Hệ thống tiền đình (vestibular system) bao gồm những thành phần của tai trong (inner ear) và não, có chức năng giúp kiểm soát sự thăng bằng và các chuyển động của mắt. Nếu hệ thống này bị tổn thương do bệnh tật, lão hóa, hoặc thương tổn, thì các rối loạn tiền đình có thể xảy ra, và thường có liên quan đến một hoặc nhiều trong số các triệu chứng sau đây, bên cạnh các triệu chứng khác:
Chóng mặt và choáng váng
-Cảm giác quay cuồng; có ảo giác về chuyển động của bản thân hoặc thế giới xung quanh.
-Choáng váng muốn xỉu, cảm giác bay bổng hoặc đu đưa.
-Cảm giác bị đè nặng hoặc kéo về một hướng.
Sự thăng bằng và khả năng định hướng trong khoảng không
-Mất thăng bằng, vấp chân, khó đi thẳng hoặc quẹo (rẽ)
-Vụng về hoặc khó phối hợp các cử động
-Khó duy trì dáng đứng thẳng, có xu hướng nhìn xuống để xác định vị trí ở dưới đất
-Đầu có thể bị nghiên
-Có khuynh hướng chạm hoặc bám vào vật gì đó khi đứng, hoặc chạm hoặc giữ đầu cho thẳng khi ngồi xuống
-Nhạy cảm với những thay đổi ở các bề mặt đi bộ hoặc giày dép
-Đau cơ và khớp (do cố gắng giữ thăng bằng)
-Khó duy trì sự thăng bằng ở những đám đông hoặc ở những không gian mở rộng lớn
Thị Lực
-Khó tập trung hoặc theo dõi các vật thể bằng mắt; các vật thể hoặc các chữ in trên giấy dường như đang nhảy, nảy lên, lơ lửng, hoặc bị mờ nhạt, hoặc có thể xuất hiện gấp đôi.
-Cảm thấy không thoải mái ở các môi trường thị lực đông đúc, chẳng hạn như xe cộ giao thông, các đám đông, các cửa hàng, …
-Nhạy cảm với ánh sáng, ánh sáng chói, và các ánh sáng chuyển động hoặc lấp lánh; ánh sáng huỳnh quang có thể đặc biệt gây khó chịu.
-Mẫn cảm với một số loại màn hình máy điện toán và truyền hình kỹ thuật số (digital television)
-Có khuynh hướng tập trung vào các vật thể lân cận; tăng cảm giác khó chịu khi tập trung nhìn xa
-Tăng hiện tượng mù đêm (night blindness); gặp khó khăn khi đi bộ trong bóng đêm
-Khả năng cảm nhận 3 chiều về môi trường xung quanh (depth perception) bị giảm
Những thay đổi về thính lực
-Mất khả năng nghe (hearing loss); nghe không rõ hoặc không đều
-Ù tai
-Mẫn cảm với những âm thanh lớn hoặc các môi trường ồn ào
-Những âm thanh lớn đột ngột có thể làm tăng các triệu chứng chóng mặt, choáng váng, hoặc mất thăng bằng
Nhận Thức
-Khó tập trung và chú ý; dễ bị phân tâm
-Dễ quên và trí nhớ ngắn hạn bị suy giảm
-Dễ lầm lẫn, mất định hướng, khó xác định phương hướng hoặc hiểu được các chỉ dẫn
-Khó bắt kịp những người nói trong cuộc trò chuyện, họp mặt, v.v…, đặc biệt khi có chuyển động hoặc tiếng ồn phía sau
-Mệt mỏi về tinh thần và thể chất do hoạt động
Tâm Lý
-Mất đi sự tự lực, tự tin, và tự trọng
-Lo lắng, hoảng loạn, và cách ly với xã hội
-Trầm cảm
Các Triệu Chứng Khác
-Buồn nôn hoặc nôn mửa
-Có cảm giác “lơ lửng” hoặc “say sóng”
-Say chuyển động (motion sickness)
-Cảm giác ù tai
-Nhức đầu
-Nói lắp (slurred speech)
-Nhạy cảm với những thay đổi về áp suất và nhiệt độ cũng như dòng chuyển động của gió
-Đau, áp lực, và các triệu chứng khác với một số thay đổi chế độ ăn nào đó (ví dụ, chế độ ăn có nhiều muối)
Không phải mọi bệnh nhân bị rối loạn tai trong (inner ear disorder) đều sẽ trải nghiệm tất cả những triệu chứng, đồng thời các triệu chứng khác cũng có thể xảy ra. Rối loạn tai trong có thể xuất hiện ngay cả trong trường hợp vắng mặt các triệu chứng rõ rệt hoặc nghiêm trọng. Điều quan trọng là phải lưu ý rằng đa số các triệu chứng đơn lẻ này cũng có thể do các tình trạng bệnh không liên quan khác gây ra.
Mức độ nghiêm trọng và các dạng triệu chứng có thể thay đổi đáng kể, gây lo sợ và khó diễn tả. Những người bị ảnh hưởng bởi một số các triệu chứng của các rối loạn tiền đình có thể được quan sát thấy có các hành vi như lơ là, lười biếng, lo lắng thái quá, hoặc muốn được chú ý đến. Họ có thể gặp khó khăn trong việc đọc hoặc làm những bài toán số học đơn giản. Đối với một số bệnh nhân, làm việc tại công sở, đến trường, thực hiện một số công việc hàng ngày, hoặc ra khỏi giường vào buổi sáng có thể sẽ gặp khó khăn.
Các cơ quan tiền đình của tai trong, các dây thần kinh có liên quan, và các trung tâm não hình thành một hệ thống phức tạp phục vụ cho nhiều chức năng và có thể bị ảnh hưởng bởi một số các hệ thống bên ngoài. Do đó, kiểm tra đánh giá tỉ mỉ tai trong(inner ear) có thể cần đến một số kiểm tra khác nhau.
Các bác sĩ sử dụng những thông tin từ tiền sử bệnh của một cá nhân và những kết quả kiểm tra tổng quát để làm cơ sở cho việc yêu cầu tiến hành các xét nghiệm để đánh giá chức năng hệ thống tiền đình và loại trừ những nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng.
Hầu hết mọi người chịu được các kiểm tra này. Tuy nhiên, thỉnh thoảng các kiểm tra này làm giảm sức chịu đựng và có thể dẫn đến tình trạng không ổn định tạm thời.
Các kiểm tra cho rối loạn chức năng tiền đình
Thăng bằng tốt và khả năng nhìn rõ phụ thuộc vào mối liên hệ gần gũi giữa các cơ quan tiền đình và hai mắt. Chuyển động của đầu hoặc các kích thích khác ở tai trong sẽ gửi những tín hiệu đến các cơ ở mắt thông qua hệ thần kinh; đây được gọi là phản xạ tiền đình mắt (vestibulo-ocular reflex), hoặc VOR. Phản xạ này thường tạo nên các chuyển động ở mắt, mà các chuyển động này có chức năng duy trì khả năng nhìn rõ khi đầu cử động.
Điện ký rung giật nhãn cầu (Electronystagmography – ENG)
Điện ký rung giật nhãn cầu (ENG) là một nhóm các kiểm tra chuyển động của mắt để tìm kiếm các dấu hiệu về rối loạn chức năng tiền đình hoặc các vấn đề về thần kinh bằng cách đo chuyển động giật nhãn cầu (nystagmus) và các chuyển động mắt khác. Các kiểm tra này là những phương pháp được sử dụng phổ biến nhất cho những người bị choáng váng, chóng mặt, và/hoặc bị các rối loạn về thăng bằng, mặc dù nhóm kiểm tra này và một số phương pháp kiểm tra có thể rất khác nhau.
Trong thời gian tiến hành kiểm tra ENG, các chuyển động của mắt được ghi lại và được phân tích thông qua các điện cực nhỏ được đặt ở vùng da xung quanh mắt. Các điện cực này được gắn vào da bằng một loại băng dán, giống như một miếng băng vết thương. Ngoài ra, các chuyển động mắt cũng có thể được ghi lại bằng phương pháp ghi hình rung giật nhãn cầu (videonystagmography – VNG) sử dụng một máy ghi hình tia hồng ngoại được gắn bên trong kính bảo vệ mắt (goggles) mà bệnh nhân sẽ đeo vào thay vì các điện cực được dán trên da.
Kiểm tra ENG/VNG sẽ đánh giá chuyển động của hai mắt khi theo dõi một mục tiêu chuyển động. Một kiểm tra khác sẽ quan sát chuyển động của mắt khi đầu di chuyển sang những hướng khác. Trong thời gian kiểm tra kích thích nhiệt (caloric test, bi-thermal caloric, hoặc mono-thermal caloric), nước ấm hoặc nước lạnh, hoặc khí ấm hoặc khí lạnh được luân chuyển trong ống tai (ear canal) để kiểm tra đáp ứng giật cầu mắt (nystagmus response) được kích thích bởi sự thay đổi nhiệt độ.
Các Kiểm Tra Quay
Các kiểm tra quay (rotation test) là một phương pháp khác giúp đánh giá mức độ hợp tác giữa mắt và tai trong. Khi đầu di chuyển theo một hướng, thì mắt sẽ chuyển động theo hướng ngược lại.
Trong các kiểm tra quay (sử dụng cùng loại các điện cực có miếng dán hoặc các kính bảo vệ mắt như trong kiểm tra ENG/VNG), nhân viên kiểm tra có thể ghi lại các chuyển động mắt trong lúc đầu chuyển động ở các tốc độ khác nhau. Điều này cung cấp thêm các thông tin, bên cạnh kiểm tra ENG/VNG, về mức độ hoạt động của các cơ quan giữ thăng bằng (balance organ), cùng với sự kết hợp với các cơ ở mắt. Không phải tất cả các bệnh nhân trong giai đoạn chẩn đoán đều sẽ cần đến các kiểm tra quay.
Có hai loại kiểm tra quay bằng điện toán (computerized rotation test): quay đầu tự động (auto head rotation) và ghế quay (rotary chair). Trong các kiểm tra quay đầu tự động, cá nhân được kiểm tra được yêu cầu nhìn vào một mục tiêu cố định và di chuyển đầu tới lui hoặc lên xuống trong một khoảng thời gian ngắn. Trong các kiểm tra ghế quay, ghế được điều khiển bằng máy chuyển động hỗ trợ cho cá nhân được kiểm tra. Để an toàn, bệnh nhân được đeo dây an toàn và đầu dựa vào chỗ tựa đầu.
Kiểm tra ghế quay thường được tiến hành trong phòng tối. Nhân viên kiểm tra, ngồi tại một bàn điều khiển máy tính bên ngoài, và bệnh nhân liên lạc với nhau bằng hệ thống micrô và loa. Giống như kiểm tra ENG/VNG, khi các chuyển động mắt được ghi lại, cá nhân được kiểm tra sẽ được yêu cầu trả lời một số các câu hỏi đơn giản có tác dụng làm cho đầu óc luôn bận rộn và tỉnh táo trong thời gian kiểm tra.
Không phải kiểm tra quay nào cũng được điều khiển bằng máy tính. Trong một số trường hợp, người ta sử dụng một loại ghế quay cơ học (swivel chair), hoặc bác sĩ hay nhân viên kiểm tra chỉ đơn thuần làm động tác quay đầu của bệnh nhân bằng tay trong lúc quan sát các chuyển động mắt.
Kiểm tra điện thế gợi tính cơ tiền đình (VEMP)
Kiểm tra điện thế gợi tính cơ tiền đình (vestibular evoked myogenic potential – VEMP testing) được sử dụng để đánh giá xem tiểu nang (saccule) và dây thần kinh tiền đình dưới (inferior vestibular nerve) có bị tổn thương và có hoạt động bình thường không. Trong lúc kiểm tra VEMP, bệnh nhân được đeo các thiết bị tai nghe (headphone) và các điện cực được dán vào vùng da ở cổ. Khi âm thanh được truyền qua tai nghe, các điện cực sẽ ghi lại phản xạ cơ đối với các kích thích tiền đình.
Kiểm tra tư thế động lực học bằng điện toán
Phương pháp kiểm tra tư thế động lực học bằng máy điện toán (computerized dynamic posturography – CDP) kiểm tra tính ổn định của tư thế. Trong khi phương pháp ENG/VNG và các kiểm tra quay đánh giá các tương tác thị lực tiền đình, thì phương pháp CDP cung cấp các thông tin về khả năng kiểm soát vận động hoặc chức năng giữ thăng bằng trong các điều kiện môi trường khác nhau. Đây là một vấn đề quan trọng bởi vì khả năng duy trì sự thăng bằng phụ thuộc không chỉ vào các thông tin nhận cảm từ thị giác và các hệ thống tiền đình, mà còn phụ thuộc và các thông tin nhận cảm mà não nhận được từ các cơ và khớp. Các tín hiệu nhận cảm cơ thể (somatosensory signal) này cung cấp các manh mối chẳng hạn như hướng quay đầu cũng như kết cấu và độ nghiêng của bề mặt đi bộ. Phương pháp CDP kiểm tra các mối liên hệ giữa ba thông tin nhận cảm này và ghi lại mức độ thăng bằng và những điều chỉnh về tư thế của một cá nhân để đáp ứng lại những thay đổi trong các thông tin đáng tin cậy được cung cấp bởi thị giác và các hệ thống nhận cảm cơ thể.
Trong kiểm tra này, bệnh nhân được yêu cầu đứng trên bệ, thường với một mục tiêu trực quan để quan sát. Bệ đứng này và/hoặc mục tiêu trực quan sẽ di chuyển trong lúc thiết bị đo áp suất bên dưới bệ đứng ghi lại những thay đổi về trọng lượng cơ thể khi cá nhân được kiểm tra duy trì sự thăng bằng. Bệnh nhân sẽ được đeo dây an toàn để phòng ngừa bị té ngã trong thời gian kiểm tra.
Phương pháp kiểm tra tư thế cung cấp các thông tin về mức độ thăng bằng được duy trì trong các tình huống khó khăn. Nó có thể giúp các bác sĩ hoạch định các kiểm tra tiền đình khác, cũng như giúp đưa ra biện pháp điều trị.
Các kiểm tra thính lực
Phép đo thính lực (audiometry) có tác dụng đo chức năng nghe. Các kiểm tra đánh giá khả năng nghe là một phần quan trọng của các chẩn đoán tiền đình do mối liên hệ mật thiết giữa khả năng nghe của tai trong và các cơ quan tạo thăng bằng. Có thể cần đến một số phương pháp đo thính lực khác nhau, do chuyên gia thính học(audiologist) thực hiện. Các kiểm tra này được tiến hành trong phòng âm thanh với một bộ tai nghe, bộ tai nghe này còn cho phép chuyên gia thính học nói chuyện với bệnh nhân bằng một micrô.
Một người bị rối loạn tiền đình thỉnh thoảng được giám sát thính lực, đặc biệt khi có chứng cứ bị mất thính lực, một cảm giác đầy nghẹt ở trong tai, hoặc bị ù tai.
Phép đo thính lực thuần âm
Trong phép đo thính lực thuần âm (pure tone audiometry), bệnh nhân được yêu cầu bấm vào một nút hoặc đưa tay lên khi nghe các âm thanh với các độ cao khác nhau qua một bộ tai nghe.
Các kiểm tra thính lực bằng lời
Các kiểm tra thính lực bằng lời (speech audiometry test) có thể bao gồm ngưỡng tiếp nhận ngôn ngữ (speech reception threshold) và phân biệt ngôn ngữ (word recognition hoặc speech discrimination), trong đó bệnh nhân được yêu cầu lặp lại và nhận ra những từ quen thuộc khi các từ này được thể hiện ở các cường độ khác nhau.
Đo tai giữa và màng nhĩ
Đo tai giữa và màng nhĩ giúp phát hiện sự hiện diện của chất lỏng trong tai giữa, cùng với các vấn đề khác, bằng cách kiểm tra chức năng của tai giữa và ống Ot-tát (Eustachian tube), bao gồm độ cứng của màng nhĩ, khi những thay đổi về áp suất trong không khí được đưa vào ống tai ngoài thông qua một thiết bị mềm.
Kiểm tra phản xạ âm
Kiểm tra phản xạ âm (acoustic-reflex test) có tác dụng đo phản xạ của xương bàn đạp(stapes: một trong những xương rất nhỏ của tai giữa) gây ra bởi đáp ứng của cơ bàn đạp khi tai nghe một âm thanh to.
Phép đo điện thế ốc tai
Phép đo điện thế ốc tai (Electrocochleography – ECoG) là một phép đo chuyên biệt, có chức năng đo điện thế hoặc các tín hiệu do tai trong tạo ra để đáp ứng lại các kích thích âm thanh.
Âm ốc tai
Kiểm tra âm ốc tai (otoacoustic emaissions – OAE) cung cấp thông tin về cách thức hoạt động của tế bào lông của ốc tai (cochlea) bằng cách đo sự phản ứng của các tế bào lông này đối với một loạt các tiếng “click” được tạo ra bởi một cái loa siêu nhỏ được đưa vào ống tai (ear canal).
Đáp ứng âm thanh thân não
Kiểm tra đáp ứng âm thanh thân não (auditory brainstem response – ABR, BER, BSER, BAER) đo cách thức di chuyển của các tín hiệu từ tai đến não và sau đó ở bên trong các bộ phận não. Trong một số trường hợp, kiểm tra này có thể chỉ ra sự hiện diện của một khối u thần kinh thính giác (acoustic neuroma: một khối u lành tính hiếm thấy ở dây thần kinh tiền đình ốc tai). Kiểm tra này còn có thể giúp xác định các tình trạng bệnh lý như đa xơ cứng (multiple sclerosis) nếu chúng ảnh hưởng đến lộ trình âm thanh đến não.
Chụp lướt
Tạo hình cộng hưởng từ
Phương pháp tạo hình cộng hưởng từ (magnetic resonance imaging – MRI) sử dụng một từ trường và các sóng vô tuyến (radio wave) để tạo ra các hình ảnh kiểu mặt cắt(cross-sectional image) của các phần cơ thể được chụp lướt. Một hình chụp MRI não có thể tiết lộ sự hiện diện của các khối u, tổn thương do đột quỵ, và các bất thường khác ở mô mềm mà có thể gây chóng mặt hoặc choáng váng. Các hình chụp MRI của các cấu trúc bên trong hoặc xung quanh tai trong có thể cho thấy các vấn đề như khối u thần kinh thính giác.
Chụp cắt lớp quanh trục bằng điện toán
Chụp CT (hoặc CAT – coputerized axial tomography) là một phương pháp chụp X-quang được sử dụng thích hợp nhất cho việc kiểm tra các cấu trúc xương. Chụp CT xương thái dương (đó là nơi cư trú của tai trong) thường được sử dụng để tìm kiếm các bất thường như các vết gãy (nứt).
Các kiểm tra khác
Tùy thuộc vào các trường hợp của bệnh nhân, các kiểm tra khác có thể được sử dụng, chẳng hạn như kiểm tra máu hoặc các kiểm tra dị ứng, nhằm loại trừ các nguyên nhân gây ra các triệu chứng không liên quan đến hệ thống tiền đình.