TÍNH AN TOÀN
Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (The U.S. Food and Drug Administration – FDA) không kiểm soát nghiêm ngặt các loại dược thảo và thực phẩm chức năng. Không có sự đảm bảo về độ mạnh, sự tinh khiết và tính an toàn của các sản phẩm, và tính hiệu quả có thể thay đổi tùy theo sản phẩm. Bạn phải luôn nhớ đọc kỹ các nhãn sản phẩm. Nếu bạn đang mang một chứng bệnh trong người, hoặc đang sử dụng các loại thuốc, dược thảo, hoặc các loại thực phẩm chức năng khác, thì bạn nên tham khảo với bác sĩ (dược sĩ, y tá) trước khi bắt đầu một phương pháp trị liệu mới. Hãy liên lạc ngay với bác sĩ (dược sĩ, y tá) nếu bạn bị các tác dụng phụ.
Dị ứng
Những người bị dị ứng hoặc nhạy cảm một cách bất thường với cá nên tránh sử dụng dầu cá hoặc các sản phẩm axit béo omega-3 có nguồn gốc từ cá. Hiếm khi xảy ra tình trạng ngứa ở da (phát ban ở da). Những người bị dị ứng hoặc nhạy cảm một cách bất thường với các loại quả hạch (nut) nên tránh sử dụng các sản phẩm chứa axit alpha linolenic hoặc axit béo omega-3 có nguồn gốc từ các loại quả hạch mà họ bị dị ứng.
Mang Thai và Cho Con Bú
Các chất ô nhiễm độc hại tiềm tàng như dioxin, methyl thủy ngân, và polychlorinated biphenyls (PCBs) được tìm thấy trong một số loài cá, và có thể có hại cho các phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Methyl thủy ngân tích tụ ở thịt cá nhiều hơn ở dầu cá, và các loại thực phẩm chức năng dầu cá xem ra hầu như không chứa thủy ngân. Do đó, các mối quan tâm về tính an toàn này chỉ áp dụng vào việc ăn cá nhưng hầu như không áp dụng vào việc sử dụng các thực phẩm chức năng dầu cá.
Người ta vẫn chưa biết nếu sử dụng thực phẩm chức năng axit béo omega-3 ở các phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú thì có lợi ích gì cho trẻ sơ sinh không. Tiêu thụ axit béo omega-3 trong lúc mang thai với liều lượng cao, đặc biệt là DHA, có thể làm tăng cân trẻ sơ sinh và kéo dài thời gian mang thai (254). Tuy nhiên, cũng không nên sử dụng dầu cá với liều lượng cao do nguy cơ bị xuất huyết (chảy máu). Các axit béo được cho thêm vào các thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh.
Dầu cá CÓ THỂ AN TOÀN cho hầu hết mọi người, bao gồm các phụ nữ mang thai và đang cho con bú, khi sử dụng liều lượng thấp (mỗi ngày 3g hoặc ít hơn).
Dầu cá có thể gây ra các tác dụng phụ bao gồm ợ, thở hôi, ợ chua, buồn nôn, phân lỏng, phát ban (ngứa), chảy máu mũi. Sử dụng các thực phẩm chức năng dầu cá trong bữa ăn hoặc đông lạnh dầu cá thường có thể giảm bớt các tác dụng phụ này.
Sử dụng dầu cá với liều lượng cao có khả năng là không an toàn. Sử dụng 3g dầu cá mỗi ngày có thể làm cho máu không thể đông tụ và như thế có thể làm gia tăng nguy cơ bị xuất huyết.
Sử dụng liều lượng cao dầu cá cũng có thể làm suy giảm chức năng hoạt động của hệ miễn dịch, làm cho cơ thể giảm bớt khả năng chống lại tình trạng nhiễm trùng. Đây là một mối quan tâm đặc biệt đối với những người sử dụng thuốc để làm suy giảm chức năng hoạt động của hệ miễn dịch (ví dụ: các bệnh nhân cấy ghép cơ quan) và đối với những người cao tuổi.
Sử dụng các thực phẩm chức năng dầu cá với số lượng lớn có thể gia tăng hàm lượng cholesterol “xấu” LDL ở một số người. Bạn cần phải xét nghiệm máu thường xuyên để đảm bảo rằng mức cholestol “xấu” LDL không tăng quá cao.
Một số loại thịt cá (đặc biệt là cá mập, cá king mackerel, và cá hồi nuôi) có thể bị nhiễm thủy ngân và các chất hóa học công nghiệp và môi trường khác, nhưng các thực phẩm chức năng dầu cá thường không chứa các chất ô nhiễm này.
Các Biện Pháp Phòng Ngừa và Các Cảnh Báo Đặc Biệt
Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (The U.S. Food and Drug Administration –FDA) đặt tên liều lượng tiêu thụ lên đến 3 g axit béo omega-3 từ cá mỗi ngày là GRAS (Generally Regarded as Safe - Thường Được Đánh Giá Là An Toàn). Tuy nhiên, các bệnh nhân tiểu đường (đái tháo đường) phải nên cẩn thận vì axit béo omega-3 có thể (mặc dù không có khả năng) sẽ làm gia tăng lượng đường trong máu, cũng như các bệnh nhân có nguy cơ bị xuất huyết, hoặc những người có hàm lượng cao cholesterol “xấu” LDL. Thịt cá có thể chứa methyl thủy ngân, do đó các trẻ nhỏ và các phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú phải nên cẩn thận.
Các axit béo omega-3 có thể làm gia tăng nguy cơ bị xuất huyết, mặc dù rằng có ít chứng cứ cho thấy nguy cơ xuất huyết nghiêm trọng khi sử dụng liều lượng thấp. Tiêu thụ số lượng khá lớn cá hoặc các axit béo omega-3 có thể làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ do xuất huyết não (hemorrhagic stroke). Sử dụng liều lượng cao cũng liên quan đến tình trạng chảy máu mũi (nosebleed) và đi tiểu ra máu. Dầu cá xem ra có thể làm giảm đi khả năng đông tụ của tiểu huyết cầu (platelet) và do đó kéo dài thời gian bị xuất huyết, gia tăng quá trình phân hủy máu đông, và có thể làm giảm bớt số lượng yếu tố von Willebrand (von Willebrand factor: là một loại glycoprotein trong máu, có chức năng cầm máu).
Rối loạn đường tiêu hóa thường phổ biến khi sử dụng các thực phẩm chức năng dầu cá. Tình trạng tiêu chảy cũng có thể xảy ra, khi sử dụng liều lượng cao có thể bị tiêu chảy nghiêm trọng. Cũng có các báo cáo về tình trạng ợ hơi, trào ngược axit/ợ chua/khó tiêu, đầy hơi, và đau bụng gia tăng. Có mùi vị cá trong miệng là một tình trạng thường thấy. Các tác dụng phụ ở đường tiêu hóa có thể được giảm thiểu nếu tiêu thụ dầu cá kết hợp với thực phẩm (trong bữa ăn) và nếu sử dụng liều lượng thấp từ lúc bắt đầu rồi sau đó tăng dần.
Có nhiều thử nghiệm ở người cho thấy rằng tiêu thụ các axit béo omega-3 có thể phần nào hạ được huyết áp. Mức hạ giảm huyết áp 2-5 mmHg đã được xác nhận trong các thử nghiệm này, và hiệu quả xem ra tỉ lệ thuận với liều lượng. Axit béo DHA có thể có hiệu quả cao hơn axit béo EPA. Các bệnh nhân có huyết áp thấp hoặc những người đang sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp phải nên cẩn thận khi sử dụng dầu cá.
Mặc dù có sự gia tăng nhẹ hàm lượng huyết đường lúc đói ở các bệnh nhân tiểu đường (đái tháo đường) loại 2, nhưng chứng cứ khoa học cho thấy rằng dầu cá không tạo ra các tác dụng dài hạn đáng kể ở các bệnh nhân bệnh tiểu đường, bao gồm hàm lượng hemoglobin A1C không thay đổi. Có rất ít các báo cáo vào những năm 1980 về nhu cầu insulin gia tăng ở các bệnh nhân bệnh tiểu đường (đái tháo đường) sử dụng dài hạn dầu cá có thể có liên quan đến các thay đổi về chế độ ăn uống hoặc tăng cân.
Sử dụng dầu cá trong nhiều tháng có thể gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin E, do đó các nhà sản xuất đã cho thêm vitamin E vào nhiều sản phẩm dầu cá trên thị trường. Kết quả là, sử dụng thường xuyên các sản phẩm tăng cường vitamin E có thể làm cho hàm lượng vitamin hòa tan chất béo này tăng cao. Dầu gan cá (fish liver oil) chứa các vitamin hòa tan chất béo như vitamin A và D, do đó các sản phẩm dầu gan cá (chẳng hạn như dầu gan cá tuyết) có thể làm gia tăng nguy cơ ngộ độc vitamin A hoặc D.
Hàm lượng cholesterol “xấu” LDL gia tăng khoảng 5-10% khi tiêu thụ các axit béo omega-3 đã được xác nhận. Các hiệu quả phụ thuộc vào liều lượng.
Hiếm có các báo cáo về tình trạng tăng nhẹ enzyme alanine aminotransferase trong các kiểm tra chức năng hoạt động của gan.
Hiếm có các báo cáo về tình trạng ngứa da (phát ban ở da).
Hiếm có các báo cáo về tình trạng hưng cảm (mania) ở các bệnh nhân bị rối loạn lưỡng trạng (bipolar disorder) hoặc bị trầm cảm nghiêm trọng. Cũng có báo cáo về cảm giác bồn chồn và ngứa ran ở da (cảm giác kiến bò trên da).
Bệnh gan: Dầu cá có thể làm gia tăng nguy cơ xuất huyết.
Dị ứng với cá và hải sản: Một số người bị dị ứng với hải sản chẳng hạn như cá cũng có thể bị dị ứng với các thực phẩm chức năng dầu cá. Chưa có thông tin xác thực nào cho thấy khả năng những người bị dị ứng với hải sản lại có phản ứng dị ứng với dầu cá. Tuy nhiên, cho đến khi có các thông tin đáng tin cậy, thì các bệnh nhân bị dị ứng với hải sản được khuyên là nên tránh hoặc sử dụng các thực phẩm chức năng dầu cá một cách thận trọng.
Rối loạn lưỡng trạng (bipolar disorder): Sử dụng dầu cá có thể làm gia tăng một số triệu chứng của căn bệnh này.
Chứng trầm cảm: Sử dụng dầu cá có thể làm gia tăng một số triệu chứng của căn bệnh này.
Bệnh tiểu đường (bệnh đái tháo đường): Có một số lo ngại cho rằng sử dụng dầu cá với liều lượng cao có thể làm cho việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn.
Cao huyết áp: Dầu cá có thể giúp hạ huyết áp và có thể gây ra tình trạng huyết áp hạ xuống mức rất thấp ở những người đang được điều trị bằng các loại thuốc hạ huyết áp.
Bệnh SIDA (HIV/AIDS) và các chứng bệnh khác trong đó đáp ứng miễn dịch bị suy yếu: Sử dụng liều lượng cao dầu cá có thể làm suy giảm phản ứng miễn dịch. Điều này có thể gây khó khăn cho những người có hệ miễn dịch đã bị suy yếu.
Máy phục hồi nhịp tim được cấy ghép (An implanted defibrillator): Một số nghiên cứu, nhưng không phải tất cả, cho thấy rằng dầu cá có thể làm gia tăng nguy cơ bị nhịp tim đập không đều ở các bệnh nhân được cấy ghép máy phục hồi nhịp tim. Để được an toàn, nên tránh các thực phẩm chức năng dầu cá.
Bệnh polip kết tràng di truyền (Familial adenomatous polyposis): Có một số lo ngại cho rằng dầu cá có thể làm gia tăng thêm nguy cơ bị ung thư ở những người bị chứng bệnh này.
Bệnh polip kết tràng di truyền (Familial adenomatous polyposis): Có một số lo ngại cho rằng dầu cá có thể làm gia tăng thêm nguy cơ bị ung thư ở những người bị chứng bệnh này.
0 comments:
Post a Comment