Tuesday, August 6, 2013

CAO HUYẾT ÁP (HIGH BLOOD PRESSURE - HYPERTENSION) - Do LQT Biên Dịch


CÁC NGUYÊN NHÂN

Các Nguyên Nhân Gây Ra Bệnh Cao Huyết Áp Chính

Chứng bệnh này được xem là bệnh cao huyết áp chính(essential/primary hypertension) khi bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân cụ thể.  Cho đến nay, đây là dạng cao huyết áp phổ biến nhất.  Các nguyên nhân gây ra dạng bệnh này, mặc dù người ta vẫn chưa biết rõ, có khả năng là sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền, môi trường và các yếu tố khác.

Các Yếu Tố Di Truyền.  Một số các yếu tố di truyền hoặc tương tác giữa các gen đóng một vai trò quan trọng gây ra bệnh cao huyết áp chính.

-      Các gen được nghiên cứu chi tiết là những loại gen kiểm soát một nhóm các kích thích tố (hormone) có tên chung là hệ thống angiotensin-renin-aldosterone.  Hệ thống này ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kiểm soát huyết áp, bao gồm sự co bóp mạch máu, cân bằng natri và nước, và sự phát triển của tế bào trong tim.
-      Các nghiên cứu cho thấy rằng một số người mắc bệnh cao huyết áp chính có thể thừa hưởng những rối loạn của hệ thần kinh giao cảm.  Đây là một phần của hệ thần kinh tự động có chức năng kiểm soát nhịp tim, huyết áp, và đường kính của các mạch máu.
-      Các hiện tượng thay đổi kiểu hình gen (epigenesis: nhưng không liên quan đến sự thay đổi của chuỗi DNA), chẳng hạn như metyl hóa DNA(DNA methylation) và quá trình cải biến histone (histone modification), cũng được bao hàm trong quá trình phát sinh bệnh.  Ví dụ, chế độ ăn uống có nhiều muối xem ra cho thấy sự phát triển của ống sinh niệu (nephron) do quá trình metyl hóa gây ra.  Tình trạng mất nước và thiếu hụt protein của người mẹ trong thời gian mang thai sẽ làm tăng sự thể hiện của hệ thống rennin-angiotensin ở thai nhi.  Tình trạng căng thẳng tinh thần sẽ tạo ra men xúc tác quá trình metyl hóa DNA (DNA methylase), men này làm tăng phản xạ tự động. 

Các Nguyên Nhân Gây Chứng Cao Huyết Áp Phụ

Chứng cao huyết áp phụ (secondary hypertension) do một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc các yếu tố khác gây ra (chẳng hạn như các loại thuốc) có tác dụng làm tăng huyết áp.  Có nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau liên quan đến chứng cao huyết áp phụ.  Các chứng bệnh này cũng có thể làm cho tình trạng cao huyết áp khó được kiểm soát hơn, bao gồm:

Bệnh Tiểu Đường (Đái Tháo Đường).  Chứng cao huyết áp có liên quan mật thiết đến bệnh tiểu đường (đái tháo đường), cả hai loại 1 và 2.  Bệnh thận do tiểu đường (diabetic nephropathy) thường là nguyên nhân gây ra chứng cao huyết áp ở những người bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường).

Bệnh Thận.  Bệnh thận là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng cao huyết áp phụ, đặc biệt ở những người cao tuổi.  Ngoài bệnh thận do tiểu đường, còn có nhiều dạng bệnh thận có thể gây ra chứng cao huyết áp.  Tình trạng thu hẹp động mạch thận (renal artery stenosis) thường do chứng xơ vữa động mạch gây ra.  Các dạng bệnh thận khác liên quan đến chứng cao huyết áp là bệnh thận đa u nang (polycystic kidney disease) và bệnh nhu mô thận (renal parenchymal disease).

Hẹp Động Mạch ChủHẹp động mạch chủ(coarctation of the aorta) là một dị tật bẩm sinh gây hẹp động mạch, đây là động mạch chính ở tim.

Các Rối Loạn Nội Tiết.  Các khối u lành tính ở tuyến thượng thận (pheochromocytoma, aldosteronism), các rối loạn ở tuyến giáp, và hội chứng Cushing, tất cả đều có thể gây ra chứng cao huyết áp phụ.

Các Loại Thuốc.  Nhiều loại thuốc không cần toa bác sĩ và do bác sĩ kê toa có thể làm tăng huyết áp tạm thời hoặc làm trở xấu tình trạng cao huyết áp đang tồn tại.  Các loại thuốc này bao gồm:

-      Các loại thuốc corticosteroid khi được sử dụng bằng miệng hoặc truyền qua tĩnh mạch
-      Các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) chẳng hạn như ibuprofen (Motrin), naproxen (Aleve), và aspirin.
-      Các loại thuốc cảm lạnh có tác dụng thông mũi chứa pseudoephedrine có thể làm tăng huyết áp ở những người bị cao huyết áp, mặc dù các loại thuốc này có vẻ như không gây nguy hiểm cho những người có huyết áp bình thường.
-      Các loại thuốc tránh thai uống bằng miệng (oral contraceptive) làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp, đặc biệt ở các phụ nữ trên 35 tuổi, béo phì, hút thuốc lá, gia đình có bệnh sử bị cao huyết áp, hoặc một số sự phối hợp của các yếu tố này.  Ngưng sử dụng loại thuốc này hầu như luôn luôn hạ được huyết áp.

Các nguyên nhân khác bao gồm:

-      Tăng năng tuyến giáp (hyperthyroidism) và giảm năng tuyến giáp (hypothyroidism)
-      Tăng canxi trong máu (hypercalcemia)
-      Tăng năng tuyến cận giáp (hyperparathyroidism)
-      Bệnh to cực (acromegaly)
-      Chứng ngưng thở trong lúc ngủ (obstructive sleep apnea)
-      Tăng huyết áp do mang thai

Khoảng một nửa số bệnh nhân tăng huyết áp bị tình trạng ngưng thở trong lúc ngủ, và khoảng một nửa số người bị ngưng thở trong lúc ngủ có chứng cao huyết áp.  Đo huyết áp lưu động thường cho thấy tình trạng “hạ đột ngột” huyết áp khoảng 10% trong lúc ngủ.  Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không bị tình trạng “hạ đột ngột” này, thì cơ hội bị ngưng thở trong lúc ngủ sẽ tăng lên.  Tình trạng không hạ huyết áp đột ngột này được xem là do các đợt ngưng thở/thở chậm gây ra, các đợt phát này chấm dứt khi bệnh nhân thức giấc với huyết áp tăng cao đáng kể và kéo dài trong vài giây.

Các Nguyên Nhân Gây Ra Các Trường Hợp Cao Huyết Áp Cấp Cứu

Trường hợp cao huyết áp cấp cứu (hypertensive emergency) phổ biến nhất là một tình trạng tăng huyết áp đột ngột không thể giải thích ở bệnh nhân bị cao huyết áp chính mãn tính (chronic essential hyptertension).  Đa số các bệnh nhân phát triển tình trạng cao huyết áp cấp cứu đều không được điều trị đầy đủ hoặc đột ngột ngưng sử dụng thuốc.

Các nguyên nhân khác gây ra các trường hợp cao huyết áp cấp cứu bao gồm việc sử dụng một số loại thuốc gây hưng phấn (recreational drug), ngưng đột ngột thuốc clonidine, sau khi cắt bỏ khối u lành tính ở tuyến thượng thận hoặc khối u ở hệ thần kinh giao cảm, và bệnh xơ cứng hệ thống(systemic sclerosis), cũng như các nguyên nhân sau:

-      Bệnh nhu mô thận: viêm thận và bể thận mãn tính (chronic pyelonephritis), viêm cuộn cầu thận chính (primary glomerulonephritis), viêm ống và mô thận khe(tubulointerstitial nephritis: chiếm 80% trong số tất cả các nguyên nhân phụ)
-      Các rối loạn hệ thống liên quan đến thận: luput ban đỏ hệ thống (systemic lupus erythematosus), bệnh xơ cứng hệ thống, viêm mạch (vasculitides)
-      Bệnh mạch thận (renovascular disease): bệnh xơ cứng động mạch (atherosclerotic disease), chứng co phình động mạch kích cỡ trung (fibromuscular dysplasia), viêm mạch hoại tử hệ thống(polyarteritis nodosa)
-      Bệnh nội tiết: u lành tính tuyến thượng thận và hệ thần kinh giao cảm (pheochromocytoma), hội chứng Cushing, tăng phóng thích aldosterone chính(hyperaldosteronism)
-      Thuốc: côcain, các loại thuốc amphetamine, cyclosporine, clonidine (ngưng sử dụng), phencyclidine, thuốc giảm cân, thuốc tránh thai uống bằng miệng
-      Các tương tác thuốc: các loại thuốc ức chế monoamine oxidase (monoamine oxidase inhibitor) tương tác với các loại thuốc chống trầm cảm tricyclic, các loại thuốc kháng histamine, hoặc thực phẩm chứa tyramine
-      Các yếu tố của hệ thần kinh trung ương: chấn thương hệ thần kinh trung ương hoặc các rối loạn ở dây cột sống, chẳng hạn như hội chứng Guillain-Barré
-      Hẹp động mạch chủ
-      Tiền sản giật/sản giật (preeclampsia/eclampsia)
-      Cao huyết áp sau phẫu thuật

Nguồn bổ sung:










0 comments:

Post a Comment