Thursday, May 30, 2013
Monday, May 27, 2013
BỆNH TĂNG NHÃN ÁP (GLAUCOMA) - Do LQT Biên Dịch
CHẨN ĐOÁN
Cách chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp không còn đơn thuần chỉ dựa vào sự xuất hiện của áp suất bên trong mắt. Cũng phải có sự hiện diện của hiện tượng phá hủy dây thần kinh thị giác hoặc có đề xuất chắc chắn bị tình trạng phá hủy. Tình trạng hủy hoại thần kinh thị giác này có thể được nhìn thấy rõ trong cuộc kiểm tra mắt được làm nở to. Thông thường, dấu hiệu đặc thù của tình trạng bệnh lý này là hiện tượng mất thị giác ngoại biên. Khi bị mất thị lực ngoại biên, bệnh nhân chỉ có thể nhìn thẳng mà không thể nhìn thấy hai bên.
Optic nerve: Dây thần kinh thị giác
Dây thần kinh thị giác mang thông tin thị giác từ mắt đến não.
Vì bệnh tăng nhãn áp mãn tính không có các triệu chứng cảnh báo, do đó một nửa số bệnh nhân không nhận biết được họ bị tình trạng bệnh lý này. Chẩn đoán sớm là chìa khóa cho việc điều trị thành công bệnh tăng nhãn áp và ngăn ngừa chứng mù.
Các Đề Xuất Cho Việc Kiểm Tra Bệnh Tăng Nhãn Áp
Đã có tranh luận về những lợi ích tương đối và những nguy cơ trong việc kiểm tra bệnh tăng nhãn áp định kỳ ở người thành niên. Việc kiểm tra bệnh tăng nhãn áp ở những người thành niên có thể giúp xác định các dấu hiệu bị tăng áp suất trong mắt(increased intraocular pressure – IOP) và các giai đoạn đầu của bệnh tăng nhãn áp góc mở chính (primary open-angle glaucoma – POAG). Tuy nhiên, việc điều trị tình trạng tăng áp suất trong mắt và bệnh tăng nhãn áp góc mở chính giai đoạn đầu có thể tạo ra các tác dụng gây hại, chẳng hạn như ngứa mắt và tăng nguy cơ bị bệnh đục thủy tinh thể (cataracts: bệnh cườm mắt). Vì tính chất không chắc chắn này, Ủy Ban Dịch Vụ Phòng Tránh Hoa Kỳ (United States Preventive Services Task Force) không tìm thấy đủ chứng cứ để đề xuất hoặc chống lại tiến trình kiểm tra định kỳ bệnh tăng nhãn áp cho người thành niên.
Ngược lại, Hiệp Hội Nhãn Khoa Hoa Kỳ (American Academy of Ophthalmology) hoàn toàn ủng hộ tiến trình kiểm tra bệnh tăng nhãn áp, với những đề xuất cụ thể sau:
- Những người trên 65 tuổi và những người Mỹ gốc Châu Phi trên 40 tuổi nên kiểm tra mắt định kỳ, bao gồm kiểm tra bệnh tăng nhãn áp, cứ mỗi 2 năm.
- Những người Mỹ gốc Châu Phi tuổi từ 20 – 39 nên kiểm tra mắt cứ mỗi 3 – 5 năm.
- Những người khác có nguy cơ cao (những người bị bệnh tiểu đường, tiền sử bị thương ở mắt, bệnh sử gia đình bị tăng nhãn áp, và những người đang sử dụng các loại thuốc corticosteroid), nên kiểm tra mắt mỗi năm sau tuổi 35.
- Những người bị bệnh tăng nhãn áp nên kiểm tra thường xuyên để xem xét thị lực ngoại biên và đảm bảo việc điều trị duy trì áp suất mắt an toàn. Sau những cuộc kiểm tra này, bác sĩ nhãn khoa sẽ đánh giá việc điều trị hiện tại và tiến hành những điều chỉnh cần thiết.
Để đảm bảo tính an toàn và độ chính xác, 5 yếu tố cần được kiểm tra trước khi đưa ra quyết định chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp:
Kiểm Tra | Tên Gọi |
Áp suất trong mắt | Phương pháp đo nhãn áp (Tonometry) |
Hình thể và màu sắc của dây thần kinh thị giác | Phương pháp soi cấu trúc trong mắt (Ophthalmoscopy: dilated eye exam) |
Trường nhìn toàn diện | Phương pháp kiểm tra trường nhìn (Perimetry: visual field test) |
Góc trong mắt, giữa tròng đen và giác mạc | Phương pháp soi góc tiền phòng (Gonioscopy) |
Độ dày giác mạc | Phương đo độ dày giác mạc (Pachymetry) |
Đo Nhãn Áp (tonometry) và Các Kiểm Tra Áp Suất Mắt
Các bác sĩ sẽ xác định áp suất trong mắt (IOP) của thể dịch nước (aqueous humor) ở trong mắt bằng cách sử dụng tiến trình không gây đau được gọi là đo nhãn áp (tonometry), đo lực cần thiết để mắt lõm vào. Thiết bị đo nhãn áp (tonometer) có thể được bác sĩ sử dụng. Hiện có một vài phương pháp kiểm tra mắt, và bác sĩ có thể dùng thuốc nhỏ mắt để gây tê cho mắt:
- Trong phương pháp Goldman (làm phẳng giác mạc bằng áp suất), bác sĩ sử dụng một bộ lọc bằng ánh sáng xanh và đèn khe (slit lamp), được di chuyển về phía mặt của bệnh nhân.
- Phương pháp đo nhãn áp làm lõm điện tử (Electronic indentation tonometry) sử dụng một cây viết điện tử với màn hình kỹ thuật số.
- Phương pháp tiếp cận không tiếp xúc (noncontact approach) không sử dụng thiết bị đo nhãn áp. Phương pháp này dùng hơi để đo lực để làm mắt lõm vào.
- Trong phương pháp Schiotz, bác sĩ sẽ ép nhẹ thiết bị đo nhãn áp vào mắt. Áp suất trong mắt được đo bằng sức nặng để làm phẳng giác mạc. Phương pháp này không chính xác bằng các phương pháp khác.
Thông thường, áp suất trong mắt bình thường được duy trì ở mức 10 – 20 mg Hg. Áp suất trong mắt trên 21 mm Hg cho thấy mắt có thể có vấn đề. Tuy nhiên, kiểm tra này không hoàn toàn chính xác. Chỉ có khoảng 10% những người với mức áp suất trong mắt từ 21 – 30 mm Hg sẽ thực sự phát triển bệnh tăng nhãn áp và tình trạng dây thần kinh thị giác bị phá hủy. Mặt khác, nhiều bệnh nhân bị tăng nhãn áp thỉnh thoảng cũng có áp suất mắt ở mức bình thường.
Những thay đổi về dáng điệu cũng có thể ảnh hưởng đến áp suất trong mắt. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng áp suất trong mắt tăng lên trong lúc ngủ hoặc khi nằm xuống. Vì các kiểm tra áp suất trong mắt được thực hiện trong phòng khám bác sĩ khi bệnh nhân đang ngồi, cho nên các kiểm tra này có thể không đánh giá hoàn toàn chính xác áp suất mắt.
Đo Độ Dày của Giác Mạc (Pachymetry)
Độ dày của giác mạc (cornea) là một dấu chỉ quan trọng của diễn tiến bệnh ở các bệnh nhân bị tăng áp suất trong máu. Đầu tiên bác sĩ cho nhỏ thuốc gây tê vào mắt, sau đó sử dụng thiết bị tạo sóng siêu âm để đo độ dày của giác mạc.
Các Kiểm Tra Dành Cho Tình Trạng Phá Hủy Dây Thần Kinh Thị Giác
Để kiểm tra tình trạng phá hủy dây thần kinh thị giác, đầu tiên bác sĩ sẽ nhỏ thuốc vào mắt để làm cho đồng tử mắt (con ngươi) nở to, sau đó kiểm tra mắt bằng kính lúp (magnifying lens) chẳng hạn như kính soi cấu trúc trong mắt (ophthalmoscope), kính này có gắn đèn ở một đầu.
Các dây thần kinh bị hủy hoại có thể được báo hiệu bởi:
- Một dây thần kinh bị kéo dài có hình chén (bát) hoặc không đối xứng. (Cấu trúc hình chén của đĩa thị giác là khu vực trung tâm, sẽ nở to khi tình trạng phá hủy thần kinh tiến triển).
- Dây thần kinh thị giác có thể có màu tái đi hoặc có màu hồng tái.
Các Kiểm Tra Về Trường Nhìn (Perimetry)
Bác sĩ sẽ tiến hành các kiểm tra về trường thị lực(visual fields: những khu vực mà bệnh nhân có thể nhìn thấy). Ở đa số người bị bệnh tăng nhãn áp, các khu vực đầu tiên bị suy giảm đáng kể là các trường nhìn ngoại biên (những khu vực nhìn nằm ở hai bên của một người). Các kiểm tra về trường thị lực được sử dụng để kiểm tra thị lực ngoại biên. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhìn thẳng và được hỏi xem khi nào có một bóng đèn đang di chuyển xuất hiện ở một bên.
Visual field testing looks for defects and their locations by having the patient stare at a light while other lights are flashed in the periphery: Kiểm tra trường nhìn tìm kiếm những chỗ sai hỏng trong mắt bằng cách yêu cầu bệnh nhân tập trung nhìn vào một ánh đèn trong khi các bóng đèn khác chớp sáng ở hai bên.
Thị lực trung tâm và ngoại biên được kiểm tra bằng cách sử dụng các kiểm tra về trường nhìn. Những thay đổi về trường nhìn có thể báo hiệu các chứng bệnh về mắt, chẳng hạn như bệnh tăng nhãn áp hoặc viêm võng mạc.
Các Kiểm Tra cho Bệnh Tăng Nhãn Áp Góc Đóng (Gonioscopy)
Để xác định sự khác biệt giữa bệnh tăng nhãn áp góc mở và bệnh tăng nhãn áp góc đóng, bác sĩ mắt của bạn có thể sử dụng một phương pháp được gọi là soi góc tiền phòng (gonioscopy). Sử dụng một dụng cụ có tên là đèn soi góc tiền phòng (gonioscope), các bác sĩ nhãn khoa có thể kiểm tra phần trước của mắt và ước định góc dẫn lưu (drainage angle) giữa giác mạc và tròng đen (iris: mống mắt) và các kênh trong lưới sợi mô liên kết. Kiểm tra này có thể xác định sự khác biệt giữa bệnh tăng nhãn áp góc đóng và bệnh tăng nhãn áp góc mở.
Vì Sao Có Quá Nhiều Kiểm Tra Chẩn Đoán
Việc chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp là một tiến trình đôi khi tỏ ra không đơn giản, đánh giá thận trọng dây thần kinh thị giác tiếp tục tỏ ra cần thiết đối với việc chẩn đoán và điều trị. Mối quan tâm lớn nhất là bảo vệ thị lực của bạn. Các bác sĩ sẽ xem xét nhiều yếu tố trước khi đưa ra quyết định điều trị cho bạn. Nếu tình trạng bệnh lý của bạn tỏ ra đặc biệt khó chẩn đoán hoặc khó điều trị, bạn có thể được giới thiệu đến một bác sĩ chuyên điều trị bệnh tăng nhãn áp. Tìm thêm ý kiến chuyên môn luôn là một việc làm sáng suốt nếu bạn hoặc bác sĩ của bạn tỏ ra quan ngại về kết quả chẩn đoán hoặc diễn tiến bệnh lý của bạn.
Nguồn bổ sung:
Monday, May 20, 2013
BỆNH TĂNG NHÃN ÁP (GLAUCOMA) - Do LQT Biên Dịch
CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ
Có khoảng 4 triệu người Mỹ mắc bệnh tăng nhãn áp góc mở, loại bệnh tăng nhãn áp phổ biến nhất (nguyên nhân gây ra khoảng 90% trên tổng số các trường hợp bệnh). Một nửa số người này không biết được họ bị tăng nhãn áp bởi vì tình trạng bệnh lý này không gây đau hoặc không gây ra những thay đổi về thị giác trong những đoạn đầu.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng nhãn áp bao gồm:
Tăng Áp Suất Trong Mắt (IOP)
Áp suất trong mắt tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ phá hủy dây thần kinh thị giác và phát triển bệnh tăng nhãn áp.
Tuổi Tác
Nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp gia tăng với tuổi tác. Những người trên 60 tuổi đều có nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp. Những người trong một số nhóm sắc tộc có nguy cơ cao hơn phát triển bệnh tăng nhãn áp ở độ tuổi trẻ hơn.
Chủng Tộc
Khi được so sánh với người Da Trắng, những người Mỹ gốc Châu Phi có nguy cơ gấp 5 lần phát triển bệnh tăng nhãn áp, và có nguy cơ gấp 4 lần trở nên mù do bệnh tăng nhãn áp. Những người Mỹ gốc Châu Phi còn có nhiều nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp ở độ tuổi trẻ hơn khi so sánh với người Da Trắng. Đối với những người Mỹ gốc Châu Phi, nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp bắt đầu ở tuổi 40. Theo Viện Mắt Quốc Gia Hoa Kỳ (U.S.National Eye Institute), những người Mỹ gốc Châu Phi ở độ tuổi từ 45 – 64 có nguy cơ gấp 15 lần trở nên mù do bệnh tăng nhãn áp khi được so sánh với những người Da Trắng ở cùng nhóm tuổi.
Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng cộng đồng người gốc Nam Mỹ có nguy cơ cao hơn so với những người có nguồn gốc từ Châu Âu, và cho thấy rằng nguy cơ đó gia tăng trong số những người gốc Nam Mỹ trên 60 tuổi.
Những người Mỹ gốc Châu Á có nguy cơ cao hơn các nhóm sắc tộc khác không nhiều trong khả năng phát triển bệnh tăng nhãn áp góc đóng. Người Mỹ gốc Nhật có nhiều nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp thấp(normal-tension glaucoma hoặc low-tension glaucoma).
Bệnh Sử Gia Đình
Bệnh tăng nhãn áp có khuynh hướng di truyền trong gia đình. Anh chị em của những bệnh nhân bị tăng nhãn áp góc mở có nguy cơ gấp 5 lần phát triển bệnh tăng nhãn áp khi họ đến tuổi 70 khi được so sánh với những người có anh chị em không bị bệnh này. Các nghiên cứu trước đây cũng đã tìm thấy rằng những người có thành viên trong gia đình bị tăng nhãn áp có nhiều khả năng bị mất thị giác khi họ lần đầu được chẩn đoán mắc bệnh tăng nhãn áp.
Thương Tổn Ở Mắt
Các thương tổn ở mắt có thể gây ra bệnh tăng nhãn áp góc mở phụ (secondary open-angle glaucoma). Dạng bệnh tăng nhãn áp này có thể xảy ra ngay sau khi mắt bị thương tổn hoặc xảy ra nhiều năm sau đó.
Các thương tổn nhẹ làm thâm tím (bầm) mắt hoặc các thương tổn xuyên qua mắt có thể phá hủy hệ thống dẫn lưu của mắt, dẫn đến bệnh tăng nhãn áp do chấn thương(traumatic glaucoma).
Nguyên nhân phổ biến nhất là các thương tổn liên quan đến các môn thể thao, chẳng hạn như môn bóng chày (baseball) hoặc môn quyền Anh (boxing).
Các Tình Trạng Bệnh Lý
Những người với một số tình trạng bệnh lý, bao gồm bệnh tiểu đường (đái tháo đường), chứng đau nửa đầu (migraine), cận thị, chứng khó thở trong lúc ngủ (sleep apnea), bệnh tim, và chứng giảm năng tuyến giáp (hypothyroidism) xem ra có nhiều nguy cơ bị tăng nhãn áp hơn. Cao huyết áp cũng có khả năng là một yếu tố nguy cơ. Các chứng bệnh đòi hỏi việc sử dụng các loại thuốc steroid uống bằng miệng hoặc hít vào, đặc biệt với liều lượng cao trong một thời gian dài, có thể gây ra bệnh tăng nhãn áp. Những người trước đây đã từng phẫu thuật mắt và những người bị cận thị cũng có nguy cơ bị tăng nhãn áp. Những người có độ dày của vùng giác mạc trung tâm chưa đến 0,5 mm cũng có thể có nguy cơ bị tăng nhãn áp.
Nguồn bổ sung: