Tuesday, April 22, 2014

BỆNH SỞI (MEASLES) - Do LQT Biên Dịch


KIẾN THỨC TỔNG QUÁT

Các Thông Tin Về Bệnh Sởi

-      Bệnh sởi(measles) là một căn bệnh diễn tiến nghiêm trọng.
-      Bệnh sởi do một loại virut gây ra (paramyxovirus) mà nó có khả năng lây truyền dễ dàng.
-      Bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng tai, viêm phổi (pneumonia), hoặc viêm não (encephalitis).
-      Nhiễm bệnh sởi ở não có thể gây ra chứng co giật (convulsion), thiểu năng thần kinh (mental retardation), và thậm chí gây tử vong.
-      Bệnh sởi ở các phụ nữ mang thai có thể gây ra tình trạng sẩy thai hoặc sinh sớm (premature delivery: sinh thiếu tháng).
-      Bệnh sởi có thể ngăn ngừa được nhờ tiêm chủng.
-      Mỗi cá nhân không được chủng ngừa phòng chống bệnh sởi đều có nguy cơ mắc bệnh sởi và có khả năng lây truyền cho những người khác.

Bệnh sởi là một bệnh nhiễm trùng ở trẻ em do virut gây ra.  Là một chứng bệnh rất phổ biến trước đây, hiện nay bệnh sởi có thể được phòng chống bằng vắcxin.  Các dấu hiệu và các triệu chứng của bệnh sởi bao gồm ho, chảy nước mũi, sưng mắt, đau họng, sốt và đốm ban đỏ ở da.



Có hai dạng bệnh sởi, mỗi dạng do một loại virut khác nhau gây ra.  Mặc dù cả hai dạng đều tạo ra ban đỏ và sốt, nhưng hai dạng này là hai chứng bệnh khác nhau.  Khi mọi người sử dụng tên “measles” (bệnh sởi), là họ nói đến bệnh sởi do virut rubeola gây ra.

-      Virut rubeola, là một thành viên của giống Morbillivirus thuộc họ Paramyxoviridae, gây ra “bệnh sởi đỏ - red measles”, còn được gọi là “bệnh sởi cứnghard measles” hoặc chỉ đơn giản là bệnh sởi(measles).  Mặc dù đa số bệnh nhân sẽ bình phục mà không gặp phải vấn đề gì, nhưng bệnh sởi do virut rubeola có thể dẫn đến viêm phổi hoặc viêm não.
-      Virut rubella gây ra “bệnh sởi ĐứcGerman measles”, còn được gọi là “bệnh sởi 3 ngàythree-day measles”.  Đây thường là một dạng bệnh nhẹ hơn bệnh sởi đỏ.  Tuy nhiên, loại virut này có thể gây ra dị tật bẩm sinh nghiêm trọng nếu người phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh truyền virut sang thai nhi.

Bệnh sởi (measles hoặc rubeola) có thể nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong ở các trẻ nhỏ.  Mặc dù tỷ lệ tử vong đã giảm xuống trên thế giới vì có nhiều trẻ em được chủng ngừa bệnh sởi, nhưng căn bệnh này vẫn giết chết hàng trăm ngàn người mỗi năm, đa số là các trẻ dưới 5 tuổi.

Bệnh sởi là một trong những căn bệnh dễ lây nhiễm nhất, với tỷ lệ nhiễm trùng thứ cấp ít nhất là 90% trong các trường hợp tiếp xúc trong gia đình.  Bệnh sởi bị lây truyền chủ yếu từ người sang người bằng những giọt nước phun ra từ đường hô hấp, nhưng cũng có thể lây truyền qua không khí dưới dạng hạt nhỏ (droplet nuclei: có đường kính 1-10 micromet).  Những người bị nhiễm bệnh thường có khả năng lây bệnh từ 4 ngày trước cho đến 4 ngày sau khi ban đỏ xuất hiện.  Cơ thể con người là chủ thể tự nhiên duy nhất giúp virut bệnh sởi lây truyền, do đó làm cho khả năng diệt tận gốc căn bệnh này trở nên khả thi.  Mặc dù bệnh sởi được xem là một căn bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em, nhưng căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi độ tuổi.  Bệnh sởi được đánh dấu bởi hiện tượng sốt tiền triệu, ho, chảy nước mũi (coryza), viêm màng kết (conjunctivitis), và các đốm koplik (koplik spot: các đốm đỏ trên màng nhầy của vùng má, và miệng), đi kèm với tình trạng phát ban đỏ sần (erythematous maculopapular rash) vào ngày thứ 3 – 7.  Bệnh sởi sẽ tạo ra khả năng miễn dịch suốt đời.

Tình trạng ức chế miễn dịch mở rộng (generalized immunosuppression) xảy ra sau khi bị nhiễm bệnh sởi cấp tính thường khiến cho bệnh nhân bị viêm tai giữa do vi khuẩn(bacterial otitis media) và viêm cuống phổi (bronchopneumonia).  Trong khoảng 0,1% các trường hợp, bệnh sởi gây ra chứng viêm não cấp tính (acute encephalitis).  Viêm não xơ hóa bán cấp tiến triển (subacute sclerosing panencephalitis - SSPE) là một bệnh thoái hóa mãn tính, xảy ra vài năm sau khi bị nhiễm bệnh sởi.

Các trường hợp nhiễm bệnh sởi đầu tiên được mô tả xuất hiện vào thế kỷ thứ 7.  Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1963 thì các nhà nghiên cứu mới phát triển lần đầu tiên một loại vắcxin để phòng chống bệnh sởi.  Trước khi vắcxin này được đưa vào sử dụng, hầu như mỗi đứa trẻ đều bị nhiễm loại virut này vì nó rất dễ lây truyền.  Trước khi có biện pháp tiêm chủng định kỳ, thì có khoảng 3 – 4 triệu trường hợp bệnh sởi và 500 ca tử vong do bệnh sởi mỗi năm ở Hoa Kỳ.

Vào lúc bắt đầu, có hai loại vắc xin được phát triển để phòng chống bệnh sởi.  Một loại vắcxin được phát triển từ một virut đã bị chết, và một loại vắcxin được phát triển bằng cách sử dụng virut sởi đã bị làm giảm tính độc (attenuated) và không còn khả năng gây bệnh.  Một cách đáng tiếc là, loại vắcxin sử dụng virut đã chết đã tỏ ra không hiệu quả trong việc phòng chống bệnh, do đó loại vắcxin này đã bị ngưng sử dụng vào năm 1967.  Loại vắcxin sử dụng virut sống đã được cải biến nhiều lần để làm cho nó an toàn hơn (giảm tính độc nhiều hơn) và cho đến hôm nay trở nên đặc biệt hiệu quả trong việc phòng chống bệnh sởi.  Loại vắcxin đang được sử dụng là loại vắcxin giảm tính độc virut sống (live-attenuated vaccine).

Sau khi vắcxin bệnh sởi hiệu quả được đưa vào sử dụng năm 1963, tỷ lệ nhiễm bệnh sởi đã giảm xuống đáng kể.  Tuy nhiên, bệnh sởi vẫn còn là một chứng bệnh phổ biến ở một số vùng và tiếp tục là nguyên nhân gây ra gần 50% trong tổng số 1,6 triệu ca tử vong mỗi năm do các chứng bệnh có thể ngăn ngừa bằng vắcxin gây ra.  Tỷ lệ nhiễm bệnh sởi ở Hoa Kỳ và toàn thế giới đang gia tăng, với các đợt bùng phát được báo cáo đặc biệt ở các khu vực dân số có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Các kháng thể của người mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ ngăn ngừa nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi và có thể ảnh hưởng đến vắcxin bệnh sởi đã giảm tính độc của virut sống.  Một liều vắcxin bệnh sởi cho một đứa trẻ trên 12 tháng tuổi sẽ tạo ra được khả năng miễn dịch bảo vệ cho 95% số người tiếp nhận vắcxin.  Vì virut bệnh có khả năng lây truyền cao, do đó 5% dân số dễ bị nhiễm bệnh đủ để kéo dài những đợt bùng phát thường kỳ trong những nhóm người có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Liều tiêm chủng thứ hai, hiện nay được đề xuất cho tất cả trẻ em ở tuổi đi học ở Hoa Kỳ, sẽ tạo ra khả năng miễn dịch trong khoảng 95% trong số 5% trẻ không tạo được tính năng miễn dịch với liều đầu tiên.  Sự biến đổi gen không đáng kể trong các chủng đang xuất hiện gần đây đã không ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ hiệu quả của các vắcxin bệnh sởi đã giảm tính độc của virut sống.

Các lập luận không có căn cứ cho rằng vắcxin bệnh sởi có liên quan đến chứng tự kỷ (autism) đã dẫn đến việc giảm bớt sử dụng vắcxin, vì thế góp phần vào sự hồi sinh của bệnh sởi gần đây ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng rớt xuống dưới mức cần thiết để duy trì khả năng miễn dịch cộng đồng (herd immunity).

Đối với những nước công nghiệp hóa như Hoa Kỳ, sự lây truyền dịch sởi địa phương có thể quay trở lại nếu khả năng miễn dịch sởi rớt xuống dưới 93 – 95%, do đó các nỗ lực nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cao ở các nước phát triển và đang phát triển phải được duy trì.

Biện pháp chăm sóc hỗ trợ (supportive care) là tất cả những gì cần thiết cho các bệnh nhân bị nhiễm bệnh sởi.  Việc bổ sung vitamin A trong thời gian nhiễm bệnh sởi cấp tính sẽ giúp giảm bớt đáng kể nguy cơ hoành hành của bệnh sởi và tỷ lệ tử vong.

Vào năm 2000, vắc xin bệnh sởi đã thực sự loại bỏ được bệnh sởi ở Hoa Kỳ.  Nhưng đã có báo cáo căn bệnh này gần đây lại tái hiện, vì nhiều người chọn lựa không tiêm chủng cho con em của họ.


Nguồn bổ sung:





0 comments:

Post a Comment