”, tiến sĩ Karama nói.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng vỏ não không thể thỉnh thoảng tự sửa chữa, ông nói thêm. Trong nghiên cứu này, vỏ não của những người trước đây đã từng hút thuốc lá đã gia tăng độ dày mỗi năm sau khi họ ngưng hút thuốc lá. Vỏ não có lại độ dày bình thường sau khoảng 25 năm bỏ hút thuốc lá.
Người ta vẫn chưa rõ liệu nicotine hoặc các chất hóa học khác được tìm thấy trong thuốc lá có phải là những chất xúc tác trực tiếp gây bào mỏng não không. Nó có thể liên quan đến tổn thương phổi do hút thuốc lá gây ra – nó ngăn cản khả năng hấp thụ oxy của chúng ta, và sự thiếu vắng yếu tố quan trọng này có nhiều khả năng làm tổn thương võ não, tiến sĩ Karama nói.
Lời khuyên chỉ đơn giản là: Hãy dập tắt những điếu thuốc lá gây ung thư một cách dứt khoát, và có nhiều khả năng bạn sẽ cảm thấy được sự trở lại của vỏ não.
Tuy nhiên, chưa có một phương pháp đơn giản nào làm tăng độ minh mẫn cho những người không hút thuốc lá mong muốn được tăng cường đôi chút. Nhưng tiến hành một chế độ ăn uống lành mạnh, kích thích chức năng nhận thức, và liên tục vận động thể chất có thể giúp ích cho sức khỏe não toàn diện, tiến sĩ Karama nói. (Trở về đầu trang)
VÌ SAO MỘT SỐ NGƯỜI LUÔN CẢM THẤY NÓNG MÀ NHỮNG NGƯỜI KHÁC LẠI CẢM THẤY LẠNH
Bạn điều chỉnh nhiệt độ phòng khoảng 67 độ F (19,4 độ C) trước khi lên giường. Điều tiếp theo bạn nhận thấy, đó là, bạn thức giấc với âm thanh nghiến răng của bạn bởi vì người bạn chung phòng biến phòng chung cư của bạn trở thành phiên bản Nam Cực của cô ấy.
Sự tranh cãi về nhiệt độ là một vấn đề gây cãi vả và quen thuộc trong gia đình cũng như ở văn phòng khắp mọi nơi – nhưng tại sao? Thân nhiệt cao của bạn trai của bạn có phải là dấu hiệu của hiện tượng gì khác chăng? Và điều gì có thể giải thích lý do tại sao bạn chung sở (cùng cơ quan làm việc) của bạn thường xuyên bị lạnh cóng?
Trước tiên, theo khoa học: Cấu trúc dưới đồi (hypothalamus) là một bộ phận của não có chức năng sản sinh hooc môn điều tiết thân nhiệt. Và mặc dù các thụ thể ở cấu trúc dưới đồi giúp bạn duy trì thân nhiệt là 98.6 độ F (37 độ C), nhưng chính các thụ thể ở da (thường gần thân) giúp bạn cảm nhận được nhiệt độ phòng. Chỉ cần nhiệt độ thay đổi 2 độ thì da của bạn cũng có thể phát hiện ra và bạn sẽ cảm thấy có sự khác biệt.
Các yếu tố khác cũng có thể đóng một vai trò. Sau đây là một số lý do phổ biến (bên cạnh lý do rõ ràng là hàm lượng chất béo trong cơ thể) có thể giúp giải thích nguyên nhân tại sao bạn đang cảm thấy nóng như lửa đốt mà những người khác lại cảm thấy lạnh cóng, hoặc ngược lại.
Mức Độ Stress
Mặc dù cấu trúc dưới đồi đáng lý ra có thể giúp điều tiết thân nhiệt của bạn, nhưng stress có thể làm cho nó bị mất cân bằng, theo lời của tiến sĩ Michael Lynch, một bác sĩ chuyên khoa tâm lý thần kinh lâm sàng (clinical neuropsychologist) đồng thời là trưởng khoa tâm lý tại trường Đại Học Argosy (Argosy University) ở Washington, D.C.
Do đó, nếu bạn là một trong số những người thường xuyên cảm thấy nóng trong một văn phòng có đầy người đang chùm mềm (chăn), thì cuộc tranh cãi của bạn với mẹ bạn sáng nay có thể là nguyên nhân. “Nếu bạn bị stress, thì hệ thần kinh tự động (autonomic nervous system) bắt đầu hoạt động, làm cho máu di chuyển đến các bộ phận quan trọng của cơ thể”, và làm cho thân nhiệt của bạn tăng lên, tiến sĩ Lynch nói. “Đây là đáp ứng chiến hoặc chạy (fight or flight response) của cơ thể bạn”. Tuy nhiên, bạn có thể lưu ý rằng hai bàn tay của bạn bị lạnh cóng là bởi vì máu đang di chuyển khỏi các chi.
Giới Tính
Có bao giờ tự hỏi tại sao bạn trai của bạn lúc nào cũng ấm hơn bạn? Một bài viết được đăng trên Tạp Chí Quốc Tế về Môi Trường Trong Nhà và Sức Khỏe(International Journal of Indoor Environment and Health) đã tìm thấy rằng mặc dù không có sự khác biệt nổi bật nào về thân nhiệt giữa hai phái, nhưng phụ nữ có nhiều khả năng cảm thấy nhạy cảm với nhiệt độ của môi trường xung quanh hơn. Một lý do đó là, phụ nữ, mặc dù thường có vóc dáng nhỏ bé hơn nam giới, có diện tích tiếp xúc với môi trường lớn hơn, theo lời Heather Milton, chuyên gia sinh lý học thể thao (exercise physiologist) tại trung tâm Langone Sports Performance Center thuộc trường Đại Học New York (New York University – NYU).
Ngoài ra, nghiên cứu trước đây, được thực hiện bởi trường Đại Học Utah (University of Utah) vào năm 1998, đã tìm thấy rằng mặc dù phụ nữ có thân nhiệt chỉ ấm hơn đôi chút, nhưng bàn tay của họ lại lạnh hơn (khoảng 3 độ) bàn tay của nam giới.
Suy Nghĩ Của Bạn Làm Cho Bạn Cảm Thấy Nóng Hơn Hoặc Lạnh Hơn
Mặc dù các yếu tố được nêu trên có thể góp phần tạo ra cảm giác nóng hoặc lạnh, nhưng thỉnh thoảng tất cả đều xảy ra trong đầu của bạn. Nếu bạn than phiền bị lạnh, và phát hiện rằng nhiệt độ phòng thực sự là 70 độ F (21 độ C), thì bạn có thể sẽ ngưng than phiền, theo lời tiến sĩ Lynch. “Đó chính là yếu tố tâm lý của vấn đề này”, ông nói. “Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy một nơi làm việc nào mà mọi người đều có cùng mức độ cảm xúc, do đó bạn sẽ không bao giờ tìm được một nơi làm việc nào mà ở đó mọi người đều đồng ý với một mức nhiệt độ phòng giống nhau”. (Trở về đầu trang)
Các Ý Chính:
- Các nhà khoa học đã tạo ra một hợp chất có thể bảo vệ chống lại một phạm vi rộng hơn các chủng HIV so với các phương pháp tiếp cận trước đây.
- Phân tử mới này có thể đưa đến một phương pháp ngăn ngừa và điều trị HIV lâu dài.
HIV được chứng minh có tính đề kháng mạnh đối với các vắcxin tiềm năng. Đa số các vắcxin hoạt động bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch sản sinh các kháng thể có chức năng chống lại các tình trạng nhiễm trùng. Nhưng các protein trên bề mặt của virut HIV đột biến một cách nhanh chóng và thay đổi hình thể liên tục. Những sự biến dạng nhanh này làm cho đa số các kháng thể không thể kết bám vào và trung hòa virut này.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các kháng thể mà chúng có thể trung hòa nhiều chủng HIV. Các kháng thể có tính năng trung hòa rộng lớn này kết bám vào các khu vực không thay đổi của protein vỏ HIV Env. Nhưng các chiến lược tạo vắcxin khiến cơ thể sản sinh các kháng thể chống lại các khu vực này đã không mấy thành công.
Hình minh họa bề mặt virut HIV cho thấy vị trí protein vỏ HIV (màu xanh dương) kết bám vào các khu vực của CD4 (màu đỏ) và CCR5 (màu xanh dương) để xâm nhập vào các tế bào. Các nhà nghiên cứu thiết kế hợp chất của họ giống với sự liên kết này.
Một nhóm các nhà nghiên cứu do tiến sĩ Michael Farzan dẫn đầu tại Viện Nghiên Cứu Scripps (Scripps Research Institute) đã tiến hành một phương pháp tiếp cận mới nhằm cố gắng bảo vệ chống lại nhiều chủng loại virut HIV. Tất cả các chủng HIV lây nhiễm các tế bào bằng cách kết bám vào protein CD4 ở bề mặt của các tế bào mục tiêu. Virut này cũng phải liên kết với một protein tế bào khác, được gọi là đồng thụ thể (coreceptor), để có thể xâm nhập. Đa số các chủng HIV sử dụng protein CCR5 như một đồng thụ thể. Sau khi virut HIV kết bám vào CD4, nó sẽ thay đổi hình dạng để phơi bày phần virut có chức năng liên kết với CCR5.
Được trang bị với nguồn kiến thức này, các nhà nghiên cứu đã quyết định tạo ra một loại vi khuẩn dung hợp, với một dạng CD4 ở một đầu và một mảnh CCR5 thiết yếu ở một đầu. Protein dung hợp này, có tên là eCD4-Ig, có tiềm năng chặn các điểm liên kết của virut. Nghiên cứu này được Viện Dị Ứng và Các Bệnh Nhiễm Trùng Quốc Gia (National Institute of Allergyand Infectious Diseases - NIAID) và Viện Ung Thư Quốc Gia (National Cancer Institute – NCI) Hoa Kỳ tài trợ. Các kết quả đã được đăng trên tạp chí mạng Nature vào ngày 18 tháng 2 năm 2015.
Trong các thử nghiệm tại phòng thí nghiệm, eCD4-Ig đã ngăn chặn nhiều chủng HIV với tính hiệu quả cao hơn so với bất kỳ loại kháng thể có tính năng trung hòa nào đã được biết đến. Khi các nhà nghiên cứu kiểm tra hợp chất này ở một mẫu chuột về nhiễm HIV, thì các chú chuột này đã được bảo vệ không bị nhiễm HIV.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu kiểm tra xem trị liệu eCD4-Ig có thể bảo vệ khỉ mặt đỏ rhesus macaques khỏi một loại virut giống HIV có tên là SHIV không, loại virut này lây nhiễm cho các giống khỉ. Nhóm nghiên cứu đưa một gen viết mã cho protein eCD4-Ig vào một loại virut hoặc một tác nhân không gây hại. Khi được tiêm vào 4 chú khỉ, tác nhân này lây nhiễm cho các tế bào trong cơ thể khỉ và làm cho chúng sản sinh eCD4-Ig.
Sau đó, các chú khỉ được tiêm tác nhân vào cơ thể đã được cho tiếp xúc với virut SHIV. Tất cả những động vật này vẫn khỏe mạnh sau 6 tuần tiêm liều SHIV cuối cùng. Ngược lại, tất cả 4 chú khỉ không được tiêm tác nhân vào cơ thể đã bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với SHIV.
“Cho đến nay, hợp chất này của chúng tôi là một chất ức chế sự xâm nhập của virut HIV hiệu quả nhất và có phạm vi lớn nhất”, tiến sĩ farzan nói. “Không giống như các kháng thể, vì các kháng thể không trung hòa được một số lượng lớn các chủng HIV-1, protein của chúng tôi đã được chứng minh rất hiệu quả trong việc chống lại tất cả chủng HIV, làm tăng khả năng rằng nó có thể trở thành một phần của một chọn lựa thay thế vắcxin HIV”.
Với sự phát triển thêm, hợp chất này có khả năng được sử dụng như một loại thuốc ngăn ngừa và một phương pháp điều trị tiềm năng. Những đề tài về kỹ thuật và tính an toàn sẽ được đề cập đến trước khi loại protein này được cho thử nghiệm ở người. (Trở về đầu trang)
TRẺ VỊ THÀNH NIÊN NGÀY NAY THƯỜNG XUYÊN THAY ĐỔI CHẤT XÁM
Mặc dù tất cả chúng ta có thể dành thời gian cho người khác ở các mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung con người là những thực thể mang tính xã hội rất cao. Các nhà khoa học đã tìm thấy điều này được thể hiện trong sức khỏe và chất lượng cuộc sống của chúng ta – với sự cách ly với xã hội được xem có liên quan đến chứng trầm cảm, sức khỏe suy kiệt, và tuổi thọ ngắn hơn. Nhìn sâu hơn vào vấn đề, họ tìm thấy chứng cứ về bản chất xã hội của chúng ta xuất hiện trong cấu trúc não của chúng ta.
Suy nghĩ về những tương tác hằng ngày với bạn bè hoặc anh chị em trong gia đình có lẽ sẽ cho bạn những ví dụ về những lúc cần thiết để giải thích hoặc tiên đoán những cảm xúc và hành vi của người khác. Não của chúng ta đồng ý điều này. Theo thời gian, những bộ phận của não phát triển chuyên biệt cho những nhiệm vụ đó, nhưng rõ ràng không phải tất cả các tương tác xã hội đều được tạo ra một cách giống nhau. Khi các nhà khoa học nghiên cứu não của những người đang cố gắng tiên đoán những ý nghĩ và cảm xúc của người khác, thì họ thực sự có thể nhìn thấy một sự khác biệt trong hoạt động não tùy thuộc vào cá nhân đó đang cố gắng tìm hiểu một người bạn hay một người lạ. Thậm chí khi bạn đối xử với những người mà bạn biết rõ thì lưu lượng máu tuần hoàn trong não cũng khác hẳn với khi bạn đối xử với những người xa lạ.
Những tương tác xã hội này cũng mở rộng phạm vi vào một khu vực quan trọng khác của não: hạt nhân cận vách (nucleus accumbens). Cấu trúc này là chìa khóa trong hệ thống thưởng (reward system) của não, với hoạt động gắn liền với những thứ làm cho bạn cảm thấy thỏa mãn. Hiếu kỳ muốn biết xem vấn đề này có thể liên quan trực tiếp đến hành vi không, một nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu một phần hành vi gần đây nhất của chúng ta như một sinh vật có tính xã hội: sử dụng Facebook.
Các nhà nghiên cứu yêu cầu một nhóm tình nguyện viên thu lại những clip video ngắn về họ. Những tình nguyện viên này tin rằng những clip video của họ sẽ được các bình phẩm viên giấu tên xem qua và sẽ chọn 10 – 15 tính từ để mô tả cảm nhận của họ về tình nguyện viên. Ngày hôm sau, các tình nguyện viên được đưa vào máy chụp MRI, và cấu trúc hạt nhân cận vách được theo dõi trong lúc họ được nghe hai nhóm tính từ: những tính từ được các bình phẩm viên (reviewer) chọn để mô tả tình nguyện viên (participant) này và những tính từ được chọn để mô tả một trong số những tình nguyện viên khác.
Trên thực tế, những tính từ này đã được các nhà nghiên cứu chọn trước, nhằm cho phép họ đo hoạt động ở cấu trúc hạt nhân cận vách khi tình nguyện viên nghe rằng các bình phẩm viên đánh giá cao về họ và so sánh nó với hoạt động trong lúc họ nghe rằng các bình phẩm viên đánh giá cao về tình nguyện viên khác.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng những tình nguyện viên thích ý kiến phản hồi (feedback) của bản thân hơn ý kiến phản hồi của những người khác sẽ có nhiều khả năng sử dụng Facebook thường xuyên hơn. Lưu ý rằng Facebook cho phép ý kiến phản hồi cá nhân dưới hình thức like và comment, cũng như khả năng theo dõi sự thành công và sự chấp nhận của những người khác, mối tương quan này xem ra có vẻ hợp lý.
Các khác biệt trong những phần này của não có thể giải thích cho sự đa dạng giữa các cá nhân, nhưng còn về những khác biệt mà dường như được xác định bởi tuổi tác thì thế nào?
Nhiều khu vực não sẽ tăng trưởng và phát triển khi bạn trưởng thành, và những khu vực não chịu trách nhiệm về những cảm xúc xã hội cũng tương tự. Trong độ tuổi từ 4 đến 5, bạn bắt đầu phát triển khả năng hiểu được rằng những người ở xung quanh bạn có thể có những suy nghĩ hoặc cảm xúc hoàn toàn khác với bạn. Có thêm những thay đổi quan trọng xảy ra trong suốt khoảng thời gian mà xã hội xem ra thường bị tách biệt như một ngọn tháp vươn lên để tỏ ra khác biệt: tuổi vị thành niên (adolescence).
Tuổi vị thành niên – độ tuổi kéo dài từ tuổi dậy thì(puberty) đến thời kỳ thể hiện sự ổn định độc lập – thường được hình dung như một thời điểm rất lãng mạn với một điểm nhấn mới vào tính quan trọng của những quan hệ bạn bè và những kiến thức tiếp thu từ xã hội. Các nhà nghiên cứu thậm chí đã tìm ra trong khoảng thời gian này nhiều trẻ vị thành niên coi trọng sự tiếp thu từ bạn bè hơn cả sự tiếp thu từ gia đình.
Thế hệ trẻ vị thành niên hiện nay phải đối mặt với sự bổ sung của các mạng xã hội và các thiết bị kỹ thuật số vào cuộc sống của chúng, những sự bổ sung này xem ra đã đẩy nhiều khác biệt về hành vi do tuổi tác vào một vũ đài mới. Thậm chí còn có những khác biệt nổi bật trong cách thế hệ trẻ vị thành niên hiện nay tiêu thụ các phương tiện truyền thông. Trong khi những người thành niên xem truyền hình trung bình khoảng 47 giờ mỗi tuần, thì những trẻ vị thành niên thời nay chỉ xem truyền hình khoảng 19 giờ. Thay vào đó, các trẻ vị thành niên dành một lượng lớn thời gian xem video trên mạng – chẳng hạn như Youtube, Vine, và vlogs.
Trong chương trình truyền hình truyền thống hoặc trong các bộ phim thì các ngôi sao và kịch bản thường là những người bí ẩn và những ý tưởng mà thế giới bên ngoài không thể chạm đến. Ngược lại, những ngôi sao của Youtube và Vine, những vlogger trẻ thường dẫn những cuộc trao đổi Câu Hỏi và Trả Lời (Question & Answer) với những người hâm mộ (fan); đưa các ý kiến phản hồi vào nội dung trong tương lai, và thể hiện lòng biết ơn không chỉ đến những fan của họ, mà còn đến cả “6 triệu bạn của họ”.
Di chuyển lên một vài năm đến những người thành niên trẻ tuổi, và đã có một sự thay đổi, nhóm này xem truyền hình gấp 5 lần xem video trên mạng. Ít nhất phần nào của sự khác biệt đó có thể là do những thay đổi xảy ra ở não trong giai đoạn này.
Một trong những khu vực trải qua những sự thay đổi cấu trúc quan trọng trong giai đoạn này – với những bổ sung về chất xám và những thay đổi về hình thể - là vùng não xử lý “những cảm xúc về xã hội”. Những cảm xúc xã hội là những cảm xúc đòi hỏi xem xét những gì mà những người khác có thể đang suy nghĩ – như cảm giác tội lỗi hoặc sự lúng túng – thay vì trải nghiệm cảm xúc của riêng bạn – chẳng hạn như sợ hãi. Khi các nhà nghiên cứu yêu cầu những trẻ vị thành niên và những người thành niên giải thích một số cảm xúc, cả hai nhóm cảm nhận và mô tả những cảm xúc này một cách tương tự. Nhưng những hoạt động xảy ra trong não, và các thông tin được xử lý, hoàn toàn khác nhau ở hai nhóm.
Một nhóm các nhà nghiên cứu khác muốn tìm hiểu những sự khác biệt về quá trình xử lý của não mà sau đó có thể chuyển thành những cảm xúc hoặc hành vi. Họ đã chuẩn bị một trò chơi (game) trong đó những tình nguyện viên chơi ném bắt với hai nhân vật khác trên màn hình. Vào một thời điểm nào đó trong lúc chơi game, hai nhân vật kia bắt đầu chỉ ném cho nhau, loại tình nguyện viên ra khỏi trò chơi. Các trẻ vị thành niên thể hiện sự lo lắng và những cảm xúc tiêu cực về hành động bị loại ra nhiều hơn so với những tình nguyện viên lớn tuổi hơn.
Bởi vì một số khu vực não vẫn tiếp tục phát triển trong thời kỳ vị thành niên, bao gồm những khu vực liên quan đến những cảm xúc xã hội, do đó các nhà nghiên cứu muốn biết xem điều này có thể dẫn đến những đặc điểm quan trọng được quy cho những dấu hiệu đó – sự chấp nhận và không chấp nhận của bạn bè – trong tương lai. Các nhà nghiên cứu nêu bật vai trò mà nó có thể góp phần vào những quá trình đưa ra quyết định. Ví dụ như, hai người có thể cùng nhìn thấy những rủi ro và thuận lợi trong một quyết định – chẳng hạn như hút thuốc lá. Bằng cách thay đổi giá trị của một trong những yếu tố này, chẳng hạn như tác động xã hội (social outcome), một người có thể thay đổi quyết định theo hướng này hoặc hướng khác. Nếu áp lực từ bạn bè (peer pressure) phát triển sớm, nó có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến quyết định của trẻ vị thành niên, và ý kiến của bạn bè có thể có tác động lớn hơn lên hành vi của trẻ vị thành niên.
Khi chúng ta càng biết nhiều hơn về cách thức não xử lý những thông tin và những cảm xúc xã hội, thì chúng ta càng có thể hiểu rõ hơn về những sự khác biệt giữa các cá nhân và giữa các nhóm tuổi. Nhưng khi khoa học kỹ thuật tiếp tục phát triển, cung cấp nhiều lĩnh vực xã hội mới cũng như các nguồn ý kiến phản hồi và so sánh, thì chúng ta càng phải đối diện với những cách thể hiện mới của những khác biệt về hành vi này. Với 6 tỷ giờ dành cho Youtube mỗi tháng, không chỉ các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu các hành vi này, mà còn có các nhà quảng cáo và các hãng truyền thông. Chắc chắn sẽ rất thú vị để nhìn thấy cách thức mọi thứ thay đổi khi thế hệ trẻ vị thành niên hiện nay trưởng thành. (Trở về đầu trang)
Hầu như mọi gia đình ở Hoa Kỳ đều sở hữu một lò vi sóng(microwave oven). Các lò vi sóng mang lại sự thuận tiện không thể nào chối cãi được. Nhưng mặc dù việc sử dụng rộng rãi các lò vi sóng và kỷ lục an toàn tuyệt hảo của chúng, nhưng một số người vẫn còn nghi ngờ rằng nấu thức ăn bằng lò vi sóng phần nào làm cho thực phẩm trở nên ít có lợi cho sức khỏe hơn do làm mất đi các chất dinh dưỡng. Như vậy nấu bằng lò vi sóng có an toàn không?
Hiểu được cách thức hoạt động của các lò vi sóng có thể sẽ giúp làm rõ câu trả lời cho câu hỏi phổ biến này. Các lò vi sóng nấu thức ăn bằng cách sử dụng các sóng năng lượng(wave of energy) tương tự như các sóng vô tuyến (radio wave) nhưng có bước sóng ngắn hơn. Các sóng này đặc biệt chọn lọc, tác động chủ yếu đến các phân tử nước và các phân tử khác có tính không đối xứng về điện tích (electrically asymmetrical) – một đầu tích điện dương và một đầu tích điện âm. Các vi sóng (microwave) làm cho các phân tử này chuyển động và nhanh chóng hình thành năng lượng nhiệt (sức nóng).
Một số chất dinh dưỡng bị phân hủy khi tiếp xúc với nhiệt, cho dù nhiệt đến từ lò vi sóng hay các lò nướng bình thường khác. Vitamin C là một ví dụ điển hình nhất. Nhưng bởi vì thời gian nấu bằng lò vi sóng nhanh hơn, do đó nấu bằng lò vi sóng có khả năng bảo quản tốt hơn vitamin C và các chất dinh dưỡng khác, mà các chất này bị phân hủy khi được nung nóng.
Đối với các loại rau củ, việc nấu trong nước các loại thực phẩm này sẽ làm mất đi một số giá trị dinh dưỡng bởi vì các chất dinh dưỡng thấm vào nước được dùng để nấu. Ví dụ, bông cải xanh (broccoli) luộc sẽ bị mất đi glucosinolate, một hợp chất chứa lưu huỳnh, chất này mang đến cho loại bông cải này các đặc tính chống ung thư (cũng như mùi vị mà nhiều người cảm thấy rất đặc thù còn một số thì lại cảm thấy không ưa chuộng). Như vậy rau củ quả được hấp có tốt hơn không? Về một số phương diện nào đó, hấp rau củ quả rất tốt cho sức khỏe. Ví dụ, bông cải xanh hấp giữ lại số lượng glucosinolate nhiều hơn so với bông cải xanh luộc hoặc chiên (xào).
Phương pháp nấu ăn giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng nhất là phương pháp nấu nhanh, đun nóng thức ăn trong một thời gian ngắn nhất, và sử dụng càng ít chất lỏng càng tốt. Nấu bằng lò vi sóng đáp ứng các tiêu chuẩn này. Sử dụng lò vi sóng với số lượng nước nhỏ về cơ bản sẽ hấp thức ăn từ trong ra ngoài. Nhờ đó giúp giữ lại được nhiều loại vitamin và khoáng chất hơn so với bất kỳ phương pháp nấu ăn nào khác.
Rau củ, cho dù được nấu bằng phương pháp gì, đều rất tốt cho sức khỏe của bạn, mà đa số chúng ta không tiêu thụ đủ số lượng mỗi ngày. Còn lò vi sóng? Một thành tựu nổi bật về kỹ thuật, một phép lạ cho sự tiện lợi – đôi khi là một phương pháp nấu ăn có lợi về dinh dưỡng cần được phát huy. (Trở về đầu trang)
Nguồn(Sources):
0 comments:
Post a Comment