BẠN CÓ THỂ BÙ LẠI GIẤC NGỦ ĐÃ MẤT KHÔNG ?
Hãy làm một bài toán về giấc ngủ. Bạn đã mất đi 2 giờ ngủ mỗi tối trong tuần vừa qua vì một dự án lớn đến kỳ hạn vào ngày thứ Sáu. Đến ngày thứ Bảy và Chủ Nhật bạn đã ngủ thêm khoảng 4 giờ. Rồi sáng thứ Hai, bạn cảm thấy rất tỉnh táo, và bạn chỉ cần uống một ly cà phê, thay vì 2 ly như thường lệ. Nhưng đừng bị đánh lừa bởi cảm giác đầy sinh lực và cường tráng vào lúc đó: Bạn vẫn mang theo trong người một gánh nặng buồn ngủ, hay các chuyên gia thường gọi là “thiếu ngủ - sleep debt” – trong trường hợp này có thể là 6 giờ ngủ, hoặc cả một đêm ngủ.
Thiếu ngủ là sự chênh lệch giữa số giờ bạn nên ngủ và số giờ bạn thực sự đã ngủ. Sự thiếu hụt này tăng dần mỗi khi bạn mất đi vài phút ngủ mỗi đêm. “Nhiều người tích lũy tình trạng thiếu ngủ một cách âm thầm”, theo lời của chuyên gia tâm lý William C. Dement, người sáng lập Trung Tâm Điều Trị Giấc Ngủ Trường Đại Học Stanford (Stanford University Sleep Clinic). Các nghiên cứu cho thấy rằng hiện tượng thiếu ngủ ngắn hạn này sẽ dẫn đến tình trạng não có sương mù (foggy brain: mất tập trung, mất bộ nhớ ngắn hạn), thị lực kém đi, suy giảm khả năng lái xe, và khó nhớ. Các tác hại dài hạn bao gồm béo phì, kháng insulin, và bệnh tim. Đa số người Mỹ bị tình trạng thiếu ngủ thường xuyên.
Một cuộc thăm dò vào năm 2005 do Tổ Chức Giấc Ngủ Quốc Gia Hoa Kỳ (National Sleep Foundation) đã báo cáo rằng, trung bình người Mỹ ngủ khoảng 6,9 giờ mỗi đêm – 6,8 giờ vào những đêm trong tuần và 7,4 giờ vào cuối tuần. Thông thường, các chuyên gia đề xuất ngủ 8 giờ mỗi đêm, mặc dù một số người có thể chỉ cần 6 giờ để ngủ còn những người khác thì cần đến 10 giờ để ngủ. Có nghĩa là, trung bình mỗi đêm chúng ta mất đi 1 giờ ngủ – vì thế mất đi hơn 2 tuần ngủ mỗi năm.
Điều đáng mừng là, tương tự như những sự thiếu hụt khác, với một số nỗ lực, tình trạng thiếu ngủ có thể được bù lại – mặc dù nó sẽ không xảy ra trong một giấc ngủ kéo dài. Ngủ thêm 1 hoặc 2 giờ mỗi đêm là cách tốt nhất để bù đắp lại. Đối với tình trạng thiếu ngủ thường xuyên, bệnh nhân phải cần vài tháng để trở lại thói quen ngủ tự nhiên, theo lời Lawrence J. Epstein, giám đốc y tế của Trung Tâm Sức Khỏe Giấc Ngủ Liên Kết Harvard (Harvard-affiliated Sleep Health Centers).
Hãy đi ngủ mỗi khi bạn cảm thấy mệt mỏi, rồi cho phép cơ thể đánh thức bạn dậy vào buổi sáng (không cần đến đồng hồ báo thức). Bạn có thể cảm thấy lờ đờ, hành động lặp lại, hưng cảm, đơ cứng hoặc cực kỳ linh hoạt ở các chi (tay chân) vào lúc bắt đầu chu kỳ hồi phục: Lúc đầu có thể sẽ ngủ đến 10 giờ mỗi đêm. Tuy nhiên, sau đó số lượng thời gian ngủ sẽ giảm dần.
Để khôi phục lại giấc ngủ, cả những giờ đã ngủ và cường độ của giấc ngủ cũng đều rất quan trọng. Một trong số những giai đoạn ngủ tạo sinh lực nhiều nhất cho bạn xảy ra trong giấc ngủ sâu (deep sleep). Mặc dù những hiệu ứng thực sự này của giấc ngủ vẫn còn đang được nghiên cứu, nhưng nó thường được xem là giai đoạn khôi phục sức khỏe cho não. Và khi bạn ngủ thêm nhiều giờ, bạn cho phép não dành nhiều thời gian hơn cho giai đoạn tái tạo sinh lực này.
Khi bạn đã xóa bỏ được tình trạng thiếu ngủ, cơ thể bạn sẽ tiến hành nghỉ ngơi theo một thói quen ngủ đặc biệt phù hợp cho bạn. Các nhà nghiên cứu về giấc ngủ tin rằng gen (gene) – mặc dù người ta vẫn chưa khám phá được chính xác các loại gen nào – có vai trò quyết định tạo ra các thói quen ngủ của từng người trong chúng ta. Điều đó có nhiều khả năng là bạn không thể huấn luyện bản thân trở thành một người ngủ ít – và bạn đang tự lừa dối chính mình nếu bạn cho rằng bạn đã làm điều đó. Một nghiên cứu vào năm 2003 trong tạp chí Giấc Ngủ (Sleep) đã tìm thấy rằng chúng ta càng làm việc mệt mỏi, thì chúng ta càng ít cảm thấy mệt mỏi.
Do đó, hãy dành lại giấc ngủ đã mất – và tuân theo những dấu chỉ của những nhu cầu ngủ tự nhiên của cơ thể. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn. “Khi bạn giải quyết được tình trạng thiếu ngủ, bạn sẽ trở thành siêu nhân”, theo Dement của trường Đại Học Stanford, khi nói về trí năng và thể năng đi cùng với việc được nghỉ ngơi đầy đủ. (Trở về đầu trang)
ĐỘ DÀY CỦA NGỰC BẠN
Không, đó không phải là cân nặng hoặc độ chắc nịch của các chị em phụ nữ. Độ dày của ngực thực sự liên quan đến tổ chức mô ở ngực bạn và đó là những gì được nhìn thấy trong ảnh chụp X-quang ngực (mammogram). Mặc dù bạn không thể tự cảm nhận được độ dày này, nhưng bạn có thể khám phá ra nó vào lần chụp hình ngực kế tiếp: Nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ đã thông qua các đạo luật báo cáo về độ dày của ngực, những đạo luật này đòi hỏi các bác sĩ thông báo cho bệnh nhân biết nếu họ có bộ ngực dày, theo một báo cáo mới được đăng trên tạp chí Radiology.
Tại sao bạn lại phải nên quan tâm đến độ dày của bộ ngực? Có hai nguyên nhân chính, theo bác sĩ Debra Ikeda, giáo sư ngành X-quang tại trường Đại Học Y Khoa Stanford (Stanford School of Medicine). Bác sĩ Ikeda nói rằng: “Có một mối tương quan giữa mô ngực dày (dense breast tissue: mô liên kết ngực. Mô ngực được cấu tạo bởi mô mỡ [không dày] và mô liên kết [dày]. Các bác sĩ chụp X-quang sử dụng hệ thống đánh giá để mô tả mật độ mô ngực dựa trên tỷ lệ giữa mô mỡ và mô liên kết) và nguy cơ tương đối cao mắc bệnh ung thư ngực”. Mặc dù mối tương quan này tỏ ra thấp hơn nhiều so với bất kỳ yếu tố nguy cơ do di truyền nào. “Vấn đề thứ hai là khả năng ngụy trang”, bác sĩ Ikeda nói tiếp. Điều này xảy ra khi mô ngực dày xuất hiện có màu trắng trên hình chụp X-quang ngực, làm cho các bác sĩ khó phát hiện những khối u ung thư, vì các khối u này cũng có màu trắng trên hình chụp. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy rằng những hình chụp X-quang ngực bằng kỹ thuật số (digital mammogram) ít bị ảnh hưởng hơn so với hình chụp X-quang ngực bằng phim (film screen mammogram).
Nhưng đừng lo sợ nếu bạn nhìn thấy ngôn ngữ mới này trong báo cáo chụp hình X-quang ngực. Mặc dù các nhà nghiên cứu tỏ ra không đồng thuận về đề tài này, nhưng trường hợp có mô ngực dày không nhất thiết có nghĩa là bạn phải cần thêm các kiểm tra khác – đặc biệt là vì có trên một nửa số phụ nữ có mô ngực dày. Theo lời bác sĩ Ikeda, điều đó chỉ đơn thuần là muốn nhắc nhở bạn nên thảo luận vấn đề này với bác sĩ – cùng với bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác mà bạn có thể gặp phải. Một số chuyên gia tin rằng các đạo luật mới này sẽ giúp phát hiện bệnh ung thư ngực sớm hơn bình thường, trong khi đó, những người khác lại cho rằng điều này sẽ dẫn đến những kiểm tra không cần thiết gây tốn kém hơn và có thể làm cho nhiều người lo lắng.
“Chủ yếu những điều mà người phụ nữ muốn biết là: Tôi có cần phải kiểm tra thêm không?” theo lời bác sĩ Ikeda. Mặc dù không có câu trả lời chung cho tất cả các trường hợp, nhưng kế hoạch hành động tốt nhất là nên thảo luận với bác sĩ của bạn về báo cáo chụp hình X-quang ngực và các yếu tố nguy cơ để đưa ra quyết định đó. Ví dụ, nếu bạn phát hiện bản thân có mô ngực dày đồng thời trong gia đình bạn có thành viên bị ung thư ngực, thì bác sĩ có thể đề nghị bạn chụp MRI hoặc siêu âm (ultrasound). Ngoài ra, những phụ nữ nào có mô ngực dày và không có các yếu tố nguy cơ khác cũng có thể yêu cầu được chụp hình X-quang ngực bằng kỹ thuật số vào lần chụp hình sau. Bác sĩ Ikeda nói rằng: “Vẫn còn nhiều câu hỏi cần có câu trả lời về mô ngực dày và cách thức tốt nhất để chăm sóc sức khỏe cho bản thân”. (Trở về đầu trang)
CHẾ ĐỘ ĂN GIÀU TRÁI CÂY (HOA QUẢ) CÓ THỂ GIẢM NGUY CƠ PHÌNH MẠCH
Ăn nhiều trái cây (hoa quả) có thể giúp bạn giảm nguy cơ phát triển tình trạng phình động mạch chủ bụng (abdominal aortic aneurysm) nguy hiểm, theo một nghiên cứu có quy mô lớn và dài hạn.
Phình động mạch chủ bụng là một hiện tượng phình ra ở thành của động mạch chủ - động mạch lớn nhất trong cơ thể - động mạch này chạy qua bụng. Nếu chỗ phình mạch bị rách, thì sẽ có nhiều nguy cơ bị tử vong do xuất huyết. Sử dụng phương pháp siêu âm có thể phát hiện được tình trạng này.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phân tích các dữ liệu của hơn 80 000 người, tuổi từ 46 – 84 ở Thụy Điển, những người này được quan sát trong vòng 13 năm. Trong thời gian đó, có khoảng 1100 người trong số họ bị phình động mạch chủ, bao gồm 222 người có chỗ phình mạch bị rách.
Những người ăn trên 2 khẩu phần trái cây (hoa quả) mỗi ngày (không bao gồm nước ép trái cây) có 25% khả năng giảm nguy cơ bị tình trạng này và 43% khả năng giảm nguy cơ bị rách chỗ phình mạch khi so với những ai ăn ít hơn một khẩu phần trái cây (hoa quả) mỗi ngày.
Theo nghiên cứu này, đã được đăng trên tạp chí Tuần Hoàn (Circulation), những người ăn 2 khẩu phần trái cây (hoa quả) mỗi ngày có 31% khả năng giảm nguy cơ bị tình trạng này và 39% khả năng giảm nguy cơ bị rách chỗ phình mạch khi so với những người không ăn trái cây (hoa quả).
“Tiêu thụ nhiều trái cây (hoa quả) có thể giúp ngăn ngừa nhiều chứng bệnh về mạch, và nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng chứng phình động mạch chủ bụng nằm trong số những lợi ích này”, theo lời của nhà khoa học dẫn đầu cuộc nghiên cứu, bác sĩ Otto Stackelberg, một sinh viên tiến sĩ trong khoa dịch tễ học dinh dưỡng (nutritional epidemiology) của Viện Y Khoa Môi Trường (Institute of Environmental Medicine) của Viện Karolinska (Karalinska Institute) ở Stockholm, Thụy Điển, đã phát biểu trong một cuộc họp báo.
Theo các nhà nghiên cứu, hàm lượng cao các chất chống oxy hóa (antioxidants) trong trái cây (hoa quả) có thể bảo vệ chống lại tình trạng phình động mạch chủ bằng cách giảm bớt quá trình viêm.
Tuy nhiên, họ đã tìm thấy rằng, ăn nhiều rau củ, mà các loại thực phẩm này cũng giàu các chất chống oxy hóa, đã không giảm được nguy cơ bị phình động mạch chủ bụng. Rau củ thiếu một số loại chất chống oxy hóa được tìm thấy trong trái cây (hoa quả), theo lời bác sĩ Stackelberg.
Ông nói rằng, “rau củ vẫn rất quan trọng cho sức khỏe. Các nghiên cứu khác đã phát hiện rằng ăn nhiều trái cây (hoa quả) và rau củ có thể giảm bớt được nguy cơ bị các chứng bệnh về tim mạch, bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2, cao huyết áp và một số bệnh ung thư”.
Mặc dù nghiên cứu này phát hiện được khả năng giảm nguy cơ phình mạch trong số những người ăn nhiều trái cây (hoa quả), nhưng nghiên cứu này vẫn chưa thành lập được một mối quan hệ nhân quả. (Trở về đầu trang)
Các chức năng sinh học mỗi ngày ảnh hưởng đến mọi thứ từ thời gian chúng ta thức giấc cho đến khả năng chúng ta thể hiện trong các môn thể thao.
Chức năng sinh học mỗi ngày là những chu kỳ sinh học xảy ra một lần trong mỗi 24 giờ. Do “đồng hồ” bên trong cơ thể tạo ra, các chu kỳ sinh học này bao gồm đi bộ và buồn ngủ.
Các vận động viên Olympic bỏ ra phần lớn thời gian tập luyện để giành được một tấm huy chương. Cho dù họ giành được huy chương vàng hoặc hoàn toàn không có một huy chương nào thì đều do những sai biệt rất nhỏ về tốc độ và độ chính xác. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phong độ thể thao, từ di truyền và việc luyện tập đến chế độ ăn uống cũng như sự tự tin. Gần đây, các vận động viên, huấn luyện viên, và các nhà nghiên cứu đã bắt đầu xem xét một yếu tố khác nữa – thời gian trong ngày. Thời điểm các vận động viên tranh tài cũng có thể ảnh hưởng đến phong độ, do đó các nhà khoa học đang tìm kiếm câu trả lời.
Mọi người được điều chỉnh một cách chính xác thời gian ăn, ngủ và thức giấc cụ thể. Các chu kỳ có thể dự đoán này được gọi là các chức năng sinh học mỗi ngày (circadian rhythms). (Trong tiếng Latinh, circa có nghĩa là “vòng quanh”, và dian liên quan đến “ngày”).
Các chức năng sinh học mỗi ngày (circadian rhythms) là những chu kỳ sinh học xảy ra một lần trong mỗi 24 giờ. Do “đồng hồ” bên trong cơ thể tạo ra, các chu kỳ này bao gồm đi bộ và buồn ngủ. Nhưng các yếu tố bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng đến các chu kỳ này. Trong số các yếu tố này có: chế độ ăn uống, stress và tiếp xúc với ánh sáng.
Các chu kỳ do đồng hồ bên trong cơ thể điều chỉnh thường thay đổi liên tục. Ví dụ, thân nhiệt thường xuống thấp nhất vào khoảng 4 giờ sáng và lên cao nhất vào khoảng 7 giờ tối. Điều thú vị là, đã có những kỷ lục thế giới được lập vào buổi chiều nhiều hơn so với buổi sáng. Và nghiên cứu đã cho thấy rằng nhiều vận động viên có biểu hiện tốt nhất vào buổi trưa hoặc chiều – vào thời điểm thân nhiệt lên cao nhất. Nhưng người ta vẫn chưa rõ lý do tại sao: Có phải do các chức năng sinh học? Hay là do các yếu tố khác tạo ra?
Shawn Youngstedt đã quyết định nghiên cứu phong độ thể thao phát huy tối đa vào buổi chiều này của các vận động viên. Ông là nhà nghiên cứu chu kỳ sinh học (chornobiologist) tại trường Đại Học South Carolina (University of South Carolina) ở thành phố Columbia, tiểu bang South Carolina.
Ông cùng với một trong số các sinh viên đã kiểm tra 25 vận động viên bơi lội của trường đại học được tập luyện nghiêm ngặt, và cho họ một lịch trình khác với bình thường. Trong vòng 2 giờ, mỗi vận động viên được cho tiếp xúc với ánh sáng mờ nhưng được yêu cầu duy trì trạng thái tỉnh thức. Sau đó, tất cả đèn được tắt đi và mỗi vận động viên bơi được chỉ thị cố gắng ngủ trong vòng 1 giờ. Chu kỳ này được lặp lại nhiều lần trong hơn 2 ngày.
Tất cả vận động viên đều tiến hành bơi nước rút 200 mét (4 lần chiều dài của hồ bơi tiêu chuẩn Olympic) vào 6 lần khác nhau trong thời gian kiểm tra. Một số cuộc bơi nước rút được tiến hành vào nửa đêm.
Các vận động viên bơi lội đã ghi lại những thời điểm có biểu hiện tốt nhất vào buổi chiều. Họ đã kết thúc kiểm tra bơi nước rút nhanh hơn khoảng 6 giây trong thời gian từ 8 đến 11 giờ tối so với các kết quả bơi nước rút vào buổi sáng.
Đối với các môn thể thao, thì 6 giây là một thành tích rất lớn. Theo lời ông Youngstedt, “nếu điều này thực sự áp dụng vào các trường hợp ở ngoài đời thường, thì giải nhất và giải tám sẽ có thời gian cách nhau rất xa trong môn bơi sải 200 mét tại các đại hội Olympic”.
Trong thời gian thử nghiệm này, mỗi người tham gia đều có chế độ ăn uống và sự tiếp xúc với ánh sáng giống nhau. Do đó, những phát hiện này cho thấy rằng các chu kỳ sinh học là nguyên nhân tạo ra tốc độ nhanh hơn vào ban đêm. Phong độ tối đa vào buổi chiều có thể là do sự phối hợp giữa nhịp tim (nhịp đập mỗi phút) và độ dẻo dai tốt hơn của các mạch máu, theo lời các nhà nghiên cứu. Cả hai yếu tố này giúp cải thiện lưu lượng máu. Lưu lượng máu càng lớn thì sẽ vận chuyển càng nhiều oxy cung cấp nhiên liệu cho các tổ chức cơ.
Ở mức độ cao hơn, các vận động viên ưu tú và các huấn luyện viên của họ đang tư vấn với các nhà khoa học về các chu kỳ sinh học. Các chuyên gia này có thể giúp các vận động viên điều chỉnh nhanh chóng để thay đổi theo những khu vực có múi giờ khác nhau khi họ đi thi đấu. Nghiên cứu mới đây cũng tiết lộ tính phức tạp của đồng hồ sinh học trong cơ thể, mức độ sai hỏng có thể xảy ra khi các chu kỳ mà đồng hồ này kiểm soát bị mất đồng bộ.
Loại Đồng Hồ Xưa Nhất
Các chu kỳ giống đồng hồ trong cơ thể kiểm soát mọi quá trình sinh học. Chúng giữ vai trò này trong mọi hình thái của sự sống, từ vi khuẩn đến con người. Các bông hoa đóng mở những cánh hoa của chúng mỗi ngày vào những thời điểm cụ thể. Hệ thống chu kỳ này cũng thuộc cùng một loại được tìm thấy ở con người.
Hệ thống chu kỳ sinh học “có lẽ là một trong những hệ thống sinh học lâu đời nhất mà bạn có thể nghĩ đến”, theo lời của Paolo Sassone-Corsi. Ông nói thêm, thật vậy, nó thực sự xuất hiện khi bắt đầu có sự sống trên trái đất.
Light: Ánh sáng
Suprachiasmatic Nucleus (SCN): Nhân nằm trên vùng não có dây thần kinh thị giác bắt chéo
Output Rhythms: Các chu kỳ được sản sinh
Physiology: Chức năng sinh lý
Behavior: Hành vi, thái độ
Ở người, mặt trời tái điều chỉnh đồng hồ chính của cơ thể, đó là nhân trên vùng thần kinh thị giác bắt chéo (suprachiasmatic nucleus).
Sassone-Corsi làm việc tại trường Đại Học California (University of California), thành phố Irvine. Ở đây, ông đã nghiên cứu làm thế nào các chu kỳ sinh học liên quan đến các phản ứng hóa học có tác dụng duy trì sự sống trong mỗi tế bào. Gộp chung lại, các phản ứng này được gọi là quá trình chuyển hóa của cơ thể. Các phản ứng ứng này thay đổi rất nhiều trong vòng 24 giờ, nhưng lịch trình hoạt động của chúng mỗi ngày đều có một chút khác biệt. Theo ông, điều này cho thấy rằng “trên cơ bản mọi sinh hoạt trong cuộc sống mỗi ngày của chúng ta đều được kiểm soát bằng đồng hồ sinh học”.
Ông cảm thấy vô cùng phấn khởi khi biết rằng các chức năng sinh học được đồng hồ bên trong cơ thể điều khiển có mối tương quan chặt chẽ với thời gian xoay vòng của trái đất. Sự sống không tiến hóa – hoặc thích nghi – với chu kỳ tối sáng 24 giờ của trái đất, theo lời ông nói. Nhưng thay vào đó, sự sống đã tiến hóa vì sự xoay vòng 24 giờ của trái đất. “Nếu chúng ta có một chu kỳ tối sáng khác đi, thì chúng ta sẽ trở nên hoàn toàn khác hẳn”.
Bên trong mỗi sinh vật đều có một bộ phận điều chỉnh các chức năng sinh học - hoặc còn gọi là đồng hồ chính. Ở con người, loại đồng hồ này nằm ở giữa não. Nó được gọi là nhân nằm trên vùng não có dây thần kinh thị giác bắt chéo (suprachiasmatic nucleus). Loại đồng hồ này có kích thước chỉ bằng một hạt gạo. Tuy nhiên, nó có chức năng điều phối tất cả những hoạt động trong ngày của cơ thể.
Chỉ riêng bản thân nó, thì đồng hồ này không thể giữ được giờ giấc chính xác. Ở một số người và ở những dạng sự sống khác, đồng hồ này có thể chạy nhanh hơn một chút. Còn ở những nhóm khác, thì nó lại chạy chậm hơn phần nào. Vì thế đồng hồ này phải được điều chỉnh lại thường xuyên. Ở người và nhiều sinh vật khác, mặt trời sẽ làm nhiệm vụ này.
“Mỗi ngày khi bạn thức giấc, ánh sáng mặt trời sẽ tái điều chỉnh cơ thể bạn”, theo lời Sarah Forbes-Robertson, nhà sinh học phân tử, nghiên cứu các chu kỳ sinh học tại trường Đại Học Swansea (Swansea University) ở xứ Wales. Nếu chúng ta bị kẹt lại trong một hang động, không có ánh sáng mặt trời để điều chỉnh lại đồng hồ sinh học của chúng ta, Forbes-Robertson nói rằng, “thì cuối cùng những hoạt động của chúng ta sẽ hoàn toàn bị mất đồng bộ”. Chúng ta có thể sẽ thức giấc vào nửa đêm cũng như sẽ ngủ suốt ngày.
Những tia sáng chạm đến động hồ chính của cơ thể thông qua những tế bào rất chuyên biệt trong võng mạc. Lớp mô nhạy cảm với ánh sáng này lót phần sau của mắt chúng ta. Khi ánh sáng đi đến các tế bào của lớp mô này, chúng sẽ truyền các chất hóa học đến đồng hồ chính của não. Ở đó, các chất hóa học này sẽ kích thích khoảng 20 000 tế bào thần kinh, mà các tế bào này sẽ “nói chuyện” với phần còn lại của cơ thể.
Các tế bào thần kinh này nói cho cơ thể biết khi nào cần phải phóng thích các hooc môn. Các hooc môn chuyển tiếp các chỉ dẫn hóa học đến những phần xa của cơ thể. Các thông điệp hóa học này “bật lên” các hoạt động ở những thời điểm chính xác và ở những tế bào cụ thể. Ví dụ, chúng sẽ báo cho chúng ta biết đó là giờ ăn. Hoặc, đó là giờ thức giấc. Hoặc, đó là thời điểm thực sự tỉnh táo.
Không Chỉ Có Một Loại Đồng Hồ
Các nhà khoa học đã từng nghĩ rằng đồng hồ trung tâm của não là loại đồng hồ duy nhất – cho rằng bản thân đồng hồ này có khả năng điều khiển mọi tổ chức mô trong cơ thể. Nhưng trong 15 năm qua, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng câu chuyện này xem ra thật sự phức tạp hơn nhiều.
Noon: Giữa trưa
Best coordination: Sự phối hợp tốt nhất
Fastest reaction time: Thời gian phản ứng nhanh nhất
Greatest cardiovascular efficiency and muscle strength: Hiệu năng tim mạch và sức mạnh cơ bắp cao nhất
Highest blood pressure: Huyết áp lên cao nhất
Highest body temperature: Thân nhiệt lên cao nhất
Melatonin secretion starts: Quá trình phóng thích melatonin bắt đầu
Bowel movements suppressed: Các hoạt động đường ruột (đại tiện, đi tiêu) bị ức chế
Midnight: Nửa đêm
Deepest sleep: Giấc ngủ sâu nhất
Lowest body temperature: Thân nhiệt xuống thấp nhất
Sharpest rise in blood pressure: Huyết áp tăng đột ngột nhất
Melatonin secretion stops: Quá trình phóng thích melatonin ngưng lại
Bowel movement likely: Hoạt động đường ruột (đại tiện, đi tiêu) có khả năng xảy ra
Highest testosterone secretion: Quá trình phóng thích testosterone lên cao nhất
High alertness: Thời điểm tỉnh táo nhất
Đồng hồ sinh học chính của cơ thể điều khiển tất cả các dạng hoạt động và chu kỳ sinh học cả ngày lẫn đêm, như được minh họa trong hình. Nhưng đồng hồ này thay đổi đôi chút ở mỗi người, do đó thời điểm xảy ra các hoạt động sinh học ở mỗi cá nhân có thể khác nhau đôi chút.
Bà Forbes-Robertson giải thích, “chúng tôi tìm thấy rằng mỗi tế bào nhỏ bé (trong cơ thể) đều có một loại đồng hồ riêng biệt”.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng bộ não có thể có nhiều đồng hồ nối kết với nhau. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa hình dung được hoàn toàn tất cả những đồng hồ này hoặc cách thức chúng phối hợp với nhau.
Bà Forbes-Robertson đang nghiên cứu để tìm hiểu cách thức các chu kỳ sinh học hoạt động ở tầm mức các chất hóa học và ở phạm vi các tế bào hoặc thậm chí ở các cấu trúc nhỏ hơn. Một phần vì bà là một người có thói quen làm việc về đêm, bà muốn tìm hiểu cách thức các chu kỳ sinh học của “người có thói quen làm việc vào buổi sáng” khác với chu kỳ của “người có thói quaen làm việc vào ban đêm”.
Để nghiên cứu các chức năng sinh học này, bà chú ý đến các phân tử có tên là RNA. Sự hiện diện của chúng đóng vai trò như những dấu hiệu thông báo cho biết các gen nào gần đây vừa “bật” lên hoặc “tắt” đi.
Gen là những dải băng chứa DNA, hoặc các thông tin di truyền, thế hệ sau thừa hưởng từ cha mẹ. Chúng chứa các chỉ dẫn để định rõ các đặc điểm, chẳng hạn như màu tóc hoặc nguy cơ phát triển một số chứng bệnh. Gen cũng điều khiển các hoạt động ở các tế bào và mô bằng cách tạo ra các protein thực hiện các hoạt động này.
Bà Forbes-Robertson giải thích, bạn có thể hình dung DNA như bản kế hoạch chi tiết cho các hoạt động sinh học ở hầu như mỗi tế bào. Ngược lại, “RNA thì giống như một lời ghi chú hoặc một bản fax”. Nó thực hiện các chỉ dẫn của DNA, chẳng hạn như sản sinh protein ở một thời điểm nào đó, nhưng có lẽ chỉ ở một phần nào đó của cơ thể.
Sau đó, phân tử DNA đó giống như một người lính thổi kèn, bắt đầu hoạt động khi cơ thể cần nó thông truyền những chỉ dẫn – như hiệu lệnh đánh thức hoặc hoặc tiếng kèn hiệu tắt đèn vào ban đêm. Sau đó nó sẽ im lặng, tạm ngưng một số hoạt động. Điều làm cho bà Forbes-Robertson quan tâm là khoảnh khắc rất ngắn ngủi đó, khi một phân tử RNA nào đó “bật” lên hoặc “tắt” đi.
Bà nói, hoạt động của nó tiết lộ một số manh mối về lý do tại sao có người có thói quen hoạt động về đêm trong khi đó có người lại có thói quen hoạt động vào ban ngày.
Một số gen liên quan đến hệ thống chu kỳ sinh học mỗi ngày, được gọi là các gen ĐỒNG HỒ và các gen GIAI ĐOẠN (Per genes), “bật” và “tắt” ở những chu kỳ cụ thể cả ngày lẫn đêm. Ví dụ, một loại gen có tên là Per2 báo hiệu phân tử RNA mạnh nhất – yêu cầu nó tạo ra nhiều protein nhất - ở những thời điểm khác nhau ở những người khác nhau. Ở một số người, gen Per2 hoạt động ở mức tối đa vào khoảng 6 giờ sáng. Ở những người khác, mức hoạt động tối đa này có thể rơi vào thời gian khoảng gần 2 giờ sáng. Bà Forbes-Robertson lưu ý rằng, khi loại protein này tăng lên mức tối đa, nhiều người cảm thấy đó là thời điểm mà họ cảm thấy mệt mỏi nhất. Điều này có thể giải thích lý do tại sao những người có thói quen hoạt động về đêm cảm thấy có năng suất cao nhất vào ban đêm và những người có thói quen hoạt động vào ban ngày cảm thấy khỏe lại và tỉnh táo hơn sau khi thức giấc vào buổi sáng.
Không Đồng Bộ
Nghiên cứu cho thấy rằng, những người thường xuyên làm gián đoạn các chu kỳ sinh học sẽ có rất nhiều nguy cơ mắc bệnh. Những người làm ca đêm, chẳng hạn như y tá và tiếp viên hàng không, có nhiều khả năng phát triển bệnh béo phì, tiểu đường (đái tháo đường), các rối loạn về giấc ngủ, trầm cảm, và thậm chí ung thư hơn so với cộng đồng chung.
Các rối loạn liên quan đến các hoạt động do hooc môn tạo ra (chẳng hạn như béo phì và bệnh tiểu đường) gần đây đã gia tăng đột ngột ở Hoa Kỳ. Nghiên cứu cho thấy rằng sự gia tăng này có thể gắn liền với tình trạng gia tăng tiếp xúc với ánh đèn ở nhiều người. Thậm chí xem TV hoặc đọc trên máy vi tính vào ban đêm cũng có thể quấy nhiễu đến các đồng hồ sinh học của cơ thể, theo giải thích của ông Sassone-Corsi.
Nhưng ông và các đồng nghiệp đã tìm ra những dấu hiệu đầy hứa hẹn cho thấy rằng có thể sẽ có một ngày người ta có thể điều chỉnh được những sự quấy nhiễu đến đồng hồ sinh học. Trong một nghiên cứu được đăng vào đầu năm 2013, nhóm của ông đã điều chỉnh quá trình chuyển hóa của chuột bằng cách cải biến một loại protein có liên quan đến đồng hồ sinh học. Ở những chú chuột có một loại gen đột biến, chúng đã “bật” lên một loại protein có tên là SIRT1. Nhóm của ông Sassone-Corsi đã chứng minh rằng thông qua loại protein này, họ có thể kiểm soát thời gian “bật” và “tắt” của loại gen ĐỒNG HỒ.
Nghiên cứu này cho thấy, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có khả năng chỉnh sửa các đồng hồ sinh học bị sai, theo lời ông Sassone-Corsi. Các dữ liệu cho thấy rằng một ngày nào đó người ta có thể điều trị các vấn đề chẳng hạn như béo phì và bệnh tiểu đường (đái tháo đường) bằng cách điều chỉnh lại đồng hồ sinh học trong cơ thể họ.
Tái Điều Chỉnh Đồng Hồ Một Cách Mạnh Mẽ
Dĩ nhiên, phòng bệnh luôn luôn tốt hơn chữa bệnh. Do đó, các nhà khoa học đề xuất rằng trẻ thiếu niên và những người khác phải hành động để giữ cho các đồng hồ cơ thể của họ được đồng bộ. Một đề xuất là: tránh làm việc và đọc sách (hoặc đọc trên máy vi tính) trễ vào ban đêm. Ánh đèn vào ban đêm có thể báo hiệu cho cơ thể biết rằng đó là thời gian tỉnh thức.
Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào những thời điểm theo kế hoạch có thể giúp cơ thể điều chỉnh tốt hơn khi đi đến những khu vực có múi giờ khác nhau.
Những người chuẩn bị đi du lịch có thể khởi động đồng hồ cơ thể trước bằng cách tiếp xúc với ánh sáng ở những thời điểm cụ thể, theo lời của Teodor Postolache, giáo sư khoa tâm thần tại trường Đại Học Y Khoa Maryland(University of Maryland School of Medicine) ở Baltimore. Ông Postolache làm việc với những người bị các rối loạn về tâm trạng chẳng hạn như lo âu và trầm cảm. Các tình trạng bệnh này có thể bị ảnh hưởng bởi ánh sáng, sự mệt mỏi sau một chuyến đi dài đến vùng có múi giờ khác (jet lag) và các yếu tố khác. Ông Postolache cũng tư vấn cho các vận động viên ưu tú, bao gồm những vận động viên trượt băng nghệ thuật và vận động viên bắn cung.
Ví dụ như một vận động viên bắn cung đi từ Los Angeles đến New York. Đồng hồ báo thức ở nhà thường đánh thức anh ấy vào lúc 7 giờ sáng, có nghĩa là 10 giờ sáng bên New York. Vận động viên này có thể chuẩn bị đi du lịch đến Miền Đông Hoa Kỳ bằng cách tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào lúc sáng sớm trong 3 ngày trước chuyến đi. Và anh ấy chỉ cần dậy trước một giờ sớm hơn bình thường cho cách “trị liệu” này, mặc dù phương pháp này cũng có thể được thực hiện bằng cách ngủ sớm hơn 1 giờ vào ban đêm, ông Postolache lưu ý. Tránh ánh sáng chói vào buổi chiều (bằng cách đeo kính mát hoặc ở trong nhà) có thể giúp các đồng hồ của cơ thể chạy nhanh hơn, bằng cách tạo ra các manh mối giả báo hiệu rằng đêm đã gần đến.
Ngược lại, khi bay sang Miền Tây Hoa Kỳ (ví dụ: từ New York đến Los Angeles), một khách du lịch có thể giúp cơ thể điều chỉnh bằng cách tiếp xúc với ánh sáng chói vào buổi chiều. Đơn giản đi ra ngoài vào một ngày trời nắng đẹp khoảng 10 đến 15 phút sẽ giúp cho đồng hồ cơ thể chạy chậm lại – hoặc chạy ngược lại đôi chút – để phù hợp với thời gian của Miền Tây Hoa Kỳ.
Các vận động viên trượt băng nghệ thuật (figure skaters) cần biểu diễn vài lần mỗi ngày. Việc tiếp xúc với các cường độ ánh sáng khác nhau ở những thời điểm cụ thể - và những giấc ngủ chợp mắt theo lịch trình cụ thể - có thể giúp các vận động viên này tạo được phong độ tối đa khi họ thi đấu
Thực phẩm chức năng cũng có thể giúp những người đi du lịch hy vọng tránh được tình trạng mệt mỏi sau chuyến bay dài hoặc hy vọng ngủ được khi cơ thể chưa cảm thấy buồn ngủ. Melatonin là một loại hooc môn do não tiết ra. Một dạng tổng hợp được sản xuất dưới dạng thuốc viên. Loại hóa chất này báo hiệu cho cơ thể biết rằng đã gần đến giờ đi ngủ. Nhưng ông Postolache khuyên mọi người chỉ nên sử dụng melatonin dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Sử dụng loại thuốc này không đúng thời điểm sẽ có nguy cơ làm xáo trộn các đồng hồ cơ thể thay vì giúp cho chúng.
Cả Postolache và Forbes-Robertson đều nhìn thấy càng có nhiều các vận động viên muốn biết được cách thức điều chỉnh đồng hồ cơ thể của họ để phong độ thi đấu đạt được mức cao nhất và đúng thời điểm. Các vận động viên trượt băng nghệ thuật cần phải biểu diễn nhiều lần mỗi ngày: vòng thi đáp ứng tiêu chuẩn, bài thi đấu ngắn vào đầu buổi trưa và một chương trình thi đấu chính vào buổi tối. Ông Postolache đề xuất tiếp xúc với nhiều cường độ ánh sáng khác nhau ở những thời điểm cụ thể - và các giấc ngủ chợp mắt theo lịch trình – để giúp các vận động viên đạt được phong độ cao nhất khi họ được lên lịch thi đấu.
Forbes-Robertson và các đồng nghiệp của bà đã làm việc với một đội bóng bầu dục của nước Anh (English rugby team), có tên England Sevens. Đội bóng này đi thi đấu khắp nơi trên thế giới bao gồm Úc, Dubai, Las Vegas và Hồng Kông. Thỉnh thoảng họ phải thi đấu ở những nơi cách nhau rất xa chỉ trong vài ngày. Bà Forbes-Robertson đã tư vấn cho các cầu thủ trong đội sử dụng phối hợp ánh sáng chói và kính mát vào những thời điểm cụ thể để giúp cơ thể của họ đáp ứng được với lịch thi đấu căng thẳng đó. Cho đến nay, các phương pháp này xem ra có thể giúp cho các cầu thủ này điều chỉnh thích hợp với giờ địa phương một cách tốt hơn, theo lời bà Forbes-Robertson.
Ông Postolache rất phấn khởi về tương lai của việc sử dụng các phương pháp điều chỉnh tự nhiên này. Đơn thuần thay đổi việc tiếp xúc với ánh sáng có thể không chỉ làm cho đồng hồ cơ thể chạy nhanh hơn hoặc chậm lại một chút, mà còn điều chỉnh được thời gian các vận động viên thi đấu với phong độ cao nhất. Ông nói, các phương pháp này thậm chí có thể giúp các vận động viên tránh sử dụng các loại thuốc kích thích bằng cách sử dụng ánh sáng và các yếu tố khác để điều chỉnh lại các đồng hồ bên trong cơ thể họ. “Cho đến thời điểm này, tôi hy vọng rằng mọi người sẽ lưu ý nhiều hơn rằng đây là một công cụ rất hiệu quả”. (Trở về đầu trang)
10 LOẠI THỰC PHẨM GIÚP HẠ CHOLESTEROL – VÀ MỘT SỐ LÀM TĂNG CHOLESTEROL
Nếu không lưu ý đến chế độ ăn uống thì bạn rất dễ bị tăng cholesterol. Tuy nhiên, thay đổi những loại thực phẩm bạn tiêu thụ có thể giúp hạ cholesterol và cải thiện dạng chất béo đi vào máu của bạn.
Cải thiện mức cholesterol thông qua chế độ ăn uống đòi hỏi một phương án gồm hai phần:
- Thêm vào các thực phẩm hạ cholesterol “xấu” LDL.
- Giảm tiêu thụ các loại thực phẩm giúp tăng cường cholesterol “xấu” LDL.
Tiêu Thụ Các Loại Thực Phẩm Tốt
Các loại thực phẩm khác nhau giúp hạ cholesterol theo những cách khác nhau. Một số thực phẩm đưa chất xơ hòa tan (soluble fiber) vào cơ thể, giúp loại cholesterol ra khỏi cơ thể trước khi chất này đi vào máu. Một số loại thực phẩm cung cấp cho bạn các chất béo không bão hòa đa liên kết đôi (polyunsaturated fats), trực tiếp hạ giảm mức cholesterol “xấu” LDL. Và một số thực phẩm chứa các chất sterol và stanol của thực vật, giúp ngăn chặn cơ thể hấp thụ cholesterol.
Dưới đây là 10 loại thực phẩm vận hành theo một trong số những cách này để giúp hạ cholesterol:
- Bột yến mạch (oatmeal), bột ngũ cốc (cereal) chứa yến mạch
- Lúa mạch(barley) và các loại ngũ cốc nguyên hạt (whole grains)
- Các loại đậu
- Cà tím(eggplant) và đậu bắp (okra)
- Các loại quả hạch (nuts)
- Dầu thực vật chẳng hạn như dầu canola, dầu hạt hướng dương, và dầu hạt cây rum (safflower)
- Táo, nho, dâu tây (strawberries), các loại trái cây (hoa quả) họ cam quít
- Các loại thực phẩm được tăng cường các chất sterol và stanol, bao gồm các loại thực phẩm như bơ thực vật, nước cam ép và sôcôla (chocolate)
- Đậu nành, chẳng hạn như đậu hủ và sữa đậu nành
- Các loại cá chứa nhiều dầu cá, chẳng hạn như cá hồi (salmon), cá ngừ đại dương (tuna), cá mòi (sardines), cá thu (mackerel), và cá trout.
Loại Bỏ Những Thực Phẩm Không Tốt Cho Sức Khỏe
Để cải thiện mức cholesterol trong cơ thể bạn, những loại thực phẩm chính cần được cắt giảm trong chế độ ăn của bạn là các chất béo bão hòa (saturated fats) và các chất béo trans (trans fats).
Các Chất Béo Bão Hòa. Các chất béo bão hòa được tìm thấy trong thịt đỏ (ví dụ: thịt bò), sữa và các sản phẩm từ sữa khác, dầu dừa và dầu cọ (palm oil) trực tiếp làm tăng mức cholesterol “xấu” LDL.
Chất Béo Trans. Các chất béo trans làm tăng mức cholesterol “xấu” LDL tương tự như các chất béo bão hòa. Các loại chất béo này cũng làm giảm mức cholesterol “tốt” HDL, kích thích quá trình viêm, và làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối (blood clots) bên trong các mạch máu. Học Viện Y Khoa Hoa Kỳ(Institute of Medicine) đề xuất tiêu thụ không quá 2 g các chất béo trans mỗi ngày; nếu tiêu thụ ít hơn thì càng tốt. Các món chiên (rán) trong nhà hàng có thể cũng chứa các loại chất béo này.
Ngoài ra, phải đảm bảo rằng bạn luôn kiểm soát cân nặng của cơ thể, và thường xuyên tập thể dục. Quá nặng cân sẽ làm tăng mức cholesterol “xấu” LDL, và ít vận động sẽ ức chế cholesterol “tốt” HDL. Giảm cân (nếu cần thiết) và tập thể dục nhiều hơn sẽ đảo ngược được các tình trạng trên.
Tiêu Thụ Nhiều Loại Thực Phẩm Tốt
Khi nói về đầu tư tài chính, các chuyên gia thường đề xuất đầu tư ở nhiều hạng mục khác nhau thay vì chỉ tập trung vào một hạng mục. Điều này cũng áp dụng với việc tiêu thụ thực phẩm giúp hạ giảm cholesterol. Thêm vào chế độ ăn nhiều loại thực phẩm có tác dụng hạ cholesterol theo những cách khác nhau sẽ có hiệu quả hơn so với việc chỉ tập trung vào một hoặc hai loại thực phẩm.
Phương pháp trên đã được bác sĩ David Jenkins của Bệnh Viện Thánh Micae (St. Michael's Hospital) ở Toronto và các đồng nghiệp của ông kiểm tra. Trong một loạt các nghiên cứu, danh mục các thực phẩm hạ giảm cholesterol của họ đã giúp hạ giảm đáng kể mức cholesterol “xấu” LDL, chất béo trung tính (triglycerides), và huyết áp.
Danh mục thực phẩm này bao gồm:
- Các loại thực phẩm giàu chất xơ hòa tan (soluble fiber), chẳng hạn như:
o Yến mạch (oats)
o Lúa mạch (barley)
o Đậu bắp (okra), cà tím (eggplant)
- Bơ thực vật giàu các chất sterol thực vật
- Đạm đậu nành (soy protein)
- Hạnh nhân nguyên hạt (whole almond)
Các loại thực phẩm trên đã được thêm vào một chế độ ăn có nhiều trái cây (hoa quả) và rau củ, ngũ cốc nguyên hạt thay vì đã được tinh chế, và chất đạm (protein) phần lớn từ thực vật.
Chuyển sang chế độ ăn giảm cholesterol đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn so với việc sử dụng thuốc giảm cholesterol mỗi ngày, chẳng hạn như các loại thuốc statin. Điều này có nghĩa là bạn nên tiêu thụ một cách đa dạng các loại thực phẩm và làm quen với mùi vị cũng như kết cấu của các loại thực phẩm này. Nhưng đây là một cách giảm cholesterol tự nhiên, đồng thời giúp bạn tránh được nguy cơ bị các rối loạn về cơ, cũng như các tác dụng phụ gây hại cho một số người sử dụng các loại thuốc statin.
Điều quan trọng là, chế độ ăn giàu trái cây (hoa quả), rau củ, đậu, quả hạch (nuts) tốt cho cơ thể không chỉ giúp hạ cholesterol. Nó còn giúp kiểm soát huyết áp, giúp các động mạch duy trì độ dẻo dai và phản ứng nhanh. Chế độ ăn này rất tốt cho xương, quá trình tiêu hóa, thị lực, và thậm chí sức khỏe tinh thần. Đó là một danh mục thực phẩm đáng được bảo vệ. (Trở về đầu trang)
CÁCH TỐT NHẤT ĐỂ TĂNG CƯỜNG TRÍ NHỚ
Đọc sách, viết lách và các hoạt động kích thích não, nếu thực hiện thường xuyên có thể giữ cho đầu óc của bạn minh mẫn khi bạn có tuổi, theo một nghiên cứu mới đây được đăng trên tạp chí Thần Kinh Học (Neurology), tạp chí y học của Học Viện Thần Kinh Hoa Kỳ (American Academy of Neurology)..
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện các đánh giá hàng năm ở 294 người thành niên lớn tuổi. Đối với mỗi người tham gia đánh giá, các nhà nghiên cứu đã xem xét các kỹ năng thần kinh như trí nhớ, nhận thức chuyển động và không gian, và nhiều kỹ năng khác. Các nhà nghiên cứu cũng hỏi những người tham gia về tần suất thực hiện các hoạt động kích thích não chẳng hạn như đọc sách, đánh cờ, tham quan viện bảo tàng, hoặc viết thư.
Điều họ tìm thấy là: Những người kích thích não của họ thường xuyên đã có tốc độ bị thoái hóa não chậm hơn và có chức năng nhận thức cao hơn khi họ qua đời. Ngoài ra, giữ cho đầu óc bận rộn xem ra có thể giúp chống lại các tình trạng thoái hóa phổ biến liên quan đến các chứng bệnh về não đang mắc phải, chẳng hạn như chứng mất trí khối Lewy (Lewy body dementia) và bệnh Alzheimer.
Mặc dù các tác giả nghiên cứu chưa hoàn toàn hiểu rõ yếu tố nào tạo ra hiệu ứng này, nhưng nghiên cứu trước đây cho thấy rằng thực hiện thường xuyên các hoạt động đòi hỏi vận dụng đầu óc thực sự có thể thay đổi cấu trúc của một số khu vực ở não, do đó giúp não của bạn hoạt động hiệu quả hơn khi bạn có tuổi, theo lời của tác giả dẫn đầu cuộc nghiên cứu, tiến sĩ Robert Wilson, chuyên gia tâm lý học thần kinh (neuropsychologist) của Trung Tâm Bệnh Alzheimer tại Trung Tâm Y Tế Đại Học Rush ở Chicago (Rush Alzheimer’s Disease Center at Rush University Medical Center in Chicago).
Theo lời tiến sĩ Wilson, mỗi người trên 80 tuổi sẽ gặp phải một dạng thoái hóa nhận thức nào đó, cho dù đó chỉ là một chứng mất trí nhớ nhẹ. Do đó, mặc dù bạn không thể hoàn toàn ngăn chặn được tình trạng não bị lão hóa, nhưng bạn vẫn có thể giữ cho não hoạt động tốt nhất khi bạn có tuổi.
Nói chung là chưa có hoạt động hoặc thời gian cụ thể nào được đề xuất. Hãy chọn loại hình hoạt động nào mà bạn ưa thích mà cũng giúp cho bạn suy nghĩ – có thể là theo dõi một cuốn tạp chí, hoặc đọc các bài đăng mới nhất. Bạn hãy thực hiện thường xuyên các hoạt động này để giữ cho tinh thần được minh mẫn. (Trở về đầu trang)
ĐAU NỬA ĐẦU THỰC SỰ LÀ MỘT CHỨNG RỐI LOẠN CỦA NÃO
Việc chụp PET (positron emission tomography) cho các bệnh nhân đang ở giai đoạn báo trước bị đau nửa đầu (migraine), trước khi tình trạng nhức đầu xuất hiện, cho thấy sự kích hoạt ở một số khu vực của não, điều này chỉ ra rằng chứng đau nửa đầu là một rối loạn của não (brain disorder) chứ không phải là một phản ứng của cơ thể đối với các kích thích gây đau.
Các kết quả của nghiên cứu này có ý nghĩa rất lớn đối với việc tìm hiểu quá trình sinh học thần kinh (neurobiology) của chứng đau nửa đầu và có thể đòi hỏi điều trị bằng thuốc, theo lời của tác giả nghiên cứu, tiến sĩ y khoa Peter James Goadsby, giáo sư khoa thần kinh, giám đốc Chương Trình Nhức Đầu (Headache Program) tại trường Đại Học California ở San Francisco (University of California at San Francisco), và chủ tịch Hiệp Hội Nhức Đầu Quốc Tế (International Headache Society).
“Đây là một bước quan trọng trong việc củng cố các quan điểm của chúng tôi cho rằng, trên cơ bản chứng đau nửa đầu là một rối loạn của não, chứ không phải là một rối loạn của các cấu trúc bên ngoài não”, theo lời bác sĩ Goadsby, “Chúng tôi đã có thể giải đáp được câu hỏi mà nhiều người muốn biết trong nhiều năm, đó là, mức độ từ đó cơn đau thúc đẩy tạo ra các triệu chứng ban đầu – và bây giờ chúng tôi đã có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề đó”.
Bác sĩ Goadsby và các đồng nghiệp của ông đã giành được giải thưởng Harold G. Wolff Lecture Award cho nghiên cứu này trong Hội Thảo Nhức Đầu Thế Giới (International Headache Congress – IHC) năm 2013.
Các Triệu Chứng Nhẹ và Không Rõ Ràng
Các triệu chứng báo trước (premonitory symptoms) của chứng đau nửa đầu có thể bao gồm ngáp, khó chịu ở cổ, buồn nôn, khát nước, sợ ánh sáng, thèm các loại thức ăn ngọt hoặc mặn, và thay đổi tính khí. Các chuyên gia vẫn chưa rõ tỷ lệ các bệnh nhân bị đau nửa đầu gặp phải các triệu chứng ban đầu này, các triệu chứng này thường là rất nhẹ và không rõ ràng, theo lời bác sĩ Goadsby. Con số ước tính biến thiên rất lớn, từ khoảng 1 phần 3 đến 80%.
Trong quá khứ, các triệu chứng này không được chú ý đến nhiều, theo lời bác sĩ Goadsby. Các bác sĩ có thể không hỏi bệnh nhân về các triệu chứng báo trước vì thông tin này không ảnh hưởng đến sự chẩn đoán của họ.
Theo thời gian, người ta có thói quen nghĩ rằng chứng đau nửa đầu là một sự rối loạn của các mạch máu. Trong những thời gian gần đây, quan điểm này đã cho rằng chứng đau nửa đầu là một phản ứng của cơ thể đối với các kích thích gây đau. Bác sĩ Goadsby nói, “tôi nghĩ nghiên cứu này của chúng tôi cho thấy quan điểm này không chính xác”.
Bằng cách sử dụng thuốc nitroglycerin, một tác nhân được xác nhận kích thích gây ra chứng đau nửa đầu, các nhà nghiên cứu đã tạo ra các triệu chứng báo trước ở các bệnh nhân bị đau nửa đầu không có cảm giác chủ quan(aura: chẳng hạn như những tiếng nói, ánh sáng màu,…, xuất hiện trước khi bị cơn đau nửa đầu tấn công). Thay vì chờ đến lúc cơn nhức đầu xuất hiện rồi mới chụp lướt não cho bệnh nhân, như đã từng được thực hiện trong quá khứ, các nhà nghiên cứu đã tiến hành chụp lướt trong giai đoạn xuất hiện các triệu chứng báo trước. Tám bệnh nhân đã được chụp lướt trong giai đoạn này ít nhất 1 lần mà không xuất hiện cơn đau.
“Trước đó, tất cả việc chụp hình cho chứng đau nửa đầu chỉ được thực hiện trong thời gian bệnh nhân bị nhức đầu, và câu hỏi được đặt ra là những gì xảy ra trong não chỉ là một phản ứng của cơ thể đối với cơn đau, hay là vấn đề gì mang tính cơ bản hơn, một phần của quá trình đau nửa đầu”, theo lời bác sĩ Goadsby. “Bằng cách nghiên cứu các triệu chứng báo trước, bạn có thể loại trừ câu hỏi đó vì các bệnh nhân này không hề bị đau”.
Kích Hoạt Thần Kinh
Các nhà nghiên cứu sử dụng H215O (nước phóng xạ) để đo lưu lượng máu não khu vực như một dấu hiệu của sự kích hoạt thần kinh.
Họ tìm thấy rằng khi được so sánh với các phương pháp chụp lướt tiêu chuẩn, đã có sự kích hoạt trong một vài khu vực quan trọng, bao gồm cấu trúc dưới đồi (hypothalamus), một khu vực điều khiển (ở mức độ thấp) giấc ngủ, khẩu vị, tâm trạng, và các chất lỏng. Bác sĩ Goadsby bình luận rằng, “Có khả năng rằng cấu trúc dưới đồi là yếu tố mấu chốt trong đợt phát đau nửa đầu”.
Các cấu trúc khác được kích hoạt bao gồm não giữa(midbrain), xung quanh chất xám gần cống não (periaqueductal grey), đã được chứng minh đang hoạt động trong thời gian cơn đau nửa đầu tấn công, và một khu vực ở học cầu não (pons) không có trong hình chụp đau nửa đầu cũng cho thấy đang hoạt động.
“Điều này cho bạn thấy các khu vực não có liên quan đến giai đoạn ban đầu của cơn tấn công”, theo lời bác sĩ Goadsby.
Hình chụp của 8 bệnh nhân cộng với 2 bệnh nhân khác bị các triệu chứng sợ ánh sáng, cũng được thực hiện trước khi họ cảm thấy bị đau đầu, đã cho thấy sự kích hoạt ở khu vực não tiếp nhận dữ liệu thị giác (visual cortex). Bác sĩ Goadsby nói rằng, “điều này cho thấy rằng tình trạng sợ ánh sáng có thể được tách ra khỏi tình trạng bị đau”.
Tương tự, các hình chụp của các bệnh nhân bị buồn nôn cũng có sự kích hoạt ở một khu vực ở phần cuối não (medulla oblongata), bao gồm các trung tâm gây buồn nôn và nôn mửa. “Vì thế, hoàn toàn hợp lý để cho rằng những khu vực này được kích hoạt bởi quá trình đau nửa đầu và đó là lý do tại sao tình trạng buồn nôn và nôn mửa là các triệu chứng rất phổ biến ở những người bị chứng đau nửa đầu; chứng đau nửa đầu không đơn thuần là một phản ứng của cơ thể đối với cơn đau”, theo lời bác sĩ Goadsby.
Bác sĩ Goadsby nói thêm, “Người ta đã từng nghĩ rằng triệu chứng buồn nôn và cơn đau có mối liên hệ mật thiết với nhau, nhưng điều đó tỏ ra không chính xác”.
Bác sĩ Goadsby hy vọng nghiên cứu này sẽ “thay đổi lối suy nghĩ” để xem xét chứng đau nửa đầu như một rối loạn của não, nhưng ông nhấn mạnh rằng không nên vì điều này mà xem nhẹ tính quan trọng của cơn đau mà bệnh nhân bị đau nửa đầu phải chịu đựng.
Nghiên cứu này có thể có những hệ quả cho việc điều trị trong đó mục tiêu rõ ràng nhất sẽ là não, nhưng có thể sẽ rất khó tìm ra các phương pháp trị liệu mục tiêu mà không tạo ra các tác dụng phụ gây hại.
“Từ một triển vọng điều trị toàn cảnh, điều này nói cho tôi biết rằng có lẽ chúng ta sẽ phải phát triển các loại thuốc thực sự đi vào não để có các tác dụng đáng kể trong việc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu”, theo lời bác sĩ Goadsby.
Ông đã lưu ý rằng, cho đến nay các trị liệu ngăn ngừa chứng đau nửa đầu được chứng minh hiệu quả nhất là sử dụng các loại thuốc chống co giật (anticonvulsant), các loại thuốc chống trầm cảm tricyclic (tricyclic antidepressant), và thuốc propranolol chặn beta, tất cả các loại thuốc này đều ảnh hưởng đến não. Theo ông, điều này phù hợp với lý thuyết cho rằng đau nửa đầu là một rối loạn của não. (Trở về đầu trang)
XEM TV CÓ THỂ DẪN ĐẾN UNG THƯ PHỔI?
Xem TV quá nhiều có thể phá hủy hai lá phổi của bạn? Trong một nghiên cứu mới đây ở Nhật Bản, những người đàn ông xem TV trên 4 giờ mỗi ngày có 36% nguy cơ phát triển bệnh ung thư phổi trong thời gian 15 năm cao hơn so với những người đàn ông chỉ xem TV chưa đến 2 giờ mỗi ngày.
Nhưng khi nhìn kỹ vào các con số, đã cho thấy: trong số 23 000 đàn ông, chỉ có 598 hoặc 2,6% được chẩn đoán bị chứng bệnh này. Và trong số những người đàn ông này, 79 người dành ra chưa đến 2 giờ ngồi trước máy TV, trong khi đó, 163 người đạt đến mức 4 giờ. (Những người còn lại chỉ xem TV 2 giờ hoặc chưa đến 4 giờ mỗi ngày).
Một con số thống kê nhỏ như thế có thể sẽ không làm cho bạn phải hủy bỏ hợp đồng với công ty truyền hình cáp. Nhưng thông tin này thực sự gửi đi một thông điệp quan trọng hơn: Lối sống ít vận động thường đồng nghĩa với bệnh tật và cuộc sống ngắn ngủi.
Tất cả thời gian ngồi trên ghế xem TV sẽ góp phần làm tăng hàm lượng các chất hóa học gây viêm trong máu của bạn, các chất này có tác dụng làm tăng nguy cơ ung thư phổi, theo nhận định của tác giả nghiên cứu, tiến sĩ y khoa Akiko Tamakoshi. Ngoài ra, những người đàn ông ít vận động có mức đường huyết (đường trong máu) và mức insulin, cũng như tình trạng suy giảm chức năng chuyển hóa cao hơn, mà những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của các tế bào, đồng thời biến các tế bào bình thường thành các tế bào ác tính.
Bác sĩ Tamakoshi nói rằng, “thời gian xem TV đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ không chỉ đối với bệnh ung thư phổi, mà còn đối với bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 2, và ung thư ruột già(colon cancer). Thường xuyên đi vào nhà bếp sẽ không làm cho bạn bị tổn thương, miễn là bạn chọn lựa loại thức ăn nhanh lành mạnh. Một chế độ ăn giàu trái cây (hoa quả) và rau củ có thể giảm bớt được 23% nguy cơ bị ung thư phổi, theo một nghiên cứu trong tạp chí Dịch Tể Học Ung Thư, Các Dấu Hiệu Sinh Học và Phòng Tránh (Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention). (Trở về đầu trang)
CÁC VI KHUẨN Ở RUỘT THAY ĐỔI NGƯỠNG KÍCH HOẠT MIỄN DỊCH Ở BỆNH VIÊM KHỚP
Một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên Cứu Dị Ứng và Bệnh Truyền Nhiễm Quốc Gia Hoa Kỳ (National Institute of Allergyand Infectious Diseases – NIAID) giải thích cách thức tự nhiên các vi khuẩn trong ruột góp phần gây nên tính nghiêm trọng của bệnh ở chuột bị viêm khớp. Hiểu được cách thức các vi khuẩn trong ruột điều khiển các tế bào miễn dịch sẽ giúp các nhà nghiên cứu xác định được cách thức các rối loạn tự miễn dịch phát triển, chẳng hạn như bệnh viêm khớp. Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Miễn Dịch (Immunity) ngày 27 tháng 6 năm 2013.
Kiến Thức Tổng Quát
Các rối loạn tự miễn dịch (autoimmune disorder) xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào, các mô, và các cơ quan của cơ thể. Các tế bào miễn dịch có tên “tế bào T tự hoạt động” (self-reactive T cell) có thể là nguyên nhân gây ra các cuộc tấn công này. Thông thường, các tế bào T tự hoạt động xuất hiện trong cơ thể nhưng tồn tại ở trạng thái không hoạt động. Tuy nhiên, đối với các chứng bệnh tự miễn dịch, các tế bào T tự hoạt động dễ bị kích hoạt, hoặc bị đánh thức, do đó các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu xem làm thế nào sự thay đổi này xảy ra.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã biết được rằng các vi khuẩn được tìm thấy trong ruột có thể có những ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển và hoạt động của các tế bào miễn dịch. Các nhà khoa học cũng biết được rằng các loại vi khuẩn đặc biệt trong ruột, chẳng hạn như các vi khuẩn dạng sợi phân đoạn (segmented filamentous bacteria – SFB), có thể làm cho các chứng bệnh như viêm khớp tự miễn dịch ở chuột trở nên xấu đi. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết cách thức các vi khuẩn ở ruột đã ảnh hưởng đến sự kích hoạt các tế bào T tự hoạt động hoặc chúng có tác động đến sự kích hoạt này không.
Các Kết Quả Nghiên Cứu
Các nhà khoa học của Viện Nghiên Cứu Quốc Gia NIAID, tiến sĩ Pascal Chappert, tiến sĩ y khoa Ronald Schwart, đưa ra đề xuất rằng các vi khuẩn đặc biệt ở ruột có thể làm tăng tính nhạy cảm của các tế bào T tự hoạt động, gia tăng khả năng kích hoạt của các vi khuẩn này trong các trường hợp bệnh tự miễn dịch. Để kiểm tra khái niệm này, các nhà khoa học đã sử dụng một loại chuột bị viêm khớp do các tế bào T tự hoạt động. Trong lúc theo dõi diễn tiến bệnh trong hai nhóm chuột chứa các loại vi khuẩn ruột khác nhau, họ quan sát thấy rằng có một nhóm thường xuyên bị viêm khớp nghiêm trọng hơn so với nhóm kia. Họ cũng khám phá ra rằng các vi khuẩn SFB là nguyên nhân làm cho tình trạng bệnh trở xấu.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã xác định được các bước cụ thể giúp liên kết các khuẩn SFB với bệnh tự miễn dịch nghiêm trọng. Thứ nhất, các chú chuột có các vi khuẩn SFB sản sinh nhiều chất IL-12p70, một loại cytokine trợ viêm, trong ruột hơn. Thứ hai, các chú chuột với vi khuẩn SFB có con số các tế bào T tự hoạt động cao hơn. Một đặc tính quan trọng của các tế bào T là nó có khả năng phân bào và gia tăng số lượng.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các vi khuẩn SFB có thể thay đổi ngưỡng kích hoạt của các tế bào T tự hoạt động thông qua các đặc tính kích thích của chất IL-12p70. Vì bây giờ các tế bào T trở nên nhạy cảm hơn với các tín hiệu kích hoạt thêm vào, do đó chúng gia tăng số lượng tế bào và sản sinh thêm nhiều chất IFN-γ, một loại cytokine trợ viêm khác, chất này làm cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.
Ý Nghĩa Quan Trọng
Các nhà khoa học tại Viện Nghiên Cứu Quốc Gia NIAID chứng minh rằng những thay đổi ở môi trường siêu nhỏ (microenvironment) do vi khuẩn ruột gây ra có thể thúc đẩy các tế bào T thay đổi ngưỡng kích hoạt của chúng. Nghiên cứu này cung cấp các thông tin quan trọng giúp các nhà khoa học hiểu được cách thức các vi khuẩn ruột tác động đến các tế bào miễn dịch, do đó có thể giúp các nhà nghiên cứu thiết kế các phương pháp trị liệu tốt hơn cho các chứng bệnh tự miễn dịch hoặc ngược lại, tăng cường các đáp ứng miễn dịch ở các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. (Trở về đầu trang)
Nguồn(Source):
0 comments:
Post a Comment