Tuesday, November 18, 2014

TIN TỨC Y HỌC - Do LQT Biên Dịch




HỌC MỘT NGÔN NGỮ MỚI GIÚP THAY ĐỔI NÃO Ở MỌI LỨA TUỔI


Học một ngôn ngữ mới giúp thay đổi mạng lưới thần kinh não của bạn cả về cấu trúc lẫn chức năng, theo các nhà nghiên cứu tại trường Đại Học Tiểu Bang Pennsylvania (Pennsylvania State University).


“Học và thực hành một môn nào đó, chẳng hạn như một ngôn ngữ thứ hai, sẽ làm cho não của bạn khỏe mạnh hơn”, theo lời tiến sĩ Ping Li, giáo sư tâm lý học, ngôn ngữ học và công nghệ thông tin.  “Tương tự như tập thể dục, bạn càng sử dụng những khu vực nào đó ở não càng nhiều, thì chúng càng phát triển và càng trở nên khỏe mạnh hơn”.

Tiến sĩ Li và các đồng nghiệp đã nghiên cứu 39 bộ não của những người với tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ trong khoảng 6 tuần, với một nửa số tình nguyện viên trong số này đã học từ vựng tiếng Trung.  Trong số những đối tượng học từ vựng mới này, thì những người lĩnh hội ngôn ngữ một cách thành công hơn đã cho thấy mạng lưới thần kinh não kết nối tốt hơn so với những tình nguyện viên ít thành công hơn và những người không học ngôn ngữ mới này.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy rằng những tình nguyện viên tỏ ra thành công trong quá trình học ngôn ngữ này cũng có mạng lưới thần kinh kết nối tốt hơn so với những tình nguyện viên khác ngay cả trước khi quá trình học bắt dầu.  Não có mạng lưới thần kinh kết nối tốt hơn sẽ trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn, làm cho khả năng học một ngôn ngữ mới dễ dàng hơn.  Tiến sĩ Li và các đồng nghiệp đã công bố các kết quả nghiên cứu của họ trên Tạp Chí Ngôn Ngữ Học Thần Kinh (Journal of Neurolinguistics).

Tính hiệu quả của các mạng lưới thần kinh não đã được các nhà nghiên cứu định nghĩa dựa trên cường độ và phương hướng của các kết nối giữa các vùng được quan tâm, hoặc các hạch.  Cường độ của các kết nối đi từ hạch này đến hạch kế tiếp càng lớn, thì các hạch càng có thể làm việc với nhau nhanh hơn, và mạng lưới thần kinh càng trở nên hiệu quả hơn.

Mỗi tình nguyện viên đã được tiến hành chụp lướt MRI chức năng (functioning MRI scan) 2 lần – một lần trước khi cuộc nghiên cứu bắt đầu và một lần sau đó – để giúp cho các nhà nghiên cứu theo dõi những thay đổi thần kinh.  Vào thời điểm kết thúc cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm thấy rằng não của những người học thành công ngôn ngữ này đã có những thay đổi về chức năng – mạng lưới thần kinh não điều hợp tốt hơn.

Những sự thay đổi này, tiến sĩ Li và các đồng nghiệp đề xuất trong khi xem xét một số nghiên cứu liên quan, phù hợp với những thay đổi về cấu trúc mà chúng có thể xảy ra trong não do quá trình học một ngôn ngữ thứ hai, bất kể độ tuổi của người học, khi họ báo cáo trong số ra mới đây trên tạp chí Cortex.

“Một kết quả rất thú vị cho thấy rằng, trái ngược với những nghiên cứu trước đây, não có độ linh hoạt cao hơn là chúng ta đã từng nghĩ”, theo lời tiến sĩ Li, ông cũng là đồng chủ tịch của chương trình cao học liên ngành khoa học thần kinh (interdisciplinary graduate degree program in neuroscience).  “Chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những thay đổi về cấu trúc não (ở người cao tuổi), mà đây là thông tin rất đáng khích lệ cho quá trình lão hóa.  Do đó, học thêm một ngôn ngữ có thể giúp đưa đến một quá trình lão hóa đáng yêu hơn”.

Trong lúc đó, tiến sĩ Li và các đồng nghiệp đã bắt đầu nghiên cứu những phương pháp tương tác để giảng dạy ngôn ngữ sử dụng các môi trường 3D ảo với quá trình học theo từng tình huống nhằm giúp não tạo ra những sự kết nối mới hiệu quả hơn.  Các nghiên cứu này chứa đựng những triển vọng về tiến trình học một ngôn ngữ mới ở người thành niên thực sự có thể dẫn đến những thay đổi cả về hành vi lẫn thể chất, mà những thay đổi này có thể gần giống với những mô hình học một ngôn ngữ thứ hai ở trẻ em. (Trở về đầu trang)




THÁI CỰC QUYỀN GIÚP GIẢM VIÊM Ở NHỮNG NGƯỜI SỐNG SÓT BỆNH UNG THƯ VÚ


Các nhà nghiên cứu tại Đại Học UCLA (University of California at Los Angeles) đã khám phá ra rằng thái cực quyền (tai chi) có thể giúp giảm viêm ở những người đã từng bị ung thư vú (breast cancer), do đó giảm bớt được một yếu tố nguy cơ tái phát bệnh ung thư này.


Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những phụ nữ được chẩn đoán bị bệnh ưng thư vú trong vòng 10 năm qua có nhiều khả năng bị mất ngủ.  Chứng mất ngủ (insomnia) có thể làm tăng tình trạng viêm, khiến cho những người sống sót bệnh ung thư vú có nguy cơ tái phát căn bệnh này cũng như bệnh tim mạch.

Do bác sĩ Michael Irwin thuộc Trung Tâm Ung Thư Jonsson UCLA (UCLA Jonsson Comprehensive Cancer Center) dẫn đầu, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trong 5 năm từ tháng 4 năm 2007 đến tháng 8 năm 2013.  Nhóm nghiên cứu của ông đã kiểm tra phân tích các mẫu máu từ 90 tình nguyện viên có độ tuổi từ 30 đến 85, trước và sau khi họ bắt đầu tập thái cực quyền.

“Khi tập thái cực quyền, các hooc môn tạo stress do hệ thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system) sản sinh sẽ giảm xuống”, theo lời bác sĩ Irwin, giáo sư giảng dạy tâm thần học (psychiatry) và khoa học hành vi sinh học (biobehavioral science) tại trường UCLA.

Bác sĩ Irwin và các đồng nghiệp của ông cũng khám phá ra rằng thái cực quyền thư giãn cơ thể đến một điểm nào đó mà nó có thể giúp giảm viêm, tình trạng viêm này thường được nhìn thấy ở đa số những người sống sót bệnh ung thư vú sau khi điều trị.

“Chúng tôi đã nhìn thấy rằng thái cực quyền đảo ngược quá trình viêm tế bào, bằng cách giảm sản sinh các gen dẫn đến viêm”, bác sĩ Irwin nói.  “Thái cực quyền là một môn thiền vận động, và chúng tôi cũng đã phát hiện rằng các tác dụng kháng viêm tương tự xảy ra khi người ta thực hành các hình thức thiền khác”. 

Bác sĩ Irwin nói rằng ông hy vọng môn thể dục này sẽ trở nên phổ biến, đặc biệt ở những cộng đồng có thu nhập thấp, vì nhiều người trong cộng đồng này không được tiếp cận với việc điều trị ung thư vú tức thời.

Linda Tucker, người sống sót bệnh ung thư vú hai lần, đã có nhiều đêm mất ngủ.

“Tôi hoàn toàn không ngủ được, cặp mắt của tôi không sao nhắm lại được, cơ thể của tôi không thể thư giãn và tôi thường thức cho đến 6 giờ sáng”, bà Tucker nói.

Với nỗ lực tìm kiếm cách chữa khỏi tình trạng mất ngủ của mình, bà Tucker đã quyết định tham gia vào nghiên cứu thái cực quyền của bác sĩ Irwin tại Đại Học UCLA, cho dù ban đầu bà đã có thái độ hoài nghi.

“Tôi tự nói với bản thân rằng, đây chắc chỉ là một trò đùa, chắc chắn không mang lại hiệu quả.  Nhưng chỉ sau 2 lần tập, tình trạng mất ngủ đã bắt đầu chấm dứt”, bà nói.  “Tôi cảm thấy được sự bình an trong tâm hồn”. (Trở về đầu trang)


XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ ĐAU MÃN TÍNH Ở NÃO

Y học đang tìm kiếm vị trí cơn đau cư trú trong não – và nhiều phương pháp mới để giảm nhẹ nỗi thống khổ này.

Hãy tưởng tượng đang nằm trong một máy chụp MRI đồ sộ, đầu của bạn được một cái “bánh doughnut” màu trắng rộng 3 m bao quanh.  Trong lúc bạn nằm đó, mơ màng, thì các nhà khoa học ở phòng bên cạnh theo dõi những mô hình hoạt động lập lòe xung quanh trong não bạn.


Rồi bất ngờ có người lẽn vào dùng nĩa (fork) để đâm vào bàn tay của bạn.  Các tín hiệu thần kinh truyền lên cột sống, sau đó lan tỏa khắp các vùng não: Các nhà khoa học ở phòng bên cạnh không nhìn thấy được những gì đã xảy ra.  Nhưng vì họ đang nhìn vào những hình ảnh của não bạn trên màn hình theo dõi, thì chắc chắn họ không thể nào bỏ sót những gì mà bạn vừa cảm nhận.  Cảm giác mãnh liệt như thế lẽ ra phải tỏa sáng hình chụp MRI như một cây Giáng Sinh, đúng không?

Không.  Thật vậy, họ không thể giải mã cảm giác đau của bạn, theo lời giáo sư Sean Mackey, chuyên gia nghiên cứu tình trạng đau tại Trung Tâm Quản Lý Đau (Division of Pain Management) thuộc trường Đại Học Stanford.  “Bạn có thể xác định được khi nào một người cảm thấy bị đau không? Không thể nào”, ông nói.  “Cho đến nay, chưa có ai có thể làm được điều đó”.  Vấn đề cơ bản này (không ai có thể phát hiện được tình trạng đau ngoài cá nhân đang chịu đựng nó) là một lý do quan trọng tại sao tình trạng đau rất khó điều trị.  Điều đáng buồn là, không có cách nào để đo lường được cơn đau ngoài việc hỏi bạn mức độ bị đau như thế nào.

Vấn đề thiếu kiến thức này đã tạo ra những hệ quả nghiêm trọng trong các trường hợp đau mãn tính (chronic pain).  Mọi người chúng ta ai cũng đã từng gặp phải tình trạng đau cấp tính (acute pain), chẳng hạn như cảm giác đau nhói khi bị ong chích hoặc cảm giác đau điếng khi bị vấp ngón chân.  Các cảm giác đau này sẽ tự biến mất.  Đau mãn tính tỏ ra dai dẳng hơn nhiều, kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm và thường đề kháng lại tất cả các loại thuốc và phương pháp điều trị.  Tình trạng đau này có thể phát sinh từ những thương tổn hoặc từ các chứng bệnh nghiêm trọng, hoặc nó có thể xuất hiện mà không rõ nguyên nhân.  

Đối với bà Mariann Farrell, tình trạng đau mãn tính bắt đầu khi bà bị tai nạn xe cách đây gần 30 năm.  Cơn đau lan tỏa từ lưng đến chân, cổ và vai của bà, khiến cho bà phải nằm liệt giường suốt một năm.  “Tôi luôn chờ đợi cho cơn đau này biến mất, nhưng nó cứ kéo dài dai dẳng”, theo lời bà Farrell, người đang giúp đỡ cho một nhóm hỗ trợ đau mãn tính gần thành phố Pittsburgh.  “Cuộc sống của tôi bỗng dưng bị đảo lộn”.  Bà phải nghỉ việc trong khi đang làm giáo viên, và tình trạng đau này đã phá hỏng cuộc sống cá nhân của bà: “Tôi không thể làm người mẹ hoặc người vợ như mong ước”.

Cuối cùng, bà được chẩn đoán mắc phải hội chứng đau cơ khớp (fibromyalgia), một tình trạng bệnh khó giải thích, nó thường gây đau bại khắp cơ thể - cơ, xương, khớp và gân.  Thường không có chứng cứ gây ra cơn đau này, do đó không thể nào đo cơn đau được một cách độc lập.  Kết quả là, những người giống như trường hợp của bà Farrell thường khó tìm được những phương pháp điều trị hiệu quả hoặc một bác sĩ nghiên cứu cách điều trị tình trạng đau của họ một cách nghiêm túc.  Điều đáng tiếc là, câu chuyện của bà Farrell lại rất phổ biến: Gần như 1 trong 3 người dân Hoa Kỳ mắc phải một dạng đau mãn tính, với phí tổn được ước tính khoảng trên 600 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Nhìn Thấy Vị Trí Đau Trong Não

Một bước quan trọng hướng tới việc giúp đỡ những người như bà Farrell, tiến sĩ Mackey nói, là học cách nhận diện cơn đau mãn tính trong não.  Trong khoảng thời gian 15 năm, ông đã điều tra kết cấu thần kinh của cơn đau bằng phương pháp tạo hình thần kinh (neuroimaging).  Ông đang tìm cách để đo cơn đau một cách khách quan và hiểu rõ hơn về nó, để có thể điều trị tình trạng đau. 

Giáo sư Mackey, một chuyên gia gây mê và có bằng kỹ sư điện, đã bắt đầu nghiên cứu bằng cách sử dụng các hình chụp lướt để quan sát điều gì xảy ra khi một người có cảm giác bị đau một cách đột ngột.  Trong các thí nghiệm vào năm 2010, ông đã thổi một luồng hơi nóng vào người của 24 tình nguyện viên khỏe mạnh trong lúc họ đang nằm trong máy chụp MRI.  Ông đã phát minh một loại máy – học cách giải thuật – một chương trình vi tính – có thể xử lý tất cả các dữ liệu phức tạp từ các hình chụp lướt não để xác định những khu vực nào thường xuyên hoạt động trong thời gian xuất hiện cơn đau.  Với 8 tình nguyện viên đầu tiên, thuật giải được cung cấp thông tin đối tượng có cảm giác bị đau hay không để nó có thể phát triển một tập hợp các quy luật.  Đối với 16 đối tượng kế tiếp, hệ thống này phải phán đoán.  Nó có thể xác định được sự khác biệt giữa đau và không đau với độ chính xác là 80%.

Phân Tích Cơn Đau

Đây là một sự khởi đầu đầy hứa hẹn, nhưng giáo sư Mackey hiểu rằng việc quan sát cơn đau tạm thời ở những tình nguyện viên khỏe mạnh còn rất xa để hiểu được nỗi khổ sở chịu đựng cơn đau mãn tính.  Kiểm tra phân tích cấu trúc não có thể thay đổi theo thời gian, và ông nghi ngờ rằng cơn đau mãn tính có thể tạo ra một dấu ấn thể lý trên não, có thể nói là giống như một vết sẹo.  Do đó, ông chuyển sang sử dụng phương pháp chụp MRI cấu trúc (structural MRI) để tìm kiếm những thay đổi trong mật độ não.  Ông đã nghiên cứu 94 cá nhân, một nửa trong số đó không bị bất kỳ vấn đề đau nhức nào và một nửa bị đau vùng thắt lưng trong ít nhất là 6 tháng.

Kiểm tra phân tích của ông, được công bố vào cuối năm 2012, đã cung cấp tư liệu một mô hình về những thay đổi ở tất cả các khu vực não của các tình nguyện viên bị đau mãn tính.  Hạch hạnh nhân (amygdale), vùng kiểm soát trí nhớ và cảm xúc, trở nên ít dày hơn như mong đợi.  Mật độ (độ dày) thấp thường có nghĩa rằng các thân tế bào thần kinh, được gọi là chất xám, hoặc chất liệu bao quanh chúng, bị mỏng dần hoặc chết đi.  Nhưng phần mô ở vỏ não cảm giác (sensory cortex), tiểu não (cerebellum: điều phối sự vận động) và vỏ trước chán lưng bên (dorsolateral prefrontal cortex) lại trở nên dày hơn bình thường, các khu vực não này kiểm soát các hoạt động phức tạp hơn chẳng hạn như lên kế hoạch vận động và lý luận trừu tượng.

Những thay đổi về mật độ não có thể có nghĩa là những vùng não này không hoạt động bình thường, nhưng giáo sư Mackey không biết được lý do tại sao các vùng này lại đặc biệt bị ảnh hưởng.  Người ta vẫn không biết rõ tình trạng đau mãn tính có phải là nguyên nhân không; những thay đổi về mật độ có thể thực sự là nguyên nhân gây ra cơn đau.  Điều người ta biết rõ là cơn đau có một đặc tính riêng biệt, các mô ở não trở nên phần nào dày hơn và mỏng hơn.  Sử dụng điểm đặc thù này, hệ thống có thể phát hiện những người bị đau lưng với độ chính xác là 76%.

Đây là một bước nhảy vọt hướng tới mục tiêu của ngành khoa học điều trị cơn đau, nhắm đến (những) vùng não bị cơn đau mãn tính làm thay đổi và thiết kế một phương pháp điều trị (một loại thuốc hoặc có thể là phương pháp kích thích điện) mà có thể hiệu chỉnh các tế bào thần kinh hoạt động không bình thường trong vùng não đó.  “Có sự khác biệt gì trong não của những bệnh nhân bị đau vùng thắt lưng – mật độ chất xám giảm xuống?  Kích thích điện tăng lên?” giáo sư Mackey đặt câu hỏi.  “Có cách nào chúng ta có thể kích thích vùng não này để chống lại tình trạng đó không?”

Không Có Cửa Sổ Đi Vào Tâm Hồn

Khả năng đo lường cơn đau bằng máy đã tạo ra những vấn đề tranh cãi mới.  Các luật sư cũng như những nhà bảo hiểm đều đặt câu hỏi cho giáo sư Mackey rằng máy chụp não của ông có thể được dùng để chứng minh rằng những người than phiền bị chấn thương đang nói dối không.  Tuy nhiên, máy chụp não này không đủ tin cậy – và có lẽ chẳng bao giờ có khả năng – để mở ra cửa sổ của tâm hồn.  “Máy chụp não này không phải được phát minh cho mục đích phát hiện những người nói dối bị đau nhức, ông nói.  “Tôi hoàn toàn phản đối ứng dụng này, đặc biệt với công nghệ chúng ta có được vào thời điểm này”.

Một số nhà nghiên cứu tình trạng đau, chẳng hạn như Michael Robinson của Trung Tâm Nghiên Cứu Tình Trạng Đau và Sức Khỏe Hành Vi(Center for Pain Research and Behavioral Health) thuộc trường Đại Học Florida (University of Florida), lo sợ rằng sử dụng phương pháp tạo hình thần kinh để chẩn đoán tình trạng đau mãn tính có thể bị chi phối và không tập trung đối phó với vấn đề thực sự: tình trạng đau của bệnh nhân.  Ông lo ngại rằng các bác sĩ sẽ tập trung quá nhiều và các hình chụp lướt.  “Ngay cả kỹ thuật tạo hình tinh vi nhất cũng không thể thay thế cho những báo cáo về tình trạng đau của bệnh nhân”, ông lý luận.  “Bạn thực sự nghĩ rằng các bệnh nhân bị đau lưng không thể nói cho bạn biết chỗ nào họ bị đau sao?”

Giáo sư Mackey và các đồng nghiệp của ông đáp lại rằng mặc dù lắng nghe bệnh nhân một cách cẩn thận là một yếu tố cần thiết cho việc chăm sóc bệnh hợp lý, nhưng điều này thường không tiết lộ các nguyên nhân gây đau tận gốc.  Nhìn vào mật độ hoặc các hoạt động não sẽ có nhiều khả năng tiết lộ cách thức các tình trạng này xuất hiện hơn, và đề xuất cách điều trị một cách hiệu quả hơn.

Tình trạng đau của bà Farrell phần nào được thuyên giảm nhờ sử dụng thuốc.  Nhưng bà, cùng với hàng triệu bệnh nhân bị đau mãn tính khác, đang chờ đợi một giải pháp hữu hiệu hơn.  “Chúng tôi vẫn có thể hoạt động và sống tốt”, bà nói.  “Nhưng cuộc sống không còn giống như trước đây nữa”. (Trở về đầu trang)


MUỐN CẢI THIỆN TRÍ NHỚ - HÃY NGHĨ ĐẾN SÔCÔLA

Khoa học đang tiến thêm một bước gần hơn để chứng minh rằng một chất chống oxy hóa trong sôcôla có khả năng cải thiện một số kỹ năng nhớ mà con người mất dần theo thời gian.

Trong một nghiên cứu nhỏ đăng trên tạp chí Khoa Học Thần Kinh Tự Nhiên (Nature Neuroscience), những người khỏe mạnh, tuổi từ 50 – 69, được cho tiêu thụ một hợp chất giàu các chất chống oxy hóa có tên là cocoa flavanol trong 3 tháng, đã có những biểu hiện tốt hơn trong một cuộc kiểm tra trí nhớ so với những người được cho tiêu thụ hỗn hợp với hàm lượng thấp flavanol.


Nói chung, sự cải thiện trí nhớ ở những người tiêu thụ liều lượng cao chất flavanol có ý nghĩa rằng họ có biểu hiện giống như những người trẻ hơn từ 20 đến 30 tuổi trong các nhiệm vụ kiểm tra trí nhớ của nghiên cứu này, theo lời Scott A. Small, bác sĩ chuyên khoa thần kinh tại Trung Tâm Y Tế Đại Học Columbia và là tác giả chính của nghiên cứu.  Những người này đã có biểu hiện tốt hơn những người trong nhóm tiêu thụ chất flavanol có hàm lượng thấp với tỷ lệ là 25%.

“Một kết quả khá thú vị”, theo lời tiến sĩ Craig Stark, nhà sinh học thần kinh tại trường Đại Học California (University of California), ở Irvine, mà ông không tham gia vào nghiên cứu này.  “Đây là một nghiên cứu khởi đầu, và tôi phần nào xem nghiên cứu này như một phát súng mở đầu”.

Ông nói thêm, “Hãy xem đây, đó là sôcôla.  Có ai lại không thích ăn sôcôla chứ?”

Các kết quả này chứng thực nghiên cứu gần đây liên quan đến các chất flavanol, đặc biệt là chất epicatechin, với khả năng cải thiện tuần hoàn máu, sức khỏe tim mạch và trí nhớ ở loài chuột, ốc sên và con người.  Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng nghiên cứu này, mặc dù chỉ bao gồm 37 tình nguyện viên và được tài trợ một phần bởi công ty sản xuất sôcôla Mars Inc, đã đi khá xa và là một thử nghiệm ngẫu nhiên, được kiểm soát chặt chẽ, cũng như được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm.

Bên cạnh những cải thiện trong kiểm tra trí nhớ này – một kiểm tra mô hình nhận thức (pattern recognition test) bao gồm dạng kỹ năng được sử dụng trong việc ghi nhớ nơi bạn đậu xe hoặc nhớ lại gương mặt của ai đó mà bạn vừa gặp – các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự gia tăng hoạt động ở một khu vực thuộc cấu trúc hải mã có tên là nếp cuộn răng cưa (dentate gyrus), khu vực này được xem có liên quan đến kỹ năng nhớ này.

“Xem ra thật là thú vị để nhìn thấy kết quả này trong 3 tháng”, theo lời của Steven DeKosky, một bác sĩ chuyên khoa thần kinh và giáo sư khách tại trường Đại Học Pittsburgh (University of Pittsburgh).  “Họ đã tìm thấy sự gia tăng hoạt động đáng kể này trong một khu vực ở não mà chúng ta đều biết có liên quan đến sự thay đổi trí nhớ gắn liền với tuổi tác”.

Không có sự gia tăng hoạt động ở một khu vực khác thuộc cấu trúc hải mã, vỏ trong rãnh mũi (entorhinal cortex), khu vực này bị suy yếu vào lúc bắt đầu mắc bệnh Alzheimer.  Điều đó củng cố quan điểm cho rằng tình trạng suy giảm trí nhớ do tuổi tác là hoàn toàn không liên quan và cho rằng các chất flavanol có thể không giúp ích cho bệnh Alzheimer, mặc dù các chất này có thể làm chậm tiến trình mất trí nhớ thông thường.

Tuy nhiên, trừ khi bạn tích trữ sôcôla cho dịp lễ Halloween, đừng vội vã đi mua các thanh sôcôla.  Để tiêu thụ số lượng chất epicatechin hằng ngày của nhóm chứa hàm lượng cao flavonol, khoảng 139 mg, phải cần ăn ít nhất 300 g sôcôla đen mỗi ngày – khoảng 7 thanh sôcôla có kích cỡ trung bình.  Hoặc tiêu thụ khoảng 100 g bột cacao không đường, nhưng nồng độ thay đổi khác nhau tùy theo quá trình chế biến sôcôla.  Sôcôla sữa (milk chocolate) bị mất đi chất epicatechin nhiều nhất. 

“Bạn cần phải ăn một số lượng lớn sôcôla”, cùng với chất béo và số lượng calorie đi kèm, theo lời tiến sĩ Hagen Schroeter, giám đốc nghiên cứu sức khỏe và dinh dưỡng cơ bản cho công ty Mars, công ty này tài trợ cho nhiều nghiên cứu về chất flavanol.  Công ty Mars đã tài trợ 50% cho nghiên cứu này; các nhà tài trợ khác là Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) và hai tổ hai chức nghiên cứu khác.

“Các thanh kẹo (candy bar) thậm chí không chứa nhiều sôcôla”, tiến sĩ Schroeter nói.  Và “đa số sôcôla được chế biến thông qua một quá trình gọi là kiềm hóa (alkalization).  Đó giống như là độc tố đối với chất flavanol”.

Nghiên cứu của trường Đại Học Columbia có những hạn chế quan trọng.  Ví dụ, những đòi hỏi dinh dưỡng hằng ngày duy nhất là 900 mg flavanol với 138 mg epicatechin hoặc 10 mg flavanol với chưa đến 2 mg epicatechin, do đó những tình nguyện viên có thể đã ăn những thực phẩm khác mà có thể góp phần tạo ra kết quả này.

Mặc dù các nhà nghiên cứu cũng yêu cầu một nửa số tình nguyện viên khỏe mạnh, ít hoạt động, trong mỗi nhóm tập thể dục 4 ngày mỗi tuần, nhưng điều đáng ngạc nhiên là tập thể dục không tác động đến trí nhớ và các chức năng não.

Bác sĩ Small, trước đây trong nghiên cứu của ông đã tìm thấy rằng tập thể dục giúp ích cho chức năng hoạt động của cấu trúc hải mã ở những người trẻ tuổi, đã cho rằng có thể phải cần đến các bài tập thể dục ở cường độ cao để có thể ảnh hưởng đến não của những người cao tuổi.

“Đây là một nghiên cứu rất đặc sắc và thú vị, nhưng cũng có một số những cảnh báo”, theo lời tiến sĩ Kenneth S. Kosik, chuyên gia khoa học thần kinh tại trường Đại Học California (University of California), ở Santa Barbara.  “Nhiều người sẽ nói rằng: Xem ra tôi có thể ăn nhiều thanh kẹo và không cần phải tập thể dục.  Do đó, nghiên cứu này cần phải được thực hiện với quy mô lớn hơn”.

Đã có nhiều nghiên cứu quy mô lớn được lên kế hoạch.  Để giải thích lý do tại sao các chất flavanol có thể giúp ích cho trí nhớ, có một giả thuyết cho rằng các chất này giúp cải thiện sự tuần hoàn máu; một giả thuyết khác (được bác sĩ Small ủng hộ) thì cho rằng các chất này giúp cho các sợi nhánh thần kinh(dendrite: các nhánh tiếp nhận thông tin của các tế bào thần kinh) phát triển.

“Mọi người đều tỏ ra thận trọng về các chất chống oxy hóa, nhưng đây là một chủ đề hoàn toàn khác nằm ngoài sự tưởng tượng của chúng ta, một nghiên cứu thực sự đặc sắc”, giáo sư DeKosky nói.

Được hỏi liệu ông có muốn ăn thêm nhiều sôcôla không, giáo sư DeKosky nói, “Đương nhiên, nhưng để có được trí nhớ tốt hơn thì các thanh sôcôla xem ra vẫn chưa đủ”. (Trở về đầu trang)




THUỐC ĐIỀU TRỊ VI KHUẨN CLOSTRIDIUM DIFFICILE


Clostridium difficile, hoặc thường được gọi tắt là “C. diff”, là một loại vi  khuẩn nguy hiểm, gây ra 14 000 trường hợp tử vong ở Hoa Kỳ mỗi năm.  Những người có nhiều nguy cơ nhất là những người có các tình trạng bệnh lý đòi hỏi sử dụng thuốc kháng sinh dài hạn, việc sử dụng này tạo ra tác dụng phụ không mong muốn, đó là tình trạng các vi khuẩn tốt trong ruột già bị tiêu diệt – do đó cho phép những sinh vật có hại như vi khuẩn C. diffsinh sôi nảy nở không kiểm soát được.  Trong nhiều trường hợp, tình trạng nhiễm vi khuẩn C. diff có thể được điều trị bằng cách ngưng sử dụng các loại thuốc kháng sinh ban đầu và chuyển sang sử dụng các loại kháng sinh khác.  Nhưng đối với một số người, điều này không mang lại hiệu quả – vi khuẩn C. diffcó thể kháng lại trị liệu hoặc tái phát nhanh hơn.


Như vậy phải có biện pháp gì?  Các nhà nghiên cứu đã từng biết rằng sử dụng các mẫu phân giàu vi sinh vật từ những cá nhân khỏe mạnh và cấy vào các bệnh nhân bị nhiễm C. diff sẽ giúp cải thiện các triệu chứng.  Sự thách thức này đang tìm ra một phương thức an toàn và hiệu quả mà có thể chấp nhận được đối với các bệnh nhân, đồng thời không cần dùng đến những tiến trình xâm lấn (qua da), chẳng hạn như soi ruột già(colonoscopy) hoặc các ống đi qua khoang mũi đến dạ dày (nasogastric tubes).  Có thể nào có một giải pháp đơn giản hơn?  Nói thẳng ra là: bạn nghĩ thế nào về các viên nang chứa phân?

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Bệnh Viện Đa Khoa Massachusetts (Massachusetts General Hospital), ở Boston được Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) tài trợ hiện tại đã kiểm tra thành công chiến lược đặc biệt đó: họ đã tinh chế các mẫu phân từ các cá nhân khỏe mạnh theo một phương thức tập trung các vi khuẩn tốt, đặt chất liệu được tinh chế này vào các viên nang (capsule), rồi sau đó đem đông lạnh các viên nang này.  Nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Ilan Youngster và Elizabeth Hohmann, cả hai là các bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm, đã thử nghiệm các viên nang được đông lạnh này ở 20 tình nguyện viên, những cá nhân này đã từng bị nhiễm vi khuẩn C. diff 3 lần và đã không có hiệu quả khi được điều trị bằng thuốc kháng sinh vancomycin từ 6 đến 8 tuần – đây là phương án điều trị tiêu chuẩn nhằm loại vi sinh vật này ra khỏi cơ thể.

Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí JAMA, các bệnh nhân, có độ tuổi từ 11 đến 89, đã tiếp nhận 30 viên nang trong 2 ngày.  Sau đợt điều trị đầu tiên, 14 trong số 20 bệnh nhân đã cảm thấy khá hơn và các đợt tiêu chảy thường xuyên của họ đã chấm dứt, và không tái phát sau 8 tuần.  Sáu bệnh nhân còn lại, những người này có tình trạng bệnh nặng hơn khi bắt đầu cuộc thử nghiệm và không thành công sau đợt trị liệu đầu tiên, đã được cho trị liệu đợt hai sau đó một tuần.  Trị liệu đợt hai đã thành công ở 4 bệnh nhân.  Tóm lại, các viên nang này đã điều trị thành công vi khuẩn C. diff ở 90% số bệnh nhân. 

Đây đúng là một tin tốt, nhưng bạn có thể vẫn e ngại sử dụng bất kỳ loại thuốc nào được bào chế bằng phân.  Các viên nang đông lạnh không mùi này chắc không đến nỗi đáng sợ bởi vì các nhà nghiên cứu nói rằng tất cả các bệnh nhân đã hoàn tất một đợt trị liệu và một số bệnh nhân thậm chí đã hoàn tất 2 đợt trị liệu mà không cảm thấy khó chịu.  Thật vậy, một bệnh nhân thậm chí đã báo cáo rằng nuốt các viên nang này không khác với việc nuốt các viên đá lạnh nhỏ.

Các nhà nghiên cứu nói rằng trong tương lai họ có thể nuôi các vi khuẩn có lợi này trong phòng thí nghiệm thay vì thu thập từ các mẫu phân.  Trong thời gian này, các nghiên cứu được kiểm soát và có quy mô lớn hơn cần được thực hiện để chứng thực rằng thế hệ các viên nang chứa phân hiện nay thực sự có tác dụng điều trị các trường hợp nhiễm trùng vi khuẩn C. diff.  Nếu kết quả được chứng thực, thì phương pháp trị liệu sáng tạo này có thể có tiềm năng điều trị một loạt các vấn đề về đường tiêu hóa, trong đó các vi khuẩn có ích bị tê liệt hoàn toàn. (Trở về đầu trang)




5 LÝ DO BẠN CÓ MÙI HÔI VÀ CÁCH NGĂN CHẶN


Có bao giờ thoáng ngửi thấy một mùi hôi kinh khủng và nhận ra rằng nó phát ra từ bạn?  Tình huống sau đây còn tồi tệ hơn: Bạn sẽ làm gì khi thuốc khử mùi (deodorant) rời bỏ bạn, kẹo cao su cũng không còn, và bạn phải chuẩn bị ra sân bay?  Sau đây là 5 tình huống tạo ra mùi hôi, và những cách thức khử mùi.


Tình huống có mùi hôi: Hơi thở của bạn bỗng nhiên có mùi hôi trong lúc đang đi chơi với người yêu. 

Ngăn chặn mùi hôi: Bạn chải răng (đánh răng) mỗi ngày hai lần và súc bằng nước súc miệng khử trùng, nhưng giữa hai lần chải răng đó, miệng của bạn vẫn có mùi khó chịu.  Theo tiến sĩ Bruce Paster, thuộc Viện Forsyth (Forsyth Institute) thì các vi khuẩn và niêm dịch ở phía trong lưỡi là thủ phạm gây ra mùi khó chịu này.  Nếu bạn không có sẵn bàn chải đánh răng hoặc cây nạo lưỡi (scraper), thì hãy sử dụng một miếng giấy napkin lau nhẹ phía trong lưỡi để làm sạch vi trùng, theo đề xuất của tiến sĩ George Preti, nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Các Giác Quan Hóa Học Monell (Monell Chemical Senses Center).

Bạn cũng có thể ăn những loại nông sản như táo, theo lời của thạc sĩ Patricia Lenton tại Trường Đại Học Nha Khoa Minnesota(University of Minnesota School of Dentistry).  Nhai những loại thực phẩm này (và súc miệng bằng nước) có thể loại bỏ được một số vi khuẩn phát triển trong miệng của bạn.  Hãy đến phòng khám của bác sĩ nha khoa nếu hơi thở hôi của bạn tiếp tục có mùi chua – đó có thể là một triệu chứng của bệnh nha chu (gum disease), tiến sĩ Paster nói.

Tình huống có mùi hôi: Bạn sẽ bắt tay với nhiều người tối nay, nhưng các ngón tay của bạn vẫn còn mùi dầu nhớt do làm việc trong nơi sửa chữa ô tô.  

Ngăn chặn mùi hôi: Hãy chuẩn bị một loại kem bôi tay (hand cream) trong túi áo bạn, tiến sĩ Preti đề xuất .  Đừng lo nếu kem bôi tay này không có mùi thơm – chính độ sệt (consistency) của kem bôi tay giúp hòa tan các phần tử bám vào các ngón tay của bạn và phát ra mùi hôi.  Hãy bôi (thoa) thật nhiều vào tay.  Sau vài phút, rửa tay bằng xà phòng (soap: xà bông) và nước để làm sạch kem bôi tay và mùi hôi.

Tình huống có mùi hôi: Bạn lo lắng bạn đồng nghiệp có thể ngửi thấy mùi hôi ở chân bạn.

Ngăn chặn mùi hôi: Mồ hôi và tình trạng ẩm ướt có thể là nguyên nhân, tiến sĩ Preti nói.  Vì thế, hãy chạy vào nhà vệ sinh, cởi giày của bạn ra, và dùng giấy lau (paper towel) hoặc giấy vệ sinh lau và thấm mồ hôi ở chân của bạn.  Nếu có sẵn thuốc chống chảy mồ hôi nhiều (antiperspirant), hãy bôi (thoa) lên bàn chân và các ngón chân – nếu có thể, bạn nên thay vớ (tất) khác. 

Tình huống có mùi hôi: Bạn có mùi hôi của người sau một đêm bị say rượu. 

Ngăn chặn mùi hôi: Uống nhiều nước ép bưởi hồng (pink grapefruit juice).  Loại nước uống này kích hoạt các men gan có tác dụng làm cho chất cồn chuyển hóa nhanh hơn, do đó sự gia tăng quá trình chuyển hóa gan làm cho mùi rượu rời khỏi cơ thể bạn nhanh hơn.

Điều quan trọng là hãy nhớ rằng những gì bạn uống có thể ấp ủ mùi hôi một thời gian khá lâu sau khi tàn tiệc.  Theo nghiên cứu, các loại thức uống có màu tối như các loại bia đen (stout) có khuynh hướng tạo ra mùi cồn và hơi thở hôi nhiều hơn các loại thức uống có màu trong.

Tình huống có mùi hôi: Bạn bị chìm ngập trong khói thuốc lá của người khác.

Ngăn chặn mùi hôi: “Nicotin là một chất rất dính”, theo lời tiến sĩ Norval Hickman, Viên Chức Điều Phối Chương Trình (Program Officer) của Chương Trình Nghiên Cứu Bệnh Liên Quan Đến Thuốc Lá (Tobacco-Related Disease Research Program) được bảo trợ bởi Tiểu Bang California.  Nếu bạn không thay quần áo, thì ít ra hãy cởi bỏ lớp áo ngoài, chẳng hạn như áo khoác.  Đứng (ngồi) gần nhà bếp ư? Bạn cũng có thể thử dùng chanh vắt lên một cái khăn rồi chà lên bề mặt có mùi khói thuốc, tiến sĩ Hickman nói.  Đây là một phương pháp làm sạch tự nhiên và có thể tạo cho bạn một mùi thơm tươi mới.  Nhưng hãy cẩn thận: nước chanh vắt có thể làm cho quần áo của bạn bị phai màu, do đó phải nhớ giặt quần áo của bạn. (Trở về đầu trang)




CÁC CÂU HỎI VỀ VIRUT EBOLA


Với những diễn biến gần đây của bệnh virut ebola, chúng tôi đã tìm đến 2 chuyên gia: tiến sĩ Chris Basler, một chuyên gia vi trùng học chuyên nghiên cứu virut ebola tại Trường Y Khoa Icahn (Icahn School of Medicine) tại Mount Sinai, thành phố New York; và bác sĩ y khoa Tim Lahey, một bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm và là phó giáo sư giảng dạy y khoa, vi sinh, và miễn dịch học tại Trường Y Khoa Geisel (Geisel School of Medicine) tại Dartmouth.  Sau đây là các câu trả lời của 2 chuyên gia này.


Đầu tiên. Virut Ebola lây truyền như thế nào? 

Tiến sĩ Basler:

Theo tất cả thông tin hiện có, virut Ebola lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc với các dịch cơ thể từ cá nhân bị nhiễm.  Virut này xem ra không lây truyền qua việc đứng gần, hoặc bằng sự tiếp xúc bình thường (casual contact: bất kỳ hoạt động nào, trong đó một cá nhân không tiếp xúc với máu, dịch cơ thể, sữa,… của người bị nhiễm).  Các đề xuất cho rằng bạn nên tránh tiếp xúc với máu, phân, hoặc các dịch cơ thể khác của các cá nhân bị nhiễm).

Bác sĩ Lahey:

Ngay cả khi ngồi cạnh người bị nhiễm virut Ebola cũng không được xem là hội đủ điều kiện để truyền bệnh, bạn cần phải tiếp xúc với các dịch cơ thể.  Nếu người bị nhiễm virut Ebola hắt hơi vào bạn, chảy máu lên người bạn, hoặc rất nhiều mồ hôi dính vào cơ thể bạn, thì sẽ có nguy cơ truyền bệnh vì các dịch cơ thể đã truyền từ người này đến người kia.  Tuy nhiên, virut Ebola không lây truyền qua không khí.  Do đó, cần phải có những chứng cứ rõ ràng trên đây để sự truyền bệnh có thể xảy ra.

Đó cũng là lý do tại sao virut Ebola thường không lây lan như đám cháy trong các cộng đồng, bởi vì có bao nhiêu người để bạn có những sự tiếp xúc như thế?

Khi nói đến “tiếp xúc với các dịch cơ thể”, thì điều này có nghĩa là gì?  Nếu dịch cơ thể bám trên da? Hoặc dịch cơ thể đi vào một vết rách hoặc màng nhầy, giống như dính vào mắt hoặc ở cơ quan nào đó?

Bác sĩ Lahey:

Dịch cơ thể bắn vào mắt có làm cho bạn phải lo lắng không? Thực ra tôi vẫn chưa tìm thấy các dữ liệu cụ thể nào về trường hợp dịch cơ thể của người bị nhiễm virut Ebola tiếp xúc với da không bị thương tổn, khi được so sánh với da bị một vết thương.  Tôi vẫn chưa thấy hình thức so sánh trực tiếp đó.  Những hướng dẫn phòng ngừa, mà Trung Tâm CDC đưa ra, yêu cầu những nhân viên y tế nên mặc quần áo bảo hộ cho dù họ có bị thương ở da hay không.  Biện pháp an toàn này cho rằng bất kỳ sự tiếp xúc nào với các dịch cơ thể cũng có thể tạo ra một số nguy cơ truyền nhiễm tiềm ẩn.  Nhưng tôi cho rằng tất cả chúng ta sẽ phải lo lắng nhất khi dịch cơ thể của người bệnh tiếp xúc với các màng nhầy chẳng hạn như miệng và mắt.

Như vậy cần khoảng từ 2 – 21 ngày tính từ thời điểm tiếp xúc thì người ta mới bắt đầu thấy các triệu chứng xuất hiện.  Họ có khả năng lây nhiễm trong thời gian này không?

Bác sĩ Lahey:

Không, các chuyên gia tin rằng bạn sẽ không có khả năng lây nhiễm cho đến khi bạn xuất hiện các triệu chứng.

Tôi đang hình dung một cảnh tượng khi một người nào đó hắt hơi trên xe điện ngầm và bất ngờ bất kỳ ai đi trên chuyến xe đó cũng có thể bị nhiễm virut Ebola.

Tiến sĩ Basler:

Ý tưởng cho rằng virut Eboloa có thể lây truyền trên tàu điện ngầm khi ai đó hắt hơi là hoàn toàn không có khả năng xảy ra.

Bác sĩ Lahey:

Thật khó để trả lời câu hỏi này.  Trong bối cảnh này vẫn có nguy cơ có thể nhận thấy được, nhưng trên thực tế nguy cơ này có khả năng xảy ra rất nhỏ.  Xác suất một người bị nhiễm Ebola sẽ ngồi trong xe điện ngầm ở thành phố New York là bao nhiêu? Trước tiên, có bao nhiêu trường hợp bị nhiễm Ebola?  Và hầu hết các trường hợp bị nhiễm Ebola này, ngoại trừ một vài trường hợp được báo cáo ở Nigeria và Hoa Kỳ, đều ở Sierra Leone, Guinea, và Liberia, mà ở những nơi này rất ít người đi ra nước ngoài bằng máy bay.  Hầu hết những người bị nhiễm virut Ebola chắc chắn không được phép rời khỏi nơi họ đang sống.

Bây giờ giả sử có ai đó…một nhân viên cứu trợ chẳng hạn, người này không biết đã bị nhiễm virut Ebola, và đi đến Hoa Kỳ, lúc khởi hành nhân viên này chưa xuất hiện triệu chứng, nhưng khi đến Hoa Kỳ đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.  Đó là người mà bạn nên lo lắng.  Hãng hàng không British Airways không còn cho phép các chuyến bay đến một vài quốc gia trong số đó để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virut Ebola.

Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu có người giống như thế xuất hiện các triệu chứng và trở bệnh Ebola và vì một lý do điên rồ nào đó mà bệnh nhân này không nói cho người khác biết hoặc không tìm kiếm sự trợ giúp, và lại xuất hiện ở xe điện ngầm, thì... tôi đoán có thể xảy ra sự lây truyền ở xe điện ngầm, do nôn mửa hoặc hắt hơi.  Đó là những nguy cơ có thể tưởng tượng được.  Khả năng ra sao? Thật khó có thể nói.  Điều đó có thể tưởng tượng ra.  Nhưng tất cả những vấn đề này phải xảy ra theo đúng trình tự để có thể dẫn đến sự truyền bệnh.  Và điều quan trọng nhất là, bạn phải tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người này.

Có nhiều bệnh nhiễm trùng phổ biến mà chúng ta có nhiều khả năng tiếp xúc và là nguyên nhân làm cho chúng ta phải lo lắng nhiều hơn.

Hay nói cách khác: Tất cả chúng ta đều lo lắng về thủ phạm giết người hàng loạt xuất hiện và giết chết chúng ta, nhưng trong thực tế những nguy cơ thực sự trong đời sống chúng ta là những tấm bạt nhào lộn ở sân sau, việc bơi lội, các môn thể thao, lái xe trong tình trạng say rượu...những yếu tố này là những cách thức thực sự giết chết chúng ta.

Nếu một người bị nhiễm virut Ebola, thì nó có nằm trong nước bọt của người đó không?

Bác sĩ Lahey:

Vâng, có.  Mồ hôi, các chất do nôn mửa, tinh dịch, sữa mẹ, nước bọt... nói chung là tất cả dịch cơ thể.

Virut này cũng lây truyền qua đường quan hệ tình dục?

Tiến sĩ Basler: 

Có chứng cứ cho thấy rằng có thể có sự lây truyền virut Ebola trong một khoảng thời gian dài sau khi một số bệnh nhân được hồi phục sau cơn bệnh.  Về mặt lâm sàng thì xem ra họ có vẻ khá hơn, nhưng vẫn có thể tìm thấy virut này trong tinh dịch của họ, và ít nhất đã có một ví dụ về trường hợp này.

Bác sĩ Lahey:

Có một nhân viên phòng thí nghiệm đang làm việc với virut Ebola và đã bị lây nhiễm.  Do đó, đây là trường hợp rất đáng được nghiên cứu, và sau khi bệnh nhân này hồi phục, thường mất khoảng hai tuần, ông đã cho phép các nhà khoa học nghiên cứu trên cơ thể ông.  Sáu mươi mốt ngày sau khi bắt đầu bị nhiễm bệnh hoặc xuất hiện các triệu chứng ban đầu, ông vẫn bị phát hiện có virut Ebola trong tinh dịch.

Như vậy ông ấy đã được “hồi phục lâm sàng”, nhưng vẫn phát hiện có virut Ebola trong tinh dịch của mình.

Bác sĩ Lahey:

Đúng vậy.  Nếu bạn đủ may mắn để sống sót sau khi bị nhiễm virut Ebola, hãy ăn mừng nhưng nhớ phải đeo bao cao su.

Cần bao lâu để “hồi phục lâm sàng” sau khi bị nhiễm virut Ebola?

Bác sĩ Lahey:

Hai tuần.  Thông thường, cách đơn giản nhất để nhớ trung bình là khoảng 2 tuần từ lúc tiếp xúc đến lúc phát triển các triệu chứng, và từ lúc bạn phát triển các triệu chứng, tình trạng tử vong sẽ xảy ra trong vòng 2 tuần, còn không thì bạn sẽ sống sót.  Có khoảng 40% số người sống sót.

Tỷ lệ tử vong thực sự là bao nhiêu?  Tôi nghe nói là khoảng 60 – 90%.  Tỷ lệ này có chính xác không?

Bác sĩ Lahey:

Tôi cho rằng tỷ lệ tử vong chúng ta nghe nói đến có lẽ không áp dụng ở Hoa Kỳ hoặc Châu Âu.  Yếu tố gây tử vong do nhiễm virut Ebola là do tình trạng cơ quan ngừng hoạt động và nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng mô, và tình trạng này rất khó chữa trị ở Sierra Leone.  Nhưng ở Hoa Kỳ chúng ta có khả năng chăm sóc hồi sức khá cao, và được trang bị tốt hơn nhiều nhằm ngăn ngừa tình trạng đó.  Nếu huyết áp của một bệnh nhân xuống thấp, thì tôi có thể cho họ sử dụng thuốc để giúp tăng huyết áp.  Nếu thận của họ bị mất chức năng hoạt động thì tôi có thể cho họ tiến hành thẩm tách (dialysis) cho đến khi thận hoạt động trở lại bình thường. 

Đương nhiên, câu hỏi kế tiếp sẽ là: con số là bao nhiêu?  Và không ai biết được. 

Như vậy thì cách virut Ebola giết chết bệnh nhân là do cơ quan ngừng hoạt động…không  phải do xuất huyết?

Tiến sĩ Basler:

Đúng vậy.  Tình trạng xuất huyết không xảy ra ở tất cả bệnh nhân.  Ngay cả trong một số rất ít bệnh nhân bị bệnh nghiêm trọng, bạn cũng không nhìn thấy các dấu hiệu bị xuất huyết rõ rệt.  Và ngay cả khi có những biểu hiện bị xuất huyết, thì thường không xuất hiện tình trạng chảy máu nhiều.  Khi bệnh nhân bị tử vong do bệnh Ebola, thì tình trạng mất máu không phải là một yếu tố góp phần quan trọng.

Bác sĩ Lahey:

Đúng thế, bệnh nhân bị không xuất huyết quá nhiều đến nỗi bị thiếu máu hoặc tương tự như vậy.  Điều này thường gây lo lắng và tạo ra nguy cơ truyền bệnh, nhưng cũng giống như bất kỳ tình trạng nhiễm trùng nào, với virut Ebola, huyết áp có thể xuống thấp, và hiện tượng này làm cho máu bị nhiễm trùng di chuyển đến các cơ quan, chẳng hạn như thận, làm cho suy thận.  Quá trình này xảy ra tương tự như trong các trường hợp nhiễm khuẩn tụ cầu (staphylococcus). 

Điều đó có nghĩa rằng bệnh nhiễm virut Ebola cũng có biểu hiện giống như nhiễm khuẩn tụ cầu?

Bác sĩ Lahey

Đến cuối cùng thì nó được gọi là nhiễm trùng máu hoặc mô (sepsis).  Cơ thể bạn có một khả năng đáp ứng viêm mạnh mẽ đối với tình trạng nhiễm trùng, và kết quả là bạn mất đi khả năng vận chuyển máu.  Nhiễm trùng máu do khuẩn tụ cầu có đặc điểm giống với nhiễm trùng máu do virut Ebola.  Mỗi bệnh nhiễm trùng có các mức độ nghiêm trọng khác nhau.  Bạn bị nhiễm trùng nhẹ, tiếp nhận một ít dung dịch, thì không thành vấn đề.  Những người khác có thể lưu lại trong phòng hồi sức lâu hơn.  Xem ra diễn tiến đều giống nhau tùy thuộc vào dạng nhiễm trùng.  Virut Ebola là một trường hợp đặc biệt vì nó diễn tiến nhanh, tần suất tử vong, và các triệu chứng xuất huyết.

Nhưng nếu bạn bị nhiễm trùng nghiêm trọng, thì lộ trình cuối cùng thường thấy là nhiễm trùng máu hoặc mô.  Diễn tiến bệnh đều giống nhau với những biến đổi nhỏ tùy theo loại vi sinh vật.  Nhưng toàn bộ quá trình hạ huyết áp và cơ quan bị suy yếu nếu không được điều trị thì sẽ hoàn toàn giống nhau. 

Cuối tuần vừa rồi tôi nghe trên chương trình truyền thanh có nhiều người gọi vào nói rằng các nhân viên cứu trợ Hoa Kỳ nếu bị nhiễm Ebola thì không nên cho về nước.  Ý kiến của các chuyên gia là thế nào?

Tiến sĩ Basler:

Theo Trung Tâm CDC thì bất kỳ bệnh viện nào ở Hoa Kỳ cũng đều có thể tiếp nhận và điều trị bệnh nhân bị nhiễm virut Ebola một cách an toàn.  Do đó, không có lý do gì để nói rằng chúng ta không nên đưa các công dân Hoa Kỳ bị nhiễm bệnh trở về để điều trị cho họ trong các môi trường chăm sóc y tế tối ưu.  Trong môi trường bệnh viện, khả năng một loại virut lây nhiễm cho một cá nhân khác là cực kỳ thấp, vì thế tôi cho rằng không có gì phải lo lắng khi đưa các bệnh nhân này trở về Hoa Kỳ.

Virut Ebola là một vấn đề sức khỏe công cộng nghiêm trọng và gây sợ hãi ở một số nước ở Tây Phi.  Nếu người dân Hoa Kỳ bắt đầu bị nhiễm bệnh này, thì chúng ta có gặp phải tình huống tương tự không?

Tiến sĩ Basler:

Sự khác biệt lớn ở đây là chúng ta có cơ sở hạ tầng y tế và các phương tiện chăm sóc y tế tốt hơn nhiều.  Vì thế nếu như một cá nhân nào đó có biểu hiện bị nhiễm virut Ebola, thì chúng ta có thể xác định được những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân này một cách khá dễ dàng, và quan sát các dấu hiệu nhiễm bệnh của họ.  Trên cơ bản là, loại virut này sẽ bị lây truyền qua tiếp xúc gần từ cá nhân này đến những người khác, do đó nếu bạn có thể xác định được những người có khả năng đã bị nhiễm virut Ebola, những sự tiếp xúc với những người đã bị nhiễm bệnh, thì bạn có thể quan sát và cách ly họ để họ không thể truyền bệnh cho những người khác.  Điều này có thể được thực hiện một cách dễ dàng hơn ở những nước đã phát triển, trái ngược với các nước chưa phát triển.

Nhiều người bị nhiễm virut Ebola ở Châu Phi là các bác sĩ và nhân viên cứu trợ.  Lý do tại sao?

Tiến sĩ Basler:

Tôi không có mặt tại địa điểm xảy ra đợt bùng phát, nhưng tôi cho rằng những người này thường xuyên tiếp xúc gần với những người bị nhiễm trùng.  Tôi không rõ hoàn cảnh trong đó tất cả các chuyên gia y tế này tương tác với các bệnh nhân như thế nào – họ có sử dụng các thiết bị bảo hộ không, hoặc họ có được huấn luyện kỹ lưỡng để bảo vệ bản thân không – những yếu tố đó sẽ làm cho họ có nhiều nguy cơ bị nhiễm virut Ebola.

Những sự phòng ngừa tiêu chuẩn mà nhân viên y tế ở Hoa Kỳ thực thi là tương đối đủ để ngăn ngừa không bị nhiễm virut Ebola.

Nói một cách chính xác thì những sự phòng ngừa đó là gì?

Bác sĩ Lahey:

Vì thế nếu bạn gặp một bệnh nhân có các triệu chứng được đề xuất, người này cũng đến từ khu vực bị nhiễm virut Ebola, và đã tiếp xúc với người bị nhiễm virut Ebola, thì bạn phải mang những thiết bị bảo hộ cá nhân mà hầu như tất cả các bệnh viện đều có.  Các thiết bị bảo hộ này bao gồm các tấm che mặt, mặt nạ, găng tay và các áo khoác ngoài (gown).  Nói một cách đơn giản là, để trang bị cho mình (mà bạn đã xem thấy trên các phương tiện truyền thông) thì bạn có thể sử dụng bộ quần áo bảo hộ toàn thân đó bao gồm cả tấm che mặt và găng tay.

Hầu hết các bệnh viện ở Hoa Kỳ đều được trang bị các thiết bị bảo hộ này?

Bác sĩ Lahey:

Đúng thế.  Vấn đề mang tính thách thức ở Hoa Kỳ thường không phải là có sự trang bị các thiết bị bảo hộ bảo vệ các nhân viên y tế hay không, nhưng là có ý thức về việc sử dụng các thiết bị này.  Các triệu chứng của bệnh Ebola phần nào tỏ ra không cụ thể vào lúc ban đầu.  Bạn có thể rơi vào tình huống này mà bạn không nghĩ đến nó, bạn không thực hiện những sự phòng ngừa cho đến khi bạn đã bị tiếp xúc với virut Ebola.

Trường hợp ở Mount Sinai là một ví dụ điển hình, ở đó người ta được nghe đến một số các triệu chứng rất thông thường: sốt, các triệu chứng ở đường tiêu hóa, và nếu họ không được biết về đợt bùng phát ở Tây Phi, thì có thể họ không nghĩ đến bệnh virut Ebola.  Nhưng bởi vì họ đã biết được những gì đang xảy ra ở Guinea, Liberia và Sierra Leone, và họ biết rằng bệnh nhân này gần đây đã đi đến khu vực này, do đó họ đã thực thi những biện pháp phòng ngừa và đã cách ly bệnh nhân này, phòng trường hợp bệnh nhân này thực sự đã bị nhiễm virut Ebola.

Điều gì xảy ra với bệnh nhân khi bị cách ly?

Bác sĩ Lahey:

Đối với bệnh nhân này thì vấn đề rất đơn giản.  Vì virut Ebola bị lây nhiễm qua các dịch cơ thể, cho nên bệnh nhân này cần phải được đưa vào phòng cách ly, đóng kín các cửa.  Đối với một số tình trạng như bệnh lao, bệnh sởi, bệnh thủy đậu (chicken pox), bạn cần phải thay đổi luồng không khí trong phòng và điều đó trở nên phức tạp hơn.  Đối với Ebola, thật không dễ để lây nhiễm virut này, vì thế chỉ cần một phòng đóng kín cửa, và bất kỳ ai vào thăm khám đều phải thực thi những biện pháp phòng ngừa này, còn bệnh nhân thì không cần phải làm gì nhiều.

Còn điều gì khác mà các chuyên gia nghĩ đọc giả nên biết không?

Bác sĩ Lahey:

Tôi nghĩ điều quan trọng cần tập trung vào là người ta có xu hướng tò mò về điều này, nó kỳ lạ, mới mẻ, và làm cho người ta lo lắng, nó tạo sự chú ý cho nhiều phương tiện truyền thông.  Biết rằng thực sự có rất ít cơ hội để virut Ebola gây ra những vấn đề nghiêm trọng ở Hoa Kỳ hoặc ở các nước đã phát triển, cho dù nếu nó có xảy ra, thì sẽ ở tầm mức rất nhỏ.  Điều quan trọng là chúng ta phải theo dõi tình hình sức khỏe trên thế giới: mỗi năm có hàng triệu người tử vong vì các chứng bệnh như bệnh sốt rét (malaria), bệnh SIDA (AIDS), các bệnh tiêu chảy.  Virut Ebola rất mới mẻ và không bình thường, nhưng có tác động không lớn so với bệnh sốt rét, HIV, và TB. (Trở về đầu trang)




CHỤP HÌNH TIM QUÁ NHIỀU CÓ THỂ CÓ NGUY CƠ NHIỄM PHÓNG XẠ


Các bác sĩ cần đảm bảo bệnh nhân hiểu được các nguy cơ liên quan đến phóng xạ của các kiểm tra tạo hình tim (heart imaging test) trước khi yêu cầu họ thực hiện các tiến trình này, theo một bản tuyên bố mới của Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ (American Heart Association).


“Với những cải thiện về kỹ thuật, phương pháp tạo hình y tế đã trở nên một công cụ càng lúc càng quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân mắc bệnh tim, nhưng việc gia tăng sử dụng các phương pháp này đã làm tăng sự tiếp xúc với phóng xạ trong 2 thập niên qua”, theo lời bác sĩ Reza Fazel, bác sĩ chuyên khoa tim tại Trung Tâm Y Tế Beth Israel Deaconess(Beth Israel Deaconess Medical Center) ở thành phố Boston, bang Massachusetts.

“Các tiến trình tạo hình tim chiếm khoảng 40% trường hợp tiếp xúc với phóng xạ trong số các tiến trình tạo hình y tế”, bác sĩ Fazel nói.

Trước khi yêu cầu các bệnh nhân chụp hình tim, thì các bác sĩ chuyên khoa tim nói rằng, các bác sĩ cần đưa ra các câu hỏi như sau:

-      Kiểm tra này sẽ giúp chẩn đoán hoặc điều trị bệnh tim như thế nào?
-      Có các phương pháp thay thế nào mà không cần sử dụng phóng xạ không?
-      Mức phóng xạ là bao nhiêu, nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến nguy cơ ung thư sau này, và làm thế nào so sánh với nguy cơ từ các hoạt động bình thường khác?

“Thông thường, nguy cơ liên quan đến phóng xạ của bất kỳ tiến trình tạo hình y tế nào đối với một bệnh nhân là rất nhỏ, và khi kiểm tra này là một tiến tình lâm sàng thích hợp, thì các lợi ích của kiểm tra này sẽ vượt xa các nguy cơ tiềm ẩn”, bác sĩ Fazel nói.

Các bác sĩ nếu yêu cầu tiến hành các tiến trình tạo hình tim này thì cần phải hiểu rõ khi nào mỗi loại kiểm tra là thích hợp, lượng phóng xạ trung bình và các nguy cơ tiềm ẩn, theo bản tuyên bố được đăng trong tạp chí Sự Tuần Hoàn (Circulation) vào ngày 29 tháng 9 năm 2014.

“Nguy cơ liên quan đến phóng xạ là một trong những yếu tố cần được xem xét khi quyết định sử dụng tiến trình tạo hình tim mạch bằng phóng xạ ion hóa (ionizing radiation), đặc biệt là ở những bệnh nhân trẻ tuổi, các bệnh nhân này được xem có nhiều nguy cơ bị nhiễm phóng xạ hơn”, bác sĩ Fazel nói thêm.

Khi quyết định tiến hành chụp hình tim, các bác sĩ cũng cần xem xét mức độ chính xác về chẩn đoán của tiến trình này, chi phí, sự tiện lợi và các nguy cơ tiềm ẩn khác.

Các dạng kiểm tra tạo hình tim phổ biến sử dụng phóng xạ bao gồm các kiểm tra stress hạt nhân (nuclear stress test), chụp tim cắt lớp vi tính(cardiac CT scan), và phép soi huỳnh quang (fluoroscopy).  Phép soi huỳnh quang là một phương pháp sử dụng tia X để tạo ra các “hình thật” hoặc các hình ảnh chuyển động của cơ thể.  Siêu âm (ultrasound) và chụp MRI không làm cho các bệnh nhân tiếp xúc với phóng xạ. (Trở về đầu trang)




4 PHƯƠNG PHÁP GIÚP GIẢM ĐAU LƯNG


Đa số chúng ta bị đau lưng vào một thời điểm nào đó trong đời sống.  Chứng đau lưng có thể là do bị thương trong lúc chơi thể thao, bị tai nạn, hoặc do một chứng bệnh bẩm sinh chẳng hạn như chứng vẹo xương sống (scoliosis).  Nhưng hầu như tình trạng đau lưng trên hoặc đau thắt lưng thường phát triển theo thời gian.  Các hoạt động có tính lặp lại tại công sở hoặc tại nhà, chẳng hạn như ngồi trước máy vi tính hoặc nâng nhấc và mang vác, có thể tạo ra áp lực và thắt chặt cơ, mà từ đó dẫn đến tình trạng đau lưng.

Điều may mắn là, có nhiều cách để giúp chúng ta ngăn ngừa vấn nạn này.  Tình trạng thể chất tốt và cân nặng hợp lý là những yếu tố quan trọng.  Nhưng có một chiến lược đơn giản gây ngạc nhiên, có thể bổ sung vào thói quen sống hằng ngày của chúng ta: Chú ý đến tư thế đứng ngồi.

Các Tư Thế Căn Bản

Tư thế(posture) là cách bạn đứng, ngồi, hoặc thực hiện các động tác như nâng nhấc, cúi người, kéo, hoặc với ra phía trước.  Nếu tư thế của bạn chuẩn, thì các đốt sống (vertebrae) sẽ không bị lệch chỗ.



Good posture: Tư thế chuẩn
Spinal curves balanced and aligned: Các cung cột sống cân bằng và thẳng hàng
Slouched posture: Tư thế vai thòng xuống
No cervical curve: Không có cung cổ
Reduced lumbar curve: Cung thắt lưng bị giảm độ cong
Shoulders-back posture: Tư thế vai-lưng
Sharp thoracic curve: Cung ngực gắt
Exaggerated lumbar curve: Cung thắt lưng cong quá mức



Slouched posture: Tư thế vai thòng xuống
Cervical and lumbar curves greatly reduced: Các cung cổ và thắt lưng bị giảm độ cong đáng kể
Good posture: Tư thế chuẩn
Spinal curves balanced and aligned: Các cung cột sống cân bằng và thẳng hàng
Rolled towel: Khăn tắm được cuộn lại

4 Bước Để Có Tư Thế Chuẩn

Bạn có thể cải thiện tư thế của mình – và chặn đứng tình trạng đau lưng – bằng cách thực hành một số hình ảnh tưởng tượng và một vài bài tập đơn giản.

-      Hình dung (Imagery). Hãy tưởng tượng có một đường thẳng xuyên qua cơ thể bạn từ trần đến sàn nhà (hai tai, vai, hông, đầu gối, và mắt cá chân của bạn phải cân bằng và sắp xếp theo chiều thẳng đứng).  Bây giờ hãy tưởng tượng rằng có một sợi dây cứng được cột vào xương ức (breastbone) đang kéo ngực và lồng ngực của bạn lên trên, làm cho bạn cao hơn.  Cố gắng giữ cho khung chậu cân bằng – đừng để phần lưng dưới lắc lư.  Tưởng tượng rằng bạn đang kéo giãn đầu về phía trần nhà, làm tăng khoảng cách giữa lồng ngực (rib cage) và khung chậu (pelvis).  Hãy hình dung bạn là một vận động viên trượt băng hay một nữ diễn viên ba lê thay vì là một người lính trong tư thế đứng nghiêm. 
-      Co xương bả vai (Shoulder blade squeeze).  Ngồi thẳng lưng trên ghế, hai tay đặt lên đùi.  Thả lỏng hai vai xuống và giữ cho cằm cân bằng.  Từ từ co vai về phía sau và kéo hai xương bả vai (shoulder blade) lại gần với nhau.  Giữ tư thế này rồi đếm từ 1 đến 5; thả lỏng.  Lặp lại thao tác này 3 hoặc 4 lần.
-      Kéo giãn phần thân trên (Upper-body stretch).  Đứng đối diện với một góc tường, đưa tay đặt lên tường, khuỷu tay thẳng hàng với vai.  Đặt một chân về phía trước.  Quỳ chân trước xuống, thở ra khi bạn quỳ xuống.  Giữ cho lưng của bạn thẳng, ngực và đầu hướng lên.  Bạn sẽ cảm thấy phần ngực được kéo giãn một cách dễ chịu.  Giữ tư thế này trong 20 – 30 giây.  Thả lỏng.
-      Kéo giãn chéo tay trước ngực (Arm-across-chest stretch).  Nâng cánh tay phải ngang bằng với vai về phía trước và gập cánh tay ở phần khủyu tay, giữ cho cẳng tay song song với sàn nhà.  Dùng bàn tay trái nắm lấy khủyu tay phải và kéo nhẹ về phía ngực để bạn cảm thấy phần cánh tay trên và vai ở bên phải được kéo giãn.  Giữ tư thế này khoảng 20 giây; thả lỏng cả hai cánh tay.  Thực hiện thao tác này ở cánh tay trái.  Lặp lại 3 lần cho mỗi bên.

Hãy thực hành các hình ảnh tưởng tượng và các bài tập này trong ngày.  Bạn nên tìm một nguồn kích thích nào đó để giúp bạn ghi nhớ, chẳng hạn thực hành một hoặc nhiều thao tác trên khi bạn rời khỏi bàn làm việc, hoặc ngay trước giờ nghỉ giải lao hoặc trước giờ ăn trưa.  Chẳng bao lâu thì các thao tác này sẽ trở thành thói quen của bạn. (Trở về đầu trang)



NGHIÊN CỨU TÌM RA CÁCH THỨC CÁC TẾ BÀO CHẾT BỊ LOẠI KHỎI CƠ THỂ

Trong đa số các mô của cơ thể, các tế bào miễn dịch chuyên biệt được giao phó nhiệm vụ tiêu thụ hàng tỷ tế bào chết được tạo ra mỗi ngày.  Khi các công cụ tiêu hủy rác thải này không thực hiện nhiệm vụ của chúng, thì các tế bào chết cũng như các sản phẩm thải sẽ nhanh chóng chất đống, tiêu diệt các mô khỏe và dẫn đến các chứng bệnh tự miễn dịch chẳng hạn như luput và viêm thấp khớp (rheumatoid arthritis).

Trong môi trường viêm (trái) và môi trường bình thường (phải), các đại thực bào (xanh lá cây) tiêu thụ các tế bào chết (hồng).

Hiện giờ, các nhà khoa học của Viện Sinh Học Salk(Salk Institute) đã khám phá ra cách thức hai thụ thể quan trọng trên các tế bào tiêu thụ rác thải này xác định và tiêu hóa các tế bào chết ở các môi trường khác nhau, như được mô tả chi tiết trong tạp chí Miễn Dịch Học Tự Nhiên(Nature Immunology).

“Để sử dụng các thụ thể này như các phương pháp điều trị bệnh tự miễn dịch và ung thư, thì điều quan trọng là biết được chính xác thụ thể nào đang làm gì.  Sự khám phá này đã nói cho chúng ta biết điều đó”, theo lời tác giả nghiên cứu Greg Lemke, giáo sư khoa sinh học thần kinh phân tử (molecular neurobiology).

Các tế bào tiêu hủy rác, được gọi là các đại thực bào(macrophage), có rất nhiều thụ thể trên bề mặt, hai trong số này – có tên là Mer và Axl – chịu trách nhiệm nhận ra các tế bào chết trong các môi trường bình thường và các môi trường bị viêm.  Thụ thể Mer vận hành như một loại thụ thể “làm cùng một công việc mỗi ngày”, làm sạch các tế bào chết trong các mô khỏe mỗi ngày.  Ngược lại, thụ thể Axl có vai trò như một loại thụ thể “đánh nhanh rút gọn”, kích hoạt các đại thực bào trong các môi trường viêm do nhiễm trùng hoặc chấn thương mô.  Các môi trường bị viêm này chứa nhiều tế bào chết hơn.

“Chúng tôi đã từng cho rằng thụ thể Axl và Mer làm cùng một nhiệm vụ, và đúng vậy: cả hai thụ thể này đều nhận ra tín hiệu “hãy ăn tôi” xuất hiện trên bề mặt của các tế bào chết.  Nhưng hóa ra hai thụ thể này lại hoạt động ở các môi trường khác nhau”, giáo sư Lemke nói, phòng thí nghiệm của ông đầu tiên khám phá ra 2 thụ thể này – cùng với thụ thể thứ 3, tạo thành nhóm TAM – cách đây 2 thập niên.  Ban đầu, giáo sư Lemke và các đồng nghiệp kiểm tra vai trò của các thụ thể TAM ở não, nhưng quan sát thấy rằng sự vắng mặt của các thụ thể này đã có những tác động mạnh mẽ lên hệ miễn dịch, bao gồm sự phát triển của bệnh tự miễn dịch.  Từ đó, các thụ thể này trở thành trọng tâm cho các nghiên cứu về ung thư và tự miễn dịch, và nghiên cứu trước đây đã tìm thấy rằng 3 thụ thể này cũng có vai trò quan trọng trong các khu vực khác, bao gồm ruột, các cơ quan sinh sản, và thị giác.

“Trọng tâm của nghiên cứu cơ bản này cho phép chúng tôi khám phá một lĩnh vực hoàn toàn mới về cơ chế kiểm soát miễn dịch mà trước đây chưa có ai biết được – bao gồm các nhà miễn dịch học. 

Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều sự khác biệt quan trọng giữa thụ thể Axl và thụ thể Mer.  Ví dụ, các thụ thể này sử dụng các phân tử khác nhau – được gọi là phân tử liên kết (ligand) – để được kích hoạt: thụ thể Axl chỉ có một phân tử liên kết, và sau khi kết nối, sẽ nhanh chóng được tách khỏi bề mặt của đại thực bào.  Hàm lượng thụ thể Axl trôi tự do trong máu trở thành một tín hiệu sinh học (biomarker) báo hiệu tình trạng viêm, nhanh chóng xuất hiện trong quá trình tuần hoàn sau khi bị thương tổn hoặc chấn thương mô.

“Chúng tôi đã so sánh hoạt động và cơ chế kiểm soát các thụ thể này, và các kết quả đã tạo ra ấn tượng sâu sắc”, tác giả đầu tiên Anna Zagorska nói.  “Khi đáp ứng lại các kích thích trợ viêm khác nhau, thụ thể Axl được gia tăng số lượng còn thụ thể Mer vẫn không thay đổi.  Ngược lại, các loại coritcosteroids ức chế miễn dịch, được sử dụng rộng rãi để giảm viêm, làm tăng số lượng thụ thể Mer và ức chế thụ thể Axl.  Những sự khác biệt này là khởi điểm của nghiên cứu này”.

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu đang điều tra một cách chi tiết hoạt động của mỗi thụ thể.  Nhóm nghiên cứu tìm ra rằng các thụ thể này tỏ ra khác thường ở chỗ chúng có một tiến trình liên kết 3 bước, trong khi đó, đa số các thụ thể của tế bào khác chỉ có tiến trình liên kết 1 bước.  Điều tra và hiểu được quá trình này sẽ giúp mang đến nhiều trị liệu nhắm đến mục tiêu (targeted therapeutics) hơn cho bệnh ung thư và các chứng bệnh khác mà các thụ thể được xem đóng vai trò trong đó. (Trở về đầu trang)


Nguồn(Sources):

0 comments:

Post a Comment