CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ
Trong suốt thập kỷ qua, con số những người ở Hoa Kỳ bị cao huyết áp đã tăng lên khoảng 30%. Hiện nay, có trên 73 triệu người ở Hoa Kỳ tuổi từ 20 trở lên (1 trong 3 người thành niên) bị cao huyết áp, và chứng bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 1 tỷ người trên khắp thế giới. Khoảng 20 – 30% số người bị cao huyết áp không biết được họ bị chứng bệnh này.
Những người được chẩn đoán bị tiền cao huyết áp (huyết áp có phạm vi từ 120 – 139 /80 – 89 mm Hg) có nhiều nguy cơ phát triển chứng cao huyết áp.
Tuổi Tác và Giới Tính
Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ chính gây cao huyết áp. Huyết áp tăng theo tuổi tác ở cả nam giới lẫn phụ nữ, thật vậy, nguy cơ phát triển chứng cao huyết áp cả đời là khoảng 90%. Các nguy cơ bị cao huyết áp gia tăng ở nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi. Có trên một nửa số người ở Hoa Kỳ trên 60 tuổi bị chứng cao huyết áp. Chứng cao huyết áp cũng trở nên phổ biến hơn ở trẻ em và thiếu niên. Trong số những người trẻ tuổi, trẻ nam có nhiều nguy cơ bị cao huyết áp hơn so với trẻ nữ.
Chủng Tộc Và Sắc Dân
So với người Da Trắng và các nhóm sắc tộc khác, người Mỹ gốc Châu Phi có nhiều khả năng bị cao huyết áp hơn. Có trên 40% số nam giới và nữ giới người Mỹ gốc Châu Phi bị cao huyết áp. Đây có thể là nguyên nhân gây ra 40% trong tổng số các trường hợp tử vong trong nhóm này. Cao huyết áp có khuynh hướng bắt đầu ở độ tuổi trẻ hơn trong số những người Mỹ gốc Châu Phi, thường tỏ ra nghiêm trọng hơn, và tạo ra nhiều nguy cơ bị tử vong sớm do nhồi máu cơ tim, đột quỵ (tai biến mạch máu não), suy tim, và suy thận.
Bệnh Sử Gia Đình
Những người có cha mẹ hoặc những người thân khác có cùng huyết thống bị cao huyết áp sẽ có nhiều nguy cơ phát triển chứng bệnh này. Bạn cũng có thể di truyền yếu tố nguy cơ này cho con cái. Đó là lý do tại sao trẻ em cũng như người thành niên cần phải kiểm tra huyết áp thường xuyên. Bạn không thể kiểm soát yếu tố di truyền, nhưng bạn có thể tiến hành thực hiện một lối sống lành mạnh và giảm bớt các yếu tố nguy cơ khác. Các chọn lựa về lối sống có thể cho phép nhiều người có truyền thống gia đình bị cao huyết áp tránh khỏi chứng bệnh này.
Chứng Béo Phì
Có khoảng 1 phần 3 số bệnh nhân cao huyết áp bị tình trạng quá cân. Chỉ số trọng lượng cơ thể (body mass index – BMI) từ 25 – 30 được xem là quá cân (overweight). Chỉ số trọng lượng cơ thể trên 30 được xem là béo phì (obese). Có trên 2 phần 3 (67,3%) số người thành niên ở Hoa Kỳ bị quá cân hoặc béo phì (trên 149 triệu người thành niên). Khoảng 1 trong số 3 (31,8%) trẻ em ở Hoa Kỳ (23 900 000) tuổi từ 2 đến 19 bị quá cân hoặc bị béo phì. Thậm chí những người thành niên hơi bị béo phì cũng có nguy cơ gấp đôi phát triển chứng cao huyết áp so với những người có cân nặng bình thường. Các trẻ nhỏ và các trẻ vị thành niên bị béo phì sẽ có nhiều nguy cơ phát triển chứng cao huyết áp hơn khi các trẻ này bước vào tuổi thành niên.
Chứng Ngưng Thở Tắc Nghẽn Trong Lúc Ngủ
Theo đánh giá của Viện Tim, Phổi, và Huyết Học Hoa Kỳ(National Heart, Lung, and Blood), có khoảng 12 triệu người ở Hoa Kỳ bị chứng ngưng thở trong lúc ngủ. Chứng ngưng thở tắc nghẽn trong lúc ngủ (obstructive sleep apnea), một rối loạn trong đó các mô trong cổ họng bị sụp xuống làm tắc nghẽn đường hô hấp, dẫn đến hơi thở tạm ngưng và xảy ra lặp đi lặp lại trong lúc ngủ, xuất hiện ở nhiều bệnh nhân bị cao huyết áp. Não bộ làm cho cá nhân đang ngủ phải thức giấc để ho hoặc nuốt không khí vào đồng thời làm cho khí quản mở ra trở lại. Mối liên hệ giữa chứng ngưng thở trong lúc ngủ và cao huyết áp đã được xem phần lớn là do béo phì, nhưng các nghiên cứu đang tìm thấy rằng những người bị chứng ngưng thở trong lúc ngủ có tỷ lệ bị cao huyết áp lớn hơn bất chấp cân nặng của họ.
Các Chứng Bệnh khác
Một số chứng bệnh mãn tính khác cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng cao huyết áp, bao gồm cao cholesterol, bệnh tiểu đường (đái tháo đường), và bệnh thận.
Các Yếu Tố Về Lối Sống
Hút Thuốc Lá. Hút thuốc lá là một nguy cơ chính gây ra chứng cao huyết áp. Hút thuốc lá làm tăng huyết áp tạm thời và làm tăng nguy cơ phá hủy các động mạch.
Muối và Kali. Ăn quá nhiều muối (sodium) có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng cao huyết áp ở một số người. Tương tự, chế độ ăn uống chứa quá ít kali (potassium) có thể làm cho cơ thể tích lũy quá nhiều natri. Natri và kali là những chất kiểm soát quan trọng cho sự cân bằng chất lỏng trong các tế bào.
Rượu Bia. Tiêu thụ bia rượu quá nhiều và thường xuyên có thể làm tăng huyết áp. Phụ nữ có thể dễ bị nhạy cảm hơn đối với các tác động đến huyết áp của bia rượu. Nếu bạn uống bia rượu, cố gắng hạn chế số lượng bia rượu tiêu thụ, không quá 2 ly mỗi ngày cho đàn ông và 1 ly mỗi ngày cho phụ nữ. Một ly tương đương 12 oz (355 ml) bia, 4 oz (118 ml) rượu vang, 1,5 oz (44 ml) rượu mạnh 40% độ cồn (80-proof liquor), hoặc 1 oz (30 ml) rượu mạnh 50% độ cồn (100-proof liquor).
Ít Vận Động. Một lối sống ngồi (nằm) nhiều và thiếu vận động thể chất có thể làm tăng nguy cơ tăng cân.
Stress. Tình trạng căng thẳng tinh thần và cảm xúc có thể làm tăng huyết áp tạm thời, nhưng khoa học vẫn chưa chứng minh được stress là nguyên nhân gây ra chứng cao huyết áp. Một số nhà khoa học đã lưu ý đến mối liên hệ giữa bệnh tim mạch vành(coronary heart disease) và stress trong cuộc sống của mỗi cá nhân – hành vi sống lành mạnh và địa vị kinh tế xã hội. Cách thức bạn đối phó với stress có thể ảnh hưởng đến các yếu tố nguy cơ được thành lập khác cho chứng cao huyết áp hoặc bệnh tim. Tình trạng căng thẳng thường xuyên có thể dẫn đến khả năng bạn tham gia vào những thói quen không tốt cho sức khỏe (chẳng hạn như ăn quá nhiều, hút thuốc lá hoặc lạm dụng thuốc, tiêu thụ rượu bia, thiếu tập thể dục) mà có thể góp phần gây ra chứng cao huyết áp.
Quá Ít Vitamin D Trong Chế Độ Ăn. Người ta vẫn chưa rõ việc tiêu thụ quá ít vitamin D trong chế độ ăn có thể dẫn đến tình trạng cao huyết áp không. Vitamin D có thể ảnh hưởng đến một loại men (enzyme) được thận sản sinh, men này ảnh hưởng đến huyết áp của bạn.
Có khoảng 5 – 10% các trường hợp cao huyết áp do một chứng bệnh đang tồn tại gây ra. Dạng cao huyết áp này được gọi là chứng cao huyết áp phụ (secondary hypertension) vì do một chứng bệnh khác xuất hiện trước gây ra.
Các yếu tố có thể dẫn đến tình trạng cao huyết áp phụ, bao gồm:
- Rối loạn ở thận, bao gồm một khối u ở tuyến thượng thận (adrenal gland).
- Động mạch chủ có cấu trúc bất thường (mạch máu lớn dẫn máu rời khỏi tim) xuất hiện lúc mới sinh.
- Hẹp một số động mạch.
Nguồn bổ sung:
0 comments:
Post a Comment