Thursday, May 16, 2013

BỆNH TĂNG NHÃN ÁP (GLAUCOMA) - Do LQT Biên Dịch


CÁC TRIỆU CHỨNG

Các Triệu Chứng của Bệnh Tăng Nhãn Áp Góc Mở

Bệnh tăng nhãn áp góc mở là một chứng bệnh mãn tính, tiến triển chậm qua nhiều năm.  Trong các giai đoạn ban đầu, tình trạng bệnh này không gây đau nhức, thay đổi thị giác, hoặc có các triệu chứng khác.  Khi căn bệnh tiến triển và dây thần kinh thị giác (optic nerve) bắt đầu bị phá hủy, các triệu chứng theo sau xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt:

-      Thị lực ngoại biên (peripheral vision) dần dần giảm xuống.  Các bệnh nhân sẽ phát triển hiện tượng “thị lực đường hầm – tunnel vision”, khả năng chỉ có thể nhìn thẳng.
-      Sau cùng, thị lực nhìn thẳng cũng bị suy giảm.

Nếu không được chữa trị, bệnh nhân sẽ bị mù.

Các Triệu Chứng của Bệnh Tăng Nhãn Áp Góc Đóng

Trong trường hợp bệnh tăng nhãn áp góc đóng, áp suất trong mắt tăng nhanh, và các triệu chứng diễn tiến nghiêm trọng.  Tình trạng đau dữ dội ở khu vực lông mày (eyebrow) và thị lực bị mờ sẽ phát triển ở một mắt, và bệnh nhân thường có cảm giác như bị nổ mắt (mặc dù tình trạng này sẽ không xảy ra).  Mắt thường bị đỏ.  Người bệnh có thể nhìn thấy hào quang giống cầu vòng xung quanh các ánh đèn.  Thỉnh thoảng bị buồn nôn và nôn mửa.  Các triệu chứng này có thể thỉnh thoảng xuất hiện và thường xảy ra không trọn vẹn.  Trong cả hai trường hợp, các triệu chứng đều cho thấy là tình trạng bệnh lý khẩn cấp.  Trong trường hợp bệnh tăng nhãn áp góc đóng, tiến trình bệnh thường diễn biến chậm và không gây đau.

Các Triệu Chứng của Bệnh Tăng Nhãn Áp Bẩm Sinh

Mặc dù bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh thường xuất hiện sau khi sinh, nhưng các triệu chứng thường phát triển ở trẻ sơ sinh sau vài tháng ra đời.  Nếu các bậc phụ huynh lưu ý thấy rằng mắt của con trẻ bị sưng to, trở nên mờ đục, thường có nhiều nước, hoặc có khuynh hướng khép lại khi có ánh sáng, thì nên đưa con trẻ đến bác sĩ nhãn khoa để kiểm tra mắt.  Các vết chàm (port-wine stains: các vết bớt trên mặt, trong đó các mạch máu bị sưng lên tạo ra những vết có màu hồng) trên mặt của trẻ sơ sinh thường là dấu hiệu của hội chứng Sturge-Weber(Sturge-Weber syndrome), một chứng rối loạn mà thỉnh thoảng gây ra bệnh tăng nhãn áp.


Khi Nào Cần Đi Khám Bác Sĩ

Đừng chờ cho đến khi các vấn đề ở mắt trở nên nghiêm trọng.  Bệnh tăng nhãn áp góc mở chính (primary open-angle glaucoma) xuất hiện rất ít dấu hiệu cảnh báo cho đến khi tình trạng hủy hoại vĩnh viễn xảy ra.  Kiểm tra mắt thường xuyên là yếu tố quan trọng để phát hiện sớm bệnh tăng nhãn áp nhằm điều trị thành công tình trạng bệnh lý của bạn cũng như giúp ngăn ngừa sự diễn tiến thêm của căn bệnh.

Hiệp Hội Nhãn Khoa Hoa Kỳ (American Academy of Ophthalmology) đề xuất rằng tất cả những người thành niên bắt đầu từ tuổi 40 nên có một cuộc kiểm tra mắt toàn diện, và cứ mỗi 3 cho đến 5 năm sau đó nếu bạn không có các yếu tố nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp.  Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ khác hoặc bạn trên 60 tuổi, bạn nên được kiểm tra mắt cứ mỗi 1 cho đến 2 năm. 

Ngoài ra, hãy lưu ý rằng một cơn đau đầu nghiêm trọng hoặc tình trạng đau ở mắt, buồn nôn, thị lực bị nhòe (nhòa), hoặc nhìn thấy hào quang xung quanh ánh đèn có thể là các triệu chứng của một cơn bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp (acute angle-closure glaucoma) tấn công.  Nếu một vài trong số các triệu chứng này xuất hiện cùng lúc, bạn hãy đến khoa cấp cứu hoặc phòng khám bác sĩ mắt ngay tức khắc.


Nguồn bổ sung:





0 comments:

Post a Comment