Sunday, May 4, 2014

BỆNH SỞI (MEASLES) - Do LQT Biên Dịch


CÁC XÉT NGHIỆM VÀ CHẨN ĐOÁN

Bác sĩ của bạn thường có thể chẩn đoán bệnh sởi dựa trên ban sởi đặc thù của căn bệnh cũng như các đốm Koplik nhỏ, có màu đỏ tươi trên nội mạc miệng.  Nếu cần thiết, xét nghiệm máu có thể được sử dụng để chứng thực tình trạng phát ban đó là ban sởi.

Việc chẩn đoán bệnh sởi phần lớn là lâm sàng, có nghĩa là hình dạng bên ngoài và tiền sử bệnh của bệnh nhân giúp đưa ra kết quả chẩn đoán.  Đối với một cá nhân được biết đã tiếp xúc với một người bị nhiễm bệnh sởi hoặc đi du lịch đến một nước khác, bệnh sởi phải luôn được cân nhắc khi đối diện với một bệnh nhân bị sốt cao và phát ban đặc thù.  Cho đến khi ban đỏ xuất hiện, sự hiện diện của các đốm Koplik cũng có thể giúp đưa ra kết quả chẩn đoán.  Phần lớn các trường hợp bị nghi ngờ nhiễm bệnh sởi ở Hoa Kỳ hóa ra không phải là bệnh sởi.  Các chuyên gia đề xuất rằng việc chẩn đoán phải được chứng thực bằng xét nghiệm máu cho kháng thể IgM, đây là một loại kháng thể chống lại virut sởi.  Nếu kết quả xét nghiệm IgM là dương tính, thì cần phải tiến hành xét nghiệm nuôi cấy virut (viral culture).

Chẩn đoán lâm sàng sẽ trở nên khó khăn (1) trong thời gian bệnh tiền triệu; (2) khi ban sởi bị giảm dần do các kháng thể được tiếp nhận thụ động hoặc trước đây được chủng ngừa; (3) khi ban sởi lặn đi hoặc phát ban trễ ở những trẻ em bị suy giảm khả năng miễn dịch hoặc thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng với khả năng miễn dịch tế bào bị suy yếu; và (4) ở những khu vực có tỷ lệ nhiễm bệnh sởi thấp đồng thời các sinh vật gây bệnh khác là nguyên nhân gây ra đa số các trường hợp bệnh với hiện tượng sốt và phát ban.

Mặc dù việc chẩn đoán bệnh sởi thường được xác định từ hình ảnh lâm sàng kinh điển, nhưng việc xác định và chứng thực bằng xét nghiệm của việc chẩn đoán là rất cần thiết cho sức khỏe cộng đồng và sự kiểm soát sự bùng phát.  Việc chứng thực bằng xét nghiệm đạt được nhờ các phương pháp sau đây:

-      Xét nghiệm huyết thanh cho hàm lượng các kháng thể IgM chỉ định sởi (measles-specific IgM) hoặc IgG
-      Cách ly virut sởi
-      Đánh giá phản ứng chuỗi reverse-transcriptase polymerase (RT-PCR: được dùng để phát hiện mức độ thể hiện RNA)

Xét nghiệm huyết thanh (serologic testing), thường được thực hiện bằng xét nghiệm miễn dịch liên kết men (enzyme-linked immunoassay – ELISA hoặc EIA), có thể được sử dụng để xác định bệnh nếu được tiến hành vào thời điểm thích hợp.  Thông thường, một người dễ nhiễm bệnh tiếp xúc với vắcxin hoặc virut sởi tự nhiên trước tiên sẽ tiến hành một đáp ứng miễn dịch IgM (IgM response) và sau đó là đáp ứng miễn dịch IgG(IgG response).  Đáp ứng miễn dịch IgM chỉ là tạm thời (1 – 2 tháng), và đáp ứng miễn dịch IgG sẽ kéo dài trong vài năm.  Những cá nhân không bị nhiễm bệnh sẽ có kết quả âm tính IgM và âm tính IgG hoặc dương tính IgG, phụ thuộc vào tiền sử nhiễm bệnh trước đây.

Việc cách ly virut sởi không được khuyến khích như một phương pháp định kỳ để chẩn đoán bệnh sởi.  Tuy nhiên, các trường hợp cách ly virut tỏ ra hết sức quan trọng trong việc giám sát dịch tễ học phân tử nhằm giúp xác định nguồn gốc địa lý của virut này và các chủng virut tuần hoàn ở Hoa Kỳ.

Hàm lượng kháng thể IgM chỉ định bệnh sởi

-      Thu thập mẫu máu vào ngày thứ ba sau khi phát ban hoặc bất kỳ ngày nào sau đó lên đến 1 tháng sau khi bắt đầu
-      Mức kháng thể IgM huyết thanh của bệnh sởi duy trì dương tính 30 – 60 ngày sau phát bệnh ở đa số các cá nhân nhưng có thể không phát hiện được ở một số người ở tuần thứ 4 sau khi bắt đầu phát ban
-      Các kết quả dương tính lầm lẫn có thể xảy ra ở các bệnh nhân bị các dạng bệnh thấp khớp (rheumatologic disease), nhiễm virut parvovirus B19, hoặc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân truyền nhiễm (infectious mononucleosis: thường do virut Epstein-Barr gây ra, qua đường nước bọt, nên thỉnh thoảng được gọi là bệnh hôn [kissing disease]).

Một loạt các xét nghiệm cho các kháng thể IgG để xác định bệnh sởi đều có sẵn và bao gồm xét nghiệm ELISA, xét nghiệm ức chế dính kết hồng cầu (hemagglutination inhibition - HI), các xét nghiệm kháng thể huỳnh quang gián tiếp(indirect fluorescent antibody test), xét nghiệm trung hòa (microneutralization), và xét nghiệm trung hòa giảm mảng (plaque reduction neutralization). 

Xét nghiệm ELISA cho kháng thể IgM chỉ đòi hỏi một mẫu huyết thanh và được dùng cho chẩn đoán nếu dương tính.  Xét nghiệm tham khảo được ưa chuộng là một loại xét nghiệm IgM (capture IgM test) được trung tâm CDC phát triển.  Xét nghiệm này được sử dụng để chứng thực mỗi trường hợp bệnh sởi mà họ được báo cáo có một dạng chứng thực bằng xét nghiệm khác.  Các xét nghiệm IgM của trung tâm CDC cho bệnh sởi thường có kết quả dương tính vào ngày bắt đầu phát ban.  Tuy nhiên, vào 72 giờ đầu tiên sau khi phát ban, lên đến 20% các xét nghiệm cho IgM có thể cho ra các kết quả âm tính sai lầm (false-negative result).  Các xét nghiệm âm tính vào 72 giờ đầu tiên sau khi phát ban phải được tiến hành trở lại.  Kháng thể IgM được phát hiện trong ít nhất 28 ngày sau khi phát ban và thường lâu hơn.

Hàm lượng kháng thể IgG chỉ định bệnh sởi

-      Số lượng các kháng thể IgG tăng gấp 4 lần khi được so sánh giữa huyết thanh của trường hợp bệnh cấp tính và huyết thanh của trường hợp bệnh đang hồi phục sẽ chứng thực bệnh sởi
-      Các mẫu xét nghiệm trường hợp cấp tính phải được thu thập vào ngày thứ 7 sau khi phát ban
-      Các mẫu xét nghiệm trường hợp đang hồi phục phải được thu thập từ 10 – 14 ngày sau khi mẫu xét nghiệm cấp tính được thu thập
-      Huyết thanh cấp tính và huyết thanh đang hồi phục phải được xét nghiệm cùng lúc như các mẫu huyết thanh ghép đôi

Các xét nghiệm cho kháng thể IgG cần đến 2 mẫu huyết thanh, và kết quả chẩn đoán chỉ được chứng thực sau khi mẫu thứ hai được thu thập.  Do đó, các xét nghiệm IgM thường được sử dụng để chứng thực kết quả chẩn đoán bệnh sởi.

Nuôi cấy virut (viral culture)

-      Các mẫu virut lấy từ họng và mũi có thể được gửi đi bằng chất vận chuyển virut hoặc bằng tăm bông lấy mẫu virut (viral culturette swab)
-      Mẫu nước tiểu có thể được gửi đi bằng một hộp (lọ) được khử trùng
-      Phương pháp xác định chuỗi DNA của virut ở phòng xét nghiệm tham khảo có thể xác định được virut bị cô lập là dịch địa phương hay được du nhập vào từ nơi khác
-      Ở các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, việc cô lập virut hoặc xác định kháng nguyên bệnh sởi bằng phương pháp nhuộm huỳnh quang miễn dịch (immunofluorescence) có thể là phương pháp khả thi duy nhất để chứng thực kết quả chẩn đoán

Phản ứng chuỗi polymerase

-      Phản ứng chuỗi RT-PCR, nếu có, có thể nhanh chóng chứng thực bệnh nhân bị bệnh sởi
-      Các mẫu máu, họng, mũi họng (nasopharyngeal), hoặc nước tiểu có thể được sử dụng
-      Các mẫu xét nghiệm phải được thu thập vào lúc mới tiếp xúc với cá nhân bị nghi ngờ nhiễm bệnh sởi

Báo cáo trường hợp bị nghi ngờ nhiễm bệnh sởi

-      Báo cáo ngay các trường hợp bị nhiễm bệnh sởi cho cơ quan y tế địa phương hoặc tiểu bang là việc cấp thiết và bắt buộc.  Tiêu chuẩn ca lâm sàng của cơ quan CDC Hoa Kỳ cho các mục đích báo cáo chỉ đòi hỏi các điều kiện sau đây:
-      Phát ban lan rộng kéo dài 3 ngày hoặc lâu hơn
-      Thân nhiệt 101,0oF (38,3oC) hoặc cao hơn
-      Ho, chảy mũi, hoặc viêm màng kết (đỏ mắt)

Đối với các mục đích báo cáo cho trung tâm CDC Hoa Kỳ, các trường hợp được phân loại như sau:

-      Bị nghi ngờ: Bị sốt đi kèm phát ban
-      Có khả năng: Trường hợp đáp ứng tiêu chuẩn ca lâm sàng, không có xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm virut, không có mối liên hệ (về dịch tễ học) với một trường hợp bệnh được chứng thực
-      Được chứng thực: Trường hợp nhiễm bệnh được chứng thực bằng xét nghiệm hoặc đáp ứng tiêu chuẩn ca lâm sàng và có mối liên hệ (về dịch tễ học) với một trường hợp bệnh được chứng thực; trường hợp bệnh được chứng thực bằng xét nghiệm không cần phải đáp ứng tiêu chuẩn ca lâm sàng

Có rất nhiều bệnh nhiễm trùng và một số tình trạng bệnh lý khác có thể gây ra một số triệu chứng của bệnh sởi, bao gồm một số như, sốt xuất huyết (dengue fever), phát ban do thuốc, nhiễm virut đường ruột và dạ dày, bệnh sởi Đức, bệnh Kawasaki, ban đào (roseola), và hội chứng sốc độc tố do vi khuẩn (toxic shock syndrome).  Điều quan trọng là các trường hợp bị nghi ngờ phải được các chuyên gia y tế thăm khám và tiến hành các xét nghiệm thích hợp.


Nguồn bổ sung:
















0 comments:

Post a Comment