Friday, September 21, 2012

ĐẬU NÀNH (SOY - GLYCINE MAX) - Do LQT Biên Dịch


KIẾN THỨC TỔNG QUÁT

Đậu nành là một loại thực vật cận nhiệt đới, có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Á. Thành viên này của họ đậu (Fabaceae) phát triển chiều cao từ một đến năm feet (1 mét = 3,28 feet) và mọc thành chùm, mỗi chùm gồm ba đến năm trái, mỗi trái chứa từ 2 đến 4 hạt đậu. Đậu nành là thức ăn chính trong bữa ăn hàng ngày ở các nước Châu Á ít nhất 5000 năm nay, và vào thời nhà Chu ở Trung Quốc (1134-246 TCN), các kỹ thuật lên men đã được khám phá, cho phép đậu nành được chế biến thành các dạng dễ tiêu hóa hơn như là: chao, đậu hũ (tàu hũ, đậu phụ), và xì dầu. Đậu hũ được phát minh vào thế kỷ thứ hai ở Trung Quốc.


Đậu nành được giới thiệu vào Châu Âu vào những năm 1700 và đến Hoa Kỳ vào những năm 1800. Việc trồng đậu nành ở quy mô lớn đã bắt đầu ở Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ II. Hiện nay, các tiểu bang ở miền trung tây Hoa Kỳ sản xuất khoảng một nửa số lượng đậu nành cung cấp cho thế giới.

Đậu nành có chứa chất đạm, isoflavone, và chất xơ, được xem là mang đến các lợi ích về sức khỏe. Đậu nành là một nguồn chứa chất đạm lý tưởng cho bữa ăn hàng ngày, bao gồm tất cả các loại axit amin cần thiết. Đậu nành cũng là nguồn cung cấp chất lecithin (thành phần quan trọng trong màng tế bào) hoặc phospholipid. Các chất Isoflavones và lecithin có trong đậu nành đã được nghiên cứu theo phương pháp khoa học về các lợi ích giúp cho nhiều chứng bệnh. Các chất thuộc nhóm Isoflavone, chẳng hạn như genistein, được cho là có tác dụng giống như estrogen (kích thích tố nữ) trong cơ thể người, và do đó đôi khi được gọi là “phytoestrogens.”

Các nguồn phổ biến của chất isoflavone trong đậu nành bao gồm đậu nành rang, đậu nành xanh, bột đậu nành, chao, đậu hũ, yagurt đậu hũ, hot dog đậu nành, đậu hũ kiểu Nhật, bơ đậu nành, bơ hạt đậu nành (làm từ đậu nành rang, dầu đậu nành, không chứa cholesterol), kem đậu nành, sữa đậu nành, yagurt đậu nành, tofu pups® (một loại hot dog xúc xích giành cho người kiêng thịt), phô mai đậu nành, tàu hũ, seitan (thịt lúa mì), và các loại mì sợi làm bằng đậu nành. Bột đậu nành được tìm thấy trong các sản phẩm xúc xích Tây Ban Nha (xúc xích cay, salchichon, mortadella, và thịt giăm bông được đun nóng), bánh rán (doughnut) và soup stock cubes (những viên hình khối được đông đặc từ thịt hoặc rau để nấu nước dùng hay nước lèo, hoặc súp). Mặc dù các sản phẩm chế biến từ đậu nành [ví dụ, bánh mì kẹp rau, tofu pups, món khai vị bữa tối không thịt, món nugget không làm bằng thịt gà (những viên ráng không làm bằng thịt gà), kem đậu nành và những thanh nhai tăng lực] thường có hàm lượng chất đạm cao, nhưng chúng chứa hàm lượng isoflavone thấp hơn.

Chất đạm trong đậu nành cũng được nghiên cứu về các lợi ích liên quan đến các yếu tố gây ra bệnh tim mạch, làm giảm các triệu chứng trong thời kỳ mãn kinh, giảm cân, viêm khớp, các chức năng của não, và nâng cao hiệu suất tập thể dục. Đậu nành trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ, và ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới, cũng như các loại ung thư khác. Nhìn chung, các bằng chứng hỗ trợ cho thấy việc sử dụng các chất phytoestrogens như là một cách chữa trị cho thời kỳ mãn kinh, bệnh tim mạch, loãng xương (xương yếu), và ung thư thì vẫn còn hạn chế. Việc sử dụng bột sữa đậu nành (hoặc dạng chất lỏng) đang được nghiên cứu để điều trị tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và là một sự thay thế an toàn và hiệu quả cho thức uống sữa bò ở hầu hết các trẻ sơ sinh. Do nghiên cứu trên cơ thể con người bị hạn chế, hiện nay vẫn chưa có đủ bằng chứng để đề nghị hoặc phản đối việc dùng đậu nành cho việc làm giảm cân.

CÁC TÊN GỌI KHÁC

Abalone®, beta-conglycinin, bioactive peptides, bowman-birk inhibitor, coumestrol, daidzein, daizuga-cha (Japanese), dark soy sauce, dietary soy protein, edamame, equol, Fabaceae (family), flavonoids, fortified soy milk, frijol de soya, functional proteins, genistein, genistin, Glycine max, greater bean, haba soya, hydrolyzed soy protein, isoflavone, isoflavones, isoflavonoid, Isomil®, kuromame-cha (Japanese), kuromame-cha Gold (Japanese), kuromame-soy milk drink (Japanese), lecithin, legume, lignans, margarine, miso, Mull-Soy®, natto, Nursoy®, okara, phosphatidylserine, phytate, phytoestrogen, plant estrogen, PtdSer, S-PtdSer, shoyu, shoyu polysaccharides, soja, sojabohne, soya, soya-based food, soya protein, soya sauce, soybean, soybean-barley paste, soybean oil, soy milk, soy fiber, soy flour, soy food, soy isoflavones, soy lecithin, soy milk, soy nuts, soy oil, soy phosphatidylcholine complex (IdB 1016), soy phosphatidylinositol (PI), soy product, soy protein, soy protein isolate, soy sauce, Supro®, Ta-tou , tempeh, texturized vegetable protein, tofu, yuba.

CHỨNG CỨ

Các công dụng này đã được thử nghiệm ở người hoặc động vật. Sự an toàn và tính hiệu quả không phải lúc nào cũng được xác thực. Một số các chứng bệnh dưới đây có thể mang tính nghiêm trọng, và nên được một chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề kiểm tra chẩn đoán.

Nguồn cung cấp chất đạm dinh dưỡng (đã có bằng chứng khoa học có tính thuyết phục hỗ trợ cho tác dụng này).

Các sản phẩm từ đậu nành, như đậu hũ, chứa hàm lượng chất đạm rất cao và là một nguồn thức ăn cung cấp chất đạm có thể chấp nhận được trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Hàm lượng cholesterol cao (đã có bằng chứng khoa học có tính thuyết phục hỗ trợ cho tác dụng này)

Có nhiều nghiên cứu trên con người báo cáo rằng: sự bổ sung chất đạm trong đậu nành vào bữa ăn hàng ngày có thể làm giảm số lượng cholesterol tổng cộng và lượng LDL (cholesterol xấu) trong máu xuống thấp. Việc giảm một lượng nhỏ chất béo trung tính cũng có thể xảy ra, trong khi hàm lượng HDL (cholesterol tốt) cũng được biến đổi trong một số, nhưng không phải là tất cả, các cuộc nghiên cứu. Một số nhà khoa học đã đề xuất rằng, các thành phần đặc biệt trong hạt đậu nành như là isoflavones, genistein, và daidzein có thể giúp hạ cholesterol. Tuy nhiên, điều này chưa được chứng thực rõ ràng trong các nghiên cứu, và vẫn đang còn tranh cãi. Người ta vẫn chưa biết được rằng các sản phẩm có chứa isoflavones được tách riêng trong đậu nành liệu sẽ có tác dụng tương tự như lượng chất đạm trong đậu nành được tiêu thụ hàng ngày hay không. Lượng chất đạm trong đậu nành dùng trong bữa ăn hàng ngày (dietary soy protein) vẫn chưa được chứng thực có ảnh hưởng đến các kết quả bệnh tim mạch lâu dài, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

Tiêu chảy cấp tính ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (đã có bằng chứng khoa học khá rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Có nhiều nghiên cứu báo cáo rằng trẻ sơ sinh và trẻ em (2 đến 36 tháng tuổi) bị tiêu chảy, khi được nuôi bằng các thức ăn dạng bột (hoặc lỏng) làm bằng đậu nành (soy formula), thì số lần đi tiêu trong ngày sẽ ít hơn và số ngày đi tiêu chảy cũng ít hơn. Nghiên cứu này cho thấy rằng đậu nành có nhiều lợi ích hơn các loại thức ăn dạng lỏng hoặc dạng bột khác, bao gồm dung dịch làm bằng sữa bò. Sự bổ sung chất xơ đậu nành vào thức ăn dạng bột (hoặc dạng lỏng) làm bằng đậu nành có thể giúp gia tăng tính hiệu quả. Cần phải có thêm nghiên cứu có chất lượng cao trước khi đưa ra các đề xuất rõ ràng. Các bậc phụ huynh được khuyên nên tham khảo với các chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề nếu trẻ sơ sinh của họ bị tiêu chảy kéo dài, trở nên mất nước, có dấu hiệu bị nhiễm trùng (như sốt), hoặc có máu trong phân. Nên được chuyên gia chăm sóc y tế tư vấn về những đề xuất trong việc bú bằng sữa mẹ hiện tại cũng như đề xuất các thức ăn dạng bột (hoặc lỏng) lâu dài mà có thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng

Dị ứng (ngăn ngừa các dị ứng do thức ăn) (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Thức ăn dạng bột (hoặc dạng lỏng) làm bằng đậu nành thường được sử dụng cho các trẻ sơ sinh bị dị ứng với các loại thức ăn dạng bột (hoặc lỏng) làm bằng sữa (milk-base formula). Hiện tại có rất ít bằng chứng để chứng minh cho việc dùng sữa đậu nành sẽ có thể ngăn ngừa được tình trạng dị ứng thức ăn. Cần có thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Chống lão hóa (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Có một số bằng chứng cho rằng đậu nành giúp gia tăng khả năng chống lão hóa ở người. Nhìn chung, chế độ ăn uống có nhiều rau quả có thể mang lại các lợi ích chống lão hóa. Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này trước khi đưa ra các đề xuất.

Các chứng rối loạn về đường ruột (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Tác dụng của đậu nành trong việc chữa trị các vết thương do lở loét ở đường tiêu hóa được nghiên cứu rất hạn chế.  Nhìn chung, các tác dụng của những sản phẩm đậu nành dường như có ích lợi. Cần thêm nhiều nghiên cứu trước khi thực hiện các đề xuất.

Ung thư (phòng ngừa và điều trị) (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Một số nghiên cứu được thực hiện trên số đông dân số đã đặt câu hỏi cho mọi người về thói quen ăn uống của họ, và báo cáo rằng lượng đậu nành được tiêu thụ nhiều (như đậu hũ dùng trong bữa ăn) có liên quan đến khả năng hạ giảm nguy cơ phát triển các bệnh ung thư, bao gồm ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, và ung thư ruột kết. Tuy nhiên, có nghiên cứu khác cho rằng đậu nành không có tác dụng này. Cho đến khi có các nghiên cứu tốt hơn được thực hiện, thì vẫn chưa rõ là: đậu nành dùng trong bữa ăn hoặc chất bổ sung isoflavone trong đậu nành có khả năng làm tăng hay hạ giảm các nguy cơ ung thư này không.

Các bệnh về tim mạch (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Chất đạm của đậu nành dùng trong bữa ăn (dietary soy protein) không cho thấy có ảnh hưởng đến các kết quả bệnh tim mạch lâu dài, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Nghiên cứu thực sự cho thấy tác dụng hạ cholesterol của đậu nành dùng trong chế độ ăn uống (dietary soy), mà về mặt lý thuyết, có thể làm giảm các nguy cơ về bệnh tim mạch. Đậu nành cũng được nghiên cứu cho các đặc tính giúp hạ huyết áp và giảm lượng đường trong máu ở những người bị tiểu đường loại 2, mặc dù bằng chứng này không xác thực trong những lĩnh vực này. Đối với các phụ nữ bị nghi ngờ thiếu máu cục bộ ở tim (cardiac ischemia), sử dụng hàm lượng cao chất isoflavone genistein trong đậu nành có liên quan đến các vấn đề về mạch máu. Cần có thêm các nghiên cứu về lĩnh vực này trước khi đưa ra những đề xuất mang tính thuyết phục.

Chức năng nhận thức (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Người ta vẫn chưa rõ là: bổ sung chất isflavone của đậu nành cho phụ nữ mãn kinh thì có thể cải thiện được chức năng nhận thức không. Kết quả từ các nghiên cứu không thống nhất.

Chứng bệnh viêm đường ruột (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Do các nghiên cứu ở người có giới hạn, nên không có đủ chứng cứ để đưa ra đề xuất hoặc phản đối việc dùng đậu nành để ngăn ngừa chứng bệnh viêm đường ruột Crohn (Crohn's disease). Cần có thêm nhiều nghiên cứu trước khi các đề xuất được đưa ra.

Đau ngực theo chu kỳ (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Có lý thuyết đã cho rằng các chất “phytoestrogens” (các hợp chất có trong thực vật với những đặc tính nhẹ giống estrogen) trong đậu nành có thể có ích cho phụ nữ tiền mãn kinh với chứng đau ngực theo chu kỳ. Tuy nhiên, do nghiên cứu ở người có giới hạn, nên không có đủ bằng chứng để đưa ra đề xuất hoặc phản đối cho việc dùng chất đạm của đậu nành trong bữa ăn để điều trị cho tình trạng đau ngực này.

Bệnh tiểu đường (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Một số nghiên cứu với qui mô nhỏ đã kiểm tra các tác dụng của những sản phẩm đậu nành ảnh hưởng đến lượng đường trong máu ở những người bị tiểu đường loại 2 (“bắt đầu lúc trưởng thành”). Các kết quả đã không thống nhất, với một số nghiên cứu cho rằng lượng đường được hạ thấp trong máu và một số thử nghiệm khác thì ghi nhận không có thay đổi. Nhìn chung, nghiên cứu trong lĩnh vực này không được thiết kế hay báo cáo thích hợp và cần phải có nhiều thông tin hợp lý hơn.

Gia tăng hiệu suất tập thể dục (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Chất đạm trong đậu nành đã được điều tra như là một nguồn chất đạm chứa các lợi ích tiềm ẩn cho hoạt động thể dục. Nhìn chung, kết quả nghiên cứu cho thấy chất đạm trong đậu nành là tốt hơn so với không có chất đạm, nhưng không chắc là sẽ tốt hơn các nguồn chất đạm khác. Cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa trong lĩnh vực này.

Sỏi mật (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Do nghiên cứu ở người còn hạn chế, nên không có đủ bằng chứng để đề xuất hoặc phản đối việc sử dụng đậu nành để chữa trị bệnh sỏi mật. Cần thêm nhiều nghiên cứu trước khi các đề xuất được đưa ra.

Hoạt động tiêu hóa (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Trong các nghiên cứu còn hạn chế hiện nay, sự bổ sung đường polysaccharide trong đậu nành trong các bữa ăn nhẹ giúp gia tăng độ ẩm trong phân và giảm số lượng phân lỏng. Người ta vẫn chưa biết rõ đường polysaccharide trong đậu nành có tác dụng tốt hơn các nguồn chất xơ khác trong trường hợp này không.

Cao huyết áp(chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Việc nghiên cứu tác dụng của đậu nành dùng trong bữa ăn đối với bệnh cao huyết áp ở người còn bị hạn chế. Có một nghiên cứu đã cho thấy rằng việc thay thế chất đạm không từ đậu nành(non-soy protein) bằng đậu nành rang (soy nuts) có thể giúp cải thiện huyết áp. Cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa trước khi một đề xuất chắc chắn được đưa ra.

Đau bụng ở trẻ sơ sinh (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Hiện nay vẫn còn thiếu bằng chứng khoa học để đề xuất hoặc phản đối việc sử dụng thức ăn dạng bột (hoặc lỏng) làm bằng đậu nành để chữa trị tính dễ bị khó chịu và tình trạng đánh hơi ở trẻ sơ sinh bị dị ứng với sữa bò thay thế cho thức ăn dạng lỏng làm bằng chất đạm của sữa bò đã được thủy phân phần nào.

Tình trạng viêm (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Hiện nay vẫn còn thiếu bằng chứng khoa học để đề xuất hoặc phản đối việc sử dụng chất đạm từ đậu nành cho tình trạng viêm (inflammation) kết hợp với việc lọc máu (loại bỏ các chất thải từ máu)

Chứng thiếu máu do thiếu chất sắt (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Hiện nay vẫn còn thiếu các bằng chứng khoa học để đề xuất hoặc phản đối việc sử dụng thức ăn dạng bột (hoặc lỏng) làm bằng đậu nành trong việc điều trị bệnh thiếu máu do thiếu chất sắt (iron deficiency anemia) ở trẻ em.

Các chứng bệnh về thận (suy thận mãn tính, hội chứng thận hư, nước tiểu có protein) (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Do nghiên cứu trên con người còn hạn chế, nên không có đủ bằng chứng để đề xuất hoặc phản đối việc dùng đậu nành trong việc điều trị các chứng bệnh về thận, chẳng hạn như hội chứng thận hư. Những người mắc phải các chứng bệnh về thận nên trao đổi với bác sĩ của họ về số lượng chất đạm trong bữa ăn được khuyến khích, bởi vì đậu nành là loại thực phẩm chứa hàm lượng chất đạm cao.

Các triệu chứng thời kỳ mãn kinh (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Nhìn chung, bằng chứng cho thấy rằng các sản phẩm đậu nành chứa các chất isoflavones có thể giúp làm giảm các triệu chứng vào thời kỳ mãn kinh, như cảm giác nóng ran (hot flashes). Cần có thêm nhiều nghiên cứu để chứng thực tác dụng này.

Chứng đau nửa đầu khi có kinh nguyệt (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Hợp chất phytoestrogen có thể giúp ngăn ngừa các cơn đau nửa đầu lúc có kinh nguyệt. Cần có thêm nhiều nghiên cứu trước khi đưa ra một đề xuất có tính thuyết phục.

Hội chứng chuyển hóa (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Với việc chữa trị bằng chất đạm trong đậu nành và đậu nành rang được kiểm tra xem xét ở các bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa (metabolic syndrome), và những ích lợi đã được tìm thấy ở lipit trong huyết thanh ở các bệnh nhân tiêu thụ đậu nành rang (soy nut) như một phần của phương pháp DASH (phương pháp ăn uống để ngăn chặn chứng cao huyết áp). Cần có thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này về sự bổ sung chất đạm từ đậu nành.

Ghi chú: Hội chứng chuyển hóa là một sự phối hợp của các rối loạn về sức khỏe làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch và tiểu đường.

Giảm cân và béo phì (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Có một nghiên cứu cho thấy rằng đậu nành có thể có tác dụng như sữa giảm béo, và có hiệu quả hơn một bữa ăn chứa ít hàm lượng calo trong việc giảm cân. Có nghiên cứu khác báo báo những kết quả đối lập lại. Cần có thêm nhiều nghiên cứu trước khi đưa ra một đề xuất có tính thuyết phục.

Viêm khớp xương (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Viêm khớp xương (Osteoarthritis) là một dạng viêm khớp do tình trạng phân hủy sụn gây ra.  Nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng việc tiêu thụ chất đạm trong đậu nành có thể có liên quan đến khả năng làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp xương.

Loãng xương (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Có lý thuyết đã cho rằng “các chất phytoestrogens trong đậu nành” (như isoflavones) có thể giúp gia tăng mật độ khoáng chất trong xương ở phụ nữ sau khi mãn kinh, và giúp hạ giảm các nguy cơ bị gãy xương. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận.

Chất lượng cuộc sống (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Tác dụng của đậu nành đến chất lượng cuộc sống đã được tìm thấy trong các nghiên cứu còn hạn chế. Cần có thêm nhiều nghiên cứu trước khi đưa ra các đề xuất.

Viêm thấp khớp (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Hiện tại chưa có đủ bằng chứng để đề xuất hoặc phản đối việc sử dụng đậu nành để điều trị bệnh viêm thấp khớp.

Lão hóa da (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Người ta vẫn chưa biết rõ là chất aglycone, một dạng chất isoflavone trong đậu nành, có thể cải thiện được làn da bị lão hóa ở phụ nữ trung niên khi được uống bằng miệng không. Cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa.

Tổn thương da do ánh nắng mặt trời (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Một loại kem có tác dụng tăng độ ẩm làm bằng đậu nành có thể giúp cải thiện các dấu hiệu tổn thương da do ánh nắng mặt trời, bao gồm tình trạng đổi màu, sưng tấy, da mờ nhạt, nếp nhăn, và toàn bộ cấu trúc da. Vì loại kem này chứa các thành phần khác bên cạnh đậu nành, do đó cần có thêm các nghiên cứu riêng về đậu nành.

Chấn thương ở tủy sống (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Chất đạm từ sữa bò (whey protein) thường được sử dụng như một nguồn cung cấp chất đạm để làm tăng lực. Có rất ít các nghiên cứu điều tra chất đạm trong đậu nành có thể được sử dụng để làm tăng khả năng đi bộ đối với các bệnh nhân bị tổn thương tủy sống một phần. Hiện tại chưa có đầy đủ chứng cứ để đề xuất hay phản đối việc sử dụng đậu nành trong việc điều trị giúp gia tăng tính linh hoạt ở các cá nhân bị tổn thương tủy sống.

Rối loạn tuyến giáp (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng những sản phẩm bổ sung từ đậu nành (thực phẩm chức năng làm bằng đậu nành) không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa.

Bệnh lao (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Đã có đề xuất rằng, đậu nành có thể giúp ích cho bệnh lao khi dùng kèm với các loại thuốc tiêu chuẩn.Theo nghiên cứu ban đầu, đậu nành có thể cải thiện quá trình giải độc, có tác dụng tích cực với gan, làm giảm sự tổn thương tế bào, và làm giảm sự viêm sưng. Do đó, các thực phẩm chức năng từ đậu nành có thể cho phép các bệnh nhân sử dụng an toàn liều lượng cao các loại thuốc kháng sinh, được dùng để điều trị bệnh lao.

Tăng cân (trẻ sơ sinh) (chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)

Trong nghiên cứu còn hạn chế, tập cho các trẻ sơ sinh bị dị ứng với sữa bò sử dụng thức ăn dạng bột (hoặc lỏng) làm bằng đậu nành sẽ có thể giúp hạ giảm chỉ số trọng lượng so với tuổi khi so sánh với các loại thức ăn dạng bột (hoặc lỏng) chứa chất đạm thủy phân (chia nhỏ). Cần có thêm nghiên cứu thêm trong lĩnh vực này.

CÁC TÁC DỤNG DỰA TRÊN TRUYỀN THỐNG HOẶC LÝ THUYẾT

Bệnh Alzheimer, chán ăn, chống lão hóa, trị nấm, viêm khớp, xơ vữa động mạch (xơ cứng động mạch), rối loạn khả năng tập trung và hoạt động (ADHD), chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, mật độ xương, gãy xương, sự tăng trưởng vú, viêm đại tràng, táo bón, u nang xơ, đau thần kinh thuộc về tiểu đường, giảm số lần té ở người lớn tuổi, sốt, tăng trưởng, nhức đầu, viêm gan (mãn tính), chức năng miễn dịch, cải thiện các vấn đề sức khỏe (nói chung), khối u xương ác tính, vô sinh, chất bôi da chống côn trùng cắn, chứng suy dinh dưỡng trẻ em, suy dinh dưỡng, nám (da đổi màu), tăng cường trí nhớ, chảy máu mũi (mãn tính), hội chứng u nang buồng trứng, các vấn đề về hô hấp (ho, đờm dãi), các bệnh về da, chứng huyết khối (máu đông), viêm âm đạo, chất điều hòa mạch máu, chữa lành vết thương.

LIỀU LƯỢNG

Các liều lượng dưới đây dựa trên các nghiên cứu khoa học, các công bố, phương thức sử dụng truyền thống, hoặc ý kiến của chuyên gia. Nhiều loại thảo dược và thực phẩm chức năng vẫn chưa được kiểm tra kỹ lưỡng, đồng thời tính an toàn và hiệu quả có thể chưa được chứng thực. Các nhóm thuốc có thể được sản xuất khác nhau, với các thành phần khác nhau, ngay cả trong cùng một loại. Các liều lượng dưới đây có thể không áp dụng cho tất cả các sản phẩm. Bạn nên đọc kỹ nhãn hướng dẫn của sản phẩm, và tham khảo liều lượng với các chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề trước khi bắt đầu điệu trị.

Người thành niên (trên 18 tuổi)

Đậu nành thường được tiêu thụ dưới dạng chất đạm dạng lỏng, bột đậu nành, đạm đậu nành phân lập (ví dụ Supro®), chất chiết xuất, chất xơ/ngũ cốc, hoặc sữa uống giải khát. Các nghiên cứu đã kiểm tra những ảnh hưởng của đậu nành (liều lượng từ 10 đến 106 g),với hàm lượng chất isoflavone từ 40 đến 120 mg, được tiêu thụ bằng miệng mỗi ngày, lên đến 12 tháng .

Một liều lượng khoảng 20 đến 106 gram đạm đậu nành, tiêu thụ bằng miệng, đã được nghiên cứu ở những người bị cao cholesterol.   Hàm lượng chất isoflavone thay đổi từ 60 đến trên 100 mg mỗi ngày. Mức cholesterol tổng cộng và cholesterol "xấu" (low-density lipoprotein) được giảm xuống ở những người sử dụng các liều lượng đạm đậu nành này. Có rất ít nghiên cứu về sữa đậu nành (400ml/ngày) ở phụ nữ tiền mãn kinh, với các báo cáo có lợi cho hàm lượng cholesterol.  Các liều lượng khác đã được nghiên cứu nhưng không được đề xuất do các bằng chứng khoa học hiện chưa đầy đủ.

Trẻ em (dưới 18 tuổi)

Do mối quan tâm về độ an toàn tiềm ẩn, một số bác sĩ chăm sóc sức khỏe nên tư vấn về sự lựa chọn các loại sữa cho trẻ sơ sinh.

TÍNH AN TOÀN

Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) không kiểm soát chặt chẽ các loại thảo dược và các loại thực phẩm chức năng.  Không có sự đảm bảo về nồng độ, độ nguyên chất hoặc tính an toàn của sản phẩm, cũng như các hiệu quả có thể khác nhau. Bạn phải luôn đọc nhãn hướng dẫn của sản phẩm. Nếu bạn đang bị bệnh, hoặc đang dùng các loại thuốc, các loại thảo dược hoặc các loại thực phẩm chức năng khác, thì bạn nên nói trao đổi với chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề trước khi bắt đầu dùng liệu pháp điều trị mới. Tư vấn với chuyên gia chăm sóc y tế ngay nếu như bạn gặp phải các tác dụng phụ.

Các tình trạng dị ứng

Đậu nành có thể đóng vai trò là chất gây dị ứng thực phẩm tương tự như sữa, trứng, đậu phụng, cá, và lúa mì. Các triệu chứng của tình trạng dị ứng tạo ra một loạt các phản ứng từ sổ mũi đến giảm huyết áp đột ngột.

Các tác dụng phụ và cảnh báo

Đậu nành đã được xem là yếu tố chính trong bữa ăn hàng ngày ở nhiều quốc gia trong hơn 5,000 năm qua, và nó dường như không gây ra các độc tính lâu dài. Ngoài các phản ứng dị ứng, rất ít các tác dụng phụ được báo cáo ở trẻ sơ sinh, trẻ em, và người thành niên.

Uống chất đạm đậu nành bằng miệng có liên quan đến các vấn đề về dạ dày và đường ruột, chẳng hạn như đầy hơi, buồn nôn, và táo bón. Các thay đổi về chất lượng phân đã được báo cáo. Có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng cũng được báo cáo xảy ra một cách đáng kể ở các trẻ sơ sinh được nuôi bằng thức ăn dạng bột (hoặc lỏng) làm từ đạm đậu nành, bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, giảm tăng trưởng, và tổn thương/chảy máu thành ruột.  Những người bị các rối loạn về đường ruột (viêm đại tràng) từ sữa bò cũng có thể bị dị ứng với thức ăn dạng bột (hoặc lỏng) làm từ đậu nành.

Căn cứ vào các báo cáo ở người và các nghiên cứu trên động vật, đậu nành có thể ảnh hưởng đến hàm lượng kích thích tố của tuyến giáp ở trẻ sơ sinh. Đã có một số ít các báo cáo về bệnh bướu cổ (cổ to ra do tuyến giáp gia tăng kích cỡ).   Hàm lượng kích thích tố sẽ trở lại bình thường sau khi ngưng dùng đậu nành. Các trẻ sơ sinh bú sữa đậu nành hoặc sữa bò cũng có thể có tỉ lệ mắc phải bệnh chàm bội nhiễm cao hơn so với các trẻ sơ sinh bú sữa mẹ.

Chứng đau nửa đầu cấp tính (đau nửa đầu cấp) cũng được báo cáo với việc dùng sản phẩm có chứa isoflavone của đậu nành. Dựa trên nghiên cứu ở động vật, về mặt lý thuyết thì tình trạng hủy hoại tuyến tụy có thể xảy ra do ăn thường xuyên đậu nành sống hay bột protein đậu nành được chế biến từ nguyên liệu sống, chưa rang, hay các hạt đậu nành chưa lên men.

Việc sử dụng đậu nành thường không được khuyến khích cho các bệnh nhân mắc các chứng bệnh ung thư bị nhạy cảm về kích thích tố, chẳng hạn như ung thư vú, ung thư buồng trứng, hay ung thư tử cung, do các quan ngại về các tác dụng tiềm tang giống estrogen (mà theo lý thuyết có thể  kích thích sự tăng trưởng khối u). Các trường hợp bệnh bị nhạy cảm về kích thích tố khác, như bệnh lạc nội mạc tử cung (endometriosis), theo lý thuyết thì cũng có thể trở nên xấu đi. Trong các nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, người ta chưa biết được rõ ràng là chất isoflavones có kích thích hay ức chế tác dụng của estrogen hay là cả hai tác dụng này không (hoạt động như là một chất kích thích thụ thể/chất ức chế thụ thể). Cho đến khi có thêm có nghiên cứu khác, thì các bệnh nhân mắc phải các chứng bệnh này phải nên thận trọng và trao đổi với chuyên gia chăm sóc y tế trước khi bắt đầu sử dụng.

Người ta chưa biết được là đậu nành hay chất isoflavones trong đậu nành có tác dụng phụ tương tự như estrogens không, chẳng hạn như làm gia tăng các nguy cơ hình thành các huyết khối. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng các chất isoflavones trong đậu nành, không giống như estrogen, không tạo ra sự hình thành nội mạc tử cung (endomertrium).

Đã có một báo cáo về tình trạng còi xương do thiếu Vitamin D ở trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa đậu nành (loại không dành riêng cho trẻ sơ sinh). Các bệnh nhân nên tham khảo ý kiến với bác sĩ để có đề xuất về việc dùng sữa mẹ và các thức ăn dạng bột (hoặc lỏng) có đầy đủ các giá trị dinh dưỡng.

Mang thai và cho con bú

Đậu nành, một phần trong chế độ ăn uống hàng ngày, theo truyền thống được xem là an toàn trong thời gian mang thai và cho con bú, mặc dù các nghiên cứu khoa học vẫn còn hạn chế trong lĩnh vực này. Tác dụng của việc tiêu thụ đậu nành hoặc các chất isoflavones vời liều lượng cao ở người vẫn chưa rõ ràng, và do đó không được khuyến khích.

Nghiên cứu mới đây cho thấy rằng các chất isoflavones, mà có thể có các đặc tính giống như estrogen, được truyền từ sữa mẹ đến con. Liều lượng cao các chất isoflavones được cho các động vật mang thai sử dụng sẽ dẫn đến việc tạo thành các khối u, và làm biến đổi kết quả sinh sản, mặc dù điều này chưa được thử nghiệm ở người.

Trong một nghiên cứu ở người, trẻ sơ sinh nam được sinh ra từ những phụ nữ dùng sữa đậu nành hoặc các sẩn phẩm đậu nành trong thời gian mang thai thì thường dễ bị mắc phải tật lỗ tiểu lệch dưới (hypospadias: một dị tật bẩm sinh, trong đó lỗ niệu, nơi nước tiểu đi qua, nằm ở vị trí không bình thường ở mặt dưới dương vật). Tuy nhiên, có các nghiên cứu khác ở người và động vật đã kiểm tra giống đực hay giống cái được nuôi bằng sữa đậu nành khi còn thơ ấu, và đã không tìm thấy sự bất thường nào về sự phát triển lúc còn nhỏ, chu vi đầu, chiều cao, cân nặng, thời điểm xuất hiện tuổi dậy thì, kinh nguyệt, hay khả năng sinh sản.

Nghiên cứu ở trẻ em trước 1 tuổi cho thấy rằng, sự thay thế sữa bò bằng sữa đậu nành có thể liên quan đến tình trạng giảm mật độ khoáng chất trong xương một cách đáng kể. Các phụ huynh đang có ý định dùng sữa đậu nành nên trao đổi với bác sĩ để đảm bảo số lượng vitamin và khoáng chất thích hợp được cung cấp bởi thức ăn dạng bột (hoặc lỏng) này.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Các thông tin này về bệnh nhân được dựa trên một đề tài nghiên cứu chuyên nghiệp được chỉnh sửa và xem xét lại bởi các cộng tác viên của Trung Tâm Nghiên Cứu Tiêu Chuẩn Tự Nhiên (Natural Standard Research Collaboration) (www.naturalstandard.com)

CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO ĐƯỢC CHỌN LỰA

Allison DB, Gadbury G, Schwartz LG, et al. A novel soy-based meal replacement formula for weight loss among obese individuals: a randomized controlled clinical trial. Eur J Clin Nutr 2003;57(4):514-522.
Berseth CL, Johnston WH, Stolz SI, et al. Clinical response to 2 commonly used switch formulas occurs within 1 day. Clin Pediatr (Phila) 2009;48(1):58-65.
Campbell CG, Brown BD, Dufner D, et al. Effects of soy or milk protein during a high-fat feeding challenge on oxidative stress, inflammation, and lipids in healthy men. Lipids 2006 Mar;41(3):257-65.
Fournier LR, Ryan Borchers TA, Robison LM, et al. The effects of soy milk and isoflavone supplements on cognitive performance in healthy, postmenopausal women. J Nutr Health Aging. 2007 Mar-Apr;11(2):155-64.
Gasteyger C, Larsen TM, Vercruysse F, et al. Effect of a dietary-induced weight loss on liver enzymes in obese subjects. Am J Clin Nutr 2008;87(5):1141-1147.
Hooper L, Kroon PA, Rimm EB, et al. Flavonoids, flavonoid-rich foods, and cardiovascular risk: a meta-analysis of randomized controlled trials. Am J Clin Nutr 2008;88(1):38-50.
Izumi T, Saito M, Obata A, et al. Oral intake of soy isoflavone aglycone improves the aged skin of adult women. J Nutr Sci Vitaminol (Tokyo) 2007 Feb;53(1):57-62.
Kerstetter JE, Wall DE, O'Brien KO, et al. Meat and soy protein affect calcium homeostasis in healthy women. J Nutr 2006 Jul;136(7):1890-5.
Koo WW, Hammami M, Margeson DP, et al. Reduced bone mineralization in infants fed palm olein-containing formula: a randomized, double-blinded, prospective trial. Pediatrics 2003;111(5 Pt 1):1017-1023.
Kreijkamp-Kaspers S, Kok L, Grobbee DE, et al. Effect of soy protein containing isoflavones on cognitive function, bone mineral density, and plasma lipids in postmenopausal women: a randomized controlled trial. JAMA 2004;292(1):65-74.
Lichtenstein GR, Deren JJ, Katz S, et al. Bowman-Birk inhibitor concentrate: a novel therapeutic agent for patients with active ulcerative colitis. Dig Dis Sci 2008;53(1):175-180.
MacGregor CA, Canney PA, Patterson G, et al. A randomised double-blind controlled trial of oral soy supplements versus placebo for treatment of menopausal symptoms in patients with early breast cancer. Eur J Cancer 2005;41(5):708-714.
Nelson HD, Vesco KK, Haney E, et al. Nonhormonal therapies for menopausal hot flashes: systematic review and meta-analysis. JAMA 2006 May 3;295(17):2057-71.
Romualdi D, Costantini B, Campagna G, et al. Is there a role for soy isoflavones in the therapeutic approach to polycystic ovary syndrome? Results from a pilot study. Fertil Steril 2008;90(5):1826-1833.
Tice JA, Ettinger B, Ensrud K, et al. Phytoestrogen supplements for the treatment of hot flashes: the Isoflavone Clover Extract (ICE) Study: a randomized controlled trial. JAMA 2003;290(2):207-214.


Nguồn(Source):





0 comments:

Post a Comment