Tác giả: Tiến sĩ Melanie A. Greenberg
Chắc tất cả chúng ta đều quen thuộc với câu nói như “Hãy từ từ nếu bạn không muốn bị nhồi máu cơ tim”, hoặc “Anh ấy chết vì tim bị tan vỡ”. Những câu nói ẩn dụ này xem ra có phần đúng. Các nhà khoa học hiện nay đang phát hiện rằng bị căng thẳng tinh thần thường xuyên có thể thực sự làm tổn thương đến tim của bạn, trong khi đó sự quan tâm và bài tập thở tỉnh giác (mindful breathing) có thể giúp chữa lành trái tim. Stephen Porges, một nhà tâm sinh lý học và là một giáo sư của trường Đại Học IlIonois ở Chicago đã đưa ra Học Thuyết Đa Thần Kinh Phế Vị (Polyvagal Theory) liên kết các cảm nhận vô thức (unconscious perception) về mối đe dọa và sự an toàn với nhịp tim và khả năng điều khiển trạng thái tỉnh thức của cơ thể. Học thuyết này cho rằng thần kinh phế vị (vagus nerve) trao đổi thông tin giữa bộ não và tim và gây ảnh hưởng đến các phản ứng của con người đối với các mối nguy hiểm cũng như mối quan hệ và liên kết xã hội. Học thuyết này có thể giải thích tại sao các cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, thất vọng, hoặc thái độ thù địch có thể gây căng thẳng cho tim, trong khi đó, các cảm xúc tích cực, việc hít thở sâu và chậm, tập thể thao, và sự hỗ trợ của xã hội có thể làm dịu trái tim.
Sự Phân Loại Các Phản Xạ Đối Với Mối Nguy Hiểm
Theo giáo sư Porges, các hệ thống phản xạ của cơ thể chúng ta đối với sự nguy hiểm tồn tại theo sự phân cấp có tầng và có chức năng bảo vệ sự sống còn. Tầng dưới cùng là hệ thống phản xạ đầu tiên, tương tự như ở các động vật bò sát, làm cho chúng ta chết đứng và không cử động được khi chúng ta cảm nhận được sự nguy hiểm và vì thế không có khả năng bỏ chạy. Tương tự đối với chuột khi giẫy chết trong miệng mèo, phản ứng chết lặng đi, kèm theo nhịp tim giảm nhanh và hơi thở bị gián đoạn, có thể làm cho chúng ta mất đi cảm giác bị đau đớn khi bị ăn thịt bởi dã thú hoặc các mối nguy hiểm khác mà không thể chạy trốn được.
Tầng giữa là hệ thống thần kinh phế vị phức tạp hơn, duy nhất đối với các động vật có vú. Nếu bộ não của chúng ta cảm nhận được một mối đe dọa có thể trốn thoát được, thì thần kinh phế vị sẽ làm cho hệ thống đầu tiên này ngưng hoạt động, và thay vào đó, kích hoạt phản xạ “đánh hay chạy” của hệ thống thần kinh tự điều khiển. Hệ thống thần kinh giao cảm làm cho hơi thở của chúng ta trở nên ngắn hơn, và nhịp tim đập nhanh hơn, vì thế máu được bơm nhiều hơn đến các cánh tay và chân để chúng ta có thể đối phó trực tiếp với sự nguy hiểm. Điều này có liên quan đến nhịp tim đập không bình thường.
Ở tầng cao nhất của hệ thần kinh, khi bộ não của chúng ta phát hiện rằng hoàn cảnh xung quanh được an toàn, thần kinh phế vị sẽ làm ngưng lại phản ứng “đánh hay chạy” và thay vào đó, kích hoạt một hệ thống mới được phát triển, duy nhất đối với loài người. Trong hệ thống này, phần chất xám của thùy trước trán có thể trao đổi thông tin với các trung tâm não dưới để gửi đi một thông điệp rằng chúng ta được an toàn và không cần phải đề phòng sự nguy hiểm. Điều này sau đó sẽ tạo nên hệ thống quan hệ xã hội mà nó cho phép chúng ta. theo ý nghĩa sinh lý, sẵn sàng chấp nhận tiếp xúc và trao đổi thông tin với các cá nhân khác. Hệ thống này bao gồm các cơ trên mặt và tai trong. Nhờ thông qua mối quan hệ xã hội mà các trẻ sơ sinh học biết cách lắng nghe và được mẹ dỗ dành bằng giọng nói và gương mặt.
Hệ thống này thiết thực cho sự sống còn của con người qua đó nó giúp bảo tồn năng lượng, cho phép chúng ta tránh được nguy hiểm, và tạo điều kiện cho các mối liên kết xã hội có tính hỗ trợ để phát triển cái mà có thể làm dịu chúng ta theo ý nghĩa sinh lý học. Nó cũng vận hành rất nhanh và bên dưới ý thức của chúng ta. Ví dụ, chúng ta có thể gặp phải tình trạng nhịp tim đập nhanh hơn nếu chúng ta nghe tiếng bước chân từ phía sau, ngay cả trước khi chúng ta nhận biết được đó là gì. Nếu chúng ta quay mặt lại và thấy một gương mặt quen thuộc, thì bộ não của chúng ta sẽ báo hiệu an toàn và hệ thần kinh phó giao cảm (parasympathetic nervous system) sẽ ngăn cản phản xạ giao cảm để làm cho tim trở lại bình thường. Chúng ta có thể lắng nghe nhiều hơn vào cuộc đối thoại, thay vì lắng nghe tiếng bước chân.
Hệ Thống Tiềm Thức Phát Hiện Nguy Hiểm và An Toàn Bị Sai Sót và Các Rối Loạn về Tâm Thần
Học thuyết này có thể cũng giải thích được đặc tính của nhiều rối loạn tâm thần là do hệ thống nhận thức sự nguy hiểm hoạt động không bình thường trong một số trường hợp. Ví dụ, một đứa trẻ bị trói hoặc bị đè xuống khi bị lạm dụng tình dục thì sau này lớn lên có thể phản ứng lại các dấu hiệu nguy hiểm bằng cách rơi vào tình trạng “tê liệt” tạm thời. Tình trạng này có thể bao gồm cảm giác bị chết đứng và mất phương hướng, trong khi không thể tập trung, lắng nghe, hoặc được an ủi bởi giọng nói của con người. Điều này có thể giải thích được sự phân định cảm xúc (dissociation) và tình trạng tê liệt cảm xúc, và đó là các đặc tính của chứng rối loạn căng thẳng tinh thần sau chấn thương (posttraumatic stress disorder).
Nhiều người bị trầm cảm và bị các chứng lo âu có thể thường xuyên cảm nhận mối đe dọa và sự nguy hiểm mà trên thực tế không tồn tại, hoặc có thể phản ứng quá mạnh mẽ về mặt sinh lý học đối với các mối đe dọa không đáng kể, chẳng hạn như trong trường hợp bị kẹt xe.
Thường xuyên sử dụng hệ thống “đánh hay chạy” có thể dẫn đến tình trạng tim bị kích thích thường xuyên và do đó không thể giữ được bình tĩnh. Hệ thống sinh lý trở nên không linh hoạt, phản ứng lại mọi thứ vì cho rằng đang bị nguy hiểm, và điều này có thể gây tổn thương đến tim. Theo phương diện sinh lý học, tình trạng này thể hiện rõ trong mô hình cố định các sóng điện và nhịp tim và vì thế chúng ta nói rằng cá nhân đó có “mức độ thay đổi của nhịp tim” thấp hơn. Nói cách khác, số lần tim đập trong các thời điểm khác nhau thì luôn luôn cao và đều đặn, thay vì phản ứng một cách linh hoạt đối với môi trường bên ngoài. Có nghiên cứu cho thấy rằng chứng trầm cảm là một yếu tố gây nguy cơ tử vong cao và độc lập trong hai năm đầu sau khi bị một cơn nhồi máu cơ tim. Những người bị trầm cảm có mức độ thay đổi của nhịp tim thấp hơn, điều này có thể giải thích cho mối liên hệ này. Một cách thú vị là, những người bị trầm cảm cũng có giọng nói đều đặn và có gương mặt ít diễn đạt, điều này cho thấy họ có thể thiếu mất khả năng kích hoạt hệ thống quan hệ xã hội.
Làm Thế Nào Để Chúng Ta Có Thể Chữa Lành Trái Tim?
Làm thế nào để chúng ta có thể giảm bớt mức độ thay đổi của nhịp tim để bảo vệ tim và hạ thấp nguy cơ tử vong do bệnh tim gây ra? Vấn đề nghiên cứu đang được tiến hành, nhưng các phát hiện ban đầu cho thấy rằng các phương pháp sau đây có thể có tác dụng:
Môn thể thao lợi khí, như đi bộ hoặc đi nhanh, sẽ làm gia tăng số lượng oxi trong máu và cải thiện được sự tuần hoàn máu cũng như mức độ linh hoạt của tim, điều này dẫn đến khả năng giảm bớt nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ (tai biến mạch máu não)
Phương pháp phản hồi sinh học (biofeedback) được các chuyên gia tâm lý và các nhân viên y tế thực hành. Phản hồi sinh học về mức độ thay đổi của nhịp tim bao gồm việc kết nối bệnh nhân với một dụng cụ đo 3 sóng điện hoặc nhịp tim có các tần số khác nhau. Cá nhân này có thể nhìn thấy các phản ứng của sóng điện tim khi họ đang suy nghĩ về các sự kiện khác nhau và học cách thở sâu nhịp nhàng để làm cho sóng điện tim trở nên nhịp nhàng và làm cho chúng thay đổi nhiều hơn. Yoga và phương pháp Thiền Tỉnh Giác (Mindfulness Meditation) cũng có thể thay đổi mô hình thở, và hướng dẫn phương pháp giữ được bình tĩnh trên gương mặt khi bị các bất ổn về thể chất và cảm xúc.
Nếu chúng ta có thể kích hoạt hệ thống giao tiếp xã hội, thì hệ thần kinh tự động (autonomic nervous system) sẽ ngưng hoạt động và nhịp tim sẽ trở nên nhịp nhàng và biến thiên nhiều hơn. Có nghiên cứu đã cho thấy rằng sự khuyến khích và các phản hồi có tính hỗ trợ, hoặc có được những điều tương tự, hoặc thậm chí có sự hiện diện của thú nuôi trong lúc đang thực hiện nghiên cứu căng thẳng trong phòng thí nghiệm cũng có thể làm giảm bớt được sự gia tăng hoạt động của hệ thần kinh tự động.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng các cảm xúc tiêu cực, như giận dữ hoặc thái độ thù địch, có liên quan đến nhịp tim không đều đặn và ít thay đổi, trong khi các trạng thái cảm xúc tích cực tạo nên các sóng điện tim nhịp nhàng hơn và thống nhất hơn giữa bộ não, hệ thần kinh tự động, hệ thống các hooc môn và hệ thống miễn dịch. Một công ty có tên là HeartMath đã thực hiện các nghiên cứu và cho thấy rằng con người có thể học hỏi để trở nên đồng cảm và tràn đầy tình yêu thương, và cho thấy rằng tạo nên các trạng thái này thông qua việc làm cho mọi người nghĩ về những người thân yêu của họ hoặc nghĩ đến các cảm giác đồng cảm thực sự có thể làm gia tăng mức độ thay đổi của nhịp tim.
Mặc dù vẫn còn trong những ngày đầu, nhưng lĩnh vực nghiên cứu và phương pháp can thiệp bổ sung này có các hệ quả lý thú. Các phương pháp thực hành về tâm linh và tâm lý mà chúng cho phép chúng ta cởi mở hơn đối với các kinh nghiệm sống của riêng chúng ta, ít xét đoán hơn, và biết chấp nhận người khác hơn, cũng như lối sống lành mạnh, thể dục và các mối quan hệ đáng yêu có thể thực sự chữa lành trái tim của chúng ta, cho phép chúng ta hòa nhập trọn vẹn với mọi người, sống lâu hơn và có được cuộc sống hạnh phúc hơn.
Nguồn (Source):
0 comments:
Post a Comment