Sunday, May 12, 2013

BỆNH TĂNG NHÃN ÁP (GLAUCOMA) - Do LQT Biên Dịch


CÁC NGUYÊN NHÂN

Các Nguyên Nhân Gây Bệnh Tăng Nhãn Áp Góc Mở Chính

Người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tăng nhãn áp góc mở chính(primary open-angle glaucoma).  Cần phải có một số tình trạng bệnh lý, riêng lẻ hoặc phối hợp, để kích thích gây ra các quá trình dẫn đến hiện tượng tăng áp suất và tổn thương dây thần kinh, từ đó phá hỏng thị lực.  Trong đa số trường hợp tình trạng tổn thương dây thần kinh thị giác là do áp suất quá lớn tác động lên dây thần kinh thị giác, mà theo thời gian, sẽ gây ra tình trạng tổn thương này.  Bởi vì tình trạng tổn thương dây thần kinh thị giác xảy ra ở các bệnh nhân có áp suất trong mắt bình thường cũng như ở các bệnh nhân có áp suất trong mắt cao, do đó, còn có các yếu tố khác xảy ra và có thể làm tổn thương dây thần kinh thị giác.






Trong hình này, lưới sợi mô liên kết phần nào bị chặn, làm giảm lưu lượng dịch nước chảy ra khỏi mắt (xem mũi tên màu đen).  Tình trạng tắc nghẽn này của lưới sợi mô liên kết làm cho áp suất trong máu gia tăng dần.  Trong vòng nhiều tháng hoặc nhiều năm, hiện tượng áp suất tăng cao có thể dẫn đến tình trạng mất thị giác.











Các Nguyên Nhân Gây Bệnh Tăng Nhãn Áp Góc Đóng

Những người bị bệnh tăng nhãn áp góc đóng (closed-angle glaucoma) thường có những bất thường về cấu trúc, mà chúng làm cho góc giữa tròng đen và giác mạc trở nên thu hẹp lại, góc này là khu vực lưu thông của thể dịch nước.  Các yếu tố đột nhiên làm giãn đồng tử (con ngươi) có thể làm cho góc hẹp này đóng lại và gây ra các đợt tấn công bệnh tăng nhãn áp cấp (tính) ở những người có nhiều nguy cơ.  Các yếu tố này bao gồm:

-      Một số loại thuốc, chẳng hạn như các loại thuốc kháng histamine (antihistamine), các loại thuốc chống trầm cảm nhóm tricyclic, một số loại thuốc trị bệnh suyễn (thuốc xịt ipratropium), một số loại thuốc chống co giật (topiramate)
-      Bóng tối
-      Rối loạn xúc cảm







Trong trường hợp bệnh tăng nhãn áp góc đóng, góc được hình thành bởi giác mạc và tròng đen sẽ đóng lại.  Trong hình này, tròng đen bị dán dính vào lưới sợi mô liên kết, ngăn cản thể dịch nước đi đến các kênh dẫn thoát (xem mũi tên màu đen).  Hiện tượng này có thể làm tăng nhanh áp suất trong mắt, và đây là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.











Các Nguyên Nhân Gây Bệnh Tăng Nhãn Áp Phụ

Khi bệnh tăng nhãn áp do các chứng bệnh và các yếu tố khác gây ra, thì nó được gọi là bệnh tăng nhãn áp phụ (secondary glaucoma).  Cả hai chứng bệnh tăng nhãn áp góc mở và góc đóng đều có thể là bệnh tăng nhãn áp phụ.

Các Tình Trạng Bệnh Lý: Một số các chứng bệnh có thể góp phần tạo ra sự phát triển của bệnh tăng nhãn áp:

-      Các chứng bệnh ảnh hưởng lưu lượng máu đến dây thần kinh thị giác (chẳng hạn bệnh tiểu đường, cao huyết áp, và chứng đau nửa đầu; những người bị bệnh tiểu đường loại 2 nên được kiểm tra thường xuyên để phát hiện bệnh tăng nhãn áp)
-      Giảm năng tuyến giáp (hypothyroidism)
-      Chứng ngưng thở trong lúc ngủ (sleep apnea)
-      Mắt bị thương
-      Cận thị nặng (myopia)
-      Trước đây từng phẫu thuật mắt
-      Các chứng rối loạn khác, bao gồm bệnh tăng bạch cầu (leukemia), chứng thiếu máu tế bào hình liềm (sickle cell anemia), và một số dạng viêm khớp.

Các Loại Thuốc Corticosteroid.  Các loại thuốc corticosteroid, thường được gọi là steroid, có nhiều tác dụng đối với lưới sợi mô liên kết (trabecular meshwork).  Các loại thuốc steroid tạo ra các nguy cơ cao hoặc thấp tùy theo dạng thuốc:

-      Sử dụng các loại thuốc steroid bôi (thoa) trong mắt tạo ra nguy cơ cao nhất.  Việc sử dụng thuốc steroid bôi (thoa) phải được giám sát cẩn thận, vì trong một số trường hợp, tình trạng tổn thương có thể trở thành mãn tính.
-      Sử dụng các loại thuốc steroid uống bằng miệng, đặc biệt với các liều lượng cao hoặc dài hạn, sẽ làm tăng nguy cơ bị tăng nhãn áp.  Trong các trường hợp này, chứng rối loạn về mắt thường phát triển ngay sau đó và sẽ bắt đầu hồi phục trong vòng 2 tuần sau khi ngưng sử dụng thuốc.
-      Các loại thuốc steroid hít vào dường như không gây ra bệnh tăng nhãn áp, nhưng có thể có một số rủi ro ở những người có tiền sử bị bệnh tăng nhãn áp trong gia đình và có các yếu tố nguy cơ khác.

Các Hội Chứng Liên Quan Đến Áp Suất Thị Giác Tăng Cao và Bệnh Tăng Nhãn Áp

Các hội chứng đặc biệt đã được xác định với bệnh tăng nhãn áp.  Nhiều hội chứng có một thành phần di truyền, mặc dù trong đa số trường hợp, các yếu tố khác phải tồn tại để kích hoạt tiến trình bệnh.

Tăng Nhãn Áp Tróc Mảng.  Tăng nhãn áp tróc mảng (pseudoexfoliation syndrome) là hội chứng phổ biến nhất được xác định có liên quan đến bệnh tăng nhãn áp.  Chất liệu được cấu tạo bởi các protein do thấu kính, tròng đen, và các bộ phận khác của mắt sản sinh.  Nhiều người có thể mắc phải tình trạng này nhưng không phát triển thành bệnh tăng nhãn áp, tuy nhiên họ là những người có nguy cơ cao.  Hội chứng này có một thành phần di truyền quan trọng nhưng các yếu tố khác (có thể là ánh nắng mặt trời, đáp ứng tự miễn dịch, hoặc virut) có thể cần đến để kích thích gây nên bệnh.

Tăng Nhãn Áp Sắc Tố.  Tăng nhãn áp sắc tố (pigment glaucoma) bắt đầu với một tình trạng bệnh lý được gọi là hội chứng phân tán sắc tố (pigment dispersion syndrome), một rối loạn do di truyền trong đó các hạt sắc tố (chất tạo màu cho tròng đen) tróc mảng vào dịch trong mắt.  Các mảng tróc này làm nghẽn lưới sợi mô liên kết và làm cho áp suất gia tăng, gây ra bệnh tăng nhãn áp.  Các vận động về thể chất, chẳng hạn như đi bộ nhanh, thỉnh thoảng sẽ khuấy động các hạt sắc tố, làm cho chúng tích tụ trên lưới sợi mô liên kết và thỉnh thoảng gây ra hiện tượng tăng áp suất trong mắt.

Hội Chứng Màng Trong Giác Mạc Mống Mắt.  Trong trường hợp hội chứng màng trong giác mạc mống mắt (irido corneal endothelial syndrome), các tế bào ở mặt sau của giác mạc sẽ lan đến góc dẫn lưu (góc thoát), thỉnh thoảng hình thành sẹo nối tròng đen với giác mạc.

Tăng Nhãn Áp Tạo Mạch Mới.  Tăng nhãn áp tạo mạch mới (neovascular glaucoma) luôn luôn có mối liên hệ với các chứng rối loạn khác, thường là bệnh tiểu đường (đái tháo đường), mà sẽ dẫn đến việc hình thành một cách bất thường các mạch máu mới ở tròng đen và trong hệ thống dẫn thoát.

Tật Dị Mống Mắt.  Tật dị mống mắt (aniridia) là một chứng rối loạn di truyền hiếm, trong đó tròng đen (mống mắt) có cấu trúc không bình thường, và do đó làm tăng nguy cơ bị tăng nhãn áp.

Bệnh Tăng Nhãn Áp Ở Trẻ Em.  Khi một đứa trẻ được sinh ra có bệnh tăng nhãn áp (congenital glaucoma: tăng nhãn áp bẩm sinh), thì chứng bệnh này thường bị gây ra bởi một hiện tượng bất thường về gen di truyền mà nó ảnh hưởng đến kênh dẫn thoát.  Trong một số trường hợp hiếm, một số trẻ được sinh ra có chứng bệnh này, phát triển bệnh tăng nhãn áp trong vài năm đầu sau khi sinh (infantile glaucoma), hoặc phát triển bệnh tăng nhãn áp sau 4 hoặc 5 tuổi (juvenile glaucoma).  Trẻ em thường sẽ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.  


Nguồn bổ sung:






0 comments:

Post a Comment