ĐIỀU TRỊ VÀ SỬ DỤNG THUỐC
Hiện chưa có trị liệu kháng virut cụ thể cho bệnh sởi. Việc điều trị cho bệnh sởi về cơ bản là phương pháp điều trị giúp giảm nhẹ các triệu chứng (supportive care) với việc duy trì lượng chất lỏng trong cơ thể và bổ sung chất lỏng mất đi do tiêu chảy hoặc nôn mửa(emesis), cũng như sử dụng các loại thuốc hạ sốt (antipyretic). Tái bổ sung chất lỏng qua tĩnh mạch (intravenous rehydration) có thể cần thiết nếu hiện tượng mất chất lỏng tỏ ra nghiêm trọng.
Việc bổ sung vitamin A, đặc biệt ở trẻ em và các bệnh nhân có các dấu hiệu lâm sàng bị thiếu hụt vitamin A, phải được cân nhắc. Phép phòng bệnh sau khi tiếp xúc (postexposure prophylaxis) phải được cân nhắc ở các trường hợp tiếp xúc với virut sởi mà chưa được chủng ngừa; việc theo dõi đúng lúc những trường hợp tiếp xúc phải được xem là một vấn đề ưu tiên.
Các bệnh nhân phải được bác sĩ gia đình theo dõi thường xuyên để giám sát các biến chứng của bệnh sởi.
Phương pháp điều trị giúp thuyên giảm các triệu chứng thường cần thiết cho các bệnh nhân nhiễm bệnh sởi. Bệnh nhân có thể được nhập viện để điều trị các biến chứng của bệnh sởi (nhiễm khuẩn lần thứ hai, viêm phổi, mất chất lỏng, viêm phù thanh quản).
Nhiễm trùng lần thứ hai (ví dụ: viêm tai giữa hoặc viêm phổi do vi khuẩn) phải được điều trị bằng thuốc kháng sinh (trụ sinh). Vì các trường hợp nhiễm khuẩn lần thứ hai là nguyên nhân chính gây ra sự hoành hành bệnh và tử vong sau khi nhiễm bệnh sởi, do đó việc quản lý bệnh hiệu quả bao gồm điều trị kháng sinh (trụ sinh) đúng lúc cho các bệnh nhân có chứng cứ lâm sàng bị nhiễm khuẩn, bao gồm viêm phổi và viêm tai giữa (otitis media). Các vi khuẩn Streptococcus pneumoniae và Haemophilus influenza loại b là các nguyên nhân phổ biến gây ra viêm phổi do vi khuẩn sau khi bị nhiễm bệnh sởi; các loại vắcxin chống lại các sinh vật gây bệnh này có thể giúp giảm bớt tỷ lệ nhiễm khuẩn lần thứ hai sau khi nhiễm bệnh sởi. Các bệnh nhân với các biến chứng nhiễm trùng nghiêm trọng (viêm não và dây cột sống [encephalomyelitis]) phải được nhập viện để quan sát và sử dụng thuốc kháng sinh (trụ sinh), phù hợp với tình trạng lâm sàng của họ.
Thỉnh thoảng, cũng cần đến sự bổ sung chất lỏng qua tĩnh mạch; các bệnh nhân có thể bị sốt một cách rõ rệt và kết quả là có thể bị mất nước. Quản lý cơn sốt bằng các loại thuốc giảm sốt tiêu chuẩn là hợp lý.
Những sự phòng ngừa lây truyền qua không khí (airborne precaution) được chỉ định cho các trẻ em nhập viện trong suốt thời gian có thể lây truyền (period of communicability: nghĩa là từ 3 – 5 ngày trước khi tình trạng phát ban xảy ra cho đến 4 ngày sau khi ban phát triển ở những trẻ em khỏe mạnh và cho thời gian bệnh ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch bị suy yếu). Những nhân viên chăm sóc sức khỏe dễ bị nhiễm bệnh phải được cho phép nghỉ làm từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 21 sau khi tiếp xúc với virut sởi.
Mặc dù chưa có phương pháp điều trị nào có thể loại khỏi tình trạng nhiễm bệnh sởi, nhưng có thể tiến hành một số biện pháp để bảo vệ các cá nhân dễ nhiễm bệnh mà họ đã tiếp xúc với virut này.
Chủng ngừa sau khi tiếp xúc. Những người chưa được tiêm chủng, bao gồm trẻ sơ sinh, có thể được tiêm chủng vắcxin sởi trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với virut sởi, để bảo vệ chống lại căn bệnh này. Nếu bệnh sởi vẫn phát triển, thì tình trạng bệnh thường có các triệu chứng nhẹ hơn và kéo dài ngắn hơn.
Ở Hoa Kỳ, vắcxin virut sởi được chủng ngừa định kỳ cùng với vắcxin quai bị (mumps) và bệnh sởi Đức bằng loại vắcxin sởi – quai bị - sởi Đức (measles-mumps-rubella – MMR). Loại vắc xin này có thể giúp phòng ngừa bệnh nếu được chủng ngừa trong vòng 3 ngày sau khi tiếp xúc.
Những trường hợp chống chỉ định vắcxin này bao gồm suy giảm miễn dịch; ung thư lan rộng (bệnh bạch cầu, u lym phô); bệnh lao hoạt tính không được điều trị; và trị liệu bằng các loại thuốc ức chế miễn dịch; những người bị phản ứng nghiêm trọng với vắcxin virut sởi hoặc các thành phần của vắcxin này (gelatin hoặc neomycin); những người đang có bệnh từ nhẹ đến nghiêm trọng. Các bệnh nhân có tiền sử bị tình trạng giảm lượng tiểu huyết cầu (thrombocytopenia) có thể có nguy cơ cao, do đó việc chủng ngừa phải được xem xét theo từng trường hợp. Nhiễm HIV chỉ được xem là chống chỉ định với sự hiện diện của tình trạng ức chế miễn dịch nghiêm trọng (số lượng CD4 dưới 15%). Vắcxin này phải được hoãn lại cho đến sau khi bệnh nhân mang thai sinh con, và trong vòng ít nhất 5 tháng ở những cá nhân đã tiếp nhận kháng thể (huyết tương, máu nguyên chất, bất kỳ kháng thể globulin miễn dịch nào).
Kháng thể globulin huyết thanh miễn dịch. Các phụ nữ mang thai, các trẻ sơ sinh và những người có hệ miễn dịch bị suy yếu nếu tiếp xúc với virut sởi có thể tiếp nhận protein có tên là kháng thể globulin huyết thanh miễn dịch (immune serum globulin). Nếu được tiêm trong vòng 6 ngày sau khi tiếp xúc với virut sởi, các kháng thể này có thể ngăn chặn bệnh sởi hoặc làm cho các triệu chứng trở nên ít nghiêm trọng hơn.
Immunoglobulin người (human Ig) có tác dụng ngăn ngừa hoặc thay đổi trạng thái bệnh ở những trường hợp tiếp xúc dễ bị nhiễm nếu được sử dụng trong vòng 6 ngày sau khi tiếp xúc. Immunoglobulin người được cho các cá nhân sau đây sử dụng:
- Những người có hệ miễn dịch bị suy yếu
- Các trẻ sơ sinh tuổi từ 6 tháng đến 1 năm (tỷ lệ mắc bệnh là khá cao ở các trẻ em dưới 1 tuổi)
- Các trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi có mẹ không có khả năng miễn dịch bệnh sởi
- Phụ nữ mang thai
Đối với các đối tượng tiếp xúc virut sởi mà được hoãn chủng ngừa (những bệnh nhân đang mang thai), thì immunoglobulin 0,25 mL/kg (không quá 15 mL) phải được truyền trong cơ (intramuscular – IM) ngay sau khi tiếp xúc, và vắcxin sởi phải được tiêm chủng 6 tháng sau. Những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu bị tiếp xúc với virut sởi và chống chỉ định chủng ngừa phải được truyền immunoglobulin 0,5 mL/kg (không quá 15 mL) trong cơ.
Sử Dụng Thuốc
Các loại thuốc giảm sốt. Bạn hoặc con trẻ của bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc không cần toa bác sĩ (over-the-counter medication) chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol, các nhãn hiệu khác), ibuprofen (Advil, Motrin, các nhãn hiệu khác), hoặc naproxen (Aleve) để hạ cơn sốt đi kèm với bệnh sởi. Đừng cho trẻ em sử dụng thuốc aspirin để tránh nguy cơ mắc phải hội chứng Reye (Reye’s syndrome: một tình trạng bệnh lý hiếm nhưng có thể gây tử vong, gây sưng gan và não, thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên đang hồi phục sau khi bị nhiễm virut).
Thuốc kháng sinh. Nếu bị nhiễm vi khuẩn, chẳng hạn như viêm phổi (pneumonia) hoặc nhiễm trùng tai (ear infection), trong lúc bạn hoặc con trẻ của bạn bị nhiễm bệnh sởi, bác sĩ của bạn có thể kê đơn sử dụng thuốc kháng sinh.
Vitamin A. Những người bị thiếu hụt vitamin A có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh sởi nghiêm trọng hơn. Sử dụng vitamin A có thể giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng của bệnh sởi. Vitamin A thường được sử dụng với liều lượng lớn khoảng 200 000 đơn vị quốc tế (IU) trong 2 ngày.
Vitamin A là một loại vitamin hòa tan trong chất béo cần thiết cho sự phát triển của da, xương, các cơ quan sinh sản nam và nữ.
Việc bổ sung vitamin A được xem có khả năng làm giảm khoảng 50% tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong, và xem ra có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tổn thương mắt và tình trạng mù.
Vì tình trạng thiếu hụt vitamin A được xem gắn liền với trường hợp bệnh sởi nghiêm trọng, do đó Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization – WHO) đề xuất tất cả những trẻ em được chẩn đoán nhiễm bệnh sởi phải được bổ sung vitamin A bất kể đất nước cư trú của các trẻ, dựa trên độ tuổi, như sau:
- Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng – 50 000 IU/ngày uống bằng miệng(per os – PO) cho 2 liều
- Các trẻ em từ 6 – 11 tháng tuổi – 100 000 IU/ ngày uống bằng miệng cho 2 liều
- Trên 1 tuổi – 200 000 IU/ngày uống bằng miệng cho 2 liều
- Những trẻ em với các dấu hiệu lâm sàng bị thiếu hụt vitamin A – 2 liều đầu tiên phù hợp với độ tuổi, sau đó liều thứ ba dựa vào độ tuổi (age-specific dose) được cho sử dụng 2 – 4 tuần sau
Ghi chú:
3,33 IU vitamin A = 1 microgram
Các trẻ em bị nhiễm bệnh sởi nghiêm trọng ở Hoa Kỳ được tìm thấy có nồng độ vitamin A trong máu thấp. Do đó, 2 liều vitamin A được đề xuất cho sử dụng cách nhau 24 tiếng. Một liều thứ 3 chỉ định tuổi phải được sử dụng 2 – 4 tuần sau cho các trẻ em với các dấu hiệu lâm sàng và các triệu chứng thiếu hụt vitamin A.
Thuốc kháng virut. Virut sởi có ít khả năng đề kháng với thuốc vibavirin trong thử nghiệm. Mặc dù thuốc ribavirin (truyền qua tĩnh mạch hoặc phun) đã được sử dụng để điều trị những người thành niên bị suy giảm miễn dịch với bệnh sởi cấp tính hoặc viêm não xơ hóa bán cấp tiến triển (SSPE), nhưng chưa có thử nghiệm được kiểm soát nào được thực hiện; thuốc ribavirin không được cơ quan FDA Hoa Kỳ chấp thuận cho chỉ định này, và việc sử dụng này chỉ nên mang tính thử nghiệm. Cơ chế hoạt động của loại thuốc này vẫn chưa được xác định hoàn toàn nhưng liên quan đến sự thay đổi của tổ hợp nucleotit tế bào và sự thay đổi của các thông tin của RNA của virut.
Nguồn bổ sung:
0 comments:
Post a Comment