NGĂN NGỪA
Nếu có người trong gia đình của bạn có bệnh sởi, hãy tiến hành những sự phòng ngừa sau đây để bảo vệ các thành viên khác trong gia đình và bạn bè:
- Cách Ly. Vì bệnh sởi rất dễ lây nhiễm từ khoảng 4 ngày trước đến 4 ngày sau khi ban sởi xuất hiện, do đó những người bị nhiễm bệnh sởi không nên trở lại những sinh hoạt mà họ tương tác với những người khác trong thời gian này. Điều quan trọng là không nên để những người chưa được chủng ngừa – chẳng hạn như anh chị em trong nhà – tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh sởi.
- Tiêm Chủng. Hãy đảm bảo rằng bất kỳ ai có nguy cơ nhiễm bệnh sởi và chưa được tiêm chủng đủ liều phải được chủng ngừa bệnh sởi càng sớm càng tốt. Trường hợp này bao gồm bất kỳ ai sinh sau năm 1957 mà chưa được chủng ngừa, cũng như những trẻ sơ sinh trên 6 tháng tuổi.
Ngăn Ngừa Những Sự Nhiễm Trùng Mới
Nếu bạn đã từng bị nhiễm bệnh sởi, cơ thể của bạn đã tăng cường hệ miễn dịch để chống lại sự nhiễm trùng, do đó bạn không thể bị nhiễm bệnh sởi một lần nữa. Đa số những người sinh ra hoặc sống ở Hoa Kỳ trước năm 1957 đều có khả năng miễn nhiễm bệnh sởi, đơn giản là vì họ đã bị nhiễm bệnh sởi rồi.
Đối với những người khác, vắcxin bệnh sởi tỏ ra rất quan trọng cho:
- Việc tăng cường và duy trì khả năng miễn dịch cộng đồng. Từ khi vắcxin sởi được đưa vào sử dụng, bệnh sởi thực sự bị loại khỏi Hoa Kỳ mặc dù không phải mọi người đều được chủng ngừa. Hiệu ứng này được gọi là “tính năng miễn dịch cộng đồng”. Nhưng hiện nay tính năng miễn dịch cộng đồng bị suy giảm phần nào. Tỷ lệ nhiễm bệnh sởi ở Hoa Kỳ gần đây đã tăng gấp đôi.
- Việc ngăn ngừa bệnh sởi tái phát. Ngay sau khi tỷ lệ chủng ngừa giảm xuống, thì bệnh sởi bắt đầu quay trở lại. Vào năm 1998, một nghiên cứu đã được công bố một cách lầm lẫn cho rằng hội chứng tự kỷ (autism) có liên quan đến vắcxin bệnh sởi, bệnh quai bị (mumps) và bệnh sởi Đức (MMR vaccine). Ở Vương Quốc Liên Hiệp Anh (United Kingdom), là nơi thực hiện nghiên cứu này, tỷ lệ chủng ngừa đã xuống thấp nhất từ trước đến nay khoảng dưới 80% trong số tất cả trẻ em vào năm 2003 đến năm 2004. Vào năm 2009, trên 1100 trẻ em ở Vương Quốc Liên Hiệp Anh đã bị nhiễm bệnh sởi, từ con số chỉ có 70 trẻ em vào năm 2001.
Bệnh sởi đã bị ngăn chặn từ năm 1963 nhờ chủng ngừa. Những người không có dấu hiệu có khả năng miễn nhiễm bệnh sởi phải được xem là có nguy cơ nhiễm bệnh sởi trong khi đi du lịch ở nước ngoài. Chứng cứ có cơ sở và chấp nhận được về khả năng miễn nhiễm bệnh sởi cho những người đi du lịch nước ngoài bao gồm các tiêu chuẩn sau đây:
- Đối với những trẻ sơ sinh từ 6 – 11 tháng tuổi, có kỷ lục tiêm chủng 1 liều vắcxin virut sởi (measles-containing vaccine - MCV) sống và đối với những người trên 12 tháng tuổi, 2 liều vắcxin virut sởi sống cách nhau trên 28 ngày, vào ngày sinh nhật hoặc sau ngày sinh nhật đầu tiên.
- Chứng cứ xét nghiệm về tính năng miễn nhiễm bệnh sởi
- Chứng thực về bệnh bằng xét nghiệm
- Sinh trước năm 1957
Vắcxin
Vắcxin chứa virut sởi sống đã được làm cho suy yếu. Ở Hoa Kỳ, loại vắcxin này chỉ được sử dụng dưới hình thức các dạng phối hợp, chẳng hạn như vắcxin sởi-quai bị-sởi Đức (measles-mumps-rubella – MMR) và vắcxin sởi-quai bị-sởi Đức-thủy đậu (measles-mumps-rubella-varicella – MMRV). Vắcxin MMRV được phép cho sử dụng ở các trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi và có thể được sử dụng thay thế cho vắcxin MMR nếu chủng ngừa cho bệnh sởi, bệnh quai bị, bệnh sởi Đức, và bệnh thủy đậu là cần thiết.
Vắcxin sởi sống được giảm độc tính đầu tiên được phát triển bằng cách truyền chủng loại Edmonston vào phôi bào sợi của gà để tạo ra virut Edmonston B, đã được phép sử dụng ở Hoa Kỳ vào năm 1963. Việc truyền thêm virut Edmonston B đã tạo ra vắcxin Schwarz càng được giảm độc tính hơn mà hiện nay đang được sử dụng như loại vắcxin tiêu chuẩn ở nhiều nước trên thế giới. Chủng loại vắcxin Moraten (“càng ít tính độc hơn”) - đã được cấp phép vào năm 1968 và được sử dụng ở Hoa Kỳ - có mối liên hệ chặt chẽ về di truyền với chủng vắcxin Schwarz.
Các vắcxin sởi được làm khô lạnh có thể nói là tương đối ổn định, nhưng vắcxin được pha chế lại (reconstituted vaccine: pha trộn bột vắcxin khô với một loại dung môi để vắcxin có thể tiêm vào cơ thể) sẽ nhanh chóng bị mất hiệu lực. Các loại vắcxin sởi sống giảm tính độc bị ánh sáng và nhiệt làm mất hoạt tính và mất đi khoảng phân nửa hiệu lực ở nhiệt độ 20oC và mất hết hiệu lực ở nhiệt độ 37oC trong vòng 1 giờ sau khi được pha chế lại. Do đó, vắcxin phải được bảo quản bằng dây chuyền làm lạnh (cold chain) trước và sau khi được pha chế lại. Các kháng thể xuất hiện đầu tiên trong khoảng từ 12 – 15 ngày sau khi chủng ngừa và đạt mức tối đa trong khoảng từ 1 – 3 tháng. Các loại vắcxin sởi thường được kết hợp với các loại vắcxin virut sống giảm tính độc khác, chẳng hạn như các loại vắcxin bệnh quai bị và bệnh sởi Đức (MMR), và bệnh quai bị, bệnh sởi Đức và bệnh thủy đậu (MMRV).
Độ tuổi được đề xuất tiêm chủng đầu tiên là từ 6 – 15 tháng tuổi, điều này nói lên một sự cân bằng giữa độ tuổi tốt nhất cho quá trình sản sinh kháng thể và xác suất nhiễm bệnh sởi trước độ tuổi đó. Tỷ lệ các trẻ em phát triển mức kháng thể có khả năng bảo vệ sau khi chủng ngừa bệnh sởi là khoảng 85% vào 9 tháng tuổi và 95% vào 12 tháng tuổi. Các căn bệnh của trẻ em đồng phát với thời gian tiêm chủng có thể làm giảm mức độ đáp ứng miễn dịch, nhưng các chứng bệnh này không phải là lý do hợp lý để từ chối không chủng ngừa. Các vắcxin bệnh sởi dễ dung nạp và dễ tạo ra đáp ứng miễn dịch ở các trẻ em và người thành niên bị nhiễm HIV loại 1, mặc dù mức kháng thể có thể bị suy yếu. Vì mức độ nghiêm trọng tiềm tàng của tình trạng nhiễm virut sởi dạng tự nhiên ở những trẻ em bị nhiễm HIV loại 1, cho nên việc chủng ngừa bệnh sởi định kỳ được đề xuất ngoại trừ những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng. Chủng ngừa bệnh sởi chống chỉ định (cấm sử dụng) cho những cá nhân với các tình trạng thiếu hụt tính năng miễn dịch tế bào nghiêm trọng bởi vì khả năng mắc bệnh do nhiễm hệ thần kinh trung ương và phổi với virut vắcxin.
Những người đi du lịch nước ngoài, bao gồm những người đi du lịch đến những nước công nghiệp hóa, nếu không có chứng cứ hiển nhiên có khả năng miễn nhiễm bệnh sởi và không chống chỉ định với vắcxin MCV, đều phải tiêm chủng vắc xin MCV trước khi đi du lịch theo các hướng dẫn sau đây:
- Các trẻ sơ sinh từ 6 – 11 tháng tuổi phải tiếp nhận tiêm chủng 1 liều MCV. Các trẻ sơ sinh được tiêm chủng trước 12 tháng tuổi phải được tái chủng ngừa vào ngày sinh nhật hoặc sau ngày sinh nhật thứ nhất với 2 liều MCV cách nhau từ 28 ngày trở lên. Vắcxin MMRV không được phép tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi.
- Các trẻ em chưa đủ tuổi vào mẫu giáo (preschool children) và các trẻ em đủ tuổi đến trường (trên 12 tháng tuổi) phải được tiêm chủng 2 liều vắcxin MCV cách nhau từ 28 ngày trở lên.
- Những người thành niên được sinh vào năm 1957 hoặc sau năm 1957 phải được tiêm chủng 2 liều vắcxin MCV cách nhau từ 28 ngày trở lên
Một liều vắc xin MCV mang lại 85% tính hiệu quả nếu được tiêm chủng vào 9 tháng tuổi và lên đến 95% tính hiệu quả nếu được tiêm chủng vào thời điểm từ 1 tuổi trở lên. Trên 99% số người tiếp nhận 2 liều vắcxin MCV phát triển chứng cứ huyết thanh học về tính năng miễn dịch bệnh sởi.
Thời gian miễn dịch do vắcxin tạo ra kéo dài ít nhất là vài thập kỷ. Tỷ lệ thất bại của vắcxin thứ hai từ 10 – 15 năm sau khi tiêm chủng đã được ước tính với tỷ lệ xấp xỉ 5% nhưng có lẽ là thấp hơn khi được chủng ngừa sau 12 tháng tuổi. Hàm lượng kháng thể bị sụt giảm không nhất thiết kéo theo khả năng miễn dịch bảo vệ bị mất đi hoàn toàn: đáp ứng miễn dịch thứ hai thường phát triển sau khi tái tiếp xúc với virut bệnh sởi, với sự gia tăng nhanh nồng độ kháng thể trong sự vắng mặt của bệnh lâm sàng rõ rệt. Các liều vắcxin bệnh sởi tiêu chuẩn được phép sử dụng hiện nay tỏ ra an toàn cho những người thành niên và trẻ em bị suy giảm miễn dịch. Hiện tượng sốt đến 39,4oC (103oF) xảy ra trong khoảng 5% số người tiếp nhận vắcxin có kết quả huyết thanh âm tính (seronegative), và 2% số người tiếp nhận vắcxin phát ban tạm thời. Tình trạng giảm tiểu huyết cầu nhẹ, tạm thời đã được báo cáo, với tỷ lệ xấp xỉ 1/40000 liều vắc xin MMR.
Vắcxin MCV và kháng thể globulin miễn dịch (IG) có thể hiệu quả dưới hình thức phòng bệnh sau khi tiếp xúc (postexposure prophylaxis). Vắcxin MCV, nếu được tiêm chủng trong vòng 72 giờ sau lần tiếp xúc đầu tiên với virut sởi, có thể bảo vệ được phần nào. Nếu sau khi tiếp xúc không bị nhiễm bệnh, thì vắcxin này sẽ giúp phòng chống tình trạng nhiễm virut sởi tiếp theo. Kháng thể IG có thể được sử dụng để ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ bệnh sởi ở những người dễ nhiễm bệnh khi được tiêm chủng trong vòng 6 ngày sau khi tiếp xúc. Tuy nhiên, bất kỳ tính năng miễn dịch nào có được đều là tạm thời trừ khi bệnh sởi điển hình hoặc biến thể xảy ra, và những người này phải được tiêm chủng vắcxin MCV từ 5 – 6 tháng sau khi sử dụng kháng thể IG.
Tính An Toàn của Vắcxin và Các Phản Ứng Gây Hại
Trong các trường hợp hiếm, việc tiêm chủng vắcxin MMR liên quan đến các phản ứng có hại sau đây:
- Phản vệ (Anaphylaxis – khoảng 1 đến 3,5 trường hợp/triệu liều được tiêm chủng)
- Giảm số lượng tiểu huyết cầu (1 trường hợp/25000 liều trong thời gian 6 tuần sau khi chủng ngừa)
- Co giật do sốt (febrile seizures – nguy cơ các cơn co giật do sốt tăng gấp 3 lần từ 8 – 14 ngày sau khi tiếp nhận vắcxin MMR, nhưng nhìn chung, tỷ lệ co giật do sốt sau khi tiêm chủng MCV thấp hơn nhiều so với tỷ lệ sau khi nhiễm bệnh sởi).
- Các triệu chứng ở khớp (Đau dây thần kinh khớp [Arthralgia] phát triển trong số 25% những phụ nữ sau dậy thì do thành phần sởi Đức trong vắcxin MMR. Khoảng 10% có các dấu hiệu và triệu chứng giống viêm khớp cấp tính mà thường kéo dài từ 1 đến 3 tuần và hiếm khi tái phát. Các triệu chứng khớp mãn tính là khá hiếm, nếu thực sự có xảy ra).
Chứng cứ không chứng minh được mối liên hệ giữa việc chủng ngừa MMR và bất kỳ tình trạng nào sau đây: mất khả năng nghe (hearing loss), bệnh võng mạc (retinopathy), viêm dây thần kinh thị giác (optic neuritis), liệt dây thần kinh mắt (ocular palsy), hội chứng Guillain-Barré (Guillain-Barré syndrome: một rối loạn trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tấn công một phần của hệ thống thần kinh ngoại biên, các triệu chứng đầu tiên bao gồm các mức độ yếu nhược hoặc các cảm giác ngứa ran ở chân), mất khả năng phối hợp vận động tiểu não (cerebellar ataxia), bệnh Crohn, hoặc bệnh tự kỷ. Một báo cáo được công bố về tiêm chủng vắcxin MMR và bệnh viêm ruột (inflammatory bowel disease) và các rối loạn phát triển lan rộng (chẳng hạn như bệnh tự kỷ) chưa bao giờ được các nghiên cứu khác sao chép, và sau đó đã được chứng minh là không chính xác và tạp chí này đã hủy bỏ bài đăng này.
Khi được so sánh với việc sử dụng vắcxin MMR và vắcxin thủy đậu vào cùng thời điểm thăm khám, thì việc sử dụng vắcxin MMRV được xem gắn liền với nguy cơ cao hơn bị sốt và bị co giật do sốt từ 5 – 12 ngày sau khi tiêm chủng liều đầu tiên cho các trẻ em từ 12 – 23 tháng tuổi, và thêm 1 trường hợp co giật do sốt/2300 – 2600 liều vắcxin MMRV được tiêm chủng. Sử dụng riêng biệt vắcxin MMR và vắcxin thủy đậu sẽ tránh được nguy cơ gia tăng bị sốt và các trường hợp co giật do sốt.
Các Biện Pháp Phòng Ngừa và Chống Chỉ Định
Dị Ứng
Những người bị dị ứng nghiêm trọng (nổi mày đay, sưng miệng hoặc họng, khó thở, giảm huyết áp, và sốc) với gelatin và neomycin, hoặc những người đã từng bị dị ứng nghiêm trọng với một liều vắcxin MMR hoặc MMRV trước đây, không nên tái tiêm chủng. Vắcxin MMR và MMRV có thể được sử dụng cho những người bị dị ứng với trứng mà trước đây không xét nghiệm da định kỳ hoặc sử dụng các phương pháp đặc biệt.
Ức Chế Miễn Dịch
Tình trạng sao chép các virut của vắcxin tăng lên có thể xảy ra ở những người có các rối loạn suy giảm miễn dịch. Tử vong do nhiễm virut sởi liên quan đến vắcxin đã được báo cáo trong số những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng. Do đó, những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng không nên tiêm chủng vắcxin MMR hoặc vắcxin MMRV.
- Những người bị bệnh bạch cầu (leukemia) trong thời gian thuyên giảm, và không trị liệu hóa học, và không có khả năng miễn nhiễm bệnh sởi khi được chẩn đoán bị bệnh bạch cầu có thể tiếp nhận vắcxin MMR. Ít nhất cần đến 3 tháng sau khi ngưng trị liệu hóa học trước khi tiêm chủng liều đầu tiên.
- Việc chủng ngừa vắcxin MMR được đề xuất cho tất cả những người bị nhiễm HIV trên 12 tháng tuổi và không có khả năng miễn dịch hoặc bị ức chế miễn dịch nghiêm trọng (phần trăm bạch cầu T CD4 chỉ định tuổi ≥ 15% trên tổng số hoặc số lượng CD4 ≥ 200 tế bào lympho/mm3cho những người từ 5 tuổi trở lên).
- Những người đã tiếp nhận trị liệu corticosteroid liều cao (thông thường, được xem là > 20 mg prednisone hoặc liều tương đương mỗi ngày hoặc cách ngày trong khoảng 14 ngày trở lên) nên tránh tiêm chủng vắcxin MMR hoặc MMRV trong hơn 1 tháng sau khi ngưng trị liệu steroid.
- Những người đã tiếp nhận trị liệu corticosteroid liều cao mỗi ngày hoặc cách ngày trong khoảng chưa đến 14 ngày thường có thể được tiêm chủng bằng vắcxin MMR hoặc MMRV ngay sau khi ngưng điều trị, mặc dù một số chuyên gia đề xuất chờ cho đến 2 tuần sau khi hoàn tất quá trình trị liệu.
- Trị liệu ức chế miễn dịch khác: thông thường, vắcxin MMR hoặc MMRV không được sử dụng từ 3 tháng trở lên sau khi ngưng trị liệu ức chế miễn dịch và sau khi căn bệnh đang hiện diện được thuyên giảm. Khoảng thời gian này được tính toán dựa trên các giả thuyết cho rằng đáp ứng miễn dịch sẽ được khôi phục trong vòng 3 tháng và căn bệnh đang hiện diện mà trị liệu ức chế miễn dịch được tiến hành sẽ duy trì trong giai đoạn thuyên giảm.
Giảm Số Lượng Tiểu Huyết Cầu
Các lợi ích của lần tiêm chủng đầu tiên thường vượt trội các nguy cơ bị giảm tiểu huyết cầu (thrombocytopenia). Tuy nhiên, việc tránh tiêm chủng liều vắcxin MMR hoặc MMRV tiếp theo có thể là cần thiết nếu xảy ra tình trạng giảm tiểu huyết cầu trong vòng 6 tuần sau một liều vắcxin ban đầu.
Các Triệu Chứng của Các Phản Ứng Nghiêm Trọng Với Việc Tiêm Chủng
Mặc dù các phản ứng nghiêm trọng thường là rất hiếm, nhưng các bậc phụ huynh phải biết cách ứng phó.
Hãy điện thoại ngay cho bác sĩ nếu con trẻ có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Sốt Cao. Nhiệt độ đo ở hậu môn là 105 °F (40,5 oC) hoặc cao hơn. (Nhiệt độ được đo ở nách hoặc miệng thường thấp hơn thân nhiệt thực sự).
- Khóc Không Ngừng. Con trẻ đã khóc trên 3 tiếng đồng hồ mà không ngừng hoặc khóc một cách không bình thường, chẳng hạn khóc thét.
- Các Cơn Co Giật. Cơ thể của cháu bé bắt đầu rung lắc, giật giật, hoặc giật mạnh. Đây thường là sự phản ứng lại tình trạng sốt cao. Hãy đặt cháu bé nằm úp mặt xuống với đầu nghiêng sang một bên, để bảo vệ đầu không va chạm phải các vật cứng. Hãy đảm bảo rằng cháu bé có thể thở được một cách tự nhiên. Cơn co giật do sốt sẽ tự ngưng lại trong vòng từ vài giây cho đến 10 phút.
Hãy đưa cháu bé đi cấp cứu ngay nếu cháu bé có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Sốc. Cháu bé ngã quỵ, xanh xao, và bất tỉnh.
- Phản Ứng Phản Vệ Nghiêm Trọng. Sưng ở miệng và họng, thở khò khè và khó thở, chóng mặt. Cháu bé bị ngã quỵ hoặc trở nên xanh xao và đi khập khiểng.
Hãy điện thoại cho bác sĩ nếu các triệu chứng sau đây kéo dài trên 24 giờ:
- Chỗ tiêm chủng vẫn bị ửng đỏ và chạm vào đau
- Không giảm sốt
- Cháu bé vẫn cảm thấy khó chịu
Các Tác Dụng Phụ của Vắcxin MMR
Các tác dụng phụ do tiêm chủng vắc xin MMR bao gồm sốt, phát ban, và đau khớp. Đa số các tác dụng phụ này thường ít xảy ra sau khi tiêm liều thứ hai. Tuy nhiên, các trẻ thiếu niên và người thành niên sau khi tiếp nhận loại vắcxin này sẽ có nhiều khả năng bị đau và cứng khớp.
Sốt. Khoảng 5 – 15% số người được tiêm chủng với bất kỳ vắcxin virut sởi sống nào cũng phát sốt khoảng 103 °F (39,4 oC) hoặc cao hơn, thường trong vòng từ 5 – 15 ngày sau khi tiêm chủng. Cơn sốt thường kéo dài 1 hoặc 2 ngày nhưng có thể kéo dài đến 5 ngày. Ở những trẻ nhỏ, các cơn co giật có thể xảy ra do sốt cao 8 – 14 ngày sau khi chủng ngừa, nhưng các cơn co giật này hiếm khi xảy ra và hầu như không có các tác dụng phụ lâu dài.
Sưng Tuyến. Vắcxin quai bị có thể gây sưng nhẹ ở các tuyến cư trú gần tai.
Đau Khớp. Lên đến 25% số phụ nữ bị đau khớp từ 1 – 3 tuần sau khi tiêm chủng virut bệnh sởi Đức sống; tình trạng này kéo dài từ 1 ngày đến 3 tuần. Tình trạng đau như vậy thường không ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày. Trong các trường hợp hiếm, tình trạng này sẽ tái phát hoặc trở nên mãn tính.
Phản Ứng Dị Ứng. Những người có các dị ứng phản vệ (các phản ứng rất nghiêm trọng) với trứng hoặc neomycin sẽ có nguy cơ cao bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vắcxin MMR. Những người bị dị ứng không gây ra sốc phản vệ (anaphylactic shock) với các chất này sẽ không có nguy cơ cao bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vắcxin. Các phản ứng dị ứng nhẹ, bao gồm phát ban và ngứa, có thể xảy ra ở một số người. Tình trạng phát ban xảy ra trong số khoảng 5% những người được tiêm chủng với vắcxin sởi sống. Việc tiêm chủng vắcxin quai bị sống gây phát ban và ngứa, nhưng các triệu chứng này thường xảy ra ở mức độ nhẹ.
Tương Tác với Xét Nghiệm Bệnh Lao. Vắc xin bệnh sởi sống có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm bệnh lao, do đó phải được tiến hành cách nhau ít nhất từ 4 – 6 tuần. Không có chứng cứ cho thấy rằng vắcxin này gây tác hại cho bệnh lao.
Nhiễm Bệnh Nhẹ. Trường hợp nhiễm bệnh sởi nhẹ và không có các triệu chứng có thể phát triển ở những người trước đây đã được chủng ngừa mà họ tiếp xúc với virut, cho dù tình trạng nhiễm bệnh sởi nhẹ này có thể không có hậu quả nghiêm trọng.
Ban Xuất Huyết Giảm Tiểu Cầu Tự Phát. Trong khoảng 1/22,300 liều, vắcxin MMR có thể gây ra một rối loạn xuất huyết hiếm có tên là ban xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát (idiopathic thrombocytopenic purpura - ITP). Rối loạn này có thể gây ra đốm màu tím giống vết thâm tím mà có thể lan khắp cơ thể, chảy máu mũi, hoặc các đốm đỏ nhỏ. Tình trạng này thường xảy ra nhẹ và tạm thời. (Lưu ý, nguy cơ bị rối loạn ITP thường cao hơn nhiều đối với những trường hợp nhiễm bệnh thực sự, đặc biệt là bệnh sởi Đức).
Có nhiều sự tranh cãi về những báo cáo không căn cứ về các tác dụng phụ lên hệ thần kinh do vắc xin MMR gây ra. Đây là một sự lo ngại lớn vì các báo cáo như vậy đã dẫn đến một sự sụt giảm trong vấn đề chủng ngừa ở một số khu vực, đặc biệt là các khu vực trung lưu ở Anh Quốc, ở đây tỷ lệ chủng ngừa đã giảm xuống từ 92% vào năm 1996 đến 84% hiện tại. Ở đây, những đợt bùng phát bệnh sởi đang leo thang, và các bác sĩ lo ngại rằng trừ khi tỷ lệ chủng ngừa tăng nhanh, nếu không con số các ca nhiễm bệnh sẽ gia tăng đáng kể. Những khu vực này và một số vùng khác, một số cha mẹ lầm lẫn tin rằng những mối nguy hiểm do chủng ngừa còn lớn hơn bệnh nguy hiểm này ở trẻ em mà chỉ có người lớn nhớ được. Điều lưu ý quan trọng là bệnh sởi vẫn gây ra khoảng 745 000 trường hợp tử vong ở các trẻ em không được chủng ngừa, đây là những trẻ sống ở các nước chưa phát triển, chủ yếu là ở Châu Phi.
Đa số thông tin đại chúng đã tập trung vào mối liên hệ tiềm tàng giữa vắcxin MMR, loại vắcxin này được đưa vào sử dụng năm 1988, và một dạng khác của bệnh tự kỷ bao gồm bệnh viêm ruột và tình trạng suy giảm phát triển hành vi (impaired behavioral development).
Mặc dù có nhiều thông tin đại chúng, nhưng không có chứng cứ cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêm chủng vắc xin MMR và sự phát triển của hội chứng tự kỷ. Trang mạng của Trung Tâm Phòng Chống và Kiểm Soát Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) cung cấp rất nhiều thông tin về vấn đề này. Truyền thông đại chúng đã báo cáo sai lệch về mối liên hệ tiềm tàng giữa bệnh tự kỷ và vắcxin MMR khi gây ra sự tranh cãi trong cộng đồng các nhà khoa học, nhưng hầu như tất cả các chuyên gia đều bác bỏ bất kỳ mối liên hệ nào giữa bệnh tự kỷ và vắcxin MMR. Thật vậy, các báo cáo về các triệu chứng liên quan đến bệnh tự kỷ chỉ tăng lên sau khi truyền thông lan rộng về tác dụng phụ này.
Từ lúc công bố một báo cáo vào năm 1998 giả thuyết rằng vắcxin MMR có thể gây ra hội chứng tự kỷ và viêm ruột, đa số truyền thông công cộng đã tập trung vào mối tương quan được giả định này. Các sự kiện theo sau việc công bố của báo cáo này đã dẫn đến tình trạng sụt giảm tiêm chủng ở Liên Hiệp Vương Quốc Anh và đưa ra những bài học quan trọng về sự giải thích sai lầm chứng cứ bệnh dịch và sự truyền đạt các kết quả khoa học cho công chúng. Báo cáo này đưa ra các trường hợp bao gồm 12 trẻ em bị rối loạn giảm phát triển và viêm ruột mãn tính (chronic enterocolitis); 9 trong số các trẻ em này bị chứng tự kỷ. Đối với 8 trong số 12 trường hợp, các cha mẹ đã liên kết sự xuất hiện của tình trạng chậm phát triển với việc chủng ngừa vắcxin MMR. Mối tương quan tạm thời này đã bị diễn dịch sai và đã được xem như là một mối liên hệ nhân quả, đầu tiên từ tác giả chỉ đạo cuộc nghiên cứu và sau đó là từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Kết quả là, một vài kiểm tra xem xét trên diện rộng và các nghiên cứu dịch tễ học đã bác bỏ chứng cứ về mối liên hệ nhân quả giữa vắcxin MMR và chứng tự kỷ.
Các lợi ích tiềm tàng từ việc tiếp nhận vắcxin MMR vượt trội các tác dụng gây hại. Bệnh sởi, bệnh quai bị, và bệnh sởi Đức là những căn bệnh rất nghiêm trọng và mỗi căn bệnh đều có thể có những biến chứng dẫn đến tình trạng tàn tật cả đời hoặc thậm chí tử vong. Tỷ lệ xuất hiện các biến chứng này, liên quan đến những căn bệnh thực sự, còn lớn hơn nguy cơ phát triển những tác dụng phụ gây hại nghiêm trọng, hoặc vừa phải, do tiêm chủng vắcxin MMR.
Triển Vọng Diệt Trừ Bệnh Sởi
Tiến trình kiểm soát bệnh sởi toàn cầu đã thảo luận về việc diệt trừ bệnh sởi. Trái với tiến trình diệt trừ virut gây bệnh viêm tủy xám (poliovirus), việc diệt trừ bệnh sởi sẽ không bao gồm những thách thức do tiêm nhiễm những virut vắcxin có tính độc khá lâu và nguồn virut trong môi trường tạo ra. Tuy nhiên, khi so sánh với tiến trình diệt trừ bệnh đậu mùa, khả năng miễn dịch cộng đồng cao sẽ rất cần thiết để ngăn chặn sự lây truyền virut bệnh sởi, cần thêm nhiều nhân viên y tế có chuyên môn cao để thực hiện việc tiêm chủng bệnh sởi, và việc ngăn chặn virut bệnh sởi thông qua phát hiện ca nhiễm bệnh và chủng ngừa vòng (ring vaccination: chủng ngừa tất cả những người có nguy cơ nhiễm bệnh trong khu vực được chỉ định xảy ra sự bùng phát bệnh dịch) sẽ khó khăn hơn vì khả năng nhiễm bệnh trước khi phát ban. Các phương pháp mới, chẳng hạn như phun vắcxin bệnh sởi, sẽ giúp ích cho các chiến dịch chủng ngừa đại chúng. Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể, nhưng bệnh sởi vẫn là một nguyên nhân (có thể tránh khỏi bằng chủng ngừa) gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên khắp thế giới và tiếp tục gây ra những đợt bùng phát trong các cộng đồng có tỷ lệ chủng ngừa thấp ở các nước công nghiệp hóa.
Nguồn bổ sung:
XEM PHẦN TIẾP THEO
0 comments:
Post a Comment