VÌ SAO CÀNG LỚN TUỔI CHÚNG TA CÀNG KHÓ NHỚ TÊN
Quên tên của một người là một hiện tượng khá phổ biến. Cấu trúc của bộ nhớ giúp giải thích lý do tại sao bạn thường có thể nhận ra gương mặt của một người và thậm chí đưa ra các chi tiết khác, chẳng hạn như nơi chốn và bằng cách nào hai người gặp nhau, nhưng vẫn không nhớ được tên của người đó.
Chúng ta thường chỉ có thể ráp nối từng mảnh sự kiện trong quá khứ lại với nhau. Ví dụ như, khi nhớ về món mà bạn đã ăn tối cách đây một tuần, thì bạn có thể có khả năng hình dung bản thân mình đang ngồi tại một cái bàn với một dĩa thức ăn ở trước mặt. Bạn có thể nhớ lại rằng bạn đang ngồi ăn một mình, với những người khác, hoặc đó chỉ là một buổi ăn tối bình thường hoặc một cuộc hẹn hò lãng mạn thú vị. Tuy nhiên, bộ não của bạn chỉ có thể phát họa những nét chấm phá. Nó không tạo ra được một bức tranh hoàn chỉnh như một đoạn video được ghi lại.
Ký ức sống động và chính xác thực sự là một nhiệm vụ rất khó để não bộ con người có thể thực hiện một cách thành công. Bộ não của chúng ta không được kết nối giống như một cái máy quay phim; nó bao gồm hàng tỷ tế bào thần kinh có chức năng thực hiện nhiều nhiệm vụ bên cạnh khả năng ghi nhớ. Trong quá trình nhớ lại các sự kiện, não của bạn chơi gian lận, lấp đầy các chỗ trống để tạo ra khung cảnh tương tự. Ví dụ, bạn nhớ lại khung cảnh đang ngồi quanh bàn ăn tối với bạn bè. Bạn kết luận rằng bạn đã ăn gà quay và khoai tây nghiền (mashed potato) – một thực đơn khi bạn mời khách. Não của bạn không chứa đựng toàn bộ bức tranh của buổi tối đó, nhưng việc nhớ lại một khía cạnh của bữa tối có thể gợi ý cho những yếu tố khác, cuối cùng tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh. Tiến trình liên hợp này có lợi cho việc điền vào các chỗ trống. Tuy nhiên, nó cũng có thể không đáng tin cậy, điều này giải thích lý do tại sao những lời khai của nhân chứng lại dễ bị sai sót ở mức độ đáng kinh ngạc.
Đối với việc nhớ tên người, thì vấn đề lại thường không mang tính bó buộc. Sự kiện bạn gặp Tom ở bên lề của một trận đá bóng (túc cầu) có nghĩa rằng ông ấy có thể có một đứa con cùng tuổi với bạn, có khả năng sống ở lân cận và có thể có một việc làm mà được nhiều người ở khu vực bạn sinh sống biết đến. Tất cả các yếu tố đó tạo nên một bức tranh hợp lý về Tom, ngoại trừ rằng không có yếu tố nào trong số này đưa ra những manh mối về tên của ông ta. Nó có thể dễ dàng như tên Dick hoặc Harry.
Khi chúng ta càng có tuổi, trí nhớ của chúng ta bắt đầu hoạt động kém hiệu quả hơn, tên người là một trong số những thứ đầu tiên có nhiều khả năng trốn chạy khỏi chúng ta. Bạn có thể sử dụng những thủ thuật để giúp bạn nhớ, chẳng hạn như gieo vần tên người với một đồ vật nào đó. Tuy nhiên, điều đơn giản nhất là phải hiểu rằng mọi người đều gặp khó khăn trong việc nhớ tên, do đó bạn có thể ít bị rơi vào tình huống khó xử hơn khi bạn không nhớ tên của người khác và ít khiển trách người khác hơn khi họ không nhớ tên của bạn. (Trở về đầu trang)
Facebook, giống như đa số các phát minh khá mới được sử dụng phổ biến, có cả những mặt có lợi và bất lợi với các hệ quả tích cực và tiêu cực không được dự tính trước. Sau một lúc lưỡng lự để chấp nhận, tôi đã bắt đầu yêu thích Facebook một điều, đó là tôi có thể cập nhật với những bạn bè cũ sống ở nhiều vùng khác nhau ở Hoa Kỳ, những người bạn này đã lâu lắm rồi tôi không còn gặp họ. Có rất nhiều thứ để yêu thích Facebook bao gồm kết nối mọi người và có cái nhìn cận cảnh vào đời sống của những người bạn và người thân sống cách xa chúng ta. Facebook thật thú vị và giúp cung cấp thông tin cập nhật các sinh hoạt và ý tưởng của những người bạn ở gần. Như tất cả chúng ta đều biết, Facebook biến đổi thế giới của chúng ta theo nhiều khía cạnh đa dạng.
Tuy nhiên, giống như những thứ mới mẻ, sau khi bạn đã trở nên quen thuộc với Facebook bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng ngoài tất cả những mặt có lợi, nó còn có nhiều điểm bất lợi nguy hiểm. Chắc chắn việc đọc những bài đăng trên Facebook sẽ lấy mất thời gian để bạn có thể làm nhiều việc có ích khác, nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là, sự ràng buộc với Facebook sẽ đánh động những thách thức của chúng ta đối với các so sánh về mặt xã hội. Thuyết tâm lý xã hội quan trọng và hấp dẫn này nói rằng mọi người chúng ta thường xuyên đánh giá bản thân (và những người khác) và nhận xét bản thân dựa trên các so sánh xã hội nhìn xuống(downward social comparison) và so sánh xã hội nhìn lên (upward social comparison). Đối với Facebook, đa số người đăng những hình ảnh và những thông tin cập nhật cho thấy họ đang ở trạng thái cá nhân tốt nhất và có lẽ lý tưởng nhất. Những gương mặt hạnh phúc vui chơi và làm những điều thú vị luôn tràn ngập trên bảng tin Facebook. Do đó, dựa trên thuyết so sánh xã hội (social comparison theory), thì việc đánh giá đời sống cá nhân của một người khi so sánh với đời sống lý tưởng của những người khác là điều hết sức tự nhiên. Và cuối cùng, càng lúc càng dễ dàng hơn (đặc biệt nếu như bạn gặp vấn đề với lòng tự trọng, sự ức chế, và like) để bạn nhận thấy rằng bạn hoàn toàn không bằng họ.
Mặc dù chúng ta vẫn đang bị cuốn hút vào những sự so sánh xã hội không ngừng, nhưng khi đối mặt với những vấn đề này hằng ngày qua Facebook, thì đây thực sự là một hiện tượng khá mới mẻ.
Sau đây là bốn chiến lược sử dụng Facebook một cách hiệu quả.
1. Nếu bạn muốn biết xem Facebook có phải là nguyên nhân làm cho bạn cảm thấy không tự tin về bản thân, thì bạn nên thực hiện một thử nghiệm nhỏ. Đánh giá tâm trạng, lòng tự trọng, và mức độ stress của bạn theo một thang điểm từ 1 đến 10 (1 = cảm thấy quá tệ và 10 = cảm thấy tuyệt vời) trước khi đăng nhập vào Facebook, rồi sau đó tiến hành thử nghiệm này một lần nữa sau khi bạn đọc xong bảng tin (newsfeed) trên Facebook. Hãy làm thử nghiệm này trong khoảng một tuần, rồi xem thử tâm trạng, lòng tự trong, và mức độ stress của bạn có khuynh hướng gia tăng hay giảm xuống sau khi sử dụng Facebook. Nếu nó giảm xuống mỗi ngày, thì bạn nên nghĩ đến việc tạm ngừng sử dụng Facebook và xem thử cảm xúc của bạn thế nào. Còn nếu như bạn cảm thấy không thay đổi hoặc tốt hơn thì hãy tiếp tục sử dụng Facebook nhưng với tinh thần cảnh giác.
2. Nếu bạn cảm thấy tinh thần bị xuống thấp hoặc nếu bạn gặp phải vấn đề với lòng tự trọng và bị trầm cảm thì bạn có thể nên ngừng sử dụng Facebook hoàn toàn cho đến khi tâm trạng của bạn trở nên khá hơn. Nếu bạn thường xuyên gặp phải những tình trạng tinh thần bị đè nén và những lo ngại về lòng tự trọng, thì bạn nên hủy hoàn toàn tài khoản Facebook của mình.
3. Nếu các bài đăng của một số bạn trên Facebook có khuynh hướng làm cho bạn cảm thấy buồn, trầm cảm, cô đơn, thất vọng,..., thì hãy nghĩ đến việc ngăn chặn các bài đăng của họ. Đừng ngần ngại làm điều đó. Bạn phải biết kiểm soát những thông tin bạn tiếp nhận nếu bạn tiến hành những bước thận trọng để làm điều đó.
4. Hãy cân nhắc việc chọn bạn cũng như không kết bạn trên Facebook. Luôn kiểm soát hình tượng của mình trên facebook. Bạn không nhất thiết phải chấp nhận kết bạn với mỗi yêu cầu muốn kết bạn trên Facebook.
Một người bạn thân của tôi (một linh mục Công Giáo) đã từng làm việc ở Philippines trong vài năm, mới đây đã kể cho tôi nghe một câu chuyện về Facebook khi ông đang làm công tác mục vụ tại đó. Một lần ông đến làm lễ tại một xóm nghèo, ở đó rất nhiều người, bao gồm các gia đình đông con nhỏ, xây dựng nhà ở xung quanh một hố rác rất lớn. Trong các điều kiện sống hết sức khắc nghiệt này, có một cậu bé khoảng 8 tuổi chạy đến bên ông và nói, “Cha có thể cho con hỏi điều này không?” Vị linh mục này cho rằng cậu bé muốn xin tiền, cho nên ông định đưa tay vào túi để lấy tiền cho cậu bé, nhưng cậu bé, đang sống trong khu hố rác đó, chỉ muốn biết là cậu có thể kết bạn với ông trên Facebook không. Vị linh mục này trả lời, “Đương nhiên là được rồi con”, rồi cậu bé, với gương mặt hớn hở, chạy đến một tiệm internet địa phương với một số tiền ít ỏi trong tay để kết bạn với ông trên Facebook.
Facebook đã trở thành một hiện tượng và một công cụ có tác động rất lớn, thay đổi một cách rõ rệt đời sống của rất nhiều người trên toàn cầu. Nhưng bạn cần tìm ra một đường lối để Facebook phục vụ cho bạn thay vì chống lại bạn. Nắm vững thuyết so sánh xã hội có thể giúp bạn làm được điều đó. Theo dõi tâm trạng của bạn (và các so sánh xã hội) sau khi sử dụng Facebook rồi hành xử một cách phù hợp.
Hành động tự đánh lừa bản thân (self-deception: tự dối mình) bao hàm sự thiếu tương đồng giữa niềm tin, hành động, và thế giới.
“Không có gì quá khó để không tự đánh lừa mình” - Ludwig Wittgenstein
Hành động tự đánh lừa mình thường dễ nhận ra ở người khác nhưng rất khó nhận ra ở bản thân chúng ta. Đối với người khác, chúng ta có thể có một cái nhìn rõ ràng hơn mà không cần đầu tư vào việc nhìn thấy cá nhân đó hoặc hoàn cảnh của họ theo một quan niệm nào đó. Đối với bản thân chúng ta, chúng ta thiếu đi cái nhìn và sự đầu tư để nhìn thấy bản thân và hiểu được bản thân cũng như hoàn cảnh của chúng ta theo những cách nào đó. Sự thiếu vắng tầm nhìn phối hợp với nhu cầu và sự mong muốn nhìn thấy bản thân và hoàn cảnh của chúng ta theo những cách nào đó là lý do tại sao sự tự đánh lừa bản thân tỏ ra khá nguy hiểm và làm mất nhuệ khí nếu nó đã ăn quá sâu hoặc lan đi quá nhiều hướng.
Hành động tự đánh lừa mình có nhiều lớp vỏ che đậy, mà điều này cũng góp phần làm cho nó khó bị nhận diện. Có nhiều hình thức quen thuộc của sự phủ nhận, sự hợp lý hóa(rationalization), và sự tối thiểu hóa (minimization). Nhưng nói một cách chính xác thì tự dối mình là gì.
Một định nghĩa sơ bộ: Sự tự dối mình là một tập hợp các hành động và thái độ mà nó ngăn cản một người đánh giá khách quan tình huống của mình. Kết quả là, người đó không thể nhận ra tác dụng của chính mình và thường không hiểu được đâu là trách nhiệm chính đáng và đâu là không phải.
Tự đánh lừa bản thân có thể là một hành động cố ý. Nó cũng có thể là một hành động không cố ý. Ranh giới giữa hai hành động này không rõ ràng; chúng có thể thay đổi qua lại. Hướng thay đổi thường thấy là từ cố ý chuyển sang không cố ý. Trong một số tình huống, cố ý tự dối mình có thể là cần thiết và giúp giữ được tính mạng.
Hai trường hợp hoàn toàn khác nhau về hai dạng tự đánh lừa mình sẽ làm sáng tỏ các đặc điểm này. Trường hợp đầu tiên liên quan đến sự phủ nhận.
Hãy lấy trường hợp của một người đang gặp phải điều gì đó đau buồn chẳng hạn như vấn đề bạo hành trong gia đình (domestic abuse). Người phụ nữ này có thể tự an ủi mình rằng sự bạo hành trong gia đình thực sự không xảy ra hoặc tạo cho nó một ý nghĩa hoàn toàn khác. Ở một mức độ nào đó, bà có thể biết rằng điều này thực sự đang xảy ra nhưng bà phủ nhận vì sự sinh tồn hoặc muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình của bà. Bà có thể trở nên quen thuộc với việc nói với bản thân cùng một câu chuyện về những gì đã xảy ra; đó là cách duy nhất để tạo ra ý nghĩa cho những gì bà đang trải qua. Theo thời gian, ý thức tự bảo vệ bản thân có thể lùi sâu vào hậu cảnh. Sự tự đánh lừa bản thân của bà chuyển từ cố ý sang không cố ý. Trong trường hợp này, có một sự đầu tư rõ rệt trong việc không nhìn nhận rằng bà đang bị bạo hành. Cũng như thường thấy trong các trường hợp bạo hành, nạn nhân thường hiểu sai về những gì họ có thể hoặc không thể làm; họ không nhìn thấy nơi kết thúc hành động của họ và nơi bắt đầu hành động của người bạo hành họ. Nạn nhân có thể tin rằng họ có thể kiểm soát được tình huống để người bạo hành không thể bắt đầu. Và đối với một số nạn nhân, họ có thể cho rằng họ phải chịu một phần trách nhiệm về những gì những người khác đang đối xử với họ.
Trong trường hợp này, hành vi tự đánh lừa mình có thể thích đáng và có lợi ở một mức độ nào đó, và cùng lúc, nó có thể nguy hiểm và làm giảm nhuệ khí. Trường hợp tự đánh lừa này tạo ra một liên kết đôi mà khó có thể thoát ra.
Trường hợp thứ hai liên quan đến thái độ chần chừ (procrastination), một dạng tự đánh lừa hết sức phức tạp. Lấy trường hợp của một người đàn ông, và người này biết rằng ông đang mắc phải một chứng rối loạn sử dụng thuốc (substance use disorder – SUD). Người này có thể mô tả một cách rõ ràng chu kỳ uống của mình, tăng dung nạp, và các cảm giác ngưng sử dụng chất gây nghiện cũng như lập biểu đồ các tác dụng phụ gây hại do việc uống rượu bia gây ra. Người này đã làm rất nhiều bài kiểm tra trên mạng và nói với bạn bè rằng ông biết mức độ uống của bản thân đã tiến triển thành rối loạn phát triển toàn diện. Ông biết ông bị nghiện rượu bia và nói rằng ông cần phải làm một điều gì đó để thay đổi hiện trạng này. Hôm nay, ông tự hứa với lòng rằng ông sẽ đi khám bác sĩ vào ngày mai. Ngày mai ông lại hứa một lần nữa. Trường hợp này được gọi là thái độ chần chừ.
Thái độ chần chừ là một sự thất bại trong mối quan hệ giữa kiến thức và ý chí, theo Soren Kierkegaard. Kiến thức sẽ dẫn dắt những hành động của chúng ta nhưng khi chúng ta biết những gì chúng ta nên làm và không sẵn lòng thậm chí chỉ trong một khoảnh khắc, thì sẽ xuất hiện một kẽ hở. Một khoảnh khắc do dự trong nháy mắt có thể phát triển thành một loạt những khoảnh khắc chần chừ không chịu hành động.
Thái độ chần chừ là một hành động mang tính đánh lừa bởi vì nó giả vờ như đang hành động. Người đàn ông hứa sẽ đi khám bác sĩ có thể nói với bản thân rằng ông đang tìm kiếm thêm thông tin, sắp xếp mọi thứ theo thứ tự, tiến hành tổ chức mọi thứ, và vân vân. Ông có thể tiếp tục suy nghĩ về những sự cân nhắc mà ông có thể có khả năng nhận diện. Lặp đi lặp lại nhiều lần. Ông có thể bắt đầu tự bịa đặt ra những mối lo ngại khác cho phép sự cân nhắc. Ông có thể nói với mọi người trong gia đình và bạn bè mọi thứ ông đang làm. Tuy nhiên, cho đến cuối ngày ông vẫn không đi khám bác sĩ.
Người đàn ông này có một sự đầu tư trong việc nhìn thấy bản thân như một kiểu người biết làm một điều gì đó để giải quyết vấn đề. Thậm chí ông có thể cho rằng mình là một kiểu người sẵn sàng đối diện với những thử thách khó khăn. Ông cố gắng làm nhiều thứ. Thật vậy, ông có thể là một người nóng vội thu thập các dữ kiện và “giải quyết vấn đề”. Nhưng tất cả những hoạt động này có thể rất khó để nhìn thấy một cách chính xác tình huống của ông; ông vẫn chưa đi khám bác sĩ. Ông không sử dụng hành động của mình một cách hiệu quả, từ đó có nghĩa là ông vẫn chưa thi hành trách nhiệm một cách đầy đủ.
Theo Kierkegaard, sự chần chừ cũng giống như chúng ta khâu vá quần áo mà không thắt nút cho đến khi kết thúc công việc. Một người biết tiến hành hành động nhưng không thực sự khâu vá. (Trở về đầu trang)
Có bao giờ bạn đọc được một phần cập nhật trạng thái(status update) trên một trang mạng xã hội của một người bạn hoặc ai đó bạn quen biết nói về những thành công của họ hoặc những điều may mắn xảy đến với họ không? Có lẽ bạn sẽ cảm thấy vui mừng cho họ, nhưng có điều gì đó trong tận đáy lòng làm bạn day dứt.
Nhưng một lúc nào đó bạn sẽ tự nhủ, “Tại sao đó không phải là tôi?”
“Năm ngoái tôi đã hoàn thành được rất nhiều việc. Tôi đã xuống được 170 lbs (71 kg); Tôi đã chuyển nhà từ bang Wisconsin đến Maui, Hawaii. Công việc của tôi là viết, thuyết trình, và huấn luyện. Tuy nhiên, sau khi nhìn thấy phần cập nhật trạng thái này, thì tôi lại cảm thấy ghen tị.
Lòng kiêu hãnh của tôi đọc một bài viết của ai đó và nói rằng, “Tôi có thể viết hay hơn người đó”. Tôi nhận được email bị từ chối thuyết trình trong một cuộc hội thảo, nhưng một người bạn lại được chọn, điều đó làm tôi cảm thấy ghen tị.
Sự đố kỵ là một phần của bản chất con người, và tôi đoán rằng bạn cũng đã từng rơi vào tình trạng này. Chúng ta muốn được vui mừng khi người khác làm những điều phi thường, nhưng chúng ta lại muốn người đó chính là chúng ta. Thậm chí chúng ta còn muốn được nổi tiếng như thế. Sự đố kỵ có thể là một phần của bản chất con người nhưng điều đó không có nghĩa sự đố kỵ là một điều tốt.
Có một giới hạn mà bạn không muốn vượt qua, và có những cách để đối phó với sự đố kỵ khi nó phát sinh. Sự đố kỵ có thể ăn mòn tinh thần của bạn và làm cho bạn thụt lùi trong cuộc sống. Sau đây là 3 cách để đối phó với lòng ghen tị.
1. Bước ra khỏi tình huống đó
Vào lúc lòng ghen tị xuất hiện, bạn nên tránh xa. Hãy tắt điện thoại, máy vi tính hoặc máy tính bảng, rồi tập hít thở. Bạn càng ngồi đó và suy nghĩ về tình huống đó, thì bạn càng làm cho lòng ghen tị dâng cao và biến thành một quái vật.
Bạn nên mở nhạc để nghe hoặc tâm sự với chồng/vợ (hoặc người yêu, bạn bè và người thân), nhưng phải biết bỏ xuống và chia sẻ những cảm xúc của bạn. Đừng giữ lại những cảm xúc đó và đừng để nó cứ ấp ủ bên trong. Hãy luôn chân thật với những cảm xúc của bạn và với chính bản thân mình.
Nếu bạn có lòng đố kỵ thì đó là điều tự nhiên, do đó không nên cảm thấy xấu hổ để chấp nhận điều đó với bản thân và với người khác. Nói ra những cảm xúc đó và thừa nhận chúng sẽ giúp bạn khắc phục. Hãy phân tích lý do tại sao bạn lại ghen tị. Có thể là bởi vì có điều gì đó bạn biết rằng bạn cần phải cải thiện.
2. Chuyển hướng chú ý ra khỏi bạn
Lòng ghen tị có thể hiện diện ở đó, nhưng nếu nó dâng cao thì có lẽ vì bạn đã quá chú ý đến bản thân. Rất dễ để trở nên ghen tị với những thành công của người khác khi bạn quá chú trọng đến bản thân. Bạn nhìn thấy họ làm những việc phi thường và bạn cảm thấy thất vọng bởi vì bạn không ở trong trường hợp của họ.
Đừng chú ý đến sự thành công của họ hoặc so sánh những gì họ đang làm với những gì bạn đang làm. Thay vào đó, hãy tập trung vào những gì bạn cần làm để thành đạt trong cuộc sống. Hãy tập trung giúp đỡ những người kém may mắn hơn bạn.
Có lẽ đây không phải là con người của bạn. Nếu đây là lòng kiêu hãnh và bản ngã của bạn thì bạn đang đi đến bờ vực của thất bại. Những người thành công là những người biết phục vụ. Điều này rất khó thực hiện, nhưng khi bạn quan tâm đến những người khác, bạn cũng sẽ trải nghiệm được sự thành công.
3. Hãy biết cám ơn những gì bạn đang có
Có một người bạn đã chia sẻ một vấn đề mà nó giúp tôi mở mắt để hiểu được lòng biết ơn là gì. Anh ấy nói về một chiếc xe mới mà vợ anh vừa mua. Trước đây anh ấy chưa bao giờ nghe nói về chiếc xe này. Nhưng ngay sau khi vợ của anh lái chiếc xe đó, thì đi đâu anh cũng nhìn thấy chiếc xe này.
Không phải những chiếc xe đó không bao giờ tồn tại. Nhưng sau khi vợ anh mua xe, mắt anh đã được mở ra và nhìn thấy điều gì ở xung quanh anh. Đó là cách mà lòng biết ơn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không nhìn thấy những thứ ở xung quanh mà chúng ta phải biết ơn cho đến khi mắt của chúng ta được mở ra.
Mỗi buổi sáng, tôi thường nghĩ về ba điều mà tôi cảm thấy biết ơn. Làm điều này giúp mắt tôi được mở ra để nhìn thấy những điều kỳ diệu trong cuộc sống mà tôi phải cám ơn.
Mỗi ngày, nếu bạn có thể đưa ra được một điều gì đó mà bạn muốn cám ơn, thì mắt của bạn sẽ được khai mở, và thái độ của bạn đối với cuộc sống sẽ thay đổi từ ghen tị trở thành biết ơn. Bạn sẽ biết cám ơn một ngày mới, thời đại chúng ta đang sống, ở đây chúng ta có thể tạo dựng một cuộc sống và làm những gì chúng ta yêu thích. Hãy học cách chọn lấy lòng biết ơn thay vì lòng ghen tị, rồi cuộc sống của bạn sẽ luôn được đổi mới và canh tân.
Tóm lại, cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ có bạn và tiền bạc. Cuộc sống đúng nghĩa là biết giúp đỡ người khác vượt qua những lúc khó khăn, tạo nên những sự đổi mới trong thế giới bạn đang sống. Đừng đố kỵ hoặc để cho lòng ghen tị chiến thắng. Tuần này, khi bạn nhìn thấy những phần cập nhật trạng thái đó, bạn hãy bỏ ra ngoài, nói với bản thân một điều gì đó mà bạn muốn cám ơn rồi quay trở lại và nở một nụ cười. (Trở về đầu trang)
TÌM KIẾM Ý NGHĨA TRONG CON NGƯỜI THẬT CỦA BẠN
Con người là những sinh vật có tính xã hội. Chúng ta tiến hóa như một loài, một phần, vì chúng ta có thể cộng tác với nhau nhằm giải quyết những vấn đề chung. Và việc hợp tác với nhau thường mang ý nghĩa thỏa hiệp. Cuộc sống xã hội mang đầy tính chiến lược. Chúng ta phải xác định những nhu cầu và những ham muốn của bản thân, nhưng chúng ta cũng cần phải nhạy cảm với những sở thích và nhu cầu của những người khác đồng thời nhạy cảm với những hoàn cảnh văn hóa và xã hội mà chúng ta là một thành viên ở trong đó.
Điều này có nghĩa là, thỉnh thoảng chúng ta không thể hiện được con người thật của chúng ta. Tất cả chúng ta ai cũng mang rất nhiều mặt nạ và phải đóng nhiều vai khác nhau, nhưng trong nội tâm mỗi người chúng ta luôn có một con người thật, con người mà bạn cảm thấy đó mới chính là mình. Và con người đó thường bị dìm chết bởi những tranh đấu trong cuộc sống hằng ngày.
Nghe giống như ngành tâm lý học lập dị? Có lẽ vậy. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học cho thấy rằng chúng ta có thể nên quan tâm đến lối suy nghĩ này, bởi vì khi hiểu được con người thật của chính mình có thể có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe tâm lý và hạnh phúc cá nhân. Đúng vậy, chúng ta vừa phải thực hiện những trách nhiệm trong xã hội vừa phải tạo ra mối quan hệ hài hòa với những người khác. Và chúng ta còn phải làm những gì cần làm để trả cho phí sinh hoạt hằng ngày và lo cho gia đình. Nhưng chúng ta cũng cần phải đảm bảo rằng có thể dành ra một chút không gian cho con người thật của chính mình.
Ví dụ, các nghiên cứu chỉ ra rằng khi người ta cảm thấy bắt đầu có những hành vi mà họ coi trọng và thưởng thức chúng, thì họ có thể trải nghiệm một cuộc sống hạnh phúc hơn. Và khi người ta cảm thấy hành vi của mình do các yếu tố bên ngoài (ví dụ như tiền bạc, áp lực xã hội) tác động, thì cuộc sống của họ thường gặp phải những điều không hay. Người ta cũng thường có nhiều khả năng thực hiện thành công những mục tiêu phản ánh con người thật của mình. Nói một cách ngắn gọn, điều quan trọng là phải tìm kiếm những mục tiêu phản ánh con người thật của bạn bên cạnh những mục tiêu mà bạn theo đuổi cho những lý do thực tế hơn, chẳng hạn như trả những phí sinh hoạt hằng ngày.
Con người thật (true self) cũng có những gợi ý về mức độ cảm nhận ý nghĩa đời sống của họ. Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy rằng, có những người báo cáo họ hiểu được bản thân mình và hành vi của họ thường thể hiện con người thật, thì những người này sẽ cảm thấy có nhiều hy vọng về tương lai hơn so với những người không cảm thấy rằng họ hiểu hoặc cư xử đúng với con người thật của mình. Tương tự, những người cảm thấy họ đang sống thật (ví dụ, phù hợp với cách họ cảm nhận con người thật của họ) sẽ cảm nhận cuộc sống có ý nghĩa hơn so với những người không cảm thấy họ đang sống thật.
Vậy làm thế nào để bạn tìm thấy con người thật của mình và sống thật với chính mình?
Các chuyên gia nói rằng bạn cần phải xác định được những mục tiêu theo đuổi mà bạn coi trọng hoặc thưởng thức. Những mục tiêu này phản ánh con người thật của bạn. Các mục tiêu bạn theo đuổi vì những lý do như tiền bạc, làm hài lòng người khác, tránh phạm lỗi lầm, hoặc để đạt được một vị trí nào đó trong xã hội sẽ có ít khả năng phản ánh con người thật của bạn. Đa số chúng ta ai cũng có những loại mục tiêu nêu trên và một số mục tiêu phản ánh nhiều động cơ khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải xác định được một số mục tiêu phản ánh được con người thật của mình.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nói rằng tìm kiếm con người thật của bạn đòi hỏi khả năng tự xét mình và mong muốn trở nên thành thật với chính mình. Tính cách gì nói lên con người bạn? Những điểm mạnh và những điểm yếu của bạn là gì? Tìm kiếm con người thật của bạn không chỉ đơn thuần là một bài tập tự khẳng định bản thân. Thay vào đó, nó bao gồm một mong muốn xác định và chấp nhận những hạn chế cũng như những ham muốn của bạn. Điều này cũng có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận sự phản hồi góp ý từ những người khác một cách cởi mở mà không tránh né. Ý niệm này là sự thành thật với chính mình (self-honesty).
Vì ngày càng có nhiều nghiên cứu quan tâm đến việc tìm hiểu nội tâm con người, cho nên chúng ta càng học hỏi được nhiều điều về những gì làm cho con người cảm thấy cuộc sống của họ có ý nghĩa và trở nên trọn vẹn hơn. Sống thật với chính mình có thể chứng minh là một thành phần quan trọng của sức khỏe tâm lý. (Trở về đầu trang)
8 CÁCH ĐỂ NHỚ MỌI THỨ
Tôi đã từng nghĩ ra một phép ẩn dụ mà tôi nghĩ là hoàn toàn bắt kịp với một khối lượng lớn kiến thức mà tôi và người bạn cùng lớp đã hy vọng ghi nhớ trong 2 năm đầu tiên tại trường y: giống như được yêu cầu đi vào cửa hàng bách hóa và nhớ tên của từng sản phẩm trong cửa hàng; số thứ tự và vị trí của chúng; và mỗi thành phần trong mỗi sản phẩm, theo thứ tự chúng xuất hiện trên nhãn – sau đó làm điều tương tự ở mỗi cửa hàng bách hóa trong thành phố.
Bây giờ khi tôi nhìn lại, tôi không thể tưởng tượng được làm thế nào mỗi người trong chúng tôi đã có thể làm được điều đó. Tuy nhiên chúng tôi đã làm được. Khả năng lưu giữ và nhớ lại thông tin của trí óc thực sự kỳ diệu. Và chúng tôi đã được học rất nhiều về cách ghi nhớ cũng như cách học tập từ khi chúng tôi vào học trường y. Mặc dù phần lớn các phương pháp sau đây là những kỹ thuật tôi đã sử dụng để có thể trụ vững trong hai năm đầu tiên ở trường y, nhưng phần lớn ngành khoa học chứng minh các phương pháp này có hiệu quả xem ra vẫn còn mới mẻ.
8 Chiến Lược Giúp Ghi Nhớ
Trở nên hứng thú với những gì bạn đang học. Tất cả chúng ta sẽ nhớ rõ hơn đối với những gì chúng ta quan tâm. Ví dụ như, một vài người gặp khó khăn khi nhớ tất cả tên của những người mà họ cảm thấy có sức thu hút. Nếu bạn không có sự quan tâm sẵn có với những gì bạn đang học hay cố gắng để nhớ, thì bạn phải tìm một cách để làm được như thế. Tôi phải thừa nhận rằng tôi nhớ không giỏi khi còn học ở trường y – chu trình Krebs (tôi đưa ra mối liên hệ chỉ vì muốn cho thấy nó đáng chán thế nào) không làm cho tôi hào hứng hay gợi cho tôi bất kỳ điều gì mà tôi cảm thấy có chút hứng thú.
Hãy tìm một cách để gia tăng trí nhớ bằng hình ảnh. Bạn sẽ ngạc nhiên bởi khối lượng thông tin mà phương pháp này giúp bạn ghi nhớ. Ví dụ, hãy tưởng tượng khi bạn ở tại một bữa tiệc và được giới thiệu qua loa với 5 người theo thứ tự. Làm thế nào bạn có thể nhanh chóng nhớ tên của họ? Hãy chọn ra một đặc điểm nổi bật của mỗi người và liên đới tới hình ảnh tượng trưng cho tên của họ, thường là thông qua một loại hoạt động nào đó. Ví dụ, bạn có thể nhớ đến Mike là người có đôi tai lớn bằng cách tạo ra hình ảnh của cái micrô (một cái “mike”) làm sạch đôi tai lớn chứa đầy ráy tai (gớm quá, xin lỗi – nhưng vì để giúp ghi nhớ một cách hiệu quả). Nó đòi hỏi nỗ lực rất lớn để làm điều này, và nếu bạn luyện tập thì bạn sẽ rất ngạc nhiên về tốc độ mà bạn có thể nghĩ ra những phương thức sáng tạo để tạo ra các hình ảnh này. Đây một ví dụ nữa: Bạn có hay quên nơi để chìa khóa, mắt kính, hay ví tiền không? Lần tới khi bạn để vật gì ở nơi nào, hãy dừng lại vài giây để chú ý nơi bạn đặt vật đó, và sau đó bắt não ghi nhớ vị trí đó. Nếu bạn ghi nhớ đầy đủ chi tiết, thì bạn sẽ không quên nơi bạn để vật đó. Hãy nhớ: Ký ức chủ yếu là thông qua hình ảnh.
Hãy tạo ra một trục ký ức trong đầu. Nếu bạn đang cố gắng ghi nhớ một số lượng lớn các dữ kiện, thì hãy tìm một cách để liên hệ chúng bằng hình ảnh với một hệ trục thần kinh trong não của bạn. Đầu tiên, hãy xây dựng những nhánh lớn, sau đó là những cái lá. Các nhánh và lá nên mang theo các nhãn có ý nghĩa mang tính cá nhân đối với bạn theo một cách nào đó, và sự sắp xếp các dữ kiện (“những chiếc lá”) phải có tính hợp lý. Phương pháp này được biết đến rộng rãi từ những năm 1950 rằng chúng ta nhớ “từng mảng” thông tin tốt hơn khi chúng ta phân nhóm các thông tin này. Ví dụ, bạn dễ dàng nhớ số 467890 bằng cách chia ra "467" và "890" thay vì nhớ một lúc 6 chữ số 467890.
Liên hệ những gì bạn đang cố gắng học với những gì bạn đã biết rồi. Xem ra chúng ta càng có sự kết nối thần kinh với một mảnh thông tin, thì chúng ta càng thành công trong việc ghi nhớ nó. Điều này lý giải tại sao sử dụng thuật nhớ (mnemonics) thực sự giúp tăng cường khả năng nhớ lại.
Ghi ra những gì cần nhớ và lặp đi lặp lại. Bên cạnh những phương pháp khác, đây là cách tôi nhớ tên các loài vi khuẩn, những bệnh nhiễm trùng do chúng gây ra, và các loại thuốc kháng sinh để điều trị. Việc ghi ra những dữ liệu trong các danh sách giúp tăng cường khả năng nhớ trong trường hợp bạn muốn nhớ các danh sách đó một cách chủ động thay vì thụ động. Nói cách khác, đừng chỉ sao chép danh sách các dữ liệu mà bạn đang cố gắng nhớ nhưng hãy chủ động gợi lại mỗi dữ liệu bạn muốn học và viết nó xuống nhiều lần. Khi làm điều này, thực sự bạn đang tự dạy mình cách học – và như mọi thầy cô giáo đều biết, cách tốt nhất để bảo đảm bạn biết điều gì đó là phải dạy nó. Phương pháp này có thêm lợi ích là lập tức cho thấy một cách chính xác các dữ liệu nào chưa được ghi nhớ vào bộ nhớ dài hạn của bạn do đó bạn có thể tập trung chú ý hơn vào việc học hỏi chúng thay vì mất thời gian củng cố những vấn đề mà bạn đã biết rồi.
Khi bạn đọc để ghi nhớ, hãy tóm lược mỗi đoạn văn ở mép sách. Điều này đòi hỏi bạn phải nghĩ về những gì bạn đang đọc, rút ra ý chính, và tự dạy cho mình một lần nữa. Thậm chí sử dụng các khái niệm bạn đang học và lý luận về chính vấn đề đó; áp dụng chúng vào những tình huống mang tính tiểu thuyết được tưởng tượng ra, nhờ đó tạo ra những kết nối thần kinh tốt hơn để củng cố trí nhớ.
Hãy tập trung học vào buổi chiều. Mặc dù bạn có thể xem bản thân là “người thức dậy sớm” hay “người thức khuya” thì ít ra một nghiên cứu cho biết khả năng ghi nhớ của bạn không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời điểm trong ngày mà bạn cảm thấy tỉnh táo nhất nhưng bởi thời điểm trong ngày mà bạn thực sự học bài – buổi chiều xem ra là thời điểm tốt nhất.
Hãy ngủ đủ để củng cố và duy trì trí nhớ. Không chỉ vào đêm sau khi bạn học bài mà còn vào hôm trước khi bạn học bài. Hãy học từ trước thay vì nhồi nhét kiến thức cả đêm cho kỳ thi (bài kiểm tra).
Tại sao bộ nhớ bị trục trặc
Mất ký ức (memory loss) là một trong những than phiền phổ biến nhất tôi nghe được trong thời gian làm việc với bệnh nhân. Thật không may, đó là một phần bình thường của quá trình lão hóa, nhiều người bắt đầu thấy rằng không thể nhớ tên tuổi, nơi chốn, và nhiều thứ một cách dễ dàng như trước đây và lo lắng rằng họ đang phải đối diện với giai đoạn đầu của chứng mất trí (dementia).
“Chứng quên lành tính – benign forgetfulness” là tên mà chúng ta đặt cho một tiến trình xảy ra với quá trình lão hóa bình thường, trong đó trí nhớ còn nguyên vẹn nhưng khả năng gợi lại ký ức của chúng ta tạm thời bị suy giảm. Thông thường chúng ta cố gắng mô tả tên hoặc sự vật mà chúng ta không thể gợi lại và khi có ai đó nói ra tên đó thì chúng ta lập tức nhớ lại chữ chúng ta muốn nói ra. Miễn sao đây là quá trình lão hóa bình thường và không can thiệp nghiêm trọng vào chức năng hoạt động bình thường, thì không có nguy cơ gia tăng phát triển chứng mất trí.
Tuy nhiên, có một sự lắt léo trong việc đánh giá thế nào là “phù hợp với độ tuổi” và thế nào là không “phù hợp với độ tuổi”. Thử nghiệm chính thức đôi khi cần thiết trong những trường hợp không rõ ràng. Với mục đích tái khẳng định, trong một nghiên cứu, các bệnh nhân trên 50 tuổi đầu tiên xuất hiện với vấn đề được xem là chứng quên lành tính chỉ có 9% nguy cơ tiến triển thành chứng mất trí. Tuy nhiên, những trường hợp suy giảm nhận thức (cognitive impairment) thay vì mất ký ức được xem có liên quan đến nguy cơ cao phát triển chứng mất trí.
Một lý do khác người ta thường gặp khó khăn khi ghi nhớ mọi thứ là bởi vì bộ nhớ là một chức năng tập trung. Có nghĩa là khi bạn làm nhiều việc cùng một lúc (multi-task) bạn có xu hướng dễ bị quên hơn. Có bao giờ bạn bước vào một căn phòng rồi quên đi lý do vì sao bạn vào đó? Có nhiều khả năng bạn sẽ nhớ nếu bạn không cùng lúc lên kế hoạch ăn tối cho buổi tối hôm đó và cố gắng nhớ số điện thoại của người vừa để lại tin nhắn cho bạn.
Lý do này cũng giải thích nguyên nhân tại sao những người bị trầm cảm hoặc lo âu gặp khó khăn trong việc ghi nhớ mọi thứ: Cả hai tình trạng bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tập trung. Khả năng nhớ cũng được quyết định bởi trạng thái cảm xúc đi kèm với sự kiện ban đầu. Cảm xúc, tiêu cực hay tích cực, có xu hướng trộn lẫn với các sự kiện trong bộ nhớ của chúng ta như những đường tạc trong đá - một con dao hai lưỡi cho những người bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD).
Giảm Bớt Tình Trạng Thoái Hóa
Đây là 3 phương pháp đã được chứng minh trong các nghiên cứu có khả năng giúp giảm bớt nguy cơ thoái hóa thần kinh khi bạn có tuổi:
- Tập thể dục cho cơ thể bạn. Bằng chứng cho thấy phương pháp này không chỉ làm chậm hiện tượng thoái hóa trí nhớ bình thường liên quan đến tuổi tác mà còn làm giảm nguy cơ phát triển chứng mất trí. Thậm chí không cần phải tập thể dục quá sức – chỉ 150 phút đi bộ mỗi tuần đã được chứng minh có thể mang lại lợi ích. Việc tập thể dục với cường độ cao có giảm được nhiều nguy cơ hơn hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
- Tập thể dục cho trí óc bạn. Bằng chứng cũng cho thấy rằng làm những việc vận dụng trí óc có thể trì hoãn hay ngăn chặn tình trạng mất trí nhớ. Nghiên cứu này chỉ mới ở giai đoạn đầu, do đó sau đây là cẩm nang hữu ích để tìm ra những hoạt động nào sẽ mang lại hiệu quả: nếu một hoat động đòi hỏi bạn phải nghỉ ngơi, thì nó có thể thích hợp. Ví dụ, chúng ta có thể xem tivi hàng giờ cho đến khi kết thúc mà không cảm thấy mệt mỏi tinh thần, nhưng việc giải các bài toán, học đan lát, hoặc thậm chí việc đọc sách tất cả đều đòi hỏi nỗ lực làm cho đầu óc chúng ta mệt mỏi.
- Sử dụng thuốc ibuprofen. Mặc dù có một nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng một liều ibuprofen mỗi ngày giúp giảm nguy cơ phát triển chứng mất trí, nhưng khả năng hạ giảm nguy cơ này xem ra quá khiêm tốn để bào chữa cho nguy cơ gia tăng bị chảy máu dạ dày khi sử dụng ibuprofen mỗi ngày, do đó tôi không khuyến khích tiến hành phương pháp này. Tuy nhiên, nếu bạn đã và đang sử dụng ibuprofen cho một tình trạng bệnh lý nào đó, như viêm thấp khớp, thì đây có thể là một lợi ích bổ sung.
Nếu trí óc thực sự giống như cơ bắp – và đang có nhiều nghiên cứu chứng thực mô hình này – thì trí nhớ có thể rất giống như độ rắn chắc của cơ bắp: trí óc càng được sử dụng nhiều, thì trí nhớ càng trở nên vững vàng. Khi tôi lăn lộn trong những năm tháng học ở trường y để đạt đến giai đoạn đầu của tuổi trung niên, tôi thấy rằng chính bản thân mình gặp phải chứng quên lành tính nhiều hơn sự mong muốn của tôi. Kết quả là, chính bản thân tôi cảm thấy an ủi với câu ngạn ngữ “sử dụng nó hay mất nó” dường như không chỉ áp dụng với cơ thể mà còn áp dụng với trí óc. (Trở về đầu trang)
Bạn có thể đã đọc tất cả những lời khuyên chống lại sự lo âu trên thế giới, nhưng không có lời khuyên nào là hiệu quả trừ phi bạn thực hiện nó. Để cảm thấy được thư giãn hơn, để ngủ ngon vào ban đêm, và tập trung năng lượng những việc cần thiết, bạn đừng phí thời gian vào những việc không quan trọng.
Vào cuối bài viết này, cuộc sống của bạn có thể sẽ trở nên hữu ích hơn rất nhiều và được khai sáng thêm. Bổn phận của bạn là dành ra 15 - 60 phút mỗi ngày thực hiện một vài trong số 21 phương pháp giảm lo âu dưới đây.
Bạn càng cố gắng luyện tập, thì bạn sẽ càng cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản hơn.
Có thể bạn đã quen thuộc với một số các chiến lược chống lo lắng này. Nhưng nếu bạn gặp phải những ý nghĩ điên cuồng, tình trạng thắt chặt ở ngực, khó thở, thì bạn vẫn chưa thực hiện tất cả những phương pháp này.
Cách Xóa Tan Lo Âu #1: Tập Hít Thở Sâu
Nếu bạn không tập trung vào cách giữ cho cơ thể lắng dịu bằng phương pháp hít thở chậm ở bụng, thì bạn đã bỏ lỡ cơ hội. Thở bằng bụng là miễn phí, không lệ thuộc, và dễ dàng tiến hành.
1. Ngồi nhắm mắt và chuyển sự tập trung của bạn vào hơi thở của bạn. Hít thở một cách tự nhiên, thường bằng mũi, không cần phải cố gắng điều khiển hơi thở của bạn.
2. Hãy chú ý đến sự cảm nhận hơi thở khi nó ra vào mũi. Đặt một bàn tay trên bụng, và bàn tay kia trên ngực của bạn. Hít một hơi thật sâu và đếm đến bốn. Rồi nín thở và đếm đến ba. Thở ra và đếm đến bốn. Bàn tay đặt trên bụng sẽ di chuyển vào trong khi bạn thở vô, và di chuyển ra phía trước khi bạn thở ra.
3. Tập trung vào hơi thở của bạn và quên đi tất cả mọi thứ khác. Tâm trí của bạn sẽ rất bận rộn, và thậm chí bạn có thể cảm thấy rằng thiền sẽ làm cho tâm trí của bạn bận rộn, nhưng thực tế là sẽ bạn trở nên chú ý hơn về sự bận rộn tâm trí như thế nào.
4. Chống lại sự cám dỗ bị lôi cuốn vào những suy nghĩ khác nhau khi chúng xuất hiện, và tập trung vào sự nhận cảm của hơi thở. Nếu bạn phát hiện ra rằng đầu óc của bạn đang lang thang và bị lôi cuốn theo những dòng suy nghĩ, thì ngay lập tức quay trở lại với nhịp thở.
5. Lặp lại động tác này nhiều lần khi cần thiết cho đến khi tâm trí của bạn tập trung vào hơi thở. Đừng trì hoãn việc bắt đầu tập thở bằng bụng. Bạn càng sớm tập luyện thói quen này hàng ngày, thì bạn sẽ càng nhanh chóng cảm thấy thư thái.
Khi thực hành tập thở bằng bụng, bạn sẽ bắt đầu một ngày với trạng thái sống với hiện tại và thông suốt. Ngoài ra, bạn sẽ không lãng phí thời gian lo lắng về tương lai, hoặc liên tưởng về quá khứ.
Cách Xóa Tan Lo Âu #2: Thiền Thay Vì Thuốc
Sự bình tĩnh là công việc của nội tâm. Hãy ban tặng cho bản thân món quà của sự thanh thản, và bắt đầu một ngày bằng 10 phút tịnh tâm và luyện tinh thần. Và những hoạt động hàng ngày sẽ đáp đền. Hãy tỏ ra điềm tĩnh, cân nhắc và cởi mở, thì những sinh hoạt hằng ngày của bạn sẽ trở nên hài hòa.
Cách Xóa Tan Lo Âu #3: Thực Hành Tự Chủ
Đi mát xa, làm móng tay/móng chân, hoặc cắt tóc. Không gì có thể bóng bảy và được bảo trì tốt như nét rực rỡ, khỏe mạnh và gợi cảm.
Nếu vấn đề tài chính của bạn có phần eo hẹp, hãy tìm một nơi làm đẹp hạ giá hoặc trường dạy nghề cung cấp các dịch vụ chất lượng cho những người có sự hạn chế về tài chính. Vì thế họ sẽ không phục vụ trà bạc hà trên khay bạc – hãy nhắm mắt và tưởng tượng đến dịch vụ 5 sao trong khi bạn đang tận hưởng những gì xứng đáng với bạn.
Cách Xóa Tan Lo Âu #4: Từ Bỏ Nước Ngọt
Một ly cà phê buổi sáng có thể giúp khởi động, sưởi ấm và tạo sự dễ chịu cho bạn, nhưng những thức uống có lượng nước đường bắp fructose cao và 177 thành phần khác sẽ có tác dụng không tốt.
Nếu bạn có thói quen uống nước ngọt vào lúc 3 giờ chiều, thì bạn nên thay đổi bằng một ly trà xanh có tác dụng giúp thư giãn. Không chỉ có chất caffeine giúp kích thích hệ thần kinh trung ương, nước ngọt sẽ tiêu hủy các loại vitamin và khoáng chất từ chế độ ăn uống và gây tổn thương đến nụ cười trên gương mặt của bạn. Răng sẽ dễ bị sâu khi lượng axit của nước bọt xuống dưới một mức nào đó.
Nếu bạn uống nước ngọt suốt ngày, thì những lớp ngoài bao bọc răng bắt đầu mất đi các khoáng chất và các chỗ sâu răng sẽ hình thành. Nhiều chương trình bảo hiểm nha khoa không trả tiền cho việc rút gân máu (root canals) và bạn sẽ nhận được hóa đơn thanh toán khá lớn.
Cách Xóa Tan Lo Âu #5: Cắt Giảm Chi Tiêu Không Cần Thiết
Áp lực về tài chính là một lý do phổ biến khiến cho nhiều người tìm đến trị liệu tâm lý. Nợ nần sẽ làm cho bạn mất ngủ và góp phần tạo ra cảm giác cho rằng bản thân không còn giá trị và mất hết hy vọng.
Kiểm soát vấn đề tài chính của bạn và ngưng tiêu xài cho những thứ không cần thiết.
Kiểm tra chi phí hàng ngày của một hoặc 2 tuần và quyết định những thứ có thể cắt giảm. Chú ý đến những món hàng mà bạn tích trữ một cách vô ý.
Những thứ có thể cắt giảm :
- Chuyển cáp truyền hình sang sử dụng dịch vụ Netflix
- Liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm xe hơi, công ty thiết bị di động, hoặc công ty thẻ tín dụng của bạn và hỏi xem họ có thể giảm bớt tiền hóa đơn thanh toán cho bạn không.
- Hủy dịch vụ cung cấp báo trong tuần, thay vào đó, hãy chọn dịch vụ cung cấp báo vào ngày Chủ Nhật, hay dịch vụ trực tuyến.
Cách Xóa Tan Lo Âu #6: Loại Bỏ Tình Trạng Hỗn Độn
Bạn có bao giờ tự hỏi phải mất bao nhiêu thời gian khi bạn không thể tìm ra chìa khóa xe hơi, hay gói mực màu của máy in Epson 400?
Có nhiều khả năng là bạn có quá nhiều thứ chất đầy không gian sống của mình.
Hãy thử cách sắp xếp nhanh chóng sau đây:
1. Chọn một ngăn kéo, tủ hoặc tủ quần áo
2. Phân loại những thứ bạn không sử dụng
3. Phân ra ba nhóm a) Những thứ để vứt bỏ, b) Những thứ dành quyên tặng, và c) Những thứ để bán.
Hãy tổ chức bán yard sale và sử dụng số tiền này để…
Cách Xóa Tan Lo Âu #7: Lên Kế Hoạch Đi Chơi
Khi bạn dành thời gian để sống với thiên nhiên, thì bạn đã tạo cho trí óc và cơ thể một sự nghỉ ngơi rất cần thiết từ sự hối hả và nhộn nhịp mà chúng làm cho bạn phải tìm kiếm trên Google câu hỏi như “Cách loại bỏ sự lo lắng” vào lúc bắt đầu.
Có nhiều khả năng là không cần biết bạn đang sống ở đâu, nhưng luôn có một nơi yên tĩnh, thú vị và quyến rũ để thư giãn trong vòng một vài giờ đồng hồ.
Cách Xóa Tan Lo Âu #8: Đi Ngủ Sớm
Điều này nghe như không thể nếu bạn quen thức khuya để cố gắng bắt kịp với những việc cần làm. Nhưng đây là việc CẦN PHẢI LÀM.
Tình trạng mất ngủ là thủ phạm gây lo âu rất lớn. Nhắm mắt không đủ có thể làm tăng những phản ứng phòng ngự của não, gia tăng các mức độ lo lắng toàn diện, theo nghiên cứu cho biết.
“Tất cả chúng ta đều có cảm giác lo âu phòng ngự(anticipatory anxiety: xuất hiện khi đối diện với những gì làm cho chúng ta sợ hãi trong quá khứ)”, theo giải thích của tiến sĩ Fugen Neziroglu. “Có được những mức độ lo lắng vừa phải để muốn làm tốt công việc là khá quan trọng. Nhưng điều đó có thể nguy hiểm khi nó bắt đầu can thiệp vào cuộc sống của bạn. “Không thể có được đời sống tình cảm lành mạnh nếu không có được giấc ngủ đầy đủ”.
Đừng thức đêm với hy vọng sẽ được ngủ bù vào cuối tuần. Những giây phút bỏ ngủ sẽ không thể lấy lại được.
Cách Xóa Tan Lo Âu #9: Thức Dậy Sớm Trước 15 Phút
Giống như đa số những người hay lo lắng, bạn có thể đi quanh nhà một cách vội vã và hò hét mọi người khi bạn thức giấc vào buổi sáng, “Nhanh lên! Chúng ta sắp bị trễ rồi!”
Hãy chậm lại, và chuẩn bị trước một ngày thư giãn cho bạn. Nếu bạn bắt đầu thấy lo lắng về những việc cần phải làm, hãy hít thở sâu và suy nghĩ, sẽ có đủ thời gian cho việc đó.
Cách Xóa Tan Lo Âu #10: Sử Dụng Dầu Lavender
Dầu lavender (lavender oil) có nhiều đặc tính chữa lành và có thể sử dụng như một phương pháp tự nhiên giúp giảm lo âu và những tình trạng căng thẳng khác. Có nhiều cách để kết hợp dầu lavender với những công cụ giảm căng thẳng cho bạn.
1.Cho vừa đủ dầu lavender (oải hương) vào nước tắm của bạn để có được cảm giác thư giãn. Sử dụng nước với lá oải hương để làm dịu các khớp và cơ bắp bị đau.
2. Bạn sẽ đi vào giấc ngủ nhanh hơn khi thêm vài giọt dầu vào khăn giấy và đặt dưới gối của bạn.
3. Sử dụng dầu lavender trong đèn dầu (oil diffuser) để trị chứng mất ngủ. Hương gỗ ngọt ngào của dầu hoa oải hương sẽ giúp bạn đi vào giấc ngủ và ngủ say.
4. Trong trường hợp bị nhức đầu, thấm một ít dầu hoa oải hương vào một miếng bông gòn hoặc đầu ngón tay của bạn và xoa từ từ vào thái dương. Mùi hương sẽ giúp bạn thư giãn vì tinh dầu giúp giảm nhẹ cơn đau đầu của bạn.
5. Lavender được sử dụng trong trị liệu xoa bóp bằng hương liệu để giúp giãn cơ. Hãy xoa bóp dầu vào da và giảm căng cơ bắp ở vùng lưng cũng như giảm co thắt cơ.
6. Lavender có thể được sử dụng như một chất long đờm. Nó phân hủy chất nhầy do tình trạng sung huyết ở mũi và ngực đi kèm với cơn cảm lạnh.
7. Hít dầu lavender giúp khống chế cơn đau, đặc biệt sau một buổi tập luyện thể dục, một buổi trị liệu, hoặc phẫu thuật.
Cách Xóa Tan Lo Âu #11: Giảm Caffeine, Đường và Thực Phẩm Chế Biến Sẵn Trong Chế Độ Ăn Uống
Chất caffeine có thể gây ra tình trạng tim đập nhanh nếu bạn tiêu thụ quá nhiều. Caffeine cũng có thể gây ra các cơn hoảng loạn hoặc lo lắng, đặc biệt nếu bạn bị rối loạn lo âu. Tình trạng hạ đường huyết, hoặc đường trong máu xuống thấp cũng có thể gây ra các trường hợp tim đập nhanh (palpitation).
Đường có tác dụng như một chất kích thích tuyến thượng thận và có thể gây ra các cơn hoảng loạn hoặc lo âu. Các loại thực phẩm gây khó chịu khác bao gồm những thực phẩm có chứa sản phẩm bột tinh chế, và thậm chí cả lúa mì vì loại này gây viêm.
Bên cạnh caffein và đường, dị ứng thực phẩm là một yếu tố tác động lớn lên hệ thần kinh trung ương hoạt động quá tích cực. Thực hiện bước này cùng với cách xóa tan lo âu #12.
Cách Xóa Tan Lo Âu #12: Uống Nước Trái Cây (Hoa Quả)
Ăn kiêng ảnh hưởng đến trạng thái lo âu. Một ly nước trái cây (hoa quả) vào buổi sáng có thể giúp cho bạn được thư giãn.
Để có được một phương pháp khác biệt và tạo sự ngon miệng cho việc bổ sung rau xanh hàng ngày, bạn hãy thử công thức sau đây: kết hợp một quả chuối hoặc táo xanh, một ít cải xoăn, vài lát gừng, một quả chanh, vài lát dưa leo, một vài viên đá, một ly nước cho vào máy xay sinh tố. Để bổ sung chất đạm, hãy thêm một quả trứng, yogurt, các loại quả hạch, hoặc bột protein.
Cách Xóa Tan Lo Âu #13: Hiểu Rằng Cảm Giác Không Phải Là Những Sự Kiện
Một trong những công việc khó khăn nhất của các nhà trị liệu tâm lý là thuyết phục các khách hàng của họ bị chứng lo âu rằng cảm giác bị mất giá trị, tội lỗi hoặc xấu hổ là hoàn toàn không chính xác. Những suy nghĩ tiêu cực tạo ra những cảm giác tiêu cực. Điều này có phần tinh tế vì nhiều suy nghĩ tiêu cực của chúng ta là tự động, sâu trong nội tâm, và có nguồn gốc trong tiềm thức.
Thực hành phương pháp này kết hợp với cách #14
Cách Xóa Tan Lo Âu #14: Thách Thức Những Niềm Tin Tiêu Cực Cố Hữu
Hãy nhớ rằng suy nghĩ đi trước cảm giác. Suy nghĩ tiêu cực dẫn tới những cảm xúc tiêu cực, do đó dẫn tới những hành vi tiêu cực. Ví dụ:
- Jocelyn tỉnh dậy và lập tức suy nghĩ, tôi sẽ làm hỏng buổi thuyết trình bằng PowerPoint hôm nay. Tôi chỉ muốn nằm trên giường cả ngày.
- Cô cảm thấy không có động lực, lo lắng và uể oải.
- Cô la hét những đứa con khi chúng thay quần áo chậm chạp.
Làm cách nào để thách thức với trạng thái tiêu cực của bạn:
1. Thường xuyên ghi lại suy nghĩ của bạn. Chú ý đến khi nào bạn có cảm giác bị áp lực.
2. Viết xuống cảm giác đi kèm với những ý nghĩ. Nghĩ đến những phản ứng như: thất vọng, giận dữ, không có giá trị, sự thất bại, v.v…
3. Thách thức hiện thực. Điều này thật không dễ dàng bởi vì chúng ta có khuynh hướng thiếu khách quan về sự thật. Có bằng chứng bạn không xứng đáng để được thăng chức không? Bạn có bị cảnh cáo vì khả năng công tác không đạt tiêu chuẩn?
Nếu bạn thực tâm muốn ghi lại những suy nghĩ và cảm giác hàng ngày của bạn, cùng với thử nghiệm thực tế, thì bạn sẽ thấy rằng nhiều cảm xúc tiêu cực được tạo ra trong tâm trí của bạn, và hoàn toàn không dựa trên thực tế.
Tin tốt là bạn đã tạo ra các ý nghĩ tiêu cực, và vì thế bạn có thể không tạo ra nó.
Cách Xóa Tan Lo Âu #15: Học Cách Biết Ơn
Cũng xấu như tình huống của bạn, luôn luôn có ai đó ở vào tình trạng khó khăn tồi tệ hơn.
Hãy đọc một chương của cuốn sách Sự Tìm Kiếm Ý Nghĩa của Một Người (Man’s Search for Meaning) của Viktor Frankl, hoặc đọc tiêu đề của tờ báo hàng ngày. Hãy biết ơn vì cuộc sống của bạn không phải là tiêu đề của một câu chuyện được đăng trên báo.
Hãy chú ý đến những điều tích cực trong cuộc sống của bạn. Hãy nhớ rằng tất cả mọi thứ trong cuộc sống chỉ là tạm thời – cái tốt, cái xấu, và sự xấu xí.
Cách Xóa Tan Lo Âu #16: Có Trách Nhiệm
Nếu bạn là người bạn gái thân nhất với Nellie Căng Thẳng hay Allen Lo Âu, hãy sử dụng năng lượng của bạn một cách hữu ích. Hãy cố gắng thực hiện những phương pháp lành mạnh để đối phó khi cảm thấy bị áp lực.
Cách để tỏ ra có trách nhiệm:
- Chia sẻ thông tin này với bạn bè
- Chọn một vài chiến lược tạo sự đồng cảm giữa hai người.
- Lên kế hoạch điện thoại cho nhau khi bạn bị mất phương hướng.
- Khen ngợi khi bạn có những thay đổi tích cực.
- Tạo ra một nhóm trên Facebook và thường xuyên đăng những lời khuyên giúp giảm áp lực và lo âu.
Cách Xóa Tan Lo Âu #17: Tham Gia Một Buổi Họp Mặt Xã Hội (Cho Dù Bạn Không Muốn)
Nếu bạn có khuynh hướng e ngại khi tiếp xúc với người lạ (social anxiety), thì điều quan trọng là nên dành ra thời gian cho các hoạt động giao tiếp xã hội. Sống nội tâm cũng tốt, nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới xoay quanh mối liên kết với những người khác.
Cách Xóa Tan Lo Âu #18: Làm Hẹn Kiểm Tra Tổng Quát Để Loại Trừ Khả Năng Chứng Lo Âu Của Bạn Là Do Một Tình Trạng Bệnh Lý Gây Ra.
Nếu chứng lo âu của bạn gần đây tăng lên, hoặc trước đây bạn có thể thích ứng với cuộc sống, và bây giờ thì không thể, bác sĩ của bạn có thể quyết định xem chứng lo âu của bạn có phải do một chứng bệnh nào đó gây ra không. Hãy yêu cầu được xét nghiệm máu, và thành thật về những triệu chứng của bạn.
Cách Xóa Tan Lo Âu #19: Lên Lịch Hẹn Với Một Chuyên Gia Trị Liệu
Không ai đáng phải bị cảm giác lo âu. Một chuyên gia tâm thần là thích hợp nhất nếu chứng lo âu của bạn không thể chịu đựng được.
Cách Xóa Tan Lo Âu #20: Tập thể dục, Tập thể dục, Tập thể dục
Tập thể dục là phương thuốc tự nhiên giúp chống lo âu. Bên cạnh khả năng làm cho đầu óc được thanh thản, gia tăng chất endorphin, và giúp bạn ngủ ngon vào ban đêm, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng các cá nhân tập thể dục thường xuyên và đều đặn sẽ giảm được 25 phần trăm khả năng phát triển một chứng rối loạn lo âu trong vòng 5 năm.
Cách Xóa Tan Lo Âu #21: Chấp Nhận Chứng Lo Âu Của Bạn.
Cho dù bạn có thừa hưởng gen di truyền lo lắng từ cha mẹ bạn, lối sống của bạn, hoặc cả hai, nhưng hãy chấp nhận chứng lo âu của bạn thay vì kháng cự lại nó.
Đó không phải là vấn đề lăn qua rồi bỏ cuộc. Hãy hiểu rằng bạn phải nỗ lực mỗi ngày để mang lại sự yên tĩnh trong môi trường sống của mình.
Hãy nhớ rằng luôn có những chọn lựa trong cuộc sống, và những định mệnh xấu tồn tại hơn là nhạy cảm với lo âu. Tóm lại, khi giờ phút quan trọng đến, sau một ngày bị áp lực, những người hay lo lắng cũng đã hoàn tất mọi việc. (Trở về đầu trang)
CÁCH ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG NGƯỜI LỢI DỤNG
Trong bài trước nói về những mối quan hệ tình bạn không trong sáng, tôi đã mô tả một cách ngắn gọn lý thuyết “trao đổi xã hội” trong sự phát triển tình bạn: tình bạn và những mối quan hệ khác liên quan đến những phiên bản riêng của họ về những hệ thống kinh tế, trong đó chúng ta thực hiện các đầu tư trong các hệ thống này sử dụng “sự nhạy bén trong mối quan hệ” tương tự như “sự nhạy bén về tài chính”.
Điều này nghe có vẻ lạnh lùng, nhưng sự thật là một số ít người trong chúng ta sẵn sàng đầu tư thời gian và năng lượng vào các hoạt động hoặc các mối quan hệ mà không hứa hẹn sự đáp trả. Trong lĩnh vực kinh doanh, chúng ta đã nghe nói về tỷ suất lợi nhuận đầu tư (Return on Investment – ROI). Khi lợi nhuận được mong đợi vượt quá chi phí dự án – về tiền mặt, quảng cáo, uy tín, ngoại giao, vốn vay nợ hay một loạt các loại tiền tệ khác – thì có nhiều khả năng chúng ta sẽ thực hiện việc đầu tư này.
Tình bạn cũng liên quan đến sự phân tích tỷ suất lợi nhuận đầu tư, ngay cả khi chúng ta không ý thức đến việc thao túng bất kỳ con số hay thước đo nào đối với những kỳ vọng nhận được kết quả. Tình bạn thường được thiết lập trên cơ sở chia sẻ những lợi ích, sự gần gũi, hoặc tương đồng giữa những người quen biết. Chúng ta từ từ trải lòng ra với mối quan hệ đang dần lớn lên với người mà chúng ta cảm thấy có sự lôi cuốn.
Cái Giá Khi Làm Bạn Với Những Người Lợi Dụng
Các mối quan hệ càng trở nên sâu đậm hơn khi chúng ta càng thổ lộ tâm tư một cách sâu sắc hơn. Chúng ta đo lường mức độ thổ lộ dựa trên mức độ cảm nhận sự chia sẻ của người quen chúng ta. Tuy nhiên, có “những người bạn” khuyến khích chúng ta “kể chi tiết về đời tư”. Hoặc, đòi hỏi “những mô tả tường tận” về những cuộc tranh cãi với người yêu, những lầm lỗi trong việc nuôi dạy con cái mà chúng ta có thể phạm phải, hay chi tiết về những sự tiếp xúc với những người bạn khác. Hoặc, những người bạn có những yêu cầu vượt quá giới hạn về mức độ trợ giúp về phương tiện hoặc cảm xúc mà họ sẽ cung cấp cho chúng ta. Đối với nhiều người trong chúng ta, cho đi là cách thỏa mãn để mang lại niềm vui, nhưng bị lợi dụng trong trường hợp đó chỉ mang đến sự thất vọng hay oán hận trong lòng.
Những người lợi dụng là chuyên gia trong việc thuyết phục chúng ta cho đi nhiều hơn những gì mà chúng ta nhận lại từ họ. Có lẽ lúc đầu chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng khi có được một người bạn biết khuyến khích chúng ta mở lòng ra để chia sẻ những suy nghĩ, hay tiết lộ những yếu điểm. Những người chịu lắng nghe khi chúng ta xuống dốc thì thật là đáng quý; những ai lợi dụng những gì họ biết về chúng ta trong những giây phút yếu đuối… thật không đáng quý chút nào.
Những người bạn lợi dụng này hiểu được nhu cầu của họ và biết cách để đáp ứng nhu cầu với ít công sức, nhưng người khác phải chịu thiệt thòi nặng nề. Những người lợi dụng chuyên nghiệp biết nhiều cách để kêu gọi sự trợ giúp từ bạn khiến cho bạn cảm thấy bối rối, hoang mang, hoặc giận dữ. Họ có thể đưa ra những tiên báo khủng khiếp về những gì sắp xảy đến nếu bạn không cho họ đi nhờ xe, giúp họ một bữa ăn, hoặc bất cứ những gì bạn có, hoặc họ có thể làm cho bạn cảm thấy bạn là người đặc biệt bằng cách đùa giỡn với trái tim mềm yếu của bạn. Những kẻ lợi dụng thành công là bậc thầy trong việc thấu hiểu nội tâm con người và có thể tạo nên một động lực, trong đó việc đáp ứng nhu cầu của họ làm cho bạn cảm thấy hài lòng… ngay cả khi bạn không còn tiền và phải ăn tối với tô mì ăn liền Ramen vì bạn vừa mới cho người bạn lợi dụng chuyên nghiệp này những đồng tiền cuối cùng của bạn.
Làm sao bạn biết được khi nào có vấn đề?
Tất cả chúng ta phải thừa nhận là có vấn đề trước khi chúng ta có thể bắt đầu tìm kiếm hướng giải quyết. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang bị lợi dụng:
- Khi bạn cảm thấy thiếu cân bằng về mức độ “thổ lộ tâm tư” giữa bạn và một người bạn khác.
- Khi bạn cảm thấy bạn luôn “bị gọi” để giúp đỡ cho một người bạn, nhưng họ lại biến mất lúc bạn cần đến.
- Khi bạn ý thức được rằng nhu cầu của cô ta luôn được ưu tiên hơn nhu cầu của bạn
- Khi những người bạn khác bắt đầu chú ý quan sát về tính công bằng trong mối quan hệ của bạn với người bạn này.
Thật không may, chấm dứt hay thoát khỏi một mối quan hệ mang tính lợi dụng – cho dù đó là tình bạn hay tình yêu – thì có lẽ dễ dàng hơn là điều chỉnh lại nó. Những người lợi dụng dành nhiều thời gian để tạo ra một thế giới trong đó nhu cầu của họ được những người khác đáp ứng bằng cách tiếp tục điều khiển những người này. Cố gắng để thay đổi hệ thống điều hành được thiết lập theo kiểu như vậy thực sự là điều khó thực hiện.
Phá Vỡ Quỹ Đạo Này: Nói “Không” và Chứng Minh Bằng Hành Động
Như những nhà tư vấn thường nói với các khách hàng của họ, người duy nhất có thể thay đổi là chính bạn. Cách tốt nhất để ứng phó với những người lợi dụng là trở nên bớt nhạy cảm với họ. Chúng ta chỉ dễ dàng bị lợi dụng khi chúng ta chọn lựa như vậy – những người lợi dụng khiến chúng ta cảm thấy hài lòng khi chúng ta đáp ứng được những nhu cầu của họ, nhưng chúng ta có thể học cách để nhận ra rằng có nhiều cách tốt hơn để xây dựng lòng tự trọng hơn là nhượng bộ những người lợi dụng.
Hãy nhớ:
- Thỉnh thoảng nói lời từ chối nếu điều đó cần thiết cho hạnh phúc của bạn. Hãy tập nói câu, “Không, tôi không có thời gian để giúp bạn điều đó”, ngay cả khi bạn đứng trước gương nếu câu nói này giúp được bạn.
- Tạo ra những giới hạn mà bạn có thể tuân theo. Hãy nghĩ đến những gì người bạn này có thể làm cho bạn nếu được yêu cầu. Sử dụng câu trả lời như một cẩm nang hướng dẫn bạn trong mối quan hệ với cô ta.
- Hãy xác định rằng tình bạn bao gồm cả cho và nhận, và có một giới hạn mà thậm chí những người bạn tốt nhất cũng không bao giờ đòi hỏi ở nhau.
Tình bạn hiếm khi công bằng một cách hoàn hảo về những gì được cho và được nhận ở bất kỳ khoảnh khắc nào. Tuy nhiên, theo thời gian, một mối quan hệ lành mạnh tạo cho các thành viên có một cảm giác gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau. Đã là bạn bè thì không để cho bạn phải gánh hết mọi việc! (Trở về đầu trang)
8 CÁCH NHÌN MỚI VỀ TRÍ THÔNG MINH
Khoa học nghiên cứu khả năng học hỏi (science of learning) là một học thuyết tương đối mới, được sinh ra từ sự kết hợp giữa các lĩnh vực: khoa học nhận thức, tâm lý học, triết học, và khoa học thần kinh. Cũng như với các phạm trù mang phong thái riêng và không thể tiên đoán, vẫn còn có rất nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là ngành dạy học. Nhưng khoa học nghiên cứu khả năng học hỏi có thể mang đến một vài cách nhìn mới gây kinh ngạc:
1. Các tình huống có thể khiến chúng ta trở nên thông minh hơn.
Nhưng chúng cũng có thể ức chế sự thông minh của chúng ta.
Hoàn cảnh có thể đến từ bên trong hoặc đến từ bên ngoài. Chúng có thể ngắn ngủi và tạm thời, hoặc liên tục và kéo dài. Chúng có thể biến đổi đa dạng như những tình huống nhờ đó chúng ta học hỏi, những tình huống tỏ ra phổ biến trong lớp học hoặc nơi làm việc, hay những tình huống do một nhóm đồng nghiệp (bạn cùng lớp) tạo ra. Chúng có thể là những trạng thái thể chất mà những người học hỏi trải nghiệm thông qua những áp lực phải chịu đựng, thời gian ngủ, thời gian tập thể dục, và những trạng thái tinh thần mà những người học hỏi tự tạo ra thông qua mức độ chuyên môn và tập trung, và động cơ mà họ có thể đạt được.
Trí thông minh phát sinh từ hoàn cảnh, nói cách khác, là một loại trí thông minh duy nhất mà chúng ta có được – bởi vì chúng ta luôn nảy ra những ý tưởng khi gặp phải một tình huống nào đó.
Ở một khía cạnh thì đây là điều hiển nhiên, nhưng ở khía cạnh khác thì đó lại là điều tương đối cực đoan. Từ những giai đoạn ban đầu, nghiên cứu về trí thông minh nhấn mạnh vào những đặc tính cố định vốn có của nó, được xác định chủ yếu bởi đặc điểm bẩm sinh của một cá nhân. Đây là quan điểm của Lewis Terman, tác giả của phương pháp kiểm tra trí thông minh hiện đại, ông đã sử dụng khái niệm về trí thông minh cố định để xác định và trau dồi cho các trẻ em được xem là “tài năng”. Vì vậy, để khẳng định rằng trí thông minh là một sản phẩm của những tình huống mà chúng ta tìm thấy chính mình trong một cuộc hành trình, và nó không chỉ là cách thức khoa học định tính khả năng của con người theo cách truyền thống, nhưng từ cách thức mà nhiều người trong chúng ta nghĩ về khả năng ở thời đại ngày nay.
2. Niềm tin có thể làm cho chúng ta thông minh hơn.
Đây là một nhánh của quan điểm thứ 1 ở trên. Nhà tâm lý học Carol Dweck của trường Đại Học Stanford phân biệt hai loại tư duy: tư duy cố định, hay niềm tin cho rằng khả năng con người là cố định và không thay đổi, và tư duy phát triển, hoặc niềm tin cho rằng những khả năng của con người có thể được phát triển thông qua học hỏi và thực hành.
Những niềm tin này quan trọng vì chúng ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ về những khả năng riêng của chính mình, cách chúng ta nhận thức về thế giới xung quanh, và cách chúng ta hành xử khi đối mặt với thách thức. Nhà tâm lý học David Yeager, cũng thuộc trường Đại Học Stanford, ghi nhận rằng tư duy của chúng ta tạo ra “thế giới tâm lý” ở nơi chúng ta đang sống một cách hiệu quả. Niềm tin của chúng ta, cho dù chúng xoay quanh những giới hạn hay xung quanh sự phát triển, bao gồm một trong những tình huống bên trong này mà có thể ức chế hay kích thích trí thông minh.
3. Khả năng chuyên môn có thể làm cho chúng ta thông minh hơn.
Một hướng nghiên cứu mạnh bên trong ngành khoa học nghiên cứu khả năng học hỏi quan tâm đến tâm lý học của khả năng chuyên môn: điều gì diễn ra trong đầu của một chuyên gia. Điều mà các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng các chuyên gia không những biết nhiều hơn mà họ còn hiểu biết một cách khác biệt, theo những cách thức cho phép họ suy nghĩ và hành động đặc biệt thông minh trong phạm vi chuyên môn của họ.
Kiến thức của một nhà chuyên môn thì luôn sâu sắc, không nông cạn hay thiển cận, hiệu quả, bao quanh cốt lõi của các nguyên tắc trung tâm, nó mang tính tự động, nghĩa là được đưa vào hệ thống thần kinh và hoạt động mà ít cần đến sự vận dụng ý thức, nó linh hoạt và có thể chuyển sang những tình huống mới; nó có tính tự ý thức, có ý nghĩa là một nhà chuyên môn có thể đánh giá đúng về tư duy của riêng họ. Dĩ nhiên, khả năng chuyên môn cần một thời gian dài để phát triển, nhưng không bao giờ là quá sớm hay quá trễ để đi sâu vào đề tài có thể gây hứng thú cho chúng ta.
4. Sự tập trung có thể khiến chúng ta thông minh hơn.
Bạn có thể đã nghe nói về “thử nghiệm kẹo dẻo - marshmallow test”, một thí nghiệm nổi tiếng của nhà tâm lý học Walter Mischel được thực hiện vào những năm cuối thập niên 1960. Tiến sĩ Mischel đã tìm thấy rằng những trẻ em có thể chống lại cám dỗ ăn một viên kẹo dẻo để đổi lại sự hứa hẹn sẽ nhận được 2 viên kẹo dẻo sau đó có khuynh hướng học tập tốt hơn ở trường và thành công hơn trong nghề nghiệp.
Và có một thử nghiệm kẹo dẻo mới mà chúng ta bây giờ phải đối diện mỗi ngày: đó là khả năng kiềm chế sự thôi thúc kiểm tra email hoặc trả lời tin nhắn, sự thôi thúc muốn xem những gì đang xảy ra trên facebook hoặc Twitter. Tất cả chúng ta đều đã được nghe rằng “những người sinh ra trong thời kỳ kỹ thuật số - digital natives” trưởng thành với khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc và vì thế trở nên xuất sắc về khả năng đó nhưng vấn đề ở chỗ là có những bế tắc trong việc xử lý thông tin trong não của tất cả chúng ta – ngăn cản chúng ta tập trung sự chú ý vào hai vấn đề cùng lúc. Trạng thái tập trung chú ý là một tình huống bên trong rất quan trọng mà chúng ta phải trau dồi để biểu lộ sự thông minh một cách trọn vẹn.
5. Cảm xúc có thể làm cho chúng ta thông minh hơn.
Thỉnh thoảng chúng ta thốt lên những cảm xúc trong lúc chúng ta nói về thành công trong học vấn, nhưng trạng thái cảm xúc của chúng ta đại diện cho một tình huống quan trọng bên trong mà nó ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và hành động một cách thông minh.
Ví dụ, khi chúng ta ở trạng thái phấn khích, thì chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ một cách cởi mở và sáng tạo hơn. Khi chúng ta cảm thấy lo lắng – ví dụ như khi chúng ta chuẩn bị cho một bài thi toán đáng sợ – thì tình trạng lo lắng đó sẽ sử dụng một phần bộ nhớ đang hoạt động mà chúng ta cần đến để xử lý vấn đề, chừa lại cho một phần nhỏ trí thông minh để chúng ta làm bài thi.
Nhưng cảm xúc không làm việc một cách đơn độc. Các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng cảm giác hy vọng làm cho chúng ta cố gắng nhiều hơn và kiên trì lâu hơn – nhưng chỉ khi nó được kết hợp với những kế hoạch thực tiễn để đạt được các mục tiêu của chúng ta – và đây là phần lý thú – những hành động cụ thể mà chúng ta sẽ thực hiện vào thời điểm và nếu như mà những kế hoạch ban đầu của chúng ta không thành công như mong đợi.
6. Khoa học kỹ thuật có thể giúp chúng ta thông minh hơn.
Có một hướng nghiên cứu lý thú trong môn triết học và khoa học nhận thức về khái niệm mở rộng trí tuệ (extended mind). Đây là quan điểm cho rằng trí tuệ không dừng lại ở hộp sọ – cho rằng nó vươn ra và kết nối cơ thể chúng ta, các công cụ của chúng ta, thậm chí cả những người khác, để sử dụng trong suy nghĩ của chúng ta.
Các nghiên cứu chụp lướt não đã tìm thấy rằng khi chúng ta sử dụng một dụng cụ, ví dụ như cái cào cỏ (rake) mà chúng ta dùng để chạm đến một vật nằm ngoài tầm tay của chúng ta, thì não bộ của chúng ta thực sự chỉ định các tế bào thần kinh hình dung đầu cái cào như các ngón tay của chúng ta. Trí tuệ con người đã tiến hóa để làm cho các công cụ – bao gồm cả những thiết bị kỹ thuật – mở rộng phạm vi hoạt động của chính nó.
Vấn đề ở chỗ là những thiết bị này thường làm cho chúng ta trở nên ngu ngốc hơn thay vì thông minh hơn. Tôi đã gián tiếp nhắc đến cách thức mà khoa học kỹ thuật có thể phân tán sự chú ý chúng ta, tạo ra kỹ năng học hỏi không đồng nhất, nông cạn hơn, và ít linh động hơn so với kỹ năng học hỏi dưới các điều kiện tập trung sự chú ý một cách trọn vẹn. Khoa học kỹ thuật cũng có thể làm cho chúng ta trở nên kém thông minh hơn khi chúng ta cho phép những kỹ năng quan trọng giảm đi hiệu năng khi không được sử dụng, hoặc không phát triển các kỹ năng này vào lúc bắt đầu.
7. Cơ thể của chúng ta có thể làm chúng ta thông minh hơn.
Kể từ cuộc cách mạng khoa học nhận thức vào thập niên 1970, thì biểu tượng nổi bật cho bộ não chính là máy vi tính (máy điện toán): một cỗ máy xử lý những ký hiệu trừu tượng. Nhưng khoa học nghiên cứu khả năng học hỏi đang chứng minh rằng nó có thể chính xác hơn khi so sánh bộ não với trái tim. Tất cả những yếu tố làm cho trái tim hoạt động tốt hơn – dinh dưỡng tốt, ngủ đủ, tập thể dục thường xuyên, ít bị căng thẳng – cũng làm cho bộ não làm việc tốt hơn.
Lấy ví dụ yếu tố ngủ, hãy ngủ đủ giấc, vì đa số chúng ta đều bị thiếu ngủ. Chúng ta thường không nhận ra rằng giấc ngủ thực sự là một phần quan trọng của quá trình học hỏi. Trong giấc ngủ, não ôn lại những ký ức được hình thành trong thời gian tỉnh thức – có nghĩa là nó phân loại những ký ức đó, đánh thức những ký ức ít quan trọng, thúc đẩy những ký ức quan trọng, và kết nối những ký ức mới này với những cấu trúc ký ức có sẵn trong não.
8. Các mối quan hệ có thể khiến chúng ta thông minh hơn.
Như đã đề cập ở trên rằng trí tuệ con người tỏ ra rất thông thạo trong việc điều khiển cơ thể, các công cụ, và thậm chí cả những người khác để sử dụng như những công cụ cho sự suy nghĩ của chính mình. Nếu bạn từng có bạn đời hay ai đó quan trọng trong cuộc đời, thì bạn sẽ có kinh nghiệm này: cũng giống như, một người trong số bạn “có nhiệm vụ” nhớ khi nào xe cần phải được kiểm tra, trong khi đó, người khác có nhiệm vụ ghi nhớ ngày sinh nhật của những người thân trong gia đình. Khái niệm này được gọi là trí nhớ thỏa thuận (transactive memory), và nó chỉ là một trong những cách mà các mối quan hệ với người khác có thể làm cho chúng ta thông minh hơn so với khi chúng ta sống đơn độc. (Trở về đầu trang)
CÁCH ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÓ CHỊU
“Để chinh phục kẻ thù mà không cần đến vũ lực là kỹ năng điêu luyện nhất”.
─ Gichin Funakoshi, cha đẻ của môn võ Không Thủ Đạo (Karate) hiện đại
─ Gichin Funakoshi, cha đẻ của môn võ Không Thủ Đạo (Karate) hiện đại
“Người Trung Hoa gọi nó là Chi; người Nhật Bản gọi là Ki; người Ấn Độ gọi là Prana – nó là năng lực của cuộc sống, và nó vô cùng mạnh mẽ ... người ta không thể giải thích nó một cách đầy đủ, ngoại trừ đối với những người đã từng có kinh nghiệm về nó, nhưng nó là một trong số rất ít các kỳ tích có thể thực hiện bằng ý chí”.
─ Kareem Abdul-Jabbar, mô tả cách vận dụng sức mạnh nội tâm
─ Kareem Abdul-Jabbar, mô tả cách vận dụng sức mạnh nội tâm
“Tao”, khái niệm của người Trung Hoa cổ đại về “con đường”, có thể được hiểu là sự điều khiển và xuôi theo năng lực cuộc sống (“Chi”) của bản thân để bạn cảm nghiệm được sự điềm tĩnh và bình thản trong nội tâm, cùng lúc phát ra bên ngoài một sức mạnh uyển chuyển nhưng hiệu quả.
Dưới đây là năm phương pháp mà bạn có thể áp dụng triết lý Lão giáo để đối mặt với những người khó chịu. Hãy nhớ rằng đây là những quy tắc chung, và không phải tất cả những lời khuyên đều có thể áp dụng cho từng tình huống cụ thể của bạn. Chỉ sử dụng phương pháp mang lại hiệu quả và bỏ qua những phương pháp còn lại.
1. Đổ cạn ly – Hãy trút bỏ những cảm xúc tiêu cực và giữ bình tĩnh
“Giữ trạng thái vô ngã (emptiness) từ lúc khởi đầu… hãy trút bỏ những định kiến và nhận định cố hữu đồng thời giữ thái độ trung lập. Bạn có biết tại sao chiếc cốc này lại hữu dụng không? Bởi vì nó không chứa gì cả”.
─ Lý Tiểu Long, triết gia và người sáng lập võ phái Triệt Quyền Đạo (Jeet Kune Do).
Thật dễ dàng để một người khó ưa làm cho bạn buồn và phá hỏng một ngày của bạn. Bạn có thể cảm thấy giận dữ,đau khổ và bị mất thăng bằng trong nội tâm. Quy tắc đầu tiên để đối mặt với một người vô lý như vậy là bạn hãy nên giữ bình tĩnh. Bạn càng ít phản ứng, thì bạn càng biết sử dụng những quyết định khôn ngoan hơn nhằm ứng phó với thách đố đó.
Khi bạn giận dữ hay cảm thấy bực bội ai đó, thì trước khi nói điều gì đó mà có thể sau này bạn sẽ hối tiếc, hãy hít thật sâu và đếm đến mười. Trong đa số tình huống, vào thời điểm bạn đếm 10, bạn sẽ tìm ra được cách tốt hơn để giải quyết vấn đề, nhờ đó bạn có thể giảm nhẹ được vấn đề thay vì làm cho nó nghiêm trọng hơn. Nếu bạn vẫn còn bực bội sau khi đếm đến 10, nếu có thể, tạm thời đừng nghĩ về vấn đề đó, rồi quay trở lại sau khi bạn lấy lại được bình tĩnh. Bằng cách duy trì khả năng tự kiềm chế, bạn có được nhiều nghị lực hơn để giải quyết tình huống đó.
“Hít thở.. tương ứng với nghĩa vụ đối với cuộc sống của mỗi người”.
─ Luce Irigaray, triết gia.
2. Nhìn cả hai mặt Của vấn đề – Chuyển từ trạng thái bị kích động sang chủ động.
“Đừng định kiến với bất kỳ vấn đề gì. Đừng bị giam cầm bởi bất kỳ điều gì, Đạt đến sự tự do thật sự.”
─ Jeet Kune
Bạn có thể cảm thấy bị đối xử không công bằng hoặc là nạn nhân bởi những hành động của một cá nhân khó chịu nào đó. Mặc dù những tình cảm đó có thể lý giải và thông cảm được, nhưng chỉ tập trung vào “những gì mà đối tượng đó đang gây tổn thương đến tôi” thì bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội có được một góc nhìn bao quát, đầy nghị lực hơn. Bằng cách nhìn vào tình huống ở một góc độ rộng hơn, thì bạn có thể bắt đầu khôi phục lại sự quân bình trong nội tâm, và giải quyết vấn đề ở thế chủ động thay vì ở thế phản ứng.
Ví dụ, khi bạn cảm thấy bị xúc phạm bởi lời nói hay hành động của một ai đó, thì hãy tìm ra nhiều phương cách xem xét tình huống trước khi có phản ứng. Chẳng hạn như, tôi có thể nghĩ rằng bạn tôi sẽ phớt lờ cuộc gọi của tôi, và tôi có thể nghĩ đến khả năng là anh ta đang rất bận rộn. Khi chúng ta tránh xét đoán cá nhân hành vi của người khác, thì chúng ta có thể cảm nhận được cách thể hiện của họ một cách khách quan hơn. Con người thường làm việc gì đó vì bản thân họ hơn là vì người khác. Mở rộng tầm nhìn vào các tình huống có thể giúp giảm thiểu khả năng hiểu lầm.
Một cách khác để giảm bớt sự xét đoán mang tính cá nhân là cố gắng đặt chúng ta vào hoàn cảnh của người khó chịu, thậm chí chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Ví dụ, hãy nghĩ đến người mà bạn đang đối mặt, và hoàn tất câu nói: “Thật không dễ…”
“Con tôi thường hay kháng cự. Thật không dễ để cháu ứng phó với những áp lực ở trường và xã hội của cháu …”
“Quản lý của tôi yêu cầu rất khắt khe. Thật khó để đặt nhiều kỳ vọng vào trình độ quản lý của bà ấy…”
“Đối tác của tôi thật khó gần gũi. Thật không dễ dàng cho một người xuất thân từ một gia đình mà không ai biểu lộ cảm xúc..”
Để đảm bảo, những lời nói đồng cảm không thể bào chữa cho những hành vi không chấp nhận được. Điểm quan trọng ở đây là nhằm lấy lại được sự thanh thản trong nội tâm, bạn phải tự nhắc nhở mình rằng họ làm việc gì cũng vì bản thân họ. Miễn sao chúng ta có lý lẽ và biết quan tâm đến cảm nhận của người khác, thì những hành vi khó ưa của người khác sẽ tự tố cáo họ thay vì chúng ta. Bằng cách giảm bớt sự xét đoán mang tính cá nhân, chúng ta có thể ít bị kích động hơn mà tập trung toàn bộ năng lượng vào cách giải quyết vấn đề.
3. Duy trì trạng thái quân bình – Mềm mỏng với đối tượng và kiên quyết với vấn đề.
“Mềm mỏng nhưng không bị khuất phục. Kiên quyết nhưng không cứng nhắc.
─ Lý Tiểu Long
Trong mỗi tình huống giao tiếp, có 2 yếu tố hiện diện: mối quan hệ với người đối diện và vấn đề đang thảo luận. Một người giao tiếp hiệu quả biết cách phân biệt giữa con người và vấn đề cần giao tiếp, mềm mỏng với người đối diện và kiên quyết với vấn đề. Ví dụ:
“Tôi muốn bàn luận về những điều bạn đang suy nghĩ, nhưng tôi không thể tiếp tục nếu bạn cứ la lớn. Chúng ta hãy ngồi xuống và nói chuyện một cách bình tĩnh, hoặc tạm thời ngưng bàn luận rồi quay trở lại vấn đề này vào trưa nay.”
“Tôi rất cảm kích vì anh đã dành nhiều thời gian cho dự án này. Đồng thời, tôi thấy rằng còn 3 yêu cầu vẫn chưa được hoàn tất. Chúng ta hãy thảo luận cách hoàn thành kế hoạch đúng thời hạn nhé”.
“Tôi thật sự muốn bạn cùng đi với tôi. Thật không may, nếu bạn lại đến trễ như lần trước, thì tôi đành phải đi một mình vậy”.
Khi bạn tỏ ra mềm mỏng với người đối diện, bạn có nhiều cơ hội để thổ lộ hết những gì cần nói. Khi bạn kiên quyết với vấn đề, bạn chứng tỏ mình là người có nhiều khả năng giải quyết vấn đề.
4. Mềm mại uyển chuyển như nước – Vận dụng tính khôi hài
“Trên thế gian này, không có gì
mềm mại và uyển chuyển như nước.
Nhưng cũng không có gì sánh bằng nước
vì nước có thể làm lở cả đất đá”.
─ Lão tử
Tính hài hước là một công cụ giao tiếp rất hiệu quả. Trước đây nhiều năm, tôi biết có một đồng nghiệp rất khó chịu. Ngày nọ, một trong số các đồng nghiệp của tôi nói với người khó chịu đó “Xin chào, bạn khỏe chứ?” Và khi người đồng nghiệp khó chịu đó phớt lờ lời chào, thì chẳng những cô ấy không giận, mà thay vào đó cô ấy còn mỉm cười một cách tự nhiên và nói lời mang tính hài hước: “Đuối hả?” Nhờ đó đã phá vỡ được hàng rào ngăn cách và hai người họ đã bắt đầu câu chuyện một cách thân thiện. Thật thông minh.
Khi được sử dụng một cách hợp lý, tính hài hước có thể làm cho sự thật thêm sáng tỏ, giải trừ những hành vi khó ưa, và chứng tỏ bạn có được sự điềm tĩnh tuyệt vời.
5. Sử dụng sức mạnh như cành tre – Vận dụng khả năng lập luận
“Có những lúc dường như cần phải can thiệp một cách mạnh mẽ…Người lãnh đạo khôn ngoan sử dụng phương cách này khi mọi giải pháp đều trở nên thất bại.”
─ Lão Tử
“Uốn cong nhẹ nhàng rồi bạn lại bật dậy mạnh mẽ hơn trước”.
─ Lý Tiểu Long
Khả năng xác định và quả quyết những lập luận là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà chúng ta có thể sử dụng để “chinh phục” một người khó chịu. Lập luận rõ ràng, ăn khớp, và hiệu quả sẽ làm cho nhân vật khó chịu phải ngập ngừng và bắt buộc đối tượng này chuyển từ thái độ bất hợp tác sang hợp tác.
Tóm lại, để biết cách ứng phó với những nhân vật khó chịu và vô lý thì phải biết thực hành nghệ thuật tạo ảnh hưởng tích cực. Khi bạn vận dụng những kỹ năng này, bạn có thể cảm thấy ít khổ sở hơn, tự tin hơn, có được các mối quan hệ tốt hơn, và năng lực giao tiếp hữu hiệu hơn. Giờ đây, bạn có thể chủ động trong các mối quan hệ . (Trở về đầu trang)
Nguồn(Sources):
1 comments:
hay quá :)
Post a Comment