Friday, August 23, 2013

CAO HUYẾT ÁP (HIGH BLOOD PRESSURE - HYPERTENSION) - Do LQT Biên Dịch


CÁC TRIỆU CHỨNG

Có một sự nhận thức sai khá phổ biến khi cho rằng những người bị cao huyết áp sẽ gặp phải các triệu chứng như hồi hộp, toát mồ hôi, khó ngủ hoặc bị đỏ mặt (facial flushing). Cao huyết áp được gọi một cách thích hợp là “kẻ giết người âm thầm”, bởi vì chứng bệnh này thường không tạo ra các triệu chứng.  Chứng cao huyết áp nếu không được chữa trị sẽ gia tăng từ từ theo thời gian.  Những người từ 18 tuổi trở lên nên kiểm tra huyết áp thường xuyên.  Việc kiểm tra huyết áp thường xuyên này là đặc biệt quan trọng cho những người có các yếu tố nguy cơ, cũng như cần thay đổi lối sống cho phù hợp.  Các đề xuất này là rất quan trọng cho những cá nhân bị tiền cao huyết áp(prehypertension) hoặc cao huyết áp, có thành viên trong gia đình bị cao huyết áp đồng thời bị quá cân hoặc trên 40 tuổi.

Chứng cứ rõ ràng nhất cho thấy rằng cao huyết áp không gây nhức đầu ngọai trừ có lẽ trong trường hợp cao huyết áp cấp cứu (huyết áp tâm thu cao hơn 180 hoặc huyết áp tâm trương cao hơn 110)

Vào đầu những năm 1900, người ta đã cho rằng những người bị cao huyết áp thường bị nhức đầu.  Tuy nhiên, nghiên cứu về lĩnh vực này không hỗ trợ cho quan điểm này.  Theo một nghiên cứu, bệnh nhân cao huyết áp xem ra ít bị nhức đầu hơn cộng đồng dân số bình thường rất nhiều.

Trong một nghiên cứu được đăng trong tạp chí Thần Kinh Học(Neurology), những người với huyết áp tâm thu cao (số đo nằm trên) có khoảng 40% khả năng ít bị nhức đầu hơn so với những người có số đo huyết áp bình thường.  Các nhà nghiên cứu cũng xem xét một số đo khác được gọi là huyết áp nhịp mạch (pulse pressure), đó là sự thay đổi huyết áp khi tim co bóp.  Huyết áp nhịp mạch được đo bằng cách dùng số đo nằm trên trừ đi số đo nằm dưới.  Những người có số đo nhịp mạch cao sẽ có 50% khả năng ít bị nhức đầu.  Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng số đo huyết áp nhịp mạch càng cao, thì các mạch máu càng bị xơ cứng.  Mạch máu càng bị xơ cứng, thì các đầu dây thần kinh càng hoạt động ít bình thường hơn.  Nếu các đầu dây thần kinh không hoạt động bình thường, thì cá nhân đó càng có ít khả năng cảm nhận được cảm giác đau nhức.

Do đó, các cơn nhức đầu hoặc tình trạng không xuất hiện các cơn nhức đầu không phải là các dấu hiệu đáng tin cậy cho huyết áp của bạn.  Thay vào đó, hãy kiểm tra với bác sĩ và biết được số đo huyết áp của bạn.

Ngoại trừ trường hợp cao huyết áp cấp cứu, các tình trạng chảy máu mũi không phải là một dấu hiệu đáng tin cậy để phát hiện chứng cao huyết áp.  Trong một nghiên cứu, 17% số người được điều trị chứng cao huyết áp cấp cứu ở bệnh viện đều đã bị chảy máu mũi.  Tuy nhiên, 83% trường hợp được báo là không có triệu chứng này.  Mặc dù người ta cũng lưu ý rằng một số người ở các giai đoạn đầu của chứng cao huyết áp có thể bị chảy máu mũi nhiều hơn bình thường, nhưng vẫn có thể có những cách giải thích khác.  Nếu các tình trạng chảy máu mũi thường xảy ra (mỗi tuần trên một lần) hoặc nếu các tình trạng này trở nên nghiêm trọng hoặc khó ngưng lại, thì bạn nên nói chuyện với bác sĩ.

Hãy nhớ rằng chảy máu mũi có thể do nhiều yếu tố gây ra, với yếu tố phổ biến nhất là không khí khô.  Niêm mạc mũi chứa nhiều mạch máu rất nhỏ và có thể dễ dàng bị chảy máu.  Ở vùng khí hậu nóng, chẳng hạn như sa mạc, vùng Tây Nam hoặc không khí trong nhà khi dùng sưởi, các màng nhầy ở mũi có thể bị khô và làm cho mũi dễ bị chảy máu.  Các nguyên nhân khác bao gồm hỉ mũi quá mạnh; các chứng bệnh như dị ứng, cảm lạnh, viêm xoang mũi hoặc thành lỗ mũi bị dời chỗ sang một bên (deviated septum); và các tác dụng phụ do một số thuốc kháng đông, chẳng hạn như thuốc warfarin (Coumadin®) hoặc aspirin.

Các Triệu Chứng Liên Quan Khác Không Mang Tính Thuyết Phục

Bạn không nên tự đánh giá các triệu chứng nhằm tự chẩn đoán chứng cao huyết áp.  Việc chẩn đoán phải được bác sĩ tiến hành.  Một loạt các triệu chứng có thể liên quan gián tiếp đến chứng cao huyết áp nhưng không phải lúc nào cũng do chứng cao huyết áp gây ra, chẳng hạn:

-      Các chấm máu ở mắtĐúng vậy, các chấm máu ở mắt (subconjunctival hemorrhage) thường xuất hiện phổ biến ở những người bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) hoặc cao huyết áp, nhưng cả hai chứng bệnh này không tạo ra các chấm máu này.  Các chấm trôi nổi ở mắt (eye floaters) không liên quan đến chứng cao huyết áp.  Tuy nhiên, bác sĩ nhãn khoa có thể phát hiện thương tổn của dây thần kinh thị giác do chứng cao huyết áp không được điều trị gây ra.
-      Đỏ mặtTình trạng đỏ mặt xảy ra khi các mạch máu ở mặt bị nở ra.  Tình trạng đỏ mặt có thể xảy ra đột ngột hoặc do phản ứng lại một số yếu tố kích thích, chẳng hạn như tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thời tiết lạnh, thực phẩm cay, gió, thức uống nóng và các sản phẩm dưỡng da.  Tình trạng đỏ mặt cũng có thể xảy ra khi bị rối loạn cảm xúc, tiếp xúc với nhiệt hoặc nước nóng, uống rượu bia và tập thể dục, tất cả các yếu tố này đều có thể làm tăng huyết áp tạm thời.  Mặc dù tình trạng đỏ mặt có thể xảy ra khi huyết áp của bạn tăng cao hơn bình thường, nhưng chứng cao huyết áp không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng đỏ mặt.
-      Chóng mặt.  Mặc dù không do chứng cao huyết áp gây ra, tình trạng chóng mặt có thể là một tác dụng phụ của một số loại thuốc chống cao huyết áp.  Tuy nhiên, không nên xem thường tình trạng chóng mặt, đặc biệt nếu như bạn phát hiện tình trạng chóng mặt xuất hiện đột ngột.  Bị chóng mặt đột ngột, mất thăng bằng hoặc mất khả năng phối hợp và gặp khó khăn trong việc đi bộ đều là các dấu hiệu cảnh báo của một cơn đột quỵ (tai biến mạch máu não).  Chứng cao huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra đột quỵ (tai biến mạch máu não).

Các Triệu Chứng của Trường Hợp Cao Huyết Áp Cấp Cứu

Trong các trường hợp hiếm (dưới 1% số bệnh nhân bị cao huyết áp), huyết áp sẽ tăng nhanh (với áp suất tâm trương thường tăng lên 130 mm Hg hoặc cao hơn), dẫn đến tình trạng cao huyết áp cấp cứu (hypertensive emergency hoặc malignant hypertension hoặc accelerated hypertension).  Đây là một tình trạng có thể gây tử vong, do đó phải được điều trị ngay tức khắc.  Những bệnh nhân bị cao huyết áp không được kiểm soát hoặc có bệnh sử bị suy tim là những người có nhiều nguy cơ bị cao huyết áp cấp cứu.

Bệnh nhân nên điện thoại ngay cho bác sĩ nếu các triệu chứng sau đây xuất hiện:

-      Tình trạng uể oải (ngủ gà gật)
-      Rối loạn tinh thần
-      Nhức đầu
-      Buồn nôn
-      Mất thị lực
-      Khó thở
-      Chảy máu mũi nhiều hơn bình thường


Nguồn bổ sung:








0 comments:

Post a Comment