TẠI SAO BÁC SĨ KÊ ĐƠN THUỐC NÀY CHO BẠN?
Thuốc ranitidine (ra-nyé-te-deen) được dùng để điều trị các chứng viêm loét (ulcers), bệnh trào ngược thực quản (GERD), đây là chứng bệnh mà axit trào ngược từ dạ dày lên thực quản gây nên chứng ợ nóng (heartburn) và gây tổn thương đường ống dẫn thức ăn (thực quản), cũng như được dùng trong các trường hợp dạ dày sản sinh quá nhiều axit, chẳng hạn như hội chứng Zollinger-Ellison. Thuốc ranitidine bán không theo toa bác sĩ (over-the-counter) được dùng để ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng ợ nóng có liên quan đến tình trạng dư axit trong đường tiêu hóa (acid indigestionhoặc sour stomach). Ranitidine là một loại trong nhóm thuốc gọi là thuốc chặn H2 (H2 blocker). Thuốc này có tác dụng hạ giảm lượng axit được sản sinh trong dạ dày (bao tử).
CÁCH SỬ DỤNG THUỐC
Thuốc ranitidine được sản xuất dưới dạng viên nén, viên sủi bọt, hạt nhỏ sủi bọt, và dạng xiro được uống bằng miệng. Nó thường được sử dụng mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ, hoặc hai đến bốn lần trong một ngày. Thuốc ranitidine bán không theo toa bác sĩ dưới dạng viên được uống bằng miệng. Thuốc này thường được uống một hoặc hai lần mỗi ngày. Để ngăn ngừa các triệu chứng, nên uống thuốc từ 30 đến 60 phút trước khi ăn hoặc uống các loại thực phẩm gây ra chứng ợ nóng. Hãy làm theo sự hướng dẫn trên toa thuốc hoặc nhãn thuốc một cách cẩn thận, và yêu cầu bác sĩ hoặc dược sĩ giải thích bất cứ phần nào mà bạn chưa hiểu. Hãy dùng thuốc ranitidine một cách chính xác theo sự chỉ dẫn. Không nên dùng ít hơn hoặc nhiều hơn so với sự hướng dẫn của bác sĩ.
Hòa tan thuốc ranitidine dạng viên sủi bọt và hạt sủi bọt vào một ly nước đầy (6-8 oz [180-240 ml]) nước trước khi uống.
Không nên dùng thuốc ranitidine bán không theo toa bác sĩ (over-the-counter) quá 2 tuần trừ khi bác sĩ yêu cầu bạn. Nếu như các triệu chứng của chứng ợ nóng, tình trạng dư axit trong đường tiêu hóa kéo dài hơn 2 tuần, thì bạn phải ngưng uống thuốc và điện thoại cho bác sĩ ngay lập tức.
CÁC CÔNG DỤNG KHÁC
Thuốc ranitidine đôi khi cũng được dùng để điều trị tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa trên (upper gastrointestinal bleeding), và để ngăn ngừa màng nhầy đường tiêu hóa bị tổn thương, tổn thương ở dạ dày do sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), và tình trạng axit trong dạ dày bị rút đi trong quá trình gây mê. Bạn nên thảo luận với bác sĩ về những rủi ro khi sử dụng thuốc này đối với tình trạng sức khỏe của bạn.
Thuốc này đôi khi được dùng để điều trị các chứng bệnh khác, bạn nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin.
NHỮNG SỰ PHÒNG NGỪA BẠN NÊN ĐẶC BIỆT CHÚ Ý
Trước khi uống ranitidine:
- Bạn nên cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu như bạn bị dị ứng với thuốc ranitidine, hoặc bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào khác.
- Hãy nói cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc mua theo toa và không theo toa mà bạn đang dùng, đặc biệt là các loại vitamins, các thực phẩm chức năng(nutritional supplement), các loại thảo dược bạn đang dùng. Bạn phải nói cho bác sĩ biết các loại thuốc sau đây nếu đang sử dụng: các loại thuốc kháng đông (anticoagulant) như là warfarin (Coumadin) và triazolam (Halcion). Bác sĩ có thể sẽ cần thay đổi liều lượng và theo dõi bạn để tránh những tác dụng phụ.
- Hãy nói cho bác sĩ biết nếu bạn có hoặc đã từng bị chứng rối loạn chuyển hóa hợp chất porphyrin (porphyria), bị bệnh tích tụ axit amin phenylalanine trong cơ thể (phenylketonuria: một loại bệnh di truyền làm cho cơ thể thiếu chất enzyme cần thiết để chuyển hóa axit amin phenylalanine thành chất tyrosine, nếu không điều trị căn bệnh này sẽ gây tổn thưởng đến não) hoặc bạn bị bệnh thận hay bệnh gan.
- Bạn nên nói cho bác sĩ biết nếu như bạn đang mang thai, có kế hoạch mang thai, hoặc đang cho con bú. Nếu bạn mang thai trong khi đang dùng thuốc ranitidine thì hãy gọi ngay cho bác sĩ.
CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG BẠN NÊN LÀM THEO
Bạn vẫn tiếp tục ăn uống theo chế độ bình thường trừ khi bác sĩ yêu cầu bạn phải thay đổi chế độ ăn uống.
NÊN LÀM GÌ KHI QUÊN UỐNG THUỐC
Bạn nên uống ngay cử thuốc mà bạn đã quên khi nhớ đến. Tuy nhiên, nếu thời gian đó gần với thời gian uống liều tiếp theo, thì bạn có thể bỏ qua và uống liều tiếp theo như lịch chỉ định. Không nên uống một liều gấp đôi để bù vào liều đã quên.
CÁC TÁC DỤNG PHỤ
Thuốc ranitidine có thể gây ra các tác dụng phụ. Bạn nên báo ngay cho bác sĩ khi bạn thấy các triệu chứng sau đây ngày càng trở nặng thêm hoặc không hết:
- Nhức đầu
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau dạ dày
Thuốc ranitidine có thể gây ra các tác dụng phụ khác. Bạn nên gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khi đang sử dụng thuốc này.
CÁCH BẢO QUẢN THUỐC
Cất giữ thuốc trong hộp (lọ, chai) thuốc (được tiệm thuốc tây dùng để chứa thuốc khi bán thuốc cho khách hàng), đậy kín nắp, để xa tầm với của trẻ em. Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, không quá nóng hoặc không quá ẩm ướt (không để trong phòng tắm). Hãy bỏ đi những thuốc đã quá hạn sử dụng, hoặc không cần dùng nữa. Hãy thảo luận với dược sĩ của bạn để biết cách xử lý thuốc quá hạn hợp lý.
TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP HOẶC UỐNG QUÁ LIỀU
Trong trường hợp bạn dùng thuốc quá liều, hãy gọi trung tâm kiểm soát chất độc tại địa phương số 1-800-222-1222 (Hoa Kỳ). Nếu nạn nhân ngã quỵ xuống hoặc ngưng thở, hãy gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp ở địa phương số 911 nếu bạn ở Hoa Kỳ (115 nếu bạn ở Việt Nam).
CÁC THÔNG TIN KHÁC BẠN NÊN BIẾT
Hãy giữ tất cả các cuộc hẹn với bác sĩ.
Trước khi làm bất kỳ xét nghiệm nào để kiểm tra, bạn nên nói với bác sĩ và nhân viên phòng xét nghiệm biết là bạn đang sử dụng thuốc ranitidine.
Đừng để người khác dùng thuốc của bạn. Bạn có thể đặt các câu hỏi cho dược sĩ về việc yêu cầu lấy thêm thuốc (refilling).
Một điều rất quan trọng là bạn nên ghi chép lại danh sách tất cả các loại thuốc mà bạn đang sử dụng theo toa và những loại thuốc không theo toa, cũng như bất kỳ các sản phẩm như vitamin, khoáng chất(mineral: calcium, iron, zinc, magnesium,..), các loại thực phẩm chức năng (glucosamine, whey protein, omega 3 acid, ribose,..). Bạn nên mang theo danh sách này mỗi khi đến khám bác sĩ hay khi bạn nhập viện. Nó cũng là một thông tin rất quan trọng bạn nên mang theo dự phòng khi gặp những trường hợp cấp cứu y tế.
NHÃN HIỆU THUỐC
Zantac® | Zantac® 75 Zantac® EFFERdose® | Zantac® Premixed Zantac® Syrup |
Nguồn(Source):
0 comments:
Post a Comment