XÀ PHÒNG KHÁNG KHUẨN CÓ HIỆU QUẢ KHÔNG?
Trong tuần này, Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration – FDA) đã đề xuất một đạo luật nhắm vào các công ty sản xuất xà phòng kháng khuẩn (antibacterial soap) và sữa tắm (body washes), đòi hỏi các nhà sản xuất phải chứng minh được các sản phẩm của họ thực sự có hiệu quả cao hơn loại xà phòng thông thường và nước, trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh nhiễm trùng hoặc các chứng bệnh khác.
Vấn đề là: các sản phẩm này không mang lại hiệu quả cao hơn so với các sản phẩm xà phòng (xà bông) thông thường. Đề tài này đã được báo cáo trong nhiều năm – tuy nhiên, khoảng gần 1 nửa số xà phòng (xà bông) được bán ở Hoa Kỳ đều chứa các chất kháng vi sinh vật (antimicrobial agent) – mặc dù theo Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ (American Medical Association - AMA), hoàn toàn không có lý do gì để mua các loại xà phòng (xà bông) kháng khuẩn.
Thật vậy, Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ đề xuất rằng bạn không nên sử dụng: Xà phòng (xà bông) kháng khuẩn có thể gây hại nhiều hơn là có lợi cho bạn – bằng cách làm cho các vi khuẩn trở nên mạnh hơn và có tính đề kháng cao hơn đối với các chất kháng vi sinh vật hiện hành, họ nói.
Nghiên cứu khác cho thấy rằng các thành phần hoạt tính chứa đầy trong các chất tẩy rửa này – như triclosan (một chất trừ sâu) hoặc triclocarban – có thể có những tác hại đối với các hooc môn trong cơ thể của bạn, và cho thấy rằng các loại xà phòng này thực sự có thể phá hủy các tuyến phòng thủ tự nhiên của cơ thể chống lại một số tác nhân gây ung thư.
Lưu ý rằng, đa số các chứng bệnh là do các vi sinh vật gây bệnh (germ) và virut gây ra, không phải do vi khuẩn (bacteria), theo lời bác sĩ Stuart Levy, một nhà vi trùng học tại trường Đại Học Tufts (Tufts University), Massachusetts, Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là xà phòng kháng khuẩn thực sự không tốt hơn so với các sản phẩm thông thường, ông nói.
Do đó, bạn nên sử dụng các sản phẩm thông thường, nhưng đừng quên rửa tay thường xuyên! Một số nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng 30% số người sống ở Hoa Kỳ không rửa tay thường xuyên. Rửa tay của bạn – thậm chí khi không sử dụng xà phòng và sau đó lau khô bằng khăn giấy – có thể có hiệu quả gấp 2 lần so với không rửa tay.
Để thực hiện đúng thao tác rửa tay, hãy xát xà phòng vào tay cho đến khi sủi bọt, rồi rửa bằng nước trong vòng 20 giây – và nhớ tập trung vào các đầu ngón tay, vì những khu vực này chứa rất nhiều vi sinh vật gây bệnh. (Trở về đầu trang)
6 LÝ DO NGẤM NGẦM GÂY RA HƠI THỞ HÔI
Một số những nguyên nhân gây ra hơi thở hôi phổ biến nhất là những nguyên nhân dễ nhận thấy nhất. Bạn biết được đó là lúc cần phải đánh (chải) răng khi bạn ăn món tôm nướng với nước chấm bơ tỏi hoặc khi bạn thức dậy vào buổi sáng.
Nhưng cũng có một số nguyên nhân gây hơi thở hôi (bad breath hoặc halitosis) làm cho bạn phải ngạc nhiên, sản phẩm của các vi khuẩn tạo mùi hôi tích tụ trong miệng và giữa các kẽ răng.
Sau đây là một số các nguyên nhân ngấm ngầm:
1. Sử Dụng Thuốc
Không phải toa bác sĩ làm cho bạn bị hôi miệng, nhưng chính các loại thuốc được chỉ định trong toa bác sĩ sẽ làm cho miệng của bạn bị khô, và đây là một tác dụng phụ. Nước bọt (saliva: nước miếng) đóng vai trò quan trọng trong việc rửa sạch các phần tử sản sinh mùi hôi, vì thế khi miệng của bạn bị thiếu nước bọt, mùi hôi sẽ tăng lên. Theo Mayo Clinic, đây là lý do tương tự như hơi thở của bạn lúc vừa thức giấc vào buổi sáng.
2. Nhiễm Trùng Đường Hô Hấp
Một cơn bệnh viêm phế quản (bronchitis) hoặc thậm chí một cơn cảm lạnh cũng có thể làm cho hơi thở có mùi khó chịu. Theo một báo cáo vào năm 2006, các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp gây hơi thở hôi do các chất dịch tiết ra từ xoang mũi đi vào cổ họng và miệng. Viêm phế quản, viêm phổi (pneumonia), nhiễm trùng xoang mũi và chảy nước mũi (postnasal drip) có thể dẫn đến hơi thở hôi, theo báo cáo của tạp chí y học WebMD.
3. Thở Bằng Miệng
Nếu bạn là người thở bằng miệng (mouth breather), bên cạnh khuynh hướng chảy nước dãi (nước miếng) trong lúc ngủ, thì bạn có thể nhận thấy rằng hơi thở của bạn sẽ có mùi hôi hơn khi bạn thức giấc. Đó là vì, giống như với trường hợp sử dụng một số loại thuốc, thở bằng miệng sẽ làm giảm bớt số lượng nước bọt (nước miếng) tiết ra, làm cho miệng của bạn khô hơn và có mùi khó chịu hơn.
4. Bệnh Béo Phì
Một nghiên cứu vào năm 2007 đã tìm thấy rằng những người bị béo phì có nhiều khả năng có hơi thở hôi hơn, nhưng một nghiên cứu vào năm 2013 đã đưa mối quan hệ này đi một bước xa hơn. Người ta đã phát hiện ra rằng các sinh vật sống trong đường ruột của những người bị béo phì có thể phóng thích một loại khí đặc trưng nào đó, tạo nên tình trạng hơi thở hôi trong miệng của những người quá cân. Loại vi sinh vật này hiện diện trong cơ thể của khoảng 70% số người sống trên trái đất, nhưng số lượng vi sinh vật này cao hơn trong khoảng 30% dân số thế giới, có lẽ làm cho những cá nhân này có khuynh hướng bị béo phì, theo báo cáo của tạp chí Time.
5. Tiêu Thụ Không Đủ Các Chất Carbohydrate
Những người hâm mộ chế độ ăn giảm cân Atkins Diet sẽ nhận ra thuật ngữ “tăng xeton – ketosis”. Tiến trình đốt mỡ(fat-burning) này xảy ra khi cơ thể sử dụng các chất béo và đạm (protein) làm năng lượng, vì thiếu các chất carbohydrate, theo lời của bác sĩ nha khoa Kenneth Burrell. Ông nói, tuy nhiên, đối với tình trạng này, cơ thể phóng thích một chất hóa học vào hơi thở và tạo ra mùi hôi – và mùi hôi này bạn không thể loại bỏ bằng cách đánh răng. Tất cả những biện pháp vệ sinh răng miệng như chải răng (đánh răng), xỉa răng bằng chỉ nha khoa và cạo lưỡi có lẽ vẫn chưa đủ để khắc phục tình trạng này. Mọi thứ phải được sử dụng ở mức vừa phải, ngay cả các chất carbohydrate cũng vậy.
6. Các Chứng Bệnh Tiềm Ẩn
Có thể không phải là tình trạng hơi thở hôi điển hình mà bạn đã từng biết đến; thay vào đó, hơi thở có mùi cá có thể báo hiệu bị các vấn đề về thận, và hơi thở có mùi trái cây (hoa quả) có thể là dấu hiệu bị bệnh tiểu đường không được kiểm soát, theo báo cáo của tạp chí US News. Một số chứng bệnh ung thư sản sinh các hóa chất trong cơ thể mà chúng có thể dẫn đến “hơi thở hôi đặc thù”, theo Mayo Clinic, đồng thời chứng ợ chua (heartburn) cũng có thể góp phần tạo ra hơi thở hôi, vì axit trong bao tử thường xuyên trào ngược. (Trở về đầu trang)
ĐIỀU GÌ XẢY RA CHO CƠ THỂ BẠN TRONG KỲ KINH NGUYỆT
Hai tuần trước khi có kinh nguyệt
Tuyến yên (pituitary gland) trong não của bạn phóng thích hai chất có tác dụng nhanh, hooc môn kích thích nang buồng trứng (follicle-stimulating hormone) và hooc môn sản sinh thể vàng (luteinizing hormone), vào máu của bạn. Cả hai chất này gửi thông điệp trực tiếp đến buồng trứng (ovary) của bạn để tạo ra kinh nguyệt.
Khi thông điệp được tiếp nhận. Buồng trứng của bạn đào thải trứng đã trưởng thành vào ống dẫn trứng(fallopian tube). Chuyến đi của trứng đến tử cung (uterus: dạ con) sẽ mất một vài ngày.
Trong lúc đó, hai buồng trứng của bạn gia tăng sản sinh estrogen. Kích thích tố này gửi tín hiệu đến màng lót tử cung để bắt đầu xây dựng một ngôi nhà thích hợp cho thai nhi.
Trong hai tuần kế tiếp
Khi tử cung tích lũy mô và nguồn cung cấp máu, thì buồng trứng của bạn phóng thích hooc môn hỗ trợ chính cho quá trình mang thai, đó là progesterone. Thân nhiệt của bạn có thể tăng vài độ, mặc dù rằng bạn có thể không nhận thấy điều này. Tuy nhiên, các tác dụng phụ không phải là nhẹ như thế…
Hooc môn progesterone cũng kích thích làm cho các ống dẫn sữa ở ngực của bạn nở to ra. Do đó, ngực của bạn sẽ căng to và gây đau. (Những phụ nữ uống thuốc tránh thai có thể không bị hiệu ứng này).
Progesterone cũng có thể ảnh hưởng đến một số chất hóa học trong não, bao gồm hooc môn kiểm soát tâm trạng serotonin. Và nó có thể kích thích hạch hạnh nhân (amygdala), một cấu trúc ở não liên quan đến cảm xúc. Kết quả là xuất hiện hai triệu chứng trong thời kỳ kinh nguyệt: khó chịu và lo âu.
Trong khi đó, estrogen và progesterone cũng làm việc chăm chỉ để chuẩn bị tử cung. Ruột của bạn có thể thư giãn phần nào để tạo thêm khoảng trống cho tử cung mang thai nhi. Khi tử cung nở to, cơ thể bạn cũng nở to theo. Những thay đổi về độ mẫn cảm của cơ thể đối với insulin cũng có thể kích thích tạo ra hiện tượng thèm ăn.
Khi bạn bắt đầu có kinh nguyệt
Trứng chưa thụ tinh đã chờ đợi đủ lâu, và tử cung của bạn cảm thấy những điều này không cần thiết. Hàm lượng estrogen và progesterone tăng cao, cùng với đa số các triệu chứng của kỳ kinh nguyệt.
Vẫn chưa hết. Các tế bào ở tử cung của bạn bắt đầu phóng thích các chất hóa học có tên là prostaglandins, có tác dụng giúp đào thải máu và mô thừa. Các chất này kích thích các cơ ở tử cung co bóp – một quá trình mà trong trường hợp khác được gọi là vọp bẻ (cramp).
Với đặc tính gây viêm, các chất prostaglandin còn có thể gây buồn nôn. (Sự sản sinh các chất này thường có thể được ngăn chặn bằng cách tập thể dục hoặc sử dụng các loại thuốc kháng viêm chẳng hạn như ibuprofen).
Mặc dù bạn có thể có cảm giác là bạn đang “tuôn ra” rất nhiều trong nhiều ngày, nhưng số lượng máu trung bình bị mất đi trong một kỳ kinh nguyệt là khoảng từ vài muỗng canh (tablespoon) đến một cup (16 muỗng canh).
Khi kinh nguyệt của bạn chấm dứt
Bạn đã vượt qua được rồi! Nhưng đừng lạc quan vội, các buồng trứng của bạn đang bắt đầu một cách chậm chạp chuẩn bị cho quá trình phóng thích trứng vào lần sau – để quá trình này có thể bắt đầu trở lại trong một thời gian ngắn. (Trở về đầu trang)
NGĂN NGỪA BỆNH ALZHEIMER
Mọi thứ trở nên sáng sủa hơn cho loại vitamin của ánh sáng mặt trời. Việc duy trì mức vitamin D thích hợp có thể bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng tổn thương não và bệnh Alzheimer khi bạn càng có tuổi, theo các nhà nghiên cứu của trường Đại Học Kentucky (University of Kentucky), Hoa Kỳ.
Khi thử nghiệm ở chuột, các nhà khoa học đã kích thích các mức vitamin – thấp, trung bình, và cao – tương đương ở người, trong vài tháng. Ngưỡng thấp có mức thấp hơn 10 lần so với mức được xem là khỏe mạnh – đó là mức mà bạn có thể gặp phải nếu như cơ thể bạn không hấp thụ đủ vitamin D từ chế độ ăn hoặc từ ánh sáng mặt trời, hoặc nếu hàm lượng vitamin D của bạn bị cạn kiệt do lão hóa, theo giải thích của tác giả nghiên cứu, tiến sĩ D. Allan Butterfield.
Nghiên cứu này đã phát hiện rằng nhóm bị thiếu hụt vitamin gặp phải hiện tượng tăng quá trình tổn thương do gốc tự do và mức peptit(peptide) amyloid-beta tích tụ trong não, đây chính là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer. Các chú chuột có hàm lượng vitamin D thấp cũng cho thấy bị suy giảm khả năng học hiểu và ghi nhớ trong các cuộc kiểm tra. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trước đây đã cho thấy rằng hấp thụ đủ vitamin D giúp giảm bớt tình trạng viêm thần kinh liên quan đến tổn thương do gốc tự do đồng thời còn giúp bảo vệ các lộ trình trao đổi thông tin tế bào (signaling pathway), các lộ trình này có vai trò ngăn ngừa peptit amyloid-beta tích tụ trong não của bạn, tiến sĩ Butterfield nói. Mặc dù các kết quả vẫn chưa được chứng minh ở người – ít nhất là ở cùng mức độ - nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng hiệu ứng sẽ tương đương ở người.
Bạn phải cố gắng tiêu thụ nhiều loại thực phẩm giàu vitamin D chẳng hạn như các loại cá chứa dầu (fatty fish), sữa được tăng cường (fortified milk), và sữa chua (yogurt) vào mùa đông này, và mỗi ngày dành ra 10 – 15 phút đi ra ngoài để hấp thụ ánh sáng mặt trời. Hãy bắt đầu tiến hành ngay hôm nay: “Việc chuẩn bị trước khi bạn còn trẻ có thể sẽ cần thiết để giảm bớt nguy cơ bị các hậu quả lâu dài của tình trạng thiếu hụt vitamin D”, tiến sĩ Butterfield nói.
Hãy nhắm đến mức tiêu thụ 1000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày. Kết hợp một loại đa vitamin (multivitamin) – đa số chứa 400 đơn vị quốc tế - với 1 ly 8 oz (236 ml) nước cam và một chén (bát) ngũ cốc (cereal) với sữa. Cả hai đều chứa 100 đơn vị quốc tế vitamin D khi được tăng cường. Hoặc chọn một miếng cá hồi (salmon) khoảng 3,5 oz (100 g) cho bữa tối – nó chứa 360 IU. (Ghi chú: 40 IU vitamin D = 1 microgram vitamin D). (Trở về đầu trang)
TẬP THỂ DỤC GIÚP NÃO KHỎE MẠNH HƠN
Vận động cơ thể có khả năng là cách thức tốt nhất để bảo vệ não của bạn.
Tập thể dục có thể làm giảm nhẹ tình trạng trầm cảm, làm chậm tiến trình mất trí nhớ do tuổi tác và ngăn ngừa các triệu chứng giống bệnh Parkinson, theo báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Hiệp Hội Khoa Học Thần Kinh (Society of Neuroscience) nhóm họp ở thành phố San Diego, tiểu bang California, Hoa Kỳ.
Các phát hiện này – một số ở động vật, một số ở người – cho thấy rằng nhiều người có thể sai lầm nếu họ chỉ dựa vào các trò chơi đoán chữ (crossword puzzles) và các trò chơi huấn luyện não (brain-training game) để giúp cho trí óc được minh mẫn.
“Chúng tôi chắc chắn có nhiều chứng cứ cho việc tập thể dục”, theo Teresa Liu-Ambrose của trường Đại Học British Columbia (University of British Columbia), Canada. Bà Liu-Ambrose đứng đầu một ủy ban khoa học, ủy ban này đã công bố các nghiên cứu cho thấy rằng hoạt động thể chất cung cấp một loạt các lợi ích sức khỏe cho não.
Trong một nghiên cứu ở chuột, những chú chuột chạy trên máy chạy bộ trong vòng ít nhất 4 tháng đã đạt được điểm kiểm tra trí nhớ cao hơn khi chúng già đi, Yong Tang ở trường Đại Học Y Khoa Chongqing (Chongqing Medical University) ở Trung Quốc nói. Những chú chuột chạy bộ cũng có nhiều mạch máu và chất trắng (white matter: một trong hai thành phần cấu tạo của hệ thần kinh trung ương và bao gồm chủ yếu là các tế bào thần kinh đệm [glial cells] và các sợi trục thần kinh [axons] có chức năng truyền các tín hiệu ở não và các trung tâm não dưới) trong não hơn so với những chú chuột không vận động. Ông nói thông điệp dành cho chúng ta thật rõ ràng: “Hãy tập thể dục cho dù bạn ở bất kỳ độ tuổi nào”.
Tập thể dục còn giúp các chú chuột đảo ngược được tình trạng cử động chậm giống bệnh Parkinson, mà tình trạng này thường xảy ra khi có tuổi. Tình trạng này, có tên là cử động chậm (bradykinesia), ảnh hưởng đến hơn một nửa số người từ 85 tuổi trở lên và là nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp bị té ngã.
Nhưng đối với những chú chuột sống lâu năm, sử dụng máy chạy bộ 12 ngày liên tục đã cải thiện đáng kể khả năng vận động của chúng, theo lời của Jennifer Arnold tại trường Đại Học Tiểu Bang Louisiana (Louisiana State University). Lợi ích này có thể xuất hiện vì tập thể dục sẽ làm tăng hàm lượng dopamine, một chất hóa học ở não rất quan trọng cho sự chuyển động, Arnold nói.
Cuối cùng, một thử nghiệm thí điểm (pilot study) bao gồm 12 người trẻ tuổi ở Úc đã tìm thấy rằng tập thể dục đã giúp làm thuyên giảm tình trạng trầm cảm, theo Robin Callister của trường Đại Học Newcastle (University of Newcastle). Tất cả những người tham gia cuộc thử nghiệm này, tuổi từ 15 đến 25, trước đây được chẩn đoán bị rối loạn trầm cảm nghiêm trọng. Nhưng sau 12 tuần tập thể dục, 10 trong số những người này không còn được xem là bị trầm cảm nữa, Callister nói.
Một lý do mà việc tập thể dục cung cấp các lợi ích sức khỏe cho não có thể là do nó thực sự đòi hỏi não phải làm việc rất nhiều, Callister nói. Thậm chí việc chạy bộ cũng có nghĩa là não đang điều phối các chuyển động phức tạp. Các môn thể thao và các môn thể dục đòi hỏi thực hiện theo nhóm cũng kích hoạt những phần của não bộ dành cho các tương tác với tập thể.
Bà Callister nói rằng, “Tôi cho rằng nhiều người đánh giá thấp mức độ tham gia của não vào các hoạt động thể chất”. (Trở về đầu trang)
8 PHƯƠNG PHÁP DINH DƯỠNG GIÚP SỐNG KHỎE MẠNH
Vô số các sản phẩm từ dưỡng thể (lotion) và kem dưỡng da đến các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như những phương pháp giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến trình lão hóa. Tuy nhiên, chưa có chứng cứ xác thực nào cho thấy rằng các sản phẩm này mang lại hiệu quả. Thật vậy, trên tạp chí Scientific American số ra tháng 12 năm 2008, 51 nhà khoa học nghiên cứu về quá trình lão hóa đã đưa ra những lo ngại của họ về số lượng gia tăng các sản phẩm chống lão hóa và các hứa hẹn mà các sản phẩm này không thể mang lại cho khách hàng.
Thay vào đó, các chuyên gia về lão hóa (gerontologist) cho rằng mọi người nên tập trung vào việc duy trì sức khỏe để có thể tiếp tục các hoạt động ưa thích của họ ở tuổi trung niên và cao niên. Chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe là một phần quan trọng của một lối sống khỏe mạnh. Sau đây là các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe dinh dưỡng của bạn khi bạn bắt đầu có tuổi.
1. Các Nhu Cầu Về Calorie
Khi chúng ta bắt đầu có tuổi, năng lượng cơ thể sử dụng mỗi ngày trong lúc nghỉ ngơi (resting metabolic rate) bắt đầu giảm xuống. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tăng cân ngoài ý muốn, do đó có thể làm cho bạn có nhiều nguy cơ mắc phải một số chứng bệnh mãn tính. Tình trạng suy giảm năng lượng này làm cho cơ thể mất đi thành phần không mỡ (lean body mass) khi chúng ta có tuổi. Để giúp giảm thiểu hiệu ứng này:
- Hãy tăng cường vận động thể chất để cơ thể bạn có thể sử dụng nhiều calorie hơn.
- Bắt đầu tiến hành tập luyện sức bền (resistance training) để giúp cơ bắp rắn chắc và tạo thêm cơ, điều này giúp tăng tỷ lệ chuyển hóa (metabolic rate) của cơ thể.
- Cải thiện chất lượng của chế độ ăn uống bằng cách bao gồm các loại ngũ cốc nguyên hạt (whole grains), trái cây (hoa quả) và rau củ (vegetables), các loại protein ít chất béo (lean protein: chứa không đến 10% chất béo), và các thực phẩm từ sữa không béo hoặc ít chất béo.
- Hãy tiêu thụ vừa phải các loại thực phẩm bạn ưa thích; tiến hành kiểm soát khẩu phần để quản lý số lượng calorie được hấp thu.
2. Protein
Protein cần thiết cho sự tăng trưởng, hồi phục, và bảo quản các mô. Mặc dù khi có tuổi chúng ta sẽ cần ít calorie hơn, nhưng điều quan trọng là bạn phải tiêu thụ đầy đủ số lượng protein mỗi ngày.
- Trung bình một người thành niên cần từ 45 đến 60 g protein
- Hãy chọn các loại thực phẩm chứa protein chất lượng cao, chẳng hạn như 3 oz (21 g) thịt gà, 8 oz (8 g) sữa không béo hoặc ít béo, và một cup (18 g) đậu lăng.
- Các loại rau đậu, trứng, các thực phẩm từ sữa không béo và ít béo, cá, thịt gia cầm, và thịt nạc là các chọn lựa tốt nhất.
3. Sức Khỏe Răng Miệng
Theo ước tính có khoảng 80% số người thành niên ở Hoa Kỳ bị bệnh nha chu (periodontal disease). Việc vệ sinh răng miệng cẩn thận có thể giúp ngăn ngừa chứng bệnh này. Nếu không được điều trị, bệnh nha chu có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến răng và khả năng nhai. Kết quả là, bạn có thể không tiêu thụ được các loại thực phẩm như trái cây (hoa quả) tươi, rau củ, và thịt. Để ngăn ngừa bệnh nha chu:
- Kiểm tra và tẩy răng (dental cleaning) mỗi năm.
- Chải (đánh) răng sau khi ăn hoặc sau khi tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều đường.
- Xỉa răng (floss) đều đặn mỗi ngày.
4. Vị Giác
Vị giác và khứu giác thỉnh thoảng sẽ bị mất dần do tiến trình lão hóa. Hút thuốc lá và sử dụng một số loại thuốc tây cũng có thể làm thay đổi vị giác. Để bảo vệ vị giác và khứu giác:
- Hãy uống nước đầy đủ; nước miếng rất cần thiết để có đủ vị giác giúp thưởng thức mùi vị của thức ăn.
- Đừng sử dụng quá nhiều muối.
- Sử dụng các loại rau thơm (rau mùi) và gia vị để làm tăng mùi vị của thức ăn.
5. Các Chất Chống Oxy Hóa
Chưa có các dữ liệu xác thực rằng các loại thực phẩm chức năng chống oxy hóa, như vitamin C hoặc E, có thể giúp ngăn ngừa các chứng bệnh mãn tính hoặc giúp trì hoãn tiến trình lão hóa. Thật vậy, các lợi ích sức khỏe được biết đến xảy ra từ việc tiêu thụ các loại thực phẩm giàu các chất chống oxy hóa (ngũ cốc nguyên hạt, trái cây (hoa quả), và các loại rau củ), không phải từ việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng. Hãy bổ sung nhiều hơn các loại thực phẩm sau đây trong chế độ ăn của bạn:
- Quả hạnh nhân (almond)
- Ớt chuông (đặc biệt loại ớt chuông màu đỏ và màu cam)
- Dâu xanh (blueberries)
- Các loại rau củ màu xanh đậm
- Dâu tây (strawberries)
- Cà chua
6. Canxi và Vitamin D
Phần lớn nguồn canxi trong cơ thể chúng ta tập trung ở xương. Khoáng chất này giúp cho hệ thần kinh, những co bóp của cơ, và tiến trình đông máu hoạt động bình thường. Việc tiêu thụ đầy đủ canxi rất cần thiết để ngăn ngừa và điều trị bệnh loãng xương (osteoporosis); vitamin D cần thiết cho khả năng hấp thụ canxi. Chứng cứ mới đây chỉ ra rằng những người thành niên cần số lượng canxi và vitamin D nhiều hơn số lượng đang được đề xuất hiện nay, đặc biệt ở những người sống ở những khu vực khí hậu phía bắc, nơi không có đủ ánh nắng mặt trời. (Cơ thể tạo ra vitamin D nhờ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời).
- Các thực phẩm được chế biến từ sữa vẫn là nguồn canxi tốt nhất bởi vì cơ thể có thể dễ dàng hấp thụ canxi trong các loại thực phẩm này.
- Một số chuyên gia đề xuất rằng người thành niên nên tiêu thụ từ 1200 đến 1500 mg canxi mỗi ngày. Nếu bạn sử dụng một loại thực phẩm chức năng để cung cấp đủ số lượng này, thì bạn nên đảm bảo rằng loại thực phẩm chức năng này chứa cacbonat canxi (calcium carbonate) hoặc xitrat canxi (calcium citrate).
- Các loại thực phẩm thường không chứa vitamin D ngoại trừ các loại thực phẩm từ sữa được tăng cường vitamin D, do đó bạn có thể phải cần đến thực phẩm chức năng.
- Các đề xuất mới về mức vitamin D có thể là gần 1000 đơn vị quốc tế (IU) thay vì đề xuất hiện nay là từ 200 đến 600 đơn vị quốc tế (IU), tùy theo độ tuổi.
7. Các Loại Thực Phẩm Chức Năng
Các chuyên gia y tế thường không đề xuất các loại thực phẩm chức năng trừ khi bệnh nhân bị thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất hoặc bị rối loạn khả năng hấp thụ. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thực phẩm, không phải thuốc viên hoặc các loại thức uống được quảng cáo trên thị trường, là những nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Hãy nhớ rằng:
- Đối với các loại vitamin, sử dụng nhiều không phải lúc nào cũng tốt hơn; một loại đa vitamin (multivitamin) và thực phẩm chức năng chứa khoáng chất là tất cả những gì bạn cần để bù đắp lại bất kỳ sự thiếu hụt nào trong chế độ ăn.
- Vitamin D và, trong một số trường hợp, canxi là những loại thực phẩm chức năng mà bạn cần đến khi bạn có chế độ ăn uống lành mạnh
- Chưa có chứng cứ đầy đủ để đề xuất các loại thực phẩm chức năng chống oxy hóa như những chất có lợi cho sức khỏe.
8. Nước
Nước là một chất dinh dưỡng thường bị bỏ quên. Tuy nhiên, việc tiêu thụ đầy đủ chất lỏng là hết sức cần thiết cho hầu như tất cả các chức năng hoạt động của cơ thể.
- Người thành niên có sức khỏe tốt cần khoảng từ 1,5 – 2 lít, hoặc từ 48 đến 64 oz, chất lỏng mỗi ngày.
- Cảm giác khát giảm dần khi bạn có tuổi, do đó dễ làm cho cơ thể chúng ta bị thiếu chất lỏng.
- Chỉ nên tiêu thụ các loại chất lỏng không gây đi tiểu nhiều, chẳng hạn như các loại thức uống không có chất caffeine, các loại nước trái cây (hoa quả), sữa không béo hoặc ít béo, và nước. (Trở về đầu trang)
10 PHÁT MINH Y HỌC QUAN TRỌNG
Tin tức đến từ nghiên cứu của các trường đại học và bệnh viện thường nghe có vẻ đầy triển vọng, chẳng hạn như: Đây là một loại gen có thể chữa khỏi bệnh béo phì. Loại protein mới được khám phá này một ngày nào đó có thể chữa được bệnh ung thư. Trong số hàng ngàn nghiên cứu được công bố hàng năm, có nghiên cứu nào thực sự mang đến một sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống của các bệnh nhân không?
Đây là câu trả lời cho bạn: Trong 8 năm liên tục, Trung Tâm Y Tế Cleveland (Cleveland Clinic) đã chọn ra 10 công nghệ và phát minh đã tạo được sự ảnh hưởng. “Chúng tôi tìm kiếm những sáng kiến có tính đột phá, vì thế một loại thuốc mới không chỉ hiệu quả hơn, mà phải hiệu quả hơn rất nhiều”, theo lời của bác sĩ Michael Roizen, người đứng đầu một ủy ban gồm 30 chuyên gia y tế được bình chọn là những người được vào chung kết năm nay. Bây giờ, xin mời xem qua những công nghệ của tương lai mà sẵn sàng phục vụ cho chúng ta.
1. Mắt Sinh Học Điện Tử (Bionic Eye)
Hệ thống “Argus II” nhận tín hiệu video từ một máy thu hình (camera) được lắp đặt trong kính mát (kính râm) rồi truyền đi hình ảnh đó (bằng kỹ thuật không dây) để cấy vào võng mạc (retina) của những người bị mất thị lực. Mặc dù hệ thống này đã được đưa vào sử dụng ở Châu Âu từ năm 2011, nhưng Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ mới chấp thuận cho sử dụng loại mắt sinh học điện tử này vào đầu năm nay. Bác sĩ Roizen nói rằng, “Đây thực sự giống như công nghệ Star Trek”.
Hệ thống này vẫn chưa được hoàn hảo. Nó cho phép một người bị mù có lại được những chức năng nhìn cơ bản chẳng hạn như đi bộ trên vỉa hè mà không bước lầm xuống lề đường, phân biệt được vớ màu trắng và vớ màu đen, nhưng cho phép bạn mỗi lần chỉ đọc được 1 chữ với kích cỡ rất lớn trên máy tính bảng Kindle. Bên cạnh đó, khi võng mạc lành lại sau tiến trình cấy, chất lượng của thị lực sẽ bị giảm xuống. Hiện nay hệ thống Argus II chỉ được chấp thuận cho những người bị mất khả năng nhìn do rối loạn sắc tố võng mạc (retinal pigmentosis: mất dần thị lực ngoại vi và gặp trở ngại khi nhìn vào ban đêm, có thể dẫn đến mất thị lực trung ương) – rối loạn này ảnh hưởng khoảng 1/4000 dân số Hoa Kỳ. Nhưng công nghệ này có thể chẳng bao lâu sẽ giúp được trên 1,75 tỷ người bị chứng thoái hóa điểm vàng mắt (macular degeneration).
2. Đặc Điểm Xác Định Gen Ung Thư (Cancer Gene Fingerprint)
Không phải tất cả các dạng bệnh ung thư đều có mức độ gây tử vong giống nhau – ví dụ, ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer) có thời gian sống sót kéo dài lâu hơn so với một khối u ác tính phát triển ở não. Nhưng ngay cả bệnh ung thư tuyến tiền liệt cũng xuất hiện với nhiều dạng, từ dạng bệnh có thể quản lý được đến dạng bệnh rất nghiêm trọng. Bằng cách phân tích bộ gen bị đột biến của một khối u, hiện nay các bác sĩ đã có thể xác định được một cách chính xác mức độ nhạy cảm của một dạng bệnh ung thư với một phương pháp hóa trị nào đó, hoặc các phương pháp điều trị hiện hành hoàn toàn không có hiệu quả đối với một dạng bệnh ung thư nào đó.
3. Hệ Thống Ngăn Chặn Co Giật (Seizure Stopper)
Đối với 840 000 người bị động kinh ở Hoa Kỳ phải chịu đựng những cơn co giật đột ngột không thể kiểm soát, thì hệ thống NeuroPace có vai trò giống như “một máy phục hồi nhịp cho não”, theo lời của bác sĩ Roizen. Hệ thống này bao gồm các cảm biến được cấy vào não, và nó có thể phát hiện các rung động ban đầu của một cơn co giật sắp xảy đến. Sau đó, hệ thống này gửi đi các xung điện có tác dụng trung hòa các tín hiệu loạn xạ của não, chặn đứng cơn co giật xảy ra. Càng gây ấn tượng hơn là: hệ thống NeuroPace có thể được các bác sĩ điều chỉnh dựa vào hiệu suất của nó. Vào năm đầu tiên hệ thống này được đưa vào sử dụng, các cơn co giật đã giảm được khoảng 40% - và sau 2 năm, các đợt phát này đã giảm được khoảng 53%.
4. Điều Trị Bệnh Viêm Gan
Cho đến gần đây, phương pháp điều trị bệnh viêm gan C được đưa vào hạng mục tốt-nhưng-chưa-lý tưởng, với chỉ khoảng 70% bệnh nhân được chữa khỏi. Và đó là kết quả sau 48 tuần tiến hành chế độ thuốc kháng virut nghiêm ngặt, bao gồm tiêm thuốc interferon – phương pháp điều trị này gây ra một số tác dụng phụ gây suy yếu sức khỏe bệnh nhân. Nhưng Sofosbuvir là một loại thuốc thế hệ mới có tác dụng tiêu diệt virut viêm gan C hiệu quả hơn, với tỷ lệ thành công lên đến 95%. Ngoài ra, loại thuốc này chỉ cần được sử dụng trong 12 tuần, và không cần phải tiêm thuốc interferon.
5. iPad Của Bác Sĩ Gây Mê
Các bác sĩ giải phẫu có thể nhận được nhiều tiếng khen hơn, nhưng các bác sĩ gây mê có lẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc duy trì tính mạng cho bệnh nhân trong suốt thời gian phẫu thuật. Họ là những gương mặt cuối cùng mà bạn nhìn thấy trước khi được gây mê để bạn không nhận biết được cơ thể bạn đang được mổ xẻ. Bên cạnh việc theo dõi nhịp tim, hơi thở, và các chức năng não của bạn, bác sĩ gây mê còn cần phải quen thuộc với các chi tiết phức tạp của tiến trình phẫu thuật để họ có thể điều chỉnh các loại thuốc an thần và giảm đau – để không gây ra các biến chứng. “Hệ thống quản lý thông tin tiền/hậu phẫu” mới bao gồm phần mềm trong các máy vi tính màn hình cảm ứng (touchscreen-enabled computer), hệ thống này có thể cảnh báo các bác sĩ nếu tình huống trở xấu, theo sát tiến trình phẫu thuật của bác sĩ, và ghi lại từng bước của tiến trình phẫu thuật. Điều này rất cần thiết khi tiến trình phẫu thuật kéo dài đến 16 giờ và các bác sĩ cần phải luôn tỉnh táo.
6. Cấy Phân
Ý tưởng sử dụng phân của người khác rồi đưa vào đại tràng của bạn nghe có vẻ ghê sợ, nhưng phương pháp điều trị này được chứng minh có hiệu quả rất cao trong việc chữa trị các trường hợp nhiễm vi khuẩn C. difficile – một loại vi khuẩn nguy hiểm gây tử vong cho 15 000 người mỗi năm. Hãy an tâm là: Bản thân chất thải từ thực phẩm được tiêu hóa trong phân không phải là phương thuốc điều trị. Chỉ đơn giản là bạn sẽ có thêm một số vi khuẩn “tốt” sống trong ruột của người hiến phân – giống như một nhà nông chọn những hạt giống cứng cỏi nhất để gieo cho vụ mùa năm sau.
“Loại vi khuẩn này sản sinh các loại protein có liên quan đến nhiều chứng bệnh hơn sự hiểu biết của chúng ta”, theo lời của bác sĩ Roizen. Vẫn còn ghê sợ? Các nhà nghiên cứu ở Canada đã phát minh một phương pháp phân phối loại vi khuẩn này – không sử dụng phân – nhưng thông qua một loại viên uống bằng miệng, bỏ qua được nhu cầu đưa phân của người khác vào đại tràng của bạn.
7. Kích Thích Tố Bảo Vệ Tim
Khoảng 1 trong số 4 người nhập viện vì bị suy tim (heart failure) sẽ không sống được quá một năm. Nhưng một loại thuốc mới có tên là Serelaxin có thể gia tăng tỷ lệ sống sót lên đến 37%, theo một nghiên cứu của trường Đại Học California ở San Francisco (University of California San Francisco – UCSF). Đây là một phiên bản tổng hợp của kích thích tố (hormone) relaxin, kích thích tố này được cơ thể của người phụ nữ đang mang thai sản sinh để giúp giảm bớt sức ép lên tim do mang thai nhi trong người gây ra. “Loại thuốc này không chỉ mở rộng các mạch máu của bạn để cung cấp oxy cho các cơ quan trong cơ thể, mà nó còn có các đặc tính kháng viêm”, theo lời của bác sĩ Roizen. Khả năng bảo vệ mạng sống bệnh nhân của thuốc Serelaxin đủ hiệu quả để Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) đặt tên là “trị liệu đột phá” vào tháng Sáu vừa qua, và được chấp thuận đưa vào sử dụng ở bệnh viện nhanh hơn.
8. Bác Sĩ Người Máy (Robot Doctor)
Nếu bạn đang tiếp nhận kiểm tra soi kết tràng (colonoscopy), chắc chắn bạn sẽ muốn có một phương pháp nào đó để giúp giảm bớt sự khó chịu. Ngay cả một liều thuốc an thần nhẹ để giúp bạn ngủ trong lúc bác sĩ đang tiến hành kiểm tra cũng đòi hỏi phải có sự hiện diện của bác sĩ gây mê – kiểm tra này cộng thêm 1 tỷ đô la vào chi phí y tế, theo một nghiên cứu trên Tạp Chí của Hiệp Hội Y Tế Hoa Kỳ(Journal of the American Medical Association). Hệ thống Sedasys là một máy vi tính với phần kết nối với thiết bị truyền tĩnh mạch (IV), có khả năng đo chính xác liều lượng thuốc an thần và giám sát các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Hệ thống này thậm chí còn bao gồm một dụng cụ gắn vào tai để đánh thức bệnh nhân trong trường hợp cần thiết. Hệ thống này cho phép các bác sĩ sử dụng thuốc an thần “nhẹ đến vừa” ở các bệnh nhân, và chỉ cần một bác sĩ gây mê giám sát nhiều bệnh nhân. “Nếu bác sĩ của ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson có được hệ thống này và biết cách sử dụng nó, thì bây giờ Michael Jackson có thể vẫn còn sống”, theo lời bác sĩ Roizen.
9. Kiểm Tra Nguy Cơ Nhồi Máu Cơ Tim
Hôm nay bạn tiếp nhận kiểm tra cholesterol để đánh giá nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, nhưng ngay sau đó bạn sẽ phải lo lắng nhiều hơn về hàm lượng trimethylamine N-oxide (TMAO). Vì sao? Những người có hàm lượng TMAO trong máu cao nhất sẽ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2,5 lần khi được so sánh với những người có hàm lượng TMAO thấp nhất, theo một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine. TMAO là một hợp chất do các vi khuẩn ở ruột sản sinh – cùng những loại vi khuẩn trong các phương pháp cấy phân – sau khi bạn tiêu thụ chất choline, chất này được tìm thấy trong trứng, thịt đỏ, và các sản phẩm từ sữa.
Sau khi đi vào máu, chất TMAO sẽ tăng tốc quá trình hình thành các mảng vữa cholesterol trong các động mạch. “Chúng tôi đang tìm hiểu tại sao thịt đỏ lại có hại, và có thể làm gì để tránh được sự tác hại này”, bác sĩ Roizen nói. Bên cạnh việc tránh tiêu thụ thịt đỏ, các bước phòng tránh có thể bao gồm các vi khuẩn có lợi cho sức khỏe (probiotics) hoặc các loại thuốc giúp ngăn chặn các phản ứng tạo TMAO xảy ra.10. Điều Trị Ung Thư Được Hướng Dẫn Chính Xác
Vấn đề gây khó khăn trong bất kỳ phương pháp điều trị nào là tiêu diệt khối u đồng thời không đụng chạm đến các tế bào khỏe mạnh. Gần đây, với sự hiểu biết sâu rộng hơn về cơ chế hoạt động của các tế bào ung thư, các nhà khoa học đã có thể phát triển một nhóm các loại thuốc có khả năng xác định điểm yếu trong quá trình tăng trưởng một cách không thể kiểm soát được của các tế bào ung thư. Ví dụ, đối với các u lym phô (lymphoma) và bệnh bạch cầu, các nhà khoa học đã xác định rằng sự tăng trưởng này được kiểm soát bởi một loại protein có tên là Bruton's tyrosine kinase (BTK). Sau nhiều năm thử nghiệm, các bác sĩ đã phát triển một loại thuốc mới có tên là Ibrutinib, có tác dụng ngăn chặn protein BTK.
Hai nghiên cứu được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine vào mùa hè này đã tìm thấy rằng loại thuốc viên uống bằng miệng này đã giúp cho 71% số bệnh nhân bị bệnh bạch cầu mãn tính (chronic leukemia) và 68% số bệnh nhân bị u lym phô không Hodgkins(non-Hodgkins lymphoma: là một dạng bệnh ung thư bao gồm tất cả các loại u lym phô ngoại trừ các u lym phô Hodgkin. Đối với bệnh u lym phô không Hodgkin, các khối u phát triển từ các tế bào lym phô – một loại bạch cầu). Điều quan trọng nhất là, thuốc Ibrutinib tiêu diệt u lym phô nhưng không tấn công các phần khác của hệ miễn dịch. Bác sĩ Roizen nói rằng, “hy vọng loại thuốc này có thể giúp tạo ra một nhóm thuốc mới hoàn toàn chỉ tấn công vào các tế bào ung thư”. (Trở về đầu trang)
Hai nghiên cứu được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine vào mùa hè này đã tìm thấy rằng loại thuốc viên uống bằng miệng này đã giúp cho 71% số bệnh nhân bị bệnh bạch cầu mãn tính (chronic leukemia) và 68% số bệnh nhân bị u lym phô không Hodgkins(non-Hodgkins lymphoma: là một dạng bệnh ung thư bao gồm tất cả các loại u lym phô ngoại trừ các u lym phô Hodgkin. Đối với bệnh u lym phô không Hodgkin, các khối u phát triển từ các tế bào lym phô – một loại bạch cầu). Điều quan trọng nhất là, thuốc Ibrutinib tiêu diệt u lym phô nhưng không tấn công các phần khác của hệ miễn dịch. Bác sĩ Roizen nói rằng, “hy vọng loại thuốc này có thể giúp tạo ra một nhóm thuốc mới hoàn toàn chỉ tấn công vào các tế bào ung thư”. (Trở về đầu trang)
PHƯƠNG PHÁP BIẾN ĐỔI TẾ BÀO MỠ THÀNH TẾ BÀO GAN
Trong một thành tựu của thuật luyện đan hiện đại với tiềm năng to lớn cho ngành y học tái tạo, các nhà khoa học tại trường Đại Học Y Khoa Stanford (Stanford University School of Medicine) đã phát triển một phương pháp rất hiệu quả và nhanh gọn, có khả năng chuyển hóa các tế bào lấy từ tiến trình hút mỡ bình thường thành các tế bào gan.
Tiến bộ khoa học này được mô tả trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cấy Ghép Tế Bào (Cell Transplantation) số ra ngày 21 tháng 10.
Các nhà khoa học đã tiến hành các thử nghiệm ở chuột, nhưng các tế bào gốc chất béo (adipose stem cell: tế bào gốc mỡ) họ sử dụng được lấy từ các chất hút ra trong tiến trình hút mỡ ở người và biến thành các tế bào giống như gan người, các tế bào này phát triển trong cơ thể của các chú chuột. Phương pháp này hoàn toàn khác với những phương pháp tạo ra các tế bào gan từ các tế bào gốc phôi thai (embryonic stem cell) hoặc các tế bào gốc phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau (induced pluripotent stem cell – iPS). Mặc dù 2 phương pháp iPS và tế bào gốc phôi thai là đa năng – nghĩa là, trên nguyên tắc, chúng có thể phát triển thành mỗi loại tế bào trong cơ thể – nhưng 2 phương pháp này mang theo nguy cơ hình thành các khối u. Tuy nhiên, các tế bào do phương pháp mới này tạo ra, không bao gồm giai đoạn phát triển thành các loại tế bào khác nhau, không cho thấy bất kỳ dấu hiệu phát sinh khối u nào.
Gan là một phòng thí nghiệm hóa học của cơ thể. Nó tạo ra các phân tử sinh học phức mà chúng ta cần đến, rồi nó lọc và phân hủy các sản phẩm thải cũng như các chất độc, những sản phẩm độc hại này có thể tích lũy đến mức nguy hiểm nếu không được đào thải. Không giống như đa số các cơ quan khác của cơ thể, gan của người khỏe mạnh có thể tự tái tạo đến một mức độ đáng kể. Nhưng khả năng này không thể vượt qua được tình trạng nhiễm độc gan hoặc tổn thương gan nghiêm trọng do nghiện rượu mãn tính hoặc viêm gan do virut.
Suy gan cấp tính do thuốc acetaminophen đã gây ra 500 trường hợp tử vong mỗi năm và là nguyên nhân cho gần 60 000 ca cấp cứu và trên 25 000 trường hợp nhập viện hàng năm. Các loại chất độc do môi trường khác, bao gồm các loại nấm độc góp phần gây ra thêm nhiều trường hợp nữa.
Mọi khía cạnh của phương pháp biến đổi chất béo thành gan đều có thể áp dụng cho người, theo lời của Gary Peltz, tiến sĩ y khoa, giáo sư ngành gây mê và là tác giả của nghiên cứu này. Việc tạo ra các tế bào theo phương pháp iPS đòi hỏi phải đưa vào các gen lạ và các gen có thể gây ung thư (carcinogenic gene). Nhưng phương pháp tế bào gốc chất béo chỉ đơn thuần là lấy từ các mô mỡ. Tiến trình này mất khoảng 9 ngày từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc – đủ nhanh để tái tạo mô gan ở các nạn nhân bị nhiễm độc gan cấp tính, thông thường những người này sẽ bị tử vong trong vòng vài tuần, trừ khi được ghép gan.
Có khoảng 6300 trường hợp ghép gan được thực hiện hàng năm ở Hoa Kỳ, với khoảng 16 000 bệnh nhân đang nằm trong danh sách chờ đợi. Mỗi năm, có trên 1400 người tử vong trước khi tìm được gan thích hợp cho họ. Mặc dù có thể cứu sống được bệnh nhân, nhưng tiến trình ghép gan tỏ ra khá phức tạp, nhiều rủi ro, và thậm chí khi thực hiện thành công, vẫn có nhiều biến chứng sau này.
“Chúng tôi tin rằng phương pháp này sẽ được chuyển giao cho các cơ quan y tế”, tiến sĩ Peltz nói. “Và bởi vì mô gan mới hình thành phát sinh từ các tế bào của chính cá nhân đó, nên chúng tôi kỳ vọng rằng không cần dùng đến các loại thuốc ức chế miễn dịch”.
Theo lời tiến sĩ Peltz, các tế bào gan không thuộc những dạng mà tế bào gốc chất béo thường biến đổi thành.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của trường Đại Học Stanford tin rằng điều này có thể xảy ra. Một phương pháp khác về khả năng chuyển hóa tế bào gốc chất béo từ tiến trình hút mỡ thành các tế bào giống gan (được gọi là i-Heps, Heps là chữ viết tắt của hepatocytes – các tế bào gan) đã được các nhà nghiên cứu Nhật Bản phát triển vào năm 2006. Nhưng phương pháp đó, phụ thuộc vào sự kích thích hóa học, mất khoảng 30 ngày hoặc lâu hơn và không hiệu quả; phương pháp này không có khả năng sản xuất đủ chất liệu để hình thành gan. (Làm việc với các tế bào theo phương pháp iPS còn mất nhiều thời gian hơn nữa; trước tiên các tế bào iPS phải được tạo ra từ các tế bào trưởng thành trước khi chúng có thể chuyển hóa thành các tế bào gan theo phương pháp i-Heps).
Sử dụng một phương pháp khác – tiến sĩ Peltz gọi là nuôi cấy tế bào dạng hình cầu (spherical culture) – ông và các cộng tác viên đã có thể thực hiện tiến trình chuyển hóa trong vòng 9 ngày với mức độ hiệu quả là 37%, khi được so sánh với tỷ lệ thấp hơn nhiều (12%) khi được thực hiện bằng phương pháp trước hoặc sử dụng phương pháp iPS. (Tiến sĩ Peltz nói những cải thiện từ lúc công bố nghiên cứu cho đến nay đã giúp tạo được tỷ lệ vượt quá 50% trong vòng từ 7 đến 8 ngày).
Tiến sĩ Dan Xu, tác giả dẫn đầu của cuộc nghiên cứu, đã phỏng theo phương pháp nuôi cấy tế bào hình cầu từ công trình nghiên cứu tế bào gốc phôi thai trước đây. Thay vì phát triển trên các mặt phẳng trong đĩa thử nghiệm, các tế bào gốc chất béo được nuôi cấy trong một hệ thống treo chất lỏng (liquid suspension), trong đó các tế bào hình thành các dạng hình cầu. “Phương pháp này xem ra làm cho các tế bào vui vẻ hơn”, tiến sĩ Peltz nói.
Khi họ có đủ các tế bào, các nhà nghiên cứu kiểm tra chúng bằng cách tiêm chúng vào cơ thể các chú chuột trong phòng thí nghiệm có hệ miễn dịch bị suy giảm, và các chú chuột này có khả năng tiếp nhận các mẫu ghép từ người. Những chú chuột này đã được cải biến sinh học (bioengineered) vào năm 2007, trong một sự cộng tác giữa phòng thí nghiệm của tiến sĩ Pelt và đồng tác giả, tiến sĩ y khoa Toshihiko Nishimura, và các nhà khoa học khác tại Viện Thí Nghiệm Động Vật Trung Ương (Central Institute for Experimental Animals) có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản. Chỉ có gan của những chú chuột này mới chứa thêm một gen có khả năng chuyển hóa chất kháng virut gancyclovir thành một chất độc tiềm năng. Khi các chú chuột này được tiếp nhận gancyclovir, các tế bào gan của chúng chết đi rất nhanh.
Ở giai đoạn này, các nhà nghiên cứu đã tiêm 5 triệu tế bào i-Heps vào gan chuột. Để làm được việc này – một thành tựu to lớn, vì các cơ quan nhỏ bé này chỉ cân nặng khoảng 1,8 g – họ sử dụng một tiến trình tiêm được hướng dẫn bằng siêu âm, phương pháp này thường được sử dụng trong các phòng khám về đường ruột và dạ dày cho các kiểm tra sinh thiết (biopsy).
Bốn tuần sau đó, các nhà khoa học kiểm tra máu của các chú chuột này và đã tìm thấy một loại protein (albumin trong huyết thanh của người) chỉ được sản sinh bởi các tế bao gan người, và được chứng minh là một chất đại diện chính xác cho số lượng các tế bào gan người mới hình thành trong gan của các chú chuột thí nghiệm này. Máu của các chú chuột này chứa một số lượng đáng kể albumin huyết thanh, gần như tăng gấp ba lần trong 4 tuần kế tiếp. Hàm lượng chất này trong máu tương ứng với sự tái tạo khoảng 10 – 20% số lượng gan của chuột đã bị hủy hoại trước đây bằng mô gan người mới hình thành. (Các nghiên cứu trước đây chỉ cho thấy một số lượng rất nhỏ protein albumin huyết thanh người được sản sinh ở mức cao nhất trong cơ thể những chú chuột tiếp nhận số lượng tương tự các tế bào i-Heps).
Các xét nghiệm máu cũng tiết lộ rằng mô gan mới hình thành trong cơ thể các chú chuột này đang thực hiện chức năng lọc chất thải. Việc kiểm tra bản thân các cấu trúc gan mới hình thành cho thấy rằng các tế bào cấy ghép đã hợp nhất tạo thành cấu trúc gan, biểu thị các chất đánh dấu bề mặt đặc thù của các tế bào gan trưởng thành của người và sản sinh các cấu trúc đa bào cần thiết cho quá trình hình thành ống dẫn mật trong cơ thể người. Các kiểm tra khác đã chỉ ra rằng các tế bào i-Heps được nuôi cấy dạng hình cầu có nhiều đặc điểm giống với các tế bào gan người tự nhiên hơn so với các tế bào i-Heps được tạo ra từ các tế bào iPS.
Điều quan trọng là, 2 tháng sau khi tiêm vào các tế bào i-Heps do phương pháp nuôi cấy hình cầu tạo ra, các chú chuột không có dấu hiệu hình thành các khối u. Nhưng những chú chuột được đưa vào các tế bào i-Heps có nguồn gốc từ các tế bào iPS lại phát sinh nhiều khối u, và các nhà khoa học có thể cảm nhận được các khối u này trên bề mặt cơ thể của các chú chuột trong vòng 3 tuần.
Với trọng lượng 1500 g, cấu trúc gan của người khỏe mạnh có kích thước lớn gấp 800 lần so với kích thước của cấu trúc gan chuột và chứa khoảng 200 tỷ tế bào. Tiến sĩ Peltz nói rằng, “để đạt được thành công, chúng tôi phải tái tạo khoảng một nửa số tế bào gan đã bị hủy hoại”. Ông nói, với phương pháp nuôi cấy dạng hình cầu, khoảng 1 tỷ tế bào i-Heps có thể được sản sinh từ 1 lít chất béo từ tiến tình hút mỡ (liposuction), chỉ từ một lần hút mỡ. Quá trình tái tạo tế bào, xảy ra sau khi tiêm, làm tăng thêm số lượng lên đến khoảng trên 100 tỷ tế bào i-Heps.
Tiến sĩ Peltz nói rằng, điều đó đủ để thay thế cho một tiến trình ghép gan. Văn Phòng Cấp Giấy Phép Công Nghệ của trường Stanford (Stanford’s Office of Technology Licensing) đã đăng ký bản quyền về việc sử dụng phương pháp nuôi cấy dạng hình cầu để tạo ra tế bào gan. Nhóm của tiến sĩ Peltz đang hoàn thiện các phương pháp nuôi cấy và tiêm, trao đổi với Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA), và đang chuẩn bị cho các kiểm tra về tính an toàn (safety test) ở các động vật có kích thước lớn hơn. Trừ khi có những thay đổi đột ngột, phương pháp mới này có thể sẵn sàng cho các thử nghiệm lâm sàng trong vòng 2 đến 3 năm nữa, tiến sĩ Peltz dự đoán. (Trở về đầu trang)
Nguồn(Sources):
0 comments:
Post a Comment