Monday, March 31, 2014

TIN TỨC Y HỌC - Do LQT Biên Dịch



Nghỉ ngơi nhiều có thể cải thiện khả năng sử dụng chất insulin của cơ thể và giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2, theo một nghiên cứu sơ bộ được trình bày tại Hội Thảo Hàng Năm Lần Thứ 95 Của Hiệp Hội Nội Tiết(The Endocrine Society’s 95th Annual Meeting).



Các nhà khoa học đã nghiên cứu 19 người đàn ông ngủ không đủ trong vòng ít nhất là 6 tháng.  Trước khi dự án này bắt đầu, những người này thường xuyên ngủ khoảng 6 tiếng mỗi đêm trong tuần và ngủ nướng vào cuối tuần.  Sau khi tiến hành xét nghiệm máu, những người đàn ông này đã được yêu cầu ngủ tại phòng thí nghiệm trong 3 đêm.  Các nhà nghiên cứu đã đánh thức một số người sau 6 tiếng, cho phép những người khác ngủ thẳng giấc 10 tiếng, đồng thời cho phép một số người ngủ 10 tiếng trong lúc mở những âm thanh êm dịu để giữ cho họ không đi vào giấc ngủ sâu.

Các kiểm tra sau đó cho thấy rằng nếu được nghỉ ngơi nhiều và không bị gián đoạn, cơ thể của người đàn ông sẽ làm tốt công tác sử dụng insulin để kiểm soát hàm lượng glucose trong máu.  Theo thời gian, sự thay đổi về độ nhạy cảm insulin này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2, theo lời của tác giả nghiên cứu Tiến sĩ y khoa Peter Liu của Viện Nghiên Cứu Y Sinh Los Angeles (Los Angeles Biomedical Research Institute).

Các bác sĩ vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác tại sao ngủ nướng lại có hiệu ứng này.  Có một giả thuyết cho rằng: ngủ đủ sẽ giúp ổn định hàm lượng hooc môn tăng trưởng ở người (human growth hormone), một hợp chất được tiết ra trong lúc ngủ sâu mà các nhà khoa học tin rằng nó có chức năng giúp cơ thể kiểm soát hàm lượng glucose trong máu.  Theo bác sĩ Liu, tình trạng thiếu ngủ cũng có thể làm tăng hàm lượng cortisol và các chất catecholamine, kích hoạt hệ thống “đánh hoặc chạy” của cơ thể đồng thời ảnh hưởng đến khả năng phản ứng của cơ thể đối với insulin.

Điều đáng mừng là, bạn sẽ không chết nếu bạn thiếu ngủ - theo bác sĩ Liu, nghỉ ngơi nhiều sẽ cải thiện được kết quả xét nghiệm máu rất nhanh.  Nhưng đừng ỷ lại vào việc ngủ bù vào cuối tuần: “ Điều này cũng giống như nói rằng bạn có thể ăn uống tùy tiện trong tuần rồi sau đó ăn uống lành mạnh trở lại vào cuối tuần”.  Thay vào đó, bạn nên cải thiện giấc ngủ vào những ngày trong tuần, và cố gắng ngủ từ 7 – 8 tiếng mỗi ngày. (Trở về đầu trang)




6 LOẠI SIÊU THỰC PHẨM GÂY NGẠC NHIÊN

Các loại rau củ xanh lâu nay vẫn được xem là loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, nhưng các loại trái cây (hoa quả), rau củ, và ngủ cốc có màu đậm cũng là những nguồn dinh dưỡng tạo năng lượng.  Màu sắc của chúng bắt nguồn từ các chất anthocyanin, những sắc tố thực vật mà chúng có thể giúp làm giảm các nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường), bệnh tim, và ung thư.

Thật vậy, “các thực phẩm có màu đen chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn so với các loại thực phẩm có màu sáng do chúng chứa nhiều sắc tố”, theo lời Cy Lee, giáo sư ngành hóa thực phẩm tại trường Đại Học Cornell (Cornell University) ở Ithaca, New York.  Không thể tìm thấy một trong những loại siêu thực phẩm có màu đậm này ở siêu thị địa phương của bạn?  Hãy thử tìm ở các chợ bán thực phẩm tự nhiên và các chợ của các sắc dân khác.

Gạo Đen



Gạo nâu (brown rice) rất tốt cho bạn, nhưng gạo đen (black rice) còn tốt hơn nữa.  Đó là bởi vì vỏ cám (bran hull) chứa rất nhiều vitamin E, do đó giúp tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ các tế bào không bị các gốc tự do hủy hoại.  Thật vậy, theo một nghiên cứu từ Trung Tâm Nông Nghiệp Đại Học Tiểu Bang Louisiana (Louisiana State University Agricultural Center), gạo đen chứa nhiều chất chống oxy hóa anthocyanin hơn so với dâu xanh (blueberries).  

Đậu Lăng Đen (Black Lentils)



Những loại rau đậu này chứa rất nhiều chất sắt: một cup (236 g) chứa khoảng 8 mg chất sắt, gần bằng một nửa số lượng 18 mg được đề xuất mỗi ngày cho phụ nữ.  Theo một nghiên cứu mới của trường Đại Học Illinois (University of Illinois), đậu lăng cũng giúp tăng cường hàm lượng chất xơ hòa tan (soluble fiber), do đó không chỉ có thể giảm bớt hàm lượng cholesterol, mà còn có thể cải thiện chức năng miễn dịch.

Dâu Đen



Các chất polyphenol được tìm thấy trong các loại dâu đen (blackberries) có thể giúp giảm bớt tình trạng suy giảm chức năng nhận thức ở những người cao tuổi bằng cách làm sạch các tế bào gây suy giảm chức năng não, theo lời của các nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Dinh Dưỡng Con Người Về Lão Hóa(Human Nutrition Research Center on Aging) ở Boston.  Dâu đen cũng chứa rất nhiều chất xơ – 1 cup (236 g) chứa 8 g chất xơ trong số 25 g được đề xuất tiêu thụ mỗi ngày.

Đậu Đen



Lớp vỏ đen của các loại đậu này chứa nhiều các chất bioflavonoid – là những chất dinh dưỡng trong thực vật có thể bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư, theo một nghiên cứu của trường Đại Học Cornell.

Đậu Nành Đen



Một nghiên cứu ở Hàn Quốc (Đại Hàn) cho thấy rằng tiêu thụ đậu nành đen có thể giúp hạ giảm nguy cơ bị chứng huyết khối (thrombosis), thậm chí nhiều hơn so với đậu nành vàng và xanh.

Ngoài ra, tất cả các loại dầu đậu nành đều chứa axit alpha-linolenic, một dạng axit béo omega-3 giúp hạ giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Trà Đen



Trà (chè) xanh và trà (chè) trắng đều được quảng cáo có lợi cho sức khỏe, nhưng trà (chè) đen cũng có những đặc tính này.  Trà (chè) đen chứa các chất theaflavin – những chất chống oxy hóa, theo một nghiên cứu từ trường Đại Học Rutgers (Rutgers University) ở New Jersey, có thể giúp cải thiện khả năng hồi phục từ tình trạng đau nhức cơ sau khi tập thể dục căng thẳng.  Uống trà (chè) đen cũng có thể giảm bớt nguy cơ bị một cơn nhồi máu cơ tim tấn công. (Trở về đầu trang)




TIÊU THỤ THỊT ĐỎ VÀ NGUY CƠ MẮC BỆNH TIỂU ĐƯỜNG LOẠI 2

Tiêu thụ thịt đỏ (đặc biệt là thịt bò) được xem có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ gia tăng mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2.  Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ những thay đổi trong việc tiêu thụ thịt đỏ có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2 không.



Mục Tiêu

Để đánh giá mối liên hệ giữa những thay đổi trong việc tiêu thụ thịt đỏ trong một khoảng thời gian 4 năm và nguy cơ 4 năm bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2 ở những người Mỹ thành niên.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành 3 cuộc nghiên cứu nhóm (cohort study) ở những người đàn ông và phụ nữ khỏe mạnh ở Hoa Kỳ.

Các nhà nghiên cứu đã giám sát 26 357 người đàn ông trong Nghiên Cứu Theo Dõi Các Nhân Viên Y Tế (Health Professionals Follow-up Study) từ năm 1986 – 2006, 48 709 phụ nữ trong Nghiên Cứu Sức Khỏe Y Tá (Nurses’ Health Study) từ năm 1986 – 2006, và 74 077 phụ nữ trong Nghiên Cứu Sức Khỏe Y Tá II (Nurses’ Health Study II) từ năm 1991 – 2007.  Chế độ ăn được đánh giá bởi các câu hỏi điều tra tần suất thực phẩm hợp lệ và được cập nhật mỗi 4 năm.  Các mô hình thống kê sự rủi ro được sử dụng để đo tỷ lệ rủi ro phù hợp với độ tuổi, tiểu sử gia đình, sắc tộc, tình trạng hôn nhân, sự tiêu thụ thịt đỏ trước đây, tình trạng hút thuốc lá, và những thay đổi trong các yếu tố khác về lối sống (hoạt động thể chất, tiêu thụ rượu bia, năng lượng tổng cộng hấp thu, và chất lượng chế độ ăn). 

Các trường hợp bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2 xảy ra đã được công nhận hợp lệ bởi các câu hỏi điều tra bổ sung.

Kết Quả

Trong thời gian theo dõi, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 7540 trường hợp mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2 xảy ra.  Trong các mô hình nghiên cứu đa lượng biến được điều chỉnh, việc gia tăng tiêu thụ thịt đỏ trong khoảng thời gian 4 năm được xác định có liên quan đến nguy cơ gia tăng bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2 trong 4 năm sau đó ở mỗi nhóm người tham gia nghiên cứu.  Khi được so sánh với nhóm kiểm soát (không thay đổi trong việc tiêu thụ thịt đỏ), việc gia tăng tiêu thụ thịt đỏ trên 0,5 phần ăn mỗi ngày được xác định có liên quan đến 48% nguy cơ gia tăng trong khoảng thời gian 4 năm sau đó, và mối liên hệ này giảm dần sau khi điều chỉnh chỉ số trọng lượng cơ thể (body mass index – BMI) ban đầu và số cân nặng hiện tại.  Việc giảm tiêu thụ thịt đỏ trên 0,5 phần ăn mỗi ngày tính theo mức tiêu chuẩn đến 4 năm đầu theo dõi được xác định giảm được 14% nguy cơ trong suốt thời gian theo dõi sau đó đến năm 2006 hoặc 2007.

Kết Luận

Gia tăng tiêu thụ thịt đỏ lâu ngày được xác định có liên quan đến nguy cơ gia tăng mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2 sau này, và mối liên hệ này phần nào phụ thuộc vào cân nặng cơ thể.  Các kết quả này đã bổ sung vào chứng cứ cho rằng hạn chế tiêu thụ thịt đỏ lâu ngày sẽ tạo ra được các lợi ích ngăn ngừa bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2. (Trở về đầu trang)




CÁCH THỨC MÓNG TÁI TẠO CÁC ĐẦU NGÓN ĐÃ MẤT

Nghiên cứu về các ngón chân ở chuột đã tiết lộ các lộ trình giúp tìm ra các manh mối để tái tạo tay chân ở người.

Nếu một con kỳ nhông (salamander) bị mất chân, nó có thể mọc lại chân mới.  Con người và những động vật có vú khác lại không được may mắn như vậy, nhưng chúng ta có thể mọc lại móng tay và móng chân, miễn là còn đủ phần móng tay chưa bị mất.  Điều này đã được nghiên cứu đầu tiên cách đây khoảng 40 năm; ngày nay, cuối cùng thì các nhà khoa học cũng đã tiết lộ lý do tại sao các móng tay/chân lại cần thiết.




Các đầu ngón, bao gồm xương, có thể tái tạo trong vòng 5 tuần sau khi bị cắt cụt ở các chú chuột bình thường (hình trên).  Nhưng quá trình tái tạo không thành công ở những chú chuột nào thiếu đi một lộ trình trao đổi tín hiệu quan trọng (hình dưới).













Khi làm việc với các chú chuột, các nhà nghiên cứu do Mayumi Ito dẫn đầu tại trường Đại Học New York (New York University) đã xác định một nhóm tế bào gốc nằm dưới gốc của móng mà chúng có thể điều khiển quá trình tái tạo ngón bị cắt cụt một phần.  Tuy nhiên, các tế bào này chỉ có thể giúp tái tạo chỉ khi nào còn đủ lớp biểu mô của móng – tổ chức mô nằm ngay bên dưới móng.  Các kết quả nghiên cứu đã được đăng trên trang mạng của tạp chí Nature.

Quá trình này chỉ được so sánh với khả năng tái tạo của loài lưỡng cư, nhưng cả hai lại có nhiều đặc điểm giống nhau, từ các phân tử liên quan, đến lập luận cho rằng các dây thần kinh là cần thiết.  Ông Ito nói rằng, “Tôi hết sức ngạc nghiên trước những đặc điểm giống nhau này.  Điều đó cho thấy rằng chúng ta phần nào giữ lại được các cơ chế tái tạo vận hành ở các động vật lưỡng cư”.

Bằng cách đánh dấu các nhóm tế bào móng để tất cả các tế bào con được sản sinh sẽ có màu xanh dương, Ito, cùng với Makoto Takeo và những nhà nghiên cứu khác, đã cho thấy rằng phần gốc của móng chứa một nhóm nhỏ các tế bào gốc tự tái tạo, chúng giúp duy trì sự phát triển liên tục của móng.  Sự tăng trưởng liên tục này phụ thuộc vào các tín hiệu do nhóm các protein Wnt mang theo – nếu lộ trình trao đổi tín hiệu này bị gián đoạn, móng của các chú chuột sẽ không thể mọc.

Nhóm nghiên cứu này đã tìm thấy rằng lộ trình tương tự tham gia vào quá trình tái tạo các đầu ngón đã bị cắt cụt của chuột.  Sau khi bị cắt cụt, lộ trình Wnt được kích hoạt trong lớp biểu mô nằm bên dưới phần móng còn lại và thu hút các dây thần kinh đến khu vực này.  Thông qua một protein có tên là FGF2, các dây thần kinh thúc đẩy sự phát triển của các tế bào mô giữa (mesenchymal cells), giúp hồi phục các tổ chức mô chẳng hạn như xương, gân và cơ.  Trong vòng 5 tuần, ngón chân này trở lại như bình thường.

Tuy nhiên, cơ chế tái tạo này không thể xảy ra nếu ngón bị cắt cụt quá sâu (nhiều) và lớp biểu mô móng bị mất đi quá nhiều.  Trong trường hợp như vậy, lộ trình Wnt không bao giờ được kích hoạt, do đó các dây thần kinh không thể nối dài và các tổ chức mô khác không thể tái tạo.

“Đây là một tài liệu nghiên cứu độc đáo”, theo lời của James Monaghan, một nhà sinh học tái tạo tại trường Đại Học Đông Bắc (Northeastern University) ở Boston, Massachusetts.  “ Điều thật sự độc đáo là các cơ chế tế bào và các lộ trình trao đổi tín hiệu, như Wnt và FGF, tất cả đều có vẻ tương tự với các cơ chế ở loài kỳ nhông”.

Có khả năng rằng các cơ chế này cũng áp dụng được đối với loài người và các loài động vật có vú khác, vì các lộ trình này được bảo toàn, và các nghiên cứu trước đây đã chứng mình rằng con người cũng phụ thuộc vào móng tay (chân) để tái tạo các đầu ngón bị cắt đứt.

“Thông tin này mang tính cổ vũ vì những đặc điểm giống nhau này tạo cho chúng ta niềm tin rằng chúng ta sẽ có thể tạo ra cơ chế tái tạo ở người trong một tương lai không xa”, theo lời của Ken Muneoka, một nhà sinh học phân tử (molecular biologist) tại trường Đại Học Tulane (Tulane University) ở New Orleans.

Nhưng Ashley Seifert, một nhà sinh học tái tạo (regeneration biologist) tại trường Đại Học Kentucky (University of Kentucky) ở thành phố Lexington thì không đảm bảo về các đặc điểm song song này.  “Các động vật lưỡng cư (amphibian) có thể tái tạo các ngón ở bất kỳ mức độ bị cắt cụt nào và chúng hoàn toàn thiếu đi bộ phận móng”.  Ông cho rằng có thể là các động vật có vú “đã phát triển tiến hóa khả năng tái tạo các đầu ngón một cách độc lập thông qua một cơ chế phụ thuộc vào bộ phận móng”.

Ông Seifert cũng chỉ ra rằng nếu toàn bộ phần móng được lấy ra, việc kích hoạt lộ trình Wnt ở tổ chức mô còn lại không thể kích thích được quá trình tái tạo.  Theo ông, “nếu cơ chế mà họ đề cập đến thật sự quan trọng, thì người ta sẽ kỳ vọng rằng kết quả của thí nghiệm này ít nhất sẽ là một sự kích thích phần nào cho quá trình tái tạo”.  Triển vọng tái tạo các chi bị cắt cụt ở người vẫn chưa sáng sủa lắm, trừ khi có thêm nhiều chi tiết được khám phá. (Trở về đầu trang)



CÁC NGUY CƠ DO NGỒI QUÁ NHIỀU

Các nhà nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa việc ngồi quá lâu với một số vấn đề về sức khỏe, bao gồm tình trạng béo phì và hội chứng chuyển hóa (metabolic syndrome) – một loạt các tình trạng bệnh lý bao gồm tăng huyết áp, tăng đường trong máu, mỡ thừa ở phần eo và hàm lượng cholesterol không bình thường.



Ngồi quá nhiều xem ra cũng làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư và bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu mới đây so sánh những người cao tuổi mà họ đã dành ra chưa đến 2 giờ mỗi ngày ngồi xem TV hoặc các hình thức giải trí dùng màn hình khác với những người ngồi xem TV hoặc các màn hình giải trí khác trên 4 giờ mỗi ngày.  Những người dành nhiều thời gian với hình thức giải trí này có:

-      Gần như 50% nguy cơ gia tăng bị tử vong từ mọi nguyên nhân
-      Khoảng 125% nguy cơ gia tăng bị các vấn đề liên quan đến bệnh tim mạch, chẳng hạn như đau ngực hoặc nhồi máu cơ tim

Nguy cơ gia tăng này đã được tách ra khỏi các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch truyền thống khác, chẳng hạn như hút thuốc lá hoặc cao huyết áp.

Ngồi trước màn hình TV không phải là mối lo ngại duy nhất.  Bất kỳ hình thức ngồi nhiều giờ nào – chẳng hạn như ngồi làm việc ở công sở hoặc ngồi lái xe – cũng có thể có hại.  Ngoài ra, dành một vài giờ mỗi tuần tại phòng tập thể dục hoặc tiến hành các hoạt động vừa phải hoặc căng thẳng xem ra không thể giảm bớt đáng kể nguy cơ này.

Thay vào đó, giải pháp thỏa đáng xem ra là phải vận động nhiều hơn và ngồi ít hơn.  Bạn có thể bắt đầu sự thay đổi này bằng cách tranh thủ đứng bất cứ khi nào có cơ hội.

Ví dụ:

-      Đứng trong lúc nói điện thoại hoặc ăn trưa
-      Nếu bạn phải ngồi làm việc ở bàn trong nhiều giờ, hãy thử dùng một bàn đứng – hoặc thiết kế một bàn đứng hoặc quầy hay kệ đứng.

Hơn nữa, hãy nghĩ về những cách đi bộ trong khi bạn đang làm việc:

-      Đi bộ lòng vòng với các đồng nghiệp thay vì tụ họp trong một phòng hội thảo.
-      Thiết kế bàn làm việc trên một máy đi bộ - với màn hình vi tính và bàn phím trên một giá chống hoặc trên một bàn đứng được thiết kế đặc biệt cho máy đi bộ - để bạn có thể chuyển động suốt ngày.

Tác động của việc chuyển động – ngay cả những vận động trong những lúc rãnh rỗi – có thể có ảnh hưởng sâu rộng.  Đối với những người mới bắt đầu, bạn sẽ làm tiêu hao được nhiều calorie.  Điều này có thể giúp bạn giảm cân và gia tăng năng lượng.


Đặc biệt hơn nữa là, các hoạt động cơ giúp bạn đứng cũng như giúp cho các chuyển động khác xem ra kích thích các quá trình quan trọng liên quan đến khả năng phân hóa các chất béo và đường trong cơ thể.  Khi bạn ngồi, các quá trình này sẽ bị ngừng lại, do đó làm tăng nguy cơ cho sức khỏe của bạn.  Khi bạn đứng hoặc vận động, bạn sẽ kích hoạt các quá trình này hoạt động trở lại. (Trở về đầu trang)



ĐI BỘ HỖ TRỢ SỨC KHỎE CHO NHỮNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG CAO TUỔI

Mặc dù đi bộ được xếp trong số các dạng hoạt động thể chất ưu tiên cho những người cao tuổi, nhưng chỉ có ít nghiên cứu xem xét tác động đặc biệt của việc đi bộ khi so sánh với toàn bộ hoạt động thể chất, đối với sức khỏe của người cao tuổi.

“Sức khỏe của đàn ông đang trở thành một mối lo ngại gia tăng, với tỷ lệ cao các chứng bệnh mãn tính, như bệnh tiểu đường (đái tháo đường) và bệnh tim mạch.  Nói một cách cụ thể, thì các hành vi sức khỏe của những người đàn ông cao tuổi hiện chưa được nghiên cứu nhiều”, theo lời của tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Jeff Vallance, phó giáo sư khoa sức khỏe tại trường Đại Học Athabasca (Athabasca University), Canada.  Ông nói rằng cuộc nghiên cứu của nhóm là một trong số những nghiên cứu đầu tiên điều tra một cách cẩn thận những sự đo lường khách quan của việc đi bộ và sức khỏe đối với chất lượng cuộc sống của những người đàn ông cao tuổi.


Các nhà nghiên cứu đã quan sát 385 người đàn ông trên 55 tuổi sống ở Alberta, Canada.  Có khoảng 69% trong số này là quá cân(overweight), với 19% bị béo phì (obese).  Những người đàn ông này mang theo máy đo bước chân trong 3 ngày liên tục, bao gồm một ngày cuối tuần, để đo các hoạt động đi bộ.

“Nhiều chuyên gia sức khỏe đề xuất rằng những máy đo bước chân này cung cấp các số đo khách quan về các hoạt động cũng như các động lực”, theo lời của tiến sĩ Nanette Mutrie, giáo sự tại Viện Thể Thao, Giáo Dục Thể Chất và Khoa Học Sức Khỏe(Institute for Sport, Physical Education and Health Sciences) tại trường Đại Học Edinburgh(University of Edinburgh).

Các nhà nghiên cứu đã chia những người đàn ông này thành 4 nhóm dựa vào số bước đi được mỗi ngày, từ thấp nhất đến cao nhất.  Những người đàn ông này đi trung bình khoảng 8539 bước mỗi ngày.  “Những người đàn ông cao tuổi mà họ có số đo bước đi trung bình mỗi ngày cao nhất được báo cáo có chất lượng cuộc sống ở mức lý tưởng hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần, so với những người đàn ông cao tuổi chỉ đi trung bình vài bước mỗi ngày”.

Tiến sĩ Mutrie chỉ ra rằng mặc dù đi bộ nhiều có liên quan đến chất lượng cuộc sống cao hơn, nhưng điều quan trọng để mọi người biết rằng “đi bộ với mức độ vừa phải cũng tạo ra được chất lượng cuộc sống cao hơn”.  Bà Mutrie nói rằng các phát hiện mới này đã thêm vào các tài liệu đang trở nên phổ biến về những lợi ích của việc đi bộ, việc sử dụng các máy đo bước đi và các lợi ích sức khỏe từ các hoạt động hàng ngày ở mức độ vừa phải đã góp phần vào cách chúng ta cảm nhận và cách chúng ta vận hành cơ thể.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, “Đi bộ 10 000 bước mỗi ngày đã trở nên “một mục tiêu đi bộ phổ biến thường được khuyến khích”.  Nhưng trên thực tế, theo Vallence, “đa số những người đàn ông cao tuổi không thể thực hiện 10 000 bước đi mỗi ngày, do đó đây không thể là một mục tiêu mang tính thực tế.  Không quan trọng là bao nhiêu bước bạn đi mỗi ngày”.  Ông Vallance nói, nhưng điều quan trọng là những người cao tuổi phải tiếp tục phấn đấu gia tăng số lượng đi bộ mỗi ngày.  “Càng nhiều bước càng tốt”, theo lời ông. (Trở về đầu trang)



RỐI LOẠN CĂNG THẲNG HẬU CHẤN THƯƠNG SAU CƠN NHỒI MÁU CƠ TIM LIÊN QUAN ĐẾN TÌNH TRẠNG MẤT NGỦ

Theo một nghiên cứu mới đây, những người gặp phải rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (post-traumatic stress disorder - PTSD) sau một cơn nhồi máu cơ tim (heart attack) có thể sẽ bị tình trạng khó ngủ vào ban đêm.

Các nhà nghiên cứu từ Trung Tâm Y Tế Đại Học Columbia(Columbia University Medical Center) lưu ý rằng các bệnh nhân bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương thường gặp phải tình trạng mất ngủ, điều này giúp giải thích mối liên hệ giữa rối loạn PTSD do nhồi máu cơ tim gây ra và chất lượng giấc ngủ trở nên xấu đi.


Tác giả đầu tiên của cuộc nghiên cứu, Jonathan Shaffer, và các đồng nghiệp tại Trung Tâm Sức Khỏe Hành Vi Tim Mạch (Center for Behavioral Cardiovascular Health) của trường Đại Học Columbia (Columbia University) đã kiểm tra mối liên kết giữa rối loạn PTSD và chất lượng giấc ngủ trong khoảng 200 bệnh nhận đã từng bị nhồi máu cơ tim.  Các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng các bệnh nhân càng gặp nhiều triệu chứng của rối loạn căng thẳng hậu chấn thương sau một cơn nhồi máu cơ tim, thì chất lượng giấc ngủ của họ càng trở xấu trong tháng sau khi bị nhồi máu cơ tim.

Các triệu chứng của rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD) bao gồm trạng thái lo âu, các hành vi lẫn tránh (avoidance behaviors), và hồi tưởng những ký ức không vui.

Các nhà điều tra phát hiện rằng, các triệu chứng của rối loạn PTSD trở xấu cũng liên quan đến chất lượng giấc ngủ, thời gian ngủ ngắn hơn, giấc ngủ bị gián đoạn, sử dụng thuốc ngủ và buồn ngủ vào ban ngày.

Giới tính xem ra cũng góp một phần.  Nghiên cứu này, được đăng trong trên Tạp Chí Y Học Hành Vi(Annals of Behavioral Medicine) số ra mới đây, tiết lộ rằng phụ nữ có nhiều khả năng bị mất ngủ sau một cơn nhồi máu cơ tim hơn.

Theo báo cáo này, những người bị mất ngủ sau một cơn nhồi máu cơ tim cũng có nhiều khả năng bị các triệu chứng trầm cảm hơn và có chỉ số trọng lượng cơ thể (body mass index) cao hơn.  Các phát hiện cũng cho thấy những người gốc Nam Mỹ (Hispanic) ít có khả năng bị tình trạng này.

Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng các vấn đề về chức năng của hệ thần kinh tự động (autonomic nervous system), một bộ phận của hệ thần kinh điều khiển các chức năng tự phát của cơ thể, chẳng hạn như hít thở, có liên quan đến rối loạn PTSD và giấc ngủ bị gián đoạn.  Các nhà nghiên cứu đề xuất rằng tình trạng suy giảm chức năng hệ thần kinh có thể là một nguyên nhân phổ biến gây ra hai vấn đề này.

Cần thêm nhiều nghiên cứu để điều tra mối liên kết giữa rối loạn căng thẳng hậu chấn thương do nhồi máu cơ tim gây ra và tình trạng mất ngủ, cũng như nguy cơ bị các cơn nhồi máu cơ tim trong tương lai, theo đề xuất trong một công bố mới đây.  Mặc dù các phát hiện cho thấy có sự liên quan, nhưng chưa chứng minh được mối liên hệ nhân quả (cause-and-effect relationship). (Trở về đầu trang)


CHU KỲ KINH NGUYỆT ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN TÂM TRẠNG CỦA BẠN

Một nghiên cứu mới của trường Đại Học London (University College London - UCL) tìm thấy rằng phụ nữ có thể gặp khoảng 3 lần những suy nghĩ và ký ức khó chịu về một sự kiện gây căng thẳng trong những ngày từ 16 đến 20 trong chu kỳ kinh nguyệt nhiều hơn so với những thời điểm khác trong chu kỳ này (ngày bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt được xem là ngày thứ nhất).

Các nhà nghiên cứu đã cho các phụ nữ khỏe mạnh ở độ tuổi từ 18 đến 35 (chưa bao giờ sử dụng thuốc tránh thai uống bằng miệng) xem một video về chấn thương.  Sau đó vài ngày, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu các phụ nữ này viết xuống những suy nghĩ không mong muốn để đáp ứng lại đoạn video này.  Những phụ nữ này đã bị gợi lại những ký ức khó chịu nhiều hơn trong giai đoạn đầu hình thành thể vàng (corpus luteum), thường rơi vào những ngày từ 16 đến 20 của chu kỳ kinh nguyệt.




“Những suy nghĩ gây khó chịu này là một hiện tượng tự nhiên”, theo lời của tiến sĩ Sunjeev Kamboj, giảng viên tâm lý học lâm sàng tại trường Đại Học London (University College London).  Mặc dù thỉnh thoảng những suy nghĩ này có thể sẽ xuất hiện và quấy rầy họ, nhưng ông không đề xuất phụ nữ cố tình ức chế các loại suy nghĩ này.  “Chúng ta đều biết rằng khi được yêu cầu đừng nghĩ đến một điều gì đó, thì người ta càng nghĩ nhiều về nó hơn”, ông nói tiếp.  Nếu bạn cảm thấy bị quấy rầy bởi những suy nghĩ gây khó chịu trong một thời gian dài, thì bạn nên đi khám bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị.

Đương nhiên, tác động này – và hội chứng tiền kinh nguyệt(premenstrual syndrome – PMS) – không phải là những cách duy nhất mà các thay đổi của các hooc môn ở buồng trứng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn.  Bác sĩ chuyên khoa sản phụ Suzanne Gilberg-Lenz giải thích cách thức những thời điểm khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến bạn (với giả thuyết là bạn không sử dụng các loại thuốc tránh thai, vì chúng có thể tạo ra những thay đổi hooc môn bất thường):

Khi Nào Bạn Sẽ Cảm Thấy Đồng Cảm Nhất

Nghiên cứu cho thấy rằng progesterone có thể ức chế khả năng đọc được các xúc cảm của người khác qua nét mặt của họ.  Do đó, theo lời bác sĩ Gilberg-Lenz, khoảng  ngày thứ 5 hoặc ngày thứ 6 trong chu kỳ kinh nguyệt, vào lúc này hàm lượng progesterone xuống thấp, bạn có thể cảm thấy rằng một cách tự nhiên bạn có khả năng hiểu được người khác nhiều hơn.

Khi Nào Bạn Sẽ Cảm Thấy Hấp Dẫn Nhất

Khi cơ thể bạn chuẩn bị cho thời kỳ rụng trứng – thường vào khoảng từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 13 của chu kỳ kinh nguyệt – estrogen tạo hưng phấn sẽ tăng lên.  Theo lời bác sĩ Gilberg-Lenz, bạn sẽ cảm thấy hết sức tự tin, nữ tính, và hấp dẫn hơn vào những ngày này ngay trước khi bạn có nhiều khả năng sinh sản nhất.

Khi Nào Bạn Cảm Thấy Ham Muốn Nhất

Estrogen và testosterone xuống thấp một cách đột ngột gần ngày thứ 16 (mặc dù hiện tượng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong khoảng từ ngày 5 đến ngày 22 của chu kỳ kinh nguyệt), kích thích quá trình rụng trứng.  Cùng lúc, bạn sẽ gặp tình trạng progesterone gia tăng, mà bác sĩ Gilberg-Lenz thỉnh thoảng gọi là “hooc môn có tác dụng làm dịu hoặc hooc môn ẩn dật”.  Theo lời của bà, bạn có thể cảm thấy cần nghỉ ngơi nhiều và có một số cảm giác ham muốn dữ dội trong thời gian này, đây có thể là cách thức cơ thể tự bảo vệ trong trường hợp mang thai. (Trở về đầu trang)


5 YẾU TỐ LÀM CHO BẠN MỆT MỎI

Tình Trạng Mất Nước (Dehydration)

Chỉ cần bị mất nước ở mức độ vừa phải (dẫn đến tình trạng mất đi 3% trọng lượng cơ thể) cũng có thể làm cho bạn cảm thấy trí óc bị chậm chạm và khó tập trung.  Lần sau nếu bạn cảm thấy chóng mặt, đừng chỉ nghĩ rằng bạn cần phải ăn chút gì đó.  Hãy thử uống một hoặc hai ly nước.



Điện Thoại Di Động

Sử dụng điện thoại di động trước khi đi ngủ sẽ làm cho các hoạt động ở não tăng lên, do đó sẽ làm cho bạn khó buồn ngủ.  Ngoài ra, ánh sáng xanh dương nhân tạo của các thiết bị điện tử có thể ức chế hooc môn kiểm soát chu kỳ ngủ (sleep hormone) melatonin.  Một nghiên cứu năm 2011 của Hiệp Hội Giấc Ngủ Quốc Gia Hoa Kỳ (National Sleep Foundation) đã phát hiện rằng có khoảng 20% số người ở độ tuổi từ 19 – 29 bị đánh thức bởi một cuộc gọi điện thoại, tin nhắn, hoặc email ít nhất vài đêm mỗi tuần.  Bạn nên tắt điện thoại trước khi đi ngủ.

Sử Dụng Thuốc

Nhiều loại thuốc che giấu các tác dụng phụ gây kiệt sức.  Đứng đầu trong số này là các nhóm thuốc chống trầm cảm (antidepressant) và một số loại thuốc chặn beta (beta-blocker) được dùng để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu (migraines) hoặc trị cao huyết áp.  Nếu bạn bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới và cảm thấy bị mệt mỏi hơn bình thường, thì bạn nên thảo luận với bác sĩ để đổi loại thuốc khác.  (Nếu không có loại thuốc thay thế, hãy sử dụng ngay trước khi đi ngủ).

Tập Thể Dục Quá Sức

Mặc dù tập thể dục sẽ ức chế hooc môn gây stress(stress hormone) cortisol, nhưng tình trạng chảy mồ hôi kéo dài – chẳng hạn như chạy liên tục trên 30 phút ở tốc độ đều đặn – có thể tái kích hoạt quá trình sản sinh hooc môn cortisol.  Tập xen kẽ (bao gồm tập nhẹ và nặng) kết hợp với tập thể lực sẽ giúp kiểm soát hooc môn gây stress cortisol.

Thiếu Chất Sắt

Khoáng chất này có tác dụng vận chuyển oxy đi khắp cơ thể và loại bỏ chất thải ra khỏi các tế bào.  Nếu bạn không tiêu thụ khoảng 18 mg chất sắt mỗi ngày, cơ thể của bạn sẽ khó vận hành một cách bình thường và bạn sẽ cảm thấy kiệt sức; không đủ hàm lượng chất sắt trong chế độ ăn của bạn có thể gây ra chứng thiếu máu do thiếu chất sắt(iron deficiency anemia).  Nếu bạn cảm thấy uể oải, hãy yêu cầu bác sĩ làm một xét nghiệm máu đơn giản để kiểm tra xem bạn có cần phải sử dụng thực phẩm chức năng không. (Trở về đầu trang)




CÁC VI KHUẨN CÓ LỢI CHO NÃO CỦA BẠN

Probiotics – các loại vi khuẩn “tốt” chứa trong các loại thực phẩm như sữa chua (yogurt: yaour) – có thể làm cho tâm trạng của bạn trở nên phấn khích, theo một nghiên cứu mới được đăng trong tạp chí Vi Tràng Học (Gastroenterology: ngành y khoa nghiên cứu các rối loạn về đường ruột).



Các hình chụp lướt não cho thấy rằng những người ăn sữa chua (yaour) giàu vi khuẩn probiotic trong vòng 8 tuần, sau đó tiến hành kiểm tra phản ứng của cảm xúc, đã nhận thấy có sự sụt giảm ở một số khu vực não liên quan đến cảm xúc, nhận thức, và các trung tâm nhận cảm.

Một cách lạ lùng là, môi trường vi khuẩn trong ruột của bạn có thể ảnh hưởng đến não của bạn – cả có lợi và không có lợi, theo lời tác giả nghiên cứu, bác sĩ y khoa Kirsten Tillisch.  Bà Tillisch nói rằng các vi khuẩn probiotic tác động đến hệ miễn dịch của bạn và tiết ra các chất chuyển hóa có chức năng trao đổi thông tin với hệ thần kinh rồi đi vào máu.

Mặc dù sữa chua (yaour) không nhất thiết sẽ làm cho bạn phấn khởi hơn trong ngày hôm nay, nhưng tình trạng lo âu và trầm cảm đều có liên hệ mật thiết với các rối loạn ở ruột, do đó nghiên cứu này đã góp phần vào một loạt các nghiên cứu hiện nay.  Ngoài ra, bạn có thể có khả năng thay đổi cách thức não vận hành với những chuỗi probiotic cụ thể.

Vào thời điểm này, có rất nhiều lý do khác để đưa các vi khuẩn có lợi vào định cư trong ruột của bạn ngoài khả năng tăng cường chức năng não.  Các nghiên cứu cho thấy rằng các vi khuẩn probiotic có thể giúp cơ thể bạn ngăn ngừa được cảm lạnh, hỗ trợ tiêu hóa, và giảm stress.  Ngoài ra, các vi khuẩn probiotic còn được xem có khả năng giúp cơ thể làm lành vết mổ sau khi phẫu thuật và có thể cải thiện các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu cũng như nhiễm nấm âm đạo (yeast infection) ở phụ nữ.  Các vi khuẩn probiotic còn được biết có thể cải thiện tình trạng táo bón ở người thành niên.  Ngoài sữa chua, các loại thực phẩm giàu vi khuẩn probiotic khác bao gồm kefir (một loại thức uống chứa sữa và sữa chua), kimchi, và súp miso. (Trở về đầu trang)




Nguồn(Source):




0 comments:

Post a Comment