KIẾN THỨC TỔNG QUÁT
Vitamin C (axit ascorbic) là một vitamin hòa tan trong nước, rất cần thiết cho cơ thể để giúp hình thành collagen trong xương, sụn, cơ, và các mạch máu, cũng như hỗ trợ cơ thể trong việc hấp thụ chất sắt. Các nguồn vitamin C trong thực phẩm bao gồm trái cây (hoa quả) và rau quả, đặc biệt là các loại trái cây (hoa quả) thuộc họ cam quít, chẳng hạn như cam.
Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vitamin C sẽ gây ra bệnh scurvy (bệnh sco-bút). Mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng bệnh scurvy sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng và có thể gây tử vong. Những người bị bệnh scurvy thường được điều trị bằng vitamin C và phải được các chuyên gia y tế giám sát chặt chẽ.
A deficiency of vitamin C may lead to a condition called scurvy, characterized by weakness, anemia, bruising, bleeding gums and loose teeth: Tình trạng thiếu hụt vitamin C có thể gây ra bệnh scurvy, có đặc điểm là mệt mỏi, thiếu máu, có vết thâm tím, chảy máu nướu răng và rụng răng.
Có nhiều công dụng của vitamin C đã được đề xuất, nhưng chỉ có một vài tác dụng được các nghiên cứu khoa học chứng minh có lợi. Đặc biệt là, nghiên cứu về bệnh suyễn, ung thư, và bệnh tiểu đường vẫn chưa có kết luận rõ ràng, và không tìm thấy các lợi ích trong việc ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể (cataracts: cườm) hoặc bệnh tim.
Việc sử dụng vitamin C để ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh cảm lạnh thông thường và nhiễm trùng đường hô hấp vẫn còn đang được tranh cãi, với các nghiên cứu đang được thực hiện. Đối với tác dụng ngăn ngừa cảm lạnh, đã có trên 30 thử nghiệm lâm sàn với trên 10 000 người tham gia kiểm tra các hiệu quả khi sử dụng vitamin C mỗi ngày. Nhìn chung, vẫn chưa thấy có sự hạ giảm đáng kể nguy cơ phát triển các chứng bệnh cảm lạnh. Đối với những người bị cảm lạnh trong lúc đang sử dụng vitamin C, nhìn chung vẫn chưa thấy có sự khác biệt gì về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, mặc dù đã có báo cáo (khoảng 10% ở người trưởng thành và 15% ở trẻ em) cho thấy một số ít các trường hợp được hạ giảm đáng kể về thời gian bị cảm lạnh. Điều đáng chú ý là, một số nghiên cứu về những người sống ở các điều kiện khắc nghiệt, bao gồm những người lính được luyện tập ở những khu vực gần Nam Cực, những người trượt tuyết, những người chạy maratông (marathon), đã phát hiện một sự hạ giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh cảm lạnh, vào khoảng 50%. Lĩnh vực này rất có giá trị để nghiên cứu thêm và có thể được các vận động viên ưu tú hoặc các nhân viên quân sự đặc biệt chú ý đến. Đối với tác dụng điều trị bệnh cảm lạnh, đã có một số lớn các nghiên cứu kiểm tra các hiệu quả của vitamin C được sử dụng sau khi các triệu chứng cảm lạnh xuất hiện. Cho đến nay, người ta vẫn chưa thấy vitamin C mang lại các lợi ích quan trọng.
CÁC TÊN GỌI KHÁC
Acide ascorbique (French), acide cévitamique (French), acide iso-ascorbique (French), acide L-ascorbique (French), ácido ascórbico (Spanish), antiscorbutic vitamin, ascorbate, ascorbate de calcium, ascorbate de sodium, ascorbic acid (AA), ascorbyl palmitate, calcium ascorbate, cevitamic acid, iso-ascorbic acid, L-ascorbic acid, magnesium ascorbate, palmitate d'ascorbyl (French), selenium ascorbate, sodium ascorbate, vitamina C (Spanish), vitamine antiscorbutique (French), vitamine C (French).
CHỨNG CỨ
Các tác dụng này đã được thử nghiệm ở người hoặc động vật. Sự an toàn và tính hiệu quả không phải lúc nào cũng được xác thực. Một số các chứng bệnh dưới đây có thể mang tính nghiêm trọng, và phải được một chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề kiểm tra chẩn đoán.
Thiếu Hụt Vitamin C (bệnh scurvy) (đã có chứng cứ khoa học có tính thuyết phục hỗ trợ cho tác dụng này)
Bệnh scurvy là do tình trạng thiếu hụt vitamin C trong chế độ ăn uống gây ra. Mặc dù bệnh scurvy không phổ biến, nhưng nó có thể xảy ra ở các cá nhân bị thiếu dinh dưỡng, những người cần tăng liều lượng vitamin C (chẳng hạn như các phụ nữ mang thai hoặc cho con bú sữa mẹ), hoặc các trẻ sơ sinh với nguồn dinh dưỡng duy nhất là sữa mẹ. Vitamin C được cho uống bằng miệng hoặc được tiêm (truyền qua tĩnh mạch) sẽ có hiệu quả trong việc chữa trị bệnh scurvy. Nếu không có sẵn vitamin C, thì có thể cho các trẻ sơ sinh bị bệnh scurvy uống nước cam. Các triệu chứng sẽ bắt đầu được cải thiện trong vòng 24 - 48 giờ, và chứng bệnh này được thuyên giảm trong vòng 7 ngày. Việc điều trị phải được các chuyên gia chăm sóc y tế giám sát chặt chẽ.
Ngăn Ngừa Bệnh Cảm Lạnh Thông Thường (trong các môi trường khắc nghiệt) (đã có chứng cứ khoa học khá rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Các nghiên cứu khoa học thường cho thấy rằng vitamin C không có tác dụng ngăn ngừa được các triệu chứng cảm lạnh xảy ra. Tuy nhiên, trong một nhóm nhỏ các nghiên cứu về những người sống trong những vùng khí hậu khắc nghiệt hoặc trong các điều kiện hết sức đặc biệt, bao gồm những người lính được luyện tập ở những khu vực gần Nam Cực, những người trượt tuyết, và những người chạy maratông, vitamin C đã giúp hạ giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh cảm lạnh, vào khoảng 50%. Lĩnh vực này có giá trị để được nghiên cứu thêm và có thể được các vận động viên ưu tú hoặc các nhân viên quân sự đặc biệt quan tâm.
Tăng Khả Năng Hấp Thụ Chất Sắt (đã có chứng cứ khoa học khá rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Theo nghiên cứu khoa học, vitamin C có thể giúp cải thiện khả năng hấp thụ chất sắt bằng miệng. Bổ sung vitamin C có thể giúp hấp thụ chất sắt trong các thực phẩm chức năng chứa chất sắt.
Nhiễm Trùng Đường Tiết Niệu (trong thời gian mang thai) (đã có chứng cứ khoa học khá rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Vitamin C có thể giúp hạ giảm nguy cơ phát triển tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu trong thời gian mang thai. Cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng thực tác dụng này.
Chứng Thoái Hóa Điểm Vàng Mắt Ở Người Cao Tuổi (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Chưa có đủ chứng cứ cho thấy các lợi ích của vitamin C khi sử dụng riêng lẻ để điều trị chứng thoái hóa điểm vàng mắt ở người cao tuổi (age-related macular degeneration). Cần thêm các nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Bệnh Alzheimer (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Có rất ít nghiên cứu về các tác dụng của vitamin C (được sử dụng riêng lẻ) đối với sự tiến triển của bệnh Alzheimer. Cần có thêm nhiều nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận rõ ràng.
Chứng Thiếu Máu (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Vitamin C có thể gia tăng khả năng hấp thụ chất sắt trong thực phẩm, nhưng cần thêm nhiều nghiên cứu trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.
Viêm Khớp (Bệnh Thoái Hóa Khớp và Viêm Khớp Dạng Thấp hoặc Bệnh Phong Thấp) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Tiêu thụ vitamin C có thể giúp giảm bớt nguy cơ bị thoái hóa sụn và bệnh tiến triển ở những người bị bệnh thoái hóa khớp. Tuy nhiên, cần thêm nhiều thử nghiệm lâm sàn được thiết kế chặt chẽ để xác định các lợi ích của vitamin C đối với bệnh thoái hóa khớp (osteoarthritis) hoặc viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis: bệnh phong thấp).
Bệnh Suyễn (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Hàm lượng thấp vitamin C (hoặc các chất chống oxi hóa khác) trong cơ thể được xem là có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh suyễn. Việc sử dụng vitamin C để điều trị bệnh suyễn (đặc biệt bệnh suyễn do thể dục gây ra) đã được nghiên cứu từ những năm 1980, mặc dù chứng cứ trong lĩnh vực này vẫn chưa có tính thuyết phục. Cần thêm nhiều nghiên cứu trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.
Chứng Tự Kỷ (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Axit ascorbic có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở trẻ em bị chứng tự kỷ (autism). Cần thêm nhiều thử nghiệm trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.
Loét Bao Tử Xuất Huyết Do Thuốc Aspirin(chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Chứng cứ ban đầu cho thấy rằng vitamin C có thể giúp hạ giảm tổn thương bao tử do thuốc aspirin gây ra. Cần thêm nhiều nghiên cứu trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.
Ung Thư Vú (ngăn ngừa) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Một số nghiên cứu đã kiểm tra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ trái cây (hoa quả) cũng như rau quả và khả năng ngăn ngừa ung thư vú. Tuy nhiên, vai trò chính xác của vitamin C vẫn chưa rõ ràng. Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Phỏng (Bỏng) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Cho bệnh nhân bị phỏng (bỏng) nghiêm trọng sử dụng axit ascorbic có thể giúp giảm bớt nhu cầu bổ sung thể tích chất lỏng, tăng cân, và phù vết thương. Cần thêm nhiều nghiên cứu trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.
Ngăn Ngừa Ung Thư (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Tiêu thụ trái cây (hoa quả) và rau quả giàu vitamin C được xem là có liên quan đến khả năng hạ giảm một số dạng ung thư trong các nghiên cứu cộng đồng (đặc biệt là ung thư miệng, ung thư thực quản, ung thư bao tử, ung thư kết tràng, hoặc ung thư phổi). Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ lợi ích này có phải bắt nguồn từ vitamin C trong các loại thực phẩm này không, và các loại thực phẩm chức năng vitamin C chưa được chứng minh là có liên quan đến tác dụng bảo vệ này. Các chuyên gia khuyến khích gia tăng tiêu thụ các loại trái cây và rau quả giàu vitamin C trong bữa ăn, chẳng hạn như măng tây; dâu; bông cải xanh (broccoli); bắp cải; dưa (dưa cantaloupe; dưa honeydew; dưa hấu); súp lơ (cauliflower); các loại trái cây họ cam quít (chanh; cam); bánh mì được tăng cường, hạt ngũ cốc, và bột ngũ cốc; cải xoăn (kale); quả kiwi; khoai tây; rau bina (spinach); và cà chua.
Điều Trị Ung Thư (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Vitamin C có một lịch sử lâu dài được dùng để bổ sung trong trị liệu ung thư, và mặc dù vẫn chưa có chứng cứ rõ ràng về lợi ích của vitamin C khi được tiêm hoặc uống bằng miệng, nhưng có chứng cứ cho thấy có lợi trong một số trường hợp. Cần thêm nhiều nghiên cứu được thiết kế chặt chẽ trước khi có thể đưa ra một đề xuất chắc chắn.
Hóa Trị (hỗ trợ) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Vitamin C không cho thấy các lợi ích vượt trội giả dược (placebo) trong việc hỗ trợ trị liệu hóa học (chemotherapy) dựa trên tỉ lệ sống sót hoặc khả năng ức chế khối u. Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Các Chứng Bệnh Mãn Tính (ngăn ngừa tỉ lệ tử vong) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Sử dụng liều lượng cao vitamin C có thể có các tác dụng có lợi đối với tình trạng viêm cấp tính và các chức năng hoạt động của mạch máu. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ vai trò chính xác của vitamin C trong các chứng bệnh mãn tính. Cần thêm nhiều nghiên cứu ở người có chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Bệnh Thiểu Năng Tĩnh Mạch Chân Mãn Tính(chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Chưa có chứng cứ có thể xác định được vai trò của vitamin C (sử dụng riêng lẻ) đối với bệnh thiểu năng tĩnh mạch chân mãn tính (chronic venous insufficiency). Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Ung Thư Ruột Già (Colorectal Cancer)(chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Vitamin C không chứng tỏ được khả năng hạ giảm tỉ lệ ung thư tổng cộng hoặc tỉ lệ tử vong do ung thư. Cần thêm nhiều nghiên cứu trước khi có thể đưa ra một kết luận rõ ràng.
Hội Chứng Đau Nhức Vùng Liên Hợp(chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Nghiên cứu lâm sàn cho thấy rằng vitamin C có thể ngăn ngừa hội chứng đau nhức vùng liên hợp (complex regional pain syndrome) trong số các bệnh nhân nữ cao tuổi bị gãy (nứt) cổ tay. Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Bệnh Xơ Nang (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Cho đến nay, người ta vẫn chưa rõ vai trò của vitamin C đối với các bệnh nhân bị xơ nang (cystic fibrosis). Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Bệnh Mắt Do Tiểu Đường (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Có một bản báo cáo bao gồm các nghiên cứu về mối liên hệ giữa vitamin C (sử dụng riêng lẻ) và bệnh mắt do bệnh tiểu đường (diabetic neuropathy). Tuy nhiên, chưa có đủ nghiên cứu chứng minh được tác dụng của vitamin C đối với các triệu chứng liên quan đến chứng bệnh này. Cần thêm nhiều thử nghiệm có chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Ung Thư Niêm Mạc Tử Cung(ngăn ngừa) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Dựa vào các nghiên cứu trong một báo cáo, vẫn chưa có sự thống nhất về tác dụng ngăn ngừa bệnh ung thư niêm mạc tử cung (endometrial cancer) của các thực phẩm chức năng vitamin C. Cần thêm nhiều nghiên cứu trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.
Tích Tụ Protoporphyria Trong Hồng Huyết Cầu (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Bệnh tích tụ protoporphyria trong hồng cầu (erythropoietic protoporphyria – EPP) là một chứng bệnh di truyền hiếm, có đặc điểm là da mẫn cảm với ánh sáng do tích tụ chất protoprophyrin IX. Cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định lợi ích của vitamin C đối với chứng bệnh này.
Hồi Sức Thể Dục (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Vitamin C có thể ngăn ngừa tổn thương oxi hóa dài hạn do thể dục gây ra cho các mô mỡ và mô cơ ở những người có sức khỏe tốt. Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.
Thực phẩm chức năng vitamin C và hàm lượng vitamin C trong máu tăng cao có thể giúp hạ giảm nguy cơ phát triển bệnh túi mật ở phụ nữ. Cần thêm nhiều nghiên cứu có chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Bệnh Tim (bảo vệ tim trong thời gian hóa trị) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Cho đến nay vẫn còn thiếu các nghiên cứu kiểm tra các tác dụng bảo vệ tim của vitamin C (sử dụng riêng lẻ) ở các bệnh nhân tiếp nhận hóa trị. Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Nhiễm Khuẩn Helicobacter Pylori(chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Kết hợp vitamin C với thuốc omeprazole, amoxicillin, và clarithromycinđể điều trị bệnh loét bao tử do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra có thể cho phép giảm bớt liều lượng thuốc clarithromycin. Cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng thực kết quả này.
Cao Huyết Áp (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Hạn chế tiêu thụ vitamin C trong bữa ăn có thể liên quan đến tình trạng cao huyết áp tâm thu và tâm trương. Thực phẩm chức năng vitamin C được chứng minh là có khả năng hạ giảm huyết áp tâm trương và tâm thu. Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Cao Cholesterol (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Theo các nghiên cứu ở người, thực phẩm chức năng vitamin C có thể có các tác dụng có lợi cho các bệnh nhân bị cao cholesterol. Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.
HIV (lây truyền) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Theo các nguồn tài liệu không chính thức, bổ sung vitamin B, C, và E cho các bà mẹ bị nhiễm HIV có thể giúp hạ giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em và khả năng lây truyền virut HIV qua sữa mẹ. Cần thêm nhiều nghiên cứu có chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Bệnh Thiếu Máu Cơ Tim (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Nhờ vào các đặc tính chống oxi hóa, vitamin C đã được sử dụng ở các bệnh nhân bị bệnh thiếu máu cơ tim (ischemic heart disease). Các dữ liệu ban đầu cho thấy rằng vitamin C có thể có lợi cho lưu lượng máu ở tim, nhưng cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng thực kết quả này.
Bệnh Thận (ngăn ngừa bệnh thận do chất phản quang gây ra) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Sử dụng vitamin C trước và sau khi chụp phản quang động mạch vành có thể giúp hạ giảm nguy cơ phát triển bệnh thận do chất phản quang gây ra (contrast-mediated kidney disease). Theo một thử nghiệm trong một bản báo cáo có hệ thống, các chuyên gia quan sát thấy bệnh thận do chất phản quang gây ra đã được hạ giảm đáng kể. Cần thêm nhiều thử nghiệm trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.
Nhiễm Độc Chì (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Sử dụng vitamin C từ các nguồn thực phẩm có thể giúp hạ giảm nồng độ chì trong máu. Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Bệnh Gan (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Các cá nhân bị xơ gan nếu sử dụng vitamin C có thể có được một số tác dụng có lợi. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân bị bệnh viêm gan C mãn tính, sử dụng vitamin C sẽ không mang lại hiệu quả. Cần thêm nhiều nghiên cứu trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.
Bệnh Phổi (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Một sự cân bằng giữa quá trình oxi hóa và chống oxi hóa có thể đóng một vai trò trong việc duy trì chức năng hoạt động bình thường của phổi. Có rất ít nghiên cứu kiểm tra vai trò của vitamin C (sử dụng riêng lẻ) đối với bệnh phổi. Cần thêm nhiều thử nghiệm được thiết kế chặt chẽ trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.
Các Rối Loạn về Chuyển Hóa(chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Bệnh nước tiểu đen (alkaptonuria) là một rối loạn có đặc điểm là thiếu men homogentisic acid oxidase, tình trạng này làm cho axit homogentisic tích tụ trong máu và nước tiểu. Có rất ít nghiên cứu báo cáo rằng sử dụng liều lượng cao vitamin C có thể giúp thuyên giảm các triệu chứng và làm cho các biến chứng của rối loạn này chậm tiến triển. Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này. Vitamin C uống bằng miệng hoặc tiêm vào cơ có thể cải thiện được rối loạn chuyển hóa tyrosine di truyền(tyrosinemia: có thể dẫn đến các rối loạn về gan, thận, và não) ở các trẻ sinh sớm với chế độ ăn uống giàu protein. Cần thêm nhiều thử nghiệm có chất lượng cao trong lĩnh vực này trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.
Tình Trạng Lờn Thuốc Nitrate (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Uống vitamin C bằng miệng có thể ngăn ngừa sự phát triển của tình trạng lờn thuốc nitrate (nitrate tolerate) ở các bệnh nhân ngậm thuốc nitroglycerin dưới lưỡi. Ngoài ra, sử dụng vitamin C ngắn hạn có thể ngăn ngừa cơ thể giảm bớt khả năng dung nạp các tác dụng giãn mạch máu của thuốc nitrate. Cần thêm nhiều thử nghiệm trong lĩnh vực này trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.
Hỗ Trợ Dinh Dưỡng (các trẻ sinh sớm)(chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Trong một nghiên cứu, các chuyên gia không tìm thấy các lợi ích cũng như các tác dụng gây hại của thực phẩm chức năng vitamin C đối với các trẻ sơ sinh trong suốt 28 ngày đầu. Cần thêm nhiều nghiên cứu trước khi có thể đưa ra kết quả rõ ràng.
Bệnh Parkinson (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Tiêu thụ vitamin E, vitamin C, và các chất carotenoid có thể không có lợi cho các triệu chứng liên quan đến bệnh Parkinson. Các nghiên cứu chưa thể xác định được các tác dụng của vitamin C (sử dụng riêng lẻ). Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Khả Năng Vận Động Cơ Thể(chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Nghiên cứu dựa trên cộng đồng dân cư cho thấy rằng tiêu thụ nhiều vitamin C trong bữa ăn có thể giúp cải thiện các hoạt động thể chất và độ dẻo dai của cơ bắp ở người cao tuổi. Cần thêm nhiều nghiên cứu có chất lượng cao trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.
Vữa Răng/Cao Răng (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Trong các nghiên cứu ban đầu, nhai kẹo cao su chứa vitamin C có thể giúp giảm bớt cao răng, vữa răng, và những khu vực nướu răng bị chảy máu. Cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng thực các kết quả này.
Viêm Phổi (ngăn ngừa) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Vitamin C có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa bệnh viêm phổi (pneumonia). Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng thực các kết quả này.
Mang Thai (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Cho đến nay vẫn chưa có đủ chứng cứ để kết luận rằng thực phẩm chức năng vitamin C sử dụng riêng lẻ hoặc phối hợp với các loại thực phẩm chức năng (thuốc bổ sung) khác có lợi cho phụ nữ trong thời gian mang thai không. Khả năng sinh sớm (sinh thiếu tháng) có thể gia tăng khi sử dụng thực phẩm chức năng viamin C. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng thực phẩm chức năng vitamin C mỗi ngày có thể giảm bớt một cách hiệu quả tỉ lệ vỡ màng ối sớm (premature rupture of chorioamniotic membranes - PROM). Các phụ nữ đang mang thai nên tham khảo với bác sĩ phụ khoa và dược sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại dược thảo hoặc thực phẩm chức năng nào.
Loét Do Bị Đè (Nén) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Thực phẩm chức năng vitamin C có thể có tác dụng làm giảm bớt số lượng các khu vực bị loét trên da do bị đè nén (pressure ulcers). Tuy nhiên, các kết quả từ các nghiên cứu vẫn chưa thống nhất.
Ung Thư Tuyến Tiền Liệt (Ung Thư Nhiếp Hộ Tuyến) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Vitamin C đã được sử dụng để điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer: ung thư nhiếp hộ tuyến). Các chứng cứ hiện nay vẫn chưa thống nhất, và người ta vẫn chưa rõ vitamin C có lợi cho các bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt không.
Nước Tiểu Có Protein (proteinuria)(chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Vitmamin C phối hợp với vitamin E có thể giúp giảm bớt tình trạng bài tiết protein albumin ở các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2. Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Lão Hóa Da (các vết da nhăn) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Các dạng thuốc bôi (thoa) chứa 3 – 10% vitamin C có thể giúp cải thiện các vết da nhăn. Cần thêm nhiều thử nghiệm có chất lượng cao về lĩnh vực này trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.
Các Chứng Bệnh Ở Da (da nổi đỏ) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Một loại thuốc nước chứa vitamin C dùng cho da có thể giúp giảm bớt tình trạng ngứa da sau khi trị liệu tẩy vết nhăn và sẹo sử dụng tia laze (laser). Cần thêm nhiều nghiên cứu có chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Tổn Thương Da Do Ánh Nắng Mặt Trời (do tia tử ngoại A gây ra) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Vitamin C và vitamin E bôi (thoa) trên da có thể không ngăn ngừa được tình trạng tổn thương da do tia tử ngoại A (UVA) gây ra (suntan). Cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng thực kết quả này.
Các Rối Loạn Sắc Tố Da (tăng sắc tố quanh nang lông) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Có rất ít chứng cứ chứng minh được vai trò của vitamin C trong việc điều trị chứng tăng sắc tố quanh nang lông (perifollicular pigmentation), chứng bệnh này làm tăng thêm sắc tố da gần các nang lông. Cần thêm nhiều nghiên cứu trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng.
Ngăn Ngừa Đột Quỵ (Tai Biến Mạch Máu Não) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Có nhiều kết quả nghiên cứu khác nhau đã kiểm tra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ vitamin C và nguy cơ bị đột quỵ. Có một số nghiên cứu không tìm ra được các lợi ích, trong khi có các nghiên cứu khác báo cáo rằng sử dụng liều lượng thấp vitamin C mỗi ngày có thể giảm bớt nguy cơ tử vong do đột quỵ (tai biến mạch máu não). Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này. Những cá nhân có nguy cơ bị đột quỵ nên trao đổi với bác sĩ về tác dụng ngăn ngừa đột quỵ của thực phẩm chức năng vitamin C.
Bệnh Uốn Ván (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Bệnh uốn ván (tetanus) là một tình trạng nhiễm trùng mà có thể phòng tránh nhờ chủng ngừa. Ở các nước đang phát triển, chủng ngừa bệnh uốn ván cũng còn hạn chế, và ở các nước đã phát triển, vẫn còn một số trường hợp bệnh uốn ván xảy ra, đặc biệt ở những người cao tuổi, do hệ miễn dịch của họ bị suy giảm. Người ta ước tính rằng có khoảng 1 triệu trường hợp mắc bệnh uốn ván trên toàn thế giới mỗi năm. Vitamin C có thể ngăn ngừa tỉ lệ tử vong do nhiễm trùng uốn ván. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu có chất lượng cao ở người.
Bệnh Tiểu Đường (Đái Tháo Đường) Loại 2(chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Các tác dụng của vitamin C đối với các bệnh nhân bị tiểu đường vẫn chưa thống nhất. Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Viêm Âm Đạo (Vaginitis) (chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng hỗ trợ cho tác dụng này)
Nghiên cứu ban đầu ở người cho thấy rằng sử dụng các viên vitamin C nhét âm đạo mỗi ngày có thể giúp bệnh nhân tránh được bệnh viêm âm đạo thông thường. Cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng thực kết quả này.
Bệnh Đục Thủy Tinh Thể (ngăn ngừa/tiến triển bệnh) (có chứng cứ khoa học chống lại tác dụng này)
Mặc dù các nghiên cứu ban đầu ở cộng đồng dân cư cho thấy được sự hạ giảm quá trình hình thành cườm mắt trong số những cá nhân sử dụng vitamin C trong ít nhất 10 năm, nghiên cứu tiếp theo đã không cho thấy được sự hạ giảm nguy cơ 7 năm bị bệnh đục thủy tinh thể hoặc làm chậm sự tiến triển bệnh khi sử dụng vitamin C mỗi ngày.
Ngăn Ngừa Bệnh Cảm Lạnh Thông Thường (Tổng Quát) (có chứng cứ khoa học chống lại tác dụng này)
Trên 30 thử nghiệm lâm sàn với hơn 10 000 người tham gia đã kiểm tra các tác dụng của vitamin C được sử dụng mỗi ngày đối với việc ngăn ngừa cảm lạnh. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thấy được khả năng hạ giảm đáng kể nguy cơ bị cảm lạnh. Ở những người bị cảm lạnh trong lúc đang uống vitamin C, nhìn chung người ta vẫn chưa thấy có sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, mặc dù đã có báo cáo rằng có một số ít các trường hợp được hạ giảm đáng kể về thời gian bị cảm lạnh (khoảng 10% ở người thành niên và 15% ở trẻ em). Các thử nghiệm, trong đó những người tình nguyện tham gia được gây nhiễm bằng các virut đường hô hấp trong khi đang sử dụng vitamin C, đã cho ra các kết quả không thống nhất, nhưng nhìn chung, các kết quả không cho thấy hoặc cho thấy rất ít các khác biệt về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng sau khi bị gây nhiễm virut. Đáng chú ý là, một số nghiên cứu ở người sống ở các môi trường khắc nghiệt, bao gồm những người lính được luyện tập ở những khu vực gần Nam Cực, những người trượt tuyết, và những người chạy maratông (marathon), đã báo cáo khả năng hạ giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh cảm lạnh, khoảng 50%. Lĩnh vực này đáng được nghiên cứu thêm và có thể được các vận động viên ưu tú hoặc các nhân viên quân sự đặc biệt quan tâm.
Điều Trị Cảm Lạnh Thông Thường(có chứng cứ khoa học chống lại tác dụng này)
Rất nhiều nghiên cứu đã kiểm tra tác dụng của vitamin C sử dụng sau khi xuất hiện các triệu chứng bệnh cảm lạnh. Nhìn chung, người ta vẫn chưa thấy được các lợi ích quan trọng. Chứng cứ ban đầu từ một nghiên cứu đã báo cáo các lợi ích khi sử dụng liều lượng cao vitamin C vào lúc bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, nhưng cần thêm các chứng cứ để có thể đưa ra kết luận rõ ràng. Vào thời điểm này, chứng cứ khoa học không hỗ trợ cho tác dụng này của vitamin C.
Ngăn Ngừa Bệnh Tim (có chứng cứ khoa học chống lại tác dụng này)
Vitamin C xem ra không có khả năng hạ giảm hàm lượng cholesterol hoặc hạ giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Người ta vẫn chưa xác định được tác dụng của vitamin C lên các mảng vữa cholesterol ở các động mạch tim (atherosclerosis: xơ vữa động mạch), và một số nghiên cứu cho thấy các đặc tính giãn động mạch có lợi của vitamin C. Dựa vào chứng cứ khoa học hiện nay, vitamin C thường không được đề xuất để làm giãn động mạch. Những người bị nhồi máu cơ tim nên trao đổi với bác sĩ để xem xét các biện pháp ngăn ngừa, chẳng hạn như sử dụng thuốc aspirin.
CÁC TÁC DỤNG DỰA TRÊN TRUYỀN THỐNG HOẶC LÝ THUYẾT
Những cách sử dụng sau đây dựa trên các lý thuyết khoa học hoặc truyền thống. Chúng thường chưa được kiểm tra hoàn toàn ở người, tính an toàn và hiệu quả không phải lúc nào cũng được chứng thực. Một vài chứng bệnh này có khả năng diễn biến nghiêm trọng, do đó cần phải được chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề kiểm tra và đánh giá.
Mụn trứng cá (acne: viêm nang lông), lão hóa, kháng viêm, xơ vữa động mạch (atherosclerosis), rối loạn hiếu động thiếu tập trung (attention-deficit hyperactivity disorder), thối loét do bị đè nén (bedsores), các rối loạn máu (xuất hiện methemoglobin trong máu tự phát - idiopathic methemoglobinemia, nước tiểu có máu – hematuria), các rối loạn mạch máu (giòn mao mạch), viêm phế quản (bronchitis), viêm túi dịch đệm (bursitis), chứng loạn sản tế bào niêm mạc cổ tử cung (cervical disorder), hội chứng mệt mỏi mãn tính (chronic fatigue syndrome – CFS), chức năng nhận thức, các rối loạn mô liên kết (rối loạn collagen), táo bón (constipation), viêm bàng quang (cystitis: viêm bọng đái), chứng mất trí (dementia), các tình trạng về răng (mất màu men răng, sâu răng, viêm nha chu có mủ - pyorrhea), chứng trầm cảm, viêm da (dermatitis), bài độc (detoxification, bài chất histamine), ngưng sử dụng thuốc, tiêu chảy cấp tính (dysentery), sức chịu đựng, các rối loạn mắt (tăng nhãn áp), mệt mỏi, nứt (gãy) xương, bệnh nhọt (furunculosis, tái phát), loét niêm mạc bao tử (gastric ulcer), bệnh gút (gout: bệnh thống phong), bệnh nướu răng (gum disease), dị ứng môi trường (hay fever), xuất huyết (võng mạc), giảm số lượng tiểu huyết cầu đông máu tự phát (idiopathic thrombocytopenic purpura), các rối loạn miễn dịch (hội chứng Chediak-Higashi, kích thích miễn dịch), vô sinh (infertility), bệnh cúm (cúm heo), bị sứa đốt, bệnh Lyme, nám da mặt (melasma), chảy máu kinh nguyệt nghiêm trọng (menorrhagia), đau nhức cơ, đau nhức (đau lưng, nứt xương), viêm tuyến tiền liệt (viêm nhiếp hộ tuyến), bệnh tế bào hình liềm (sickle cell disease), loét bao tử, stress, nghẽn mạch, ngộ độc (thuốc levodopa, interferon, aspirin, thạch tín – arsenic, bài tiết thủy ngân), bệnh lao (tuberculosis), nước tiểu chua (urine acidification), nhiễm virut, làm lành vết thương.
LIỀU LƯỢNG
Các liều lượng dưới đây dựa vào nghiên cứu khoa học, các ấn phẩm, cách sử dụng truyền thống, hoặc ý kiến của chuyên gia. Nhiều loại dược thảo và thực phẩm chức năng vẫn chưa được kiểm tra kỹ lưỡng, tính hiệu quả và an toàn có thể chưa được chứng thực. Các nhãn hiệu có thể được sản xuất khác nhau, với các thành phần có thể biến đổi, thậm chí trong cùng một nhãn hiệu. Các liều lượng dưới đây có thể không áp dụng cho tất cả mọi sản phẩm. Bạn nên đọc kỹ nhãn hướng dẫn trên sản phẩm và tham khảo liều lượng với chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề trước khi bắt đầu sử dụng.
Người Thành Niên (trên 18 tuổi)
Liều lượng sử dụng mỗi ngày do Ủy Ban Thực Phẩm và Dinh Dưỡng của Viện Y Khoa Hoa Kỳ(U.S. Food and Nutrition Board of the Institute of Medicine) được đề xuất cho nam giới trên 18 tuổi là 90 mg mỗi ngày; cho phụ nữ trên 18 tuổi là 75 mg mỗi ngày; cho phụ nữ mang thai trên 18 tuổi là 85 mg mỗi ngày; và cho phụ nữ đang cho con bú trên 18 tuổi là 120 mg mỗi ngày. Mới đây, một số chuyên gia đã đặt câu hỏi là có nên tăng liều lượng sử dụng được đề xuất mỗi ngày không. Một số chuyên gia khác đã đề xuất tăng liều lượng ở một số cá nhân, chẳng hạn như những người hút thuốc là được một số chuyên gia đề xuất tăng thêm 35 mg mỗi ngày.
Liều lượng tối đa không nên vượt quá 2000 mg mỗi ngày ở nam giới hoặc phụ nữ trên 18 tuổi (bao gồm các phụ nữ mang thai và đang cho con bú).
Vitamin C uống bằng miệng hoặc tiêm qua da có hiệu quả trong việc điều trị bệnh scurvy. Đối với người thành niên, liều lượng 100 – 250 ml uống bằng miệng mỗi ngày 4 lần trong vòng 1 tuần thường đủ để cải thiện các triệu chứng và bổ sung cho nguồn dự trữ vitamin C của cơ thể. Một số chuyên gia đề xuất liều lượng 1 – 2 g mỗi ngày trong vòng 2 ngày, tiếp theo là liều lượng 500 mg mỗi ngày trong vòng 1 tuần. Các triệu chứng sẽ bắt đầu cải thiện trong vòng 24 – 48 giờ, và bình phục hoàn toàn trong vòng 7 ngày. Việc điều trị phải được bác sĩ giám sát chặt chẽ. Đối với tình trạng thiếu hụt vitamin C không triệu chứng, bệnh nhân có thể được cho sử dụng liều lượng thấp hơn mỗi ngày.
Để điều trị bệnh cảm lạnh thông thường, liều lượng 1 – 3 g đã được sử dụng mỗi ngày. Để ngăn ngừa bệnh cảm lạnh thông thường ở những người bị stress, liều lượng 600 – 1000 g vitamin C đã được sử dụng mỗi ngày. Trong lúc bị stress cấp tính, sử dụng 1 g vitamin mỗi ngày 3 lần, như loại thuốc có tác dụng dài hạn, đã được sử dụng lên đến 14 ngày.
Để ngăn ngừa bệnh thận do chất phản quang gây ra (contrast-mediated nephropathy), bệnh nhân đã được cho sử dụng 3 g vitamin C trước khi chụp hình phản quang mạch vành (coronary angiography), và sau khi thực hiện tiến trình này bệnh nhân được cho sử dụng 2 g vào buổi chiều và vào sáng hôm sau. Đối với những người thành niên sử dụng máy lọc máu (hemodialysis) dài hạn, liều lượng 100 – 200 mg đã được sử dụng mỗi ngày.
Để ngăn ngừa tình trạng lờn thuốc nitrate (nitrate tolerance), liều lượng 3 – 6 g vitamin C đã được cho sử dụng
Để điều trị các vết loét bao tử tiền ác tính, liều lượng 1 g vitamin mỗi ngày 2 lần đã được sử dụng.
Đối với tình trạng vô sinh liên quan đến sự gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt (luteal phase defect), liều lượng 750 mg vitamin C đã được sử dụng.
Để ngăn ngừa hội chứng đau nhức vùng liên hợp ở các bệnh nhân bị gãy (nứt) cổ tay, liều lượng 500 mg vitamin C đã được sử dụng mỗi ngày trong vòng 50 ngày.
Để ngăn ngừa bệnh gút (bệnh thống phong), liều lượng 500 – 1500 mg vitamin C từ thực phẩm hoặc từ thực phẩm chức năng đã được sử dụng mỗi ngày.
Đối với chứng cao huyết áp, liều lượng trung bình là 500 mg vitamin C mỗi ngày và thời gian nghiên cứu là 6 tuần.
Các dạng thuốc bôi (thoa) chứa 5 – 10% vitamin sử dụng mỗi ngày cho da bị lão hóa hoặc bị nhăn.
Trẻ Em (dưới 18 tuổi)
Liều lượng mỗi ngày do Ủy Ban Thực Phẩm và Dinh Dưỡng của Viện Y Khoa Hoa Kỳ đề xuất cho trẻ sơ sinh từ 0 – 12 tháng tuổi là sữa mẹ (đề xuất trước đây chỉ định 30 – 35 mg); đối với trẻ từ 1 – 3 tuổi, liều lượng là 15 mg; đối với trẻ em từ 4 – 8 tuổi, liều lượng là 25 mg; đối với trẻ em từ 9 – 13 tuổi, liều lượng là 45 mg; và đối với trẻ vị thành niên từ 14 – 18 tuổi, liều lượng là 75 mg cho trẻ nam và 65 mg cho trẻ nữ. Liều lượng vitamin C tối đa là 400 mg mỗi ngày cho trẻ em từ 1 – 3 tuổi; 650 mg mỗi ngày cho trẻ em từ 4 – 8 tuổi; 1200 mg mỗi ngày cho trẻ em từ 9 – 13 tuổi; và 1800 mg mỗi ngày cho trẻ vị thành niên, đang mang thai, và cho con bú từ 14 – 18 tuổi.
Đối với bệnh scurvy hoặc chứng thiếu hụt vitamin C ở trẻ em, liều lượng 100 – 300 mg vitamin C uống bằng miệng mỗi ngày được chia đôi trong 2 tuần đã được sử dụng. Những trẻ lớn tuổi hơn hoặc có vóc dáng cao to hơn có thể cần đến các liều lượng gần bằng với liều lượng dành cho người thành niên. Nếu không có vitamin C, có thể dùng nước cam cho các trẻ em bị bệnh scurvy. Các triệu chứng sẽ bắt đầu cải thiện trong vòng 24 – 48 giờ, và hoàn toàn bình phục trong vòng 7 ngày. Việc điều trị phải được bác sĩ giám sát chặt chẽ.
Đối với tình trạng tăng tyrosine trong máu (tyrosinemia: một loại axit amin) ở các trẻ sinh sớm với chế độ ăn uống giàu protein, liều lượng 100 mg vitamin C đã được sử dụng.
TÍNH AN TOÀN
Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (U.S. Food and Drug Administration - FDA) không kiểm soát nghiêm ngặt các loại thảo dược và thực phẩm chức năng. Không có sự đảm bảo tính an toàn, tinh khiết và độ mạnh của các sản phẩm, đồng thời các tác dụng có thể thay đổi. Bạn phải luôn đọc kỹ các nhãn ghi trên sản phẩm. Nếu bạn đang bị một chứng bệnh, hoặc đang dùng các loại thuốc (tây dược), thảo dược, hoặc các loại thực phẩm chức năng nào khác, bạn phải trao đổi với chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề trước khi bắt đầu một liệu pháp mới. Hãy tham khảo ý kiến với chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề ngay nếu bạn gặp phải các tác dụng phụ.
Dị Ứng
Tránh sử dụng nếu bị mẫn cảm hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong các sản phẩm vitamin C.
Các Tác Dụng Phụ và Các Cảnh Báo
Số lượng vitamin C hấp thụ từ thực phẩm thường được xem là an toàn. Các loại thực phẩm chức năng vitamin C cũng thường được xem là an toàn cho đa số các cá nhân sử dụng những liều lượng được đề xuất, mặc dù các tác dụng phụ hiếm khi được báo cáo, bao gồm buồn nôn, nôn mửa, ợ chua, vọp bẻ bụng, và nhức đầu. Răng bị axit ăn mòn có thể xảy ra do thường xuyên ngậm các viên vitamin C.
Sử dụng liều lượng cao vitamin C được xem là có liên quan đến nhiều tác dụng gây hại. Các tác dụng phụ này bao gồm sỏi thận, tiêu chảy nghiêm trọng, buồn nôn, và viêm nội mạc bao tử (gastritis). Cảm giác nóng bừng, muốn ngất xỉu, chóng mặt, và mệt mỏi hiếm khi xuất hiện. Trong các trường hợp bị ngộ độc do tiêu thụ quá nhiều vitamin C, uống thật nhiều nước và đi tiểu nhiều có thể rất có lợi. Đối với các phụ nữ hậu mãn kinh và bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường), sử dụng thực phẩm chức năng vitamin C với liều lượng cao hơn 300 mg mỗi ngày được xem là có nhiều nguy cơ tử vong liên quan đến tim.
Những người thành niên có sức khỏe tốt nếu sử dụng thường xuyên vitamin C với liều lượng cao có thể bị giảm hàm lượng vitamin C trong máu nếu ngưng sử dụng liều lượng cao để trở lại liều lượng bình thường. Để tránh biến chứng này, những người đang sử dụng liều lượng cao và muốn giảm bớt liều lượng nên thực hiện từng bước thay vì giảm xuống một cách đột ngột. Có một số ít trường hợp mắc bệnh scurvy do lờn thuốc hoặc kháng thuốc sau khi ngưng sử dụng vì sử dụng dài hạn với liều lượng cao, chẳng hạn như ở các trẻ sơ sinh có các bà mẹ bổ sung vitamin C trong suốt thời gian mang thai.
Sử dụng vitamin C với liều lượng cao có khả năng ảnh hưởng đến tác dụng làm loãng máu của các loại thuốc kháng đông (anticoagulant) như warfarinbằng cách làm chậm thời gian đông máu (prothrombin time). Các bệnh nhân bị các rối loạn xuất huyết hoặc những người đang sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến xuất huyết được các chuyên gia khuyên là nên cẩn thận khi sử dụng vitamin C. Có thể bệnh nhân sẽ được điều chỉnh về liều lượng.
Vitamin C có thể ảnh hưởng đến hàm lượng đường trong máu. Các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) hoặc hạ đường trong máu, và các bệnh nhân đang sử dụng thuốc (tây dược), thảo dược, hoặc thực phẩm chức năng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu được khuyên là nên cẩn thận khi sử dụng vitamin C. Hàm lượng glucose trong máu có thể cần phải được một chuyên gia y tế có giấy phép hành nghề giám sát. Có thể bệnh nhân sẽ được điều chỉnh về liều lượng sử dụng.
Các bệnh nhân bị ung thư, thiếu hụt men glucose-6-phosphate dehydrogenase, thiếu máu và các chứng bệnh liên quan, bị sỏi thận, hoặc bị bệnh tế bào hình liềm, hoặc sau khi thực hiện tiến trình thông mạch (angioplasty) nên cẩn thận khi sử dụng vitamin C. Các bệnh nhân đang sử dụng thuốc kháng sinh, các loại thuốc chống ung thư, các loại thuốc trị HIV, các loại thuốc chống trầm cảm barbiturate, estrogen, thuốc fluphenazine, hoặc các loại thực phẩm chức năng chứa chất sắt phải nên cẩn thận khi sử dụng vitamin C. Những người sử dụng vitamin C dưới dạng tiêm (truyền vào tĩnh mạch) phải nên cẩn thận, vì nó có thể gây ra chóng mặt, cảm giác muốn ngất xỉu, hoặc ngứa ở vùng được tiêm, và nếu sử dụng ở liều lượng cao, có thể dẫn đến các rối loạn về chức năng thận.
Nên tránh sử dụng ở các bệnh nhân bị dị ứng hoặc bị tăng mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong các sản phẩm vitamin C. Tránh sử dụng vitamin C với liều lượng cao ở những người có các chứng bệnh bị trở xấu do tích lũy axit, chẳng hạn như bệnh xơ gan (cirrhosis), bệnh gút (bệnh thống phong), tăng axit trong máu (renal tubular acidosis) , hoặc hội chứng paroxysmal nocturnal hemoglobinuribea (nước tiểu có màu tối, do hemoglobin tích tụ trong bàng quang vào buổi tối, và có các triệu chứng tái phát, dẫn đến suy giảm quá trình sản sinh các tế bào máu). Tránh sử dụng vitamin C với liều lượng cao ở các bệnh nhân bị suy thận (thận hư) hoặc ở các bệnh nhân đang sử dụng những loại thuốc có thể gây tổn thương đến thận, vì nguy cơ gia tăng bị suy thận (thận hư).
Mang Thai và Cho Con Bú
Vitamin C được hấp thụ từ thực phẩm thường được xem là an toàn trong thời gian mang thai. Người ta vẫn chưa rõ nếu sử dụng thực phẩm chức năng vitamin C với liều lượng vượt quá liều lượng được đề xuất có an toàn và có lợi trong thời gian mang thai không. Có rất ít báo cáo về bệnh scurvy do lờn thuốc hoặc kháng thuốc ở các trẻ sơ sinh có các bà mẹ bổ sung vitamin C trong suốt thời gian mang thai. Có quá ít dữ liệu để kết luận rằng thực phẩm chức năng vitamin C sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các loại thực phẩm chức năng khác có lợi trong thời gian mang thai. Tình trạng sinh sớm (sinh thiếu tháng) có thể gia tăng khi sử dụng thực phẩm chức năng vitamin C.
Sữa mẹ thường có chứa vitamin C. Vitamin C hấp thụ từ thực phẩm thường được xem là an toàn cho các bà mẹ đang cho con bú. Nghiên cứu có quy mô nhỏ cho thấy rằng vitamin C trong sữa mẹ có thể giúp hạ giảm nguy cơ phát triển các chứng dị ứng ở trẻ em. Người ta vẫn chưa rõ nếu sử dụng thực phẩm chức năng vitamin C với liều lượng vượt quá liều lượng được đề xuất có an toàn và có lợi trong thời gian cho con bú không.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thông tin này được dựa trên một tài liệu chuyên khảo đã được chỉnh sửa và đã được xem xét lại bởi các cộng tác viên của Natural Standard Research Collaboration (www.naturalstandard.com)
CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO ĐƯỢC CHỌN LỌC
Bjelakovic G, Gluud LL, Nikolova D, et al. Meta-analysis: antioxidant supplements for liver diseases - the Cochrane Hepato-Biliary Group. Aliment Pharmacol Ther. 2010 Aug;32(3):356-67.
Douglas RM, Hemilä H, Chalker E, et al. Vitamin C for preventing and treating the common cold. Cochrane Database Syst Rev 2007 Jul 18;(3):CD000980.
Duconge J, Miranda-Massari JR, et al. Vitamin C pharmacokinetics after continuous infusion in a patient with prostate cancer. Ann Pharmacother 2007 Jun;41(6):1082-3.
Ehrlich M, Rao J, Pabby A, et al. Improvement in the appearance of wrinkles with topical transforming growth factor beta(1) and l-ascorbic acid. Dermatol Surg 2006 May;32(5):618-25.
Hemilä H, Louhiala P. Vitamin C for preventing and treating pneumonia. Cochrane Database Syst Rev 2007 Jan 24;(1):CD005532.
Inui S, Itami S. Perifollicular pigmentation is the first target for topical vitamin C derivative ascorbyl 2-phosphate 6-palmitate (APPS): randomized, single-blinded,placebo-controlled study. J Dermatol 2007 Mar;34(3):221-3.
Jiang L, Yang KH, Tian JH, et al. Efficacy of antioxidant vitamins and selenium supplement in prostate cancer prevention: a meta-analysis of randomized controlled trials. Nutr Cancer. 2010 Aug;62(6):719-27.
Konturek PC, Kania J, Hahn EG, et al. Ascorbic acid attenuates aspirin-induced gastric damage: role of inducible nitric oxide synthase. J Physiol Pharmacol 2006 Nov;57 Suppl 5:125-36.
Lin J, Cook NR, Albert C, et al. Vitamins C and E and beta carotene supplementation and cancer risk: a randomized controlled trial. J Natl Cancer Inst 2009 Jan 7;101(1):14-23.
McNulty PH, Robertson BJ, Tulli MA, et al. Effect of hyperoxia and vitamin C on coronary blood flow in patients with ischemic heart disease. J Appl Physiol 2007 May;102(5):2040-5.
Muran PJ. Mercury elimination with oral DMPS, DMSA, vitamin C, and glutathione: an observational clinical review. Altern Ther Health Med 2006 May-Jun;12(3):70-5.
Nankivell BJ, Murali KM. Images in clinical medicine. Renal failure from vitamin C after transplantation.N Engl J Med 2008 Jan 24;358(4):e4.
Ochoa-Brust GJ, Fernández AR, Villanueva-Ruiz GJ, et al. Daily intake of 100 mg ascorbic acid as urinary tract infection prophylactic agent during pregnancy. Acta Obstet Gynecol Scand 2007;86(7):783-7.
Puvabanditsin P, Vongtongsri R. Efficacy of topical vitamin C derivative (VC-PMG) and topical vitamin E in prevention and treatment of UVA suntan skin. J Med Assoc Thai 2006 Sep;89 Suppl 3:S65-8.
Zollinger PE, Tuinebreijer WE, Breederveld RS, et al. Can vitamin C prevent complex regional pain syndrome in patients with wrist fractures? A randomized, controlled, multicenter dose-response study. J Bone Joint Surg Am 2007 Jul;89(7):1424-31.
Nguồn(Source):
1 comments:
thiếu hụt nghiêm trọng vitamin C sẽ gây ra bệnh nên mọi người chú ý bổ sung thường xuyên. Bổ sung bằng ăn uống hoặc bằng thực phẩm chức năng .
....................................
Thùy Linh
Chuyên viên Bán nutrilite bio c plus Vitamin C của amway nutrilite giá rẻ tại TPHCM
Post a Comment