Friday, March 6, 2015

NHIỄM TRÙNG TAI - CẤP TÍNH (EAR INFECTION - ACUTE) - Do LQT Biên Dịch


CHẨN ĐOÁN

Bác sĩ phải nhớ hỏi phụ huynh xem đứa trẻ gần đây có bị cảm lạnh, cảm cúm, hoặc bị nhiễm trùng đường hô hấp nào khác không.  Nếu đứa trẻ kêu bị đau nhức hoặc có các triệu chứng khác về viêm tai giữa, chẳng hạn như bị nổi đỏ hoặc bị viêm, thì bác sĩ nên loại trừ các nguyên nhân khác.  Các nguyên nhân này có thể bao gồm:

-      Viêm tai giữa tràn dịch.  Viêm tai giữa tràn dịch thường bị nhầm lẫn với viêm tai giữa cấp tính.  Viêm tai giữa tràn dịch có thể bị loại trừ vì chứng bệnh này không phản ứng với thuốc kháng sinh.
-      Các vấn đề về răng (chẳng hạn như sự mọc răng).
-      Nhiễm trùng tai ngoài.  Các triệu chứng bao gồm đau nhức, nổi đỏ, ngứa, và tràn dịch.  Tuy nhiên, nhiễm trùng tai ngoài có thể được khẳng định bằng hành động kéo tai ngoài, mà điều này có thể tạo ra sự đau nhức.  (Hành động này sẽ không tạo ra tác hại nghiêm trọng nếu là viêm tai giữa).
-      Các vật thể lạ trong tai.  Điều này có thể nguy hiểm.  Bác sĩ nên luôn luôn kiểm tra điều này trước tiên khi một trẻ nhỏ tuổi tỏ ra bị đau nhức ở tai hoặc các vấn đề ở tai.
-      Nhiễm virut có thể tạo ra sự nổi đỏ và tình trạng viêm.  Tuy nhiên, các trường hợp nhiễm trùng như vậy không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh mà nó sẽ tự khỏi.
-      Phụ huynh hoặc trẻ muốn lấy ráy tai ra.
-      Khóc nhiều có thể gây ra tình trạng nổi đỏ và viêm ở tai.

Kiểm Tra Sức Khỏe

Các Thiết Bị Được Dùng Cho Việc Kiểm Tra Tai.  Trẻ em nên được khám tai thường xuyên, đặc biệt bởi vì chứng bệnh này rất phổ biến và có thể không gây ra các triệu chứng. 

-      Đầu tiên bác sĩ sẽ lấy ráy tai ra (được gọi là cerumen hoặc earwax) để có thể nhìn rõ vào tai giữa.
-      Bác sĩ sẽ dùng một thiết bị nhỏ giống như đèn pin được gọi là ống soi tai (otoscope) để nhìn trực tiếp vào tai.  Đây là bước chẩn đoán quan trọng nhất.  Ống soi tai có thể cho thấy các dấu hiệu của chứng viêm tai giữa cấp tính, sưng màng nhĩ, và mụn giộp.


Otoscope: Ống soi tai
Eardrum: Màng nhĩ

Ống soi tai là một dụng cụ chiếu sáng giúp cho việc quan sát và kiểm tra tình trạng của ống tai và màng nhĩ.  Việc kiểm tra tai có thể cho biết được nguyên nhân gây ra các triệu chứng chẳng hạn như đau tai, tai có cảm giác đầy, hoặc mất thính lực.






-       Để xác định tình trạng nhiễm trùng tai, bác sĩ nên luôn luôn sử dụng ống soi tai sử dụng khí.  Dụng cụ này sẽ phát hiện bất cứ sự giảm bớt hoạt động nào của màng nhĩ.  Nó có một bong bóng bằng cao su gắn liền vào dụng cụ này để bác sĩ đưa không khí vào tai.  Nén (bóp) vào bong bóng này rồi quan sát hoạt động của không khí tác động lên màng nhĩ cho phép bác sĩ đo được chuyển động của màng nhĩ.
-      Một số bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm tai giữa (tympanometry) để kiểm tra tai.  Trong trường hợp này, một que dò được đưa vào cửa ống tai và có tác dụng bít kín ống tai.  Trong khi áp suất không khí có thể thay đổi, thì một âm thanh có tông ổn định được đưa vào màng nhĩ và năng lượng của nó được ghi lại.  Dụng cụ này có thể phát hiện chất lỏng trong tai giữa và tình trạng tắc nghẽn trong vòi Ot-tát.
-      Một tiến trình tương tự như xét nghiệm tai giữa, được gọi là xét nghiệm phản xạ (reflectometry), cũng có tác dụng đo âm thanh dội lại.  Xét nghiệm này có thể phát hiện chất lỏng và tình trạng tắc nghẽn, nhưng không đòi hỏi phải bít kín ống tai.

Xét nghiệm tai giữa hoặc xét nghiệm phản xạ không thể thay thế cho ống soi tai sử dụng khí, dụng cụ này cho phép bác sĩ nhìn trực tiếp vào tai giữa.

Các Phát Hiện Cho Thấy Bị Viêm Tai Giữa Cấp Tính hoặc Viêm Tai Giữa Tràn Dịch.  Chẩn đoán bị viêm tai giữa cấp tính đòi hỏi cả 3 điều kiện sau:

-      Có bệnh sử bị các triệu chứng đột ngột gần đây.  Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, kéo lỗ tai, đau nhức, khó chịu, hoặc tràn dịch (chứng chảy nước taiotorrhea) từ tai.
-      Có nước trong tai giữa.  Tình trạng này có thể được phát hiện bởi tình trạng ù tai và sưng màng nhĩ hoặc chuyển động của màng nhĩ bị hạn chế.
-      Các dấu hiệu và các triệu chứng của tình trạng viêm.  Các dấu hiệu và các triệu chứng này có thể bao gồm màng nhĩ bị nổi đỏ hoặc đứa trẻ bị khó chịu.  Tình trạng đau tai ảnh hưởng đến giấc ngủ có thể cho thấy có hiện tượng viêm.

Viêm tai giữa cấp tính (có nước và nhiễm trùng) thì thường khó phân biệt với viêm tai giữa tràn dịch (có nước mà không bị nhiễm trùng).  Điều quan trọng là bác sĩ phải phân biệt được hai chứng bệnh này vì viêm tai giữa tràn dịch không cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh.  Ở các bệnh nhân bị viêm tai giữa tràn dịch, bác sĩ có thể thấy được bong bóng hơi (air bubble) và màng nhĩ thường không trong suốt đồng thời màng nhĩ không chuyển động.  Màng nhĩ bị sẹo, trở nên dày hơn, hoặc mờ đục có thể gây khó khăn cho bác sĩ phân biệt được sự khác biệt giữa viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa tràn dịch.

Chẩn Đoán Tại Nhà

Các bậc phụ huynh cũng có thể sử dụng một thiết bị giống như hệ thống định vị dưới mặt nước, chẳng hạn như EarCheck Monitor, để xác định xem có chất dịch trong tai giữa của đứa trẻ không.  EarCheck sử dụng công nghệ đo hệ số phản xạ bề mặt thính giác (acoustic reflectometry technology), công nghệ này làm cho các sóng âm dội lại từ màng nhĩ để đánh giá sự chuyển động của màng nhĩ.  Khi có nước ở phía sau tai giữa (một triệu chứng của chứng viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa tràn dịch), thì màng nhĩ sẽ có thể không linh động.  Thiết bị này có tác dụng như một nhiệt kế tai (ear thermometer) và không gây đau.  Các kết quả cho thấy khả năng có nước trong tai và có thể giúp phụ huynh quyết định xem họ có cần liên lạc với bác sĩ của đứa trẻ không.  Tuy nhiên, điều trị trẻ em bằng thuốc kháng sinh dựa vào các phát hiện của thiết bị này là không được khuyến khích.

Tiến Trình Rút Chất Dịch Trong Tai

Trong các trường hợp hiếm, bác sĩ có thể sẽ cần phải rút chất dịch trong tai bằng cách sử dụng một kim châm để xác định các loại vi khuẩn cụ thể, tiến trình này được gọi là rút chất dịch trong tai (tympanocentesis).  Tiến trình này cũng có thể giúp làm dịu cơn đau tai nghiêm trọng.  Tiến trình này thường được tiến hành bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, và thường chỉ được thực hiện cho các trường hợp nghiêm trọng và tái lại.  Trong đa số các trường hợp, tiến trình rút chất dịch trong tai không nhất thiết được thực hiện để có được sự chẩn đoán chính xác để điều trị hiệu quả.

Xác Định Các Vấn Đề Về Chức Năng Nghe

Các cuộc kiểm tra về chức năng nghe do các bác sĩ về thính học (audiologist) thực hiện thường được khuyến khích cho các trẻ em bị chứng viêm tai giữa tràn dịch kéo dài.  Tình trạng suy giảm khả năng nghe dưới mức 20 dexiben (decibel) thường báo hiệu có vấn đề.

Xác Định Tình Trạng Suy Giảm Chức Năng Nghe ở Trẻ Sơ Sinh và Trẻ Nhỏ.  Một cách đáng tiếc là, thật khó kiểm tra để phát hiện các vấn đề về chức năng nghe ở trẻ sơ sinh.  Có một phương pháp để xác định các vấn đề về chức năng nghe ở trẻ sơ sinh là đánh giá sự phát triển về ngôn ngữ của đứa trẻ:

-      Vào khoảng 4 – 6 tuần, đa số trẻ sơ sinh có chức năng nghe bình thường sẽ tạo ra các âm thanh như tiếng thì thầm.
-      Vào khoảng 5 tháng tuổi, các trẻ sơ sinh sẽ cười lớn và nói những chữ đơn âm bao gồm nguyên âm và phụ âm.
-      Vào khoảng giữa 6 – 8 tháng tuổi, các trẻ sơ sinh đã có thể tạo ra các âm thanh giống như tiếng đa âm tiết.
-      Thường bắt đầu vào khoảng 7 tháng tuổi, và 10 tháng tuổi, các trẻ biết nói bập bẹ (babble).
-      Vào khoảng 10 tháng tuổi, các trẻ có thể xác định và sử dụng những từ ngữ cho cha mẹ, chẳng hạn như dada, baba, hoặc mama.
-      Các trẻ thường có thể nói được tiếng nói đầu tiên lúc bắt đầu 1 tuổi.

Nếu sự phát triển của một đứa trẻ bị trì hoãn nghiêm trọng vượt ngoài các giai đoạn này, thì phụ huynh nên lưu ý khả năng trẻ bị các vấn đề về chức năng nghe.

Xác Định Tình Trạng Suy Giảm Chức Năng Nghe ở Các Trẻ Lớn Tuổi Hơn.  Tình trạng suy giảm chức năng nghe ở các trẻ lớn tuổi hơn có thể được phát hiện bởi những hành vi sau đây:

-      Không nghe được tiếng nói cách xa ngoài 3 feet (gần 1 mét)
-      Khó làm theo chỉ dẫn
-      Hạn chế về từ vựng
-      Có vấn đề về hành vi và quan hệ xã hội














0 comments:

Post a Comment