Nhà thơ người Pháp Paul Valéry đã từng nói rằng: “Mục đích của tâm lý học là cho chúng ta một khái niệm hoàn toàn khác về những thứ mà chúng ta biết rõ nhất”. Trên tinh thần đó, hãy nghĩ đến một tình huống mà nhiều người trong chúng ta cho rằng chúng ta đã biết rất rõ, chẳng hạn như bạn đang ngồi ở bàn làm việc ở nhà. Tìm kiếm cái gì đó bên dưới chồng giấy tờ, bạn tìm thấy một tách cà phê mà bạn đã bỏ quên ở đó quá lâu đến nỗi bạn có thể đem tách cà phê này đi làm xét nghiệm cổ vật. Bạn tự nói với bản thân là phải nên rửa sạch tách cà phê này. Do đó bạn cầm tách cà phê lên, bước ra khỏi phòng làm việc, và hướng về phía nhà bếp. Tuy nhiên, khi bạn đi vào nhà bếp thì bạn lại quên lý do tại sao bạn lại vào đây, và thế là bạn phải quay trở về phòng làm việc, có cảm giác hơi bối rối – cho đến khi cúi xuống thì bạn nhìn thấy tách cà phê.
Do đó, có những thứ mà bạn biết rõ nhất, đó là, kinh nghiệm thông thường nhưng gây khó chịu khi bạn đến một nơi nào đó và nhận ra rằng bạn đã quên lý do tại sao bạn lại đến đó. Tất cả chúng ta đều biết rõ lý do tại sao tình trạng này lại xảy ra, vì chúng ta không đủ tập trung, hoặc để thời gian trôi qua quá lâu, hoặc điều đó không đủ quan trọng. Nhưng có một khái niệm “hoàn toàn khác” xuất phát từ một nhóm các nhà nghiên cứu tại trường Đại Học Notre Dame (University of Notre Dame). Phần đầu của tựa bài viết đúc kết lại ý nghĩa của nghiên cứu này: “Bước ra khỏi cửa sẽ tạo ra tình trạng lãng quên”.
Gabriel Radvansky, Sabine Krawietz and Andrea Tamplin sắp xếp những người tham gia nghiên cứu ngồi trước một màn hình vi tính, trên đó đang chạy một trò chơi video game mà họ có thể dùng các phím mũi tên để di chuyển khắp nơi. Trong trò chơi này, họ sẽ bước lên một cái bàn có một khối hình học có màu đang được đặt trên đó. Nhiệm vụ của họ là nhặt vật này lên và đặt nó lên một cái bàn khác, và ở đây họ sẽ đặt khối này xuống rồi nhặt lên một khối khác. Họ sẽ không nhìn thấy các khối hình học mà họ đang vận chuyển, giống như là họ đang đeo sau lưng một cái ba lô và họ không thấy được cái ba lô đó.
Thỉnh thoảng, để lấy được vật kế tiếp, người tham gia chỉ cần đi băng ngang căn phòng. Những lúc khác, họ phải di chuyển một khoảng cách tương tự, nhưng qua một ô cửa để vào một căn phòng khác. Thỉnh thoảng, các nhà nghiên cứu cho những người tham gia làm bài kiểm tra nhanh (pop quiz), đặt câu hỏi vật nào đang ở trong ba lô của họ. Cuộc kiểm tra nhanh được tính giờ với mục đích là ngay sau khi họ đi qua ô cửa thì họ sẽ được kiểm tra. Giống như tựa bài viết, bước ra khỏi cửa sẽ tạo ra tình trạng lãng quên: Phản xạ của họ tỏ ra chậm hơn và kém chính xác hơn khi họ đi qua ô cửa vào một phòng khác so với khi họ di chuyển cùng khoảng cách đó nhưng không đi ra khỏi phòng.
“Hiệu ứng ô cửa” (doorway effect) này xem ra có vẻ khá tổng quát. Ví dụ, điều không quan trọng là môi trường thực sự được thể hiện trên màn ảnh TV 66 inch hay trên màn ảnh vi tính 17 inch. Trong một nghiên cứu, Radvansky và các đồng nghiệp của ông kiểm tra hiệu ứng ô cửa trong các căn phòng ở phòng thí nghiệm của họ. Những người tham gia đi băng ngang trong một hiện trường thật, mang theo các vật và đặt chúng trên những cái bàn thật. Các vật này được di chuyển trong các hộp kín để tránh tình trạng những người tham gia nhìn trộm trong thời gian làm bài kiểm tra, nhưng mặt khác tiến trình này ít nhiều cũng tương tự như trong hiện thực. Không còn nghi ngờ gì nữa, hiệu ứng ô cửa tự nó cho thấy: Trí nhớ trở nên kém hơn sau khi đi qua ô cửa so với trường hợp sau khi di chuyển cùng một khoảng cách như vậy nhưng trong cùng một căn phòng.
Đi ra khỏi cửa có tạo ra tình trạng lãng quên không, hay là nhớ lại dễ dàng hơn trong cùng căn phòng mà bạn đã thu thập thông tin? Các nhà tâm lý học từ lâu đã biết rằng bộ nhớ làm việc có hiệu suất cao nhất khi bối cảnh làm bài kiểm tra phù hợp với bối cảnh học tập; đây là một ví dụ về cái gọi là nguyên lý mã hóa tính chuyên biệt (encoding specificity principle). Nhưng thí nghiệm thứ 3 trong nghiên cứu của trường Notre Dame cho thấy rằng không phải do bối cảnh không phù hợp đã tạo ra hiệu ứng ô cửa. Trong thí nghiệm này (được thực hiện trong bối cảnh thật), những người tham gia thỉnh thoảng nhặt lên một vật, đi qua một cánh cửa, và sau đó đi qua một cánh cửa thứ hai mà nó sẽ dẫn đến một căn phòng khác hoặc trở lại căn phòng đầu tiên. Nếu cho rằng phù hợp với bối cảnh chính là nguyên nhân, thì khi đi trở về căn phòng cũ sẽ giúp tăng cường trí nhớ. Nhưng điều này đã không xảy ra.
Hiệu ứng ô cửa cho thấy rằng có nhiều thứ để nhớ hơn là chỉ tập trung vào một điều gì đó, khi nào nó xảy ra, và sự nỗ lực của bạn. Thay vào đó, một số dạng bộ nhớ được hoàn thiện để chuẩn bị sẵn sàng các thông tin cho đến khi hết hạn sử dụng, và rồi các thông tin đó được dọn dẹp để nhường chỗ cho các thông tin mới. Radvansky và các đồng nghiệp gọi dạng bộ nhớ này là “mẫu sự kiện – event model”, và đề xuất rằng việc đi qua một ô cửa là thời điểm thích hợp để dọn dẹp các mẫu sự kiện bởi vì bất cứ điều gì xảy ra ở căn phòng trước sẽ ít có khả năng liên quan đến hiện tại mà bạn đã thay đổi địa điểm. Điều xảy ra trong cái hộp à? Ồ, cái đó tôi đã làm trước khi tôi đến đây; chúng ta có thể quên đi tất cả về điều đó. Các thay đổi khác cũng có thể tạo ra sự dọn dẹp này, chẳng hạn như, một người bạn gõ cửa, bạn hoàn tất nhiệm vụ bạn đang làm, hoặc máy vi tính xách tay của bạn hết pin và bạn phải cắm vào ổ điện để nạp điện.
Tại sao chúng ta lại có hệ thống bộ nhớ được sắp xếp để quên đi mọi thứ ngay sau khi chúng ta hoàn tất một việc gì đó và chuyển sang một nhiệm vụ mới? Bởi vì chúng ta không thể cùng lúc nhớ được tất cả mọi thứ (chuẩn bị mọi thông tin sẵn sàng), do đó hệ thống bộ nhớ của chúng ta lúc nào cũng làm việc với hiệu suất cao. Chính sự trục trặc của hệ thống bộ nhớ (và các dữ liệu ở phòng thí nghiệm) đã đưa ra cho chúng ta một khái niệm hoàn toàn mới về cách thức hoạt động của hệ thống bộ nhớ.
Nguồn (Source):