Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

BỆNH SÁN LÁ PHỔI.

(PARAGONIMIASIS).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

CHỨNG BỆNH CHÂN MADURA

(MADURA FOOT).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

MỘT BỘ PHẬN NGỰC GIẢ BIẾN MẤT TRONG KHI TẬP MÔN THỂ DỤC PILATES.

(DISAPPEARANCE OF A BREAST PROSTHESIS DURING PILATES).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK).

MỘT VIÊN ĐẠN NẰM TRONG ĐẦU.

(A HEAD SHOT).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

TÌNH TRẠNG MÙ SAU KHI TIÊM MỠ

(BLINDNESS AFTER FAT INJECTION)

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

BỆNH GÚT CÓ SỎI.

(TOPHACEOUS GOUT).

Nguồn (Source): www.nejm.org

Photobucket

HÌNH ẢNH MỖI TUẦN (IMAGE OF THE WEEK)

BỆNH PHÌNH TRƯỚNG XƯƠNG KHỚP

(HYPERTROPHIC PULMONARY OSTEOARTHROPATHY) .

Nguồn (Source): www.nejm.org

Thursday, March 31, 2016

TIN TỨC Y HỌC - Do LQT Biên Dịch





KHI CHOLESTEROL HDL KHÔNG BẢO VỆ CHỐNG LẠI BỆNH TIM

Các Ý Chính

-      Các nhà khoa học đã khám phá ra một đột biến gen làm tăng hàm lượng cholesterol HDL, nhưng thay vì bảo vệ chống lại bệnh tim, thì nó lại làm tăng nguy cơ phát triển bệnh này.
-      Các phát hiện này cho thấy rằng hàm lượng cholesterol HDL có thể không quan trọng bằng khả năng hoạt động của HDL trong việc loại trừ cholesterol ra khỏi cơ thể.

Cholesterol có nhiều chức năng quan trọng.  Nó được vận chuyển theo máu ở một số dạng, bao gồm kết bám vào LDL (low-density lipoprotein) và HDL (high-density lipoprotein).  Khi có quá nhiều cholesterol trong máu của bạn, cholesterol LDL có thể kết hợp với các chất khác để hình thành mảng vữa (plaque) bám vào các thành động mạch, làm cho các động mạch bị thu hẹp.  Tình trạng này, được gọi là xơ vữa động mạch (atherosclerosis), làm cho bạn có nhiều nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim (heart attack) và đột quỵ (stroke: tai biến mạch máu não).


Ngược lại, HDL được xem có khả năng loại bỏ cholesterol ra khỏi các động mạch và đưa nó đến gan để đào thải ra khỏi cơ thể.  Hàm lượng cao HDL được xem gắn liền với nguy cơ thấp phát triển bệnh tim mạch.  Tuy nhiên, các phương pháp tiếp cận dược học nhằm làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim bằng cách gia tăng hàm lượng HDL đã mang lại các kết quả gây thất vọng.

Một nhóm nghiên cứu quốc tế dẫn đầu bởi bác sĩ Daniel J. Rader thuộc trường Đại Học Pennsylvania (University of Pennsylvania) đã nhắm đến việc thu thập những kiến thức sâu rộng hơn về mối quan hệ giữa cholesterol HDL (HDL-cholesterol or HDL-C) và bệnh tim mạch.  Họ đã kiểm tra 328 người với hàm lượng HDL-C rất cao (trung bình khoảng 107 mg/dL) và 398 người với hàm lượng HDL-C thấp (trung bình khoảng 30 mg/dL).  Các nhà khoa học đã xác định chuỗi các thành phần hóa học (sequence) của khoảng 1000 gen gần các vùng gen trước đây có liên quan đến hàm lượng lipit huyết tương.  Các kết quả đã được công bố trên tạp chí Khoa Học (Science) số ra ngày 11 tháng 3 năm 2016.

Ở 5 người có hàm lượng cao HDL-C, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một biến thể di truyền bên trong gen SCARB1, gen này viết mã cho thụ thể HDL chính ở các tế bào gan, thụ thể này là protein SR-BI (scavenger receptor class BI).  Một trong những cá nhân này có hai bản sao đột biến của biến thể di truyền này.  Ở chuột, những bổ sung di truyền của gen này có những tác dụng trái ngược với những tác dụng được kỳ vọng nếu HDL-C có khả năng bảo vệ.  Sự tăng biểu thị kiểu hình của gen này đã hạ thấp mức HDL-C nhưng làm giảm tình trạng xơ vữa động mạch.  Sự vắng mặt của gen này nâng mức HDL-C lên nhưng làm tăng tình trạng xơ vữa động mạch.

Những phân tích gen của trên 300 000 người đã chứng thực rằng đột biến này, có tên là SCARB1 P376L, được xem có liên quan đến mức HDL-C gia tăng.  Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng những người với đột biến này có hàm lượng các phân tử HDL-C lớn trong máu cao một cách bất thường.

Để xem đột biến gen SCARB1 P376L có liên quan đến bệnh tim hay không, nhóm nghiên cứu đã thu thập các dữ liệu của khoảng 50 000 người bị bệnh tim mạch vành  (coronary heart disease) và khoảng 88 000 đối tượng kiểm soát (control).  Họ đã tìm thấy rằng những người bị đột biến gen này có nguy cơ phát triển bệnh tim cao một cách đáng kể.

Các thí nghiệm về nuôi cấy tế bào và ở chuột đã tiết lộ rằng protein P376L SR-BI không được tế bào xử lý một cách hợp lý và thường không thể di chuyển đến bề mặt tế bào.  Kết quả là, các tế bào gan trở nên mất khả năng hấp thụ cholesterol HDL trong máu.

“Nghiên cứu cho thấy rõ rằng tác dụng bảo vệ của HDL phần lớn tùy thuộc vào chức năng hoạt động của nó thay vì chỉ dựa vào số lượng HDL hiện diện”, bác sĩ Rader nói.  “Chúng ta vẫn còn phải tìm hiểu rất nhiều về mối quan hệ giữa chức năng hoạt động của HDL và nguy cơ bệnh tim”.

Nhóm các nhà khoa học đưa ra kế hoạch nghiên cứu các đột biến gen SCARB1 để xem nó ảnh hưởng thế nào đến hàm lượng HDL và bệnh tim.  Họ đề xuất rằng các gen khác cũng có thể có những tác động tương tự. (Trở về đầu trang)




NHỮNG THỰC PHẨM KHÔNG NÊN TIÊU THỤ THƯỜNG XUYÊN

Nói một cách chính xác thì chế độ ăn uống lành mạnh là gì?  Về cơ bản thì rất đơn giản.  Mỗi người cần một hỗn hợp bao gồm protein, carbohydrate, và chất béo, cộng với một lượng vừa đủ vitamin và chất khoáng để có được một sức khỏe lý tưởng.  Nhưng khoa học đang tiết lộ rằng một số chọn lựa về thực phẩm trong một số hạng mục tỏ ra tốt hơn so với các hạng mục khác.


Có những loại thực phẩm mà bạn không bao giờ nên ăn? Không hẳn là như thế.  Nếu thỉnh thoảng bạn thèm một ly kem, thì hãy thưởng thức một ly nhỏ.  Nhưng đừng nên biến điều này thành một thói quen hằng ngày.  Giảm bớt tác hại của những miếng bánh chip bạn đã ăn ở buổi nướng thịt bên nhà hàng xóm bằng những món ăn vặt lành mạnh tại nhà.  Việc ăn uống lành mạnh không có nghĩa là loại trừ hoàn toàn một số loại thực phẩm.  Tuy nhiên, có một số loại tốt nhất bạn không nên tiêu thụ thường xuyên.

Các nhà khoa học dinh dưỡng tại đại học Harvard đã biên soạn một danh sách các thực phẩm sau đây mà bạn nên tiêu thụ ở mức tối thiểu.  Nghiên cứu cho thấy rằng ăn các loại thực phẩm này thường xuyên (và loại trừ những chọn lựa lành mạnh hơn) có thể tạo điều kiện cho các căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng chẳng hạn như bệnh tim, cao huyết áp, bệnh tiểu đường (đái tháo đường), và thậm chí một số bệnh ung thư.

Đường được thêm vào.  Cho dù đó là đường cát trắng (white granulated sugar), xi rô bắp hàm lượng cao fructose (high-fructose corn syrup), đường bắp (corn sugar), hay mật ong, thì đường hầu như không chứa chất dinh dưỡng nào cả và chỉ là chất carbohydrate.  Khi bạn ăn nhiều đường thì bạn đang bổ sung lượng calorie đang thiếu, làm cho lượng đường huyết của bạn lên xuống giống như tàu lượn siêu tốc (roller coaster), và có thể làm cho bạn không muốn ăn các loại thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng và các chất sợi quan trọng.

Nghiên cứu trích dẫn các loại nước ngọt và các loại nước giải khát được làm ngọt bằng đường là nguồn chứa đường được thêm vào trong chế độ ăn uống của người Mỹ và là tác nhân chính gây tăng cân.  Thật vậy, mỗi ngày chỉ cần uống một lon 12 oz (355 ml) nước giải khát được làm ngọt, thì mỗi năm có thể tăng thêm 15 lbs (6 kg).  Đó là không chỉ bởi vì các thức uống này bổ sung thêm calorie, mà còn bởi vì số lượng calorie từ các chất lỏng đó không đáp ứng được như thực phẩm cứng. 

Chất béo từ bơ sữa.  Kem, sữa nguyên chất, và phó mát chứa đầy chất béo bão hòa (saturated fat) và một số chất béo chuyển hóa (trans fat) trong tự nhiên, do đó có thể làm tăng nguy cơ phát sinh các vấn đề sức khỏe, nổi bật là bệnh tim.  Loại sữa và các sản phẩm sữa tốt nhất là các loại ít béo (low fat), chẳng hạn như sữa không béo (skim milk), sữa 1%, và các loại phó mát ít chất béo.

Bánh ngọt nướngBánh quy (cookie), bánh ngọt nướng ăn vặt (snack cake), bánh doughnut, các loại bánh ngọt (pastry: bánh làm từ bột nhồi) và nhiều món khác là những thứ rất khó từ chối, nhưng các loại thực phẩm được chế biến sẵn này chứa đầy các loại carbohydrate, đường bổ sung, các loại chất béo không tốt cho sức khỏe, và muối.

Carbohydrate trắng.  Bánh mì, nui(pasta), khoai tây, cơm, bánh quy, bánh ngọt nướng, hoặc bánh kếp (pancake) – nếu bạn thích ăn các loại thực phẩm này, thì nên chọn lựa các sản phẩm nguyên hạt(whole grain).  Bạn có thể tìm thấy ở siêu thị hoặc tự làm bột bánh kết nguyên hạt (whole-grain pancake mix).  Nui và bánh mì nguyên hạt được bán rộng rãi trên thị trường.  Lúc nào bạn cũng có thể tự làm cho mình những loại bánh quy sử dụng các ngũ cốc như bột yến mạch (oatmeal), ít đường và ít chất béo có hại cho sức khỏe hơn.

Thịt nhiều mỡ và thịt được chế biến sẵn.  Mặc dù có một số báo cáo không thống nhất, nhưng chứng cứ được cân bằng xác nhận rằng các loại thịt được chế biến sẵn như thịt heo muối xông khói (bacon), thịt heo muối (ham), xúc xích cay (pepperoni), hot dog, và nhiều loại thịt nguội (lunch meat) tỏ ra ít lành mạnh hơn so với protein từ cá, thịt gà không da, các loại quả hạch (nut), các loại đậu(bean), đậu nành, và các ngũ cốc nguyên hạt.  Thịt đỏ chỉ nên được tiêu thụ rất hạn chế và chỉ chọn những miếng thật nạc.

Muối.  Các hướng dẫn hiện hành về chế độ ăn uống cũng như Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ (American Heart Association) đề xuất giảm tiêu thụ muối xuống mức 1500 mg mỗi ngày và không vượt quá 2300 mg mỗi ngày.  Nhưng đa số chúng ta tiêu thụ khoảng 1,5 muỗng cà phê (8500 mg) muối mỗi ngày.  Số lượng này tương đương với 3400 mg natri mỗi ngày.  Cơ thể bạn cần một số lượng natri vừa phải, nếu tiêu thụ quá nhiều thì nó có thể làm tăng huyết áp, nguy cơ bị bệnh tim và đột quỵ (tai biến mạch máu não). (Trở về đầu trang)




TIÊU THỤ NƯỚC NGỌT VÀ MỠ BỤNG

Uống nước ngọt có đường được xem có liên quan đến tình trạng tích lũy nhiều mỡ ở bụng, theo một phân tích mới của chương trình Nghiên Cứu Tim Framingham (Framingham Heart Study).

Dựa trên các số đo mô mỡ nội tạng (visceral adipose tissue) và mô mỡ dưới da (subcutaneous adipose tissue) trong số trên 1000 người ở tuổi trung niên, thì việc tiêu thụ các thức uống được làm ngọt bằng đường với số lượng cao, được báo cáo ở mức tiêu chuẩn, được xem có liên quan đến một sự thay đổi lớn về dung tích mô mỡ nội tạng trong thời gian 6 năm (xác suất < 0,001 theo xu hướng chung), theo nhận định của bác sĩ y khoa và thạc sĩ sức khỏe công cộng Caroline Fox, thuộc Viện Tim, Phổi, và Huyết Học Quốc Gia Hoa Kỳ (National Heart, Lung, and Blood Institute – NHLBI) ở Framingham, Massachusetts, và các đồng nghiệp.


Họ lưu ý rằng dung tích mô mỡ nội tạng gia tăng khác nhau tùy theo số lượng nước ngọt tiêu thụ của người tham gia cuộc phân tích

-      658 cm3 (khoảng tin cậy 95%: 602-713) cho những người không tiêu thụ hoặc tiêu thụ chưa đến 1 khẩu phần (serving) mỗi tháng
-      649 cm3 (khoảng tin cậy 95%: 582-716) cho những người tiêu thụ trên 1 khẩu phần mỗi tháng nhưng chưa đến 1 khẩu phần mỗi tuần
-      707 cm3 (khoảng tin cậy 95%: 657-757) cho những người tiêu thụ trên 1 khẩu phần mỗi tuần đến 1 khẩu phần mỗi ngày
-      852 cm3 (khoảng tin cậy 95%: 760-943) cho những người tiêu thụ trên một khẩu phần mỗi ngày.

Nhưng không có mối liên hệ giữa mỡ nội tạng và nước ngọt soda không đường (diet soda), các tác giả đã viết trong tạp chí Circulation, và không có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nước giải khát được làm ngọt bằng đường(sugar-sweetened beverage – SSB) và sự thay đổi về cân nặng cơ thể (xác suất = 0,26, cho xu hướng chung) mặc dù có những phát hiện về mỡ bụng.

“Cuộc nghiên cứu này hỗ trợ cho những đề xuất ăn uống hiện hành, đó là việc hạn chế tiêu thụ đồ uống được làm ngọt bằng đường có thể giúp ích cho việc ngăn ngừa các chứng bệnh chuyển hóa tim (cardiometabolic disease), các tác giả tuyên bố.  “Nói chung, các phát hiện này cho thấy rằng việc tiêu thụ các thức uống có đường theo thói quen có liên quan đến một sự thay đổi gây hại có tính lâu dài trong quá trình tích lũy mỡ nội tạng”.

Những người tham gia được chọn lựa từ thế hệ thứ ba của nghiên cứu Framingham, nghiên cứu này đã bắt đầu vào 2002.  Độ tuổi của họ nằm trong phạm vi từ 19 đến 72, với 53,3% là phụ nữ, và phần lớn (99,7%) là người da trắng.  Những người tham gia được các bác sĩ y khoa kiểm tra và đã tiến hành các xét nghiệm về các yếu tố nguy cơ về mạch.  Chỉ có khoảng một nửa số bệnh nhân trong toàn bộ nhóm nghiên cứu 4095 người tiếp nhận chụp CT bởi vì máy chụp CT giới hạn về cân nặng.

Những người đã từng được phẫu thuật cho bệnh béo phì(bariatric surgery), những người có tiền sử bị nhồi máu cơ tim (myocardial infarction), đột quỵ (stroke: tai biến mạch máu não), hoặc ung thư, hoặc những người không có những thông tin liên quan đến việc tiêu thụ nước ngọt, vận động thể chất, hoặc tình trạng hút thuốc đã bị loại.  Các nhà nghiên cứu đã sử dụng bản câu hỏi bán định lượng tần suất thực phẩm Harvard(Harvard semi-quantitative food frequency questionnaire) để đo lượng tiêu thụ thức uống được làm ngọt bằng đường ở mức tiêu chuẩn.  Bản câu hỏi này đưa ra 126 hạng mục thực phẩm, và khẩu phần tiêu chuẩn(standard serving) được định nghĩa bằng một ly, một chai, hoặc một lon nước ngọt soda.

Thông thường, một khẩu phần nước giải khát được làm ngọt bằng đường tương đương với 360 ml hoặc 12 oz, theo lời giải thích của đồng tác giả, tiến sĩ Ma Jiantao.

Để ước tính lượng tiêu thụ đồ uống có đường, các nhà nghiên cứu đã nhóm 4 loại đồ uống vào cùng hạng mục: nước ngọt soda có caffeine với đường, nước ngọt cola có đường nhưng không chứa caffeine, các loại đồ uống có ga với đường, nước trái cây (fruit punch), nước chanh, hoặc các loại nước trái cây không ga khác.  Tương tự, các loại nước ngọt cola, nước ngọt soda, và các loại nước giải khát không đường hoặc calorie thấp được đưa vào cùng hạng mục.

Phần lớn những người tham gia (85%) uống cả hai loại nước giải khát có đường và nước ngọt soda không đường (diet soda), nhưng chỉ có 1% báo cáo tiêu thụ cả hai loại mỗi ngày.  Có 14 người báo cáo không tiêu thụ loại nước giải khát nào trong 2 loại này, và 15% uống nước ngọt soda không đường mỗi ngày.

Những người tiêu thụ các loại đồ uống có đường thường là nam giới, trẻ tuổi, và đang hút thuốc lá khi được so sánh với những người không tiêu thụ các loại đồ uống có đường.  Những người không uống các loại đồ uống có đường cũng ít có khả năng mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường) hơn, và có nhiều khả năng tập thể dục hơn.  Tiêu thụ đồ uống có đường có mối tương quan nghịch chiều với tiêu thụ nước ngọt soda không đường.

Trong 6 năm nghiên cứu, cân nặng cơ thể tăng khoảng 2,4 kg (5 lbs) cho những người không tiêu thụ, và 2,8 kg, 2,4 kg, và 1,7 kg cho những người ở 3 nhóm tiêu thụ nước giải khát có đường khác.

Trong thời gian theo dõi, mô mỡ dưới da tăng khoảng 586 cm3 (khoảng tin cậy 95%: 500-672) ở những người không tiêu thụ, và 568 cm3 (khoảng tin cậy 95%: 427-709) ở những người tiêu thụ mỗi ngày.  Tuy nhiên, việc tiêu thụ đồ uống có đường không liên quan đến sự thay đổi về dung tích mô mỡ dưới da ở các mẫu thử nghiệm, các mẫu thử này đã được điều chỉnh cho sự thay đổi về cân nặng cơ thể (xác suất = 0,70 và xác suất = 0,77 cho xu hướng chung).

Việc tiêu thụ nước ngọt soda không đường cũng không liên quan đến sự thay đổi cân nặng cơ thể hoặc mô mỡ dưới da.  Không có sự tương tác đáng kể nào giữa việc tiêu thụ nước giải khát có đường và giới tính, chỉ số trọng lượng cơ thể, hoặc bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2.

Một hạn chế của nghiên cứu này đó là các tác giả không thể loại trừ được tình huống những người tham gia thay đổi việc tiêu thụ của họ theo thời gian.  Các loại đồ uống có đường khác, chẳng hạn như các loại nước uống thể thao (sports drink), nước uống tăng lực (energy drink), và trà đá (iced tea) không được đưa vào bản câu hỏi.  Hơn nữa, đa số những người tham gia là người da trắng, do đó các kết quả có thể không áp dụng cho các sắc tộc khác. (Trở về đầu trang)




ĂN NHIỀU CHẤT BÉO LÀNH MẠNH CÓ THỂ KÉO DÀI TUỔI THỌ

Trong nhiều năm, các chuyên gia đã thuyết giảng về cẩm nang tiêu thụ các loại chất béo “có lợi cho sức khỏe” và giảm thiểu các chất béo “không có lợi cho sức khỏe”.  Gần đây, một nghiên cứu mới chỉ ra rằng nếu mọi người trên khắp thế giới bắt đầu ăn những chất béo lành mạnh hơn, thì có thể giảm được một triệu ca tử vong do bệnh tim mỗi năm.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng tập trung vào việc giảm bớt các chất béo bão hòa trong chế độ ăn, nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng sự cố gắng này phải tập trung vào hai yếu tố: giảm bớt các chất béo không có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như chất béo bão hòa (saturated fat) và các chất béo chuyển hóa (trans fat), đồng thời thay thế chúng bằng các loại chất béo có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như các chất béo không bão hòa đa liên kết (polyunsaturated fat).


“Các kết quả chúng tôi tìm thấy nêu bật lên tầm quan trọng trong việc xua tan nỗi sợ của người Mỹ về tất cả các loại chất béo”.  Chúng tôi ước tính có khoảng 50 000 người ở Hoa Kỳ bị tử vong mỗi năm do bệnh tim vì tiêu thụ ít các loại dầu thực vật”, theo lời bác sĩ Dariush Mozaffarian, tác giả nghiên cứu và là hiệu trưởng trường Khoa Học Dinh Dưỡng và Chính Sách Tufts Friedman (Tufts Friedman School of Nutrition Science and Policy) ở Boston, Massachusetts.

Tuy nhiên, mặc dù nghiên cứu này đã tìm thấy mối tương quan giữa nguy cơ tử vong do bệnh tim và các loại chất béo được tiêu thụ, nhưng nó không chứng minh được mối quan hệ nhân quả.

Nghiên cứu này được đăng trên Tạp Chí Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ(Journal of the American Heart Association) số ra ngày 20 tháng 01 năm 2016.

Các chất béo không bão hòa đa liên kết được tìm thấy ở cá giàu chất béo (chẳng hạn như cá hồi, cá trích, cá thu và cá trout), đậu nành(soybean), đậu hủ, dầu đậu nành, dầu bắp (corn oil), dầu hướng dương (sunflower oil) và hạt hướng dương, quả óc chó (walnut).  Các loại chất béo này giúp hạ thấp hàm lượng cholesterol xấu, và được xem có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ, theo Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ (American Heart Association – AHA).

Các loại chất béo bão hòa được tìm thấy trong thịt và các sản phẩm từ sữa.  Các loại chất béo chuyển hóa được tìm thấy ở các loại thực phẩm chiên, nướng, thực phẩm được chế biến sẵn, theo Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ.

Để ước lượng con số các ca tử vong liên quan đến các kiểu tiêu thụ chất béo khác nhau, bác sĩ Mozaffarian và nhóm nghiên cứu của ông đã sử dụng các thông tin về chế độ ăn từ 186 nước.  Họ đã xem xét những cuộc nghiên cứu trước đây, các nghiên cứu này theo dõi sự ảnh hưởng của việc tiêu thụ một số loại chất béo lên nguy cơ bệnh tim trong một khoảng thời gian dài.  Các thông tin về tỷ lệ tử vong được thu thập từ một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2010.

Sử dụng tất cả những thông tin đó, các nhà nghiên cứu đã ước tính có trên 700 000 trường hợp tử vong trên thế giới mỗi năm, hoặc khoảng 10% các trường hợp tử vong do bệnh tim, do tiêu thụ quá ít các chất béo không bão hòa đa liên kết omega-6 có lợi cho sức khỏe, trái ngược với các chất béo bão hòa và các loại carbohydrate đã được tinh chế.

Tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa thay vì các chất béo lành mạnh hơn là nguyên nhân gây ra khoảng 4% các ca tử vong do bệnh tim – khoảng 250 000 trường hợp tử vong mà có thể ngăn ngừa được nếu tiêu thụ ít chất béo bão hòa.  Và khoảng 8% các trường hợp tử vong do bệnh tim được ước tính là do tiêu thụ quá nhiều các chất béo chuyển hóa, các nhà nghiên cứu nói.  Điều đó có nghĩa là, tiêu thụ ít chất béo chuyển hóa có thể giảm được 537 000 trường hợp tử vong do bệnh tim, nghiên cứu này ước lượng.

Cư dân của các quốc gia khác nhau báo cáo các kiểu tiêu thụ chất béo khác nhau.  Ví dụ, các trường hợp tử vong do các chất béo chuyển hóa đang trên đà suy giảm ở các quốc gia Phương Tây vì các chất béo không lành mạnh đang được chú ý nhiều hơn.  Tuy nhiên, Hoa Kỳ và Canada vẫn nằm trong 4 quốc gia đứng đầu về các ca tử vong do bệnh tim vì tiêu thụ chất béo chuyển hóa, nghiên cứu chỉ ra.

Các cư dân ở Nga, Đức và Ai Cập có tỷ lệ tử vong do bệnh tim cao nhất vì tiêu thụ ít các chất béo không bão hòa đa liên kết lành mạnh.  Các cư dân Phi Luật Tân (Philippines), Mã Lai (Malaysia), và các quốc gia ở khu vực nhiệt đới có tỷ lệ tử vong do bệnh tim cao nhất vì tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa, các nhà nghiên cứu nói. 

Nghiên cứu mới này xuất hiện vào một thời điểm lý tưởng – tháng Giêng, theo lời bác sĩ Suzanne Steinbaum, bác sĩ khoa tim và là giám đốc chương trình Sức Khỏe Tim Phụ Nữ tại bệnh viện Lenox Hill ở thành phố New York.  Bà đã xem lại các kết quả này.  “Chế độ ăn nằm trong suy nghĩ của từng người”, bà nói.

Nghiên cứu này cho thấy rằng “việc giảm tiêu thụ các chất béo bão hòa thực sự tạo ra một sự khác biệt lớn”, bác sĩ Steinbaum nói.  Bà nói thêm, “nghiên cứu này cung cấp sự hiểu biết về sức tác động rất lớn của thực phẩm lên bệnh tim”.

Bác sĩ Steinbaum có kế hoạch sẽ trích dẫn nghiên cứu này với các bệnh nhân của bà nếu họ muốn giảm cân thừa trong năm nay.  “Tôi sử dụng kết quả nghiên cứu này để nói, “Hãy xem này, đây là toàn thể thế giới”, bà nói, nhằm vào việc cứu sống 1 triệu người mỗi năm bằng cách tiêu thụ các chất béo lành mạnh hơn.

“Tôi sẽ sử dụng nó như một công cụ hữu hiệu để thay đổi hành vi”, bà nói. (Trở về đầu trang)




CÁC TÁC ĐỘNG CỦA RƯỢU BIA LÊN CƠ THỂ

Rượu bia ức chế hệ thống thần kinh trung ương.  Nó có tác dụng như một chất làm giảm đau hoặc thuốc an thần, làm chậm khả năng phối hợp vận động và thời gian phản ứng.  Rượu bia cũng gây hại đến khả năng phán đoán, trí nhớ, khả năng lý luận, và khả năng tự chủ.  Mặc dù rượu bia là một chất có tính năng giảm đau, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ khi nó mất đi tác dụng, và do đó là một nguyên nhân quan trọng gây mất ngủ.


Chuyển hóa rượu bia.  Kích thước cơ thể bạn, cho dù bạn có vừa ăn xong hay không, và tốc độ bạn uống đều ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa rượu bia của cơ thể.  Một người với vóc dáng to lớn có nhiều máu tuần hoàn trong cơ thể hơn so với một người có vóc dáng nhỏ bé hơn, vì thế nồng độ rượu bia ở người có vóc dáng to lớn tăng chậm hơn so với người có vóc dáng nhỏ bé hơn, cho dù họ uống cùng số lượng rượu bia.

Thực phẩm làm chậm tốc độ rượu bia được hấp thụ vào máu.  Do đó, cách tốt nhất là nên ăn một chút gì trước khi bạn uống, hoặc chỉ nên uống trong lúc ăn.  Uống chậm cũng là một cách để giảm bớt tốc độ rượu bia được hấp thụ bởi cơ thể.  Uống một vài thức uống không chứa cồn xen kẽ với rượu bia cũng có thể làm chậm các tác động của rượu bia lên cơ thể của bạn. 

Tác động lên phụ nữ.  Phụ nữ tích tụ nhiều chất cồn trong cơ thể hơn so với nam giới.  Đó là bởi vì cơ thể phụ nữ chuyển hóa chất cồn khác với cơ thể nam giới.  Phụ nữ có hàm lượng thấp loại men trong dạ dày có chức năng trung hòa chất cồn trước khi nó di chuyển vào máu.

Phụ nữ thường có tỷ lệ mỡ cơ thể cao hơn, và mỡ cơ thể không hấp thụ chất cồn; điều này làm cho hàm lượng cồn trong máu tăng lên.  Phụ nữ cũng có cân nặng thấp hơn so với nam giới, do đó khi tiêu thụ số lượng cồn tương đương với nam giới, thì phụ nữ sẽ có nhiều chất cồn trong máu hơn.

Lái xe.  Không có phương pháp an toàn nào để phối hợp uống rượu bia với lái xe.  Chỉ cần uống 1 ly rượu bia cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe của bạn.  Để tránh lái xe sau khi tiêu thụ rượu bia, cách tốt nhất là nên chuẩn bị sẵn một người không uống rượu để lái xe, hoặc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.  Không nên ngồi chung xe với người lái xe đã uống rượu bia.

Mang thai.  Không có gì để bàn cãi rằng uống nhiều rượu bia trong thời kỳ mang thai có thể gây hại đến thai nhi.  Nó có thể dẫn đến một loạt các vấn đề gọi chung là hội chứng rượu bia thai nhi (fetal alcohol syndrome).  Các triệu chứng bao gồm:

-      các vấn đề về hành vi và khả năng tập trung
-      các tật ở tim
-      các thay đổi về hình thể ở mặt
-      chậm phát triển trước và sau khi sinh
-      giảm trương lực cơ (muscle tone) và các vấn đề về chuyển động và thăng bằng
-      các vấn đề về suy nghĩ và nói
-      các vấn đề về khả năng học hiểu

Nhưng nếu như thỉnh thoảng mới uống rượu bia thì sao?  Theo các chuyên gia, không có mức an toàn cho việc tiêu thụ rượu bia trong thời gian mang thai.  Những phụ nữ đang có ý định mang thai hoặc đang mang thai không nên uống rượu bia.

Trẻ thiếu niên uống rượu bia.  Mỗi năm, có trên 4 triệu trẻ thiếu niên ở Hoa Kỳ gặp vấn đề trong trường học, với cha mẹ, và thỉnh thoảng với luật pháp do các tác động của việc tiêu thụ rượu bia.  Uống rượu bia ảnh hưởng xấu đến khả năng tập trung, học tập, và biểu hiện ở trường học và tại nhà.

Rượu bia cũng ảnh hưởng đáng kể đến tính cách con người và có thể gây khó chịu, tạo ra thái độ thù địch, và dẫn đến gây hấn.  Trẻ thiếu niên uống rượu bia sẽ có nhiều khả năng sử dụng các loại thuốc cấm, và do đó dẫn đến nguy cơ bị nghiện các loại thuốc đó.

Các trẻ thiếu niên uống rượu bia cũng có nhiều khả năng tử vong do té ngã hoặc chết đuối, và chắc chắn có nhiều khả năng tham gia giao thông trong tình trạng say xỉn.  Hãy giáo dục con trẻ của bạn rằng không bao giờ đi chung xe với người lái xe đã uống rượu bia; cam kết với chúng rằng bạn sẽ đón chúng bất cứ lúc nào (cho dù đã quá khuya).

Các bậc phụ huynh cũng nên nói chuyện với con trẻ của họ ở tuổi thiếu nên về những mối nguy hiểm khi uống nhiều rượu bia – tiêu thụ trên 5 ly liên tiếp.  Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng đối với 21 triệu sinh viên đại học tại Hoa Kỳ, và đã dẫn đến các trường hợp tử vọng do uống rượu bia quá liều lượng.

Những người trẻ trong nhóm tuổi này cũng có nguy cơ bị thương tổn do uống rượu bia, phá hoại tài sản, bị người quen hiếp dâm (date rape), và quan hệ tình dục không an toàn (unsafe sex) trong lúc say xỉn. (Trở về đầu trang)




BỆNH GIỜI LEO LIÊN QUAN ĐẾN NGUY CƠ BỆNH TIM GIA TĂNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI

Những người cao tuổi phát sinh tình trạng phát ban gây đau nhức được gọi là bệnh giời leo (shingles) xem ra phải đối diện với nguy cơ gia tăng bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) hoặc nhồi máu cơ tim ngắn hạn, nghiên cứu mới tiết lộ.


Phát hiện này dựa trên quá trình theo dõi tình trạng sức khỏe tim của trên 67 000 bệnh nhân bị giời leo mới được chẩn đoán, các bệnh nhân này có độ tuổi từ 65 trở lên.

Quá trình phân tích này tiết lộ rằng nguy cơ đột quỵ (tai biến mạch máu não) tăng hơn gấp hai lần trong tuần đầu được chẩn đoán mắc bệnh giời leo, với nguy cơ nhồi máu cơ tim cũng leo thang, mặc dù không hoàn toàn cao như thế.  Nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim xem ra trở lại bình thường trong vòng 6 tháng.

“Nghiên cứu này nêu bật thời điểm bệnh nhân bị giời leo có thể dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất”, theo sự giải thích của tác giả nghiên cứu Caroline Minassian, một nghiên cứu sinh ở khoa dịch tễ học và sức khỏe dân số tại trường London School of Hygiene & Tropical Medicine ở Anh Quốc.

“Nếu chúng ta biết được khi nào các sự kiện này có khả năng xảy ra, thì điều này có thể giúp ngăn ngừa các cơn đột quỵ và nhồi máu cơ tim ở những người cao tuổi”, cô nói.

Minassian và các đồng nghiệp của cô đã báo cáo các phát hiện của họ trong tạp chí PLOS Medicine số ra ngày 15 tháng 12 năm 2015.

Bệnh giời leo do cùng loại virut gây bệnh thủy đậu (chickenpox) gây ra.  Bất cứ ai đã từng bị bệnh thủy đậu đều phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh giời leo, theo Viện Đột Quỵ và Các Rối Loạn Thần Kinh Quốc Gia Hoa Kỳ (U.S. National Institute of Neurological Disorders and Stroke).

Nhiều người trong số đó là những người cao tuổi, những người cao tuổi này thường được chẩn đoán mắc bệnh sau đợt khởi phát đau nhức nhẹ đến đau rát nghiêm trọng ở một bên cơ thể.  Những chỗ phát ban và các mụn nước phát sinh từ căn bệnh này có thể được điều trị bằng các loại thuốc kháng virut.  Ngoài ra, một loại vắcxin (Zostavax) được đưa vào sử dụng từ năm 2006 có thể cắt giảm 50% nguy cơ mắc bệnh giời leo, đồng thời cũng giảm bớt đáng kể mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khi bệnh giời leo bùng phát.

Nghiên cứu này tập trung vào khoảng 43 000 bệnh nhân của chương trình Medicare được chẩn đoán mắc bệnh giời leo và bị một cơn đột quỵ trong những năm từ 2006 đến 2011.  Khoảng 24 000 bệnh nhân bị giời leo và bị một cơn nhồi máu cơ tim trong cùng khung thời gian cũng được bao gồm.

Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân là 80, khoảng 2 phần 3 là phụ nữ và 90% là người da trắng.  Rất ít bệnh nhân (khoảng 2% và 3%) được chủng ngừa vắcxin bệnh giời leo trước khi được chẩn đoán mắc bệnh, các tác giả nghiên cứu nói.

Sự xuất hiện của cơn đột quỵ (tai biến mạch máu não) và nhồi máu cơ tim được theo dõi trong suốt 5 khoảng thời gian khác nhau trong một năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh giời leo: tuần 1; tuần 2 đến 4; tuần 5 đến 12; tuần 13 đến 26; và 6 tháng.

Khi được so sánh với nguy cơ mà bệnh nhân gặp phải trước khi được chẩn đoán, nguy cơ đột quỵ (tai biến mạch máu não) được xem gia tăng “đáng kể” lên đến 3 tháng sau khi được chẩn đoán mắc bệnh giời leo.  Phần tăng cao nhất – tăng nguy cơ hơn gấp 2 lần – xảy ra trong tuần đầu tiên.  Nguy cơ này biến mất sau 6 tháng, các nhà điều tra phát hiện.

Sự gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim đi theo một quỹ đạo tương tự, với nguy cơ tăng gần gấp 2 lần xảy ra trong suốt tuần thứ nhất sau khi được chẩn đoán bị bệnh giời leo, các kết quả cho thấy.

Nhóm nghiên cứu nói rằng không có chứng cứ cho thấy việc tiêm chủng vắcxin bệnh giời leo có thể ngăn ngừa hoặc làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

“Tuy nhiên, phát hiện này đòi hỏi nghiên cứu thêm do mức độ hấp thụ vắcxin thấp ở cộng đồng bệnh nhân được nghiên cứu của chúng tôi”, cô Minassian nói.

Đối với nguyên nhân chính xác mà bệnh giời leo đe dọa đến sức khỏe tim, cô Minassian nói rằng nghiên cứu này “không chú trọng đến các cơ chế liên quan đến các mối tương quan”.  Đồng thời, các phát hiện không chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa virut và các vấn đề tim mạch.

“Tuy nhiên, các nguyên nhân tiềm tàng có thể bao gồm mức độ viêm cao hơn trong cơ thể liên quan đến tình trạng nhiễm virut, hoặc mạch máu bị thương tổn do virut gây ra”, cô nói.  “Huyết áp tăng đột ngột liên quan đến hiện tượng đau nhức hoặc stress do bệnh giời leo cũng có thể đóng một vai trò”.

Bác sĩ Gregg Fonarow, giáo sư tim học tại trường Đại Học California, Los Angeles, chỉ ra rằng nghiên cứu của Minassian và các đồng nghiệp không phải là nghiên cứu đầu tiên xác định mối liên hệ tiềm ẩn giữa bệnh giời leo và sự gia tăng nguy cơ bệnh tim.

Ông nói sự khác biệt là “nghiên cứu mới này tìm thấy một mối liên hệ quan trọng ngay sau khi bệnh giời leo khởi phát”.

Tuy nhiên, bệnh giời leo, bác sĩ Fonarow nói, không phải là tác nhân duy nhất có khả năng tác động đến tình trạng sức khỏe tim.  Cảm cúm, viêm phổi mắc phải cộng đồng(community-acquired pneumonia) và nhiễm trùng đường tiết niệu (urinary tract infection) trước đây được xem có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng tim tương tự, ông giải thích. (Trở về đầu trang)




MÀU CỦA PHÂN NÓI GÌ VỀ SỨC KHỎE CỦA BẠN

Đã từng đi số 2 và bị sốc nặng sau khi bạn đứng lên (tại sao phân của tôi có màu xanh lá cây?!) bao giờ chưa?

“Chế độ ăn uống, sử dụng thuốc, stress, và lối sống, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến màu sắc và độ đặc (quánh) của phân”, theo lời của bác sĩ y khoa Samita Garg, chuyên gia về ruột và dạ dày tại Bệnh Viện Cleveland (Cleveland Clinic).  “Thỉnh thoảng những thay đổi này là những điều bình thường, nhưng thỉnh thoảng chúng cũng có thể báo hiệu một vấn đề gì đó khá nghiêm trọng”.


Lưu ý thấy phân của bạn có màu sắc không phải là màu nâu? Đừng quá lo lắng.  Chúng tôi đã hỏi bác sĩ Garg về 4 sắc thái của phân – và nhìn thấy những sắc thái này trong bồn cầu có phải là điều bình thường không.

Nếu Phân của Bạn có Màu Xanh Lá Cây

Đó có thể là: Bạn đã ăn trưa với rau củ hoặc trái cây.  Một số loại rau củ như rau bina (spinach) và các loại rau lá xanh khác, chứa đầy sắc tố chlorophyll, có thể thay đổi màu sắc của phân bạn, bác sĩ Garg nói.  Điều này liên quan đến cách thức cơ thể xử lý các loại thực phẩm này – và đó là những thứ còn sót lại từ quá trình hấp thụ đó, bà nói.

Nhận thức chung: Không cần thiết phải lo lắng: “Nhìn thấy một số thay đổi về màu sắc của phân dựa trên những gì bạn ăn uống là điều bình thường”, bác sĩ Garg nói.

Nếu Phân của Bạn có Màu Vàng Xanh

Đó có thể là: Cơ thể của bạn sản sinh mật (bile) – một chất dịch màu xanh do gan sản sinh, giúp bạn phân hủy chất béo.  “Thỉnh thoảng phân có màu xanh lá cây hoặc màu vàng bởi vì đó là màu của mật”, bác sĩ Garg nói.

Nhận định chung: Không cần thiết phải lo lắng: Trường hợp này rất bình thường, bác sĩ Garg nói.  Nhưng nếu bạn lưu ý những thay đổi đột ngột về độ đặc (quánh) (phân thay đổi từ cứng chắc đến phân mỏng, dài, và tiêu chảy), tần suất (đột ngột đi tiêu nhiều hoặc ngưng đi tiêu hoàn toàn), hoặc đang bị tiêu chảy, thì hãy gọi ngay cho bác sĩ, bác sĩ Garg nói.  Những thay đổi về việc đi tiêu này có thể báo hiệu những vấn đề đường ruột và dạ dày khác.

Nếu Phân của Bạn có Màu Đỏ Hung

Đó có thể là: Có một vài sự giải thích cho trường hợp này.  Một nguyên nhân là, có thể bạn đã ăn món xà lách trộn.  “Củ dền và những loại rau củ có màu đỏ khác có thể làm cho phân có màu đỏ đậm hơn”, bác sĩ Garg nói.  (Các loại dâu đỏ hoặc thực phẩm có màu đỏ cũng có thể làm cho phân có màu đỏ).  Trường hợp ngoại lệ: Nếu bạn nhìn thấy màu đỏ tươi trong bồn cầu hoặc ở phân của bạn, đây có thể báo hiệu những vấn đề khác, chẳng hạn như bệnh trĩ (hemorrhoids), viêm ruột kết (colon inflammation), hoặc ung thư, bác sĩ Garg nói.

Nhận định chung: Phân đỏ và có thể xác định được nguyên nhân (củ dền hoặc các loại dâu đỏ) thì không có gì phải lo lắng.  Nhưng nếu có máu trong bồn cầu thì lại là một vấn đề khác.  Mặc dù một ít máu có thể không gì khác hơn là một vết rách nhỏ, nhưng các bác sĩ lo ngại về những tình trạng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn như ung thư ruột già.

Nếu Phân của Bạn Có Màu Đen

Đó có thể là: Tùy theo.  Các loại thuốc (chẳng hạn như Pepto-Bismol hoặc các viên thuốc chứa chất sắt) có thể làm cho phân của bạn có màu tối, bác sĩ Garg nói.  Mặc dù hiện tượng này thường không có gì phải lo ngại, nhưng phân đen thỉnh thoảng cũng có thể cho thấy có máu (đó là điều đáng lo ngại).  Hiện tượng này liên quan đến cách thức máu được xử lý và được phân hủy trong có thể theo thời gian, bác sĩ Garg nói.  “Máu lưu lại trong đường ruột và dạ dày của bạn một thời gian dài có thể trở nên tối hơn – tối như màu đen”.

Nhận định chung: Hãy nói cho bác sĩ của bạn biết những gì bạn nhìn thấy.  “Bác sĩ chúng tôi rất thích được nghe bệnh nhân mô tả chi tiết màu sắc và độ đặc (quánh) và điều đó cho phép bác sĩ giúp bạn quyết định các bước kế tiếp”, bác sĩ Garg.  Mặc dù các loại thuốc bạn đang sử dụng có thể là nguyên nhân làm cho phân có màu tối hơn bình thường, màu đen – nếu màu tối này là do máu, thì cũng có thể có liên quan đến nhiễm trùng, viêm, hoặc ung thư, đặc biệt nếu như sự đổi màu đi kèm với các triệu chứng khác như kiệt sức, buồn nôn, và xuống cân, bác sĩ Garg nói. (Trở về đầu trang)




CHỮA ĐAU ĐẦU BẰNG THỂ DỤC

Chạy bộ mỗi ngày có thể kiểm soát được các cơn nhức đầu của bạn: bài tập thể dục giúp tăng nhịp tim đều đặn có thể ngăn ngừa các cơn đau nửa đầu (migrain), một số lớn các nghiên cứu báo cáo.

Các bệnh nhân bị chứng đau nửa đầu ít gặp phải các cơn đau đầu hơn sau khi đạp xe đạp 40 phút, mỗi tuần 3 lần, trong vòng 3 tháng, theo một nghiên cứu ở Thụy Điển.


Tập thể dục đều đặn có hiệu quả tương đương với một loại thuốc đứng đầu trong việc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu, topiramate – nhưng không xuất hiện các tác dụng phụ của chứng trầm cảm, các cơn rung lắc cơ thể, và suy giảm nhận thức.

Các bài tập ưa khí (aerobic workout) cũng có thể giúp ích cho các trường hợp nhức đầu thường xuyên, theo lời bác sĩ Alexander Mauskop, giám đốc Trung Tâm Nhức Đầu New York (New York Headache Center) ở Manhattan.

Có một số lý luận về sự tác động của các bài tập thể dục.

Quá trình chảy mồ hôi có thể giúp giảm stress, theo lời bác sĩ Mauskop.  Các cơn nhức đầu thường do stress gây ra, và nếu bạn loại trừ được yếu tố kích thích này, thì bạn có thể nói không với cơn đau này.

Các chất endorphin cũng đóng một vai trò, ông nói.  Các chất hóa học tạo cảm giác hưng phấn này, được sản sinh khi bạn tập thể dục, thực sự có thể chặn các cảm biến đau(pain sensor), có tác dụng như một loại thuốc giảm đau tự nhiên.

Vì các cơn đau đầu có thể do nhiều yếu tố khác nhau gây ra, chẳng hạn như các yếu tố di truyền, thiếu ngủ, hoặc một số loại thực phẩm, do đó các bài tập thể dục giúp tăng nhịp tim (cardio) sẽ không là giải pháp cho mọi người, bác sĩ Mauskop nói.  Tuy nhiên, một nghiên cứu ở Đức đã tìm thấy rằng các bài tập giúp tăng nhịp tim có thể giúp cho 65% số bệnh nhân, điều này làm cho các bài tập này có hiệu quả tương đương với các loại thuốc tốt nhất trên thị trường.

Bác sĩ Mauskop đề xuất các bệnh nhân của ông thực hiện một bài tập tim với mức độ vừa phải trong khoảng nửa giờ, chẳng hạn như chạy bộ, đạp xe đạp, hoặc bơi mỗi tuần 3 lần.  Các bài tập này có tính chất đều đặn và chậm, ngược lại với các khoảng thời gian tăng cường độ, xen kẽ giữa những lúc tăng tốc và lúc nghỉ.

Việc tăng mức độ tập thể dục cũng có thể nhanh chóng kích hoạt các cơn đau đầu ở một số người, do đó phải đảm bảo rằng nhịp tim của bạn không vượt quá 150 nhịp đập mỗi phút.  Nếu bạn không có máy đo nhịp tim, thì hãy thở qua đường mũi.  Bạn sẽ biết được bạn đang tập luyện quá sức nếu như bạn không duy trì được kiểu thở này.

Bác sĩ Mauskop nói, các cơn đau nửa đầu của bạn có thể bắt đầu biến mất trong vòng vài tuần. (Trở về đầu trang)



5 BÀI TẬP CẢI THIỆN KHẢ NĂNG HOẠT ĐỘNG CỦA BÀN TAY

Nếu bạn cảm thấy những công việc hằng ngày khó thực hiện bởi vì bạn bị đơ cứng, sưng, hoặc bị đau ở hai bàn tay, thì các bài tập thích hợp có thể giúp bạn trở lại hoạt động bình thường.

Các nhà trị liệu (therapist) thường đề xuất các bài tập cụ thể tùy thuộc vào tình trạng của bàn tay hoặc cổ tay của bạn.  Một số giúp gia tăng phạm vi hoạt động của một khớp, kéo dài cơ hoặc các gân thông qua sự kéo giãn.  Các bài tập khác giúp tăng sức cơ xung quanh khớp để tạo thêm sức mạnh hoặc tạo sức chịu đựng dẻo dai hơn.

Các bài tập về phạm vi cử động mà bạn có thể thực hiện tại nhà

Các cơ và gân làm cho các khớp chuyển động thông qua các cung chuyển động, chẳng hạn như khi bạn gấp hoặc duỗi các ngón tay.  Nếu phạm vi cử động bình thường của bạn có vấn đề - ví dụ, nếu bạn gấp ngón tay cái lại và cảm thấy đau – thì bạn có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện những thao tác bình thường, chẳng hạn như mở nắp một cái lọ (chai).

Các bài tập này giúp cổ tay và các ngón tay chuyển động theo phạm vi cử động bình thường của chúng và đòi hỏi tất cả gân bàn tay thực hiện các chức năng của chúng.  Các bài tập này phải được tiến hành chậm và thận trọng, để tránh bị thương tổn.  Nếu bạn cảm thấy tê hoặc đau trong lúc tập và sau khi tập, hãy dừng lại và tham khảo với bác sĩ.

Sau đây là 5 bài tập về phạm vi cử động (range-of-motion exercise) đơn giản.  Duy trì mỗi tư thế trong khoảng 5 – 10 giây.  Làm 10 lần cho mỗi bài tập.  Lặp lại 3 lần tập mỗi ngày.

Gấp và duỗi cổ tay (wrist extension and flexion)

-      Đặt cẳng tay (forearm) lên một cái khăn đã được cuộn lại đặt trên mặt bàn để lót bàn tay được thả lỏng ở cạnh bàn, lòng bàn tay hướng xuống.
-      Nâng bàn tay lên cho đến khi bạn cảm thấy bị kéo giãn nhẹ.
-      Đưa bàn tay trở về vị trí ban đầu.
-      Lặp lại thao tác này với khuỷu tay gấp lại ở bên hông, lòng bàn tay hướng lên.


Lật ngửa/úp xuống cổ tay (wrist supination/pronation)

-      Đứng hoặc ngồi với cánh tay ở bên hông với khuỷu tay gấp lại tạo thành góc 90 độ, lòng bàn tay hướng xuống
-      Xoay cẳng tay, để cho lòng bàn tay hướng lên rồi hướng xuống.


Nghiêng quay/trụ cổ tay (wrist ulnar/radial deviation)

-      Đặt cẳng tay lên một cái khăn được cuộn lại trên mặt bàn để lót bàn tay hoặc đặt trên đầu gối, ngón cái hướng lên.
-      Di chuyển cổ tay lên xuống hết cỡ.


Gấp/duỗi ngón cái (thumb flexion/extension)

-      Bắt đầu với ngón cái hướng ra ngoài.
-      Di chuyển ngón cái vào lòng bàn tay và trở lại vị trí ban đầu.


Lướt gân bàn tay/ngón tay (hand/finger tendon glide)

-      Bắt đầu với các ngón tay duỗi ra.
-      Tạo thành nắm đấm móc (hook fist); duỗi các ngón tay ra trở lại.
-      Tạo thành nắm đấm chặt (full fist); duỗi các ngón tay ra trở lại.
-      Tạo thành nắm đấm thẳng (straight fist), duỗi các ngón tay ra trở lại. (Trở về đầu trang)




LÀM SAO PHÁT HIỆN VÀ PHÒNG TRÁNH ĐƯỜNG ĐƯỢC THÊM VÀO

Không chỉ trong các loại thức uống được làm ngọt.  Đường còn được thêm vào ngũ cốc (cereal), sốt mì ống(pasta sauce), và thậm chí bánh quy giòn (cracker).


Tất cả chúng ta đều biết rằng tiêu thụ quá nhiều đường sẽ có hại cho sức khỏe, và ngay cả những người cẩn thận trong số chúng ta cũng không nhận ra được mỗi bữa ăn chúng ta đã tiêu thụ bao nhiêu đường.  “Chính đường được thêm vào (added sugar) đã gây ra các tác hại về sức khỏe.  Không phải là chất đường tự nhiên trong trái cây (hoa quả), với chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thụ, nhưng là đường được thêm vào, chẳng hạn như mật ong, mật đường (molasses), và xirô bắp (corn syrup)”, theo lời của bà Debbie Krivitsky, một chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh Viện Đa Khoa Massachusetts (Massachusetts General Hospital).

Tại sao đường được thêm vào không tốt cho bạn

Đường được thêm vào nhiều loại thực phẩm, và tiêu thụ quá nhiều chất ngọt này – ngay cả khi nó có nguồn gốc từ một nguồn tự nhiên – sẽ có nguy cơ tăng cân, bệnh tim, bệnh tiểu đường (đái tháo đường), tăng huyết áp, ung thư, và thậm chí mất trí.  Chế độ ăn được bổ sung thêm nhiều đường gắn liền với nguy cơ tử vong do bệnh tim cho dù bạn không bị quá cân, theo một nghiên cứu được đăng vào đầu năm nay trên tạp chí Nội Khoa JAMA (JAMA Internal Medicine).

Tại sao đường được thêm vào lại gây ra nhiều vấn đề? Nó được tiêu hóa tức thời và được hấp thụ nhanh, điều này làm tăng mức đường huyết.  “Điều đó tạo ra những thách thức cho tuyến tụy của bạn phải bơm nhiều insulin hơn.  Nếu tuyến tụy của bạn không đáp ứng được nhu cầu đó, thì mức đường huyết sẽ tăng lên, và như thế sẽ gây nhiều khó khăn cho quá trình phóng thích insulin, kết quả là dẫn đến bệnh tiểu đường (đái tháo đường)”, theo lời bác sĩ David M. Nathan, giáo sư trường Đại Học Y Khoa Harvard và là giám đốc Trung Tâm Bệnh Tiểu Đường (Diabetes Center) và Trung Tâm Nghiên Cứu Lâm Sàng (Clinical Research Center) tại Bệnh Viện Đa Khoa Massachusetts.

Đường cũng làm tăng hiện tượng viêm toàn thân, gia tăng các chất béo trung tính (triglyceride), và nâng mức dopamine trong não lên.  “Dopamine tạo sự hưng phấn cho bạn, và đó là lý do tại sao khi bạn càng tiêu thụ nhiều đường, thì bạn càng có cảm giác muốn thêm đường”, chuyên gia dinh dưỡng Krivitsky nói.

Đường được thêm vào ở đâu

Đường đương nhiên được thêm vào kẹo, bánh ngọt, nước ngọt, và các loại nước trái cây.  Tuy nhiên, nó cũng được thêm vào trong các loại thực phẩm không được xem là thức ăn ngọt, bao gồm các loại nước sốt xà lách (salad dressing), bánh quy giòn, sữa chua (yogurt), bánh mì(bread), nước sốt mì Ý (spaghetti sauce), nước sốt đồ nướng (barbecue sauce), tương cà (ketchup), và các loại ngũ cốc điểm tâm. 

Bạn có thể tìm thấy đường được thêm vào bằng cách nhìn vào thành phần của sản phẩm.  Tìm kiếm những từ kết thúc bằng “ose”, chẳng hạn như fructose, dextrose, và maltose, đồng thời tìm kiếm các loại xirô và nước ép (trái cây hoặc rau quả).  (Xem phần “tên của nhiều loại đường được thêm vào”).

Bạn sẽ không tìm thấy các loại đường được thêm vào trên nhãn Các Số Liệu Dinh Dưỡng (Nutrition Facts), vì bảng liệt kê đường này bao gồm cả đường tự nhiên và được thêm vào.  Các nhãn mới đã được đề xuất nhắm tới việc thay đổi tình trạng này.  Nhưng bạn vẫn có thể biết được số lượng đường trong một loại sản phẩm.

Bạn nên làm gì

Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ (American Heart Association – AHA) đề xuất rằng phụ nữ nên hạn chế tiêu thụ các loại đường được thêm vào ở mức 24 g (khoảng 6 muỗng cà phê) mỗi ngày, và số lượng đường tổng cộng (tự nhiên và được thêm vào) ở mức 48 g mỗi ngày.  Hiệp hội này cũng khuyến khích nam giới hạn chế tiêu thụ các loại đường được thêm vào ở mức 36 g (khoảng 9 muỗng cà phê) mỗi ngày, và số lượng đường tổng cộng ở mức 72 g mỗi ngày.  Khi ăn các loại thực phẩm được chế biến sẵn, bạn nên kiểm tra nhãn Các Số Liệu Dinh Dưỡng.  Nó sẽ liệt kê số lượng đường tổng cộng (tự nhiên và được thêm vào) trong một khẩu phần.

Nếu điều đó trở nên quá phức tạp, chuyên gia dinh dưỡng Krivitsky đề xuất rằng bạn nên tìm kiếm những thành phần thực phẩm trong chế độ ăn mà bạn có thể cắt giảm lượng đường được thêm vào.  “Bạn ăn nhiều ngũ cốc có đường được thêm vào? Có lẽ bạn thích các loại nước ép.  Bạn nên bắt đầu loại bỏ các loại thực phẩm đó, và gia tăng tiêu thụ chất xơ”, chuyên gia Krivitsky nói.

Một lời khuyên cuối: Hãy tự làm ngọt thức ăn của bạn.  Có lẽ bạn sẽ thêm vào ít đường hơn so với các nhà chế biến thực phẩm.

Tên của nhiều loại đường được thêm vào

Thành phần tạo ngọt đi kèm với nhiều tên gọi khác nhau trên các nhãn thực phẩm.  Hãy luôn để ý đến các loại đường được thêm vào dưới đây khi bạn đọc danh sách các thành phần trên nhãn thực phẩm:

-      xirô agave (agave nectar)
-      đường nâu (brown sugar)
-      tinh thể mía (cane crystals)
-      đường mía (cane sugar)
-      xirô bắp (corn sweetener)
-      xirô bắp (corn syrup)
-      fructose dạng tinh thể (crystalline fructose)
-      dextrose
-      nước mía được làm khô (evaporated cane juice)
-      fructose
-      nước trái cây đậm đặc (fruit juice concentrates)
-      glucose
-      xirô bắp với liều lượng cao fructose (high-fructose corn syrup)
-      mật ong (honey)
-      đường nghịch chuyển (invert sugar)
-      lactose
-      đường mạch nha (malt sugar)
-      xirô mạch nha (malt syrup)
-      maltose
-      maple syrup
-      mật đường (molasses)
-      đường thô (raw sugar)
-      sucrose (Trở về đầu trang)


Nguồn(Sources):