Tuesday, February 21, 2012

7 BƯỚC TỈNH GIÁC GIÚP BẠN TĂNG TUỔI THỌ (THE SEVEN MINDFUL STEPS TO ENHANCING YOUR LIFE EXPECTANCY) - Do LQT Biên Dịch



Tác giả: Tiến sĩ

Mùa hè năm ngoái, tôi đã đến dự một cuộc hội thảo về “kéo dài sự sống” tại trường Đại Học Cambridge ở Anh Quốc.  Các nhà khoa học từ khắp thế giới đã “hạ cố” đến thành phố Anh Quốc nhỏ bé này để thảo luận các cách thức để biến sự bất tử thành sự thật.  Một số nhà khoa học cho rằng chúng ta có thể được cải biến gen để giúp chúng ta sống mãi, trong khi đó các nhà khoa học khác nhấn mạnh rằng liên tục thay thế các bộ phận cơ thể bị hao mòn bằng các bộ phận mới được tạo ra trong phòng thí nghiệm là con đường đi tới.  Tiến sĩ Aubrey De Grey, nhà tổ chức cuộc hội thảo này, thậm chí cho rằng khoa học đang tiến triển với một tốc độ mà một số trẻ em sinh ra hôm nay có thể sống vài thế kỷ.

Mặc dù lĩnh vực về “kéo dài sự sống” của con người đang tiến triển nhanh chóng, nhưng điều làm cho tôi ngạc nhiên là các nhà khoa học tại cuộc hội thảo đã bỏ xót một trong các phương pháp hiển nhiên nhất để kéo dài sự sống con người, đó là phương pháp thiền tỉnh giác (mindfulness meditation). 

Mặc dù phương pháp Tỉnh Giác có thể kéo dài sự sống của con người bằng cách giảm bớt sự lo âu, stress và sự trầm cảm, nhưng nó còn có thể gia tăng tuổi thọ của mỗi cá nhân.  Đó là, bởi vì tỉnh giác giúp chúng ta “sống với hiện thực” thay vì bị giam giữ bên trong một sự mơ tưởng mơ hồ, chúng ta sẽ trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn, và vì thế tuổi thọ của chúng ta sẽ được gia tăng.

Hãy để tôi giải thích.  Nếu không nhận biết nó, đa số chúng ta sẽ dành phần lớn thời gian bị giam cầm bên trong “sự bận rộn” của cuộc sống hàng ngày.  Chúng ta thực sự không để ý đến thế giới này và tiếp tục mộng du mỗi ngày.  Bị nhốt bên trong sự bận rộn này có thể hủy hoại dần một mảng lớn của cuộc sống bằng cách đánh cắp đi thời gian của bạn.  Hãy dành chút thời gian để nhìn lại cuộc sống của bản thân:

-      Bạn có cảm thấy khó tập trung vào những gì đang xảy ra trong hiện tại không?
-      Có thể nào bạn đang “chạy bằng số tự động” mà không chú ý nhiều đến những gì bạn đang làm?
-      Bạn thường thực hiện một cách vội vã các hoạt động mà không thực sự quan tâm đến chúng?
-      Bạn quá tập trung vào một mục tiêu mà bạn bỏ quên những gì mà hiện tại bạn đang làm để đạt được điều đó?
-      Bạn có cảm thấy bận tâm về tương lai hoặc quá khứ không?

Nói một cách khác, bạn có bị các công việc thường làm hàng ngày lôi cuốn và làm cho bạn sống bằng bộ não thay vì sống bằng chính cuộc sống của bạn không?

Bây giờ hãy ngoại suy điều này đối với thời gian sống còn lại của bạn.  Nếu bạn được 30 tuổi, thì với tuổi thọ khoảng 80, bạn còn 50 năm nữa.  Nhưng nếu bạn chỉ thực sự nhận thức và để ý từng giây phút trong khoảng 2/16 giờ mỗi ngày (điều này vô lý), thì tuổi thọ của bạn chỉ còn lại 6 năm và 3 tháng.  Có lẽ, bạn sẽ dành nhiều thời gian hội họp với chủ của bạn hơn!

Nếu có một người bạn nói với bạn rằng họ vừa được chẩn đoán mắc phải một chứng bệnh nan y và họ chỉ còn sống được 6 năm nữa, thì bạn sẽ rất đau buồn và sẽ cố gắng an ủi họ.  Tuy nhiên, nếu không nhận ra được điều này, thì bản thân bạn có thể tiếp tục mộng du theo lối sống đó.

Nếu bạn có thể nhân đôi số giờ mà bạn thực sự sống mỗi ngày, thì trên thực tế, bạn sẽ gia tăng tuổi thọ gấp hai lần.  Có khả năng sống đến 130 tuổi.  Bây giờ hãy tưởng tượng nhân ba hoặc nhân bốn lần thời gian bạn thực sự sống.  Nhiều người thực sự đã tốn hàng trăm ngàn đô la vào các loại thuốc và các hỗn hợp vitamin đắt tiền (chưa được chứng minh có lợi) để tăng tuổi thọ lên vài năm; những người khác thì đang hỗ trợ tài chính cho các dự án ở các trường đại học để cố gắng gia tăng tuổi thọ của con người.  Nhưng bạn cũng có thể đạt được hiệu quả tương tự bằng cách sống một cách ý thức – tỉnh thức với cuộc sống.

Số lượng dĩ nhiên không phải là tất cả.  Nhưng những ai thực hành phương pháp tỉnh giác cũng cảm thấy ít bị lo lắng và ít bị stress hơn, họ cảm thấy được thư giãn, mãn nguyện và dồi dào năng lượng, do đó cuộc sống không chỉ xem ra kéo dài hơn khi nó đi chậm lại và bạn bắt đầu tham gia vào đó, mà bạn còn cảm thấy hạnh phúc hơn.

Trong cuốn sách của chúng tôi, Sự Tỉnh Giác: Một Kế Hoạch 8 Tuần Để Tìm Kiếm Sự Bình An trong một Thế Giới Vội Vã (Mindfulness: An Eight Week Plan for Finding Peace in a Frantic World), Giáo sư Mark Williams và tôi đã thiết kế một hướng đi để sống được hạnh phúc và hài hòa hơn bằng phương pháp thiền tỉnh giác.  Phương pháp này dựa vào Trị Liệu Nhận Thức Trên Cơ Sở Tỉnh Giác (Mindfulness-Based Cognitive Therapy), được Giáo sư Williams tại Trường Đại Học Oxford ở Anh Quốc và các đồng nghiệp của ông ấy tại Trường Đại Học Cambridge và Trường Đại Học Toronto sáng tạo.  Nó được xây dựng trên nền tảng nghiên cứu của Jon Kabat-Zinn tại Trung Tâm Y Khoa của Trường Đại Học Massachusetts (UMass Medical Center).  Phương pháp này được Viện Hàn Lâm Quốc Gia Anh công nhận về Thành Tích Xuất Sắc về Sức Khỏe và Lâm Sàng, và được rất nhiều bác sĩ Hoa Kỳ cũng như các tổ chức sức khỏe xác nhận.  Nói một cách khác, phương pháp này thực sự có hiệu quả.

Mặc dù một chương trình đầy đủ kéo dài 8 tuần, nhưng sau đây là 7 cách có thể giúp bạn bắt đầu:

1. Đi bộ: Đi bộ là một trong các bài tập thể dục bổ ích nhất và là một cách xả stress và nâng cao tâm trạng tuyệt vời.  Một buổi đi bộ thoải mái có thể làm cho thế giới này trở nên hợp lý hơn đối với bạn và làm dịu các dây thần kinh bị căng thẳng.  Nếu bạn thực sự muốn cảm thấy tràn đầy sức sống, hãy đi bộ trong gió hoặc trong mưa.

2. Dành Ra Khoảng Thời Gian 3 Phút Để Hít Thở bất cứ lúc nào bạn cảm thấy mệt mỏi, tức giận, bị căng thẳng tinh thần, lo lắng, hoặc không vui.  Nó có tác dụng như một chiếc cầu nối giữa các thời gian thiền đúng thể thức kéo dài hơn trong cuốn sách của chúng tôi và các nhu cầu của cuộc sống hàng ngày.  Xem điều đó như là việc bạn được hít thở không khí trong lành.  Bạn có thể tải xuống ở đây.

3. Thay Đổi Ghế Ngồi: Stress có khuynh hướng đưa chúng ta đi vào một quỹ đạo tăng dần.  Nó có thể dễ dàng bị kết thúc đột ngột như trường hợp bị chọc gậy vào bánh xe, chạy mãi không ngừng nhưng chẳng đi đến đâu.  Bạn có thể bước ra khỏi các quỹ đạo đầy stress đó bằng cách quyết tâm phá bỏ các thói quen đã ăn sâu.  Do đó, tại sao không thử xem bạn có thể lưu ý đến chiếc ghế nào mà bạn thường ngồi ở nhà, ở quán cà phê, quán bar, hoặc ở nơi làm việc (ví dụ, trong lúc hội họp).  Hãy tự ý chọn để thử một chiếc ghế khác, hoặc thay đổi vị trí chiếc ghế mà bạn sử dụng.  Chắc chắn sau đó bạn sẽ ngạc nhiên khi cảm nhận và nhìn thấy được sự khác biệt của thế giới này.

4. Hãy Trân Trọng Cuộc Sống Hiện Tại

Hạnh phúc là cùng nhìn vào một sự việc (vật) nhưng với các cách nhìn khác nhau.  Cuộc sống chỉ tồn tại ở đây - ở chính giây phút này.  Tương lai và quá khứ chẳng qua chỉ là những ý tưởng.  Do đó, hãy sống thật trọn vẹn ý nghĩa của nó.

Những sinh hoạt nào, những việc gì hoặc những người nào trong cuộc sống của bạn mà làm cho bạn cảm thấy vui vẻ?  Bạn có thể nào quan tâm nhiều hơn và dành nhiều thời gian hơn cho các sinh hoạt này không?  Tập trung ghi xuống những điều này và nhẹ nhàng quyết định tập trung nhiều hơn vào các điều này.  Bạn có thể nào ngừng lại một giây lát khi các khoảnh khắc vui vẻ xuất hiện không?  Hãy tự giúp bạn ngừng lại bằng cách để ý đến:

-      Cảm giác gì mà cơ thể bạn cảm nhận được vào các khoảnh khắc này?
-      Các ý tưởng gì xuất hiện lúc đó?
-      Cảm xúc gì thể hiện ở đây?

5. Chuẩn Bị Một Cái Chuông Tỉnh Giác

Hãy chọn ra một vài hoạt động bình thường từ cuộc sống hàng ngày mà bạn có thể biến chúng thành “các chuông tỉnh giác”, đó là, những thứ nhắc nhở chúng ta ngừng lại và tập trung vào cuộc sống một cách chi tiết.  Sau đây là một danh sách các hoạt động mà bạn có thể biến chúng thành các chuông tỉnh giác:

-      Nấu ăn: Việc nấu ăn là một cơ hội tốt cho sự tỉnh giác – nhìn, nghe, nếm, ngửi, sờ mó.  Tập trung vào cái cảm giác khi con dao lướt qua các loại rau quả khác nhau, hoặc mùi vị tỏa ra khi mỗi loại rau quả được cắt nhỏ.
-      Trở thành một công dân gương mẫu!  Khi băng qua đường, sử dụng tín hiệu đèn dành cho người đi bộ là một cơ hội để bạn đứng yên và tập trung vào hơi thở của bạn, thay vì là cơ hội để bạn cố vượt đèn.
-      Lắng nghe:  Khi nào bạn đang lắng nghe, hãy để ý đến những lúc bạn không lắng nghe – Khi bạn bắt đầu suy nghĩ về điều gì đó, thì bạn sẽ đáp trả như thế nào, vân vân.  Quay trở lại với quyết tâm lắng nghe thực sự.

6. Hãy Tiến Hành Thiền Tâm Thức và Thiền Âm

Âm thanh cũng cần thiết như tâm thức, phi vật chất và mở rộng cho sự thể hiện.  Vì lý do này, Thiền Tâm Thức và Thiền Âm là sở thích cá nhân của tôi vì nó biểu lộ một cách tao nhã cách thức trí óc tạo ra các tư tưởng mà có thể dễ dàng dẫn chúng ta đi lạc đường.  Sau khi bạn nhận ra được điều này – tận đáy lòng – thì phần lớn những căng thẳng và các khó khăn của bạn sẽ bốc hơi ngay trước mắt của bạn.

7. Đi Xem Phim

Hãy mời một người bạn hoặc một thành viên trong gia đình đi xem phim với bạn – nhưng lần này có sự khác biệt.  Đi xem vào một thời điểm đã được dự định (ví dụ 7 giờ tối) và chọn bất cứ phim nào bạn thích khi bạn đến rạp chiếu phim.  Thông thường, điều làm chúng ta hạnh phúc trong cuộc sống là điều không ngờ đến – một cơ hội tình cờ tiếp xúc hoặc một việc xảy ra không đoán trước được.  Phim ảnh là lựa chọn tốt cho tất cả những điều này.

Đa số chúng ta chỉ đi xem phim khi có gì đặc biệt mà chúng ta muốn xem.  Nếu chúng ta đến rạp phim vào giờ đã dự định và sau đó chọn một bộ phim để xem, thì bạn có thể sẽ khám phá ra rằng sự trải nghiệm này hoàn toàn khác hẳn.  Bạn có thể chọn xem (và yêu thích) một bộ phim mà thông thường bạn sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến.  Bản thân hành động này đã mở rộng tầm mắt của bạn và gia tăng sự tỉnh giác cũng như sự chọn lựa.

Và khi bạn xem bộ phim đó, hãy quên đi tất cả về điều này, mà hãy thưởng thức nó.


Nguồn (Source):





0 comments:

Post a Comment