Tuesday, January 6, 2015

SƯNG MẮT CÁ CHÂN VÀ BÀN CHÂN (SWOLLEN ANKLES AND FEET) - Do LQT Biên Dịch

I.             KIẾN THỨC TỔNG QUÁT
II.           CÁC NGUYÊN NHÂN
III.          CÁC TRIỆU CHỨNG
IV.         CHẨN ĐOÁN
V.          ĐIỀU TRỊ
VI.         CÁC BIẾN CHỨNG
VII.       TIÊN LƯỢNG
VIII.     CHĂM SÓC TẠI NHÀ
   XI.         NGĂN NGỪA


KIẾN THỨC TỔNG QUÁT

Mắt cá chân và bàn chân bị sưng là hiện tượng phổ biến và thường không gây lo ngại, đặc biệt nếu như bạn đã đứng quá lâu hoặc đi bộ quá nhiều.  Nhưng nếu bàn chân và mắt cá chân bị sưng trong nhiều ngày hoặc đi kèm với các triệu chứng khác, thì nó có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và bạn cần đi khám bác sĩ ngay tức khắc. 


Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sưng mắt cá chân và bàn chân.  Về mặt  y khoa, chữ “sưng” có nghĩa là “phồng lên” hoặc bị “căng phồng một cách bất thường”.  Vì thế, sưng bàn chân hoặc mắt cá chân có nghĩa là bị gia tăng kích thước.  Trong đa số các tình huống phổ biến, khi chữ “sưng” được sử dụng để nói đến bàn chân và mắt cá, thì người sử dụng muốn ám chỉ tình trạng căng phồng hoặc gia tăng kích thước là do hiện tượng gia tăng chất lỏng trong các mô (còn có tên là phù).  Tuy nhiên, định nghĩa rộng hơn bao gồm bất kỳ yếu tố nào làm tăng kích thước của mắt cá hoặc bàn chân (ví dụ, tăng chất lỏng, tăng các tế bào viêm hoặc cả hai).  Bởi vì đa số các yếu tố gây sưng bàn chân cũng gây sưng mắt cá chân, do đó bài viết này sẽ thảo luận về vấn đề sưng như một chủ đề bao gồm cả hai tình trạng sưng bàn chân và mắt cá chân. (Trở về đầu trang)

CÁC NGUYÊN NHÂN

Các biến chứng do mang thai.  Một số trường hợp bị sưng mắt cá chân và bàn chân xảy ra phổ biến trong thời gian mang thai.  Tuy nhiên, bị sưng to đột ngột có thể là một dấu hiệu của chứng tiền sản giật (preeclampsia), một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, trong đó huyết áp cao và protein hiện diện trong nước tiểu phát triển sau 20 tuần mang thai. 

Thương tổn ở mắt cá chân hoặc bàn chân.  Thương tổn ở bàn chân hoặc mắt cá chân có thể dẫn đến hiện tượng sưng.  Nguyên nhân phổ biến nhất là trật (trặc) mắt cá chân (spained ankle), xảy ra khi một thương tổn hoặc bị sẩy chân (misstep) làm cho dây chằng chống đỡ mắt cá bị kéo giãn quá mức bình thường. 

Phù bạch huyết.  Đây là một tình trạng tích lũy bạch huyết trong các mô mà nó có thể phát triển bởi thiếu vắng hoặc xảy ra các vấn đề với các mạch bạch huyết hoặc sau khi cắt bỏ các hạch bạch huyết.  Bạch huyết là một chất dịch giàu protein, chất dịch này thường di chuyển trong một mạng lưới rộng lớn bao gồm các mạch và mao mạch.  Bạch huyết được lọc qua các hạch bạch huyết, các hạch này có chức năng giữ lại và tiêu diệt những chất không có lợi cho cơ thể, chẳng hạn như các vi khuẩn.  Tuy nhiên, khi các mạch và hạch bạch huyết có vấn đề, thì bạch huyết có thể bị chặn lại.  Sự tích tụ bạch huyết, nếu không được điều trị, có thể làm cho vết thương khó lành và dẫn đến tình trạng nhiễm trùng và biến dạng. 

Thiểu năng tĩnh mạch.  Hiện tượng sưng mắt cá chân và bàn chân thường là một triệu chứng ban đầu của tình trạng thiểu năng tĩnh mạch (venous insufficiency), trong đó có quá ít máu di chuyển từ các tĩnh mạch ở chân và bàn chân lên tim.  Thông thường, các tĩnh mạch di chuyển máu lên trên bằng các van một chiều (one-way valve).  Khi các van này bị tổn thương hoặc bị suy yếu, thì máu rò rỉ ngược xuống các van và chất lỏng bị giữ lại ở mô mềm của phần chân dưới, đặc biệt là các mắt cá và bàn chân. 

Nhiễm trùng.  Tình trạng sưng bàn chân và mắt cá chân có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.  Những người bị bệnh thần kinh do tiểu đường (diabetic neuropathy) hoặc các vấn đề thần kinh khác ở chân sẽ có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng bàn chân. 

Máu đóng cục.  Các cục máu hình thành trong các tĩnh mạch ở chân có thể ngăn chặn máu đi ngược từ chân lên tim và làm sưng mắt cá chân cũng như bàn chân.  Các cục máu có thể xuất hiện ở các tĩnh mạch ngay dưới da (superficial), hoặc nằm sâu trong tĩnh mạch (deep vein thrombosis: huyết khối tĩnh mạch sâu).  Các cục máu nằm sâu trong tĩnh mạch có thể làm tắc nghẽn một hoặc nhiều tĩnh mạch chính ở chân.  Các cục máu này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu chúng di chuyển đến tim và phổi. 

Bệnh tim, gan, hoặc thận.  Thỉnh thoảng hiện tượng sưng có thể cho thấy bị bệnh tim, gan, hoặc thận.  Mắt cá chân bị sưng vào buổi chiều tối có thể là một dấu hiệu tích tụ muối và nước do suy tim bên phải (right-sided heart failure).  Bệnh thận cũng có thể làm cho bàn chân và mắt cá chân bị sưng.  Khi thận hoạt động không đúng chức năng, chất lỏng có thể tích lũy trong cơ thể.  Bệnh gan có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất protein albumin của gan, protein này giúp cho máu không bị rò rỉ ra khỏi các mạch máu để đi vào các mô xung quanh.  Sản xuất không đủ albumin có thể làm cho chất lỏng bị rò rỉ.  Sức hút trái đất có thể làm cho chất lỏng tích lũy nhiều hơn ở bàn chân và mắt cá chân, nhưng chất lỏng cũng có thể tích lũy ở bụng và ngực. 

Tác dụng phụ do sử dụng thuốc.  Nhiều loại thuốc có thể tạo ra hiện tượng sưng ở chân và mắt cá chân như một tác dụng phụ.  Các loại thuốc này bao gồm:

-      Các loại hooc môn như estrogen (có trong các loại thuốc tránh thai uống bằng miệng và trị liệu thay thế hooc môn) và testosterone.
-      Các loại thuốc chặn kênh canxi (calcium channel blocker), các loại thuốc trị huyết áp, bao gồm nifedipine (Adalat, Afeditab, Nifediac, Nifedical, Procardia), amlodipine (Norvasc), diltiazem (Cardizem, Cartia, Dilacor, Diltia, Tiazac), felodipine (Plendil), và verapamil (Calan, Covera-HS, Isoptin, Isoptin SR, Verelan).
-      Các loại steroid, bao gồm các steroid nam hóa (androgenic steroid) và steroid đồng hóa (anabolic steroid) cũng như các loại corticosteroid, chẳng hạn như prednisone.
-      Các loại thuốc chống trầm cảm (antidepressant), bao gồm các loại tricyclic, chẳng hạn như nortriptyline (Pamelor, Aventyl), desipramine (Norpramin), và amitriptyline (Elavil, Endep, Vanatrip); các loại thuốc ức chế men monoamine oxidase (monoamine oxidase inhibitor) chẳng hạn như phenelzine (Nardil) và tranylcypromine (Parnate)
-      Các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
-      Các loại thuốc trị bệnh tiểu đường

Di chuyển bằng máy bay.  Hiện tượng sưng chân và bàn chân trong lúc đi máy bay là một vấn đề phổ biến và thường không có hại.  Nguyên nhân chính là do không vận động trong suốt chuyến bay.  Ngồi đặt chân trên sàn trong một thời gian dài làm cho máu dồn vào các tĩnh mạch ở chân.  Tư thế để chân khi bạn ngồi cũng làm tăng áp suất ở các tĩnh mạch ở chân.  Yếu tố này góp phần làm sưng chân bằng cách làm cho chất lỏng tách khỏi máu và di chuyển vào các mô mềm xung quanh. (Trở về đầu trang)

CÁC TRIỆU CHỨNG

Các triệu chứng sưng bàn chân và mắt cá chân phụ thuộc vào các nguyên nhân tiềm ẩn được đề cập ở trên.

-      Thông thường, hiện tượng sưng là do chứng phù phụ thuộc(dependent edema), mang thai, do sử dụng các loại thuốc, và đa số các chứng bệnh gây sưng hai bên (xuất hiện ở hai bàn chân hoặc hai mắt cá), thường bắt đầu bằng sự sưng phồng ở da bàn chân mà sẽ lan nhanh (thường trong vòng vài giờ) đến các mắt cá chân.
-      Khi ấn ngón tay vào thì da dễ bị lún vào và từ từ trở lại trạng thái sưng húp khi rút ngón tay ra.
-      Những chỗ lún vào ở bàn chân bị sưng phồng khi tháo giầy hoặc vớ (tất) ra là những dấu hiệu kinh điển của hiện tượng sưng.
-      Màu da khi bị sưng thường không có gì khác thường hoặc có thể hơi tái; các dấu bị lún vào thường có màu hơi tối hơn mô xung quanh bị sưng.
-      Nhiều người chỉ cần nằm hướng mặt lên, nâng bàn chân lên cao hơn vị trí của tim, và sau vài giờ, hiện tượng sưng sẽ biến mất hoàn toàn.  Tuy nhiên, trong một số trường hợp bị bệnh mãn tính và sử dụng một số loại thuốc trong một thời gian dài, thì tình trạng sưng trở nên mãn tính, da trở nên cứng hơn, có màu đỏ và thỉnh thoảng bị đổi màu nhẹ hoặc bị lốm đốm cũng như không trở lại bình thường sau vài giờ nâng cao bàn chân.  Ví dụ, nhiều người bị suy tim tắc nghẽn (congestive heart failure - CHF) mãn tính sẽ bị sưng ở hai bàn chân và mắt cá cùng với những thay đổi ở da.

Thỉnh thoảng, một số tình trạng bệnh lý sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng hoặc cho thấy các triệu chứng khá đặc thù, ví dụ:

-      Các triệu chứng của bệnh gút (gout: bệnh thống phong) bao gồm sưng đỏ ngón cái kèm theo đau nhức và cảm giác ấm nóng ở ngón cái, viêm khớp với hiện tượng sưng và đau khớp, hoặc mất cân bằng chất điện phân kèm theo mức magie xuống thấp làm cho chân và bàn chân bị vọp bẻ.
-      Hiện tượng sưng hai bên bàn chân và mắt cá chân đột ngột trong thời gian mang thai (thường sau 20 tuần) có thể là các triệu chứng đầu tiên được lưu ý ở những người phụ nữ bị chứng tiền sản giật.
-      Hiện tượng sưng một bên bàn chân hoặc mắt cá chân thường có cùng các triệu chứng được mô tả ở trên nếu nguyên nhân tiềm ẩn là phù bạch huyết một bên (unilateral lymphedema), thiểu năng tĩnh mạch hoặc huyết khối.  Tuy nhiên, với các trường hợp bị huyết khối, bệnh nhân thường có cảm giác đau khi ấn vào chỗ sưng.  Thiểu năng tĩnh mạch, nếu mãn tính, thường có những thay đổi về màu sắc và kết cấu da như được mô tả ở trên nhưng cũng có thể phát sinh những chỗ viêm loét da hoặc nhiễm trùng thứ phát.

Thương tổn hoặc nhiễm trùng mắt cá chân thường xảy ra ở một bên, nhưng cũng có thể ở hai bên.  Thương tổn hoặc nhiễm trùng, trong những giai đoạn đầu, thường chỉ xảy ra ở bàn chân hoặc mắt cá chân, nhưng sau đó có thể lan đến mắt cá chân hoặc bàn chân.  Hiện tượng sưng do chấn thương thường chỉ khoanh vùng ở khu vực bị tổn thương (ví dụ, trật mắt cá hoặc viêm dây chằng lòng bàn chân [plantar fasciitis]); trong một số trường hợp, khu vực da bị sưng có thể bị hủy hoại do trầy da(abrasion), vết rách, hoặc bị thâm tím.  Cảm giác đau có thể đi kèm khi bàn chân bị chấn thương hoặc mắt cá chân bị thương tổn.  Một số trường hợp nhiễm trùng bàn chân hoặc mắt cá chân có thể cho thấy hiện tượng sưng khu vực do áp xe (da căng, trơn, ấm, và thỉnh thoảng chảy mủ), trong khi đó, những trường hợp nhiễm trùng khác (viêm dưới da) cho thấy hiện tượng sưng lan rộng, và da có cảm giác ấm, và thường bị mẫn đỏ.  Chỗ bị nhiễm trùng thường bị đau nhức. (Trở về đầu trang)

CHẨN ĐOÁN

Theo dõi và kiểm tra lâm sàng là cách để chẩn đoán hiện tượng sưng bàn chân và mắt cá chân.  Chuyên gia y tế có thể sẽ đặt những câu hỏi về tình trạng sưng để thu thập những thông tin cụ thể và hiểu rõ nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng sưng; sau khi xác định được nguyên nhân, các chuyên gia y tế sẽ đưa ra những phương pháp điều trị để giúp cho bệnh nhân.  Phương pháp theo dõi đơn giản và sự mô tả của bệnh nhân về khu vực bị sưng có thể có đủ cơ sở để chẩn đoán nguyên nhân.  Ví dụ:

-      mắt cá chân bị sưng mà bệnh nhân đã làm trật (trặc) cách đó một ngày có thể là do bị bong gân.
-      bàn chân bị sưng, có cảm giác ấm, da mẫn đỏ ở người bị bệnh tiểu đường, cùng với một vết cắt ở chân thì có khả năng là do nhiễm trùng gây ra.
-      tình trạng sưng hai bên bàn chân và mắt cá chân ở người bị bệnh tim, và bệnh nhân này không uống thuốc lợi tiểu được chỉ định, thì có khả năng là do sự phối hợp của chứng phù phụ thuộc, không kiểm soát tốt lượng chất lỏng trong cơ thể và chức năng tim bị suy giảm gây ra.

Các kiểm tra xét nghiệm thường không được dùng để chẩn đoán tình trạng sưng bàn chân và mắt cá chân.  Tuy nhiên, chúng có thể được yêu cầu tiến hành ở một số bệnh nhân để giúp chẩn đoán các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng sưng. (Trở về đầu trang)

ĐIỀU TRỊ

Phương pháp điều trị cho tình trạng sưng bàn chân và mắt cá chân phụ thuộc vào các nguyên nhân tiềm ẩn.  Đối với nhiều người, chỉ cần nâng bàn chân lên cao hơn tim hoặc thỉnh thoảng cho bàn chân được nghỉ ngơi sẽ giảm hoặc chấm dứt được tình trạng sưng.  Tuy nhiên, đối với những người khác, việc điều trị nguyên nhân tiềm ẩn gây sưng có thể bao gồm thuốc kháng sinh cho các trường hợp nhiễm trùng, thanh nẹp và băng cho trường hợp bong gân, sử dụng các loại thuốc thích hợp cho trường hợp suy tim tắc nghẽn (congestion heart failure – CHF) hoặc bệnh gút (gout).

Tình trạng sưng bàn chân và mắt cá chân thường không cần đến điều trị cấp cứu và khẩn cấp, nhưng đối với một số nguyên nhân tiềm ẩn, trong đó hiện tượng sưng bàn chân và mắt cá chân hoặc sưng khu trú là một triệu chứng quan trọng và thỉnh thoảng là triệu chứng chính, thì thực sự cần đến điều trị cấp cứu và khẩn cấp.  Dưới đây là một số ví dụ:

-      Tiền sản giật trong lúc mang thai
-      Suy tim tắc nghẽn trở nên nghiêm trọng
-      Suy gan
-      Suy thận
-      Gãy (nứt) xương bàn chân và mắt cá chân
-      Áp xe
-      Viêm dưới da (cellulitis) và bệnh gút trở nên nghiêm trọng

Nếu hiện tượng sưng đi kèm với các triệu chứng, chẳng hạn như khó thở, đau ngực hoặc sốt, thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay. (Trở về đầu trang)

CÁC BIẾN CHỨNG

Tình trạng sưng bàn chân và mắt cá chân có thể gây đau và sự bất tiện khi đi bộ hoặc khi muốn chạy.  Sưng mãn tính có thể làm thay đổi màu da và dẫn đến các trường hợp viêm loét da.  Thỉnh thoảng, những chỗ viêm loét da có thể bị nhiễm trùng.  Các trường hợp nhiễm trùng da có thể trở nên phức tạp do áp xe, viêm dưới da, hội chứng vi khuẩn ăn thịt (necrotizing fasciitis), và tử vong. (Trở về đầu trang)

TIÊN LƯỢNG

Đa số những người bị sưng bàn chân và mắt cá chân có kết quả rất khả quan bởi vì tình trạng sưng thường có thể chữa khỏi và không có các biến chứng kéo dài.  Tuy nhiên, một số lượng không nhỏ các bệnh nhân có các nguyên nhân tiềm ẩn mãn tính và kháng điều trị lại có tiên lượng từ tốt đến không khả quan tùy thuộc vào khả năng đáp ứng của bệnh nhân đối với những thay đổi về lối sống và các loại thuốc điều trị. (Trở về đầu trang)

CHĂM SÓC TẠI NHÀ

Một số hướng dẫn có thể giúp ích cho bạn:

-      Nâng chân lên cao hơn tim trong khi đang nằm.
-      Tập thể dục chân.  Điều này giúp bơm chất lỏng từ chân trở về tim.
-      Tiến hành một chế độ ăn chứa ít muối, nhờ đó có thể giúp giảm hiện tượng tích tụ chất lỏng và giảm sưng.
-      Mang vớ (tất) bảo vệ (được bán tại các cửa hàng thuốc và thiết bị y tế).
-      Khi đi du lịch bằng máy bay, thường xuyên đứng lên và di chuyển xung quanh
-      Tránh mặc quần áo chật hoặc nịt tất xung quanh đùi.
-      Giảm cân nếu cần thiết
-      Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, điều quan trọng là phải kiểm tra hai bàn chân mỗi ngày để phát hiện những chỗ giộp da và lở loét, bởi vì dây thần kinh bị tổn thương có thể làm mất đi cảm giác đau và các vấn đề ở chân có thể phát triển nhanh.  Nếu bạn lưu ý thấy một chân bị sưng hoặc bị giộp da mà có khả năng bị nhiễm trùng, thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay.
-      Để giảm sưng do thương tổn ở mắt cá hoặc bàn chân, hãy nghỉ ngơi để tránh đi bộ ảnh hưởng đến bàn chân hoặc mắt cá bị thương, sử dụng túi chườm lạnh, băng bó mắt cá chân hoặc bàn chân, rồi gác bàn chân lên ghế hoặc gối.   Nếu tình trạng sưng và đau trở nên nghiêm trọng hoặc không cải thiện với phương pháp trị liệu tại nhà, thì bạn nên đi khám bác sĩ.
-      Nếu bạn đang mang thai và gặp phải tình trạng sưng nghiêm trọng hoặc hiện tượng sưng đi kèm với các triệu chứng khác chẳng hạn như đau vùng bụng (abdominal pain), nhức đầu, đi tiểu không thường xuyên, buồn nôn và nôn mửa, thay đổi thị lực, thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay.
-      Phù bạch huyết (lymphedema) xảy ra phổ biến sau khi trị liệu phóng xạ hoặc sau khi cắt bỏ các hạch bạch huyết ở các bệnh nhân bị ung thư.  Nếu bạn đã được điều trị ung thư và gặp phải tình trạng sưng, thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay.
-      Thiểu năng tĩnh mạch mãn tính có thể dẫn đến những thay đổi ở da, viêm loét da, và nhiễm trùng.  Nếu bạn gặp phải các dấu hiệu bị thiểu năng tĩnh mạch, thì bạn nên đi khám bác sĩ.
-      Nếu bạn có bệnh tim, gan, hoặc thận và bị sưng ở một chân, đi kèm đau nhức, sốt nhẹ, và có thể thay đổi màu da ở chân bị sưng, thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay.  Điều trị bằng các loại thuốc làm loãng máu có thể cần đến.
-      Nếu tình trạng sưng đi kèm với các triệu chứng khác, bao gồm mệt mỏi, mất khẩu vị, và tăng cân, thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay.  Nếu bạn cảm thấy bị khó thở, đau ngực, hoặc tức ngực, thì gọi ngay cho số điện thoại khẩn cấp 911.

Nếu bạn nghi ngờ hiện tượng sưng có thể liên quan đến một loại thuốc mà bạn đang sử dụng, hãy gọi ngay cho bác sĩ.  Mặc dù các tác dụng của thuốc có thể đáng để chịu đựng một chút sưng, nhưng nếu bị sưng nghiêm trọng thì có thể cần phải thay đổi thuốc hoặc liều sử dụng.

Bạn phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi ngưng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà bạn cho rằng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng sưng. (Trở về đầu trang)

KHI NÀO CẦN LIÊN HỆ VỚI BÁC SĨ

Điện thoại số khẩn cấp 911 nếu:

-      Nếu bạn cảm thấy khó thở
-      Bạn bị đau ngực, đặc biệt nếu bạn cảm thấy bị ép ngực

Điện thoại ngay cho bác sĩ nếu:

-      Bạn bị bệnh tim hoặc bệnh thận và tình trạng sưng trở xấu.
-      Bạn có tiền sử bị bệnh gan và bây giờ bị sưng chân hoặc bụng
-      Chân và bàn chân bị sưng đỏ hoặc có cảm giác ấm khi chạm vào.
-      Bạn lên cơn sốt.
-      Bạn đang mang thai và có hiện tượng sưng không bình thường hoặc sưng to đột ngột.

Ngoài ra, nếu các biện pháp tự điều trị không giúp ích được cho bạn hoặc hiện tượng sưng trở xấu, thì bạn phải đi khám bác sĩ ngay. (Trở về đầu trang)

CÁC TIẾN TRÌNH TẠI PHÒNG KHÁM BÁC SĨ

Bác sĩ sẽ thu thập bệnh sử và kiểm tra tổng quát, chú ý đặc biệt đến tim, phổi, bụng, các hạch bạch huyết, chân, và bàn chân của bạn.

Bác sĩ sẽ đặt những câu hỏi như sau:

-      Những phần nào trên cơ thể bạn bị sưng? Mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân?  Trên hoặc dưới đầu gối?
-      Bạn bị sưng thường xuyên hoặc trở xấu vào buổi sáng hay buổi chiều tối?
-      Yếu tố nào làm cho tình trạng sưng giảm bớt?
-      Yếu tố nào làm cho tình trạng sưng trở xấu?
-      Bạn có cảm thấy giảm sưng khi nâng chân lên cao không?
-      Bạn có các huyết khối ở chân hoặc phổi không?
-      Bạn có bị căng giãn tĩnh mạch không?
-      Bạn có các triệu chứng nào khác không?

Các kiểm tra chẩn đoán (diagnostic test) được tiến hành có thể bao gồm:

-      Các xét nghiệm máu chẳng hạn như đếm tế bào máu(complete blood count – CBC) hoặc xét nghiệm hóa học máu (blood chemistry)
-      Chụp X-quang ngực hoặc chụp X-quang chi (extremity x-ray)
-      Kiểm tra siêu âm tĩnh mạch chân
-      Điện tâm đồ (electrocardiogram)
-      Phân tích nước tiểu (urinalysis)

Việc điều trị sẽ nhắm vào nguyên nhân gây sưng.  Các loại thuốc lợi tiểu có thể được chỉ định để giúp giảm sưng, nhưng chúng có thể có các tác dụng phụ.  Điều trị tại nhà cho các nguyên nhân không nghiêm trọng gây sưng bàn chân và mắt cá chân nên được tiến hành trước khi sử dụng thuốc. (Trở về đầu trang)

NGĂN NGỪA

Trong nhiều trường hợp, hiện tượng sưng ở bàn chân và mắt cá chân có thể giảm bớt hoặc ngăn ngừa được.  Sau đây là một số phương pháp ngăn ngừa và giúp giảm sưng mắt cá và bàn chân:

-      Tập thể dục để cải thiện quá trình tuần hoàn máu và giúp phân phối chất lỏng
-      Tiến hành chế độ ăn uống lành mạnh; ăn quá nhiều muối có thể gây ứ đọng chất lỏng, tăng huyết áp và sưng.
-      Tạm thời làm gián đoạn quá trình ngồi hoặc đứng vài lần mỗi ngày, nâng bàn chân và mắt cá chân lên cao hơn tim.
-      Giảm cân thừa để giữ lại ít chất lỏng hơn đồng thời giảm áp lực lên các cơ và khớp
-      Xem xét sử dụng các loại vớ (tất) có tác dụng bảo vệ
-      Kiểm tra các loại thuốc được bác sĩ kê toa và các loại thuốc khác; tham khảo với bác sĩ xem loại thuốc đó có gây ứ đọng chất lỏng không.
-      Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất khác mà chúng có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây sưng.

Bởi vì có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra hiện tượng sưng bàn chân và mắt cá chân, cho nên có rất nhiều cách để phòng tránh hoặc giảm nguy cơ phát triển tình trạng này. (Trở về đầu trang)


Nguồn(Sources):






0 comments:

Post a Comment