TÍNH AN TOÀN
Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (U.S. Food and Drug Administration - FDA) không kiểm soát nghiêm ngặt các loại thảo dược và thực phẩm chức năng. Không có sự đảm bảo tính an toàn, tinh khiết và độ mạnh của các sản phẩm, đồng thời các tác dụng có thể thay đổi. Bạn phải luôn đọc kỹ các nhãn ghi trên sản phẩm. Nếu bạn đang bị một chứng bệnh, hoặc đang dùng các loại thuốc (tây dược), thảo dược, hoặc các loại thực phẩm chức năng nào khác, bạn phải trao đổi với chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề trước khi bắt đầu một liệu pháp mới. Hãy tham khảo ý kiến với chuyên gia chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) có giấy phép hành nghề ngay nếu bạn gặp phải các tác dụng phụ.
Dị Ứng
Nên tránh sử dụng vitamin D, nếu bị dị ứng hoặc tăng mẫn cảm với loại vitamin này, các loại tổng hợp hoặc được bào chế từ vitamin D, hoặc bất cứ dạng vitamin D nào.
Các Tác Dụng Phụ và Cảnh Báo
Vitamin D thường dễ được dung nạp khi sử dụng liều lượng được đề xuất.
Viện Y Khoa Hoa Kỳ (IOM) công bố một báo cáo vào ngày 30 tháng 11 năm 2012, đề xuất mức tiêu thụ vitamin D tối đa là 3000 IU cho các trẻ em dưới 9 tuổi và 4000 IU cho những người trên 9 tuổi. Theo Viện Y Khoa này, mức tiêu thụ vitamin D tối đa được đề xuất là 1000 IU cho trẻ em từ 0 – 6 tháng, 1500 IU cho những trẻ từ 7 – 12 tháng, 2500 IU cho những trẻ từ 1 – 3 tuổi, 3000 IU cho các trẻ từ 4 – 8 tuổi, và 4000 IU cho những người trên 9 tuổi. Một kiểm tra lâm sàn đã đề xuất liều lượng vitamin D3 tối đa mỗi ngày là 250 mcg (10 000 IU), vì không tìm thấy tính độc hại trong các thử nghiệm ở người thành niên.
Tiêu thụ quá nhiều vitamin D có thể làm tăng nguy cơ bị té ngã hoặc gãy (nứt) xương. Các tác dụng phụ tiềm tàng bao gồm nguy cơ gia tăng bị nhiễm trùng đường tiết niệu (urinary tract infections), giảm khẩu vị, xuống cân, tỉ lệ tiêu chuẩn hóa quốc tế (international normalized ratio) tăng cao, tăng canxi trong máu (hypercalcemia), tăng canxi trong nước tiểu(hypercalciuria), tăng vitamin D trong máu (hypervitaminnosis D), tăng hàm lượng creatinine, các rối loạn đường tiêu hóa, và gia tăng nguy cơ bị ung thư.
Ghi chú:
International normalized ratio = [prothrombin time ÷ mean normal prothrombin time] × international sensitivity index
International normalized ratio: tỉ lệ tiêu chuẩn hóa quốc tế
Prothrombin time: thời gian đông máu
Mean normal prothrobin time: thời gian đông máu trung bình
International sensitivity index: chỉ số mẫn cảm quốc tế
Ngộ độc vitamin D có thể do tiêu thụ thường xuyên với số lượng lớn loại vitamin này và có thể gây ra tình trạng tăng canxi trong máu, và bị loãng xương nghiêm trọng. Những cá nhân có nhiều nguy cơ là bao gồm những người bị tăng năng tuyến cận giáp (hyperparathyroidism), bệnh thận, bệnh Boeck, bệnh lao, hoặc bệnh nhiễm nấm histoplasma (histoplasmosis: một dạng rối loạn miễn dịch). Chứng tăng canxi trong máu mãn tính có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí có thể gây tử vong và nên được bác sĩ y khoa chăm sóc điều trị. Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm buồn nôn, nôn mửa, và chán ăn (anorexia), sau đó xuất hiện tình trạng đi tiểu nhiều (polyuria), khát nước thường xuyên (polydipsia), đuối sức, mệt mỏi, cảm giác buồn ngủ (somnolence), đau đầu, khô miệng, cảm giác có mùi vị kim loại trong miệng, chóng mặt (vertigo), ù tai (tinnitus), mất khả năng phối hợp vận động (ataxia). Chức năng thận có thể bị suy yếu, và có thể xảy ra tình trạng canxi tích tụ trong các bộ phận cơ thể (metastatic calcifications), đặc biệt ảnh hưởng đến thận. Phương pháp điều trị bao gồm ngưng tiêu thụ vitamin D hoặc canxi, và giảm hàm lượng canxi với sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ bằng cách theo dõi thường xuyên hàm lượng canxi. Có thể cần đến phương pháp axit hóa nước tiểu (urinary acidification: giảm nồng độ pH trong nước tiểu) và sử dụng các loại thuốc corticosteroid. Để đưa hàm lượng vitamin D về mức bình thường, phải ngưng bổ sung loại vitamin này.
Có một nghiên cứu phát hiện các bệnh nhân được cho sử dụng vitamin D tổng hợp có nhiều khả năng bị buồn ngủ vào ban ngày. Các tác dụng phụ gắn liền với dạng thuốc mỡ vitamin D tổng hợp bao gồm tình trạng tích tụ canxi trong mạch vành và mạch máu. Các dạng thuốc mỡ vitamin D tổng hợp có thể gây viêm da mãn tính do tiếp xúc (contact dermatitis) và ngứa da.
Vitamin D có thể làm hạ đường trong máu. Các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) và hạ đường huyết (hypoglycemia), cũng như những người đang sử dụng các loại thuốc tây, thảo dược, hoặc thực phẩm chức năng ảnh hưởng đến đường huyết nên cẩn thận khi sử dụng vitamin D. Hàm lượng glucose trong máu có thể phải được chuyên gia y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá) giám sát chặt chẽ. Bác sĩ có thể cần phải điều chỉnh các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng.
Vitamin D có thể làm hạ huyết áp. Các bệnh nhân đang sử dụng thảo dược hoặc thực phẩm chức năng có tác dụng hạ huyết áp nên cẩn thận khi sử dụng vitamin D.
Các bệnh nhân bị bệnh gan nên cẩn thận khi sử dụng vitamin D, vì loại vitamin này được chuyển hóa trong gan.
Các bệnh nhân bị tăng năng tuyến cận giáp nên cẩn thận khi sử dụng vitamin D, vì vitamin D có thể làm tăng hàm lượng canxi trong cơ thể.
Các bệnh nhân bị bệnh gan nên cẩn thận khi sử dụng vitamin D, vì vitamin D có thể làm tăng hàm lượng canxi và gia tăng nguy cơ bị xơ cứng động mạch(arteriosclerosis).
Các bệnh nhân bị các rối loạn u hạt (granulomatous disorder: một dạng rối loạn miễn dịch), vì có liên quan đến rối loạn chuyển hóa canxi. Theo lý thuyết, việc sử dụng cùng lúc với số lượng lớn vitamin D ở các bệnh nhân này có thể làm tăng nguy cơ bị tăng canxi trong máu và bị sỏi thận.
Nên sử dụng cẩn thận ở các bà mẹ đang tiếp nhận bổ sung vitamin D và đang cho con bú, vì có nguy cơ gia tăng bị nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt trong 3 tháng đầu.
Tránh sử dụng ở các cá nhân bị dị ứng với vitamin D hoặc có các hội chứng tăng mẫn cảm với vitamin D.
Tránh sử dụng ở các bệnh nhân bị tăng canxi trong máu (hypercalcemia), do nguy cơ gia tăng hàm lượng canxi trong máu.
Mang Thai và Cho Con Bú
Nhiều phụ nữ mang thai trên thế giới được chẩn đoán bị thiếu hụt vitamin D. Số lượng tiêu thụ đầy đủ được đề xuất(recommended adequate intake) cho phụ nữ mang thai cũng tương tự như cho những người thành niên không mang thai. Đa số vitamin được sử dụng trước khi sinh cung cấp 400 IU vitamin D mỗi ngày dưới dạng cholecalciferol. Một số tác giả đề xuất rằng liều lượng cần thiết trong thời gian mang thai có thể cao hơn số lượng này, đặc biệt ở các cá nhân ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, mặc dù điều này chưa được xác nhận rõ ràng. Các yếu tố nguy cơ phát triển chứng thiếu hụt vitamin D trong thời gian mang thai bao gồm người có nước da tối, sử dụng dưỡng thể chống nắng, quần áo, sống ở vùng cao, theo mùa, béo phì, chủng tộc, sắc dân, và ít tiêu thụ sữa được tăng cường vitamin D. Để phòng nguy cơ bị ngộ độc vitamin D, nên thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng vitamin D mỗi ngày với liều lượng cao. Tình trạng thiếu hụt vitamin D có thể làm tăng các biến chứng ở các bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Sữa mẹ thường chứa số lượng thấp vitamin D, do đó để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt và bệnh còi xương (rickets) đặc biệt ở các trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ, có thể các trẻ này cần được bổ sung thêm vitamin D, bắt đầu trong 2 tháng đầu sau khi sinh. Nhiều bà mẹ đang cho con bú được phát hiện bị tình trạng thiếu hụt vitamin D.
Tương Tác với Các Loại Thuốc
Các thực phẩm chức năng vitamin D có nguy cơ tương tác với một số loại thuốc. Dưới đây là một số ví dụ điển hình. Các cá nhân đang sử dụng thường xuyên các loại thuốc này nên trao đổi với bác sĩ về việc tiêu thụ vitamin D.
Các Loại Thuốc Corticosteroid
Các loại thuốc corticosteroid như prednisone, thường được chỉ định điều trị tình trạng viêm, có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi và làm suy yếu quá trình chuyển hóa vitamin D. Các tác hại này có thể góp phần làm mất dần mật độ xương và phát triển thành chứng loãng xương (osteoporosis) khi sử dụng dài hạn.
Các Loại Thuốc Khác
Thuốc giảm cân orlistat (nhãn hiệu Xenical® và alliTM) và thuốc hạ cholesterol cholestyramine (nhãn hiệu Questran®, LoCholest®, và Prevalite®) có thể làm giảm khả năng hấp thụ vitamin D và các loại vitamin hòa tan trong chất béo khác. Cả hai loại thuốc phenobarbital và phenytoin (nhãn hiệu Dilantin®), được dùng để ngăn ngừa và kiểm soát chứng động kinh, có tác dụng làm tăng quá trình chuyển hóa vitamin D ở gan thành các hợp chất không hoạt tính và làm giảm khả năng hấp thụ canxi.
Mức Tiêu Thụ Vitamin D Tối Đa Cho Phép | ||||
Tuổi Tác | Nam Giới | Nữ Giới | Mang Thai | Cho Con Bú |
0–6 tháng | 1000 IU (25 mcg) | 1000 IU (25 mcg) | ||
7–12 tháng | 1500 IU (38 mcg) | 1500 IU (38 mcg) | ||
1–3 tuổi | 2500 IU (63 mcg) | 2500 IU (63 mcg) | ||
4–8 tuổi | 3000 IU (75 mcg) | 3000 IU (75 mcg) | ||
≥9 tuổi | 4000 IU (100 mcg) | 4000 IU (100 mcg) | 4000 IU (100 mcg) | 4000 IU (100 mcg) |
XEM PHẦN TIẾP THEO
0 comments:
Post a Comment