Friday, December 21, 2012

VITAMIN D - Do LQT Biên Dịch


KIẾN THỨC TỔNG QUÁT

Vitamin D là một loại vitamin hòa tan trong chất béo, hiện diện một cách tự nhiên trong một vài loại thực phẩm, chẳng hạn như cá, trứng, sữa được tăng cường nhiều chất dinh dưỡng (fortified milk), và dầu gan cá tuyết (cod liver oil: dầu gan cá moruy).  Ánh sáng mặt trời cũng góp phần đáng kể vào quá trình sản sinh vitamin D mỗi ngày, và chỉ cần 10 phút tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mỗi ngày cũng được xem là đủ để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vitamin D.  Vitamin D có được từ ánh sáng mặt trời, thực phẩm, và thực phẩm chức năng là dạng không hoạt tính sinh học và cần phải tiến hành hai phản ứng hydroxyl hóa (hydroxylation) trong cơ thể để hoạt hóa.  Phản ứng ban đầu xảy ra ở gan, chuyển hóa vitamin D3 thành 25-hydroxyvitamin D [25(OH)D], còn được gọi là calcidiol.  Phản ứng thứ hai chủ yếu xảy ra ở thận, hình thành dạng hoạt tính 1,25-dihydroxyvitamin D [1,25(OH)2D], còn được gọi là calcitriol.  Chữ “vitamin D” ám chỉ đến nhiều dạng vitamin D khác nhau.  Hai dạng vitamin D quan trọng ở người là: ergocalciferol (vitamin D2) và cholecalciferol (vitamin D3).  Vitamin D2 được tổng hợp bởi các loài thực vật.  Vitamin D3 được tổng hợp ở da con người khi tiếp xúc với tia cực tím B(ultraviolet B – UVB) từ ánh sáng mặt trời.  Thực phẩm có thể được tăng cường bằng vitamin D2 hoặc D3.


UV light: Ánh sáng tia cực tim (tia tử ngoại)
Skin: Da
Intestines: Ruột
Vitamin D3 in food: Vitamin D3 trong thức ăn
Liver: Gan
Kidney: Thận
Blood vessel: Mạch máu
Target cells: Các tế bào mục tiêu
Cell membrane: Màng tế bào
Nucleus: Nhân tế bào
Activation of VDR: Kích hoạt VDR
Co-activators: Các chất đồng kích hoạt
Gene transcription: Tổng hợp RNA thông tin
Cytosol: Dung dịch bào tương
Signalling pathways: Các lộ trình truyền tín hiệu
Biological actions: Các hoạt động sinh học

Dạng hoạt tính của vitamin D, [1,25(OH)2D3], được hình thành theo một lộ trình bao gồm nhiều bước.  Theo sau quá trình sản sinh ở da hoặc sự hấp thụ các nguồn thực phẩm, vitamin D3 được chuyển đến gan, ở đó vitamin D3 thực hiện phản ứng hydroxyl hóa ở carbon thứ 25 (C-25) bởi men xúc tác cytochrome P450C25 để tạo ra dạng tuần hoàn chính, 25(OH)D3.  Phản ứng hydroxyl hóa tiếp theo ở carbon thứ 1 (C-1) bởi men xúc tác P450C1 ở thận tạo ra dạng kích thích tố hoạt tính [1,25(OH)2D3].  Dạng vitamin D3 [1,25(OH)2D3] hòa tan trong chất béo này được đưa vào máu để đến các tế bào mục tiêu được gắn kết với protein DBP (vitamin-D-binding protein).  Đa số các hoạt động mang nhiều chức năng và dài hạn của dạng 1,25(OH)2D3 được thực hiện bằng cách gắn kết với một thụ thể VDR kết hợp với thụ thể RXR (9-cis-retinoic acid receptor).  Phức chất VDR-RXR kích hoạt sẵn gắn kết với một yếu tố đáp ứng vitamin D (VDRE) cư trú ở khu vực gắn kết ban đầu của một số gen.  Quá trình này gắn liền với việc tìm thêm và tập hợp các protein nhân tế bào mà chúng có chức năng như các chất đồng kích hoạt.  Phức chất này bây giờ đã sẵn sàng để tiếp xúc với bộ phận tổng hợp RNA thông tin và men RNA polymerase II chờ sẵn ở khu vực khởi động quá trình tổng hợp.  Chứng cứ môi trường cho thấy rằng [1,25(OH)2D3] cũng có thể gắn kết với một thụ thể có màng bao bọc mVDR.  Người ta vẫn chưa hiểu rõ các đặc tính phân tử của thụ thể này.  Sự kích hoạt thụ thể mVDR có thể dẫn đến kênh canxi mở ra rất nhanh; sự tràn vào tế bào của canxi sẽ dẫn đến một loạt các sự kiện.

Chức năng sinh học chính của vitamin D là duy trì hàm lượng canxi và photpho ở mức bình thường trong máu.  Vitamin D hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi, giúp hình thành và duy trì xương cứng chắc.  Vitamin D được dùng, riêng lẻ hoặc phối hợp với canxi, để làm tăng mật độ khoáng chất trong xương và hạ giảm tình trạng gãy (nứt) xương.  Mới đây, có nghiên cứu cho thấy rằng vitamin D có thể cung cấp tính năng chống loãng xương, cao huyết áp (high blood pressure), bệnh ung thư, và một số bệnh tự miễn dịch (autoimmune disease).

Bệnh còi xương (Rickets) và bệnh mềm xương người lớn (osteomalacia: chứng nhuyễn xương) là các chứng bệnh tiêu biểu do thiếu hụt vitamin D gây ra.  Ở trẻ em, tình trạng thiếu hụt vitamin D sẽ gây ra bệnh còi xương, từ đó dẫn đến khung xương bị biến dạng.  Ở người thành niên, tình trạng thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến bệnh mềm xương (chứng nhuyễn xương), từ đó dẫn đến yếu cơ và xương dễ gãy (nứt).  Những người có thể có nhiều nguy cơ bị thiếu hụt vitamin D bao gồm những người cao tuổi, những người béo phì, các trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ, và những người ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.  Ngoài ra, các cá nhân có các hội chứng mất khả năng hấp thụ chất béo (ví dụ, bệnh xơ nang tuyến tụy) hoặc bị bệnh viêm đường ruột (ví dụ, bệnh Crohn) cũng có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin D.

Vitamin D còn có các tác dụng khác trong cơ thể, bao gồm chức năng điều chỉnh sự tăng trưởng tế bào, chức năng miễn dịch và cơ thần kinh, và tính năng giảm viêm.  Nhiều gen viết mã cho các protein có tác dụng điều khiển sự phát triển của tế bào, quá trình phát triển chuyên biệt của tế bào, và quá trình tự hủy tế bào (apoptosis) được điều chỉnh một phần bởi vitamin D.  Nhiều tế bào có các thụ thể tiếp nhận vitamin D, và một số chuyển hóa 25(OH)D thành dạng 1,25(OH)2D.

Nồng độ 25(OH)D trong máu là chỉ dấu tốt nhất báo hiệu mức vitamin D.  Nó phản ánh số lượng vitamin D được sản sinh ở da cũng như được hấp thụ từ thực phẩm và các loại thực phẩm chức năng, và có chu kỳ bán rã (half-life) khá dài là 15 ngày.  25(OH)D có chức năng như một đặc điểm thể lý hiển thị mức độ tiếp xúc, nhưng người ta vẫn chưa rõ ở mức độ nào hàm lượng 25(OH)D cũng sẽ đóng vai trò hiển thị hiệu quả (liên quan đến tình trạng sức khỏe hoặc các kết quả sức khỏe).  Hàm lượng 25(OH)D trong máu không báo hiệu số lượng vitamin D được lưu trữ trong các mô của cơ thể.

Trái ngược với 25(OH)D, dạng 1,25(OH)2D tuần hoàn thường không là một chỉ dấu báo cáo chính xác tình trạng vitamin D, bởi vì nó có một chu kỳ bán rã ngắn là 15 giờ và nồng độ 1,25(OH)2D trong máu được kích thích tố của tuyến cận giáp, canxi, và photphat kiểm soát chặt chẽ.  Hàm lượng 1,25(OH)2D thường không giảm cho đến khi tình trạng thiếu hụt vitamin D diễn tiến nghiêm trọng.

Có một vấn đề thảo luận khá quan trọng về nồng độ 25(OH)D trong máu liên quan đến tình trạng thiếu hụt (ví dụ, bệnh còi xương), nhu cầu cho sức khỏe của xương, và tình trạng sức khỏe tối ưu toàn diện, và các điểm cắt vẫn chưa được một tiến trình đồng thuận mang tính khoa học phát triển.  Dựa vào việc xem xét các dữ liệu về nhu cầu hấp thụ vitamin D, một ủy ban của Viện Y Khoa Hoa Kỳ (Institute of Medicine) đã kết luận rằng những người có nồng độ 25(OH)D trong máu thấp hơn 30 nmol/L (12 ng/mL) sẽ có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin D.  Trên thực tế, tất cả mọi người đều được xem là có đủ hàm lượng vitamin D nếu ở trên mức 50 nmol/L (20 ng/mL); ủy ban này nói rằng 50 nmol/L là hàm lượng 25(OH)D trong máu mà có thể đáp ứng nhu cầu cho 97,5% dân số.  Nồng độ 25(OH)D trong máu cao hơn 125 nmol/L (50 ng/mL) được xem là gắn liền với các tác hại tiềm tàng.


Nồng Độ 25(OH)D Trong Máu và Tình Trạng Sức Khỏe

nmol/L**
ng/mL*
Tình Trạng Sức Khỏe

<30
<12
Liên quan đến tình trạng thiếu hụt vitamin D, dẫn đến bệnh còi xương (rickets) ở trẻ sơ sinh cũng như ở các trẻ em và bệnh mềm xương (osteomalacia) ở người lớn

30–50
12–20
Thường được xem là không đủ cho xương và sức khỏe toàn diện ở các cá nhân khỏe mạnh

≥50
≥20
Thường được xem là đủ cho xương và sức khỏe toàn diện ở những người khỏe mạnh

>125
>50
Chứng cứ cho thấy liên quan đến các tác hại tiềm tàng đối với hàm lượng quá cao, đặc biệt là trên 150 nmol/L (60 ng/mL)

* Nồng độ 25(OH)D trong máu được đo bằng nanomol trên mỗi lít (nmol/L) và nanogram trên mỗi mililít (ng/mL).

** 1 nmol/L = 0.4 ng/mL




Các Nguồn Thực Phẩm Chọn Lọc Chứa Vitamin D

Thực Phẩm

Đơn Vị Quốc Tế Mỗi Khẩu Phần *

% GTDDHN**
Dầu gan cá tuyết (cod liver oil), 1 muỗng canh

1360
340
Cá kiếm (swordfish), nấu chín, 3 oz (85 g)

566
142
Cá hồi (salmon), nấu chín, 3 oz (85 g)

447
112
Cá ngừ đại dương (tuna), đóng hộp trong nước, làm ráo nước, 3 oz (85 g)

154
39
Nước cam ép được tăng cường với vitamin D, 1 cốc (kiểm tra nhãn sản phẩm, vì số lượng vitamin D được tăng cường khác nhau)

137
34
Sữa, không béo, giảm béo, và chứa đầy đủ chất béo, được tăng cường vitamin D, 1 cốc

115-124
29-31
Sữa chua (yogurt: yaourt), được tăng cường với 20% GTDDHN vitamin D, 6 oz (177 ml) (sữa chua được tăng cường càng nhiều thì càng có nhiều %GTDDHN)

80
20
Bơ thực vật (margarine), được tăng cường, 1 muỗng canh

60
15
Cá sardine, đóng hộp trong dầu, làm ráo dầu, 2 con cá

46
12
Gan, thịt bò, nấu chín, 3 oz (85 g)

42
11
Trứng, 1 quả lớn (vitamin D được tìm thấy trong lòng đỏ)

41
10
Bột ngũ cốc ăn liền (ready-to-eat cereal), được tăng cường với 10% GTDDHN vitamin D, 0,75 – 1 cốc (bột ngũ cốc được tăng cường càng nhiều thì càng cung cấp nhiều %GTDDHN)

40
10
Phó mát Thụy Sĩ (Swiss cheese), 1 oz (28 g)

6
2
* IUs (International Units): Đơn vị quốc tế, 40 IU vitamin D = 1µg

** Giá trị dinh dưỡng hàng ngày.  GTDDHN được Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) ấn định để giúp người tiêu dùng so sánh hàm lượng dinh dưỡng trong các sản phẩm của một chế độ ăn tổng cộng mỗi ngày.  GTDDHN cho vitamin D hiện nay được ấn định ở mức 400 đơn vị quốc tế cho người thành niên và trẻ em từ 4 tuổi trở lên.  Tuy nhiên, các nhãn thực phẩm không bị đòi hỏi phải liệt kê hàm lượng vitamin D trừ khi loại thực phẩm đó được tăng cường với chất dinh dưỡng này.  Các loại thực phẩm cung cấp từ 20% GTDDHN trở lên được xem là các nguồn dồi dào chứa một chất dinh dưỡng nào đó, nhưng các loại thực phẩm chứa tỉ lệ phần trăm GTDDHN thấp hơn cũng cung cấp một chế độ ăn khỏe mạnh.



Nguồn bổ sung:

















0 comments:

Post a Comment