Tuesday, May 22, 2012

SỐT XUẤT HUYẾT (DENGUE HEMORRHAGIC FEVER) - Do LQT Biên Dịch


KIẾN THỨC TỔNG QUÁT

Bệnh sốt xuất huyết là chứng cảm nhiễm nghiêm trọng, có khả năng gây chết người, bị lây truyền bởi một số chủng loại muỗi (Aedes aegypti).

Các dữ liệu quan trọng

-      Sốt dengue là bệnh nhiễm virut do muỗi lây truyền.
-      Tình trạng nhiễm trùng này gây ra chứng bệnh giống cúm, và thỉnh thoảng phát triển thành biến chứng có khả năng gây tử vong được gọi là sốt xuất huyết.
-      Tỉ lệ mắc bệnh sốt dengue toàn cầu đã gia tăng đáng kể trong các thập niên gần đây.
-      Khoảng một nửa dân số thế giới hiện nay có nguy cơ mắc bệnh này.
-      Sốt dengue được phát hiện ở các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới trên khắp thế giới, đa số ở các khu vực thành phố và thị trấn.
-      Bệnh sốt xuất huyết là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng và tử vong ở trẻ em ở một số nước Châu Á và Mỹ La Tinh.
-      Không có phương pháp điều trị cụ thể nào cho bệnh sốt dengue/sốt xuất huyết, nhưng nếu phát hiện bệnh sớm và được chăm sóc hợp lý sẽ giảm được tỉ lệ tử vong xuống dưới 1%.
-      Khả năng ngăn ngừa và kiểm soát bệnh sốt xuất huyết chủ yếu dựa vào các biện pháp kiểm soát hữu hiệu muỗi gây bệnh.

Sốt dengue là một bệnh nhiễm trùng do muỗi gây ra được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới.  Trong những năm gần đây, tình trạng lây nhiễm đã gia tăng chủ yếu ở các khu vực thành phố và thị trấn, và đã trở nên một mối quan tâm chính về sức khỏe công cộng mang tính quốc tế.

Sốt dengue nghiêm trọng (trước đây được gọi là Sốt Xuất HuyếtDengue Haemorrhagic Fever) được tìm ra đầu tiên vào những năm 1950 trong trong thời kỳ dịch sốt xuất huyết bùng phát ở Philippines và Thái Lan.  Ngày nay, bệnh sốt xuất huyết ảnh hưởng đến đa số các nước Châu Á và Châu Mỹ La Tinh, và đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra các trường hợp nhập viện và tử vong ở trẻ em sống tại các vùng này.

Có bốn nhóm virut đặc trưng gây ra bệnh sốt dengue (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4).  Một người đã từng bị sốt dengue do một loại virut gây ra sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời chống lại loại virut đó.  Tuy nhiên, khả năng miễn dịch chéo (cross-immunity) đối với các loại virut khác sau khi hồi phục chỉ mang tính tạm thời và bán phần.  Những lần nhiễm trùng tiếp theo do các loại virut khác gây ra sẽ làm tăng nguy cơ phát triển thành bệnh sốt xuất huyết.

Gánh nặng sốt dengue toàn cầu

Tỉ lệ mắc bệnh sốt dengue trên thế giới gia tăng một cách đột ngột trong các thập niên gần đây.  Trên 2,5 tỉ người – trên 40% dân số thế giới – đang có nguy cơ bị sốt dengue.  Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization – WHO) mới đây ước lượng có khoảng 50 – 100 triệu ca nhiễm bệnh sốt dengue trên toàn thế giới mỗi năm.

Trước năm 1970, chỉ có 9 nước gặp phải dịch sốt xuất huyết.  Chứng bệnh này hiện nay đã trở thành dịch bệnh mang tính địa phương đối với trên 100 nước ở Châu Phi, Châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.  Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Các trường hợp bệnh xảy ra ở Châu Mỹ, Đông Nam Á, và Tây Thái Bình Dương đã vượt quá 1,2 triệu ca bệnh vào năm 2008 và trên 2,2 triệu ca vào năm 2010 (dựa vào các dữ liệu chính thức được cung cấp bởi Các Nước Thành Viên).  Mới đây, con số các trường hợp bệnh được báo cáo tiếp tục gia tăng.  Vào năm 2010, chỉ tính riêng Châu Mỹ đã có 1,6 triệu ca mắc bệnh sốt dengue, trong số đó có 49 000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết.

Không chỉ con số các ca mắc bệnh gia tăng khi chứng bệnh này lan truyền qua các khu vực mới, mà các trận dịch còn đang bùng phát.  Nguy cơ bùng phát bệnh sốt dengue hiện nay ở Châu Âu và sự lây truyền mang tính địa phương của chứng bệnh này được báo cáo lần đầu tiên ở Pháp và Croatia vào năm 2012, và các trường hợp bệnh xâm nhập được phát hiện ở ba nước nước Châu Âu khác.

Ước tính có khoảng 500 000 người mắc bệnh sốt xuất huyết đòi hỏi nhập viện mỗi năm, đa số là trẻ em.  Khoảng 2,5% bệnh nhân trong số này bị tử vong.


Có nhiều chủng loại muỗi khác nhau, mà có thể mang một số loại bệnh nhiễm trùng quan trọng và phổ biến nhất trên thế giới, bao gồm bệnh West Nile, sốt rét, sốt vàng da, viêm não do virut, và sốt xuất huyết.









CÁC TÊN GỌI KHÁC

Xuất huyết nhiệt đới cấp tính, Hội chứng sốc sốt xuất huyết, Sốt xuất huyết Philippine, Sốt xuất huyết Thái, Sốt xuất huyết Singapore.


Hình ảnh minh họa này cho thấy một con muỗi nhà ở phía Nam. Loại muỗi này hút máu và mang nhiều dịch bệnh như là viêm não, West Nile, sốt xuất huyết, sốt vàng da, và các loại bệnh khác.










CÁC NGUYÊN NHÂN

Có bốn loại virut sốt nhiệt đới cấp tính khác nhau được xem là nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra khi một người mắc phải một loại virut sốt nhiệt đới cấp tính sau khi bị nhiễm bởi một người khác trước đó. Khả năng miễn dịch trước đây đối với một loại virut sốt xuất huyết đóng một vai trò quan trọng trong trường hợp bệnh nghiêm trọng này.


Các loài muỗi thuộc loài muỗi vằn đẻ trứng dưới dạng các mảng trứng trôi nổi ở vũng nước ứ đọng hoặc không chảy. Muỗi đẻ nhiều trứng cùng một lúc kết dính với nhau thành dạng mảng. Một mảng trứng có thể chứa từ 100 đến 400 trứng. Trứng muỗi trải qua giai đoạn ấu trùng và nhộng, sau đó ăn các vi sinh vật trước khi phát triển thành các loài muỗi bay.



Muỗi aedes aegypti là sinh vật chính gây bệnh sốt dengue.  Virut được truyền cho người sau khi bị những con muỗi cái bị nhiễm chích vào.  Sau khi ấp trứng trong vòng 4 – 10 ngày, muỗi bị nhiễm virut có khả năng lây truyền virut suốt chu kỳ sống của nó.

Những người bị nhiễm là những người mang theo mầm bệnh và làm gia tăng mầm bệnh của virut, được xem là ổ virut truyền cho những con muỗi chưa bị nhiễm.  Các bệnh nhân đã bị nhiễm virut sốt dengue có thể lây truyền bệnh nhiễm trùng này (trong 4 – 5 ngày, tối đa 12 ngày) qua các con muỗi Aedes sau khi xuất hiện các triệu trứng đầu tiên.

Muỗi Aedes aegypti sinh sống ở các khu đô thị và sinh sản phần lớn ở các vật đựng nhân tạo.  Không giống các loài muỗi khác, muỗi Aedes aegypti là sinh vật đi hút máu vào ban ngày, thời gian hoạt động cao điểm là vào sáng sớm và trước khi trời tối.  Muỗi Aedes aegypti cái chích nhiều người trong mỗi lần đi hút máu.

Muỗi aedes albopictus, một loài sinh vật đứng thứ hai gây bệnh sốt dengue ở Châu Á, đã lan truyền đến Bắc Mỹ và Châu Âu phần lớn qua đường buôn bán quốc tế về vỏ xe (một môi trường sinh sản cho muỗi) và các hàng hóa khác (ví dụ: cây phát tàilucky bamboo).  Muỗi Aedes albopictus có khả năng thích nghi rất cao và do đó có thể tồn tại ở các vùng khí hậu mát mẻ ở Châu Âu.  Khả năng lan truyền bệnh của loại muỗi này là do khả năng chịu đựng được ở nhiệt độ dưới nhiệt độ đóng băng, nghỉ ngơi vào mùa đông, và khả năng trú ẩn ở những nơi cư trú rất nhỏ (bụi cỏ, kẽ đá,…)

Trên phạm vi toàn thế giới, có trên 100 triệu trường hợp mắc bệnh sốt dengue xảy ra mỗi năm.  Một số nhỏ các trường hợp này phát triển thành bệnh sốt xuất huyết (dengue hemorrhagic fever hoặc severe dengue).  Đa số các trường hợp bệnh ở Hoa Kỳ là do lây nhiễm từ các nước khác.  Một người đi du lịch trở về lại Hoa Kỳ có thể sẽ lây nhiễm cho những người không đi du lịch.

Các yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết bao gồm: có kháng thể của virut sốt nhiệt đới cấp tính từ lần nhiễm bệnh trước và dưới 12 tuổi, phụ nữ, hoặc người da trắng.

CÁC TRIỆU CHỨNG

Các triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết cũng tương tự như bệnh sốt nhiệt đới cấp tính, nhưng sau vài ngày bệnh nhân trở nên khó chịu, thao thức, và đổ mồ hôi. Các triệu chứng này được theo sau bởi một trạng thái giống như sốc.

Xuất huyết có thể xuất hiện dưới dạng các đốm máu nhỏ trên da (đốm xuất huyết) và các mảng máu lớn trên da (vết bầm máu). Tổn thương nhẹ có thể gây ra chảy máu.


Hình ảnh này cho thấy ấu trùng muỗi, là giai đoạn đầu của chu kỳ sống của muỗi.












Sốc có thể gây tử vong. Nếu bệnh nhân qua khỏi được, thì sẽ bắt đầu hồi phục trở lại sau một ngày bệnh thập tử nhất sanh .

Sốt dengue là một chứng bệnh giống cúm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người thành niên, nhưng thỉnh thoảng có thể gây tử vong.

Sốt dengue nên bị nghi ngờ khi tình trạng sốt cao (104oF/40oC) đi kèm với hai trong số các triệu chứng sau: nhức đầu nghiêm trọng, đau phía trong mắt, đau nhức cơ và khớp, buồn nôn, nôn mửa, các tuyến bị sưng hoặc phát ban.  Các triệu chứng thường kéo dài trong vòng từ 2 – 7 ngày, sau một khoảng thời gian ấp trứng từ 4 – 10 ngày sau khi bị muỗi nhiễm virut chích.

Bệnh sốt xuất huyết là một biến chứng có thể gây tử vong do rò rỉ huyết tương, tích tụ dịch, rối loạn hô hấp, xuất huyết nghiêm trọng, hoặc suy yếu chức năng của cơ quan.  Các dấu hiệu cảnh báo xảy ra trong vòng từ 3 – 7 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên kết hợp với tình trạng hạ thân nhiệt (dưới 100oF/ 38oC) và bao gồm: đau bụng nghiêm trọng, nôn mửa liên tục, thở nhanh, chảy máu nứu răng, mệt mỏi, khó chịu, nôn mửa ra máu.  Giai đoạn nguy kịch trong vòng từ 24 – 48 giờ kế tiếp có thể gây chết người; do đó sự chăm sóc y tế thích hợp là rất cần thiết để phòng tránh các biến chứng và nguy cơ tử vong.

Các triệu chứng ban đầu bao gồm:

-      Giảm khẩu vị
-      Sốt
-      Đau đầu
-      Đau khớp
-      Suy nhược
-      Đau nhức cơ
-      Ói mửa

Các triệu chứng của giai đoạn cấp tính bao gồm:

-      Sự bồn chồn theo sau bởi:
• Vết bầm máu
• Phát ban toàn thân
• Đốm xuất huyết
• Các triệu chứng ban đầu trở xấu
-      Tình trạng giống như sốc
• Cảm lạnh, tay chân lạnh và ẩm ướt
• Đổ mồ hôi (toát mồ hôi)

CÁC KIỂM TRA VÀ XÉT NGHIỆM

Một cuộc kiểm tra sức khỏe có thể cho thấy:

-      Sưng gan (sự phình to gan)
-      Huyết áp thấp
-      Phát ban
-      Đỏ mắt
-      Cổ họng đỏ
-      Sưng tuyến
-      Nhịp tim đập nhanh, yếu

Các xét nghiệm có thể bao gồm:

-      Kiểm tra nồng độ khí trong máu ở động mạch (đo độ pH, nồng độ O2 và CO2 trong máu ở động mạch)
-      Xét nghiệm đông máu
-      Xét nghiệm chất điện phân
-      Xét nghiệm tỉ lệ phần trăm hồng cầu trong máu
-      Các enzyme gan
-      Số lượng tiểu cầu
-      Các xét nghiệm về huyết thanh (làm hiển thị các kháng thể kháng virut sốt cấp tính)
-      Xét nghiệm huyết thanh từ mẫu thử được lấy trong thời kỳ bệnh cấp tính và giai đoạn hồi phục (tăng độ chuẩn kháng nguyên sốt cấp tính)
-      Kiểm tra ga-rô (làm cho các đốm xuất huyết xuất hiện bên dưới băng ga-rô)
-      Chụp X-quang ở ngực (có thể cho thấy tình trạng tràn dịch màn phổi)

ĐIỀU TRỊ

Vì sốt xuất huyết do một loại virut gây ra mà được biết là không có phương pháp nào hoặc loại vắc xin nào có thể chữa khỏi, do đó cách điều trị duy nhất là chữa trị các triệu chứng.

-      Truyền máu hoặc đo số lượng tiểu huyết cầu có thể chữa trị vấn đề chảy máu.
-      Nước biển (IV) và chất điện phân cũng được sử dụng để điều trị tình trạng mất cân bằng chất điện phân
-      Liệu pháp thở bằng máy truyền oxy có thể cần thiết để điều chỉnh lượng oxy trong máu xuống thấp bất thường.
-      Bổ sung dung dịch bằng nước biển (IV) thường cần thiết để điều trị tình trạng mất nước trong cơ thể
-      Chăm sóc hỗ trợ trong phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện.

DỰ ĐOÁN

Với sự chăm sóc tích cực và kịp thời, hầu hết các bệnh nhân có thể hồi phục sau khi nhiễm bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, một nửa số bệnh nhân không được điều trị sẽ đi vào cơn sốc và không qua khỏi được.


Đây là những con nhộng muỗi.  Đây là một giai đoạn khác trong sự phát triển của muỗi.













CÁC BIẾN CHỨNG CÓ THỂ XẢY RA

-      Bệnh về não
-      Tổn thương gan
-      Tổn thương não
-      Động kinh
-      Sốc

KHI NÀO CẦN LIÊN HỆ VỚI BÁC SĨ

Hãy điện thoại cho bác sĩ ngay nếu bạn có các triệu chứng của sốt xuất huyết và đang ở trong một khu vực mà được biết bệnh sốt xuất huyết đang xảy ra, đặc biệt là nếu bạn đã từng bị sốt nhiệt đới cấp tính trước đây.


NGĂN NGỪA

Chưa có loại vắc xin nào có thể ngăn ngừa chứng bệnh sốt nhiệt đới cấp tính. Hãy sử dụng các vật dụng bảo vệ cá nhân như quần áo che được hết cơ thể, lưới, thuốc đuổi muỗi chứa DEET, và nếu có thể nên đi du lịch trong giai đoạn muỗi hoạt động tối thiểu. Các chương trình tiêu diệt muỗi (của địa phương) cũng có thể giúp làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh.


Một kháng thể là một loại protein được sản sinh bởi hệ thống miễn dịch để thích ứng với kháng nguyên hiện diện.

Các kháng nguyên là các phân tử lớn (thường là protein) trên bề mặt của tế bào, của virut, nấm, vi khuẩn, và một số chất không có sự sống như các chất độc, các hóa chất, các loại thuốc, và các phần tử lạ đưa từ ngoài vào. Hệ thống miễn dịch nhận ra các kháng nguyên và sản sinh các kháng thể để tiêu diệt các chất chứa trong các kháng nguyên. 

Hiện tại, phương pháp duy nhất để kiểm tra hoặc phòng tránh sự lây truyền virut bệnh sốt dengue là chiến đấu với các loại muỗi gây bệnh, bằng cách:

-      ngăn ngừa muỗi tìm được môi trường đẻ trứng bằng cách quản lý môi trường và thay đổi môi trường;
-      xử lý chất thải cứng hợp lý và loại bỏ các môi trường sống nhân tạo của muỗi;
-      đậy kín, làm cạn và rửa sạch các nguồn dự trữ nước trong gia đình mỗi tuần;
-      sử dụng các loại thuốc trừ muỗi thích hợp cho các nguồn dự trữ nước ngoài trời;
-      sử dụng các vật dụng cá nhân có tính bảo vệ, chẳng hạn như lưới cửa sổ, áo dài tay hoặc quần dài, các chất được xử lý bằng thuốc trừ muỗi, máy đuổi muỗi và các dụng cụ phun hơi;
-      tăng cường sự tham gia của cộng đồng và huy động diệt trừ muỗi thường xuyên
-      xịt muỗi trong thời gian dịch bệnh bùng phát như một biện pháp khẩn cấp kiểm soát sinh vật gây bệnh.
-      tích cực quan sát và theo dõi các sinh vật gây bệnh để xác định các phương pháp can thiệp kiểm soát hữu hiệu.


References (CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO)

Halstead SB. Dengue fever/dengue hemorrhagic fever. In: Cohen J, Powderly WG, Berkley SF, Calandra T, Clumeck N, Finch RG, eds. Principles and Practice of Infectious Diseases. 6th ed. Philadelphia, Pa; Churchill Livingstone Elsevier; 2005: chap 184.
Tsai TF, Vaughn DW, Solomon T. Flaviviruses (yellow fever, dengue, dengue hemorrhagic fever, Japanese encephalitis, West Nile encephalitis, St. Louis encephalitis, tick-borne encephalitis). In: Mandell GL, Bennett JE, Dolin R, eds. Principles and Practice of Infectious Diseases. 6th ed. Philadelphia, Pa: Churchill Livingstone Elsevier; 2005: chap 149.



Nguồn (Sources):



0 comments:

Post a Comment