Tỏi là một loại dược thảo. Người ta thường biết đến tỏi như một gia vị tạo mùi cho thức ăn. Nhưng trong nhiều năm, tỏi đã được sử dụng như một loại thuốc để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiều chứng bệnh và nhiều vấn đề sức khỏe. Tỏi tươi và thực phẩm chức năng được làm từ tỏi được sử dụng làm thuốc.
Thông Tin Mới và Lợi Ích của Tỏi
- Bạn có thể gia tăng các lợi ích sức khỏe từ tỏi bằng cách để tỏi một thời gian ở nhiệt độ phòng sau khi cắt hoặc nghiền nhỏ. Nếu bạn để tỏi được cắt hoặc nghiền nhỏ ở nhiệt độ phòng một khoảng thời gian trước khi nấu hoặc chế biến thức ăn (thay đổi độ pH), thì các men alliinase trong tỏi sẽ có cơ hội phát huy tác dụng giúp ích cho sức khỏe của bạn. Ví dụ, nếu không được cắt hoặc nghiền nhỏ, thì nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần 60 giây trong lò vi ba (microwave oven) tỏi cũng bị mất đi một số đặc tính chống ung thư. Luộc tỏi còn nguyên nhánh cũng làm mất đi một số đặc tính này của tỏi, tương tự với trường hợp cho nguyên liệu có độ axit thấp như nước chanh vào.
- Một số thành phần độc đáo của tỏi tồn tại khá lâu trong thực phẩm. Allicin – một trong những hợp chất lưu huỳnh có giá trị cao nhất – tồn tại chỉ 2 – 16 giờ ở nhiệt độ phòng khi nó ở dạng tinh khiết (chiết xuất). Nhưng khi chất này còn ở trong tỏi được nghiền, thì nó có thể tồn tại khoảng trên 2 ngày.
- Tỏi có thể giúp cải thiện quá trình chuyển hóa sắt trong cơ thể bạn. Đó là vì các chất diallyl sulfide trong tỏi có thể giúp gia tăng quá trình sản sinh một loại protein được gọi là ferroportin. (Ferroportin là một loại protein di chuyển qua màng tế bào, nó hình thành một hành lang cho phép chất sắt được lưu trữ rời khỏi các tế bào và sẵn sàng để dùng khi cần đến).
- Bên cạnh việc được xem là một nguồn chứa nhiều chất selen (selenium), tỏi còn có thể là một nguồn đáng tin cậy. Các nhà khoa học gọi tỏi là loại thực vật “chứa selen”: nó có thể hấp thụ chất selen từ đất ngay cả khi nồng độ selen trong đất không đủ để hấp thụ.
- Các lợi ích bảo vệ tim của tỏi có thể phần nào phụ thuộc vào quá trình sản sinh khí hydro sunfua (hydrogen sulfide – H2S). Các hồng huyết cầu của chúng ta có thể tiêu thụ các phân tử chứa lưu huỳnh (gọi là polysulfides), rồi sử dụng các phân tử này để sản sinh khí H2S. Khí H2S này sau đó có thể giúp làm giãn các mạch máu và giữ cho huyết áp của chúng ta được ổn định. Điều thú vị là, các hồng huyết cầu trong cơ thể người không thể sử dụng một số chất chiết xuất từ tỏi được chế biến để tạo ra các cơ chế bảo vệ tim giống như tỏi ở dạng tươi sống.
- Mặc dù vẫn còn ở các giai đoạn ban đầu, nhưng nghiên cứu đề xuất rằng việc tiêu thụ tỏi thực sự có thể giúp điều tiết số lượng tế bào chất béo được hình thành trong cơ thể chúng ta. 1,2-DT (1,2-vinyldithiin), một trong những hợp chất lưu huỳnh độc đáo trong tỏi, từ lâu đã được xem là có các đặc tính kháng viêm. Nhưng chỉ mới gần đây các nhà nghiên cứu mới khám phá ra một nguyên bào sợi (fibroblastic cell) (gọi là “các tiền tế bào chất béo: preadipocytes”) chỉ phát triển thành các tế bào mỡ hoàn chỉnh (adipocyte) dưới một số điều kiện chuyển hóa bao gồm hoạt động của hệ thống viêm. 1,2-DT có thể có khả năng ức chế quá trình chuyển hóa này. Vì chứng béo phì đang được các nhà nghiên cứu xem là một trạng thái viêm mãn tính cấp thấp, cho nên các lợi ích kháng viêm của chất 1,2-DT trong tỏi sau cùng có thể đi vào lĩnh vực lâm sàng của chứng béo phì.
Với sự kết hợp độc đáo giữa các chất flavonoid và các chất dinh dưỡng chứa lưu huỳnh, những loại rau quả nhóm allium – chẳng hạn như tỏi – nên nằm trong chế độ ăn mỗi ngày của bạn. Có chứng cứ khoa học cho thấy nhóm rau quả allium, như tỏi, được bao gồm ít nhất một khẩu phần trong bữa ăn hàng ngày của bạn. Nếu bạn chọn tỏi, hãy sử dụng ít nhất nửa nhánh tỏi trong khẩu phần ăn của bạn. Nếu bạn nấu một món ăn nào đó, hãy thêm vào ít nhất 1 – 2 nhánh tỏi.
Tỏi là một loại gia vị tuyệt vời giúp tạo mùi vị và thêm vào các chất dinh dưỡng cho các món ăn của bạn. Tỏi tươi được cắt hoặc nghiền nhỏ thường được đề xuất sử dụng trong các món ăn để tận dụng các lợi ích sức khỏe của tỏi. Tuy nhiên, nếu bạn không thể ăn được tỏi sống, bạn có thể thêm tỏi băm nhỏ vào thức ăn trong lúc đang nấu. Tốt nhất là nên cho tỏi vào thức ăn sau khi vừa nấu xong để giữ được tối đa mùi vị và chất dinh dưỡng trong tỏi.
Các Chất Dinh Dưỡng Trong Tỏi 1,00 oz (18,00 g) | |
Chất Dinh Dưỡng | %Giá Trị Dinh Dưỡng Hàng Ngày |
mangan | 15% |
vitamin B6 | 11% |
vitamin C | 9,3% |
Selen (selenium) | 3,6% |
Canxi (calcium) | 3,2% |
tryptophan | 3,1% |
Photpho (phosphorus) | 2,7% |
vitamin B1 | 2,6% |
Đồng (copper) | 2,5% |
Calories (26) | 1% |
Biểu đồ này mô tả chi tiết giá trị dinh dưỡng mỗi ngày, trong đó một khẩu phần tỏi cung cấp các chất dinh dưỡng mà theo đó được đánh giá là tốt, rất tốt, và lý tưởng theo Hệ Thống Đánh Giá Thực Phẩm của chúng tôi.
CÁC LỢI ÍCH SỨC KHỎE
Có nhiều sách đã viết về tỏi, một loại dược thảo được gọi một cách trìu mến “hoa hồng có mùi khó chịu – stinky rose” khi nói đến vô số lợi ích trị liệu của nó. Là một thành viên của họ hoa loa kèn hay họ Allium, bao gồm hành và tỏi tây (leek), tỏi chứa dồi dào các hợp chất lưu huỳnh mạnh bao gồm thiosulfinate (allicin trong số này được biết đến nhiều nhất), sulfoxide (alliin trong số này được biết đến nhiều nhất), và dithiin (ajoene trong số này được nghiên cứu nhiều nhất). Mặc dù các hợp chất này là nguyên nhân tạo ra mùi hăng đặc trưng của tỏi, nhưng chúng cũng là nguồn cung cấp các tác dụng có lợi cho sức khỏe.
Có nhiều nghiên cứu gần đây đã xác định thêm các hợp chất chứa lưu huỳnh có tác dụng tạo ra vị trí ngôi sao của tỏi trong vai trò của một thực phẩm hỗ trợ sức khỏe. Các hợp chất lưu huỳnh này bao gồm 1,2-vinyldithiin (1,2-DT), và thiacremonone. Khí H2S, có thể được tạo ra từ các chất sulfide của garlic, cũng là đề tài quan tâm của nhiều nghiên cứu khoa học. Sau khi được sản sinh và được phóng thích từ các hồng huyết cầu, khí H2S có thể giúp làm giãn mạch và giúp ổn định huyết áp.
Cuối cùng, khi nghĩ về các hợp chất lưu huỳnh trong tỏi, điều quan trọng phải nhớ rằng bản thân chất lưu huỳnh là một phần quan trọng của sức khỏe con người. Một số nghiên cứu đã lưu ý rằng chế độ ăn trung bình của người Mỹ có thể bị thiếu hụt chất lưu huỳnh, và lưu ý rằng các loại thực phẩm giàu chất lưu huỳnh (sulfur) có thể rất quan trọng cho sức khỏe của chúng ta. Ngoài tất cả các hợp chất chứa lưu huỳnh được liệt kê ở trên, tỏi còn là một nguồn chứa rất nhiều chất mangan (manganese), chứa nhiều B6, vitamin C, và là nguồn chứa selen (selenium).
Các Lợi Ích Về Tim Mạch
Đa số các nghiên cứu về tỏi và hệ thống tim mạch đã được thực hiện trên bột tỏi, dầu tỏi, hoặc các chất chiết xuất từ tỏi thay vì ở dạng tỏi sống. Nhưng cho dù những hạn chế của các nghiên cứu này, các nghiên cứu về tỏi vẫn cho thấy nhóm rau quả allium có các đặc tính bảo vệ tim quan trọng. Hiển nhiên tỏi có thể giúp hạ giảm các chất béo trung tính trong máu và hàm lượng cholesterol tổng cộng, cho dù sự hạ giảm này có thể có tỷ lệ khiêm tốn (5 – 15%).
Nhưng tác dụng hạ giảm chất béo trung tính (triglyceride) và cholesterol không phải là các lợi ích bảo vệ tim nổi bật nhất. Các lợi ích hàng đầu đó rõ ràng có tác dụng bảo vệ tế bào máu và mạch máu chống lại tình trạng viêm và áp lực oxy hóa (oxidative stress). Tình trạng hủy hoại màng lót các mạch máu do các phân tử oxy hoạt tính cao gây ra là một yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ bị các rối loạn về tim mạch, bao gồm nhồi máu cơ tim và xơ vữa động mạch (atherosclerosis: xơ cứng động mạch). Áp lực oxy hóa cũng dẫn đến các tình trạng viêm ngoài ý muốn, và chính sự kết hợp giữa tình trạng viêm ngoài ý muốn và áp lực oxy hóa đã làm cho các mạch máu bị nguy cơ hình thành các mảng vữa và nghẽn mạch ngoài ý muốn. Tập hợp các hợp chất chứa lưu huỳnh độc đáo của tỏi giúp bảo vệ cơ thể chúng ta chống lại cả hai khả năng, áp lực oxy hóa và tình trạng viêm ngoài ý muốn.
Sau đây là danh sách các thành phần chứa lưu huỳnh có tác dụng giúp hạ giảm nguy cơ bị áp lực oxy hóa:
- alliin
- allicin
- allixin
- allyl polysulfides (APS)*
- diallyl sulfide (DAS)
- diallyl disulfude (DADS)
- diallyl trisulfide (DATS)
- N-acetylcysteine (NAC)
- N-acetyl-S-allylcysteine (NASC)
- S-allylcysteine (SAC)
- S-allylmercaptocysteine (SAMC)
- S-ethylcysteine (SEC)
- S-methylcysteine (SMC)
- S-propylcysteine (SPC)
- 1,2-vinyldithiin (1,2-DT)
- thiacremonone
* "Allyl polysulfides" là một thuật ngữ thông thường ám chỉ một loạt các hợp chất khác nhau.
Ở vế kháng viêm của phương trình này, 1,2-vinyldithiin (1,2-DT) và thiacremonone của tỏi là các hợp chất được đặc biệt quan tâm trong các nghiên cứu gần đây. Cả hai hợp chất này có khả năng ức chế hoạt động của các phân tử gây viêm. Trong trường hợp của chất thiacremonone, protein NFkappaB (yếu tố gây viêm) bị ức chế. Trong trường hợp của chất 1,2-DT, người ta vẫn chưa rõ các cơ chế kháng viêm thực sự, mặc dù sự phóng thích các phân tử gây viêm như interleukin 6 (IL-6) và interleukin 8 (IL-8) bởi các đại thực bào đã được chứng minh giảm xuống trong các mô mỡ trắng dưới tác động của 1,2-DT. Sự kết hợp giữa các hợp chất kháng viêm và kháng áp lực oxy hóa trong tỏi đã làm cho nó trở thành một loại thực phẩm độc đáo hỗ trợ cho tim mạch, đặc biệt đối với các rối loạn thoái hóa tim mạch mãn tính như xơ vữa động mạch (xơ cứng động mạch).
Bên cạnh khả năng giúp ngăn ngừa tình trạng nghẽn mạch, tỏi còn có thể giúp ngăn ngừa các huyết khối hình thành bên trong các mạch máu. Tác dụng bảo vệ tim mạch này được xem gắn liền với một chất disulfide đặc biệt trong tỏi có tên là ajoene. Ajoene được chứng minh nhiều lần là có các đặc tính kháng huyết đông. Chất này có thể giúp ngăn ngừa một số tế bào trong máu (gọi là tiểu huyết cầu) kết dính với nhau, bằng cách này, nó giúp hạ giảm nguy cơ các tiểu huyết cầu hình thành huyết khối.
Ấn tượng tương tự về tỏi là khả năng hạ huyết áp. Các nhà nghiên cứu đã biết (trong khoảng 10 năm) rằng thuốc allicin được chế biến từ chất alliin trong tỏi có tác dụng ngăn chặn hoạt động của angiotensin II. Angiotensin II, một mảnh protein (peptide), có tác dụng giúp các mạch máu của chúng ta co thắt. (Khi các mạch máu co thắt, máu bị ép đi qua một khoảng không nhỏ hơn, do đó huyết áp sẽ gia tăng). Bằng cách ngăn chặn hoạt động của chất angiotensin II, thuốc allicin có thể giúp ngăn ngừa tình trạng co thắt ngoài ý muốn của các mạch máu và sự gia tăng huyết áp ngoài ý muốn.
Tuy nhiên, gần đây các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng tỏi hỗ trợ huyết áp của chúng ta theo một cách hoàn toàn khác. Tỏi chứa dồi dào các phân tử chứa lưu huỳnh có tên là polysulfide. Xem ra các chất polysulfide này, sau khi ở trong các hồng huyết cầu, có thể được hồng huyết cầu tiếp tục chuyển hóa thành một loại khí có tên là hydro sulfua H2S (hydrogen sulfide). Khí H2S giúp kiểm soát huyết áp của chúng ta bằng cách kích thích làm giãn các mạch máu. Sau khi khoảng không bên trong các mạch máu mở rộng, huyết áp sẽ hạ xuống. (Khí H2S được mô tả là một “chất dẫn truyền khí” và được đưa vào cùng hạng mục với khí ôxít nitric (NO) là một phân tử đưa tin (messaging molecule) mà nó có thể giúp giãn nở và thư giãn thành mạch của chúng ta). Điều thú vị là, các hồng huyết cầu xem ra không sử dụng các chất chiết xuất từ tỏi được chế biến theo cách tương tự với các chất polysulfide trong tỏi sống.
Vô số các tác dụng có lợi cho tim mạch của tỏi không chỉ do các hợp chất lưu huỳnh, mà còn do vitamin C, vitamin B6, selen (selenium) và mangan (manganese). Tỏi là một nguồn rất tốt chứa vitamin C, một chất phòng thủ chống oxy hóa chính của cơ thể trong tất cả các khu vực có chất lỏng, chẳng hạn như máu, là nơi vitamin C giúp bảo vệ cholesterol LDL không bị oxy hóa. Chính vì dạng cholesterol LDL bị oxy hóa gây hủy hoại các thành mạch máu, cho nên biện pháp giảm số lượng các gốc tự do gây oxy hóa trong máu có thể đóng một vai trò đáng kể trong việc phòng tránh bệnh tim mạch.
Vitamin B6 trong tỏi giúp ngăn ngừa bệnh tim thông qua một cơ chế khác: hạ giảm hàm lượng homocysteine. Một sản phẩm trung chuyển của một quá trình sinh hóa tế bào quan trọng có tên là chu kỳ metyl hóa (methylation cycle), homocysteine có thể trực tiếp hủy hoại các thành mạch máu.
Chất selen (selenium) trong tỏi có thể trở thành một phần quan trọng của hệ thống chống oxy hóa của cơ thể chúng ta. Là một chất đồng yếu tố (cofactor) của men glutathione peroxidase (một trong các men chống oxy hóa quan trọng nhất được sản sinh trong cơ thể), selen cũng kết hợp với vitamin E trong một số các hệ thống chống oxy hóa quan trọng.
Tỏi không chỉ chứa dồi dào selen, mà còn chứa dồi dào một khoáng chất có tên là mangan (manganese), có chức năng là một chất đồng yếu tố trong một số các men phòng thủ chống oxy hóa quan trọng khác, chẳng hạn như men superoxide dismutase. Các nghiên cứu đã tìm thấy rằng ở những người thành niên bị thiếu hụt mangan, thì hàm lượng cholesterol “tốt” HDL bị giảm xuống.
Các Lợi Ích Kháng Viêm Trong Các Hệ Thống Cơ Thể
Hệ thống tim mạch của chúng ta không phải là một hệ thống cơ thể duy nhất nhận được lợi ích từ các đặc tính kháng viêm của tỏi. Có chứng cứ sơ bộ (phần lớn từ các nghiên cứu ở động vật, và phần lớn dựa trên các chất chiết xuất từ tỏi thay vì tỏi nguyên nhánh) cho thấy rằng hệ thống cơ xương (musculoskeletal system) và hệ thống hô hấp cũng có thể nhận được lợi ích từ các hợp chất kháng viêm ở tỏi. Cả hai chất diallyl sulfide (DAS) và thiacremonone trong tỏi đã được chứng minh có các đặc tính chống viêm khớp. Và trong trường hợp viêm dị ứng đường hô hấp, chất chiết xuất từ tỏi đã được chứng minh có khả năng cải thiện các trường hợp viêm (một lần nữa trong các nghiên cứu ở động vật).
Càng có nhiều chứng cứ của nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng một số trường hợp viêm của chứng béo phì có thể được thay đổi nhờ các hợp chất chứa lưu huỳnh trong tỏi. Một cách cụ thể là, có một giai đoạn trong quá trình phát triển của các tế bào chất béo (adipocytes) của cơ thể xem ra có liên quan mật thiết với tình trạng của hệ thống viêm của chúng ta. Các tế bào chất béo không thể phát triển hoàn chỉnh trừ khi chúng có thể tiến triển từ giai đoạn ban đầu được gọi là “tiền tế bào chất béo – preadipocyte” đến giai đoạn cuối được gọi là “tế bào chất béo – adipocyte”. Một trong số các hợp chất lưu huỳnh trong tỏi (1,2,-vinyldithiin, or 1,2-DT) xem ra có khả năng làm suy giảm quá trình chuyển hóa các tiền tế bào mỡ thành tế bào mỡ, và tác động của chất 1,2-DT xem ra có liên quan đến quá trình viêm. Mặc dù còn rất sơ bộ, nhưng nghiên cứu về chất 1,2-DT này tỏ ra khá thú vị bởi vì chứng béo phì đang được xem là một chứng bệnh đặc trưng bởi quá trình viêm mãn tính cấp thấp và các phản ứng viêm của cơ thể chúng ta là nơi chất 1,2-DT tạo ảnh hưởng rõ ràng nhất.
Các Lợi Ích Kháng Khuẩn và Kháng Virut
Từ một cách nhìn của lịch sử y học, các đặc tính kháng khuẩn và kháng virut của tỏi có lẽ là đặc điểm được biết đến nhiều nhất. Loại rau quả nhóm allium này và các hợp chất chứa trong đó đã được nghiên cứu không chỉ về các lợi ích kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn và virut, mà còn kiểm soát tình trạng nhiễm trùng từ các vi sinh vật khác bao gồm nấm/nấm men và trùng. (Một chất disulfide đặc biệt ở tỏi, có tên là ajoene, đã được sử dụng thành công để giúp ngăn ngừa các trường hợp nhiễm nấm men Candida albican). Các nghiên cứu gần đây nhất đã cho thấy khả năng của tỏi tươi được nghiền nhỏ trong việc giúp ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa ở các bệnh nhân bị bỏng (phỏng). Ngoài ra, có một sự quan tâm đặc biệt đó là khả năng của tỏi giúp điều trị các trường hợp nhiễm vi khuẩn khó trị vì có các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh do bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, đa số các nghiên cứu về tỏi trong vai trò thuốc kháng sinh sử dụng các chất chiết xuất từ tỏi hoặc các sản phẩm bột tỏi thay vì tỏi tươi nguyên nhánh.
Sự phát triển quá nhiều vi khuẩn Helicobacter pylori trong bao tử - một yếu tố nguy cơ quan trọng gây chứng loét dạ dày – cũng là một lĩnh vực quan trọng được quan tâm vì các nhà nghiên cứu muốn khám phá các lợi ích kháng khuẩn của tỏi. Tuy nhiên, các kết quả trong lĩnh vực này vẫn chưa thống nhất và chưa đem lại kết quả cuối cùng. Mặc dù tỏi có thể không có khả năng thay đổi bản thân quá trình nhiễm trùng, nhưng tỏi vẫn mang lại các lợi ích sức khỏe trong việc giúp điều chỉnh phản ứng của cơ thể đối với tình trạng nhiễm trùng đó.
Ngăn Ngừa Ung Thư
Mặc dù chứng cứ không đủ thuyết phục như trong các nghiên cứu về nhóm rau quả họ cải, nhưng các nghiên cứu về nhóm rau quả allium – bao gồm tỏi – cho thấy rằng các loại rau quả này có các đặc tính chống ung thư quan trọng. Một điều thú vị là, việc tiêu thụ nhiều tỏi (tiêu thụ gần như mỗi ngày) được tìm thấy có khả năng hạ giảm nguy cơ mắc phải hầu như tất cả các chứng bệnh ung thư ngoại trừ ung thư tuyến tiền liệt (ung thư nhiếp hộ tuyến) và ung thư vú. Tuy nhiên, tiêu thụ tỏi với lượng vừa phải (tiêu thụ mỗi tuần vài lần) được tìm thấy liên tục là có khả năng hạ giảm nguy cơ của hai dạng ung thư – ung thư trực tràng hoặc kết tràng và ung thư thận. Sự khác biệt giữa việc tiêu thụ “nhiều” và “vừa phải” tỏi có thể là một sự khác biệt thực sự mà từ đó cho thấy rằng tất cả chúng ta cần ăn nhiều tỏi hơn nếu như chúng ta muốn tăng tối đa các lợi ích chống ung thư của nó. Hoặc đó có thể là một sự khác biệt mà có liên quan nhiều đến những vấn đề phức tạp trong nghiên cứu bao gồm các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu được cho chọn lựa khi báo cáo số lượng thức ăn họ tiêu thụ. Tuy nhiên, tỏi có một kỷ lục liên quan đến các lợi ích chống ung thư thông thường, và có các cơ sở khoa học hợp lý để phân loại tỏi là một loại thực phẩm chống ung thư.
Các chất allyl sulfide được tìm thấy trong tỏi có thể đóng một vai trò quan trọng trong các lợi ích ngăn ngừa ung thư của nó. Các hợp chất này trong tỏi có thể kích hoạt một phân tử có tên là yếu tố nhân hồng cầu (nuclear erythroid factor – Nrf2) trong khoang chính của tế bào. Phân tử Nrf2 sau đó sẽ di chuyển từ khoang chính này vào trong nhân tế bào, ở đó nó kích thích một loạt các hoạt động chuyển hóa (metabolic activity). Trong một số trường hợp, tập hợp các sự kiện này có thể giúp chuẩn bị cho tế bào tham gia vào một đáp ứng mang tính sống còn một cách mạnh mẽ, và đặc biệt, đây là loại phản ứng cần thiết trong các trường hợp bị áp lực oxy hóa. Trong các trường hợp khác, tập hợp các quá trình này có thể giúp chuẩn bị cho tế bào tham gia vào quá trình tự hủy bào được lập trình(apoptosis). Khi một tế bào nhận ra rằng nó không còn khả năng tiếp tục thực hiện chức năng hoạt động bình thường khi phối hợp với các tế bào khác nữa, thì nó sẽ ngưng phân bào, và về cơ bản, nó sẽ bắt đầu tự phá hủy và tái phục chế các bộ phận của nó. Điều quan trọng là một tế bào phải biết xác định khi nào nên tiếp tục và khi nào phải tự hủy, vì các tế bào nào vẫn tiếp tục hoạt động mà không còn khả năng hoạt động bình thường hoặc không còn khả năng trao đổi thông tin một cách hiệu quả với các tế bào khác nữa thì có nguy cơ chúng sẽ trở thành các tế bào ung thư. Khả năng kích hoạt phân tử Nrf2 của các chất allyl sulfide trong tỏi cho thấy rằng tỏi có thể có khả năng giúp thay đổi các phản ứng của tất cả tế bào quan trọng này và ngăn ngừa sự hình thành các tế bào ung thư có thể xảy ra.
Một lĩnh vực đặc biệt thú vị của các nghiên cứu về tỏi và khả năng ngăn ngừa ung thư bao gồm thịt được nấu ở nhiệt độ cao. Các chất heterocyclic amine (HCA) là các chất có liên quan đến ung thư và có thể hình thành khi thịt được nấu ở nhiệt độ cao (400 oF hoặc 204 oC hoặc cao hơn). Một loại chất HCA có tên là PhIP (viết tắt của 2-amino-1-methyl-6- phenylimidazopyridine), được xem là một tác nhân làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú ở những phụ nữ ăn nhiều thịt vì nó nhanh chóng chuyển hóa thành các hợp chất hủy hoại DNA.
Chất diallyl sulfide (DAS), một trong nhiều hợp chất chứa lưu huỳnh trong tỏi, đã được chứng minh có khả năng ức chế quá trình chuyển hóa chất PhIP thành các chất gây ung thư. Chất DAS ngăn chặn quá trình chuyển hóa này bằng cách giảm bớt sự sản sinh các men gan (CYP1A1, CYP1A2 and CYP1B1), các men này chuyển hóa PhIP thành các hợp chất hoạt tính hủy hoại DNA. Dĩ nhiên, biện pháp ngăn ngừa sự hình thành chất PhIP tối ưu đầu tiên là không nên nấu thịt ở nhiệt độ 400 oF/204 oC. Nhưng lĩnh vực nghiên cứu này vẫn hỗ trợ quan điểm của chúng ta về tỏi như một loại rau quả allium với các đặc tính ngăn ngừa ung thư quan trọng.
Tỏi và Quá Trình Chuyển Hóa Chất Sắt
Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng tỏi có thể có khả năng cải thiện quá trình chuyển hóa chất sắt trong cơ thể chúng ta. Khi tỏi được lưu trữ trong các tế bào của cơ thể, một trong các hành lang quan trọng để nó di chuyển ra khỏi tế bào và trở lại sự tuần hoàn của máu có liên quan đến một protein có tên là ferroportin. Ferroportin là một protein di chuyển qua màng tế bào, bắc cầu cho sắt đi qua và rời khỏi tế bào. Tỏi có thể có khả năng giúp cơ thể gia tăng quá trình sản sinh protein ferroportin, từ đó giúp chất sắt tuần hoàn trong máu khi cần đến.
0 comments:
Post a Comment