Wednesday, March 20, 2013

TÌM RA MANH MỐI GÂY BỆNH TỰ MIỄN DỊCH (SHAKING OUT CLUES TO AUTOIMMUNE DISEASE) - Do LQT Biên Dịch


Tác giả: Tiến sĩ Harrison Wein

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra được cách thức một tế bào miễn dịch liên quan đến hoạt động của một số rối loạn tự miễn dịch được điều khiển.  Trong số những phát hiện của các nhà khoa học là có liên quan đến việc tiêu thụ muối. 



Bệnh tự miễn dịch bắt đầu khi hệ miễn dịch, thường có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể ngăn chặn các vi sinh vật xâm nhập, lầm lẫn tấn công các tổ chức mô của chính cơ thể đó.  Các chứng bệnh này bao gồm bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 1, các chứng bệnh viêm đường ruột (inflammatory bowel diseases), và bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis).  Các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều dạng đột biến gen ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển các chứng bệnh tự miễn dịch.  Tuy nhiên, một số các yếu tố môi trường, bao gồm nhiễm virut, hút thuốc lá và thiếu hụt vitamin D, được xem là nguyên nhân thúc đẩy gây ra các chứng bệnh này ở những người có nguy cơ.


Các tế bào miễn dịch có tên T helper 17 (Th17) giúp chúng ta chống lại tình trạng nhiễm trùng, nhưng chúng cũng được xem có liên quan đến một số rối loạn tự miễn dịch.  Các tế bào Th17, cùng với các loại tế bào helper T khác, phát triển từ các tế bào T đơn giản.  Các nhà nghiên cứu đã xác định các yếu tố chuyên biệt có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của các tế bào Th17, nhưng các yếu tố có tác dụng hướng dẫn và kiểm soát sự phát triển của các tế bào này hầu như vẫn chưa được tìm ra.

Một vài nhóm nghiên cứu - ở Đại Học Yale (Yale University), Viện Broad (Broad Institute), Đại Học Havard (Havard University), Đại Học MIT (Massachusetts Institute of Technology), Brigham and Women’s Hospital, và các tổ chức khác – đã khám phá ra sự phát triển của các tế bào Th17.  Các nghiên cứu của họ đã được một số bộ phận của Viện Sức Khỏe Quốc Gia NIH (National Institutes of Health) hỗ trợ tài chính, bao gồm Viện Dị Ứng và Bệnh Truyền Nhiễm Quốc Gia (National Institute of Allergy and Infectious Diseases - NIAID), Viện Nghiên Cứu Rối Loạn Thần Kinh và Đột Quỵ Quốc Gia (National Institute of Neurological Disorders and Stroke - NINDS), và Viện Nghiên Cứu Bộ Gen Người Quốc Gia (National Human Genome Research Institute - NHGRI).  Ba bài báo mô tả các phát hiện của họ đã được đăng tải trên trang mạng Nature vào ngày 6 tháng 3 năm 2013.

Một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi Tiến sĩ Aviv Regev đã nghiên cứu các gen thể hiện kiểu hình ở các thời điểm khác nhau trong quá trình phát triển của tế bào Th17.  Phương pháp tạo mô hình bằng máy vi tính đã giúp xác định 3 sóng chính của sự thể hiện gen theo thời gian.  Họ đã phát hiện có khoảng 1300 gen liên quan đến khoảng 10 000 tương tác, với 71 gen điều khiển.  Nhờ sử dụng các sợi silicon siêu nhỏ để đưa các phân tử RNA can thiệp ngắn (short interfering RNA – siRNA) vào các tế bào T đơn giản, các nhà nghiên cứu đã có thể can thiệp vào sự thể hiện kiểu hình của các gen đặc biệt để xác nhận thêm mạng lưới bên trong được dùng để cấu tạo nên các tế bào Th17.  Họ đã xác nhận được 39 yếu tố điều khiển bằng kỹ thuật mới này.

Sử dụng các thông tin từ sự phân tích mạng lưới này, một nhóm có liên quan được dẫn đầu bởi Tiến sĩ Vijay K. Kuchroo đã nghiên cứu sự thể hiện kiểu hình của gen trong sự phát triển các tế bào Th17 sau khi kích hoạt một thụ thể có liên quan đến các tế bào miễn dịch.  Họ đã xác định được một protein quan trọng đối với sự phát triển của tế bào, protein này có tên là serum glucocorticoid kinase 1 (SGK1).  Để kiểm tra vai trò của protein này trong các chứng bệnh tự miễn dịch, họ đã kiểm tra một chứng bệnh của chuột giống với bệnh đa xơ cứng ở người.  Các chú chuột thiếu protein SGK1 có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn và có tỷ lệ bệnh giảm đáng kể, bệnh này có tên là viêm trung ương thần kinh tự miễn dịch thực nghiệm (experimental autoimmune encephalomyelitis - EAE).

Protein SGK1 có vai trò điều khiển sự hấp thụ natri (sodium) trong các tế bào khác, tạo ra khả năng mà natri có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào Th17.  Trong một dung dịch có nồng độ muối cao, các tế bào T đơn giản thể hiện kiểu hình gen cho protein SGK1 ở mức độ gia tăng, cùng với các gen khác liên quan đến sự phát triển của tế bào Th17.  Các chú chuột được nuôi bằng chế độ ăn có hàm lượng muối cao đã cho thấy số lượng các tế bào Th17 gia tăng đáng kể sau 3 tuần.  Các chú chuột được nuôi với chế độ ăn có hàm lượng muối cao bị bệnh viêm trung ương thần kinh tự miễn dịch thực nghiệm (EAE) nghiêm trọng hơn so với những chú chuột được nuôi với chế độ ăn bình thường.  Ngược lại, các chú chuột thiếu protein SGK1 không cho thấy những sự gia tăng tương tự khi được nuôi với chế độ ăn có hàm lượng muối cao.

Trong nghiên cứu thứ ba, một nhóm dẫn đầu bởi bác sĩ David Hafler đã phát hiện rằng tiêu thụ nồng độ muối cao sẽ thúc đẩy các tế bào đơn giản T ở chuột và người phát triển thành các tế bào Th17.  Điều này đã giúp họ khám phá ra các phản ứng ở cấp phân tử gắn liền với sự phát triển của tế bào Th17.  Họ cũng phát hiện rằng các chú chuột được nuôi bằng chế độ ăn có nhiều muối đã phát triển một dạng bệnh viêm trung ương thần kinh tự miễn dịch thực nghiệm (EAE) nghiêm trọng hơn.

Tỷ lệ mắc một số bệnh tự miễn dịch trong xã hội chúng ta, bao gồm bệnh đa xơ cứng và bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 1, đang trên đà gia tăng trong những thập kỷ gần đây.  Nghiên cứu này cho thấy rằng một yếu tố có thể là do bây giờ chúng ta ăn quá nhiều các thực phẩm được chế biến sẵn có hàm lượng muối cao.

“Vẫn còn quá sớm để nói: Bạn không nên ăn muối bởi vì bạn sẽ mắc phải một chứng bệnh tự miễn dịch”, Tiến sĩ Regev nói, “Chúng tôi đang đưa ra một giả thuyết thú vị - một mối liên hệ giữa muối và tính năng miễn dịch – rằng bây giờ phải được kiểm tra thông qua những nghiên cứu thận trọng về dịch tễ học ở người”.

Tiến sĩ Kuchroo nói thêm, “Sau khi có được một ít kiến thức khác biệt về sự phát triển của các tế bào Th17 gây bệnh, chúng tôi có thể theo đuổi những cách thức để điều khiển các tế bào này hoặc các chức năng của chúng”.

Nhóm của bác sĩ Hafler đã bắt đầu các nghiên cứu sơ bộ để xác định xem biện pháp hạn chế tiêu thụ muối có thể ảnh hưởng đến bệnh tự miễn dịch ở người không.  Tiến sĩ Hafler nói rằng, “Chúng tôi đã bắt đầu đề xuất với các bệnh nhân bị bệnh đa xơ cứng của chúng tôi rằng nếu họ hạn chế tiêu thụ muối có thể sẽ tốt hơn”.


Nguồn(Source):



0 comments:

Post a Comment