KIẾN THỨC TỔNG QUÁT
Vitamin E là một loại vitamin hòa tan trong chất béo với các đặc tính chống oxy hóa. Vitamin E hiện diện dưới 8 dạng cấu trúc hóa học khác nhau (chất đồng phân): alpha-tocopherol, beta-tocopherol, gamma-tocopherol, và delta-tocopherol; alpha-tocotrienol, beta-tocotrienol, gamma-tocotrienol, và delta-tocotrienol. Trong cơ thể con người, alpha-tocopherol là dạng hoạt tính nhất.
Nồng độ vitamin E trong máu (alpha-tocopherol) phụ thuộc vào gan (liver), gan tiếp nhận chất dinh dưỡng này sau khi các dạng vitamin E được hấp thụ từ ruột non. Gan ưu tiên chỉ tái tiết ra dạng alpha-tocopherol thông qua protein vận chuyển alpha-tocopherol ở gan; gan thực hiện quá trình chuyển hóa và thải ra các dạng vitamin E khác. Kết quả là, nồng độ các dạng vitamin E khác trong tế bào máu thấp hơn nồng độ alpha-tocopherol, và các dạng vitamin E này chưa được nghiên cứu nhiều.
Các chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ các tế bào không bị các gốc tự do hủy hoại, các gốc tự do là các phân tử chứa một điện tử không liên kết. Các gốc tự do gây thương tổn cho các tế bào và có thể góp phần gây ra các chứng bệnh về tim mạch và ung thư. Các điện tử không liên kết (unshared electron) rất giàu năng lượng và phản ứng nhanh với oxy để hình thành các phân tử oxy hoạt tính (reactive oxygen species – ROS). Cơ thể hình thành các phân tử oxy hoạt tính (ROS) từ bên trong khi chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, và các chất chống oxy hóa có thể bảo vệ các tế bào không bị các phân tử oxy hoạt tính này hủy hoại. Cơ thể cũng tiếp xúc với các gốc tự do từ môi trường bên ngoài, chẳng hạn như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, và bức xạ tử ngoại (ultraviolet radiation) từ mặt trời. Các phân tử oxy hoạt tính (ROS) là một sản phẩm của cơ chế trao đổi thông tin giữa các tế bào.
Vitamin E là một chất chống oxy hóa hòa tan trong chất béo có tác dụng ngăn chặn sự sản sinh các phân tử oxy hoạt tính (ROS) khi chất béo thực hiện quá trình oxy hóa. Các nhà khoa học đang điều tra xem, bằng cách hạn chế sự sản sinh gốc tự do và có thể thông qua các cơ chế khác, vitamin E có thể giúp ngăn chặn hoặc trì hoãn các chứng bệnh mãn tính liên quan đến các gốc tự do không.
Bên cạnh các hoạt động với vai trò một chất chống oxy hóa, vitamin E còn gắn liền với chức năng miễn dịch, và như đã được chứng minh chủ yếu trong các nghiên cứu về tế bào trong phòng thí nghiệm, gắn liền với cơ chế trao đổi thông tin của tế bào (cell signaling), điều chỉnh quá trình tổng hợp và thể hiện kiểu hình gen, cũng như gắn liền với các quá trình chuyển hóa khác. Alpha-tocopherol có tác dụng ức chế hoạt động của protein kinase C, một loại men xúc tác liên quan đến sự tăng trưởng nhanh và sự phát triển chuyên biệt của các tế bào cơ trơn (smooth muscle), các tiểu huyết cầu, và các bạch cầu đơn nhân (monocytes). Vitamin E chứa đầy trong các tế bào lót màng trong của mạch máu giúp ngăn cản các thành phần tế bào máu kết dính vào bề mặt này tốt hơn. Vitamin E còn làm tăng khả năng hoạt động của 2 men xúc tác có tác dụng ức chế quá trình chuyển hóa axit arachidonic, nhờ đó tăng cường sự phóng thích chất prostacyclin từ màng trong mạch máu, làm giãn nở mạch máu và ngăn cản sự đông kết của các tiểu huyết cầu.
Liều lượng và số lượng đề xuất mỗi ngày cho vitamin E thường được cung cấp theo đơn vị ATEs (alpha-tocopherol equivalents) để giải thích cho các hoạt động sinh học của các dạng vitamin E khác nhau, hoặc được cung cấp theo đơn vị quốc tế(international unit – IU), mà các nhãn thực phẩm và thực phẩm chức năng có thể sử dụng. Hệ số chuyển đổi là 1 mg ATE bằng 1,5 IU.
Các thực phẩm chức năng chứa vitamin E cũng được sản xuất dưới dạng tự nhiên và tổng hợp. Các dạng vitamin E tự nhiên thường được ký hiệu bằng chữ “d” (ví dụ, d-gamma-tocopherol), còn các dạng vitamin E tổng hợp được ký hiệu là “dl” (ví dụ, dl-alpha-tocopherol).
Các loại thực phẩm chứa vitamin E bao gồm trứng, bột ngũ cốc được tăng cường, trái cây (hoa quả), các loại rau quả có lá xanh chẳng hạn như rau bina (spinach), thịt, các loại quả hạch (nut), dầu quả hạch, thịt gia cầm, dầu rau quả (bắp, hạt côtông, cây rum (safflower), đậu nành, hoa hướng dương), dầu cây argan, dầu oliu, dầu hạt lúa mạch (wheat germ oil), và ngũ cốc nguyên hạt. Thực phẩm được nấu chín và được bảo quản có thể bị mất đi một số thành phần vitamin E.
Vitamin E được đề xuất cho việc ngăn ngừa hoặc điều trị một số tình trạng sức khỏe, thường dựa vào các đặc tính chống oxy hóa. Tuy nhiên, bên cạnh việc điều trị cho tình trạng thiếu hụt vitamin E (hiếm khi xảy ra), chưa có chứng cứ rõ ràng về việc sử dụng thực phẩm chức năng chứa vitamin E vượt quá liều lượng được đề xuất mỗi ngày. Các nhà khoa học đang nghiên cứu công dụng của loại vitamin này đối với các chứng bệnh, đặc biệt là ung thư và bệnh tim.
Đã có những lo ngại về tính an toàn của các thực phẩm chức năng chứa vitamin E, đặc biệt khi sử dụng với liều lượng cao. Đã có báo cáo về nguy cơ gia tăng bị chảy máu, đặc biệt ở các bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc kháng đông (làm loãng máu), chẳng hạn như warfarin, heparin, hoặc aspirin, và ở các bệnh nhân bị thiếu hụt vitamin K. Chứng cứ cho thấy rằng việc sử dụng thường xuyên liều lượng cao các thực phẩm chức năng chứa vitamin E có thể làm tăng nguy cơ tử vong từ mọi nguyên nhân với tỉ lệ thấp, mặc dù kết quả nghiên cứu ở người chưa thống nhất. Người tiêu thụ nên thận trọng khi sử dụng.
Một công dụng đang gây tranh cãi của vitamin E là ngăn ngừa sẹo (thẹo). Mặc dù cách sử dụng này thường được thực hiện, nhưng vẫn chưa có đủ chứng cứ về tính hiệu quả của nó. Vì nguy cơ bị bệnh viêm da do tiếp xúc(contact dermatitis), một số nhà nghiên cứu đã đưa ra đề xuất chống lại việc sử dụng vitamin E để phòng chống thẹo.
Các Nguồn Thực Phẩm Chọn Lọc Chứa Vitamin E (Alpha-Tocopherol) | ||
Thực phẩm | Milligrams (mg) mỗi khẩu phần | % GTDDHN* |
Dầu hạt lúa mạch (Wheat germ oil), 1 muỗng canh | 20,3 | 100 |
Hạt hướng dương, rang khô, 1 oz (28 g) | 7,4 | 37 |
Quả hạnh nhân (almond), rang khô, 1 oz (28 g) | 6,8 | 34 |
Dầu hướng dương, 1 muỗng canh | 5,6 | 28 |
Dầu cây rum, 1 muỗng canh | 4,6 | 25 |
Hạt dẻ, rang khô, 1 oz (28 g) | 4,3 | 22 |
Bơ đậu phộng, 2 muỗng canh | 2,9 | 15 |
Đậu phộng, rang khô, 1 oz (28 g) | 2,2 | 11 |
Dầu bắp, 1 muỗng canh | 1,9 | 10 |
Rau bina (Spinach), luộc, ½ cup (118 g) | 1,9 | 10 |
Broccoli, cắt nhỏ, luộc, ½ cup (118 g) | 1,2 | 6 |
Dầu đậu nành, 1 muỗng canh | 1,1 | 6 |
Trái kiwi (Kiwifruit), 1 quả cỡ trung | 1,1 | 6 |
Xoài, cắt lát, ½ cup (118 g) | 0,7 | 4 |
Cà chua, tươi sống, 1 quả cỡ trung | 0,7 | 4 |
Rau bina (Spinach), tươi sống, 1 cup (236 g) | 0,6 | 3 |
* DV = Daily Value (Giá Trị Dinh Dưỡng Hàng Ngày). GTDDHN được Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) ấn định để giúp người tiêu dùng so sánh hàm lượng dinh dưỡng trong các sản phẩm của một chế độ ăn tổng cộng mỗi ngày. GTDDHN cho vitamin D hiện nay được ấn định ở mức 30 đơn vị quốc tế (khoảng 20 mg alpha-tocopherol tự nhiên) cho người thành niên và trẻ em từ 4 tuổi trở lên. Tuy nhiên, các nhãn thực phẩm không bị đòi hỏi phải liệt kê hàm lượng vitamin D trừ khi loại thực phẩm đó được tăng cường với chất dinh dưỡng này. Các loại thực phẩm cung cấp từ 20% GTDDHN trở lên được xem là các nguồn dồi dào chứa một chất dinh dưỡng nào đó, nhưng các loại thực phẩm chứa tỉ lệ phần trăm GTDDHN thấp hơn cũng cung cấp một chế độ ăn khỏe mạnh. |
Nguồn bổ sung: