Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi một mình trong một phòng tối. Trên tường trước mặt bạn có treo một thanh phát quang (illuminated rod), quay vòng một cách chậm chạp giống như cây kim la bàn chuyển động loạn xạ. Bao quanh thanh phát quang này là một khung hình chữ nhật cũng phát quang, khung này nghiêng về một bên. Nếu bạn được yêu cầu điều chỉnh thanh phát quang này để nó hướng thẳng đứng, như thế sự phán đoán của bạn về tư thế thẳng đứng của thanh phát quang này có bị ảnh hưởng bởi sự định hướng của khung phát quang không?
Đối với đa số người, câu trả lời sẽ là có, nhưng mức độ ảnh hưởng thay đổi tùy theo khu vực địa lý. Ở một số vùng, sự định hướng của khung phát quang ảnh hưởng rất ít đến sự phán đoán về tư thế thẳng đứng của thanh phát quang, nhưng ở các nơi khác, nhiều người lại phải cố gắng rất nhiều để nhắm cho thanh phát quang theo hướng thẳng đứng. Vấn đề là ở đâu?
Trên 20 năm qua, các nhà nghiên cứu đã kiên trì quan sát các mô hình khác nhau về nhận thức và khả năng tư duy ở các xã hội khác nhau. Với rủi ro bị đơn giản hóa vấn đề khi cho rằng, người Tây Phương có khuynh hướng suy nghĩ theo lối phân tích (analytically), và người Đông Phương có khuynh hướng suy nghĩ một cách tổng thể (holistically: nhấn mạnh vào tính quan trọng của tập thể và tính phụ thuộc lẫn nhau của các cá thể).
Suy nghĩ theo lối phân tích là một dạng nhận thức đặc trưng bởi lý luận logic, và có một khuynh hướng (niềm tin) cho rằng các sự kiện (sự vật hiện tượng) là sản phẩm của các cá thể và những thuộc tính của họ. Theo Michael Varnum và các đồng nghiệp của ông tại trường Đại Học Michigan (University of Michigan), những người suy nghĩ theo lối phân tích sẽ có xu hướng “giải thích các hiện tượng từ các bối cảnh nơi các hiện tượng này xảy ra”. Đó là lý do tại sao người Tây Phương ít bị ảnh hưởng bởi sự định hướng của khung phát quang trong Thử Nghiệm Thanh phát quang-và-Khung phát quang (Rod-and-Frame Test). Họ dễ dàng cách ly vật trọng tâm, ở đây là thanh phát quang, ra khỏi bối cảnh của nó.
Lối suy nghĩ mang tính tổng thể đặc trưng bởi phương pháp lý luận biện chứng (đạt đến chân lý bằng trao đổi các lý luận logic) tập trung vào các yếu tố nền tảng trong các bối cảnh trực quang, và tin tưởng rằng các sự kiện (sự vật hiện tượng) là sản phẩm của các động lực bên ngoài cũng như các tình huống. Những người suy nghĩ một cách tổng thể có xu hướng “tập trung sâu rộng vào bối cảnh và các mối quan hệ”, điều này giải thích lý do tại sao các quyết định của người Đông Phương bị ảnh hưởng sâu rộng bởi khung phát sáng bị nghiêng trong thử nghiệm trên.
Hai lối suy nghĩ này rất khác biệt. Ví dụ, những người suy nghĩ theo lối phân tích có nhiều khả năng phạm phải sai sót quy kết cơ bản (fundamental attribution error) hơn so với những người suy nghĩ một cách tổng thể, đó là đánh giá cao sự ảnh hưởng của các cá nhân và đánh giá thấp sự ảnh hưởng của các tình huống khi giải thích các sự kiện (sự vật hiện tượng). Họ cũng có nhiều khả năng dự đoán rằng một xu hướng (ví dụ, trong thị trường chứng khoáng) sẽ tiếp tục và không đổi hướng.
Trong hai lối nhận thức này, không có lối nhận thức nào vượt trội lối nhận thức nào, chúng chỉ đơn thuần là khác nhau. Đồng thời, không phải tất cả mọi người trong cùng một nền văn hóa đều có cùng lối suy nghĩ. Có thể rất dễ tìm được những người suy nghĩ một cách tổng thể ở Dallas, Texas, và những người suy nghĩ theo lối phân tích ở Đài Bắc, Đài Loan.
Đa số các nhà tâm lý học nghiên cứu về văn hóa đồng ý rằng các khác biệt (được quan sát) về lối nhận thức được phát sinh từ các khác biệt trong định hướng xã hội. Một số nền văn hóa, ví dụ ở khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu, khuyến khích sự phát triển định hướng xã hội độc lập, định hướng này tôn trọng các giá trị tự do ý chí, tự thể hiện, và thành tựu cá nhân. Còn các nền văn hóa khác, ví dụ ở Đông Á và Châu Mỹ La Tinh, khuyến khích sự phát triển định hướng xã hội phụ thuộc lẫn nhau, định hướng này tôn trọng các giá trị hài hòa, các mối quan hệ, và sự thành công của tập thể.
Mối liên kết giữa định hướng xã hội và lối nhận thức được chứng minh một cách rõ ràng trong các nghiên cứu mới đây, so sánh các nhóm trong cùng một quốc gia. Ví dụ, khu vực Bắc Ý xem ra có suy nghĩ độc lập hơn so với khu vực Nam Ý và cũng có nhiều khả năng suy nghĩ theo lối phân tích. Những người làm nghề nông và nghề đánh cá ở vùng Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ xem ra phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn so với những người chăn nuôi ở làng lân cận, và cũng có nhiều khả năng suy nghĩ một cách tổng thể.
Như vậy, người Tây Phương có thể có suy nghĩ giống với người Đông Phương không? Hoàn toàn có thể. Và người Đông Phương cũng có thể có suy nghĩ giống với người Tây Phương. Thật vậy, đa số chúng ta đều có khả năng suy nghĩ theo lối phân tích và một cách tổng thể, tùy thuộc vào trạng thái tư duy của chúng ta. Theo một cách nói, khi người Đông Phương được khuyến khích suy nghĩ về tính duy nhất của bản thân, thì họ thường “chuyển sang” hệ thống tư duy phân tích của họ. Cũng như, khi người Tây Phương phải suy nghĩ đến mối quan hệ của bản thân với những người khác, thì họ thường chuyển sang lối suy nghĩ một cách tổng thể. Thói quen của đa số người Tây Phương, đặc biệt nam giới, là lối suy nghĩ phân tích, và thói quen của đa số người Đông Phương là suy nghĩ một cách tổng thể. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta đều có khả năng suy nghĩ theo lối phân tích hoặc suy nghĩ một cách tổng thể, đó là một năng lực mà thường không được nhận biết.
Ji, L.-J., Peng, K., & Nisbett, R. E. (2000). Culture, control and perception of relationships in the environment. Journal of Personality and Social Psychology, 78(5), 943-955.
Knight, N., & Nisbett, R. E. (2007). Culture, class and cognition: Evidence from Italy. Journal of Cognition and Culture, 7, 283–291.
Uskul, A. K., Kitayama, S., & Nisbett, R. E. (2008). Ecocultural basis of cognition: Farmers and fishermen are more holistic than herders. Proceedings of the National Academy of Science of the USA, 105, 8552-8556.
Varnum, M., Grossmann, I., Kitayama, S., & Nisbett, R. (2010). The origin of cultural differences in cognition: The social orientation hypothesis. Current Directions in Psychological Science, 19(1), 9-13.
0 comments:
Post a Comment