Sunday, November 30, 2014

CÁC RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH (VESTIBULAR DISORDERS) - Do LQT Biên Dịch


HỆ THỐNG THĂNG BẰNG Ở NGƯỜI

Trạng Thái Thăng Bằng Ổn Định Thường Được Xem Là Điều Đương Nhiên

Đa số mọi người không gặp khó khăn trong việc đi bộ trên một con đường rải sỏi, đi bộ trên lề đường băng qua thảm cỏ, hoặc ra khỏi giường lúc nửa đêm mà không bị trượt ngã.  Tuy nhiên, nếu trạng thái thăng bằng bị suy yếu thì những hoạt động này có thể gây khó khăn và đôi khi gây nguy hiểm.  Các triệu chứng đi kèm với tình trạng mất thăng bằng này có thể bao gồm chóng mặt, choáng váng, rối loạn thị lực và khả năng nghe, khó tập trung cũng như ghi nhớ.

Trạng Thái Thăng Bằng Là Gì?

Trạng thái thăng bằng là khả năng duy trì trọng tâm của cơ thể trên nền chống đỡ.  Một hệ thống thăng bằng hoạt động bình thường cho phép con người nhìn thấy rõ ràng trong lúc đang di chuyển, định hướng theo trọng lực, xác định phương hướng và tốc độ chuyển động, và tự động điều chỉnh tư thế để duy trì dáng điệu và sự thăng bằng trong nhiều tình huống cũng như các hoạt động khác nhau.

Có được trạng thái thăng bằng và nó được duy trì là nhờ một tập hợp các hệ thống kiểm soát cảm giác vận động phức tạp, bao gồm các tín hiệu cảm giác đến (sensory input) từ thị giác, xúc giác (proprioception), và hệ thống tiền đình (chuyển động, sự thăng bằng, khả năng định hướng trong khoảng không); sự điều hợp tín hiệu cảm giác đến; và các tín hiệu vận động đi (motor output) tới mắt và các cơ của cơ thể.  Thương tổn, bệnh tật, hoặc quá trình lão hóa có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều thành phần này.

Tín Hiệu Cảm Giác Đến

Khả năng duy trì trạng thái thăng bằng phụ thuộc vào các thông tin được não tiếp nhận từ 3 nguồn ngoại biên: mắt, cơ và khớp, và các cơ quan tiền đình (xem hình).  Cả 3 nguồn này gửi các thông tin đến não dưới dạng các xung điện thần kinh (nerve impulse) từ các đầu dây thần kinh đặc biệt có tên gọi là các thụ thể cảm giác (sensory receptor).



Sensory input: Các tín hiệu cảm giác đến (từ các cơ quan khác).
Vestibular equilibrium, spatial awareness, rotation, linear movement: sự thăng bằng tiền đình, sự nhận thức về khoảng không, chuyển động quay, chuyển động thẳng.
Visual sight: Hình ảnh trực quan.
Proprioceptive touch: Cảm nhận bằng xúc giác.
Integration of input: Điều hợp các tín hiệu đến.
The cerebellum coordinates and regulates posture, movement, and balance: Tiểu não phối hợp và kiểm soát dáng điệu, chuyển động, và sự thăng bằng.
The cerebral cortex contributes higher level thinking and memory: Vỏ não cung cấp tư duy và bộ nhớ ở mức độ phức tạp hơn.
The brainstem integrates and sorts sensory information: Thân não điều hợp và phân loại các thông tin cảm giác.
Motor output: Các tín hiệu cảm giác đi (tới các cơ quan khác).
Vestibulo-ocular reflex: Phản xạ tiền đình mắt.
Motor impulses to control eye movements:  Các xung điện thần kinh vận động kiểm soát các chuyển động của mắt.
Motor impulses to make postural adjustments:  Các xung điện thần kinh vận động thực hiện những sự điều chỉnh về dáng điệu.
Balance: Trạng thái thăng bằng.

Trạng thái thăng bằng được duy trì bởi một tập hợp các hệ thống kiểm soát cảm giác vận động phức tạp.

Tín Hiệu Đến Từ Mắt

Các thụ thể giác quan ở võng mạc được gọi là que (rod) và nón (cone).  Khi ánh sáng đi đến các que và nón, các thụ thể này truyền các xung điện thần kinh đến não giúp cung cấp các tín hiệu thị giác xác định cách một người được định hướng theo các vật thể khác.  Ví dụ, khi một người đi bộ đi trên đường, các tòa nhà cao tầng được sắp xếp theo chiều thẳng đứng, và khi đi qua mỗi tòa nhà, đầu tiên nó sẽ được chuyển vào rồi sau đó ra khỏi tầm của thị lực ngoại biên.

Tín Hiệu Đến Từ Cơ Và Khớp

Các thông tin xúc giác (proprioceptive information) từ da, cơ, và các khớp bao gồm các thụ thể cảm giác(sensory receptor) nhạy cảm với sự kéo giãn hoặc áp lực ở các mô xung quanh.  Ví dụ, phía trước của các lòng bàn chân sẽ cảm thấy áp lực tăng lên khi một người đứng nghiêng về phía trước.  Với bất kỳ chuyển động nào của chân, cánh tay, và của các cơ phận khác, thì các thụ thể cảm giác sẽ đáp ứng bằng cách gửi đi các xung điện thần kinh đến não.

Các tín hiệu cảm giác, bắt nguồn ở cổ và mắt cá, là những yếu tố đặc biệt quan trọng.  Các tín hiệu xúc giác (proprioceptive cue) từ cổ chỉ ra hướng quay của đầu.  Các tín hiệu từ mắt cá chỉ ra chuyển động hoặc sự đu đưa của cơ thể theo bề mặt đứng (sàn nhà hoặc mặt đất) và chất lượng của bề mặt đó (ví dụ: cứng, mềm, trơn trượt, hoặc không bằng phẳng).

Tín Hiệu Đến Từ Hệ Thống Tiền Đình

Các thông tin cảm giác về cử động, sự thăng bằng, và khả năng định hướng trong không gian được hệ thống tiền đình cung cấp, bộ máy này nằm ở hai bên tai bao gồm thông nang (utricle), thông nang nhỏ (saccule), và 3 ống bán nguyệt (semicircular canal).  Thông nang và thông nang nhỏ phát hiện trọng lực (định hướng theo chiều thẳng đứng) và chuyển động thẳng.  Các ống bán nguyệt, có chức năng phát hiện chuyển động quay tròn, nằm vuông góc với nhau và chứa một dung dịch có tên là nội dịch tai (endolymph).  Khi đầu quay theo hướng được một ống bán nguyệt phát hiện, thì nội dịch bên trong ống bị chặn lại vì quán tính và tạo áp lực lên thụ thể cảm giác của ống này.  Sau đó, thụ thể này sẽ gửi đi những tín hiệu về chuyển động tới não.  Khi các cơ quan tiền đình ở hai bên đầu hoạt động đúng chức năng, thì chúng sẽ truyền những tín hiệu có tính chất đối xứng đến não.  (Các xung điện thần kinh ở bên phải phù hợp với các xung điện ở bên trái).

Điều Hợp Các Tín Hiệu Cảm Giác Đến

Các thông tin về trạng thái thăng bằng được các cơ quan cảm giác ngoại biên (peripheral sensory organ) cung cấp – mắt, các cơ và khớp, hai bên hệ thống tiền đình – được gửi đến thân não (brain stem).  Ở đó, các thông tin này được phân loại và được điều hợp với các thông tin đã được học trước được tiểu não (trung tâm phối hợp của não) và vỏ não (cerebral cortex: trung tâm kiểm soát suy nghĩ và bộ nhớ) cung cấp.  Tiểu não cung cấp các thông tin về các chuyển động tự động mà đã được học trước thông qua sự tiếp xúc thường xuyên với một số thao tác.  Ví dụ, bằng cách tập giao banh thường xuyên, người chơi quần vợt học cách giữ thăng bằng trong thao tác đó.  Những thông tin đóng góp từ vỏ não bao gồm các thông tin đã được học trước; ví dụ, vì lề đường bị đóng băng rất trơn trượt, do đó một người cần phải sử dụng một cách di chuyển khác để đi một cách an toàn.

Xử Lý Các Tín Hiệu Cảm Giác Đến Gây Mâu Thuẫn

Một người có thể trở nên mất định hướng nếu các tín hiệu cảm giác đến từ mắt, cơ và khớp, hoặc các cơ quan tiền đình mâu thuẫn với nhau.  Ví dụ, vấn đề này có thể xảy ra khi một người đang đứng gần một chiếc xe buýt mà nó đang rời trạm.  Hình ảnh trực quan của một chiếc xe buýt đang lăn bánh có thể tạo nên một ảo giác cho người đi bộ này nghĩ rằng họ - thay vì chiếc xe buýt – đang di chuyển.  Tuy nhiên, cùng lúc các thông tin về xúc giác từ cơ và khớp chỉ ra rằng họ đang đứng yên.  Các thông tin về cảm giác do các cơ quan tiền đình cung cấp có thể giúp khống chế sự mâu thuẫn về cảm giác này.  Ngoài ra, tư duy và bộ nhớ ở mức cao hơn có thể khiến cho người này rời tầm mắt khỏi chiếc xe buýt đang di chuyển để nhìn xuống nhằm chứng thực bằng trực quan rằng cơ thể của họ không di chuyển khi đối chiếu với lề đường.

Các Tín Hiệu Vận Động Đi

Khi tiến hành điều hợp các tín hiệu cảm giác, thân não truyền các xung điện thần kinh đến các cơ có chức năng kiểm soát chuyển động của mắt, đầu và cổ, thân, và đùi, vì thế cho phép một người vừa có thể giữ thăng bằng vừa có thể nhìn thấy rõ trong lúc đang di chuyển.

Tín Hiệu Vận Động Đi Đến Các Cơ và Khớp

Một đứa trẻ học cách giữ thăng bằng thông qua thực hành và lặp lại khi các xung điện thần kinh được truyền từ các thụ thể cảm giác đến thân não và sau đó đến các cơ hình thành một lộ trình thần kinh mới.  Thường xuyên lặp lại sẽ trở nên dễ dàng hơn cho các xung điện này di chuyển dọc theo lộ trình thần kinh đó – một quá trình được gọi là tạo điều kiện thuận lợi(facilitation) – và đứa trẻ có thể duy trì trạng thái thăng bằng trong thời gian thực hiện bất kỳ hoạt động nào.  Có chứng cứ rõ rệt cho thấy rằng hiện tượng tái tổ chức khớp thần kinh (synaptic reorganization) xảy ra trong suốt thời gian sống của một người điều chỉnh để thích ứng với những môi trường luôn thay đổi hoặc các chứng bệnh.  Quá trình tạo điều kiện thuận lợi cho lộ trình thần kinh này là lý do các vũ công và các vận động viên tập luyện rất vất vả.  Ngay cả những thao tác rất phức tạp cũng trở nên hầu như là tự động sau một thời gian.  Ví dụ, khi một người nhào lộn trong công viên, các xung điện được truyền từ thân não thông báo cho vỏ não rằng thao tác này được đi kèm bởi hình ảnh quay vòng của công viên.  Với sự tập luyện thường xuyên, não học cách chuyển dịch thị trường quay thành bình thường trong khi thực hiện động tác nhào lộn này.  Một cách khác, các vũ công hiểu rằng để duy trì trạng thái thăng bằng trong khi tiến hành một loạt các động tác xoay tròn, họ phải dán mắt vào một điểm ở xa càng lâu càng tốt trong lúc xoay tròn cơ thể.

Các Tín Hiệu Vận Động Đến Mắt

Hệ thống tiền đình gửi các tín hiệu kiểm soát vận động thông qua hệ thần kinh đến các cơ ở mắt với một chức năng tự động được gọi là phản xạ tiền đình mắt (vestibulo-ocular reflex).  Khi đầu không cử động, các xung điện thần kinh từ các cơ quan tiền đình ở bên phải có số lượng tương đương với các xung điện thần kinh đến từ bên trái.  Khi quay đầu sang phải, số lượng các xung điện từ tai bên phải tăng lên và số lượng xung điện từ tai bên trái giảm xuống.  Sự khác biệt về số lượng xung điện được gửi đi từ mỗi bên kiểm soát các chuyển động của mắt và giúp ổn định cái nhìn chăm chú trong lúc đầu chuyển động chủ động (ví dụ, trong lúc chạy hoặc xem một trận khúc côn cầu) và trong lúc đầu chuyển động thụ động (ví dụ, trong lúc ngồi trong xe hơi đang tăng tốc hoặc giảm tốc).

Hệ Thống Phối Hợp Thăng Bằng

Hệ thống thăng bằng ở người bao gồm một tập hợp các hệ thống kiểm soát cảm giác vận động(sensorimotor-control system) phức tạp.  Các cơ chế phản hồi phối hợp chặt chẽ với nhau của hệ thống thăng bằng này có thể bị gián đoạn bởi những tổn thương đến một hoặc nhiều bộ phận do chấn thương, bệnh tật, hoặc quá trình lão hóa.  Trạng thái thăng bằng bị suy yếu có thể đi kèm với các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, các vấn đề về thị lực, buồn nôn, mệt mỏi, và khó tập trung.

Tính chất phức tạp của hệ thống thăng bằng ở người tạo ra những thách thức trong việc chẩn đoán và điều trị những nguyên nhân tiềm ẩn gây mất thăng bằng.  Rối loạn chức năng tiền đình, một nguyên nhân gây mất thăng bằng, đưa ra một thách thức hết sức phức tạp vì sự tương tác của hệ thống tiền đình với chức năng nhận thức, và mức độ nó ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát các chuyển động của mắt và dáng điệu.











0 comments:

Post a Comment