CON TIM VÀ KHỐI ÓC CÓ TẠO RA SỰ KHÔN NGOAN KHÔNG
Cảm xúc và những khả năng nhận thức ảnh hưởng thế nào đến ý kiến và tầm nhìn của bạn.
Các kết quả được tìm thấy từ nghiên cứu mới này thật dễ hiểu: Những quá trình nhận thức, lý luận logic, và tiến trình định hướng mục tiêu phải được kết hợp với khả năng nhận biết và hiểu được bối cảnh lớn hơn của một vấn đề. Sự kết hợp đó tạo ra sự khôn ngoan. Nghiên cứu này tìm thấy một chiều kích khá thú vị về thực tại của “tính duy nhất” đó của bản thể con người chúng ta: sự biến thiên của nhịp tim.
Nghiên cứu này đã tìm thấy rằng sự biến đổi của nhịp tim và quá trình suy nghĩ kết hợp với nhau để tạo ra khả năng lý luận các vấn đề xã hội một cách khôn ngoan. Nghiên cứu do trường Đại Học Waterloo và Đại Học Công Giáo Úc (Australian Catholic University) thực hiện đã được đăng trên tạp chí Các Giới Tuyến trong Khoa Học Thần Kinh Hành Vi (Frontiers in Behavioral Neuroscience).
Các tác giả chỉ ra rằng nghiên cứu của họ đi tiên phong trong việc nghiên cứu sự khôn ngoan bởi vì nó xác định những tình trạng nhờ đó tâm sinh lý tác động đến khả năng đưa ra quyết định khôn ngoan. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng lý luận khôn ngoan không phải là một chức năng đặc thù của trí tuệ và khả năng nhận thức”, theo lời của tác giả dẫn đầu nghiên cứu, Igor Grossman. “Chúng tôi đã tìm thấy rằng những người có nhịp tim biến thiên nhiều hơn và những người có khả năng suy nghĩ về những vấn đề xã hội từ một tầm nhìn xa biểu lộ một khả năng lớn hơn về lý luận khôn ngoan”.
Nghiên cứu này mở rộng phạm vi của nghiên cứu trước đây về các nền tảng nhận thức của việc đưa ra quyết định khôn ngoan, bao gồm việc xem xét sự tác động của chức năng tim lên các hoạt động của não bộ. Nó chỉ ra rằng một sự đồng thuận giữa các triết gia và những nhà khoa học nhận thức (cognitive scientist) xác định sự quyết định khôn ngoan bao gồm khả năng nhận ra các giới hạn về kiến thức của một người; lưu ý đến những bối cảnh khác nhau của cuộc sống và cách thức chúng có thể bộc lộ theo thời gian. Ngoài ra, thừa nhận quan điểm của những người khác và tìm kiếm sự hòa hợp cho các quan điểm đối lập.
Theo các tác giả, nghiên cứu mới này là nghiên cứu đầu tiên cho thấy rằng chức năng sinh lý của tim, đặc biệt là độ biến thiên của nhịp tim trong hoạt động thể chất nhẹ, có liên quan đến khả năng đưa ra quyết định ít thiên vị nhưng khôn ngoan hơn. Nhịp tim của con người có khuynh hướng dao động, ngay cả trong những tình huống ổn định, chẳng hạn như trong lúc ngồi.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng những người có nhịp tim thay đổi nhiều hơn sẽ có khả năng lý luận khôn ngoan hơn và có ít thành kiến hơn về những vấn đề của xã hội khi họ được yêu cầu đưa ra ý kiến phản hồi về một vấn đề xã hội theo quan điểm của một người thứ ba. Điều thú vị là, khi những người tham gia được chỉ dẫn để lý luận về vấn đề này theo quan điểm của người trong cuộc (first-person perspective), thì không có mối liên hệ nào giữa nhịp tim và khả năng đưa ra quyết định khôn ngoan xuất hiện.
“Chúng ta đều đã biết rằng những người với nhịp tim có độ biến thiên lớn hơn sẽ cho thấy có sự biểu hiện vượt trội về chức năng điều hành của não chẳng hạn như trí nhớ ngắn hạn (working memory), tác giả Grossman nói. “Tuy nhiên, điều đó không nhất thiết có nghĩa rằng những người này khôn ngoan hơn. Thật vậy, một số người có thể sử dụng những kỹ năng nhận thức của họ để đưa ra những quyết định thiếu khôn ngoan. Để chuyển tải những khả năng nhận thức thành quyết định khôn ngoan, những người với độ biến thiên nhịp tim lớn hơn đầu tiên cần phải vượt qua những quan điểm vị kỷ của riêng mình.
Theo tôi, luận điểm cuối cùng là yếu tố cần thiết để mở rộng khả năng bẩm sinh của chúng ta trong việc hiểu và nhìn thấy các tình huống từ một tầm nhìn rộng hơn và mang tính tổng thể. Đó là, nhìn thế giới từ bên ngoài qua lăng kính riêng của mỗi người. Việc vượt lên trên quan điểm của cá nhân giúp chúng ta xây dựng khả năng đưa những quyết định khôn ngoan hơn.
Nguồn(Sources):
0 comments:
Post a Comment